Lời kể hay ngôn ngữ tác giả trong Truyện Kiều
Trong một quyển truyện thơ, ngôn ngữ tác giả thường gồm những
đoạn tả cảnh, những lời kể chuyện, giới thiệu và bình luận đánh giá của tác giả
đối với từng hành động, sự kiện của từng nhân vật trong tác phẩm. Trong Truyện
Kiều, theo thống kê của chúng tôi, ngôn ngữ nhân vật gồm 1.393 dòng thơ còn lại
1.861 là ngôn ngữ tác giả chiếm một dung lượng khá lớn, 1.861/3.254 khoảng trên
57% tác phẩm. So với các tác phẩm tự sự truyền thống và các truyện Nôm, ngôn ngữ
tác giả trong Truyện Kiều có sự phát triển vượt bậc và in đậm phong cách cũng
như cá tính sáng tạo của Nguyễn Du. Ngôn ngữ tác giả trong Truyện Kiều có một
dung lượng lớn, thể hiện khắp nơi, chi phối cách tổ chức tác phẩm và tạo nên một
nét riêng rất độc đáo mang phong cách Nguyễn Du. Nó góp phần quan trọng trong
việc tạo nên diện mạo độc đáo của tác phẩm và mang những nét mới, tác động trực
tiếp đến từng tình tiết cũng như toàn bộ nội dung tác phẩm. Chính đây là điểm
thành công độc đáo góp phần làm nên nét đặc sắc của nghệ thuật Truyện Kiều.
Có thể nói lời kể của Nguyễn Du là lời văn trác tuyệt “Lời
lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”. Ta giở xem bất cứ trang nào của Truyện Kiều
cũng đều thấy là những trang thơ ý tứ sâu xa, lời văn điêu luyện, tình cảm dồi
dào.
Đọc Truyện Kiều chưa ai phát hiện được những chi tiết thừa
hay không hợp lý. Những điều tác giả kể đều là những cái cần và đủ để cho thấy
cuộc đời oan khổ của Kiều hiện rõ dần lên trong dòng chảy của ngôn ngữ của người
kể chuyện vô hình. Dù là sự việc nào, tâm trạng nào, con người nào cũng không
thể làm cho Nguyễn Du lúng túng khi phải dùng ngôn ngữ kể chuyện và lại
là ngôn ngữ thơ - thứ ngôn ngữ có tính hàm súc, luôn có sự thống nhất
giữa nghĩa đen và nghĩa bóng, ý tại ngôn ngoại mà có sức khái quát cao.
1. Lời kể hay ngôn ngữ kể chuyện là một phương diện của
nghệ thuật kể chuyện.
Một câu chuyện dù hay và cảm xúc của người kể dù sâu sắc đến đâu nhưng nếu lời kể kém chất văn học thì câu chuyện cũng không lôi cuốn người đọc, không thể tồn tại mãi được với thời gian. Truyện Kiều sở dĩ hay là vì Nguyễn Du đã biết kể lại một câu chuyện bằng một thứ ngôn ngữ kể chuyện giàu chất văn học, nặng chất thơ. Ngôn ngữ kể chuyện trong Truyện Kiều là một thứ ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Ta thấy ở đây có ngôn ngữ của người kể chuyện vô hình, có ngôn ngữ kể chuyện của nhân vật, lại có ngôn ngữ của một nhân vật kể về một nhân vật khác. Có ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, lại có ngôn ngữ trữ tình ngoại đề và đặc biệt lời kể luôn cho ta biết thái độ và quan điểm của người kể.
Một câu chuyện dù hay và cảm xúc của người kể dù sâu sắc đến đâu nhưng nếu lời kể kém chất văn học thì câu chuyện cũng không lôi cuốn người đọc, không thể tồn tại mãi được với thời gian. Truyện Kiều sở dĩ hay là vì Nguyễn Du đã biết kể lại một câu chuyện bằng một thứ ngôn ngữ kể chuyện giàu chất văn học, nặng chất thơ. Ngôn ngữ kể chuyện trong Truyện Kiều là một thứ ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Ta thấy ở đây có ngôn ngữ của người kể chuyện vô hình, có ngôn ngữ kể chuyện của nhân vật, lại có ngôn ngữ của một nhân vật kể về một nhân vật khác. Có ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, lại có ngôn ngữ trữ tình ngoại đề và đặc biệt lời kể luôn cho ta biết thái độ và quan điểm của người kể.
Đối với sự trần thuật thì cái được miêu tả là một cái quá khứ
nhưng đối với người trần thuật (người kể chuyện) thì cái tiêu biểu là lập trường
của một con người nhớ lại điều đã xảy ra. Hiệu quả nghệ thuật của hình thức đa
chủ thể kể chuyện, về phương pháp tuy có kế thừa của những tác giả đi trước,
nhưng đã có nhiều điểm mới so với thi pháp kể chuyện của truyện Nôm đương thời.
Nguyễn Du đã dùng ngôn ngữ của người kể chuyện vô hình chủ yếu là để kể lại câu
chuyện nhưng đã cách tân bằng cách dùng nhân vật tự kể về mình và nhân vật kể về
nhân vật khác và như vậy nghệ thuật kể chuyện vừa cũ lại vừa mới. Có khi là tóm
lược một quãng đời dài của nhân vật trong một vài dòng trần thuật ngắn để người
đọc thấy được thái độ của các nhân vật đang kể chuyện đối với các nhân vật hoặc
sự kiện được kể.
a. Trong một khổ thơ thì chữ thứ sáu của câu lục và câu bát đều
phải hợp vần với chữ “đứng trước” ở câu trên, nên những chữ này gọi là vần
hiệp bắt buộc. Còn chữ thứ 8 trong câu bát lại là vần khởi khá tự
do mà chữ cuối của câu lục ở khổ thơ sau bắt buộc phải hiệp vần nên gọi
là vần hiệp. Và cứ như thế, những chữ ở những vị trí vần vừa phải hợp
vần trong nội bộ trong khổ thơ lại mở ra để các khổ thơ sau tiếp tục rồi kéo
dài vô tận. Cái diệu kỳ của thơ lục bát chính là ở chỗ này, là có cấu trúc ở
đơn vị câu thơ, một cấu trúc vừa khép vừa mở. Khép, vì câu thơ có liên hệ, ràng
buộc bên trong về thanh điệu (bằng trắc), về nhịp, về vần, làm cho mỗi câu thơ
trở thành một cấp độ chỉnh thể và có thể tạo ra một cấu trúc hoàn chỉnh. Mỗi khổ
thơ luôn có thể đứng riêng rẽ vì thế người ta hay lẩy Kiều, tập Kiều rồi bói
Kiều... Trong khi đó câu thơ lục bát lại mở, vì sau hai câu lại tiếp đến hai
câu khác, với quy tắc hợp vần như đã nói ở trên, luôn mở ra khả năng cấu trúc
hóa với những câu thơ khác, kéo dài nhưng liền mạch, và có thể kéo dài vô tận
đúng với nghĩa của từ này.
Truyện Kiều kể lại biết bao nhiêu sự việc với bao nhiêu sắc
thái đa dạng, phức tạp của bao nhiêu nhân vật trong 3.254 dòng thơ lục bát,
nhưng ta không thấy Nguyễn Du bế tắc ở chỗ nào, ông luôn luôn giữ được tính chất
cấu trúc ưu việt và hoàn chỉnh của thơ lục bát. Câu thơ lục bát không hề là rào
cản đối với Nguyễn Du.
Tất cả nội dung câu chuyện, đặc biệt là khi phải thể hiện nội
tâm của nhân vật, tất cả đều được thể hiện đầy đủ chính xác, tự nhiên theo dòng
chảy của câu văn vần lục bát. Ngoài ra, còn có những tình huống tính cách, tâm
trạng hoàn toàn trái ngược nhau, hoặc có tính chất trung gian đều được thể hiện
rất trau chuốt trong ngôn ngữ Truyện Kiều.
b. Kể chuyện bằng văn vần rõ ràng là khó hơn kể chuyện bằng
văn xuôi rất nhiều mà khó nhất là khi thể hiện bằng ngôn ngữ đối thoại của nhân
vật, đặc biệt là trong những tình huống cụ thể với những nhân vật thuộc các
thành phần giai cấp khác nhau. Điều khó thứ hai là chịu sự quy định của thi
pháp thể loại. Nguyễn Du đã rất tài tình vượt qua rào cản này trong hàng trăm
trường hợp. Ông đã dùng những từ rằng làm cách thức luân phiên lượt lời
của các nhân vật như: Quan rằng, Vân rằng, Kiều rằng…, Thưa rằng…, Dạy rằng…
Nhưng cái hay là ông còn thể hiện ngôn ngữ đối thoại bằng rất nhiều cách khác
trong đó có việc miêu tả sự xuất hiện của lời nói. Khi là những từ dẫn đón
hỏi dò la, xa đưa ướm lòng, giãi lời… trong:
0191. Rước mừng đón hỏi dò la:
-“Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”.
+ 0303. Sinh đà có ý đợi chờ,
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng:
0305. - “Thoa này bắt được hư không,
“Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?”.
+ 0547. Tai nghe ruột rối bời bời,
Ngập ngừng nàng mới giãi lời trước sau:
0549. – “Ông tơ gàn quải chi nhau,
“Chưa vui sum họp, đã sầu chia phôi…”
+ Có khi dùng những chữ hỏi, khen … trong:
0223. Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
Nhà huyên chợt tỉnh hỏi: -“Cơn cớ gì?
0225. “Cớ sao trằn trọc canh khuya,
“Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?”.
+ 0405. Khen: -“Tài nhả ngọc phun châu,
“Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế vầy…”
+ Khi thì đặt câu nói trong những văn cảnh cho phép người đọc
hiểu được rằng đây là lời nói của nhân vật như:
0081. Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe, Kiều đã đầm đầm châu sa:
0083. -“Đau đớn thay phận đàn bà!
“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung…”
+ 0379. Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng,
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông:
0381. -“Trách lòng hờ hững với lòng,
“Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu…”
Và còn nhiều, rất nhiều cách khác nữa, trên đây chúng tôi chỉ
nêu mấy trường hợp trong 600 dòng thơ đầu trong Truyện Kiều.
3. Lời kể chuyện luôn luôn gọn gàng, chính xác.
Dù bị bó hẹp trong khuôn khổ của câu văn vần lục bát, lời kể trong Truyện Kiều gọn gàng, chính xác, đậm đà chất trữ tình và chất dân gian. Nguyễn Du đã rút gọn sự kiện, hành động, nhân vật xuống mức tối thiểu. Do yêu cầu kể chuyện bằng thơ, chịu sự chi phối của vần luật… nên trong lúc kể, ông đã áp dụng phương thức trên một cách rất hiệu quả. Nguyễn Du đã sử dụng thành thạo câu văn vần lục bát trong lời kể chuyện của mình.
Dù bị bó hẹp trong khuôn khổ của câu văn vần lục bát, lời kể trong Truyện Kiều gọn gàng, chính xác, đậm đà chất trữ tình và chất dân gian. Nguyễn Du đã rút gọn sự kiện, hành động, nhân vật xuống mức tối thiểu. Do yêu cầu kể chuyện bằng thơ, chịu sự chi phối của vần luật… nên trong lúc kể, ông đã áp dụng phương thức trên một cách rất hiệu quả. Nguyễn Du đã sử dụng thành thạo câu văn vần lục bát trong lời kể chuyện của mình.
Chúng tôi chỉ xin nêu ra 3 trường hợp:
a. Sở Khanh chỉ xuất hiện trong vài ngày, tuy Nguyễn Du kể lại
khá dài trong 134 dòng thơ (1055 - 1188), nhưng câu chuyện vẫn gọn gàng, chính
xác theo từng lớp lang cụ thể. Từ việc Sở Khanh làm thơ rồi rủ Kiều đi trốn, bỏ
nàng lại giữa đường trong đêm khuya:
1121. Lối mòn cỏ nhợt màu sương,
Lòng quê đi một bước đường một đau.
1123. Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.
1125. Nàng càng thổn thức gan vàng,
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào.
Kiều bị Tú Bà đánh đập rồi ép nàng phải Chút lòng trinh
bạch từ sau xin chừa… Lại còn bắt Kiều phải có người bảo lĩnh:
1151. Bày vai có ả Mã Kiều,
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan…
Mã Kiều kể tội Sở Khanh cũng rất gọn gàng. Rồi hôm sau Sở
quay lại vu vạ Kiều để bị vạch mặt mà lủi mất:
1185. Lời ngay đông mặt trong ngoài,
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương.
1187. Phụ tình án đã rõ ràng,
Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.
b. Đến cuối truyện, Thúy Kiều cho người tìm lại Giác Duyên,
Kim Vân Kiều Truyện viết:
“Tơ duyên tái hợp vừa chắp nối xong, Thúy Kiều nhớ đến Giác
Duyên, vội nói với chàng Kim để chàng định liệu. Chàng lập tức sai người đi
đón. Gia nhân trở về cho biết: Khi tìm đến chùa thấy cửa mở toang, tiến vào bên
trong chẳng thấy bóng dáng sư phụ đâu cả, mà chỉ thấy trước pho tượng Phật, dưới
chiếc lư hương có một mảnh thiếp. Chúng tôi đem về để trình lão gia đây ạ.
“Chàng Kim cầm lấy mảnh thiếp rồi cùng mọi người mở ra coi thấy
4 câu thơ rằng:
“Pháp môn yếu thành thủy thành chung
Nguyện quân phu thê quí dĩ thân
Nhược vấn ngô thân hà xứ khứ
Thường bạn cô hạc bán không vân.
“Pháp môn chung thủy vẹn đôi đàng
Chúc vợ chồng em sống thọ khang.
Muốn hỏi thân này đâu đó tá?
Thường theo chiếc hạc chốn mây ngàn (1).
“Cả nhà đọc xong câu kệ đều than thở rằng: Nguyên do Giác
Duyên chính là một vị tiên cô, hiềm rằng bữa trước trong khi vội vàng, chưa kịp
tạ ơn, thực là hối hận. Rồi cả nhà thu xếp đi ngoạn cảnh Tây Hồ mấy hôm”.
Nguyễn Du chỉ viết lại rất gọn gàng trong 8 dòng thơ mà chính
xác và vẫn đủ ý lại có cả câu tả cảnh nơi Giác Duyên vừa bỏ đi:
3227. Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
3229. Đến nơi đóng cửa cài then.
Rêu trùm kẽ ngạch, cỏ len mái nhà.
3231. Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay, hạc lánh biết là tìm đâu.
3233. Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am, cứ giữ hương dầu hôm mai.
Ông còn dùng cả hình ảnh cô hạc không vân trong
nguyên truyện thành mây bay hạc lánh đầy ý nghĩa, như muốn nhắc lại
thành ngữ hạc nội mây ngàn mà trước khi Giác Duyên rời phiên tòa Lâm
Tri, Thúy Kiều đã nói:
2401. Rồi đây bèo hợp mây tan,
Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu.
Ta thấy văn Nguyễn Du đầy ý tứ, nếu không nhìn trước trông
sau, rất khó nhận ra, ý hạc nội mây ngàn không có trong Kim Vân Kiều Truyện
ở đoạn hội thoại tại phiên tòa Lâm Tri.
c. Trong lời kể của Truyện Kiều, có một trường hợp được nhiều
người quan tâm trong đoạn gia đình Kiều bất ngờ gặp được Giác Duyên bên bờ sông
Tiền Đường và kể lại với nhà sư:
2979. Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
Xúm quanh kể lể, rộn lời hỏi tra:
2981. - “Này chồng, này mẹ, này cha,
“Này là em ruột, này là em dâu”.
Đây là hai khổ thơ dùng toàn chữ thuần Nôm, và phong cách rất
dân dã với thứ tự các nhân vật như theo một cái khoát tay của người kể mỗi khi
giới thiệu từng người trong gia đình với Giác Duyên. Cách ngắt câu cũng rất rõ
ràng… Khi nói về trật tự từ trong câu, trong quyển Ngữ pháp Việt Nam ở
đề mục Trật tự từ ngữ suy diễn được, Giáo sư Diệp Quang Ban có bình luận
câu lục ở khổ thơ thứ hai như sau:
“Dòng thơ 6 tiếng trên đây có thể gợi ra những câu hỏi thú vị,
trong đó có: Tại sao lại kể chồng trước, mẹ, cha sau?
“Đây là câu nói của những người trong gia đình Thúy Kiều, kể
cả bố Thúy Kiều chứ không phải Thúy Kiều (Lúc đó nàng chưa có mặt ở đấy). Câu
nói đó bắt nguồn từ lễ giáo phong kiến gói gọn trong tín điều “Tại gia tòng phụ,
xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Cho nên trật tự ngôi vị chồng được kể trước
là tất yếu, không thể khác được, và nếu lời này do bố Thúy Kiều nói thì ông
cũng không thể làm khác được, vì chính ông là thành viên tích cực của nền lễ
giáo đó. Như vậy cái trật tự trước (hay trật tự tuyến tính) của các từ ngữ
trong dòng thơ đang xét giúp nhận ra được dấu vết của của lễ giáo phong kiến
trong thời đại Nguyễn Du.
“Tiếp theo, tại sao mẹ lại được kể trước, cha sau? Trong quan
hệ với người con gái, mẹ nặng về tình, cha nặng về uy. Ca dao xác nhận rằng:
“Ai kêu ai hú bên sông,
“Mẹ gọi con dạ, có chồng phải theo.
“Nếu là cha gọi thì chắc chắn người con gái phải quay trở về!
Cho nên người kể Truyện Kiều đã đưa mẹ lên trước cha.
“Theo cách nhìn của phân tích diễn ngôn thì cái trật tự tuyến
tính của các từ ngữ này là một cấu trúc suy diễn được (discursive structure),
nhờ nó mà người đọc ý thức được tính quy định của trật tự phong kiến đương thời,
và chấp nhận nó với một thiện chí”.
Chúng tôi muốn nói thêm rằng bằng hai dòng thơ này, Nguyễn Du
đã giới thiệu được không chỉ 5 người (chồng, mẹ, cha, em ruột, em dâu) như ta
thấy trong khổ thơ mà có tới 6 người trong gia đình Kiều. Này là em ruột,
người nói (Có thể là Vương Ông) kéo tay chỉ qua hai người là Thúy Vân và Vương
Quan là em ruột, hai người này đứng cạnh nhau, Vương Quan lại đứng cạnh vợ,
nên này là em dâu là chỉ vợ chàng!
4. Tính cụ thể xác định của lời kể chuyện.
Bằng cách thông qua người kể chuyện vô hình cũng như các nhân
vật tham gia kể chuyện, Nguyễn Du đã tăng cường sức thuyết phục của lời kể như
kể cụ thể, nói có sách mách có chứng, mỗi chủ thể có một ngôn ngữ riêng trong
khi kể, điều này đã làm tăng tính chất chủ quan và tính cụ thể của lời kể chuyện.
Đó chính là đặc điểm của lời kể trong tiểu thuyết hiện đại. Với những điểm nhìn
khác nhau của các nhân vật kể chuyện, câu chuyện càng sống động. Càng có nhiều
nhân vật tham gia kể chuyện ở những thời điểm khác nhau thì hiện thực được phản
ánh càng chân thực hơn và có hồn, sinh động hơn.
Ta có thể nhận xét rằng người kể chuyện cũng như nhân vật trong
Truyện Kiều sử dụng số từ rất nhiều. Nguyễn Du đã tả các nhân vật của mình
trong sự chính xác tối đa. Cách sử dụng lời kể như vậy không có ở trong các
truyện Nôm xưa, mà là thường thấy trong văn học hiện đại, khi cái tôi cá nhân
được tôn trọng. Trong Truyện Kiều lượng số từ rất lớn: 196/307 chữ một có
nghĩa của con số, 60 chữ hai đều có nghĩa của con số, 22/27 chữ ba có
nghĩa của con số, 19 chữ bốn đều có nghĩa của con số, 12/42 chữ năm có
nghĩa của con số… 22 chữ mười đều có nghĩa của con số, 31 chữ trăm đều
có nghĩa của con số ….
Đặc điểm này của lời kể chuyện của Nguyễn Du trong Truyện Kiều
không một tác phẩm nào đạt được mức độ đó trong lời kể của các truyện Nôm cùng
thời.
Để thể hiện ý thức tăng cường tính xác thực trong lời kể, người
kể chuyện vô hình hay nhân vật trong truyện kể lại thường hay sử dụng đại từ chỉ
thị: này (72/91), đây (45/54), ấy (45), kia (28), đó (20), nọ (13)…trong
lúc kể chuyện. Có khi Nguyễn Du dùng hai từ “chỉ trỏ” trong một câu như:
3011. Hai em phương trưởng hòa hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa.
3053. Phải điều cầu Phật cầu Tiên,
Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây.
0295. Giơ tay với lấy về nhà,
Này trong khuê các đâu mà đến đây.
1585. Khen cho những miệng dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
2963. Nàng đà gieo ngọc trầm châu,
Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan.
2893. Kiên trinh chẳng phải gan vừa,
Liều mình thế ấy, phải lừa thế kia…
Kiểu này được Nguyễn Du dùng trong 36 trường hợp, trong đó có
trên một nửa là cặp “chỉ trỏ” có tính hô ứng hoặc tạo cho nó tính hô ứng,
như “đây… đấy”, “nọ… kia”, “kia… nọ”, “này… ấy”, “nọ… đó”, “đó… đây” v, v…
mà chúng tôi đã xét kỹ trong chương viết về Từ trái nghĩa trong quyển Thế
giới nghệ thuật Truyện Kiều). Để chỉ người, sự việc, thời gian, địa điểm… trong
tác phẩm, những cặp đại từ được phân bố đều ở cả câu thơ sáu tiếng và tám tiếng,
nhưng vị trí từng cặp trong câu thì rất linh hoạt…
Có khi một từ đứng ở đầu câu, một từ đứng ở cuối câu như “Này trong
khuê các đâu mà đến đây” (câu 0296), có khi hai từ trong cặp đứng liền
nhau ở cuối câu như “Bướm ong lại đặt những lời nọ kia” (câu 1586); có khi
hai từ trong cặp đứng liền nhau ở giữa câu như trong trường hợp “Sông Tiền Đường đó
ấy mồ hồng nhan” (câu 2964). Trong Truyện Kiều duy nhất có một trường hợp
Nguyễn Du dùng đến ba từ “chỉ trỏ” “Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây”,
nhưng chỉ có kia, nọ đóng vai trò “chỉ trỏ”, còn từ đây ở
cuối câu đã giữ chức năng làm trợ từ. Nhưng những trường hợp này là hãn hữu, phổ
biến là một từ đứng ở vế đầu câu, một từ đứng ở vế cuối câu như “Bên trông đầu nọ,
bên chờ cuối kia” (câu 0366) hay:
1035. Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
0905. Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt, nọ dao quỷ thần.
Hay trong các tiểu đối 2-2:
0461. Đừng điều nguyệt nọ hoa kia.
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai.
2245. Tấc lòng cố quốc tha hương,
Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời….
5. Lời kể trong Truyện Kiều còn là những dòng trữ tình nặng
chất thơ.
Truyện Kiều là một truyện thơ, trong lời kể của nó có đặc điểm
vừa thể hiện chất truyện, vừa thể hiện chất thơ. Ở đây ta xét đến chất thơ
trong lời kể. Phẩm chất thơ của Truyện Kiều được thể hiện ở các mặt sau đây:
Tình cảm mãnh liệt, trí tưởng tượng phong phú, phản ánh súc tích đời sống xã hội
đồng thời ngôn ngữ lại giàu hình ảnh, nhạc điệu, cô đọng hàm súc. Chất thơ trữ
tình trong Truyện Kiều đã được nhiều người nói tới nhưng chất thơ được thể hiện
ở những điểm nào? Chất lượng một cuốn tiểu thuyết thường được tạo thành bởi cốt
truyện và chất thơ đã được nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến. Trong tập Luận
văn mỹ học của nhà nghiên cứu Trung Quốc Chu Quang Tiềm có đoạn: “Chất thơ
và cốt truyện trong tiểu thuyết có quan hệ giống như hoa và giàn hoa” và “Cốt
truyện trong loại tiểu thuyết hàng đầu phần lớn chỉ như cái giàn hoa ghép thành
bằng những cành cây khô, tác dụng của nó chỉ là nâng đỡ những dây hoa mơn mởn,
rực rỡ, ngát hương như một tấm gấm phủ trùm trên đó. Những thứ ngoài cốt truyện
đó là chất thơ trong tiểu thuyết”(2). Nhưng ta
luôn nhớ rằng thiếu giàn thì hoa không có chỗ nào bám víu. Quan hệ giữa sức hấp
dẫn nghệ thuật của Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện cũng có phần như vậy.
Chất thơ trong Truyện Kiều trước hết được thể hiện ở cảnh vật.
Nhưng cảnh vật ở đây không chỉ là kể việc như trong Kim Vân Kiều Truyện mà đã
được Nguyễn Du thổi hồn vào trong đó như ta đã thấy trong những cảnh mùa xuân ở
hội Đạp Thanh, ở lầu Ngưng Bích, cảnh mùa thu trên đường Kiều đến Lâm Tri… Rồi
cảnh chiều tối trong ngày Thanh minh, khi Kiều từ hội Đạp Thanh trở về mà “lặng
ngắm bóng nga”, cảnh đêm khuya khi nàng chạy trốn cùng Sở Khanh hay khi trốn khỏi
Quan Âm Các… Chính Nguyễn Du cũng đã nêu rõ như một định luật trong câu: 1243.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu…
Chất thơ trong Truyện Kiều còn thể hiện khi tác giả miêu tả
trực tiếp tình cảm, nội tâm của các nhân vật. Những đoạn Kim Trọng tương tư Kiều
rồi tìm đến nhà nàng, Kim Trọng chia tay với Kiều để về Liêu Dương hộ tang chú,
tâm sự của Thúy Kiều ở lầu xanh Lâm Tri có câu thơ trên đây và kết thúc bằng:
1269. Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Xót người trong Hội đoạn trường đòi cơn.
1271. Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân.
1273. Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Chất thơ trong Truyện Kiều cũng còn được thấy trong lời văn
và cấu trúc tự sự của lời thơ. Như chúng tôi đã có lần đề cập đến trong quyển Về
những thủ pháp nghệ thuật trong Văn chương Truyện Kiều, câu thơ Truyện Kiều có
một đặc điểm khác hẳn những truyện Nôm là ở cấu trúc đối xứng với hàng ngàn câu
thơ có cấu trúc tiểu đối, khi là tiểu đối 2-2, khi là tiểu đối 3-3, tiểu đối
4-4… đến những kiểu đối giữa câu lục và câu bát, giữa khổ thơ trên và khổ thơ
dưới… hay 4 khổ thơ bắt đầu bằng chữ Buồn trông… Chỉ xin nêu ra đây một
thí dụ, như 6 dòng thơ trong cảnh Kim Trọng chia tay Thúy Kiều về Liêu Dương:
0561. Ngại ngùng một bước một xa.
Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.
0563. Buộc yên quẩy gánh vội vàng,
Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai.
0565. Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.
Ở câu lục thứ nhất là tiểu đối 2-2 cuối câu sau từ láy ngại
ngùng, ở câu thứ ba là câu lục có tiểu đối 2-2 đầu câu trước từ láy vội
vàng. Câu thứ hai và thứ tư là những câu bát có tiểu đối 4-4 rất chỉnh: mối
sầu và bước đường, sẻ nửa và chia hai, đầu cành và cuối
trời, quyên nhặt và nhạn thưa. Còn câu bát đầu lại vừa là đối cân vừa
là đối đảo: Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng, trong đó một lời đối
với mấy hàng được tách ra ở đầu và cuối dòng thơ, còn hai từ Hán Việt trân
trọng, châu sa thì ở giữa. Đoạn thơ chỉ có 6 dòng mà tạo nên một không khí
buồn đau, xót xa khi phải chia ly. Những từ láy ngại ngùng và vội
vàng lúc ở đầu câu lục, lúc ở cuối câu lục lại đứng trước và sau một tiểu
đối 2-2 cho thấy cái cảnh dùng dằng chưa nỡ rời tay của hai người. Những
tiểu đối 4-4 ở hai câu bát sau như tách ra hai vế đối xứng cực tả nỗi đau ly biệt
như chim quyên kêu mau ở đầu cành và cánh nhạn đưa thư vắng bóng nơi cuối trời.
Thúy Kiều là con người đa cảm đầy tâm trạng, nhất là ở những
thời điểm bước ngoặt của cuộc đời. Người kể chuyện vô hình luôn đặt điểm nhìn
trần thuật từ tâm hồn nhân vật nên khi kể về nhân vật có cảm xúc mãnh liệt, điều
đó đòi hỏi ngôn ngữ của người kể chuyện đúng với những gì mà nhân vật phải thể
hiện. Người kể chuyện vô hình nhập vai đúng đến nỗi nhiều khi ta không phân biệt
được đấy là lời nhân vật hay lời người kể chuyện, chính điều này đã tạo ra chất
thơ của lời kể chuyện như những câu:
2149. Thoắt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
2151. Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
Ngoài ra chất thơ, chất trữ tình của lời kể được thể hiện
không chỉ ở lời kể nặng cảm xúc, ở tính biểu cảm cao mà còn ở tính chất cách điệu
hoá, ở đặc điểm giàu hình ảnh, nhạc điệu đồng thời còn cô đọng hàm súc trong
ngôn ngữ kể chuyện như cảnh Kiều tiễn biệt Thúc Sinh 1519. Người lên ngựa,
kẻ chia bào…
6. Ngôn ngữ bước đầu đã được cá tính hóa.
Trong Truyện Kiều, ngôn ngữ nhân vật kể chuyện mang đậm màu sắc
chủ quan, ngôn ngữ dùng khi tham gia kể chuyện bước đầu đã được cá tính hóa, mỗi
người đều có một ngôn ngữ riêng. Lời kể của Vương Quan là lời kể của một người
có học vấn, một văn nhân, lời kể của Kiều là lời kể của người thiếu nữ từng
theo cửa Khổng sân Trình nhưng từng trải và chịu nhiều đau khổ trong đời đồng
thời có ý thức sâu sắc về bản thân mình.
Đạm Tiên nói với Thúy Kiều ba lần với 30 dòng thơ (12+6+12)
trong giấc mơ đều là lời ăn tiếng nói của người bạn nơi cõi âm mà lần thứ hai
khi Kiều tự tử nhưng không thành ở nhà Tú Bà và “Trong mê dường đã đứng bên một
nàng” là:
0995. Rỉ rằng: - “Nhân quả dở dang,
“Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
0997. “Số còn nặng nợ má đào,
“Người dù muốn quyết, trời nào đã cho.
0999. “Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
“Sông Tiền Đường, sẽ hẹn hò về sau”.
Nhân quả còn dở dang, có muốn quyết cũng không được, xin hẹn ở
sông Tiền Đường - ba ý rõ ràng trong 6 dòng thơ. Và trong lần cuối cũng vậy, 12
câu chia làm 6 ý mà 2 ý cuối là:
2721. “… Đoạn trường sổ, rút tên ra,
“Đoạn trường thơ, phải đưa mà trả nhau.
2723. “Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
Cũng xin nói thêm về hai câu 2721 - 2722, rất đối xứng mà về
cấu trúc cũng rất hiện đại, không thể có một cách nói nào hay hơn mà rõ nghĩa
hơn, Kiều đã được rút tên ra khỏi sổ đoạn trường và Đạm Tiên phải trả
lại Kiều tập thơ đoạn trường.
+ Chỉ xin nêu thêm một đoạn 14 câu Thúy Kiều kể cho mẹ nghe về
Mã Giám Sinh là ta thấy:
0877. – “Hổ sinh ra phận thơ đào,
“Công cha nghĩa mẹ, kiếp nào trả xong!
0879. “Lỡ làng nước đục bụi trong,
“Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
0881. “Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
“Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già.
0883. “Khi về bỏ vắng trong nhà,
“Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.
0885. “Khi ăn khi nói lỡ làng,
“Khi thầy khi tớ, xem thường xem khinh.
0887. “Khác màu kẻ qúy người thanh,
“Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.
0889. “Thôi con còn nói chi con,
“Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người!”
Với 14 dòng thơ, từng từng lớp lớp, chia làm 7 ý rất rõ ràng:
Phận gái đi lấy chồng xa, bao giờ mới trả được công cha nghĩa mẹ, nay lỡ làng rồi
xin để lại tấm lòng nhớ thương cho cha mẹ, đành Sống nhờ đất khách, thác
chôn quê người, và 4 ý ở giữa nói về Mã Giám Sinh (chẳng kẻo mắc tay bợm già,
hành tung của hắn, thái độ với mọi người, có lẽ là con buôn),
Trong khi ở Kim Vân Kiều Truyện phải kể lại dài
dòng, xin nêu ra ở đây để so sánh:
“Nàng đáp: - Thưa mẹ, người ta thường nói: bước chân vào cửa,
liếc mắt ba cái đã hiểu quang cảnh trong nhà. Nghe ba câu nói đã biết tư cách
con người. Vậy nay con xem người ấy, đối với nô bộc, bên ngoài ra vẻ tớ thầy, nhưng
xét rõ bên trong cá mè một lứa, đâu phải nề nếp đại gia? Chỉ khéo đóng vai mô
phạm, để lừa thiên hạ đó thôi.
“Còn như việc mua tiểu thiếp, chẳng tiếc mấy trăm lạng bạc,
đó là hành vi của nhà phú hộ. Nhưng xem anh này có vẻ ma mãnh, đâu phải là
khách hào hoa? Chả thế mà sau khi đón dâu về phòng, thấy y có vẻ dùng dằng, tựa
như không dám thành thân. Cho mãi đến lúc canh khuya, mới thấy nhập phòng. Thử
hỏi hạng người thiên kim mãi thiếp (ngàn vàng mua thiếp) đâu lại như thế? Chẳng
qua là hạng mượn tiếng mua thiếp để làm món hàng sinh lợi chi đây. Hơn nữa, nếu
phải là nhà cự phú, dám bỏ một món tiền lớn để mua nàng hầu ở nơi thành thị, nhẽ
đâu lại chả lưu lại hàng năm để mà tiêu dao cho phỉ chí. Cớ sao vừa mới hôm trước
thành thân, mà sáng hôm sau đã toan quay gót?
“Lại như bảo rằng: Vì lẽ sợ oai vợ lớn, cho nên chẳng dám ở
lâu, vậy đã sợ oai sao lại còn dám đi mua tiểu thiếp? Mua thiếp đem về để tống
vào hàm sư tử hay sao? Thực là vô lý.
“Vậy cứ ý con, thì anh chàng này chưa chắc đã có vợ cả và nơi
trú quán chưa chắc đã phải Lâm Thanh. Chẳng phải cưới con làm vợ, mà chỉ cưới
con để làm mối hàng. Nếu không thì anh chàng này cũng là chủ một nhà hát chi
đó?
“Khả nghi nhất là trong khi nhắc đến vợ cả, xưng hô có vẻ nhỡ
nhàng, lúc gọi Tú Bà, lúc kêu má má, có lúc kêu là đại nương chứ không nhất định,
và con lại thấy bọn gia nhân nói với y rằng: Này này ở nhà đợi người lâu lắm rồi
đó, kíp nên thu xếp về ngay. Y đáp: Phải, tôi biết Tú Bà có tính đa nghi, e rằng
bà ấy sẽ lại kiếm chuyện. Chỉ vì hôm nay có việc đang dở, không còn cách gì
thoát thân, thôi đành để đến ngày mai ta đi sớm vậy.
“Lại như sáng nay, bọn gia nhân kia vào đánh thức con, chúng
kêu ngay rằng: Thúy Kiều, Thúy Kiều, mau mau thức dậy, chải đầu ăn cơm. Thấy vậy
con liền đưa mắt nhìn chúng. Chúng bèn đổi giọng: À quên, dì nương, dì nương.
“Thử hỏi, khắp trong thiên hạ, có người vợ thiếp của ông chủ
nào lại bị gia nhân coi rẻ như vậy? Ay là còn bao nhiêu chuyện đáng nghi,
con không kể xiết. Nhưng chỉ mấy điều đó cũng chứng tỏ rằng: Nhà này chẳng phải
là nhà lương thiện. Thôi thì thân con ngày nay cũng đành sống gửi đất khách,
thác chôn quê người, phó mặc ông xanh định đoạt”.
Có so sánh như trên mới thấy lời kể của nàng Kiều trong Đoạn
Trường Tân Thanh rất cụ thể, rất văn hóa mà đầy tính văn học.
7. Lời kể trong Truyện Kiều giàu sắc thái dân gian.
Tính chất dân gian trong ngôn ngữ kể chuyện của Truyện Kiều
trước hết được thể hiện ở việc sử dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong lời kể.
Như chúng tôi đã nêu rõ trong bảng thống kê, trong Truyện Kiều có tới 376 thành
ngữ, 49 câu tục ngữ và 20 câu ca dao gắn với những câu Kiều (Xin xem phần: Truyện
Kiều và văn học dân gian trong quyển Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều).
Như vậy là có trên ba trăm trường hợp ca dao, dân ca, thành ngữ và Truyện Kiều
chịu ảnh hưởng lẫn nhau, xâm nhập lẫn nhau.
Khi kể chuyện, Nguyễn Du cũng đã sử dụng cả ngôn ngữ sinh hoạt
đời thường, dân dã nên Truyện Kiều mới đến được với quần chúng nhân dân. Những
hình ảnh, tiếng nói của đời thường được sử dụng hợp lý trong lời kể đã có tác dụng
bộc lộ bản chất nhân vật và sự kiện kể lại cũng cho thấy rõ thái độ của người kể.
Như những từ thông tục: mặt mo chỉ Sở Khanh, giống bơ thờ trong
câu Hoạn Bà mắng Thúy Kiều…, những thành ngữ đầu trâu mặt ngựa, phường trốn
chúa, quân lộn chồng, mèo mả gà đồng …
Nguyễn Du còn học tập và sử dụng rất nhiều ở ca dao, và nhiều
câu ca dao cũng chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều. Các biểu tượng truyền thống của
ca dao đều có trong Truyện Kiều như trăng (38, nguyệt 11) - hoa (107) - trời
bể (85+24) - non nước (14+48) - gió mưa (49+23) – bèo mây (10+49) – tơ liễu
(27+15) – ong bướm (8+7) – mận đào (2+22) - trúc mai (5+8) - vàng đá (44+14)… Số
trong ngoặc lấy từ quyển Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh.
Tính chất dân gian của lời kể còn được thể hiện ở việc sử dụng
những biện pháp tu từ quen thuộc của văn học dân gian như: so sánh, ngoa dụ,
lộng ngữ, điệp ngữ, ẩn dụ… Với việc sử dụng thành thục câu văn vần lục bát
trong tác phẩm, lời kể của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là lời kể có tính văn học
cao, là lời kể vừa có chất thơ, chất truyện, gọn gàng cụ thể, chính xác, nặng
chất trữ tình và chất dân gian. Một thứ ngôn ngữ kể chuyện đã được cá tính hoá,
mang đậm màu sắc chủ quan, đậm sắc thái tình cảm. Với những đổi mới về mặt lời
kể so với những truyện Nôm đương thời, lời kể chuyện ở đây đã có một số đặc điểm
của lời kể chuyện trong tiểu thuyết ngày nay.
1/ Theo bản dịch của Nguyễn Đức Vân - Nguyễn Khắc Hanh
2/ Theo Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều.
PHẠM ĐAN QUẾ
Nguồn: Trích trong Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét