HỒN THƠ ĐA TÌNH, ĐA CẢM
Lý Thương Ẩn viết nhiều thơ về tình yêu và để lại những ấn tượng
sâu sắc trong lòng mọi người. Người ta có thể thấy tình cảm của Lý Thương Ẩn
bàng bạc trong mỗi dòng thơ có vẻ như khó hiểu vì quá nhiều điển cố. Càng đọc
thơ của ông mới hiểu vì sao người ta gọi ông là “Tiểu Lý”, tôi cho rằng, thơ của
Lý Thương Ẩn có chất đa tình hào khoáng, phóng túng như Lý Bạch, có tình cảm nồng
nàn, đau xót thân phận, nỗi thương cảm về cuộc đời như Đỗ Phủ... nhưng ông vẫn
có phong vị và thần vận riêng của mình.
1. … tằm xuân đến thác hãy còn vương tơ
(Xuân tàm đáo tử ti phương tận)
Trước ông, Bạch Cư Dị từng nhỏ nước mắt sụt sùi trước số phận
của nàng ca kỹ, điều tối kỵ đối với tư tưởng nho gia chính thống:
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức.
… Tọa trung khấp hạ thùy tối đa?
Giang Châu Tư mã thanh sam thấp.
Tỳ bà hành
(Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
… Lệ ai chan chứa hơn người,
Lý Thương Ẩn kín đáo hơn, nhưng không thiếu tình tứ. Một loạt
những bài thơ vô đề của ông, theo các nhà nghiên cứu, đa số là thơ diễm tình. Hẳn
nhiên, ông còn gởi gắm một vài ý khác. Nhưng nếu đọc kỹ chúng ta sẽ thấy một
khát vọng tình yêu tự do, vượt thoát khỏi những ràng buộc lễ giáo phong kiến.
Để chuyển tải cái “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, để diễn
tả niềm vui ngắn ngủi của lữ khách và cô gái trên bàn tiệc, một mối tình bị
ngăn cách bởi thân phận xã hội, bởi cuộc đời cay nghiệt, thế nhưng lòng của đôi
bạn tình vẫn tìm đến nhau, hiểu nhau, nhà thơ viết:
Thân vô thái phụng song phi dực,
Tâm hữu linh tê nhất điểm thông
Vô đề nhị thủ, bài 1
(Tuy thân không có đôi cánh phụng,
Nhưng lòng tương thông như sừng linh tê.)
Nỗi cô đơn của người con gái nơi phòng khuê được tác giả khắc
họa với mối đồng cảm sâu sắc. Chuyện ái ân, chuyện vợ chồng đối với người con
gái bị khóa kín nơi buồng sâu tịch mịch, chỉ là giấc mơ:
Thần nữ sinh nhai nguyên thị mộng,
Tiểu cô cư xứ bổn vô lang.
(Chuyện Thần nữ mây mưa chỉ là trong mộng,
Chốn Tiểu cô vắng lặng chẳng có chồng.)
Yêu dẫu biết là vô ích, là đau khổ:
Trực đạo tương tư liễu vô ích,
Lai phương trù trướng thị thanh cuồng.
Vô đề nhị thủ, bài 2
(Dẫu biết rằng thương nhớ là vô ích,
Không ngại buồn thương vì mình si tình.)
Quả đúng là một tài tử đa tình chính hiệu. Với các nhà nho
chính thống, thật khó mà tìm thấy trong thơ họ những lời lẽ yêu đương nồng nàn
tình tứ như thế. Với những người tài tử, nhất là với Lý Thương Ẩn, mọi sắc
thái, mọi cung bậc của tình yêu được ông diễn tả một cách sâu sắc. Thơ ông bàng
bạc nỗi cô đơn, mỗi bài thơ là một nỗi niềm, là mỗi đợt sóng tình cảm xô đẩy
nhau tràn trên mặt giấy, tràn vào lòng người đọc, dạt dào nỗi u uất.
Mưa gió, sấm rền nhưng người con gái tưởng như có tiếng xe của
người yêu mình đến:
Táp táp đông phong tế vũ lai,
Phù dung đường ngoại hữu khinh lôi.
Vô đề tứ thủ, bài 2
(Gió đông phơ phất mưa phùn bay,
Ngoài ao sen có tiếng sấm vang nho nhỏ.)
Đó thật sự là nỗi nhớ mong, nỗi tương tư của những cô gái
đương độ xuân thì mở lòng đón nhận tình yêu. Tình yêu ấy bị ngăn cách, bị ràng
buộc nhưng vẫn khát khao nhau, tiếng lòng gọi tình vươn ra, bất chấp tất cả,
như cô gái họ Giả hé rèm nhìn vị quan trẻ họ Hàn, như nàng Mật phi dành tặng gối
cho Tào Thực trước lúc mất. Tất cả đều là chuyện tài tử gặp giai nhân.
Yêu dẫu biết là đau buồn:
Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát,
Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi.
Vô đề tứ thủ, bài 2
(Tấm lòng thương nhớ chớ tranh cùng hoa nở,
Thơ diễm tình của Lý Thương Ẩn hàm tình sâu sắc, lời lẽ uyển
chuyển, ý tứ miên man. Người đọc nếu không đọc kỹ, không lấy lòng mình ra để
thưởng thức thì sẽ không thể khiến và cảm nhận được làn hương của bông hoa tình
yêu trong lời thơ kín đáo của Nghĩa Sơn.
Xuân của đất trời còn mãi, mà tuổi xuân của con người thì “một
đi không trở lại”. Tuổi xuân ngắn ngủi, tâm sự buồn bã cho số phận khi mùa xuân
đến là nỗi đau âm thầm, thấm thía của những người “gái tơ phút chốc xảy ra nạ
dòng” cũng được thể hiện trong thơ Lý Thương Ẩn. Vì nghèo nên cô gái không lấy
được chồng: “Đông gia lão nữ giá bất thụ” (Cô gái già bên nhà đông không lấy được
chồng), trong tiết thanh minh vẫn đi đạp thanh, nhưng chỉ là để ngắm cảnh các
đôi tình nhân du xuân. Để khi đêm về nằm trằn trọc đến sáng, cảm nhận nỗi cô đơn,
sự hẩm hiu của kiếp nghèo trong tịch mịch đêm dài. Nỗi đau không lấy được chồng
ấy chỉ có con én trên rường nhà nghe thấy mà thôi:
Quy lai triển chuyển đáo ngũ canh,
Lương gian yến tử văn trường thán.
Vô đề tứ thủ, bài 4
(Đêm về thao thức đến trời sáng,
Riêng én trên rường thấu nỗi đau).
Rồi yêu đương chờ đợi chỉ vì một lời hứa suông, nhưng
thế thôi cũng đủ thỏa nguyện. Người không đến trong đời thật, thì đến trong giấc
mơ, mà xót xa một giấc mơ chia cách. Đớn đau khóc mãi không thành lời. Rằng
phôi pha một giấc mơ xa, người đi biền biệt nhạt nhòa hương phai:
Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung
Nguyệt tà lâu thượng ngũ canh chung.
Mộng vi viễn biệt đề nan hoán,
Thư bị thôi thành mặc vị nồng.
Vô đề tứ thủ, bài 1
(Bảo rằng sẽ đến nhưng chỉ là lời nói suông, đi biệt tăm
tích,
Trăng xế rọi trên lầu, vẳng tiếng chuông lúc canh năm.
Trong mơ thấy cùng nàng xa cách, đau buồn, khóc mãi chẳng
thành tiếng,
Tờ thư vội viết cho xong chẳng cần chờ đến lúc mài mực thật đậm.)
Tình yêu trong thơ Lý Thương Ẩn cũng vô cùng nồng nàn, sâu sắc,
chung thủy. Vua sáng tôi hiền còn dễ gặp nhau, tài tử giai nhân nào dễ gặp. Đã
gặp nhau rồi thì chia lìa lại càng khó hơn. Lòng người tài tử vương vấn vấn
vương như tơ tằm khôn dứt, như nến đỏ rỏ dòng huyết lệ:
Tương kiến thì nan biệt diệc nan,
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thủy can.
Vô đề (Tương kiến thì nan…)
(Gặp gỡ nhau đã khó, mà chia tay cũng khó,
Gió đông không đủ sức làm trăm hoa tàn héo.
Tằm xuân đến chết mới hết nhả tơ,
Ngọn nến cháy thành tro mới khô dòng lệ.)
Đọc những dòng thơ ấy của Lý Thương Ẩn, có ai không động mối
cảm thương, dấy lòng thương cảm? Tâm sự nhớ nhung mong chờ người yêu trong cách
trở, nào biết tỏ cùng ai, đành đem nói cùng gió xuân:
Đồng hướng xuân phong các tự sầu.
Đại tặng nhị thủ, bài 1
(Cùng đem nỗi lòng sầu khổ nói với gió xuân.)
Nỗi niềm chia biệt cùng người yêu cũng được Thương Ẩn tả rất
xúc động và chân tình. Người con gái tự hỏi liệu người yêu của mình khi đi xa
có đau buồn như mình chăng? Đó là tiếng lòng cô gái đang yêu nên đầy ngờ vực,
muốn khẳng định tình cảm của chàng trai với mình:
Tổng bả xuân sơn tảo mi đại,
Bất tri cung đắc kỷ đa sầu.
Đại tặng nhị thủ, bài 2
(Cô gái thường vẽ nét mày như nét đẹp của núi xuân,
Nào hay chỉ được thêm bấy nhiêu sầu?)
Những cung bậc của tình yêu, những hoàn cảnh của tình yêu đều
được thể hiện khá thú vị và cảm động trong thơ Lý Thương Ẩn. Xa cách nhớ thương
đã đành, gần nhau nhưng không được tự do yêu nhau càng đau thương, thê thảm
hơn. Những lúc như thế, khát vọng về tình yêu tự do trỗi dậy trong lòng người
con gái tưởng yếu đuối mới mạnh mẽ làm sao khi nhìn mùa thu đến với hàng liễu
xanh thẳm, hồ sen đưa hương:
Uyên ương khả tiện đầu câu bạch,
Phi lai phi khứ yên vũ thu.
Đại tặng
(Thèm được như đôi uyên ương sống bên nhau đến đầu bạc,
Rồi có lúc yêu đương chỉ cần có đủ đôi, được bên nhau, dẫu chịu
nhốt trong không gian chật hẹp, không cần phải trong không gian rộng lớn. Vì
không gian càng rộng lớn, sự xa cách càng lớn:
Bất tu trường kết phong ba nguyện,
Tỏa hướng kim lung thủy lưỡng toàn.
Uyên ương
(Chẳng cần giữ lời thề nguyền tự do bay trong sóng gió,
Thà chịu cảnh khóa kín trong lồng mà đủ đôi.)
Tình yêu trong thơ Lý Thương Ẩn không dừng lại ở những cuộc
tình dang dở, trắc trở, ngăn cách kia, mà còn có những bài thơ biểu lộ niềm hối
tiếc cho tình yêu chính mình đánh mất:
Thường Nga ưng hối thâu linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.
Thường Nga
(Thường Nga hối trộm thuốc tiên,
Tình yêu và nỗi đau như một đôi bạn thân, yêu không được cũng
khổ đau, yêu nhưng lại không được ở cùng nhau cũng là khổ. Nếu người phụ nữ
trong thơ Vương Xương Linh hối tiếc khi khuyên chồng đi tìm công danh để tuổi
xuân đời con gái trôi qua trong tịch mịch u buồn: “Hốt kiến mạch đầu dương liễu
sắc, Hối giao phu tế mịch phong hầu” (Khuê oán), thì trong thơ Lý Thương Ẩn,
người phụ nữ có chồng làm quan, tưởng được chăn nồng ân ái, nhưng lại có một nỗi
đau khác:
Vô đoan giá đắc kim quy tế,
Cô phụ hương khâm sự tảo triều.
Vị hữu
(Có ngờ đâu lấy được chồng làm quan cao,
Vào triều sớm để phụ tấm chăn thơm.)
Chờ đợi và khát khao trao nhau những lời nồng ấm là nỗi niềm
của một người vợ trẻ. Nỗi lòng ấy, được thi nhân tả rất thật và rất đau:
Đãi đắc lang lai nguyệt dĩ đê,
Hàn huyên bất đạo túy như nê.
Ngũ canh hựu dục hướng hà xứ?
Kỵ mã xuất môn ô dạ đề.
Vô đề nhị thủ, bài 1
(Chờ chàng trở về thì trăng đã xế,
Chuyện trò chẳng được vì chàng say mềm.
Canh năm không biết lại đi đâu,
Cỡi ngựa ra khỏi cửa, lũ quạ kêu đêm.)
Toàn bài không thấy có một lời than trách của người vợ trẻ với
người chồng. Nhưng nỗi cô đơn buồn bã, niềm tức tưởi của người thiếu phụ như cô
đặc trong lòng độc giả bởi tiếng quạ sầu kêu đêm ấy. Tiếng quạ kêu đêm hay tiếng
người thiếu phụ mà khiến lòng người đọc gờn gợn những cơn sóng cảm xúc? Tiếng
quạ kêu đêm trong thơ Lý Thương Ẩn với tiếng quạ kêu sương khi trăng tà trên bến
Phong Kiều của Trương Kế khác nhau lắm. Trương Kế nghe tiếng quạ kêu khi trăng
tà, nguyệt tận, sương rơi trên bến Phong Kiều, chỉ là tiếng quạ của cảnh vật.
Còn tiếng quạ kêu trong thơ của Lý Thương Ẩn khiến người ta liên tưởng đến tiếng
kêu đau đớn của người thiếu phụ không được hưởng phút giây ấm nồng dẫu lấy được
người chồng lương tướng. Yêu đương trắc trở buồn đau còn nói gì nữa, cả những
khi lấy được chồng lương tướng mà vẫn sầu khổ. Nỗi sầu khổ ấy thấm thía hơn,
đau đớn hơn nhiều so với chuyện xui chồng đi tìm cái ấn phong hầu của người phụ
nữ trong bài Khuê oán của Vương Xương Linh.
Cuộc sống tình yêu bất cứ thời đại nào, ở đâu, những người
yêu nhau cũng cần được ở bên nhau. Lý Thương Ẩn là người nhìn thấy đời sống
tình yêu của vua chúa không bằng đời sống vợ chồng của người dân thường:
Thử nhật lục quân đồng trú mã,
Đương thì thất tịch tiếu Khiên ngưu.
Như hà tứ kỷ vi thiên tử,
Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu.
Mã ngôi, bài 2
(Ngày hôm ấy sáu quân nhất tề dừng ngựa
[đòi giết Dương Quý phi],
Lúc bấy giờ thực đáng cười cho chàng Khiên Ngưu
trong đêm mồng bảy tháng bảy.
Tại sao đã làm thiên tử đến bốn chục năm trời,
Nếu xưa Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa thành bướm, thỏa
thích bay lượn, khi tỉnh dậy không biết mình là bướm hóa thành Trang Chu hay
Trang Chu đã hóa bướm mất rồi, thì thơ của Lý Thương Ẩn cho ta cái cảm giác như
thế, không biết là hồn của thi nhân hay là hồn của những cô gái. Dường như hồn
của Lý nhập vào hồn người thiếu phụ, hồn của những cô gái xuân thì, khiến người
đọc thơ Lý Thương Ẩn không biết là Thương Ẩn hay là những cô gái xuân. Bốn bài
thơ Yên đài chính là một bằng chứng sống động về những điều nói trên.
Nỗi niềm tương tư thổn thức, nỗi khát khao mong đợi gặp gỡ người yêu, nỗi oán hận
chia lìa, cách trở, nỗi đớn đau đến rỉ máu, cơn đoạn trường khôn xiết của cô
gái qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông … được Lý Thương Ẩn khắc họa sống
động và tràn đầy tình cảm.
Toàn bài Xuân là nỗi mong đợi của nàng con gái chia
tay cùng người yêu, hồn thẫn thờ chìm trong nỗi nhớ:
Túy khởi vi dương nhược sơ thự,
Ánh liêm mộng đoạn văn tàn ngữ.
Sầu tương thiết võng quyến san hô,
Hải khoát thiên khoan mê xứ sở.
Y đái vô tình hữu khoan trách,
Xuân yên tự bích thu sương bạch.
Yên đài thi tứ thủ, Xuân
(Tỉnh giấc trưa thấy bóng nắng chiều nhạt ngỡ ánh bình minh,
Nắng chiếu qua rèm, tàn giấc mộng còn nghe lời ai văng vẳng.
Sầu đem lưới sắt giăng bủa san hô,
Nhưng trời cao biển rộng biết tìm nơi đâu.
Lưng áo vô tình rộng thêm ra,
Khói xuân xanh biếc sương thu trắng.)
Hạ lại là nỗi khát khao gặp mặt cùng người yêu, khấn
nguyện cùng trăng cầu một tình yêu:
Quế cung lưu ảnh quang nan thủ,
Yên huân lan phá khinh khinh ngữ.
Yên đài thi tứ thủ, Hạ
(Bóng trăng tỏa sáng khó cầm được,
Lời thơm tho như hoa lan, khấn thầm cùng ánh trăng.)
Khấn trăng cầu nguyện là tục lệ của những cô gái đang tuổi
yêu đương. Trong thơ Đường, chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh này. Hãy xem
cô gái trong bài Bái tân nguyệt của Lý Đoan:
Khai liêm kiến tân nguyệt,
Tức tiện há giai bái.
Tế ngữ nhân bất văn,
Bắc phong xuy la đái.
(Mở rèm đầu tháng trăng nghiêng,
Vội vàng bước xuống bậc thềm chắp tay.
Thì thầm khấn khấn ai hay,
Giải xiêm gió bấc lùa bay là đà.)
Dẫu không nghe được lời nguyện cầu của cô gái, dẫu chỉ thấy
giải áo phơ phất bay trong gió, thế thôi cũng đủ hình dung tâm tình chờ mong và
khát vọng của nàng. Nhưng nó vẫn cứ nhẹ nhàng, không như người con gái trong
thơ của Lý Thương Ẩn từ khẩn cầu đã chuyển sang trách móc cuộc chia lìa:
Trực giao Ngân Hán đọa bôi trung,
Vị khiển Tinh phi trấn lai khứ.
Trọc thủy thanh ba hà dị nguyên?
Tế hà thủy thanh hoàng hà hồn.
Yên đài thi tứ thủ, Hạ
(Thà để sông Ngân rơi vào trong chén,
Còn hơn để cho Chức nữ phải đi lại khó nhọc để gặp người yêu.
Nước đục sóng trong nào có khác nguồn,
Mà nay lại chia thành sông Tế nước trong, sông Hoàng hà nước
đục.)
Tâm sự ấy sau cùng chuyển thành khát vọng bên nhau, được kêu
gào chứ không còn im ỉm dồn nén:
An đắc bạc vụ khởi sương quần,
Thủ tiếp vân bình hô thái quân.
Yên đài thi tứ thủ, Hạ
(Làm sao ở trong màn sương mặc chiếc áo vàng nhạt,
Đón xe của chàng đến mà kêu tên chàng?)
Xuân chia biệt, Hạ nhớ nhung, khát khao được gặp
gỡ, thì Thu là nỗi tương tư đã thành oán giận:
Dục chức tương tư hoa ký viễn,
Chung nhật tương tư khước tương oán
Yên đài thi tứ thủ, Thu
(Muốn dệt nỗi tương tư gởi cho người yêu nơi xa,
Suốt ngày ngồi tương tư người lại chuyển thành nỗi hận.)
Kỷ gia duyên cẩm tự,
Hàm lệ tọa uyên ky.
Tức nhật
(Bao nhiêu nhà dệt mãi bức gấm thư,
Nuốt lệ ngậm ngùi ngồi bên khung dệt.)
Hoặc như:
Cẩm trường thư trịnh trọng,
Mi tế hận phân minh
Vô đề
(Bao lần dệt bức thư dài gởi người,
Nỗi sầu hiện rõ trên nét mày thanh mảnh.)
Tô Huệ dệt thư gởi chồng đã khiến người đọc thương xót, mà
trong thơ Lý Thương Ẩn, nỗi đau xót ấy càng được đẩy đến cùng. Nỗi hận ấy không
vô duyên vô cớ mà bởi nàng bị giam cầm trong buồng khuê giữa mùa xuân thì phơi
phới:
Kim ngư tỏa đoạn hồng quế xuân,
Cổ thì trần mãn uyên ương khuân.
Kham bi tiểu uyển tác trường đạo…
Yên đài thi tứ thủ, Thu
(Ổ khóa cá vàng nhốt tuổi thanh xuân,
Chăn uyên ương xưa giờ bám đầy bụi bặm.
Buồn thay, mảnh vườn nhỏ mà ngỡ như con đường dài,…)
Nếu người con gái trong thơ Khuê oán của Kim Xương
Tự:
Đả khởi hoàng oanh nhi,
Biệt giao chi thượng đề.
Đề thời kinh thiếp mộng,
Bất giác đáo Liêu Tê (Tây).
(Đuổi giùm thiếp cái vàng anh,
Đừng để nó hót trên cành trêu ngươi,
Làm tan giấc thiếp đang say,
Dở dang mộng đến Liêu Tây cùng chồng.)
Thì người con gái trong thơ của Nghĩa Sơn lại yêu hận trong
hiện thực trong kỷ niệm. Sau nỗi tương tư oán giận là giây phút sống lại với kỷ
vật ngày gặp gỡ:
Song đang đinh đinh liên xích tố,
Nội ký Tương xuyên tương thức xứ.
Yên đài thi tứ thủ, Thu
(Đôi bông tai và tờ thư còn để đó,
Trong đó ghi dấu nơi ta quen nhau trên sông Tương.)
Nhưng một kiếp đợi chờ bờ môi ngấm lệ ngóng trông, tiếc
thương chua xót cho làn hương tình yêu nhòa nhạt trong tầm tay:
Ca thần nhất thế hàm vũ khan,
Khả tích hinh hương thủ trung cố.
Yên đài thi tứ thủ, Thu
(Môi xinh ngậm lệ, một đời trông ngóng,
Tiếc thay làn hương cứ nhạt nhòa bay mất trong bàn tay.)
Rồi Thu qua Đông lại, giờ đây những khát
vọng đợi chờ đã nhuốm màu tuyệt vọng. Càng luyến tiếc những ngày qua, nỗi đau
càng thêm lớn:
Phương căn trung đoạn hương tâm tử.
Yên đài thi tứ thủ, Đông
(Cây hoa gãy cành, nhụy hoa chết khô.)
Niềm vui ngày xưa đã phai, chỉ còn người con gái trong thành
vắng, tòa thành của cô đơn, tịch mịch:
Không thành bãi vũ yêu chi tại.
Đương thì hoan hướng chưởng trung tiêu,…
Yên đài thi tứ thủ, Đông
(Khi múa xong thành vắng lặng, chỉ còn chiếc eo thon.
Ngày xưa từng múa hát vui vẻ bên nhau nay không còn nữa,)
Một lần nữa, mùi hương của tình yêu, của hoan lạc lại tan mất
trong tay.
… Cô đơn đến chẳng còn thiết gì đến điểm trang. Nàng chỉ
biết ngồi nhìn ánh nến lập lòe thổn thức đến trời bình minh:
Phá hoàn nụy đọa lăng triêu hàn,
Bạch ngọc yến thoa hoàng kim thiền.
Phong xa vũ mã bất trì khứ,
Lạp chúc đề hồng oán thiên thự.
(Xõa tóc cao, để lệch búi tóc trong buổi sớm lạnh,
Trâm én ngọc trắng, kẹp ve vàng cũng biếng cài.
Xe gió ngựa mưa sao không chở thiếp đi,
Một mình bên ngọn nến khóc hận trời sáng.)
Nỗi cô đơn được đẩy đến tột cùng khi nghe tiếng mưa tiếng gió
như ngựa xe nơi cõi tình vụt qua. Còn một mình trong cô quạnh, người và nến
cùng rỏ lệ oán than, chỉ mong cho đêm dài vô tận… Nỗi oán hận tương tư ấy nghe
thật giống với nàng ca kỹ thi nhân đất Giang Hoài Từ Nguyệt Anh:
Chẩm tiền lệ dữ giai tiền vũ,
(Lệ rơi trên gối, mưa ngoài chái,
Cách một song khe, rỏ đến mai.)
Và chắc chắn rằng không có một nhà nho chính thống nào làm
thơ tình tặng cho những nữ đạo sĩ như kiểu Lý Thương Ẩn:
Thâu đào thiết dược sự nan kiêm,
Thập nhị thành trung tỏa thái thiềm.
Ưng cộng tam anh đồng dạ thưởng,
Ngọc lâu nhưng thị thủy tinh liêm.
Nguyệt dạ trùng ký Tống Hoa Dương tỉ muội
(Trộm đào, cắp thuốc, cả hai đều khó vô cùng,
Vầng trăng đẹp bị nhốt trong tòa thành cao mười hai tầng.
Giá được cùng ba nàng ngắm trăng đêm nay,
Đã ở lầu ngọc mà sao vẫn như ở trong rèm thuỷ tinh nơi cấm
cung?)
Theo Diệp Thông Kỳ, đời Đường, những cô gái trong cung bị ép
đưa vào đạo quán rất nhiều. Cựu Đường thư, Văn Tông bản kỷ chép: “Năm
thứ ba niên hiệu Khai Thành, …, những cô gái cho ra khỏi cung có đến bốn trăm
tám mươi người, đều được đưa vào ở trong Lưỡng Nhai tự quán”[4]. Bài thơ như một lời bày tỏ tình cảm yêu
thương của Lý Thương Ẩn dành cho những cô gái bất hạnh, những nữ đạo sĩ bất đắc
dĩ, nhưng cũng là một lời cảm thương đòi hỏi tự do yêu đương của những người
thiếu nữ.
Lý Thương Ẩn còn làm thơ tặng cho người kỹ nữ lời lẽ hết sức
chân thành và nồng nàn:
Bạch nhật tương tư khả nại hà,
Nghiêm thành thanh dạ đoạn kinh qua.
Chỉ tri giải đạo xuân lai sấu,
Bất đạo xuân lai độc tự đa.
Tặng ca kỹ nhị thủ, bài 2
(Ban ngày ta nhớ nàng đành biết làm sao,
Đến đêm cổng thành đóng kín lại không qua chỗ nàng được.
Chỉ biết rằng xuân đến ta gầy thêm,
Mà không biết rằng xuân về ta thêm đơn chiếc.)
Chia tay người ca kỹ mà ông yêu mến nơi Bản Kiều, Lý Thương Ẩn
không giấu được cảm xúc của một tình yêu chân thành. Ông tả cảm xúc của cô gái
quyến luyến trong đêm biệt li, mà cũng có thể là của chính mình, cả đêm lệ thắm
chan hòa:
Thủy tiên dục thướng lý ngư khứ,
Nhất dạ phù dung hồng lệ đa.
Bản Kiều hiểu biệt
(Khách tiên sắp sửa cỡi cá chép ra đi,
Cả đêm qua hoa sen rỏ lệ hồng đầy vơi.)
Tình tứ nhưng kín đáo là những nét đặc sắc trong thơ tình của
Lý Thương Ẩn. Đọc thơ Lý Thương Ẩn, hãy nhập hồn trong tình ý, trong câu chữ ẩn
mật của Ngọc Khê sẽ thấy ở ông một tình yêu nồng nàn và thắm thiết. Điều đó
chúng ta còn nhận thấy trong những bài thơ ông viết cho người vợ yêu họ Vương của
ông.
2. … bao giờ khêu nến song tây?
(Hà đương cộng tiễn tây song chúc)
Lý Thương Ẩn là người viết nhiều bài thơ mang nội dung thương
nhớ vợ với tình cảm thiết tha, xúc động nhất trong các thi nhân thời bấy giờ. Đọc
những bài thơ ấy của ông, mới hiểu Lý Thương Ẩn là người đa tình nhưng lại rất
chung tình. Trong bộ phận sáng tác này, ta có thể chia thành hai giai đoạn, một
là giai đoạn vợ ông còn sống, hai là giai đoạn từ khi vợ ông mất. Bởi chính sự
kiện này ảnh hưởng đến rất nhiều tâm trạng của Lý Thương Ẩn.
Khổ sinh ly
Giai đoạn khi vợ của Lý Thương Ẩn còn sống, tác giả viết nhiều
bài thơ gởi vợ, với tình ý kín đáo, nhưng chân thành và xúc động. Trong thơ,
thi nhân luôn nói đến lòng quê, đến giấc mộng trở về, hy vọng ngày đoàn viên
sum họp.
Khi lưu lạc ở đất Ba Thục, trong đêm mưa gió, ao thu nước biếc
dâng đầy xui lòng lữ khách trào nỗi nhớ thương. Chợt buồn nhớ người ta yêu, nỗi
lòng đem gởi ít nhiều tương tư. Ý ấy chợt thành, vung bút viết thơ, bài thơ ấy
trở thành tuyệt tác của Lý Thương Ẩn. Bài thơ là một tâm trạng miên man dằng dặc,
dù chỉ có bốn câu. Cái tình nhung nhớ mong được trở về bên người vợ thể hiện rất
cô đọng nhưng chan chứa tình:
Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì.
Dạ vũ ký bắc
(Nàng hỏi ngày trở về, nhưng ta chưa biết ngày nào trở lại,
Đêm ở Ba Sơn, mưa làm dâng nước hồ thu.
Bao giờ cùng nhau khêu nến bên song tây,
Ta sẽ kể chuyện trong đêm mưa ở Ba Sơn.)
Nỗi lòng thương nhớ người thân, nhất là nhớ người vợ yêu
trong ông vô cùng mãnh liệt, buồn cho nỗi xuân tàn hạ đến, cảm khái cuộc đời để
lỡ tuổi xuân. Thế nhưng, thân ở trong quân ngũ ít khi về được, nỗi lòng thương
người tình, nhớ quê hương bám theo tơ liễu, nhưng chẳng phải bám theo một cách
đường đường chính chính mà là “trộm” bám bay ra ngoài thành. Ngang qua bến sông
nghe tiếng tử quy khắc khoải kêu, làm lòng lữ khách nhức nhối một niềm mơ được
trở về quê hương, bên người vợ trẻ:
Thân thuộc trung quân thiểu đắc quy,
Mộc lan hoa tận thất xuân kỳ.
Thâu tùy liễu nhứ đáo thành ngoại,
Hành quá thủy tây văn tử quy.
Tam nguyệt thập nhật Lưu Bôi đình
(Thân ở trong quân ít được về nhà,
Hoa mộc lan nở hết, lỡ mất buổi du xuân.
Trộm theo tơ liễu bay ra ngoài thành,
Đi ngang qua bờ tây sông chợt nghe tiếng chim tử quy.)
Đọc bài thơ trên, cảm thấy lòng thấy buồn bã khôn nguôi, hồn
mơ màng như đang vướng theo tơ liễu mà bay, mà bồng bềnh trong không gian. Bài
thơ hay ở chỗ tả được cái tình mong nhớ hoài vọng về người yêu, mong mỏi được
trở lại quê nhà nhưng vì việc quân ta không về nhà thường xuyên được. Nhớ người
lắm đành trộm đem lòng bay theo tơ liễu nhờ gió gởi về cho người yêu chốn quê
nhà. Càng hay hơn là khi ngang bến sông, nghe tiếng tử quy kêu khắc khoải mà ngỡ
như giọng người yêu gọi “chàng ơi, về đi”[5]. Nỗi lòng “Hối giao phu tế mịch phong hầu”
của người thiếu phụ trong thơ Vương Xương Linh phảng phất trong thơ Lý Thương Ẩn
bằng tiếng kêu não nùng của chim tử quy.
Lý Thương Ẩn lấy con gái của Vương Mậu Nguyên vào năm ông mới
25 tuổi, thế nhưng ông vẫn than rằng gặp nhau, yêu nhau quá muộn, điều đó chứng
tỏ ông và vợ rất tâm đầu ý hợp. Có lẽ do thời gian hai người bên nhau không được
nhiều, với Lý Thương Ẩn, những chuỗi ngày lưu lạc nơi đất khách, cô đơn, nên những
bài thơ viết trong lúc ông bôn ba nơi đất khách bao giờ cũng chan chứa tình yêu
nhớ nhung người vợ nơi quê nhà.
Kết ái tằng thương vãn,
Đoan ưu phục chí kim.
… Dao tri triêm sái ý,
Bất giảm dục phân khâm.
Dao lạc
(Yêu nhau đau lòng vì quá muộn,
Lòng ta buồn bã đến mãi giờ…
… Người ở xa ấy biết ý ta buồn rỏ lệ,
Chắc buồn bã không kém lúc ta chia ly.)
Nhìn cảnh vật xơ xác trong những ngày cuối năm, tự cảm thương
cho thân phận mình luân lạc, cô đơn nơi chân trời góc biển. Thi nhân động lòng
nhớ quê, nhưng chỉ có thể về trong mộng! Ấy mà, nào được một giấc mộng dài cho
trọn vẹn chiêm bao. Giấc mộng về quê của người lưu lạc vật vờ trầm bổng dưới
màn trăng đêm nhàn nhạt. Đã có lần nhà thơ nghe trong tiếng chim oanh kêu như rỏ
lệ làm ướt cánh hoa trên cao trong mùa xuân lưu lạc:
Xuân nhật tại thiên nha,
Thiên nha nhật hựu tà.
Oanh đề như hữu lệ,
Vị thấp tối cao hoa.
Thiên nhai
(Ngày xuân lưu lạc ở góc trời,
Chân trời thì mặt trời lại xế bóng.
Chim oanh hót như có nước mắt,
Làm ướt đóa hoa ở trên cao nhất.)
Cũng có lần tiếng gà gáy sớm ở Trần Thương làm vụn vỡ, tan
hoang giấc mộng hồi hương của người lữ thứ phiêu bạc ước tìm một chốn dừng
chân:
Bách lý âm vân phúc tuyết nê,
Hành nhân chỉ tại tuyết vân tê (tây).
Minh triêu kinh phá hoàn hương mộng,
Định thị Trần Thương bích dã kê.
Tây nam hành khước ký tương tống giả
(Trăm dặm mây mờ tuyết đổ như bùn,
Người ra đi trong trời tây đầy mây và tuyết.
Buổi sáng, làm tan giấc mộng về quê của ta,
Chính là tiếng gáy của gà hoang ở Trần Thương.)
Trong mùa xuân, mưa bụi phơ phất, hơi giá lạnh lẽo xói vào
lòng khách làm rùng mình một niềm thương nhớ, làm hốt hoảng nỗi nhớ nhà, làm động
dậy mối tình chia biệt, và làm khắc khoải cõi sầu ưu trên dặm đường công danh…
Viễn lộ ưng bi xuân uyển vãn,
Tàn tiêu do đắc mộng y hy.
Ngọc đương giảm trác hà do đạt?
Vạn lý vân la nhất nhạn phi.
Xuân vũ
(Đường xa vời buồn khi xuân muộn,
Đêm tàn còn được vài giấc mơ.
Tờ thư gói chiếc khoen tai bao giờ đến?
Một cánh nhạn bay trong muôn dặm mây mờ.)
Mùa xuân sang áo màu khoe sắc, chỉ riêng thi nhân nằm khoèo
buồn bã với chiếc áo bông trắng cũ. Ở đời lắm chuyện trái ý, lưu lạc ở Bạch Môn
mưa bay phơ phất thêm màu lạnh lẽo. Nơi phương xa người vợ hiền có lẽ cũng buồn
bã trong xuân muộn. Mỗi đêm sắp tàn thi nhân cũng còn được vài giấc mơ sum họp
cùng người yêu… Thế rồi chờ đợi một cánh thư? Nhưng mây mờ muôn dặm thư tờ vắng
hoe, chỉ thấy mưa xuân phơi phới bay…
Cuộc đời Lý Thương Ẩn là chuỗi ngày lưu lạc nổi trôi trong hồ
hải cuộc đời, đã nhiều lần ông nén nỗi buồn của một thân phận lữ khách nơi xứ lạ,
ngậm ngùi ca hát, ngậm ngùi say sưa. Có lúc nằm vùi nơi bến Thanh Chương:
Giang hải tam niên khách,
Càn khôn bách chiến trường.
Thùy năng từ mính đính,
Yêm ngọa kịch Thanh Chương.
Dạ ẩm
(Ba năm thân hồ hải,
Trăm trận cõi vô thường.
Một cuộc say, ai khước?
Nằm vùi trên bến Chương.)
Bao năm nén lệ tủi sầu, mong nhớ:
Tam niên dĩ chế tư hương lệ,
Cánh nhập tân niên khủng bất khâm.
Tả ý
(Nhớ quê nén lệ ba năm trọn,
Năm mới vừa sang khó nén rồi!)
Lại có khi bao nỗi niềm nơi cầu Bá trào dâng thành một
bài Lệ thảm thiết:
Lệ người ở nơi ngõ vắng thăm thẳm, oán cuộc sống lụa là,
Lệ của người cuộc tình chia cách, suốt ngày ước nguyện phong
ba.
Những giọt nước mắt làm trúc sông Tương thấm vàng đốm nhiều vô
kể,
Lệ của bao người rơi trước bia trên núi Hiện.
Lệ của người ra đi, bỏ cung cấm, mùa thu nhập vào biên ải,
Nước mắt của quân tàn nơi trướng Sở, nửa đêm nghe tiếng hát
vang.
Sáng ra thử hỏi bên cầu sông Bá,
Trong nỗi niềm cô đơn nơi đất khách, người lữ thứ luôn nhớ về
quê hương, người yêu, gia đình. Đó là cảm xúc không của riêng ai. Thi nhân muôn
đời vẫn thế. Từ “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Tản Đà dịch: Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng
ai) của Thôi Hạo (Hiệu), rồi “Tổng vị phù vân năng tế nhật, Trường An bất kiến
sử nhân sầu” (Mây mờ che khuất ánh dương, Trường An chẳng thấy dạ mang mang buồn)
của Lý Bạch, cho đến “Lòng quê dờn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng
nhớ nhà” của Huy Cận khi nhìn sông nước tràng giang, đều bắt gặp một nỗi niềm
cô đơn của người lữ khách, dẫu không cùng thời đại, dẫu khác xa về không gian.
Nhưng ở Lý Thương Ẩn, nỗi niềm ấy khác với những thi nhân khác cùng thời với
ông. Hoài tài bất ngộ, lênh đênh lưu lạc nay chân trời mai góc biển, những cảm
xúc mơ về quê hương, mơ về người vợ yêu… là những cảm xúc chân thành dội lên từ
tâm khảm của một thi nhân tài tử như Lý Thương Ẩn. Vì thế, thơ ông là tiếng
lòng của một tâm hồn đa cảm, giọng điệu của một tâm sự buồn bã, của oán thán, của
nhớ nhung và bất đắc chí.
Buồn tử biệt
Từ khi mất vợ, Lý Thương Ẩn làm một loạt những bài thơ biểu lộ
tình thương nhớ một người bạn cố tri, một người vợ tâm đầu ý hợp. Những bài thơ
ông viết trong thời gian này, luôn trĩu nặng tâm sự nhớ nhung, day dứt. Những
ám ảnh theo suốt chặng đường đời còn lại của một thi tài đa sầu đa cảm, đó là
lòng quê, giấc mộng trở lại quê hương, giấc mơ sum họp mịt mờ như mù sa sương sớm,
là làn hương còn sót lại trong đình Tây, trong chăn thúy. Ngồi chuyện trò cùng
sen tàn nơi hồ thu, chuyện trò cùng làn hương của người yêu, người vợ thiên cổ…
nỗi ám ảnh ấy như tơ vương của tằm, như tơ ngó sen, càng kéo càng vươn dài…
Năm Đại Trung thứ 5, Lý Thương Ẩn thôi làm quan ở Từ Mạc trở
về quê, vợ ông là Vương thị mất vào khoảng mùa hè thu. Trước lúc vợ mất, ông
không được gặp vợ lần cuối. Nỗi buồn mất vợ u uất nghẹn ngào, thi nhân thấy hoa
tường vi đỏ như cũng rỏ lệ cảm thương. Con trẻ ngây thơ vẫn say giấc sau một
cơn đau đớn cùng cực, dẫu bóng tà dương dọi vào giấc ngủ trẻ thơ:
Tường vi khấp u tố,
Thúy đái hoa tiền tiểu.
Kiều lang si nhược vân,
Bão nhật tây liêm hiểu.
Phòng trung khúc
(Hoa tường vi ngậm sương như khóc thầm,
Cành hoa tường vi mỏng mảnh xanh biếc, cánh hoa nhỏ nhắn.
Con dại đau buồn lẻ loi như đám mây nổi,
Ôm gối ngủ, nắng sáng chiếu vào vẫn chưa dậy.)
Hình ảnh đứa trẻ gợi cho người đọc những niềm cảm xúc khó tả.
Một nỗi cô đơn, bơ vơ tràn ngập dưới bóng tà huy. Chính hình ảnh ấy càng làm
cho nỗi đau của Lý Thương Ẩn thêm đậm nét khi ánh nhìn của thi nhân chuyển từ
con trẻ sang tấm chăn uyên ương ngày cũ. Nhìn tấm chăn mềm mại vẫn còn đó, chiếu
ngọc vẫn còn đây mà vợ đã giã biệt cõi đời để đi vào cõi mộng! Chỉ thấy đàn cẩm
sắt nằm im mặc bụi thời gian phủ mờ bao ký ức:
Quy lai dĩ bất kiến,
Cẩm sắt trường vu nhân.
Phòng trung khúc
(Lúc ta về thì không được gặp lần cuối,
Chỉ thấy cây đàn gấm vẫn còn đó.)
Tình cảnh ấy buồn quá, chao ôi, buồn nghe trong giọng ngập mùi
xót xa:
Sầu đáo thiên địa phiên,
Tương khán bất tương thức.
Phòng trung khúc
(Buồn đau đến đất trời nghiêng ngửa,
Nhìn nhau nhưng chẳng nhận ra nhau.)
Bài Cẩm sắt là một trong những bài thơ diễm tình
gây nhiều ý kiến từ các nhà bình thơ nhất. Theo Lục Vĩnh Phẩm thì “nó khái quát
cả sự nuối tiếc của cuộc đời ông, cả niềm cảm khái tráng chí bất thành, cũng có
cả chuyện ly hợp hoan bi trong đời sống tình yêu”[7]:
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên…
Cẩm sắt
(Cây đàn cẩm sắt cớ gì có năm mươi dây,
Mỗi dây một trụ khiến ta nhớ đến những chuyện thời trẻ tuổi.
(Tiếng đàn êm ái, hớn hở) như Trang Sinh
lầm mình là bướm trong giấc mộng sớm.
(Có lúc buồn não nuột như) lòng xuân của Vọng đế
gởi vào tiếng kêu thê thảm của chim đỗ quyên.
(Lúc thì trong trẻo, thánh thót) như ánh trăng sáng,
lấp lánh như ngọc hàm lệ trong lòng biển xanh.
Có lúc nồng nàn ấm áp như nắng ấm rọi vào ngọc
trên núi Lam Điền tỏa khói.)
Bài thơ không đơn thuần là tả đàn cẩm sắt, mà còn là một lời
hỏi, là duyên cớ để dẫn dắt tình cảm, “mỗi dây mỗi trụ” làm thành từng đôi từng
cặp như thế gợi nỗi đau lẻ bạn của tác giả thêm sâu, thêm “tiếc hoa niên”. Tả
tiếng đàn cẩm sắt nhưng cũng là diễn tả tình cảm của người đàn với người nghe,
lúc mơ màng, sung sướng, lúc đau đớn, ân hận, lúc trong trẻo, lanh lảnh, lúc ấm
áp, trầm lắng… và nỗi niềm của thi nhân khi xưa nghe tiếng đàn cẩm sắt và nay
đàn cẩm sắt nằm im bụi mờ.
Mỗi khi đêm về, tâm hồn tác giả là nơi trú ngụ của nỗi cô đơn
và sầu muộn. Nỗi niềm thương nhớ vợ trào dâng, thi nhân thoảng nghe mùi hương của
vợ như sót lại trong chăn gối, lại một đêm thức trắng, không phải cùng người
khêu nến bên song tây, mà chỉ cùng sen tàn giãi nỗi muộn phiền uất nghẹn trong
tim:
Tây đình thúy bị dư hương bạc,
Nhất dạ tương sầu hướng bại hà.
Dạ lãnh
(Chốn Tây đình, tấm chăn xanh còn vương làn hương mỏng,
Cả đêm ta đem nỗi sầu giãi tỏ với sen tàn.)
Mùi hương cũ của người vợ yêu là nỗi ám ảnh không bao giờ
phai trong tâm trí, trong khứu giác của thi nhân. “Hương thừa” như còn vương vấn
đâu đây, dẫu có qua bao nhiêu thời gian cũng không tan đi trong cõi yêu của hai
người, trong tâm hồn của người ở lại.
Với Lý Bạch, mùi hương của người đẹp còn thoang thoảng nơi
chăn gấm trong giường vắng, người đẹp đi rồi, ba năm còn nghe hương. Nỗi tương
tư của Lão Lý nghe ra thật thấm thía:
Sáng trung tú bị quyển bất tẩm,
Chí kim tam tải văn dư hương.
Hương diệc cánh bất diệt,
Nhân diệc cánh bất lai.
Tương tư hoàng diệp tận,
Bạch lộ thấp thanh đài.
(Chăn gấm trong giường cuốn chẳng nằm,
Đến nay ba năm còn nghe hương,
Hương cũng không tan hết,
Người cũng không trở lại.
Tương tư lá vàng rụng,
Sương trắng ướt rêu xanh)
Đó cũng là nỗi niềm của Tiểu Lý, mà mặc nhiên là nỗi niềm
chung của mọi người. Nếu Lý Bạch tả nỗi tương tư của mình trong bài Ký viễn,
thì Lý Thương Ẩn lại dàn trải ý ấy suốt những trang thơ viết về vợ mình.
Liêm thùy mạc bán quyển,
Chẩm lãnh bị nhưng hương.
Như hà vi tương ức,
Hồn mộng quá Tiêu Tương.
Dạ ý
(Tấm rèm buông hờ nửa vén lên,
Gối lạnh lùng, tấm chăn còn hương người.
Tại sao lòng ta nhung nhớ,
Nằm mộng, hồn qua vùng Tiêu Tương.)
Vào khoảng tháng giêng năm Đại Trung thứ 11 (857), trong lúc
xuống vùng Giang Đông (nay là vùng Dương Châu, Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), ngang
qua Lạc Dương, ở lại đêm nơi nhà cũ, nơi ông và vợ từng có một thời vui vẻ, giờ
đây nhìn cảnh hoang tàn, cảm cảnh nhớ người, ông làm bài thơ nhớ vợ hết sức xúc
động. Trong đêm vắng, ông trằn trọc không ngủ được, tiếng dơi vỗ cánh, lũ chuột
chạy làm rung màn cửa, thi nhân cứ ngỡ người vợ của ông năm xưa. Buồn. Chỉ biết
ngồi đối bóng trò chuyện cùng làn hương của vợ nghe thoang thoảng đâu đây:
Biên phất liêm tinh chung triển chuyển,
Thử phiên song võng tiểu kinh sai.
Bối đăng độc cộng dư hương ngữ,
Bất giác do ca Khởi dạ lai.
Chính nguyệt Sùng Nhượng trạch
(Dơi vỗ cánh đập vào màn cửa, ta trằn trọc không ngủ được,
Chuột chạy làm rung tấm màn cửa, khiến ta ngỡ lầm có người.
Ngồi đối bóng, cùng nói chuyện với làn hương cũ sót lại,
Bất chợt ngâm bài Khởi dạ lai.)
Làn hương cũ còn sót lại ấy có thật chăng? Trong cảnh thê
lương hoang tàn ấy liệu có còn một làn hương để thi nhân trò chuyện cùng chăng?
Tác giả ngoa ngôn chăng? Chim quyên ăn trái nhãn lồng, Lia thia quen chậu
vợ chồng quen hơi (ca dao), “hơi” trong câu ca trên và “làn hương” trong
thơ Lý Thương Ẩn là cùng một lý. Đó chỉ là làn hương trong trí nhớ, trong hoài
niệm của tác giả đối với vợ ông. Mùi hương của vợ ngày trước luôn phảng phất
trong những bài thơ khi ông viết về vợ mình, mùi hương ấy luôn ám ảnh, lãng
đãng trong lòng trong tâm khảm ông. Nếu ai đã từng ở vào cảnh huống ấy thì biết
ngay rằng, tình cảm của Lý Thương Ẩn dành cho vợ là chân thật.
Từ khi vợ mất, giấc ngủ như thành xa lạ với thi nhân. Có đêm
trò chuyện cùng làn hương cũ, có đêm nghe làn hương xưa thoang thoảng, thi nhân
đem nỗi buồn nói cùng sen tàn. Cũng có khi trong mơ hồ sương khói nghe sương
rơi gõ nhịp lá ngô đồng, nỗi buồn chiếc bóng của thi nhân càng thêm gấp bội.
Nhà thơ ví mình như cánh hạc lẻ bạn, chập chờn trong tiếng sương thánh thót:
Thử dạ Tây đình nguyệt chính viên,
Sơ liêm tương bạn túc phong yên.
Ngô đồng mạc cánh phiên thanh lộ,
Cô hạc tùng lai bất đắc miên.
Tây đình
(Đêm nay ở Tây đình trăng tròn vành vạnh,
Chỉ có rèm thưa làm bạn cùng khói sương và gió thu.
Cây ngô đồng xin đừng nghiêng lá khiến sương rơi thánh thót,
Cánh hạc lẻ bạn đã lâu rồi không được yên giấc.)
Đó là nỗi đau hoài niệm một thời cùng vợ ở Tây đình, nỗi đau
vắng người bạn đời, nay chỉ còn sương khói làm bạn cùng thi nhân. Nỗi đau
thương đằng đẵng khiến người đọc không làm sao cầm nỗi xúc động, bồi hồi. Thi
nhân nhìn gương cũ động lòng nhớ vợ. Ông từng muốn thoát ra khỏi nỗi nhớ ấy,
nhưng càng cố thoát thì càng bị buộc chặt trong hoài niệm:
Ngọc hạp thanh quang bất phục trì,
Lăng hoa tán loạn nguyệt luân khuy.
Tần đài nhất chiếu sơn kê hậu,
Tiện thị cô oanh bãi vũ thì.
Phá kính
(Chiếc gương hộp ngọc còn giữ làm chi nữa,
Hoa lăng tán loạn, bóng nguyệt khuyết mòn.
Từ sau khi con gà rừng soi bóng nhảy ở đài Tần,
Thì lúc đó ta cũng như con oanh nhảy múa một mình.)
Thơ Đường, có bài viết về nỗi niềm lo lắng cho chồng đi lính
thú vùng biên cương không kịp nhận áo của vợ gởi trong mùa thu lạnh khiến người
đọc nao lòng:
Phu thú biên quan thiếp tại Ngô,
Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu.
Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ,
Hàn đáo quân biên y đáo vô?
Trần Ngọc Lan - Ký phu.
(Chàng lính biên thùy thiếp ở Ngô,
Gió thu lạnh nổi thiếp buồn lo.
Một dòng thư viết ngàn dòng lệ,
Rét đến bên chàng áo đến chưa?)
Lời nhắn hỏi lo lắng của người con gái trong thơ Trần Ngọc
Lan khiến người đọc nao lòng, thì với Lý Thương Ẩn nỗi niềm mong vợ gởi áo ấm
cũng không khỏi làm người đọc xốn xang:
Kiếm ngoại tùng quân viễn,
Vô gia dữ ký y.
Tản Quan tam xích tuyết,
Hồi mộng cựu uyên ky.
Điệu thương hậu phó Đông Thục tịch chí Tản Quan ngộ tuyết
(Tòng quân về phía nam vùng Kiếm Các xa xôi,
Không có người nhà gởi áo cho mình.
Ở Tản Quan tuyết dày ba thước,
Mơ trở về bên khung cửi xưa.)
Toàn bài là một nỗi đau giá lạnh như băng tuyết. Cái rét của
giá tuyết trên đường đi cũng không giá lạnh bằng nỗi cô đơn, không người gởi
áo. Nỗi đau buồn ấy, giá lạnh ấy không biết lấy gì sưởi ấm, đành gởi vào giấc mộng,
mơ về tấm chăn uyên ngày xưa, mơ về người bạn đời.
Nếu trước đây, khi vợ ông chưa mất, thi nhân luôn mong chờ
ngày về sum họp cùng vợ yêu, chờ đợi và hy vọng khi xưa mãnh liệt bao nhiêu thì
lúc này, nỗi lòng ấy càng tái tê bấy nhiêu, tất cả chỉ còn lại là ảo mộng, là
điều ước vời vợi xa xôi. Nỗi cô đơn mất vợ cộng với việc thất ý trong hoạn lộ
khiến thi nhân trở thành trơ trọi, hụt hẫng, trong trăng ngần đương độ thanh
xuân, trong mưa gió não nùng bơ vơ. Thu sang một chiếc giường trơ, ngoài sân
lún phún rêu mờ sắc phong:
Viễn thư quy mộng lưỡng du du,
Chỉ hữu không sàng địch tố thu.
Đoan cư
(Thư nhà và giấc mộng về quê đều mù mịt,
Chỉ trơ chiếc giường trống đối cùng mùa thu.)
Dạo chơi Khúc Giang, một danh thắng nổi tiếng đời Đường, mà
nào có được một niềm vui, chỉ thấy nỗi niềm thương nhớ một người đã vắng, và
cơn buồn thê lương xâm chiếm lòng tác giả khi nhớ đến người bạn đời thắm thiết:
Hà diệp sinh thì xuân hận sinh,
Hà diệp khô thì thu hận thành.
Thâm tri thân tại tình thường tại,
Trướng vọng giang đầu giang thủy thanh.
Mộ thu độc du Khúc Giang
(Khi lá sen mọc lên thì nỗi hận mùa xuân cũng sinh ra,
Khi lá sen khô đi thì nỗi hận mùa thu cũng thành.
Biết rằng thân này còn thì tình này còn mãi,
Buồn ngóng đầu sông, nghe tiếng nước sông reo.)
Mùa xuân đến hận xuân về; mùa thu sang hận thu lại. Hận ấy, hận
xuân, hận thu kia chỉ có ở những người như Lý Thương Ẩn. Nỗi hận của mùa thu là
nỗi hận của một người mất vợ, mất người bạn tình. (Vợ Lý Thương Ẩn mất đúng vào
khoảng mùa hạ thu). Thế còn sao lại hận xuân? Hận xuân là bởi sắc xuân tươi
nguyên mới mẻ, phô sắc phô hương, mơn mởn nhựa sống, tràn đầy tình yêu, riêng
Lý Thương Ẩn vẫn một mối tình đơn lẻ. Chỉ có những người chinh phu và chinh phụ
lẻ loi, lưu lạc mới dành chữ “hận” cho xuân mà thôi!
Đọc thơ Lý Thương Ẩn, lại nhớ đến lời một bài thơ của nữ thi
sĩ Xuân Quỳnh: Cuối trời mây trắng bay, Lá vàng thưa thớt quá… chỉ còn anh
và em, cùng tình yêu ở lại… Còn anh và em thì còn tình yêu ở lại. Nhưng
khi tình yêu còn lại chỉ trong một người mới thấy thấm thía nỗi da diết buồn
thương hoài cảm. Với Lý Thương Ẩn thì dẫu còn một người ở lại, tình yêu mãi
còn. Mới thấy thi nhân muôn đời cách nói thì khác nhau, nhưng cách nghĩ cách cảm
về tình yêu thì gần vẫn thế.
Lý Thương Ẩn là thi nhân của tình yêu, của cuộc đời, của kiếp
người tài hoa. Một tâm hồn dễ dàng rung động trước những gì nhỏ nhất, tinh tế
nhất trong cuộc đời. Một xúc động của tình yêu, một xúc động của số phận người
tài tử cũng khiến cho thi nhân thì thầm hát ca hay thảm thiết oán than bằng những
dòng thơ chân thành. Một người luôn hóa thân mình trong những lời thơ yêu đương
da diết, từ những vần thơ gởi cho những nữ đạo sĩ, cho những cô gái mang kiếp cầm
ca mua vui cho cuộc đời, rồi những vần thơ viết cho người vợ từ những ngày bên
nhau đến những ngày cách xa biền biệt.
Thơ ca là tiếng nói tâm hồn, là tiếng lòng của thi nhân. Thơ
ca thể hiện hết những cung bậc của tình cảm, mọi suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời,
về con người. Như thế, thơ ca mới thật sự trường tồn cùng tâm hồn nhà thơ và
trường tồn trong mỗi tâm hồn độc giả dẫu thời gian qua đi, dẫu những dòng thơ ấy,
dẫu tâm hồn của thi nhân cách xa chúng ta hàng ngàn năm và hàng vạn dặm.
[1] Phan Huy Vịnh dịch, tôi theo
thuyết cũ, gần đây có người cho rằng bài thơ này do Phan Huy Thực dịch.
Lê Quang Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét