Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Hình ảnh trong thơ siêu thực

Hình ảnh trong thơ siêu thực
"Câu thơ, một cách triết lý
bù đắp cho sự khiếm khuyết của ngôn ngữ"
(Mallarmé)
I. Từ tượng trưng đến siêu thực: chủ nghĩa tượng trưng đề nghị thơ không phải là miêu tả, kể chuyện, mà phải chạm tới bản chất của sự vật, bên kia cái vẻ bề ngoài của nó -, thơ phải sử dụng tượng trưng (symbole), mang tính khơi gợi, tính lỏng, tính nhạc, tính phù chú. Nerval (1808-1855) và Baudelaire (1821-1867) là hai người mở đầu cho tượng trưng. Baudelaire gọi vũ trụ là "rừng biểu tượng", là "những tương ứng" theo trục dọc và trục ngang: "Hương thơm, màu sắc, thanh âm tương ứng nhau". Mallarmé (1842-1898), người không hoàn toàn thuộc về trường phái nào, nhưng lại đẩy chủ nghĩa tượng trưng tới thơ bí hiểm (hermétisme), luyện đan. Ông cho rằng ngôn ngữ thông thường không thể nói được cái bản chất thực sự của sự vật, nên câu thơ phải tạo ra từ ngữ mang tính "tổng thể, mới, xa lạ với ngôn ngữ thông thường và giống như thần chú". "Bù đắp cho sự khiếm khuyết của ngôn ngữ", theo Mallarmé, "chính là dự tính bổ sung cho sự bất lực cố hữu ở mọi ngôn ngữ của con người để thiết lập nên một sự liên hệ về sự tương đồng giữa ngôn ngữ và thế giới, giữa từ ngữ và sự vật, giữa các kí hiệu đã được tổ chức trong các hệ thống và sự hiện diện mang tính chất vật lí, vật chất, cụ thể, của con người, của các đối tượng, các cảm giác mà chúng làm thức dậy" ([1]). Tạo ra từ ngôn ngữ một công cụ có khả năng gọi hồn và gợi nhắc, thơ không được kể chuyện, "không phải miêu tả sự vật, mà là kết quả cái sự vật đó sản sinh ra". Đó chính là mối dây liên hệ bản chất của chủ nghĩa tượng trưng với thơ hiện đại sau này. Người "tiền nhiệm" gần nhất của chủ nghĩa siêu thực là Apollinaire (1880-1918). Ngay trongThơ hình vẽ (Calligrammes - 1918) ông đã báo hiệu cho siêu thực: "Những bề thẳm sâu của ý thức/Ngày mai đây ta sẽ thám hiểm các ngươi..."; và "Chiến thắng trước tất cả sẽ là/Nhìn thật kỹ ở xa/Nhìn tất cả/Từ gần/Và ước sao tất cả có một cái tên mới". "Cái tên mới" đó là siêu thực.
Chủ nghĩa siêu thực "là một cuộc cách mạng văn hóa, bởi vì nó đã đề xuất với chúng ta sự đảo lộn các ý tưởng, các hình ảnh, các huyền thoại, các thói quen thuộc về tinh thần đã quyết định đồng thời nhận thức của chúng ta đang có về chính chúng ta và về thế giới và sự dấn thân của chúng ta vào thế giới đó"([2]).
II. Hình ảnh trong thơ siêu thực:
Trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực (1924), André Breton (1896-1966) đã coi Pierre Reverdy (1889-1960) là người đã đặt ra tiêu chí về hình ảnh, ưu tiên cho cái đột nhiên của cảm hứng chống lại định hướng mang tính phương pháp của suy tưởng. Reverdy đã định nghĩa về hình ảnh trong tạp chí Bắc-Nam của mình như sau: "Hình ảnh là một sáng tạo thuần túy tâm linh. Nó không thể sinh ra từ so sánh, mà từ sự sáp vào nhau của hai thực tại ít hay nhiều xa nhau. Những quan hệ của hai thực tại được đặt cạnh nhau càng xa nhau và càng thích đáng, thì hình ảnh sẽ càng mạnh mẽ - nó sẽ càng có sức mạnh xúc cảm và sức mạnh về thực tại thơ...".
Thơ siêu thực được sinh ra từ hai phát hiện lớn: cái viết tự động và hình ảnh. Khi thơ thiếu vắng vần luật thì hình ảnh quyết định cho bài thơ. Hình ảnh trong thơ siêu thực là "những va đập chói lòa của từ ngữ" (J.Vaché) thường mang tính chất mộng mị, chiêm bao (onirique). Các nhà thơ siêu thực đều là những người xây dựng hình ảnh lạ và bất ngờ. Trong cuốn Chủ nghĩa siêu thực, Robert Bréchon([3]) đã thấy có ba cấp độ xây dựng hình ảnh cơ bản của siêu thực.
1. Từ "như" (comme) so sánh:
Những chủ nhật đã đi qua như rắn nước đang đi qua
Leiris
Bông hoa này của núi rừng đã vàng đi như những giọt lệ của chúng ta
Shéhadé
Bão tố của mùa màng tốt tươi như bàn tay không ngón
Eluard
áo măng tô của nàng kéo lê như một mặt trời lặn và
chuỗi ngọc trên cổ nàng đẹp như những chiếc răng
Desnos
So sánh có hai vế A như B này đơn giản và phổ cập quát, ngay từ trong ca dao dân gian đã có: "Thân em như hạt mưa sa...". Tuy nhiên, vế B của siêu thực thường gây sửng sốt, "chói lòa", bất ngờ, bởi tính chất mộng mị, "siêu thực" của nó.
2. Cấp độ thứ hai, thay vì được kết hợp bởi liên từ "như" (hoặc từ tương đương) thì A và B lại được đặt cạnh nhau:
Cây đậu tía áo dài hun khói
Cây dương địa hoàng pha lê mịn
Cây hoa đinh những đôi môi sản sinh
Em duy nhất và anh nghe thấy cỏ từ tiếng em cười
Eluard
"Cỏ" và "tiếng em cười" là hai "thực tại" xa nhau được sáp nhập vào nhau cho tri giác về âm thanh vang lên của tiếng cười vui vẻ với cái nhìn đồng cỏ xanh rờn đã trở thành biểu tượng cho sự trẻ trung đầy hy vọng. Tai ở đây làm thay cả nhiệm vụ của mắt: "nghe thấy cỏ".
Malcolm de Chazal làm ra những câu thơ giống như những châm ngôn ngây thơ qua hệ từ (copule) - sử dụng động từ "là" để nối A với B:
Những thung lũng là những chiếc nịt vú của gió
Hoa hồng, đó chính là những chiếc răng sữa của mặt trời.
Màu sắc là cái xỏ giày của mắt
Những hình thái này, theo Bréchon, là trung gian giữa so sánh và ẩn dụ: một lối so sánh cụt(comparaison tronquée) thông qua cú pháp mà một trong hai vế làm chức năng xác định đã trở thành thuộc ngữ.
Ngoài ra, các nhà siêu thực còn tạo cho giới từ de một quan hệ so sánh gần như đặc biệt. Do phải chuyển dịch sang ngôn ngữ của chúng ta, nên vị trí của giới từ de theo nghĩa quan hệ so sánh mà các nhà siêu thực ước định, tôi để gạch chéo để chúng ta thấy được sự phân cách giữa A và B:
Đôi mắt vợ tôi/ đồng cỏ lớn
Đôi mắt vợ tôi/ nước uống trong tù
Đôi mắt vợ tôi/ cây luôn dưới lưỡi rìu
Đôi mắt/ mực nước mực không khí đất đai và lửa
Breton
Hình hoa hồng/ say sưa ở trên đỉnh vú...
Một mạch nước phun/ những bàn tay điên rồ...
Đồng hồ cát/ áo dài rơi xuống...
Trò đánh gôn/ một ổ khóa...
Quyển sách mở/ những cánh cửa con của tôi đóng lại...
Đàn ống/ những đêm của tôi chậm rãi...
Eluard
... Dây trường xuân/ thân thể tôi...
Đảo/ cái bụng của nó...
Char
3. Bréchon cho rằng còn một loại so sánh thứ ba rất đặc thù của siêu thực: đó là ẩn dụ cụt (métaphore tronquée), nghĩa là không còn sự đặt gần nhau của hai phần được so sánh nữa mà là sự thay thế từ vế này sang vế kia. Đây là loại hình ảnh được kết hợp phức tạp nhất của siêu thực. Ví dụ hai câu thơ của Breton sau đây rất hay được dẫn:
Trên cây cầu, vào cùng một giờ
Cũng vậy hạt sương trên đầu con mèo cái đang tự dối mình.
Rõ ràng ở đây không thể biết được chắc chắn những vế nào dùng để so sánh. "Hạt sương" gợi nhắc đến "mèo cái" hay ngược lại? Sự sáp lại gần nhau của hai "thực tại" trên không mang chức năng gợi ý đến sự tương đồng giữa chúng mà lại giống như một thực thể siêu nhiên. Ta thấy những ví dụ 2. ở bên trên ít ra là còn có mối dây liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó, nhưng ở đây rất khó "nối" chúng lại với nhau. Ví dụ khác:
Trong khu rừng bị thiêu cháy
Những con sư tử mát tươi.
Vitrac
Những con quạ có những ngôi nhà thờ le lói...
... Nơi đó những bộ ngực đẹp nhất thế gian tập hợp quanh mình để hét lên
Không...
Péret
Trẻ em chạy trong rừng ngập tràn tiếng huýt còi tơ lụa
Schéhadé
Hoàn toàn vắng mối liên hệ logic. Mặc dù khó hiểu, nhưng ẩn dụ cụt này lại chỉ ra "bản chất thật sự của hình ảnh siêu thực" hơn những ví dụ ở 1. và 2. bên trên. Trong thơ siêu thực: "Ta có thể nói rằng không bao giờ có so sánh thực sự" và chỉ nhằm đến "ý định phúng dụ" (Bréchon). Sự sai biệt và sự phi lý là hai tính chất đích thực của hình ảnh siêu thực. Dẫu vậy, hình ảnh siêu thực vẫn tạo ra ý nghĩa, "trong và qua hình thái đó, ý nghĩa cùng một lúc bị mất đi và tìm thấy lại" (Cohen).
III. Một chút so sánh, liên hệ: Chưa thể đi sâu hết ngay một lúc để so sánh sự khác nhau về cơ chế xây dựng hình ảnh ở mọi cấp độ của tượng trưng và siêu thực. Tuy nhiên, xin được dừng ở cấp độ 1. sơ đẳng, phổ quát nhất:
"... những ánh nhìn thân quen/ Như những tiếng vang dài.../ Trong một đơn nhất tăm tối và thẳm sâu/ Mênh mông như đêm tối và mênh mông như ánh sáng..." (Baudelaire)
"Tên của nàng ư? Tôi nhớ rằng nó ngọt ngào và âm vang/ Như những cái tên người yêu..."; hoặc: "Và những giấc mơ kì lạ/ Như những mặt trời/ Lặn trên bãi sỏi..." (Verlaine)
"Trên làn nước yên lặng và đen đúa những ngôi sao đang ngủ,/ Nàng Ophélia trắng tinh bập bềnh như một bông huệ lớn"; "Ôi Ophélia xanh xao, em đẹp như tuyết..." (Rimbaud)
"Từ màu xanh da trời vĩnh cửu sự mỉa mai thanh thản/ Đè nặng, đẹp một cách biếng lười như những bông hoa" (Mallarmée)
Ta thấy những hình ảnh này không hoàn toàn bất ngờ, sai biệt hay phi lí. Tất cả vẫn nằm ở bình diện hữu thức, trí năng mà không phải chiêm bao, mộng mị. Tất nhiên, đây mới chỉ là so sánh hình ảnh ở cấp độ 1. đơn giản nhất. Di sản của chủ nghĩa tượng trưng để lại chính là cách nhìn vào bản chất của sự vật để tạo ra những hình ảnh mới, lạ và sâu xa chứ không phải "kể" lại chúng một cách xúc động như lãng mạn.
Liên hệ với chúng ta, tôi nhớ đến bài viết có tên Tính hiện đại trong thơ của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã đăng trên Văn nghệ (số 1, 5-1-2002). Bài viết ngắn, nhưng sâu sắc, nhiều trách nhiệm với thơ hôm nay. Một số thí dụ ông đã dẫn trong bài để nhắc đến tính chất siêu thực đã có từ xưa trong thơ Việt Nam, rất đặc sắc: "Gió đập tường cao lưng gió phẳng/ Trăng dòm cửa sổ mặt trăng vuông" (không nhớ tác giả); "Vàng rụng giếng ngô sa lá gió/ Bạc xuy giậu cúc nảy chồi sương" (Tương An quận vương thời Tự Đức); "Mai bạc lạnh quen nhiều tháng trước,/ Cúc vàng thơm đổi mấy phen hoa" (Nguyễn Bỉnh Khiêm); "Phấn hoa đầu cành làm nặng râu ong/ Bùn khóm rau cần làm thơm dấu chân chim én" (Nguyễn Ức đời Trần)....
Những hình ảnh này là thơ siêu thực. Những câu thơ rất giàu trí tuệ, xúc cảm. Tất nhiên, một vài từ ngữ, do khoảng cách thời gian, có thể đã bị cũ đi hoặc hiếm gặp lại; nhưng, "lưng gió phẳng"; "mặt trăng vuông" hay "thơm dấu chân chim én" thì đến nay vẫn như vừa mới viết, còn thơm mùi mực. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm có ý kiến rất đáng lưu ý được viết ở gần cuối bài: "Thơ hiện đại không dành chỗ cho những cây bút bản năng vì không gian của thơ phải rộng, tầm tri thức của nhà thơ phải sâu". Thơ Việt Nam hiện đại đã có thành tựu, song có lẽ đấy lại là một bài viết khác.
Kết luận: đến nay, chủ nghĩa siêu thực đã đi vào dĩ vãng. (Nhưng khác với chủ nghĩa đa đa (dadaisme) ra đời trước nó, với tham vọng làm bọn trưởng giả "tẹt mỏ", đã sớm đi vào ngõ cụt). Dư vị của siêu thực vẫn còn trong thơ đương đại Pháp hôm nay, tuy đã bị biến thái trên nhiều ngả thử nghiệm khác nhau. Tôi nghĩ, thơ siêu thực đã để lại ba ảnh hưởng: 
1) Tích cực, chủ động chống lại sự xói mòn, sơ cứng của từ, tìm nghĩa mới cho từ; 
2) Một ý thức lao động chuyên nghiệp cộng với tri thức, trí tuệ, thường trực tìm kiếm hình ảnh mới, lạ từ "sự va đập chói lòa của từ"; 
3) Làm nảy sinh những ý nghĩa, cái nhìn mới, đẹp vào cuộc đời, con người từ kết quả của những hình ảnh đó.
"Mọi con đường đều dẫn tới thành... Thơ". Trên con đường chói chang đến với đô thành thơ đích thực, mỗi nhà thơ-lữ khách có một ngả riêng. Cây thánh giá Thơ lao động và tri thức mà mỗi nhà thơ vác trên vai sẽ khiến cuộc hành hương đỡ nắng nôi, khô khát hơn chăng?.
([1]) Daniel Briolet, Lire la Poésie française du XXe siècle, DUNOD, 1997, p.51.
([2]) Robert Bréchon, Le surréalisme, Armand Colin, 1971, p.4.
([3]) Robert Bréchon, Le surréalisme, Armand Colin, 1971, p.167.
Hà Nội, tháng 3 năm 2004
Đào Duy Hiệp 
Nguồn: Phụ san Thơ, số 11, tháng 5 - 2004  
Theo http://khoavanhoc.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...