Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Trần Vàng Sao - Giọt nước trong lá sen

Trần Vàng Sao - Giọt nước trong lá sen
Tôi trông lại ngôi nhà gạch cổ chìm dưới tán cây vú sữa trong bóng chiều đông xứ Huế lất phất mưa lạnh. Thế kỷ 20 còn ở lại đây. Ngay trong khuôn viên tuyềnh toàng mới được đeo số 38. Đường Nguyễn Khoa Vi. Phường Vỹ Dạ. Gia chủ của nó tôi vừa được gặp. Trần Vàng Sao.
Tôi yêu mến Trần Vàng Sao từ thuở còn là sinh viên. Dạo ấy vào cuối những năm 60 và đầu năm 70. Những năm tàu bay giặc hung hãn mang bom đạn đốt nhà giết người khắp bờ cõi Việt. Cả một nền đại học rời Hà Nội về rừng núi, thôn quê sơ tán. Chính phủ lo cho hàng vạn học trò cái ăn đã đủ mệt rồi. Thiếu sách, thiếu vở, đói rét là chuyện thường. Một nền đại học ngặt nghèo trong khói lửa chiến tranh. Đám sinh viên hiểu được cái ân huệ yên bình mà mình được hưởng. Ai cũng miệt mài thức khuya dậy sớm. Đêm hôm đèn sách. Thung lũng Đại Từ tỉnh Thái Nguyên bốn bề là núi xanh lơ. Ở giữa lại có hai quả núi nhỏ. Núi Văn. Núi Võ. Xa trông giống như hai cái mũ cánh chuồn úp xuống. Nơi cư ngụ của mấy ngàn ngọn đèn dầu sinh viên thời chống Mỹ. Sinh viên Văn khoa Tổng hợp Hà Nội thời ấy oai lắm. Có thói quen chép tay hay truyền miệng nhau thuộc lòng những bài thơ hay. Thôi thì đủ cả. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Không đề của Onga Bergon. Nghĩ lại về Pautopxki của Bằng Việt v. v… và Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao. Không rõ in năm nào. Nhưng mà còn nhớ in chung trong tuyển thơ cách mạng miền Nam. Nhiều tác giả. Bài thơ ấy không biết ai nhuận sắc. Nó ngắn hơn so với nguyên bản. Nhưng hồn cốt vẫn giữ được. Người ấy chắc phải là tay cao thủ trong làng thơ xứ Bắc. Và chúng tôi thuộc lòng bài thơ kỳ lạ ấy. Suốt một nửa thế kỷ qua. Nó vẫn sống động, vẹn nguyên trong tâm hồn thế hệ thanh niên những năm gian khó. Giờ đã ở tuổi ngoại lục tuần, thi thoảng gặp nhau. Lại đem Trần Vàng Sao ra đọc. Như đọc lại một thời quá khứ long lanh.
Bài thơ độc đáo và đi vào lòng người ở chỗ. Nhiều thi sỹ khác khi viết về Đất nước thường viết theo âm hưởng anh hùng ca. Sang sảng. Phơi phới đi lên. Họ thường đặt đất nước vào vòng tay của lịch sử. Vòng tay rộng lớn. Mạnh mẽ. Nhiều khi đầy uy lực. Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Chế Lan Viên. Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Và sau này, Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo v.v và v.v… Trần Vàng Sao đã có cách làm khác hẳn. Ông ôm đất nước vào vòng tay nhỏ bé, tội nghiệp, và cay đắng của chính mình để hát lên một bài ca tha thiết, mà giản dị. Xúc động đến xót xa mà hài hòa vây ấm. Người ta khi đọc lên thấy yêu mến hơn đất nước mình, nhân dân mình một cách tự nhiên từ những gì gần gụi nhất.
Một bài thơ hay có trăm nghìn cách tiếp cận khác nhau để làm rõ ra, để xâm nhập, đào bới vào những vỉa quặng của ý nghĩ xã hội và vẻ đẹp thẩm mĩ. Nhưng dù cách nào, ai nấy đều thừa nhận. Bài thơ của một người yêu nước mình là một trong số ít bài thơ đặc sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại viết về đất nước. Và nó đã ghi danh tên tuổi của thi sĩ Trần Vàng Sao lên bầu trời thi ca nước Việt, thế kỷ thứ 20. Bài thơ có nhiều vầng sáng lan tỏa trong nhau. Nhưng có ba vầng sáng lung linh và đẹp đẽ nhất. Soi tỏ những vầng trán đắm say và suy tưởng của nhiều thế hệ người đọc. Ba vầng sáng. Đất nước. Người mẹ. Và em. Ba vầng sáng ấy giản dị mà thân thương như ngọn đèn tần tảo của mỗi gia đình để ai đó còn xa xôi cách trở, còn tha phương trong khổ đau cảm thấy tin yêu gần gũi lại giữa trời đêm. Mở đầu bài thơ là sự thảnh thơi, thư thái. Không phải cái gì cao sang to tát mà bồi hồi như hơi thở làng quê, tràn trề hạnh phúc của tuổi thơ mỗi buổi sớm thanh bình.              
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Và lũ trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế.
Tình yêu đất nước bắt đầu từ nỗi nhớ khôn nguôi về một tiếng cười của người mà ta chưa từng gặp mặt. Mang đến cho ta nỗi buồn mang mác hương hoa của cõi xưa vắng lạ trong câu dân ca xa ngái cùng sự chia ly vô cớ của tuổi hẹn hò.
Đôi khi nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Nhưng da diết hơn cả, sâu nặng hơn cả là hình ảnh người mẹ hiền giàu đức hy sinh, chịu bao cay đắng, thiệt thòi, tủi nhục. Suốt đời niệm Phật để nuôi dòng sữa Thiền cho ta khôn lớn. Là tiếng thở dài của mẹ đêm đêm, dài hơn cả cuộc đời ta, dài hơn cả nước sông gạo chợ tảo tần. Hình ảnh mẹ là hình ảnh sâu đậm nhất của quê hương để cuộc sống dù trải qua bao đắng cay cũng trở thành thân thương chan chứa mà dung dị lạ thường.
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Một bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen.    
Vâng, giọt nước trong lá sen! Giọt nước long lanh được xứ Huế chắt chiu qua bao khổ đau, dông bão để sinh hạ ra thi sĩ tài hoa Trần Vàng Sao. Thi sĩ của tình yêu Tổ quốc mình. Càng đằm sâu vào thế giới tinh thần của bài thơ những vầng sáng lan tỏa soi tỏ tâm thức cõi người. Yêu đất nước hòa quyện với tình yêu của người con gái ngây thơ đã gọi nhỏ tên ta ở tuổi học trò áo trắng và chùm hoa phượng đỏ để ta nguyện cầu trong nỗi buồn cô đơn không giải thích nổi của tình yêu đôi lứa.
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyên luyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Ôm đất nước trong vòng tay bé nhỏ của mình.Trần Vàng Sao đã mười lần kêu lên: ”Tôi yêu đất nước này”! Với bao tâm trạng. “Xót xa”. “Cay đắng”. “Khôn nguôi”. “Áo rách”. “Rau cháo”… Để rồi lần thứ 11, dường như ông không thể nhỏ nhẹ được nữa, cầm lòng được nữa, tiếng thơ như vỡ òa ra, thổn thức bật lên từ những âm vang của lịch sử, của những bài ca lao động, của những huyền thoại bất tử vang vọng hồn xưa.
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốn củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu, rau có, rau trai
Nuôi con người từ khi mở đất
Bốn nghìn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.
Và bài thơ đi đến những âm hưởng cuối cùng trong sự hài hòa của những ước mơ khiêm nhường mà xiết bao hy vọng. Căn nhà nhỏ ban đêm có ngọn đèn thắp sáng. Gió thổi trong vườn cây xào xạc hương thơm. Tiếng trẻ con khóc bên nhà hàng xóm. Mẹ bồng con buổi đất nước hôm nay đã thấm hồn người. Bởi cuộc đời ta trải qua đắng cay đã biết làm người và giữ gìn mãi mãi tình yêu chân thật.
Không một ai đọc bài thơ này mà không một lần trào nước mắt. Đất nước đâu có gì xa xôi mà quá đỗi giản dị trong vòng tay của người thi sĩ và của chính mỗi người dân Việt. Trần Vàng Sao không phải ngọc ngà châu báu. Chỉ là giọt nước nhỏ đọng trong lá sen thôi mà long lanh biết mấy.
Sau khi xuất hiện bài thơ kỳ lạ này không thấy bóng dáng ông trên thi đàn nữa. Không rõ việc gì đã xảy ra, đến với ông.
Lũ chúng tôi ra trường. Tỏa đi bốn phương muôn ngả đường trần trong cõi mưu sinh. Có nhiều cái đã quên. Nhưng Bài thơ của một người yêu nước mình cùng với những kỷ niệm thời trai trẻ thì không quên được. Nó đã trở thành một bộ phận trong thế giới tinh thần riêng có của thế hệ chúng tôi. Mặc dù tác giả của nó cho đến giờ hầu hết còn chưa ai trong chúng tôi biết mặt. Mùa hè năm 2010. Tôi trở về thung lũng Đại Từ. Tìm lại tôi ngày ấy. Sau bốn mươi năm xa cách. Đứng trên chỗ trường xưa giờ chỉ còn là bãi đất. Xung quanh núi đã xanh mờ. Trở về ước mơ năm cũ. Ngang trời mây trắng ngẩn ngơ. Không còn ai trong mấy ngàn người thắp đèn dầu thưở trước ở đây để nói lời chia tay. Nghe có tiếng còi tàu ở bên kia núi hay ở đâu đó lung linh trong tâm thức bài thơ cũ của Trần Vàng Sao gửi lại.
Mãi đến những năm gần đây, mọi người mới biết rõ ông gặp nạn. Đọc hồi ký “Tôi bị bắt” của ông trên mạng cảm thấy một tâm trạng xót xa và buồn. Nhưng biết làm sao được. Khi lịch sử đi những bước lớn vinh quang trên con đường của nó. Cuốn theo bao nhiêu thân phận con người. Nhưng số phận của mỗi con người đâu phải ai cũng giống ai. Đất nước thống nhất rồi. Không thể nói phía bên này sông thì liên quan, phía bên kia sông thì không liên quan trong khi dòng nước lịch sử tràn giữa đôi bờ thì cứ tha thiết chảy. Và không phải lúc nào hoa mai cũng nở được hai lần để ai lỡ bước kịp phân trần cho mưa lạnh vào đêm hôm trước nở hoa. Nói lịch sử thì to tát quá. Nói cuộc đời có lẽ giản đơn hơn. Ở đời có việc mới xảy ra hôm qua mà tưởng như đã 100 năm rồi. Ngược lại. Việc một trăm năm rồi. Lại tưởng mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Cái phép biện chứng vô hình của thời gian là vậy đấy. Ai hay đâu mưa ướt ở ngoài thềm hôm trước lại chính là hạt mưa đã làm xúc động để hoa mai nở tự sớm mai 100 năm thấm thoát qua rồi.
Thế kỷ trước có một vị tướng tài. Đánh đông dẹp bắc. Khi ngựa chiến vừa dừng chân. Ông nhận được chiếu chỉ của triều đình sắc phong cho ông chức vị chuyên lo về một việc dân sinh. Chẳng gắn gì với tài thao lược trong đời binh nghiệp của ông. Ông thanh thản nhận công việc đó. Việc đánh giặc khác gì đắp đê. Tuy vậy đó là một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc đời ông. Nói như Trần Vàng Sao. Bởi vì ông là một người yêu nước mình. Yêu nhân dân mình. Yêu hơn cả tính mạng và danh dự của bản thân mình. Đồng bào ai ai cũng quý trọng nhân cách làm người ấy. Câu chuyện này không liên quan gì đến cuộc đời Trần Vàng Sao. Nó chỉ như một dẫn chiếu để lý giải cho sự vắng mặt lâu dài của ông trên thi đàn. Và điều đáng quý là Trần Vàng Sao không im lặng. Ông tiếp tục làm thơ. Tiếp tục yêu nước mình dù ngay cả trong lúc cất lên những bài ca đau đớn và ai oán nhất. Đọc kỹ trên mạng thơ ông viết thời đó .Người đàn ông 43 tuổi nói về mình 1984. Khoảng trống ngoài sân khấu 1986. Tau chửi 1997 v.v… khoảng gần 30 bài. Không còn những hình tượng thơ tươi sáng và thanh khiết như Bài thơ của một người yêu nước mình nữa. Năm tháng. Tuổi tác. Và sự đời không thể cho ông làm được như thế nữa. Nhưng dù gì thì gì, Trần Vàng Sao vẫn trải lòng mình với những dòng thơ thế sự thấm đượm nhân văn.
Một nỗi cô đơn lẻ bóng và yên phận mà sao chân thành và suy tư đến thế.
Một, hai, ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
Miếng nước trà mốc có mùi bông lài rát cổ
Cũng không có chi phiền
Vấn một điếu thuốc hút
Hai ba lần tắt đỏ… .
1984.   
Lũ trẻ ngày xưa đứng nhìn ngấp nghé trong thơ ông vào buổi sớm mai 1967. Nay cũng chính chúng đang trở về nhà vào lúc chiều hôm theo phá với đàn trâu. Thi sĩ của chúng ta không còn thảnh thơi mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường nữa. Ông bỏ dép đi kín nước dưới sông. Thắp ngọn đèn nhỏ sáng trong ngôi nhà mình như ông từng mơ ước khi kết thúc Bài thơ của một người yêu nước mình. Một sự thống nhất không thể nhạt phai lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mĩ của ông.
Tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
Đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
Tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
Hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
Trời còn lâu mới tối
Tôi đi gánh một đôi nước uống. 
1984.
Năm 1985 ông viết bài thơ Những điều có khi hôm nay bỏ qua không nhớ. Nói là bỏ qua mà không thấy ông bỏ qua được. Thi sĩ Trần Vàng Sao không thể bỏ qua tình yêu quê hương đất nước mình. Cả những gì giản dị nhất.
Tiếng trẻ con ru em buổi trưa trời nắng
Những điều đó bỏ đi tình cờ gặp lại
Không kể năm
không kể tháng
Không kể ngày
Con chuồn chuồn hết đạp nước rồi đậu trên dây thép gai
Con bò kéo xe chở gạch bước lách cách
Người đánh xe đội chụp cái mũ Levis ngồi dựa ngửa hút thuốc
Buổi chiều nước sông không có mặt trời
Tôi xoa hai đồng bạc Kên trên mấy đầu ngón tay. 
1985.
Ông không bao giờ chịu để ngọn đèn nơi ngôi nhà mình tắt. Ngọn đèn đã khêu lửa trong thơ ông từ hồi những năm ông rời thành phố Huế lên xanh cùng sống chết với quê hương mình.
Đèn hết dầu
Tôi lấy chai ra đường kêu cửa mua chịu. 
1985.
Trong số ít bài thơ viết khoảng 30 năm sau 1967. Có bài thơ dài gợi nhiều suy tưởng. Bài thơ Gọi tìm xác đồng đội đã được một tờ báo ở Hà Nội in toàn văn, sau khi tập thơ đã có giấy phép xuất bản, chuẩn bị đưa vào nhà in. Tòa báo này cũng đã điện thoại xin được sự đồng ý của tác giả.
Trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ trước. Thi hào Nguyễn Du có hai tác phẩm độc đáo. Một viết bằng chữ nôm. Văn tế thập loại chúng sinh. Thường gọi là Văn chiêu hồn. Một là bài thơ chữ Hán. Viết khi đi sứ phương Bắc. Có tên trong tập Bắc Hành Tạp Lục. Phản chiêu hồn. Nguyễn Du đã sử dụng hai bút pháp khác biệt. Văn chiêu hồn là bài văn tế 10 loại chúng sinh. Tết rằm tháng bảy xá tội vong nhân thê thảm. Gọi hồn về nhận phần cúng lễ để mà yên phận cho kẻ sống. Người chết lên thiên đàng. Đó là bài văn tế đau thương được Nguyễn Du viết trong nỗi buồn chứa chất của 10 năm lưu lạc, chui lủi giữa nghèo đói rét mướt của ông. Chứng kiến bao cảnh chết chóc của hàng vạn chúng sinh chẳng khác gì được miêu tả trong Vũ Trung Tùy Bút. Trước khi làm quan với triều Nguyễn. Có người nói. Văn chiêu hồn được viết trước truyện Kiều. Thời Nguyễn Du làm cai bạ ở Quảng Bình. Ngược lại.Ở Phản chiêu hồn Ông gọi hồn Khuất Nguyên đừng có trở về dương thế nữa. Dù oan khuất bao nhiêu! Bởi vì mặt đất này còn đầy rẫy những dòng sông Mịch La hiểm họa!
Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao không làm theo hai cách của Nguyễn. Ông theo đuổi lý tưởng nhân văn và thẩm mĩ của riêng mình. Bài thơ không còn những câu thơ lấp lánh nữa. Trần vàng Sao sử dụng phương pháp tự sự, kể chuyện. Ông sử dụng triệt để phương pháp đồng hiện. Những cái chết bi ai trong chiến tranh với nhiều tên người, tên đất cụ thể ở khắp mọi vùng Tổ Quốc. Bài thơ không phải là một văn chiêu hồn mới. Nó là khúc ca nghẹn ngào nhắc nhở hiện tại và mai sau cái giá phải trả cho cuộc sống hòa bình. Nhắc nhở người đang sống dù hạnh phúc hay đắng cay phải biết ơn những người đã chết vì đất nước và quê hương. Dù còn bao gian khó. Hiện thực của bài thơ trần trụi một cách đáng sợ. Người ta không thể tính được cái giá của hòa bình. Cái giá của chiến tranh. Chỉ có quỷ dữ mới tính được cân, được lạng da thịt của người chết! Cái đáng quý của Trần Vàng Sao ở chỗ. Chiến tranh hiện hình trần trụi trong từng cái chết. Nhưng không thể dập tắt khát vọng sống mãnh liệt của con người. Gọi tìm xác đồng đội có những câu thơ trong sáng như mây buổi sớm. Và Ban mai như một hình tượng thơ trong suốt pha lê của cả đời thơ nhà thơ xứ Huế.              
Những buổi sớm mai
Những buổi sớm mai thơm mùi lúa
Tôi đi qua cánh đồng đất nứt cuốc lật
Hai bên đường bông cỏ vừa nở
Chim hót trong gió mát
Và sương mờ trong cây bên kia vùng
Em làm gì mà ngơ ngác như không thấy tôi
Những buổi sớm mai
Những buổi sớm mai
Như thơ tôi
Sớm mai
Mặt trời mọc
Như thơ tôi ở với trời đất và anh em
Bạn bè tôi người sống người chết
Thơ tôi là đời tôi là tôi đây. 
1996.
Cho phép tôi được gọi Trần Vàng Sao là nhà thơ của Ban Mai trong khổ đau hy vọng.
Và như ‘cái thuở ban đầu lưu luyến ấy‘, cái buổi sớm mai chàng thi sỹ họ Trần mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường gặp em gái đang độ tuổi học trò. ‘Bông hoa mọc một mình trên đá. Cứ hay cười không biết có người buồn’ của gần nửa thế kỷ trước lại hiện về xao xuyến yêu thương trong bài thơ đầy chết chóc. Con người hy vọng ở Ban Mai. Vơi đi bao nỗi ưu phiền.
Mọc trên đá một mình
Em còn xa tôi, xa tôi
Tôi còn đi mãi bơ vơ
Trang giấy buồn
Tôi xin đọc lời di chúc phúng điếu tôi bên
Dòng sông này
Cùng cây cỏ
Cùng anh em tôi. 
1996.
Không thể không nói những năm sau này thơ Trần Vàng Sao mang nặng những nỗi buồn. Để rồi vượt lên tất cả, kết thúc bài thơ dài Gọi tìm xác đồng đội là tâm hồn thanh thản của Thi Nhân. Tôi chú ý đến ông miêu tả cử chỉ ngó xuống hai bàn tay của ông mà liên tưởng tới thế tay của 3 vị Tam Thế trong chùa. Khuôn mặt của quá khứ, hiện tại và tương lai đều giống nhau thôi. Khác nhau chỉ ở cái ấn quyết của đôi tay Phật. Trần Vàng Sao là nhà thơ yêu nước mình. Ôm trọn đất nước vào vòng tay bé nhỏ của mình mà ca hát đến nghẹn ngào. Cuộc sống dù trải qua bao sa mạc đắng cay thì trời đêm vẫn còn mưa. Để cho hy vọng hoa mai sẽ nở trắng lần thứ hai, dù là sau 100 năm hay 300 năm nữa. Cũng có thể vào sáng ngày mai thôi. Và tiếng chẻ củi cho bếp lửa cuộc đời không tắt vang lên bên nhà hàng xóm.                          
Còn tôi
Tôi ngó hai bàn tay tôi
Rồi ngó trước mặt
Ngó sau lưng
Đêm mưa không biết
Có tiếng chẻ củi ở nhà bên cạnh.
Vào dịp cuối năm này, Hội nhà văn bận việc. Cái dinh thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu nhỏ nhắn, khiêm nhường nhìn ra cây lá công viên. Có tiền đâu mà bao lơn, tháp nhọn như trụ sở của các bộ ngành. Ấy vậy đó lại là nơi hội ngộ của khoảng một nghìn con người mang danh thiếp sang trọng. Nhà Văn ! Nhà văn của một đất nước 85 triệu người. Họ được đào tạo tốt từ đủ các trường đại học có ở trên đời này. Mặt trận. Ruộng đồng. Hầm mỏ. Làm thuê cấy mướn. Các Học Viện danh giá ở nước ngoài... Có ông mũ cao áo dài. Tiến sỹ nọ. Tiến sỹ kia. Có thời lên ngựa xuống xe hét ra lửa, lại tình nguyện về số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Chịu xếp hàng làm người đi sau. Chỉ với mong muốn được mang tước hiệu Nhà Văn! Cái tước hiệu Vinh hoa của nước Đại Việt này từ ngàn đời nay vẫn cơm ăn chẳng kể dưa muối. Áo mặc nài chi gấm thêu. Họ xứng đáng như lời khen ngợi của Lê Quý Đôn khi đề cập đến các danh sỹ đời Trần trong sách Kiến Văn Tiểu Lục: ‘Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ của sỹ quân tử’. Chẳng mấy ai trong số họ được Trên gặp trực tiếp giao phó nhiệm vụ cụ thể cả. Ấy vậy mà không trừ một ai họ cứ lăn lưng vào. Tự nhận cho mình cái sứ mệnh thiêng liêng là tiếng nói của nhân dân. Tâm tình của đất nước. Con chim báo bão của thời đại. Tự giãi bày gan ruột mình, những ý nghĩ thầm kín dễ tổn thương nhất của mình trước thiên hạ. Vậy mà không biết có thách thức nào giống như là thách thức với nhà văn? Tác phẩm của họ phải chịu sự khảo thí nghiêm cẩn của thế gian và cay nghiệt của quan tòa thời gian. Người trồng lúa 6 tháng 1 năm đã biết được mùa hay thất bát. Người làm thơ có khi 6 ngày, 6 tuần đã biết. Có khi 6 năm, rồi 60 năm... chẳng biết được số phận đứa con tinh thần của họ ra sao. Nhưng lúa mẩy hạt thì cứ chín còn bao nhiêu Thơ phải lép theo mùa. Bởi vậy, suy đến cùng danh thiếp sang trọng nhất của nhà văn và cũng là nỗi lo lắng nhất của họ.Tác phẩm.
Nhà thơ Nguyễn Hoa có nói cho tôi biết qua điện thoại. Thi sỹ Trần Vàng Sao đã ba lần được mời tham dự Hội nhà văn. Ngay từ 1990 khóa trước. Hồi bác Vũ Tú Nam còn cầm trịch. Rồi các khóa sau này. Nhà thơ Hữu Thỉnh kế nhiệm. Lần cuối vào khoảng năm 2005-2006. Nhà thơ Nguyễn Hoa lại vào Huế. Khi ở trên bờ đã thấy xuôi xuôi. Xuống thuyền thưởng ngoạn sông Hương xong. Lúc lên bờ. Trần Vàng Sao lại ân cần từ chối. Biết làm sao được.
Dòng sông Hương bao đời nay chảy giữa tâm tư khát vọng của xứ Huế. Của kinh thành một thời vang bóng. Cờ xí rồng bay. Dường như có một dòng chảy vô hình nữa ở đâu đó dưới làn nước xanh. Sông Hương trầm lặng có bao giờ chia sẻ tâm sự nhân thế với con người đầy mẫn cảm hay vẽ tranh Bồ đề Đạt Ma Trần Vàng Sao - Nguyễn Đính hay không? Những bức tranh vẽ sư tổ Đat Ma có cái hao hao giống Nguyễn Đính. Tên cúng cơm của Trần Vàng Sao!? Dòng chảy âm thầm của sông Hương mách bảo bí mật những lời của thiên sứ cho các văn nhân tài hoa xứ sở. Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Tuy Lý vương Miên Trinh. Trịnh Công Sơn. Nguyễn Khoa Điềm. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Phùng Quán. Trần Vàng Sao và bao nhiêu người khác nữa. Họ có cốt cách của người xứ Huế không pha trộn, vay mượn được.
Sông Hương có nhiều nơi đẹp. Nhưng tôi yêu nhất Bến Phu Văn Lâu. Ở ngay trước của chính Hoàng Thành. Sát bờ sông Hương. Một tòa lầu nhỏ mái vàng điềm điệp nắng mưa màu xa vắng. Cái lầu nhỏ xa xưa ấy để văn thư , chỉ dụ của Đức Vua, kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Dường như đó là biểu trưng của xứ Huế thanh tịnh, dịu hiền, thi thư. Không biết ai đã viết nên câu hò mái đẩy man mác tình sông núi.Chiều chiều trước Bến Văn Lâu. Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm. Ai thương ai cảm ai nhớ ai không. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
Cứ mùa xuân vào dịp giêng hai. Mưa bụi rải một màn ảo giác mê hoặc cả châu thổ sông Hồng. Và có lần nó lan tỏa tới Bến Phu Văn Lâu.Ước gì mùa xuân tới, tôi lại được đến Phu Văn Lâu, được hầu chuyện người mà mình ngưỡng mộ. Được đọc thuộc lòng Bài thơ của một người yêu nước mình trước Phu Văn Lâu, trước người làm ra nó, sinh hạ ra nó khi còn ở trên xanh giữa cơn sốt rét rừng ác nghiệt. Năm ấy ông mới có 26 tuổi. Không biết có bao nhiêu bản in bài thơ này từ dạo Mậu Thân 1968 để chuyển tới tay người Huế trong khói lửa giao thừa. Không biết có bao nhiêu người ở phía bên kia đọc nó trong tiếng nấc. Không biết có bao nhiêu người ở phía bên này đọc nó trong nghẹn ngào khôn xiết tình yêu Tổ Quốc mình để đi tới ngày thống nhất. Non sông bền vững âu vàng.
Nước Việt sau đây rồi sẽ biến đổi khôn cùng. Có hàng triệu kiếp người sẽ lặn sâu, lặn sâu mãi mãi dưới bao tầng đất của xứ sở này. Thế gian biến đổi vũng nên đồi. Những Ao Sen. Hồ Sen. Đầm Sen. Hoa Sen. Lá Sen. Hương Sen. Tòa Sen sẽ không bao giờ mất. Giống như Tòa Sen của Phật ở cõi tâm linh. Các thế hệ mai sau sẽ chẳng bao giờ quên. Kể cả giọt nước nhỏ bé đọng trong lá sen xanh sau một đêm dài đất trời ngưng tụ lại.
12/2012
Khuất Bình Nguyên
Theo http://khoavanhoc.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...