Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Đọc tạp văn “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư

Đọc tạp văn “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư
Tôi vốn chưa bao giờ dám bình luận một tác phẩm nào một cách chính thức thành bài viết hẳn hoi, trừ những bài tập làm văn khi còn đi học. Vậy mà hôm nay tôi lại muốn làm cái công việc khó khăn đó, vì tôi đã trót đọc nhiều tác phẩm của cô Tư rồi, tôi thấy mình phải có trách nhiệm, với tư cách của một người đọc cảm nhận chứ không dám với tư cách của một người phê bình.
Tôi vốn hay đọc Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ở đó có mục Trà dư tửu hậu và thỉnh thoảng cũng có đăng tạp văn. Gần đây, hầu như vài số, tức vài tuần vì báo ra hàng tuần, tôi lại được đọc một bài của cô Tư. Đến hôm nay đọc bài “Trở gió” thì tôi không thể làm thinh cảm nhận nữa mà tôi phải chia sẻ với mọi người cảm nhận của tôi về nhà văn này, vì cô đã chọc vào cái tâm tư của người xa quê là tôi như vầy: “Tôi vẫn hình dung một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ “gió chướng”, ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà”.
Nghe có “chết giấc” chưa! Chết lăn quay như con cheo nghe súng nổ. Thì tôi cũng đang xa quê đây, mà cô khơi làm chi cái kỹ niệm ủ ê đó cho tôi động lòng trắc ẩn. Cô dùng từ “chết giấc” ngụ ý điều gì? Gió máy chớ đâu phải điện mà nhạy vậy, như thể loài mắc cỡ cụp lá hay con rùa rụt cổ khi ai đó đụng vào, như thể trái sầu riêng chín muồi nghe gió đến là rơi lộp độp. Gió chướng chớ có phải là tà khí đâu mà nghe tới đã chết giấc, thì ra gió bây giờ không còn là hiện tượng thiên nhiên nữa rồi, mà đó là kỹ niệm, cũng da diết như một mối tình nồng nàn trót dỡ dang, cũng có hình có ảnh như một người yêu cũ, tha thiết lắm mà vì nghịch cảnh phải tan nát lòng dứt áo chia tay. Kỹ niệm đó ngọt ngào và êm dịu lắm. Có thế nên mới chỉ nghe gọi tên thôi mà đã chết ngay lập tức rồi. Cô làm cho cái tâm tư của người xa quê bấy lâu nay vẫn không yên mà không biết mình bệnh gì, như thể bệnh tim mà không phải, cũng không phải bị đột quỵ vì đó là chứng của người già, chúng tôi còn trẻ phây phây mà, nay biết đó là tâm bệnh, bệnh nhớ quê, nhớ đồng, nhớ nhung, nhớ mông lung của người xa xứ, ai gợi gì nhớ nấy, như nghe hơi thổi lành lạnh thì nhớ mùa gió chướng.
Ở đây tôi làm gì được đón gió chướng về vì từ sáng sớm tôi đã vào phòng làm việc có máy lạnh chạy rì rì, tối về tôi lại đóng cửa nhà im ỉm, đóng cửa cổng kín mít vì sợ trộm thì tài nào nghe được gió chướng về. Mà, ở thành phố thì có gió chướng không, hay chỉ toàn là gió bụi?
Cô lại còn hỏi “có ai bán một mùa gió cho tôi?". Trời ơi, cô ở ngay cái mũi Cà Mau mà hứng gió, sung sướng một đời, cô còn tưởng tượng ra chi cái cảnh xa xứ ngậm ngùi nỗi nhớ, rõ ràng là cô cố tình chọc khuấy nỗi niềm của chúng tôi. Mà, ngày nào Hàn Mặc Tử rao bán vầng trăng, nghĩa là Tử cho đi, nên nghe lòng cũng thảnh thơi dư dã, nay Tư đã thừa rồi sao còn đi kiếm mua một mùa gió cho mình?
Cô ơi, gió về cô xòe tay ra thấy “tay mình vẫn trắng như vầy…”, cô buồn lắm nhỉ? Thì cô đã có một quê hương đầy “những nùi rơm vướng oằn nhánh me, giồng bạc hà cháy lá, con nước rong linh đinh lém bờ sông, má đứng giê lúa, trấu bay xà quần về cuối gió, vài buồng cau quá lứa thắp lửa trên cao, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước…”, cô đã sống ở một nơi thanh bình, yên ả, bên má và người thân, mỗi tiếng chày quết bánh cũng thân quen như nhịp tim người yêu cô đập, mùi rơm rạ thơm nồng tỏa ra từ lúc cô mới lọt lòng đến bây giờ còn theo cô len vào giấc ngủ canh khuya. Gió chướng về cô xẻ trái dưa hấu đỏ, ngồi chồm hổm bên hè mà ăn, để nước chảy ròng ròng ướt cả ngón tay, ngón chân, ngồi cho gió nó mơn man tà áo mỏng, liều lĩnh hôn luôn da thịt của cô làm cô nghe lành lạnh mà giật mình như có ai nhìn trộm, vân vân, vậy là cô có quá nhiều rồi. Chứ cô có thấy tôi không, ở cách xa quê cả ngày xe chạy, ngày qua tháng lại, gió chướng đã về mà tôi vẫn không hay. Xòe hai bàn tay ra thấy sao trơ trụi thế, mà lại còn nhăn, còn khô, thêm vài nốt tàng nhang của tuổi già, một mối tình vẫn còn nặng mang chưa trọn vẹn, nên còn thua cô, ngón áp út của tôi có chiếc nhẫn nào đâu! Ngày qua ngày, sáng dậy sớm đi làm đến tối mịt lùi lủi về nhà, nhìn thời gian trôi mà đầm đìa hối tiếc, cùng tuổi mình, người ta đã … thành nhà văn!
Gió chướng về, cô “gấp rãy ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống...” cô nhìn thời gian như nhìn trái cây chín trên cành, cũng có hình hài vóc dáng, cũng đậu cũng rơi, như Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, như “trái sầu rụng rơi” của Huy Cận. Ngày rụng xuống, thế là tôi biết cô tiếc lắm rồi, như mất mát một cái gì yêu quý lắm, có giống “nghe xót xa như rụng bàn tay” trong thơ Hoàng Cầm không? Cùng tuổi với cô mà tôi đã làm được gì đâu nên nghe ngày rụng mà như nghe trái tim mình rụng xuống! Cô yêu cuộc đời này biết mấy nên mỗi mùa gió chướng về lấy mất của cô một tuổi phải không? Gió không lấy mất của cô đâu mà gió đang làm đẹp cuộc đời cô đó, vì gió đã làm cho trái tim cô thổn thức, chính là đang xây đắp tình yêu trong lòng cô, vậy thì gió cho cô thật nhiều chứ không hề lấy của cô gì cả. Gió chỉ lấy của ai một tuổi khi người đó hờ hững lúc gió về, vì người đó không biết yêu, không nao nao lòng dạ trước vẽ đẹp dịu dàng của đất trời trong cơn chuyển mình mùa vụ, không ý thức được thời gian đang vùn vụt trôi theo từng cơn gió theo mùa, dù đó là gió chướng lành lạnh, gió hè hây hẩy nóng, gió thu hiu hiu buồn, hay gió đông lạnh lùng khơi niềm nhớ.
Cô ơi, ở đó cô có cái không gian nhẹ nhàng cho cô sáng tác, gió chướng thổi cảm xúc vào tâm hồn nhạy cảm của cô, không khí trong lành nuôi lá phổi cô tươi tốt, quá khứ cho cô kỹ niệm êm đềm mà ngây ngất, trái ngọt cây lành, tôm cá sinh sôi, đất đai màu mỡ thì cô gắng mà giữ lấy, mà cảm hứng để dâng tặng cho đời thêm nhiều tác phẩm hay. Thế là cô đã có chỗ đứng trong cuộc đời này rồi, chỗ đứng giữa quê hương, đứng ngay trong lòng bạn đọc. Cô hãy vì những thứ cô đã gắng sức tạo ra và đã được cuộc đời vốn rất công bằng dâng tặng, mà phấn đấu hơn nữa thì cô sẽ có rất nhiều, nó không nằm trên hai bàn tay cô mà nó nằm trong lòng cô, trong trái tim cô.
Còn tôi, cô thấy tôi có chút ít của cải, chút ít vật chất nhưng tôi nông cạn lòng dạ, toan tính thiệt hơn. Có ai hiểu tôi như hiểu cô đâu? Chỉ một mùa gió chướng thổi về, lòng dạ của cô đã mát rượi và đầy ắp nào là kỹ niệm, nào là tâm tư. Chỉ một chút gió của cô cô đã làm se sắt lòng tôi rồi, thế thì cô hay lắm chứ!.
Sài Gòn, tháng 10 năm 2005
Lê Phú Cường
Theo http://www.viet-studies.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...