Ngày xuân đọc lại hai đầu
Trong bài Một người thầy rất yêu Việt Nam (in trên
báo Văn nghệ, số 1+2, năm 2014), Hữu Đạt có nhắc đến chuyện thầy giáo hướng dẫn
luận án tiến sĩ người Nga Iuri Jacoviêvich Plam đã nhắc nhở học trò của mình
khi anh mới đặt chân đến nước Nga, đến Matxcơva, đại ý “Anh phải hứa với tôi
là, trong bốn năm ở nước Nga, anh phải tập trung vào luận án chứ không được viết
tiểu thuyết”. Nhưng Hữu Đạt, theo một nghĩa nào đó, là một “học trò hư”. Tiểu
thuyết Hai đầu của bức thư tình được khởi thảo và hoàn thiện ngay
chính trên nước Nga những năm tháng sục sôi đáng nhớ nhất khi Liên-xô đứng trên
bờ sụp đổ hoàn toàn.
Nói không ngoa thì, hơn ai hết tôi rất hiểu tiểu thuyết Hai
đầu của bức thư tình đã được Hữu Đạt viết ra như thế nào ở trên xứ sở của
bạch dương và tuyết trắng. Dạo đó, vào những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước,
Liên-xô đang vào thời điểm thoái trào. Tôi đặt chân đến nước Nga, đến Matxcơva
(tháng 11 năm 1987), trước Hữu Đạt chừng một năm. Tôi được chọn thực tập nghề tại
khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, mang tên nhà bác học Nga vĩ đại
Lômônôxôp (viết tắt là M.G.U). Trường chính ngự trên Đồi Lê-nin, tôi được phân
về ở trong tòa nhà chính, khu G, phòng 408. Vì hưởng chế độ thực tập sinh nên học
bổng khá cao, lại được ở phòng riêng (tuy không thật rộng rãi, nhưng độc lập và
tự do). Hữu Đạt làm luận án tại VHLKH Liên-xô, ngụ tại kí túc xá mà người Việt
thường gọi là “Đôm 5” khét tiếng, trên phố Ulianôp (vì đó là nơi giao thương,
buôn bán tấp nập vào loại bậc nhất của người Việt tại Liên-xô nói chung, tại thủ
đô Matxcơva thời điểm đó, nói riêng, nơi sinh ra nhiều “tướng tá”, thậm chí cả
“soái”). Khi Hữu Đạt cập bến Mát xcơva, anh mang theo niềm hy vọng cho tôi với
cả thư và thuốc thang vợ gửi từ Hà Nội sang. Đặc biệt là sự động viên của bạn hữu
khiến cho bệnh tình tôi thuyên giảm, sức khỏe hồi phục, tinh thần phấn chấn và
cố trụ lại để tu chỉnh nghề nghiệp (vì lý do sức khỏe nên có lúc tôi đã định
xin về nước, bỏ dở đợt thực tập dài hạn hai năm).
Một bữa, tôi và Hữu Đạt quyết định đi thăm thú Matxcơva ban
đêm bằng taxi (hồi đó như thế được coi là chơi ngông theo lối “công tử Bạc
Liêu”, dĩ nhiên là tài chính cho chuyến du ngoạn đó, Hữu Đạt là chủ chi!).
Matxcơva ban đêm đẹp như một cô gái dậy thì, tất cả rực rỡ đến choáng ngợp
nhưng vẫn có cái vẻ bí ẩn và mời gọi đến mê hồn. Có lẽ cho đến tận bây giờ, sau
25 năm sự kiện hi hữu ấy, tôi chưa có một dịp nào được sống lại cái cảm giác đặc
biệt như thế. Tôi vẫn cứ muốn cùng Hữu Đạt “bát phố” đêm Hà Nội thử một lần xem
sao. Và phải bằng ô-tô riêng chứ không phải bằng taxi. Bây giờ thì Hữu Đạt có
ô tô đẹp (và như dân gian vẫn ca “vợ đẹp con khôn chính trị chuyên môn”), và
không bị mang tiếng “nhà văn An Nam khổ như chó” nữa rồi. Không riêng gì Hữu Đạt,
tôi biết nhiều nhà văn ta bây giờ rất giàu có là đằng khác. Chính cái đêm đáng
nhớ ấy, mở đầu cuộc dạo chơi có một không hai, Hữu Đạt dẫn tôi đến thăm hai cô
gái Việt Nam đang học tại trường Sư phạm Quốc gia Matxcơva mang tên Lê Nin. Chi
tiết này về sau cũng đi vào tiểu thuyết (chương cuối cùng - chương 27). Rồi một
bữa khác, Hữu Đạt nói sẽ sang chỗ tôi ở để “nằm nhờ” viết tiểu thuyết, vì “Mình
cần một nơi yên tĩnh và quan trọng hơn là cần bên cạnh có một bạn văn chương
như Bùi Việt Thắng”. Đó là vào mùa đông năn 1989, nhiệt độ ở Matxcơva xuống rất
thấp. Nhưng ở trong phòng thì ấm áp, dễ chịu vì có hệ thống sưởi ấm bằng nước
nóng (nghĩ lại thấy dẫu sao nước Nga cũng thật là vĩ đại, chỉ riêng sưởi ấm cho
10 triệu cư dân thủ đô Matxcơva bằng hệ thống nước nóng, đã là một kỳ tích. Bao
giờ Việt Nam, bao giờ Hà Nội mới làm được như thế?!). Tôi biết những trang đầu
tiểu thuyết, hay nói khác đi là “cái tứ” của tác phẩm đã được hình dung đầy đủ,
hay nói khác đi nảy mầm từ Việt Nam, nhưng gặp mảnh đất màu mỡ nước Nga, nên đã
vươn cành nở lộc xum xuê trên xứ sở bạch dương và tuyết trắng. Chúng hiện lên bằng
con chữ chính trên đất Nga.
Hữu Đạt có thói quen viết ban đêm, nên khi sang chỗ tôi, anh có phần e ngại vì tôi lại thường đi ngủ sớm (thói quen này tôi đến nay vẫn duy trì, đến mức một phụ nữ chỗ quen biết nói đùa “người đàn ông thời đại mà đi ngủ trước mười giời tối thì còn hi vọng gì…!?”). Nhưng tôi có cái khả năng đã ngủ thì người bên cạnh làm gì cũng không ảnh hưởng. Hữu Đạt che bớt ánh sáng ngọn đèn bàn ngồi viết. Tôi cứ việc ngủ bên cạnh. Rất may là anh không hút thuốc, nếu không thì cũng khá phiền toái (vì ở bên ấy người ta cấm hút thuốc trong phòng, nếu ai hút thì cũng phải đi ra ngoài, có chỗ hẳn hoi). Nhiều đêm tỉnh dậy nhìn đồng hồ đã ba giờ sáng mà Hữu Đạt vẫn chăm chắm với từng con chữ. Hồi đó chưa có máy tính như bây giờ nên anh vẫn dùng bút (bi) để viết, sau đó đi thuê đánh máy. Có hôm không đừng được anh hắng giọng cốt để tôi tỉnh giấc, và hồ hởi đọc cho tôi nghe liền mấy trang vừa viết xong. Thế rồi đêm ấy ấm xamôva réo lên, với chè đen và bánh ngọt, bia đen và hoa quả,… chúng tôi cùng thức đến sáng, chia sẻ với nhau chuyện đời, chuyện chữ nghĩa văn chương. Không chỉ có tác giả mà cả tôi, với tư cách độc giả như được sống cùng nhân vật qua những thăng trầm cuộc đời. Những nhân vật Thư, Bảo, Nguyệt, Thanh, Thứ, Ngưu, Cầu,… mỗi người một vẻ (dù mười phân chưa thể vẹn mười), đều từ cuộc đời lầm than bước vào trang sách và rồi từ trang sách bước ra cuộc đời. Đó là mối lương duyên giữa văn chương và đời sống như ai đó vẫn thường nói.
Hữu Đạt có thói quen viết ban đêm, nên khi sang chỗ tôi, anh có phần e ngại vì tôi lại thường đi ngủ sớm (thói quen này tôi đến nay vẫn duy trì, đến mức một phụ nữ chỗ quen biết nói đùa “người đàn ông thời đại mà đi ngủ trước mười giời tối thì còn hi vọng gì…!?”). Nhưng tôi có cái khả năng đã ngủ thì người bên cạnh làm gì cũng không ảnh hưởng. Hữu Đạt che bớt ánh sáng ngọn đèn bàn ngồi viết. Tôi cứ việc ngủ bên cạnh. Rất may là anh không hút thuốc, nếu không thì cũng khá phiền toái (vì ở bên ấy người ta cấm hút thuốc trong phòng, nếu ai hút thì cũng phải đi ra ngoài, có chỗ hẳn hoi). Nhiều đêm tỉnh dậy nhìn đồng hồ đã ba giờ sáng mà Hữu Đạt vẫn chăm chắm với từng con chữ. Hồi đó chưa có máy tính như bây giờ nên anh vẫn dùng bút (bi) để viết, sau đó đi thuê đánh máy. Có hôm không đừng được anh hắng giọng cốt để tôi tỉnh giấc, và hồ hởi đọc cho tôi nghe liền mấy trang vừa viết xong. Thế rồi đêm ấy ấm xamôva réo lên, với chè đen và bánh ngọt, bia đen và hoa quả,… chúng tôi cùng thức đến sáng, chia sẻ với nhau chuyện đời, chuyện chữ nghĩa văn chương. Không chỉ có tác giả mà cả tôi, với tư cách độc giả như được sống cùng nhân vật qua những thăng trầm cuộc đời. Những nhân vật Thư, Bảo, Nguyệt, Thanh, Thứ, Ngưu, Cầu,… mỗi người một vẻ (dù mười phân chưa thể vẹn mười), đều từ cuộc đời lầm than bước vào trang sách và rồi từ trang sách bước ra cuộc đời. Đó là mối lương duyên giữa văn chương và đời sống như ai đó vẫn thường nói.
Tiểu thuyết Hai đầu của bức thư tình được Hữu Đạt
hoàn thành vào mùa xuân năm 1990, khi băng tuyết bắt đầu tan, khí trời ấm áp,
thiên nhiên Nga như vỡ òa ra, phô phang vẻ đẹp vừa kiều diễm, vừa tráng lệ, vừa
nên thơ. Bản thảo được gấp rút gửi về Việt Nam và được ấn hành bởi nhà xuất bản
Hội Nhà văn (với số lượng phát hành đáng nể mà bây giờ bất kì nhà văn nào cũng
thèm muốn). Dạo đó anh Lê Đắc Đô (đã mất trong một tai nạn giao thông năm
1993), một đồng nghiệp ở khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) viết giới
thiệu tiểu thuyết Hai đầu của bức thư tình của Hữu Đạt trên báo Văn
nghệ. Có người hỏi, vì sao tôi biết rõ “chân tơ kẽ tóc” tác giả và tác phẩm lại
không viết giới thiệu cho Hữu Đạt? Tôi nghĩ đơn giản rằng, một tác phẩm hay thì
ai viết giới thiệu cũng được. Hơn thế, có thể đến một lúc nào đó, rất lâu,
chính tôi lại viết về nó trong một hoàn cảnh và tâm thế khác. Có sao đâu, văn
chương hay như rượu quý, càng ủ lâu càng đượm. Lúc bài viết này được in báo thì
Hữu Đạt vẫn đang ở nước Nga, anh có biết “đứa con tinh thần” của mình đã được
làm “giấy chứng sinh“ và cả “giấy khai sinh” trên văn đàn đương thời. Có lẽ nỗi
vui mừng của anh ngắn tày gang, nhưng ngay lúc đó anh chưa thể hình dung ra những
chuyện rầy rà đến với mình ngay sau đó bởi cuốn tiểu thuyết Hai đầu của bức
thư tình.
Nếu nói không ngoa thì, tiểu thuyết Hai đầu của bức thư
tình của Hữu Đạt là một hiện tượng văn chương những năm đầu thập niên 90
thế kỷ XX. Cuốn sách gây chấn động dư luận đến mức, nhà thơ Mai Quỳnh Nam đi
phép từ Hà Nội sang Moscva phỉa thốt lên:” Ở Hà Nội người ta tìm đọc Hữu Đạt
như tìm đọc Lê Văn Trương thời xưa”. Có bạn đồng nghiệp từ Moscva về Hà Nội phải
xếp hàng 3 ngày ở thư viện Quốc gia mới đến lượt đọc “Hai đầu của bức thư
tình”. Bây giờ (sau ngót một phần tư thế kỉ) nếu có ai đọc lại tiểu thuyết này,
biết đâu lắc đầu mà phán “xưa rồi Diễm ơi!”. Rất có thể như thế. Nhưng ít ai
chú tâm để biết rằng tác phẩm mang tính dự báo nghệ thuật nhờ vào cái khả năng
linh cảm của nhà văn - cái gì đến tất yếu phải đến, cái gì tồn tại cái đó
là hợp lý. Một “tai nạn nghề nghiệp” đã trút xuống đôi vai vốn không lấy
gì làm lực lưỡng của Hữu Đạt, người vẫn được coi là “thư sinh” nhất trong số
các thầy giáo Khoa Ngữ văn lúc bấy giờ (còn bây giờ thì họ đã thuộc thế hệ U70
cả rồi). Phía bạn, bỗng rầm rộ lên những lời phê phán, có cả những thiết chế
hành chính được chuẩn bị để xử lí tác giả. Trong bài báo mà tôi vừa nhắc đến ở
trên, Hữu Đạt nhớ lại “Cuốn tiểu thuyết vừa xong bản thảo đã được nhà xuất bản
Hội Nhà văn Việt Nam chào đón nhiệt liệt, cho xuất bản ngay và gây nên một dư
luận rầm rộ ở Hà Nội. Nhưng chẳng bao lâu, tùy viên văn hóa của sứ quán Liên Xô
tại Hà Nội đã lên tiếng. Với cách nhìn cũ họ phản đối kịch liệt cuốn tiểu thuyết
của tôi vì nó đã phản ánh các hiện tượng tiêu cực ở nước Nga trong những thập
niên cuối thế kỉ XX. Tôi bị đưa vào danh sách những người bị trục xuất khỏi
Liên Xô vĩ đại”.
Tôi đã đọc một số tiểu thuyết viết về đời sống người Việt Nam
trên đất Nga, và nói rộng ra ở nhiều nước khác trên thế giới như Ngửa mặt
kêu trời của Tô Hoàng, Kẻ đưa đường thọt chân của Bùi Việt Sỹ, Quyên của
Nguyễn Văn Thọ, Hộ chiếu buồn của Thế Dũng, Phố Tàu của Thuận, Tìm
trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai,…Nhưng có thể nói, ấn tượng sâu đậm và lâu bền
nhất với tôi, không gì khác là Hai đầu của bức thư tình của bạn văn Hữu
Đạt. Vì sao như thế? Trả lời câu hỏi này có nhiều cách, nhưng cái cách của tôi
là: sau hơn hai mươi năm, nếu tác phẩm vẫn còn neo giữ được trong kí ức độc giả,
thì đó là dấu chỉ thành công của nghệ thuật ngôn từ. Nghệ thuật đích thực có những
“hằng số” của nó, nó không có “thì”, nó là vĩnh viễn. Lại nữa, vì sao như thế?
Theo tôi, là vì nước Nga tuy thuộc châu Âu, nhưng có những tương đồng văn hóa với
Việt Nam. Tâm hồn Nga có những nét đồng điệu với tâm hồn Việt. Văn hóa Nga là một
nền văn hóa vĩ đại mà nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến, muốn tựa vào đó để
tìm kiếm sự đồng vọng. Nhưng vì sao cái thực thể đó, một thời kỳ như là hình ảnh
lý tưởng đến mức “Lão ngồi mơ nước Nga” bỗng dưng sụp đổ, bỗng dưng biến mất
như chưa hề tồn tại? Tiểu thuyết của Hữu Đạt chớm bước vào “ngôi đền triết học”
được xây trong khu vườn văn chương bao la. Đọc kỹ tiểu thuyết Hai đầu của
bức thư tình của Hữu Đạt sẽ thấy rõ các cặp phạm trù “riêng - chung”, “hiện
tượng - bản chất”, “được - mất”, “cá nhân - xã hội”, “lý thuyết - thực tiễn”,...
cọ xát, va chạm nhau chan chát, đôi khi nẩy lửa, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau.
Một thế giới không thể có “phi xung đột”, như một thời ta ngây ngô tin tưởng
cái lí thuyết về chủ nghĩa xã hội ở tận trên …trời. Tiểu thuyết là hình thức
nghệ thuật hữu hiệu để tái hiện các xung đột nghệ thuật thời đại. Sở dĩ tôi nói
nhớ được lâu tiểu thuyết của Hữu Đạt là vì trong đó nhà văn đã khắc họa được,
đã tái tạo được sinh động những thân phận người, những kiếp người trong cõi
nhân gian bé tí mà vô vàn trầm luân, khổ ải, như Cụ Nguyễn Tiên Điền đã viết “Đời
là bể khổ tình là dây oan”.
Lại nữa, có một lí do phải đọc lại tiểu thuyết Hai đầu của
bức thư tình của Hữu Đạt là vì chữ và nghĩa của văn chương
(như là một nghệ thuật ngôn từ). Ngay mới hôm qua hôm kia thôi, một vị giáo sư
văn học đáng kính (tác giả của mấy chục công trình, Giải thưởng Hồ Chí Minh về
Khoa học và Công nghệ, 2012), đã phải công khai thừa nhận, ông rất yếu về ngôn
ngữ học (và ông dẫn ra một câu chuyện vui: có một nữ nghiên cứu sinh người nước
ngoài đề nghị ông giải thích vì sao người Việt lại thường nói và viết “hôn
hít”?! Ông cho biết, đã giải thích khá cặn kẽ cho người đặt câu hỏi, nhưng có vẻ
như chưa thỏa đáng). Một câu chuyện vui làm quà nhân dịp gặp gỡ đầu năm của các
cựu giáo chức đơn vị tôi, nhưng chí ít gợi suy nghĩ về thái độ ứng xử với tiếng
mẹ đẻ - tiếng Việt - của đa số chúng ta, nhất là các nhà văn. Thẳng thắn mà
nói, đa số nhà văn chúng ta hiện nay đều rất yếu kém tiếng Việt - yếu kém do
không có tình yêu, yếu kém do không chịu học hỏi, yếu kém do tự ti hoặc tự phụ
(mà có lẽ là đa phần do tự ti “có ra gì cái tiếng Việt!”. Phải là Anh ngữ, Pháp
ngữ!?). Trước Tết Nguyên Đán, tôi và Hữu Đạt có tham gia truyền nghề cho một lớp
viết văn ngắn hạn “Sáng tác và thẩm bình văn chương - Nâng cao” (do Trung tâm
Văn hóa Á - Âu, thuộc Công ty TNHH Văn hóa - truyền thông Hà Thế liên kết với Hội
Nhà văn Hà Nội tổ chức). Hữu Đạt với hai buổi thuyết trình trên chủ đề “Ngôn ngữ
và tư duy nghệ thuật” đã thực sự thu hút và thuyết phục các học viên (có nhiều
người đã là Hội viên Hội Nhà vănVN). Bản thân tôi cũng ngồi nghe Hữu Đạt, nghe
và thấy sáng ra nhiều điều trước nay còn nhiều nghi vấn, mơ hồ trong cách tiếp
nhận tiếng Việt. Chẳng hạn Hữu Đạt dừng lại phân tích khá kĩ càng và thấu đáo
chữ “ngài” (ba trường hợp gắn với ba nhân vật khác nhau) trong kiệt tác Truyện
Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tôi thực sự thích thú khi Hữu Đạt mở ra
cách hiểu chữ “ngài” trong trường hợp Từ Hải, rất có thể nên hiểu là “mày đồi”
thay cho “mày ngài”.
Là nhà văn, người sáng tác, nhưng có thể nói Hữu Đạt là kiểu
người “ba trong một”: nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà sáng tác quyện hòa. Hữu
Đạt viết nghiên cứu và phê bình có “văn”, đồng thời Hữu Đạt viết văn có “nghiên
cứu phê bình”. Nghĩa là con chữ trong tay nhà văn Hữu Đạt có cái phẩm tính vừa
bay bổng, khoáng đạt, lại vừa chắc chắn, đúng đắn, sâu sát. Nói nôm na thì “chữ”
và “nghĩa” trong văn Hữu Đạt lúc nào cũng cặp kè, quấn quýt. Anh có ý thức chăm
chút cho chữ nghĩa. Ai từng đến Matxcơva mà lại không một lần muốn đến thăm phố
Arbat đã đi vào văn chương qua tiểu thuyết nổi tiếng Những đứa con phố
Arbat (một thời bị cấm kỵ ở Liên Xô trước đây) của nhà văn V. Rưbacôp.
Trong tiểu thuyết Hai đầu của bức thư tình của Hữu Đạt, chỉ bằng mấy
nét kí họa, con phố đã đi vào lịch sử và văn chương ấy hằn lên những đường nét,
âm thanh, màu sắc thật đặc biệt “Phố Arbat sặc sỡ với nhiều màu sắc ăn chơi. Một
khu phố được mệnh danh là phố nghệ thuật của Matxcơva lúc nào cũng rầm rập người
đi. Nhưng nghệ thuật ở đây giống như món cơm phở bề bộn. Chỗ này là các họa sĩ
ngồi đợi khách vẽ chân dung. Chỗ kia là dãy tranh ảnh chuyên về đề tài phụ nữ
trần truồng bên cạnh là các quầy bán tranh thánh có ảnh Đức mẹ bế hài đồng đẹp
trong vẻ u buồn xa thẳm. Cách một đoạn nữa là khu bán tranh hài. Cứ khoảng trăm
mét Thư lại gặp các nhóm hát rong là các cô cậu rất trẻ. Họ biểu diễn với cây
đàn ghita hoặc viôlông, bằng niềm mê say nồng nhiệt, nhưng lâu lắm mới được người
khách hảo tâm ném keng một đồng xu vào lọ đựng tiền. Có lẽ vì âm nhạc của họ
không át được lời của các nhà diễn thuyết đang khản cả giọng ở mỗi đám đông tụ
tập ở các góc phố”. Cái chữ “keng” trong câu văn này không bỗng dưng mà viết ra
được. Phải là người đã thâm nhập rất lâu cái không gian đặc biệt này, phải lắng
nghe rất chăm chú nhịp sống của thủ đô ở một con phố đặc biệt, mới lột tả được cái
“rythme” (nhịp điệu) của nó. Một nhịp điệu vừa có cái vẻ xô bồ, ồn ã nhưng sâu
thẳm là những âm thanh ứa lệ. Cái âm thanh “keng” ấy, ai từng ở Nga thời kì đó
đều biết, là tiếng động rơi tự do của những đồng xu 5 kôpêch. Năm côpêch có thể
dùng làm vé đi qua cửa kiểm soát tự động của metro, đi ô-tô bus một tuyến,
có thể mua qua máy tự động một cốc nước ngọt kvat (1 rup tiền
Nga thời ấy có 100 côpêch, một cái bàn là chính hiệu chỉ có 5,5 rup).
Tôi có một kỉ niệm với con phố nổi tiếng này trong hơn hai năm sống và làm việc tại Matxcơva. Hồi đó, có một đồng nghiệp của tôi khi mới sang Matxcơva đã tranh thủ đi thăm thú (đúng hơn là khảo sát) phố phường để mở lối làm ăn. Những hôm không phải đến trường chúng tôi cứ một tấm bản đồmetro mà đi mỗi ngày hàng trăm cây số của thủ đô Matxcơva. Anh ấy đang có cái âm mưu sản xuất áo lưới để bán cho du khách đến đây. Nhưng khi được tôi dẫn đến phố Arbat, trở về, anh ấy tuyên bố bãi bỏ ý đồ kinh doanh (vì một lẽ đơn giản, ở đấy áo lưới đã nhan nhản, vừa rẻ lại vừa đẹp). Chủ nhân của hàng lô xích xông áo lưới là đám đàn ông người Trung Á (dân gian thường gọi là “dân đầu đen”) thuộc lãnh thổ Liên-xô cũ. Chỉ được 6 tháng, sau khi thất bại về kế hoạch áo lưới, thậm chí mở nhà hàng ăn uống Việt Nam, và một số kế hoạch lớn nhỏ khác, anh bạn đồng nghiệp của tôi viết đơn xin phép trở về Việt Nam trước thời hạn một năm rưỡi. Hữu Đạt thì ở Nga lâu hơn cái thời hạn ấn định cho nghiên cứu sinh là bốn năm. Trở về Việt Nam anh mang theo nỗi buồn chia tay vĩnh viễn với người thầy người Nga uyên bác và rộng lượng Iuri Jacoviêvich Plam (ông mất trước khi học trò của mình bảo vệ luận án chính thức thành công trước Hội đồng khoa học).
Tôi có một kỉ niệm với con phố nổi tiếng này trong hơn hai năm sống và làm việc tại Matxcơva. Hồi đó, có một đồng nghiệp của tôi khi mới sang Matxcơva đã tranh thủ đi thăm thú (đúng hơn là khảo sát) phố phường để mở lối làm ăn. Những hôm không phải đến trường chúng tôi cứ một tấm bản đồmetro mà đi mỗi ngày hàng trăm cây số của thủ đô Matxcơva. Anh ấy đang có cái âm mưu sản xuất áo lưới để bán cho du khách đến đây. Nhưng khi được tôi dẫn đến phố Arbat, trở về, anh ấy tuyên bố bãi bỏ ý đồ kinh doanh (vì một lẽ đơn giản, ở đấy áo lưới đã nhan nhản, vừa rẻ lại vừa đẹp). Chủ nhân của hàng lô xích xông áo lưới là đám đàn ông người Trung Á (dân gian thường gọi là “dân đầu đen”) thuộc lãnh thổ Liên-xô cũ. Chỉ được 6 tháng, sau khi thất bại về kế hoạch áo lưới, thậm chí mở nhà hàng ăn uống Việt Nam, và một số kế hoạch lớn nhỏ khác, anh bạn đồng nghiệp của tôi viết đơn xin phép trở về Việt Nam trước thời hạn một năm rưỡi. Hữu Đạt thì ở Nga lâu hơn cái thời hạn ấn định cho nghiên cứu sinh là bốn năm. Trở về Việt Nam anh mang theo nỗi buồn chia tay vĩnh viễn với người thầy người Nga uyên bác và rộng lượng Iuri Jacoviêvich Plam (ông mất trước khi học trò của mình bảo vệ luận án chính thức thành công trước Hội đồng khoa học).
Nước Nga ngày nay đã khác trước rất nhiều - một nước Nga tư bản
hùng cường, giàu có, văn minh. Hiện tại có không nhiều người Việt Nam định cư ở
nước Nga như thời Xô Viết trước đây. Nhưng dù đi đâu, làm gì thì thân phận của
người Việt tha hương vẫn không đổi. Hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam đang cư
trú và làm ăn ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Chủ đề về di cư của Việt kiều
chắc sẽ còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn. Tôi không nghĩ là Hữu Đạt sẽ
viết một cuốn tiểu thuyết thứ hai về thân phận người Việt ở nước Nga ngày hôm
nay. Vấn đề là tâm thế và cảm hứng, như bạn văn Nguyễn Huy Hoàng (người đã ở
Nga hai mươi năm có lẻ) đã viết “Tuyết không còn lấp lánh như ngày xưa”. Sau
khi học hành tử tế ở Nga về, với tấm bằng tiến sĩ, Hữu Đạt còn đi thỉnh giảng ở
một số trường đại học ở Pháp, Trung Quốc. Nhưng tôi cứ nghĩ, nước Nga ám gợi
nhiều hơn cả, đã đi vào tâm thức nghệ thuật của anh sâu lắng và bền chặt hơn cả.
Khi viết bài này tôi đồng thời đọc tập thơ mới nhất Lữ hành (nhà xuất
bản Văn học ấn hành năm 2014) của Hữu Đạt. Trong tập có bài thơ rất đẹp và buồn
đến nao lòng Đêm giao thừa ở Moscva (viết năm 1989). Chính tôi và
Nguyễn Văn Hằng, Bùi Ngọc Diệp cùng một số nghiên cứu sinh đã khóc ngay bên mâm
tiệc khi nghe Hữu Đạt đọc bài thơ này vào sáng mồng một Tết năm đó “Thôi/ Em
đành đón giao thừa tên tàu/ Nỗi nhớ quê hương/ Làm em muốn khóc/ Ngoài cửa sổ/
Mênh mông màu tuyết/ Ở quê nhà tiếng pháo đã sang xuân (…)/ Khi Tết đến/ Mắt cồn
cào nỗi nhớ/ Hà Nội mưa xuân/ Hoa đào đã nở/ Ở xứ người/ Tuyết cứ trắng mênh
mông”.
Vâng, ở xứ người tuyết vẫn cứ trắng mênh mông. Vâng! Nhưng ở
xứ người, cũng có thể, như bạn văn Nguyễn Huy Hoàng mới viết gần đây thôi “Tuyết
không còn lấp lánh như xưa”. Biết thế nào là đúng, biết thế nào là không? Thôi
thì tùy độc giả. Cũng tương tự như khi cách đây hơn hai mươi năm, và ngay cả
bây giờ, đọc lại tiểu thuyết Hai đầu của bức thư tình của Hữu Đạt,
trong tôi vẫn cứ cồn cào nỗi nhớ nước Nga tươi đẹp, vẫn cứ cồn cào thương cảm
những thân phận, những kiếp người nhỏ bé vốn là đồng loại, đồng bào của mình suốt
bao đời vẫn cứ đau khổ - không còn là nỗi đau khổ vì thiếu thốn vật chất như
ngày trước, thì cũng là “khổ nạn đích lịch trình” trên con đường tìm kiếm chân
lý hôm nay.
Hà Nội, tháng 2 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét