Trong một tác phẩm văn học, người kể chuyện là chủ thể của lời
kể chuyện, người đứng ra kể và là cầu nối giữa câu chuyện với độc giả. Tuy nhiệm
vụ là kể lại câu chuyện, nhưng ngoài cốt truyện, trong tác phẩm còn có những đoạn
trữ tình ngoại đề để thể hiện những suy tư về con người, về cuộc đời. Sau đó là
những đoạn mang tính chất luận đề trong đó tác giả thường thay đổi giọng kể rất
linh hoạt mà người ta xét đến như là giọng điệu nghệ thuật trong tác
phẩm. Trong bài này chúng tôi xin được đề cập đến một trong ba đặc điểm tạo nên
nghệ thuật kể chuyện trong Truyện Kiều: cách kể chuyện, giọng kể và lời kể của
Nguyễn Du.
1. Giọng kể.
Giọng kể ngày nay cũng được các nhà ngôn ngữ đưa đến một khái niệm mới là giọng điệu nghệ thuật. Giọng điệu tác giả là một vấn đề mới mẻ và giọng điệu nghệ thuật trong Truyện Kiều lại càng mới hơn. Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp trong Tạp chí Văn học (số 1-1990) có viết:
Giọng kể ngày nay cũng được các nhà ngôn ngữ đưa đến một khái niệm mới là giọng điệu nghệ thuật. Giọng điệu tác giả là một vấn đề mới mẻ và giọng điệu nghệ thuật trong Truyện Kiều lại càng mới hơn. Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp trong Tạp chí Văn học (số 1-1990) có viết:
“Giọng điệu được hiểu như là lập trường thái độ, tình cảm đạo
đức của nhà văn đối với hiện tượng được mô tả, thể hiện trong lời văn và khả
năng huy động các biện pháp nghệ thuật làm nổi bật giọng điệu. Trong tác phẩm,
giọng điệu thường bộc lộ ở cách xưng hô, gọi tên sự vật, cách dùng từ, cách cảm
thụ thế giới và thái độ đánh giá chúng”.
Không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, giọng điệu
nghệ thuật còn là phương tiện biểu hiện rất quan trọng của tác phẩm, đồng thời
có vai trò thống nhất các yếu tố khác của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể.
Trong quyển Thi pháp Truyện Kiều, Giáo sư Trần Đình Sử có viết riêng một mục giọng
điệu nghệ thuật cảm thương trong Truyện Kiều mà ta sẽ xét đến ở sau. Giọng
điệu là biểu hiện của thái độ, cảm xúc của chủ thể đối với đời sống, nên giọng
điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo có thể là anh hùng, bi kịch, lãng
mạn hay cảm thương …
a. Trong quyển Khảo luận về Truyện Thuý Kiều (NXB
Văn hoá Thông tin, tái bản năm 2007), trang 151, cụ Đào Duy Anh có một mục viết
về khí văn trong Truyện Kiều, nội dung như sau:
“Văn Đoạn Trường Tân Thanh còn có một đặc sắc trọng yếu là
khí văn rất biến hoá, rất thích hợp với những trường hợp riêng. Khi tả những
phong cảnh xinh đẹp, dáng điệu dịu dàng thì giọng văn rất là trong trẻo, nhẹ
nhàng ví như những cảnh mùa xuân, mùa thu, thái độ của Thuý Kiều khi bẽn lẽn.
“Khi tả tiếng sóng dữ tợn hay khí giận của kẻ anh hùng thì có
những câu Triều đâu nổi sóng đùng đùng, Ngọn triều non bạc trùng trùng, Bất
bình nổi trận đùng đùng sấm vang, giọng văn rất là mạnh mẽ. Những đoạn văn tả
khí tượng hoặc sự nghiệp của Từ Hải đều có vẻ vòi vọi nguy nga, ví dụ:
“Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,
Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài.
Đòi cơn gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm toà cõi Nam.
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
“Khi tả sự hình phạt thì giọng văn ghê gớm đến như “Xương bay
thịt nát tan tành” hay đau đớn như “Cúi lưng thịt đổ giập đầu máu sa”.
“Cho đến giọng văn thô tục, Nguyễn Du cũng không tránh, để tả
khẩu khí, thái độ của những kẻ đê hèn ví như:
“Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.
Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao.
b. Có lẽ khí văn mà cụ Đào nói đến ở đây chính là
cái mà ngày nay ta gọi là giọng điệu nghệ thuật. Từ trong thực tiễn
sáng tác, người xưa nhận thức được rằng, làm văn chương thực không phải là chuyện
dễ. Bởi vậy, phải rất trân trọng văn chương và cảm được sự kỳ diệu đồng thời là
khó khăn trong vấn đề truyền đạt ngôn từ.
Tào Phi xưa (187-226 trước Công nguyên) đã dùng khái niệm khí để
luận văn chương của các văn nhân Kiến An. Bàn về quan hệ giữa khí và văn,
Tào Phi viết: “Văn lấy khí làm chủ; mà khí thì có loại trong, loại đục, không
thể gắng sức mà đạt được. Ví như âm nhạc, tuy khúc phổ tương đồng, tiết tấu
cùng một phép tắc vậy, nhưng đến lúc vận hơi thì lại không đều nhau, khéo hay vụng
là do tố chất tự nhiên qui định, dù là cha anh cũng không thể truyền dạy cho
con em của mình được”. Sau này, Hàn Dũ (768-824) cũng viết: “Khí là nước,
còn ngôn từ lại trôi nổi trong nước. Khi nước lớn, tất cả mọi vật đều trôi nổi
trên bề mặt. Quan hệ giữa khí và từ là như vậy. Khi khí đầy
đủ thì sự ngắn dài của câu cũng như sự cao thấp của âm thanh, tất cả đều đi vào
khuôn phép”.
Đặc biệt là đánh giá của Lỗ Tấn (1884-1936) về Tào Phi: “Dùng
nhãn quan của văn học cận đại mà xem xét thì có thể nói thời đại của Tào Phi là
“thời đại tự giác của văn học” hoặc như cận đại gọi là một phái của “nghệ thuật
vị nghệ thuật”. Sở dĩ Tào Phi làm thơ phú rất hay, cũng là vì ông lấy “khí” làm
chủ, và ngoài vẻ hoa lệ còn thêm sự hào tráng (cố vu hoa lệ dĩ ngoại, gia thượng
tráng đại)”. Ở đây, Lỗ Tấn lại lấy cái khí “hoa lệ” và “tráng đại” để
luận văn chương của Tào Phi.
c. Nay chúng tôi chỉ xin đề cập đến những đặc điểm trong giọng
kể của tác giả và của nhân vật trong Truyện Kiều để bước đầu tiếp cận với vấn đề
trên trong khuôn khổ của phần nghiên cứu về Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn
Du trong Truyện Kiều.
Nhiều khi nhà văn có ý tưởng về câu chuyện, về một nhân vật
nào đó nhưng chưa thể sáng tác được vì chưa tìm ra giọng kể thích hợp. Giọng điệu
kể chuyện sẽ cho ta thấy nét đặc thù của từng nhà văn. Sắc thái tình cảm, tư tưởng
của người kể chuyện thể hiện qua giong điệu còn là một điều hấp dẫn đối với người
đọc. Cảm hứng anh hùng sẽ có giọng điệu ngợi ca, cảm hứng lãng mạn sẽ tạo ra giọng
điệu vui tươi, hấp dẫn. Mỗi câu chuyện có một nội dung riêng vì nó đòi hỏi phải
có một giọng kể thích hợp. Giọng kể trong tác phẩm có nhiều loại, nếu ở góc độ
sắc thái tình cảm của giọng thì có giọng kể bình tĩnh khách quan, chỉ kể lại
câu chuyện đã xảy ra như thế nào chứ không hề nhận xét bình luận. Giọng kể tràn
đầy cảm xúc là giọng kể gián tiếp hoặc trực tiếp đề cao, trong giọng kể cảm xúc
có thể tách thành giọng kể cụ thể hơn tuỳ theo sắc thái tính cảm: hào
hùng, bi ai, hài hước, trang trọng, giọng thủ thỉ tâm tình….
2. Giọng tác giả.
Trong một tác phẩm văn học, ngoài ngôn ngữ nhân vật còn có
ngôn ngữ tác giả với giọng điệu của nhà văn. Mỗi giọng có một kiểu thể hiện
riêng, giọng tâm tình, giọng âu lo chiêm nghiệm, mỉa mai hay châm biếm, cảm
thông hay bàn luận… Tuy vậy, chúng luôn luôn đạt tới một cái chung là thông qua
giọng điệu, nhà thơ muốn thể hiện điều gì và vì vậy thơ thường in đậm dấu ấn cá
nhân của người nghệ sĩ. Từ đó ta thấy có nhiều giọng kể khác nhau với những sắc
thái tình cảm khi vui, khi buồn, khi tâm tình thủ thỉ, khi ai oán xót xa… Ta có
thể nêu sau đây một vài trường hợp:
a. Nhìn chung Truyện Kiều được người kể chuyện vô hình kể lại
với giọng kể buồn đau vì cuộc đời Kiều vốn là cuộc đời đau khổ với 15 năm đoạn
trường lưu lạc. Đoạn Buồn trông ở lầu Ngưng Bích là một thí dụ. Những
cảnh với một số câu sau đây ở đầu truyện cũng cho ta thấy giọng kể này:
0565. Buồn trông phong cảnh quê người,
0617. Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!…
0655. Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng, ông những máu sa ruột rầu…
0635. Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày…
Rồi cảnh Tú Bà tốc thẳng đến nơi, hăm hăm áp điệu một
hơi lại nhà:
1135. Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
Nguyễn Du như uất quá không chịu được đã phải than:
1137. Thịt da ai cũng là người,
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau…
b. Bên cạnh đó là giọng oán hận trong giọng kể của Nguyễn Du,
cũng là tâm trạng của ông khi kể về những thế lực đã gây ra oan khổ cho Kiều.
Giọng kể này được dùng với những bọn sai nha, quan lại …:
0577. Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi…
0581. Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may…
0597. Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền…
+ Giọng oán hận này ta còn thấy trong lời kể của Mã Kiều đánh
giá Sở Khanh như kẻ:
1159. Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung.
1161. Đà đao lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay.
1163. Có ba mươi lạng trao tay,
Không dưng chi có chuyện này trò kia.
1165. Rồi ra trở mặt tức thì,
Bớt lời liệu chớ sân si, thiệt đời.
+ Giọng kể oán trời, giận trời vì mệnh trời quá khắc nghiệt
thể hiện ở những lời than của Kim Trọng, Vương Ông hay của người kể chuyện vô
hình:
0549. Ông tơ gàn quải chi nhau,
Chưa vui sum họp, đã sầu chia phôi...
0659. Trời làm chi cực bấy trời!
Này ai vu thác cho người hợp tan...
3. Giọng điệu cảm thương
Trong mục Giọng điệu nghệ thuật cảm thương trong Truyện
Kiều (Thi pháp Truyện Kiều), Giáo sư Trần Đình Sử viết:
“Giọng điệu là biểu hiện của thái độ, cảm xúc của chủ thể đối
với đời sống. Tại sao lời của các vị tư tế, các nhà tiên tri, các giáo chủ, cha
cố, các quan toà và các lãnh tụ thường nghiêm trang? Đó là bởi vì chủ thể lời
nói đang nói những chân lý linh thiêng tuyệt đối, có ý nghĩa trọng đại. Đối với
các sự vật, hiện tượng thấp kém, tầm thường, người ta thường có giọng mỉa mai,
cười cợt; đối với các sự việc đáng tiếc, mất mát, thương tổn, người ta có giọng
buồn thương, ngậm ngùi. Như vậy giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ
đạo và các dạng cảm hứng như anh hùng, bi kịch, hài kịch, lãng mạn, cảm thương…
theo quan niệm của G.N.Pôxpêlốp, có vai trò chi phối giọng điệu tác phẩm. Giọng
điệu thể hiện ở tiếng nói và điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ của chủ thể tác
giả đối với cái được miêu tả. Suy nghĩ về giọng điệu, M.Bakhtin lưu ý tới vai
trò thể hiện giọng điệu của các môtíp và hình tượng. Chẳng hạn các môtíp nước mắt,
nỗi đau, mối sầu là cơ sở của giọng điệu cảm thương của chủ nghĩa tình cảm. Ở
đó có sự sùng bái những cái yếu đuối, những kẻ thật thà, dại dột không có khả
năng bảo vệ như đoá hoa, phụ nữ, trẻ em… dễ dàng bị giày xéo thô bạo. Cái
môtíp ấy gây nên niềm xót thương, mủi lòng, sự tuôn trào cảm xúc nâng niu,
thương xót ….”.
a. Cũng trong giọng điệu cảm thương còn có giọng kể bàn luận,
thâm trầm. Giọng kể giàu chất suy tư chiêm nghiệm, triết lý thể hiện rõ nhất
trong đoạn người kể chuyện thương xót Thuý Kiều khi nàng nhảy xuống sông Tiền
Đường tự tử. Ta không chỉ thấy giọng kể đau đớn như khi kể lại những bước thăng
trầm của đời nàng mà là tiếng kêu thương về một kiếp người gặp bao điều ngang
trái đến nỗi phải trầm mình tự vẫn mở đầu bằng thán từ Thương thay! như
trong một bài điếu văn cho người đã khuất:
2639. Thương thay! Cũng một kiếp người,
Hại thay! Mang lấy sắc tài làm chi!
Thuý Kiều cũng như bao người khác nhưng… cũng một kiếp người
mà… Chỉ một hư từ cũng đã thể hiện tình cảm của một giọng đay nghiến
xót xa và phẫn uất của người kể chuyện vô hình hay của người đọc bài ai điếu.
Ngay ở câu bát tiếp theo lại là một thán từ Hại thay! rồi tác giả lại
nhắc đến với với cái đau xót pha chút mỉa mai khi nhắc đến hai chữ sắc tài: Hại
thay! Mang lấy sắc tài làm chi! Sau đó là những dòng thơ thiết tha đau
xót, với giọng điệu đay nghiến pha chút mỉa mai, khóc cho một kiếp người oan khổ.
Tám câu mở đầu bằng một dấu than và kết thúc cũng bằng một dấu than trước khi
chuyển đoạn:
2641. Những là oan khổ lưu ly,
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!
2643. Mười lăm năm bấy nhiêu lần,
Làm gương cho khách hồng quần thử soi.
2645. Đời người đến thế thì thôi,
Trong cơ âm cực dương hồi khôn hay.
2647. Mấy người hiếu nghĩa xưa nay.
Trời làm chi đến lâu ngày càng thương!
Chỉ có mười dòng thơ mà chúng ta tưởng như đang đọc một bài
ai điếu cho một linh hồn oan khổ, một kiếp người bị đày đọa đến tận cùng, đến tận
cùng đớn đau khổ nhục.
Tính chất suy tư, chiêm nghiệm và triết lý còn được thể hiện ở
một số lời người kể chuyện vô hình khi Thúy Kiều gặp phải những điều quá vô lý,
khi nàng phải rút dao tự vẫn:
0985. Thương ôi! Tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
Nguyễn Du sử dụng từ nhiều khi rất đắt, có những lúc mới đọc
qua, ta chỉ thấy đó là một câu cảm thán bình thường nhưng thực chất lại mang ý
nghĩa mỉa mai sâu cay. Lưỡi dao oan nghiệt là lưỡi dao của sự bất công đã giáng
xuống con người tài sắc.
Hay lúc Sở Khanh đã rẽ dây cương, bỏ lại Kiều một mình giữa rừng
khuya:
1129. Hóa nhi thật có nỡ lòng,
Làm chi giày tía vò hồng lắm nao!
b. Giọng kể đầy cảm thông, nâng niu trân trọng được sử dụng
khi Nguyễn Du kể về mối tình đầu của Kim - Kiều. Từ láy tần ngần cho
biết Kim Trọng còn đang mải nghĩ ngợi chưa biết nên làm gì trước cảnh cửa đóng
then cài ở nhà Kiều:
0273. Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà.
Đến khi thuê được ở gần nhà Kiều rồi, Kim Trọng để cửa sổ có
gián giấy (song hồ), cánh cửa gián giấy có vẽ mây (cánh mây) nửa khép nửa mở để
nhìn cho dễ mà không lộ liễu, thật đúng với tâm lý của chàng Kim:
0283. Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông…
Giọng kể đầy cảm thông cũng được sử dụng khi kết thúc ngày thứ
nhất Kiều sang nhà Kim Trọng:
0425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang.
Đặc biệt giọng kể này còn thể hiện ở những dòng thơ viết về
những lần nhớ nhà, nhớ người yêu của Kiều và cũng như trong ngôn ngữ tác giả:
2241. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng…
+ Giọng kể nâng niu trân trọng lại được sử dụng khi Kiều ở lầu
Ngưng Bích nhớ về chàng Kim:
1037. Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
1039. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ...
+ Hay khi nàng một mình nơi đất khách trên đường đến Lâm Tri:
0911. Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.
0913. Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu, để riêng ai một người...
+ Rồi trong những cảnh khuya trên đường trốn theo Sở Khanh:
1121. Lối mòn cỏ nhợt màu sương,
Lòng quê đi một bước đường một đau…
1127. Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng.
c. Chữ thương trong Truyện Kiều được dùng 44 lần
trong đó có 13 lần với nghĩa là thương yêu như:
1353. Ở trên còn có nhà thông,
Lượng trên trông xuống biết lòng có thương….
+ Có khi là thương nhớ do tình yêu mà nhớ trong:
2237. Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Còn 31 lần có nghĩa là đau đớn đau, đau xót, thương hại, tiếc
thương:
0847. Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương…
+ Ba lần là thương tình có nghĩa là đau xót cho
tình cảnh, có lòng thương đến khi Vương Ông nghĩ đến cảnh nhà tan nát Kiều phải
bán mình:
0655. Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng, ông những máu sa ruột rầu…
+ Lại còn thương thầm xót vay, thương thầm là
thương hại ngầm trong bụng, xót vay là việc không quan thiết đến mình
mà cũng xót xa, khi mô tả viên Chung Công giúp gia đình Kiều lo lót trong cảnh vạ
gió tai bay:
0609. Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay.
+ Riêng thán từ thương ôi là tiếng than đau xót, được
dùng tới 4 lần khi trong lời than của Thúc Sinh lúc phát hiện ra Kiều ở nhà
mình với thân phận hoa nô hay lời Giác Duyên lúc nghe Tam Hợp đạo cô nói về kết
cục của đời Kiều:
1823. Sinh đà phách lạc hồn xiêu:
Thương ôi! Chẳng phải nàng Kiều ở đây?
2677. Giác Duyên nghe nói rụng rời:
Một đời nàng nhé thương ôi, còn gì!
Có khi được sử dụng trong ngôn ngữ tác giả khi Kiều tự vẫn ở
nhà Tú Bà hay sau khi người dân hàng châu kể lại cho gia đình Vương Ông việc Kiều
đã nhảy xuống sông Tiền Đường:
0985. Thương ôi! Tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
2965. Thương ôi! Không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển, riêng oan một nàng.
4. Giọng điệu anh hùng ca.
a. Nhân vật Từ Hải theo nguyên truyện tuy là một hảo hán
nhưng thiên hạ vẫn biết tung tích tầm thường như đã dẫn ở mục trước gồm có mươi
dòng (Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoa, sau mới xoay ra
thương mại, tiền của có thừa, lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách…).
Trong Truyện Kiều, đoạn này được tác giả giới thiệu khá đầy đủ
với 14 dòng thơ còn dài hơn cả nguyên truyện, với lời kể rành rẽ, lớp lang được
trình bày thành 7 ý mỗi ý hai câu. Chỉ bằng hai câu tác giả đã nêu rõ được cả
không gian, thời gian và cách xuất hiện bất ngờ của Từ Hải:
2165. Lần thâu gió mát trăng thanh,
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
+ Ngoại hình đặc biệt của chàng đã gây ra biết bao tranh luận:
2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao,
+ Phong thái, tư thế đến tài sức của chàng:
2169. Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài,
+ Tên họ, nguồn gốc được giới thiệu bên cạnh dáng vẻ hiên
ngang đội trời đạp đất:
2171. Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông.
+ Kèm thêm phong thái nghệ sĩ của người anh hùng:
2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
+ Thái độ của Từ và cách đến tìm đến với Kiều cũng rất độc
đáo, chỉ là:
2175. Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
+ Rồi tiếng sét ái tình đã đưa hai người đến với nhau:
2177. Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
Nguyễn Du muốn biến Từ thành một người anh hùng lý tưởng nên
không nói gì về tung tích của chàng mà chỉ là một người khách biên đình bỗng
đâu xuất hiện vào một đêm trăng thanh gió mát.
b. Từ Hải của Thanh Tâm Tài Nhân tuy đánh đâu được đấy, kể cả
khi bị tên bắn đầy mình cũng chỉ chịu chết đứng nhưng lại thiếu cái vẻ cao thượng
của một người anh hùng. Hoa Nhân là sứ giả của Hồ Tôn Hiến đến dụ hàng thì ra
oai vũ phu toan giết và Thúy Kiều phải ngăn cản mới thôi. Khi bàn bạc, Từ Hải
nêu ra ba điều lợi và năm điều hại, đều bị Kiều bác lại. Đến khi sứ giả La
Trung quân đến, Từ cũng ra oai dọa nạt, Kiều lại phải khuyên can. Rồi sứ giả thứ
ba là Lợi Sinh đến dùng lời nịnh khéo và dâng “món phú quý làm lễ ra mắt”, Từ Hải
mới vui lòng hỏi lại rồi nêu ra ba điều bất tiện, nhưng lại bị Lợi Sinh phản
bác và Từ tỏ ra mừng rỡ thưởng cho 500 lạng vàng và 1000 lạng bạc. Từ Hải của
Thanh Tâm Tài Nhân lộ hết cả cái tâm lý hám lợi của một kẻ bất đắc chí, vốn trước
theo nghề nghiên bút để cầu công danh không thành, mới xoay ra buôn bán cũng
không được nên phải chống đối với triều đình.
Từ Hải được Thanh Tâm Tài Nhân tả thực, nhưng Nguyễn Du không
tả thực mà chỉ gợi trong trí tưởng tượng của chúng ta nên Từ Hải trong Truyện
Kiều thì khác hẳn, về vũ lực cũng “đánh hơn trăm trận sức dư muôn người”, cái
tài trí lại “đội trời đạp đất”, phong thái thì “gươm đàn nửa gánh non sông một
chèo”. Còn uy thế thì:
2471. Chọc trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
+ Binh uy cùng sự nghiệp cũng lừng lẫy bốn phương:
2439. Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,
Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài.
2441. Triều đình riêng một góc trời,
Rõ ràng là một vị anh hùng vũ dũng hiên ngang, tài trí hơn
người, từ cử chỉ đến ngôn ngữ tính tình luôn tỏ ra là một người anh hùng chân
chính.
c. Giọng điệu anh hùng ca thể hiện ở bất cứ nơi nào Từ xuất
hiện. Khi Từ Hải ra đi cũng là con người của trời đất, của bốn phương:
2213. Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Chàng trở về thì được Nguyễn Du miêu tả bằng những màu sắc
tươi sáng đẹp đẽ và nổi bật hẳn lên của phẩm phục, mũ áo (cân đai) mà chính Từ
cũng thấy mình có vẻ là lạ khác trước tuy Hãy còn hàm én mày ngài như xưa:
2271. Kéo cờ luỹ, phát súng thành,
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài.
2273. Rỡ mình lạ vẻ cân đai,
Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.
Sau đó là cảnh tượng khi khao binh, trống nhạc vang lừng
với những từ láy thì thùng, rập rình cùng cảnhvinh hoa đầy khí
thế:
2285. Tiệc bày thưởng tướng khao binh,
Thì thùng trống trận, rập rình nhạc quân.
2287. Vinh hoa bõ lúc phong trần,
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.
Và rồi những thành ngữ trúc chẻ ngói tan, gió quét mưa
sa, coi thường những kẻ giá áo túi cơm cùng với từ láy nghênh
ngang cho thấy cái sảng khoái của Nguyễn Du khi nói đến triều đình của Từ
Hải trong:
2441. Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
Từ Hải đánh tan quân của triều đình được Kim Vân Kiều Truyện
kể:
“Quan quân rối loạn, bị quân Minh Sơn đuổi giết, thây phơi khắp
nội, máu chảy thành ngòi. Quân sĩ thừa thắng, ruổi dài thẳng tiến, không đầy ba
ngày chiếm luôn năm huyện, quân oai lừng lẫy khắp nơi…”
Vẫn với ý Từ Hải chiếm luôn năm huyện, nhưng Nguyễn Du đã
dùng lời văn mạnh mẽ khoái trá, đầy khí thế để diễn tả chiến công của Từ:
2443. Đòi cơn gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm toà cõi Nam.
2445. Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
2447. Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!
d. Ngay cả khi Từ tử trận điệu bộ coi vẫn nhơn nhơn không
khác gì lúc sống, chẳng biết sợ là gì. Người anh hùng sống hiên ngang mà chết
cũng hiên ngang, dạn dày chống đỡ giữa trận tiền:
2517. Tử sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.
2519. Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
Khí thiêng hay linh khí là cái khí thiêng
liêng của sông núi chung đúc nên bậc anh hùng. Về thần là do câu sinh
ký tử quy - sống gửi thác về, cùng với câu sinh vi tướng tử vi
thần - sống thì làm tướng mà chết thì làm thần.
2521. Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.
Và bao năm sau, từ viên lại già họ Đô đến người dân ở Hàng
Châu cũng đều nhắc nhớ đến Từ Hải với niềm kính phục một vị anh hùng:
Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh.
2905. Trong tay mười vạn tinh binh,
Kéo về đóng chật một thành Lâm Tri…
2959. Rằng: - “Ngày hôm nọ giao binh,
“Thất cơ, Từ đã thu linh trận tiền…”
Thu linh là thu những khí thiêng của trời đất giữa chốn
sa trường mà lại là do bị thất cơ, mắc phải quỷ kế, cơ mưu hèn hạ của Hồ
Tôn Hiến mới thật là đau xót.
Quả Nguyễn Du đã sử dụng hàng loạt thủ pháp nghệ thuật với những
mỹ từ cao cả để nói về cái chết của Từ. Ta còn có thể nói nhiều hơn nữa về giọng
điệu anh hùng ca trong Truyện Kiều vì khi Từ Hải nói hay nói đến Từ Hải thì giọng
điệu kể chuyện bao giờ cũng hân hoan, sảng khoái và phải chăng Từ Hải chính là
mộng tưởng lớn nhất trong đời Nguyễn Du.
e. Nhà thơ Xuân Diệu nói về giọng điệu anh hùng ca của Truyện
Kiều đã viết:
“Khúc nhạc Từ Hải bước vào Truyện Kiều, bước vào đời Kiều có
tiết tấu như trên sân khấu; cái cảm giác vuông vức không những ở nghĩa chữ mà
còn ở các đoạn tiểu đối ở trong câu thơ; nhà thi sĩ phối hợp nghĩa chữ với nhịp
văn (tiểu đối), với âm thanh mà tạo nên cái không khí Từ Hải”.
Ông cho rằng Từ Hải là giấc mơ tung phá, hào hứng của Nguyễn
Du và đoạn Từ Hải xuất hiện là đoạn văn sảng khoái nhất của Nguyễn Du trong
Truyện Kiều. Theo ông, đoạn sảng khoái thứ hai là nói Từ Hải khởi binh từ Thừa
cơ trúc chẻ ngói tan… đến Năm năm hùng cứ một phương hải tần. Đoạn sảng
khoái thứ ba là khi Từ Hải biết tin Hồ Tôn Hiến sai quan đem ngọc vàng, gấm vóc
đến dỗ bảo về hàng, bèn tự khẳng định lại cái chí của mình từ câu Một tay
gây dựng cơ đồ… đến Dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Và ông viết tiếp:
“Tuy nhiên, ở đây đã phát sinh mâu thuẫn, và ở đây đã mang những
rạn nứt. Đó là lời Từ Hải hay là lời của Nguyễn Du? Từ Hải sắp sửa đi vào lầm lạc,
dại dột rồi, thì tuy miệng Từ Hải nói, mà là lời của Nguyễn Du, sau khi Từ Hải
hàng và chết rồi, vẫn còn là ý chí hoài bão bình sinh của Nguyễn Du. Nếu đoạn
này đứng ra độc lập một mình, thì sảng khoái đến vô hạn. Đau thay, nó là ánh đỏ
bật rực lên trước khi nguồn ánh sáng bị chìm!”
5. Mỉa mai - hóm hỉnh - trào lộng
Như ta đã biết trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều
mượn tiếng than của người cung nữ bị thất sủng để mỉa mai sự bất công của chế độ
vua chúa, Hồ Xuân Hương qua những từ ngữ dí dỏm đầy hình ảnh để diễu cợt xã hội
trọng nam khinh nữ. Ta cũng sẽ thấy qua những biến cố trong Truyện Kiều và cuộc
đời của Thúy Kiều, Nguyễn Du cũng đã khéo léo lồng giọng của mình vào trong
truyện. Trong cảnh Thúy Kiều ở lầu xanh lần thứ nhất, đoạn tâm sự của nàng cũng
cho thấy điều đó, mà mấy câu cuối là:
1271. Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân.
1273. Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Với 6 chữ cho khi là động từ, khi là hư từ được
dùng liên tiếp, Nguyễn Du như muốn cùng Thúy Kiều trách móc, mỉa mai ông trời
đã đẩy con người tài sắc vào chốn bùn nhơ. Rồi khi Kiều rơi vào lầu xanh lần thứ
hai, tác giả cũng không chịu được đã phải thốt lên như muốn than vãn, trách
móc:
2161. Đầu xanh đã tội tình gì?
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
+ Giọng điệu châm biếm, mỉa mai còn thể hiện ngay từ những cảnh
biến trong gia đình Vương Ông bị sạch sành sanh vét với câu kết:
0597. Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!
0687. Trăng già độc địa làm sao?
Cầm dây chang lựa, buộc vào tự nhiên!
0689. Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!...
+ Hồ Tôn Hiến được Nguyễn Du giới thiệu rất trang trọng trong
vai tổng đốc trọng thần - kinh luân gồm tài nhưng cái tài ấy lại thể hiện ở
những hành động lật lọng và bỉ ổi về sau. Ta chỉ cần nêu một chi tiết khi Từ đã
“Khí thiêng khi đã về thần”, lúc ấy Hồ mới ra oai:
2523. Quan quân truy sát ruổi dài,
Hằm hằm sát khí ngất trời ai đang.
2525. Trong hào ngoài luỹ tan hoang,
Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.
Truy sát là đuổi theo đánh giết, Từ Hải chết rồi, chủ tướng
đã bị hại, quân Từ nay như rắn không đầu làm gì mà Hồ Tôn Hiến chẳng cho quan
quân truy sát, câu thơ nghe ghê gớm lắm, mạnh mẽ lắm nhưng ngụ ý mỉa mai khinh
bỉ một cách kín đáo. Như ông Lê Văn Hòe nhận xét: “Họ phá phách, triệt hạ tan
hoang cả hào lũy là những công trình phòng ngự của Từ Hải. Đánh vào chỗ không
người làm chi mà chả hung hăng mạnh bạo?”. Rõ ràng là một giọng điệu hóm hỉnh,
mỉa mai dành cho Hồ Tôn Hiến.
+ Giọng kể trào lộng, hóm hỉnh được Nguyễn Du sử dụng khi kể
tâm trạng và hành động của chàng Kim lúc trở lại nơi chàng đã được gặp Kiều và
diễn tiến những sự việc tiếp theo với những từ trêu ngươi, khơi trêu, mỉa
mai… trong:
0257. Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi để thói khuynh thành trêu ngươi?
0263. Gió chiều như giục cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
0269. Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai…
+ Giọng kể hài hước pha chút khinh bỉ được sử dụng khi miêu tả
cảnh Bạc Hạnh được tin không cần biết trước gì mà tổ chức ngay lễ thành hôn với
hàng loạt động từ liên tiếp nào sắm sanh, nào dọn dẹp, nào quét
sân, nào đặt trác, nào rửa bình, nào thắp nhang…
chỉ trong mấy dòng thơ:
2127. Được lời mụ mới ra đi,
Mách tin họ Bạc tức thì sắm sanh.
2129. Một nhà dọn dẹp linh đình,
Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang.
2131. Bạc sinh quỳ xuống vội vàng,
Quá lời, nguyện hết Thành hoàng Thổ công.
2133. Trước sân lòng đã giãi lòng,
Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên…
6. Giọng thâm trầm, triết lý, giàu chất suy tư cũng là một
trong những giọng kể nổi bật của Truyện Kiều.
Qua giọng kể này, Nguyễn Du thường đặt nội dung câu chuyện trong quan hệ so sánh, ngay từ đầu là sự so sánh giữa Thúy Kiều và Thúy Vân, giữa cái bình thường và cái khác thường. Người kể chuyện tả Vân đẹp thật nhưng không dùng một từ nào để nói về cái tài của nàng, Kiều thì đẹp tới mức “bất bình thường” hoa phải ghen liễu phải hờn, hơn cả tài: “Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”. Nghe Vương Quan kể về nàng kỹ nữ Đạm Tiên, Thúy Kiều xúc động sâu sắc, đã bắt đầu suy tư, nghĩ tới luật đời, nghĩ đến bản thân:
Qua giọng kể này, Nguyễn Du thường đặt nội dung câu chuyện trong quan hệ so sánh, ngay từ đầu là sự so sánh giữa Thúy Kiều và Thúy Vân, giữa cái bình thường và cái khác thường. Người kể chuyện tả Vân đẹp thật nhưng không dùng một từ nào để nói về cái tài của nàng, Kiều thì đẹp tới mức “bất bình thường” hoa phải ghen liễu phải hờn, hơn cả tài: “Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”. Nghe Vương Quan kể về nàng kỹ nữ Đạm Tiên, Thúy Kiều xúc động sâu sắc, đã bắt đầu suy tư, nghĩ tới luật đời, nghĩ đến bản thân:
0107. Rằng: - “Hồng nhan tự thuở xưa,
“Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
0109. “Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
“Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?”
Trong khi nàng Vân thì vô tâm, nông cạn:
0105. Vân rằng: - “Chị cũng nực cười,
“Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!”
Tối ấy, Kiều nghĩ đến Đạm Tiên và Kim Trọng rồi băn khoăn
không ngủ được mà sụt sùi đòi cơn… Đến khi gia đình gặp biến thì ta chỉ
nghe được tiếng kêu oan của Vân lẫn trong tiếng kêu oan của cả nhà:
0589. Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ.
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.
Còn Kiều thì suy tính và quyết định bán mình với biết bao đau
xót. Kiều tưởng bán mình và cứu cha, có ngờ đâu lại rơi vào chốn bùn nhơ,
trốn theo Sở Khanh nào ngờ mắc kế đà đao… Gặp được Thúc Sinh tưởng sẽ
sống yên phận trong cảnh lẽ mọn nào ngờ gặp phải Hoạn Thư… Tưởng đi đến
một nơi xa tận Châu Thai, ai ngờ lại vào lầu xanh lần thứ hai:
0805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
2087. Nào ngờ cũng tổ bợm già:
Bạc Bà học với Tú Bà đồng môn.
Được gặp người anh hùng Từ Hải, biết đâu chính Kiều lại là
người dẫn chàng đến cái chết oan khiên. Từ chữ ngỡ đến chữ ngờ được
Nguyễn Du sử dụng một cách khéo léo tuyệt vời trong cùng một khổ thơ có thể cho
ta một bài học sâu sắc và cũng viết được một bài bình luận biết bao thú vị:
2553. Ngỡ là phu quý, phụ vinh,
Ai ngờ một phút tan tành thịt xương.
2515. Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
Giọng điệu suy tư chiêm nghiệm giàu chất triết lý thể hiện rõ
nhất khi Kiều phải nhảy xuống sông Tiền Đường:
2639. Thương thay! Cũng một kiếp người!
Hại thay! Mang lấy sắc tài làm chi!
2641. Những là oan khổ lưu ly,
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!...
Chỉ đến đoạn đoàn viên, ta mới gặp lại được tình huống với những
chữ ngờ tràn đầy hạnh phúc:
3013. Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao…
3177. Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm…
Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có sự đóng góp mới không chỉ về
cách kể, về giọng kể mà cả lời kể nữa nên câu chuyện không còn được kể theo giọng
trung tính vốn có trong truyện Nôm. Truyện Kiều đã được kể với một giọng có hồn,
thể hiện rõ sự đánh giá nhận xét và bộc lộ cảm xúc của người kể chuyện. Giọng
kể ở đây đã thực sự trở thành một phương thức để phản ánh, đánh giá con
người và cuộc sống nên đã hấp dẫn đối với người đọc, dù là người đọc bình dân.
Trong Truyện Kiều có nhiều chủ thể kể chuyện nhưng mỗi chủ thể có một giọng kể
riêng trong trường hợp cụ thể của mình. Lời kể của Nguyễn Du không chỉ
gọn gàng, cụ thể, chính xác mà đậm đà chất trữ tình và chất dân gian. Ông đã sử
dụng thành thục câu văn vần lục bát trong lời kể chuyện dù gặp những đoạn gay cấn
hay những tình tiết khó diễn tả đến đâu. Cách kể chuyện của Nguyễn Du
rõ ràng là khá mới mẻ so với thời đại của ông. Nguyễn Du còn biết chuyển cảnh,
chuyển đoạn rất khéo bằng cách dùng hư từ và từ láy, đồng thời có một
cách giới thiệu nhân vật rất tự nhiên và khéo léo. Với một nghệ thuật
kể chuyện đầy sáng tạo, Truyện Kiều đã đem đến một loại nhân vật văn học mới,
những nhân vật có cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp, những con người vận động
trong không gian và thời gian cụ thể. Qua nghệ thuật kể chuyện của mình, Nguyễn
Du đã thể hiện rõ tư cách nhà văn với rất nhiều điểm mới, những điểm cách tân
không chỉ so với thời đại mình mà sau này cũng ít ai sánh nổi.
PHẠM ĐAN QUẾ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét