Mùa săn và nai vàng ngơ ngác
Khi chiếc lá vàng thứ nhất khẽ khàng rơi xuống mặt đất. Rồi
chiếc lá vàng thứ hai. Chiếc lá vàng thứ ba. Ta biết mùa thu đã về!
Cùng với gió heo may, cả rừng lá vàng xôn xao. Thu đã về!.
Có những bài thơ về mùa thu, trong đó có Tiếng Thu của nhà
thơ Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?
Chỉ cần tiếng lá rơi xào xạc thôi là cả một mùa thu lộng lẫy
đã trở về.
Và hình ảnh con nai, một con nai vàng ngơ ngác, dường như
luôn là hình ảnh đẹp gắn liền với mùa thu và lá vàng.
Animal Story/Face Book
Một buổi sáng, tôi nhận được tấm ảnh người bạn chụp với một
con nai vàng. Ồ, một con nai! Hình ảnh con nai uống nước bên bờ suối, dưới ánh
trăng đẹp và nên thơ lắm. Thoạt tiên tôi thích thú khi thấy con nai nằm xuống
bên anh. Rồi tôi nhìn thấy trong tay anh có cây súng săn. Tôi viết cho anh:
"Anh, anh làm gì với con nai vậy?"
Phải vài ngày sau anh mới trả lời: "Anh không nói cho em
biết đâu!" Tôi không hỏi nữa, vì cũng có thể đoán ra rồi.
Vào một ngày cuối thu, anh cho tôi biết nơi anh sống đang vào
mùa săn. Đầu tiên là săn loài sóc nhỏ, chim trĩ, gà rừng, rồi săn nai. Năm nay,
đầu tháng 11 anh sẽ vắng mặt khoảng 10 ngày để tham gia mùa săn này. Vào rừng, ở
những khu vực để bảo tồn thiên nhiên nguyên thủy thì không có Internet. Tôi hỏi:
Vậy thì làm thế nào anh có thể email cho em biết được mùa săn sẽ diễn ra như thế
nào?
Trong trang web của Cục Tài Nguyên Thiên Nhiên Tiểu bang cho
biết năm nay số lượng nai tăng trưởng rất nhiều so với năm trước. Hiện có khoảng
1 triệu con, do mùa đông năm trước không quá lạnh và mùa xuân ấm áp đến sớm
ngay sau đó.
Anh giải thích: Đi săn ở đây, không chỉ là thú tiêu khiển như
nhiều người vẫn nghĩ, mà còn là một cách để làm "quân bằng thiên
nhiên". Em biết không, số lượng nai nhiều và phát triển nhanh nếu không giảm
bớt thì chúng sẽ phá hoại vườn tược, mùa màng, hoa màu của nông dân. Có khi
chúng ăn hết cả cánh đồng hoa đang nở rộ của mùa xuân, hay làm thiệt hại nặng nề
các cánh đồng bắp ngô bát ngát xanh tươi đang chờ đến mùa thu hoạch!
Tôi hỏi: Không có cách nào khác sao anh? Thí dụ các nông trại
tìm cách làm hàng rào che chắn lại? Hoặc trồng rau hoa trong nhà kính như Đà Lạt
của Việt Nam hiện nay đang làm?
Anh trả lời: Nông trại người ta rộng hàng ngàn hectare, bao
la bát ngát, làm sao mà làm hàng rào nổi! Nếu cứ để nai sản sinh thoải mái,
lang thang tự do trong rừng thu cho những người như em mơ mộng, làm thơ, thì
... chẳng bao lâu sau, Tiểu bang này chỉ còn toàn là nai sinh sống mà người thì
biến mất hết!
Anh bảo, anh chỉ là thợ săn "tài tử". Bên cạnh việc quân bằng thiên nhiên, săn bắn nơi này còn là một trò chơi có luật cho cả người lẫn thú, theo luật của tiểu bang nơi anh ở. Vào mùa săn nai bằng súng chẳng hạn, mỗi ngày bắt đầu vào nửa tiếng trước khi mặt trời mọc và kết thúc vào đúng lúc nửa tiếng sau khi mặt trời lặn, nếu ai bắn trước hay sau giờ đó cũng đều có thể bị phạt nặng, tiền hay tù, có thể cả hai. Không phải mùa săn mà đi săn thì có thể còn bị phạt nặng hơn.
Anh bảo, anh chỉ là thợ săn "tài tử". Bên cạnh việc quân bằng thiên nhiên, săn bắn nơi này còn là một trò chơi có luật cho cả người lẫn thú, theo luật của tiểu bang nơi anh ở. Vào mùa săn nai bằng súng chẳng hạn, mỗi ngày bắt đầu vào nửa tiếng trước khi mặt trời mọc và kết thúc vào đúng lúc nửa tiếng sau khi mặt trời lặn, nếu ai bắn trước hay sau giờ đó cũng đều có thể bị phạt nặng, tiền hay tù, có thể cả hai. Không phải mùa săn mà đi săn thì có thể còn bị phạt nặng hơn.
Animal Story/Face Book
Thông tin từ trang The Post Review mà tôi đọc được, vào năm
2011 số thợ săn được cấp giấy phép tham gia trong mùa săn nai là 500.000 người,
số nai thu hoạch được là 192.300 con nai. Từ những năm 1960 việc săn nai quá
nhiều đến nỗi người ta phải ngưng vào năm 1971 và vào những thập niên 70, 80,
90 các bầy đàn hươu nai được nuôi dưỡng trở lại. Năm 2003 số nai thu hoạch lên
đến 270.000 con. Ngày nay, Cục Tài Nguyên Thiên Nhiên quản lý dân số hươu nai dựa
trên các mục tiêu của đầu vào.
Tôi yêu thiên nhiên. Yêu những cánh rừng. Dù biết khi vào rừng
sâu cũng nguy hiểm như khi xuống biển.
Tôi cũng yêu những con thú, kể cả thú dữ, thú xấu. Tôi tin là
không có con thú nào dữ, kể cả con cọp. Không có con thú nào xấu, kể cả con đười
ươi. Hình ảnh những con thú mà tôi thích nhiều nhất từ lúc còn bé cho đến bây
giờ qua những phim, truyện có hình của Walt Disney như nai Bambi, Chú bé rừng
xanh Mowgli, Vua Sư Tử v.v...
Trong những câu chuyện cổ tích mà vai chính là những nàng
công chúa, thường xuất hiện những chàng hoàng tử. Người thợ săn chỉ là những
vai nhỏ, phụ. Bộ phim Nàng Bạch Tuyết Và Chàng Thợ Săn tôi mới xem cách đây
không lâu thì khác, chàng thợ săn chiếm vai trò quan trọng bên nàng công chúa
mà không phải là hoàng tử, đem lại sắc màu mới cho câu chuyện, dù tôi không
thích lắm hình ảnh nàng Bạch Tuyết ngây thơ đã bị thay đổi thành nàng Bạch Tuyết
dũng mãnh cầm đầu cả đội quân chiến đấu lại với bà phù thủy và đoàn binh ma của
bà. Trong truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, một người thợ săn được lệnh
hoàng hậu lừa Bạch Tuyết vào rừng để lấy quả tim của nàng nhưng vì không nỡ ra
tay, người thợ săn đã thả cho nàng chạy trốn vào rừng sâu. Cũng vậy nhưng còn
hơn thế, chàng thợ săn trong bộ phim mới của đạo diễn Rupert Sanders đã dũng
mãnh chiến đấu để bảo vệ nàng công chúa bé bỏng và còn hướng dẫn nàng cách chống
trả lại kẻ ác. Những con thú rừng đáng yêu vẫn bên cạnh nàng. Tuy nhiên, cảnh
này vẫn không ấn tượng như những hình ảnh trong phim hoạt họa của Walt Disney
mà tôi luôn rất thích, lúc Bạch Tuyết lạc đến nhà 7 chú lùn, thấy nhà bẩn quá
nàng ra tay dọn dẹp. Thế là lũ chim, sóc, nai xúm nhau giúp nàng. Sóc thì dùng
đuôi quét nhà. Nai thì tha quần áo 7 chú lùn ra suối giặt. Chim ngậm hai đầu vải
quay vòng vòng để vắt khô áo. Ôi những con thú nhỏ dễ thương của tôi bây giờ
đang bị hàng trăm thợ săn nhắm bắt để quân bằng thiên nhiên.
Bạch Tuyết & Bảy Chú Lùn - Phim hoạt họa của Walt Disney
Nàng Bạch Tuyết (Rachel Weisz) - Disney
Tôi nói với anh là ước gì có một nơi khác, một khu rừng thật xa mà các thợ săn
không thể đến được cho những con nai xinh đẹp lánh nạn!
Rồi tôi cũng cầu trời, sao loài nai không chỉ ăn cỏ dại thôi,
phá hoa màu mùa màng làm gì cho bị săn bắt, nai ơi!
Mà tôi cũng cầu cho các tay săn ... bắn hụt!
Nhưng người ta có lý. Một triệu con nai thì nhiều quá!
Tôi cứ luẩn quẩn suy nghĩ về các giải pháp. Những ước ao của
tôi xem ra chẳng thực tế chút nào, làm gì mà có một nơi xa cho nai ẩn trú, làm
gì mà nai chỉ ăn cỏ dại, hay các tay thợ săn ... bắn hụt!
Tôi nhớ đến một bộ phim nào đó xem đã lâu, có một thành phố
tràn ngập chuột mà người ta không biết làm thế nào để ngăn chận chúng lại. Một
ngày kia có con tàu cập bến, trên tàu có một con mèo hoang. Thủy thủ thả con
mèo xuống. Vậy là chuột chạy tán loạn. Nhưng không đủ vì chuột quá nhiều. Thành
phố nhập thêm mèo vào, chẳng bao lâu nơi đó bớt chuột. Tôi lại nghĩ, rồi lỡ sẽ
có ngày loài mèo sinh sôi nảy nở nhiều quá thì sao nhỉ?
Mà thôi, hãy khoan nói đến chuyện loài mèo. Ở đây, tôi đang
nói về chuyện nai. Săn nai về, người ta sẽ làm gì với nai? Tôi hỏi anh có thể
nào đừng bắn mà chỉ bắt chúng, rồi đừng ăn thịt chúng mà chỉ bỏ chúng vào chuồng
nuôi hay không? Lại nhận được câu trả lời là không. Ở đây người ta không thích
nuôi nhốt thú. Thiên nhiên bao la thế kia, hãy để cho những con thú bay nhảy với
núi rừng. Và Thượng đế sinh ra loài thú làm gì mà không để cho con người lấy thịt!
Tôi nghĩ, anh nói cũng đúng, không lẽ bắt toàn thế giới ...
ăn chay? Có nhiều tôn giáo vẫn khuyên người ta không sát sinh, hoặc mỗi tuần ăn
chay 1 ngày, hoặc có nơi không ăn thịt heo, có nơi không ăn thịt bò v.v...
Đôi bạn (Animal Story/ Face Book)
Ở xứ sở của tôi, người ta đi săn nai để lấy thịt, lấy gạc nhung chế thuốc bổ,
hoặc còn chế biến nhiều món khác. Món cháo nai rất bổ nên đắt tiền.Tôi cũng biết
người ta còn lấy đầu con hươu, nhất là những con có nhánh sừng đẹp, phơi khô rồi
treo lên tường như một chiến lợi phẩm sau mùa săn. Để chứng minh rằng mình từng
là tay thiện xạ, tay súng bách phát bách trúng. Mỗi lần đi đến đâu nhìn thấy những
cái đầu hươu nai, đầu gấu hay những con thú phơi khô, tôi không dám nhìn.
Ngày xưa, hình ảnh người thợ săn cũng gần như người chiến
binh. Oai hùng lắm. Đẹp lắm. Người chiến binh bảo vệ đất nước, dân tộc mình.
Còn người thợ săn góp phần cung cấp thực phẩm cho con người, khi chưa có các
nông trại thú nuôi. Ngày nay quan niệm về người thợ săn có khác, nếu công khai
như luật của Mỹ, thì là người giúp chính phủ trừ thú hại cho mùa màng, còn lại
là không hợp pháp nếu anh ta săn bắt thú để làm thương mại, hoặc phục vụ cho mục
đích của những nhà sưu tập nào đó.
Hôm qua tôi vừa xem được trên TV National Geographic Channel
bộ phim "Search For the Amazon Headshrinkers" do Piers
Gibbon, một nhà thám hiểm người Anh thực hiện, kể lại quá trình đi tìm nguồn gốc
nơi có phong tục thu nhỏ đầu người dành cho những kẻ thù của một bộ tộc sinh sống
trong rừng Amazon, mà ông ta đã xem được qua một đoạn phim ngắn do nhà thám hiểm
Bielawskis quay vào năm 1960. Buổi sáng sớm có nhiều việc để làm, nhưng bộ phim
hấp dẫn quá làm tôi phải ngồi xem cho hết. Một phong tục thật dã man rùng rợn đối
với thời đại văn minh ngày nay, nhưng đối với bộ tộc đó lại là sự hãnh diện của
họ về những chiến binh tổ tiên và phong tục từng có của họ ngày xưa với mục
đích bảo vệ lãnh thổ. Khi được hỏi họ thấy "vật phẩm" đó như thế nào,
họ trả lời: Rất đẹp!
Thật ra những suy nghĩ liên hệ của tôi có phần khập khiễng.
Con người khác xa con thú dữ. Con thú dữ khác con thú hiền. Con thú rừng khác
thú nuôi. Con nai khác con gà... Tuy nhiên, tôi vẫn thường nghĩ nếu người ta có
thể làm điều gì đó thật nhỏ, rồi người ta cũng có thể làm điều gì đó lớn hơn, lớn
hơn nữa, thậm chí là không được luật pháp cho phép, hay lương tâm con người
không chấp nhận. Đã có trường hợp quá đỗi dã man khi một chàng trai ghen quá
hóa rồ, sát hại người yêu của mình bằng con dao mổ lợn. Rồi một kẻ sát nhân
khác, cũng xuất thân từ một gia đình chuyên làm thịt lợn. Có ý kiến cho rằng đó
là những kẻ có vấn đề về thần kinh, hoặc mất nhân tính. Tôi không biết người ta
có thể giáo dục con cái mình tốt ngay trong một môi trường mà đứa trẻ nhìn thấy
mỗi ngày chuyện cha mẹ mình hoặc người chung quanh làm như một việc tự nhiên
hay không? Đứa trẻ có phân biệt được con người khác với con thú?
"Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Con người lúc sinh ra tánh vốn thiện. Đến
khi tánh không còn thiện thì tại vì sao? Nguyên nhân?
Bà mẹ Mạnh Tử từng tha con đi khỏi căn nhà có người hàng xóm
mổ lợn, rồi tha con đi khỏi chợ, cuối cùng chỉ yên tâm khi con được ở gần trường
học. Đúng là một bà mẹ vĩ đại của một thánh nhân. Nhưng không phải ai cũng làm
được điều đó. Cho dù ai cũng hiểu Gia đình - Xã hội - Giáo dục cần phải luôn
sát cánh bên nhau, liên kết nhau để đào tạo những công dân tốt cho đất nước.
Nai rừng trong mùa đông (I love winter/ Face Book)
Trở lại với loài nai xinh đẹp của tôi. Tôi đang hình dung ra
bìa rừng tuyệt đẹp của một nông trại nào đó phía đông bắc Tiểu bang. Buổi sáng
sớm có gió lạnh thổi về và tuyết rơi nhẹ. Rừng cây thưa lá phơn phớt màu tuyết
trắng. Có con hươu sao đang nhẩn nha ăn cỏ. Vài con khác đang uống nước bên hồ.
Có tiếng động, chúng ngước những đôi mắt nai lên nhìn, ngơ ngác, đúng là
"nai vàng ngơ ngác".
Một tiếng súng, rồi tiếng súng tiếp theo, cả khu rừng râm ran
như tiếng pháo nổ. Mùa săn bắt đầu. Với con người thì đó là trò chơi, vui như
ngày Tết. Với loài nai thì là ngày cuối cùng. Sau đó thì có con còn, có con mất.
Những con nai đẹp đẽ đáng yêu trong các bức ảnh này đây rồi sẽ đi về đâu?
Nai ơi, chạy đi. Chạy thật xa đi! Hãy tìm một cánh rừng nào
thật xa và biến đi, đừng quay trở lại nữa. Tôi chợt nghĩ, có bao giờ loài nai sợ
hãi quá mà rồi sẽ chẳng còn ai nhìn thấy hình bóng nai vàng uống nước bên bờ suối
trong những đêm trăng? Rồi không chừng chẳng còn nghe bước chân nai vàng xào xạc
trên lá mùa thu!
Thế nhưng mà, 1.000.000 con nai thì nhiều quá, chiếm gần đến
1/5 dân số của Tiểu bang theo thống kê mà tôi đọc được từ trang Wikipedia mới
đây, chưa kể bao nhiêu loài thú khác!.
Nai và Hổ trong vườn thú Đại Nam
(Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm)
(Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm)
Rồi bỗng dưng mà từ mùa săn tôi vừa được biết, tôi lại thắc mắc
thêm nhiều chuyện liên quan về những loài thú khác ở những nơi khác. Không phải
chuyện của tôi, nhưng tôi vẫn muốn tò mò được biết các nhà bảo tồn động vật
hoang dã sẽ có ý kiến gì. Tôi lại đọc được vài bài báo về chuyện săn bắt thú.
Có những nơi khác như Indonesia, ở khu vực Kalimantan trên đảo Borneo, mỗi năm
có đến hàng trăm con đười ươi bị săn bắn lấy thịt hoặc để trừ hại cho mùa màng.
Một số nghiên cứu của các nhà khoa học khi ước tính số đười ươi cái và cả đười
ươi đực bị giết hại mỗi năm đặt ra vấn đề đười ươi Borneo trước mối đe dọa sống
còn.
Theo nhà sinh thái học Amy Dickman, thuộc trường Đại học
Oxford (Anh) cho biết bà không hề ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này, bởi lẽ
“con người luôn đặc biệt quan tâm đến việc mất nơi cư trú của mình, nhưng bản
thân lại thường là nguyên nhân dẫn tới điểm giới hạn sinh thái (tipping point),
buộc các loài động vật hoang dã xâm nhập vào nơi cư trú của mình, gây ra các cuộc
xung đột giữa con người và động vật, khiến chúng bị giết”.
Cũng theo bà, để chấm dứt tình trạng xung đột giữa người và động
vật, cần chỉ cho con người cách chung sống hòa bình với các loài động vật. Một
thí dụ, tại Tanzania, Nhóm Nghiên cứu - Bảo tồn Động vật Hoang dã (WildCRU) của
bà Dickman đã giúp người dân lập những hàng rào cải tiến bảo vệ gia súc. Giải
pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể số cuộc tấn công vật nuôi của những loài
thú ăn thịt lớn.Trước đó, các cuộc tấn công thường diễn ra 2 tuần/lần, nhưng đến
nay đã không còn xuất hiện nữa. (*)
Nai & Hổ trắng (Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm)
Đọc tin này tôi cảm thấy vui vui. Vậy là ý kiến của tôi khi hỏi anh
"Không có cách nào khác sao anh? Thí dụ các nông trại tìm cách làm hàng
rào che chắn lại sự đột nhập của thú hoang?" xem ra cũng đã từng được
WildCRU áp dụng như một trong nhiều giải pháp của họ rồi, dù tôi hiểu rằng cuộc
chiến giữa con người và thú hoang thiên nhiên vẫn còn phải tiếp diễn không bao
giờ có thể chấm dứt...
Hình ảnh: 1,2,3,4,5,6 Từ Google, Disney, Animal Story & I
Love Winter/ Face Book.
NGUYỄN DIỆU TÂM
(*) Nguồn: www.baomoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét