Ngày xưa, và cả những ngày chưa xưa
lắm, nếu ai sinh ra từ nơi thôn dã chắc hẳn đã được đắm mình trong không gian của
cỏ nội hương đồng cùng những khúc đồng dao ngây ngô một thời thơ ấu. Ở đó dưới
bóng râm đầu ngõ, có người mẹ nắm lấy hai bàn tay con trẻ, vừa kéo như xay lúa
vừa hát: “Cút kít dùng dằng, mẹ Rằng đi chợ, mẹ Rớ ở nhà, đúc bánh chà
là, để cha thằng Cậu, thả trâu ăn lúa, thả ngựa ăn khoai, ông Chúa bắt được, chặt
đầu chặt đuôi, để hai con mắt, mà nuôi mẹ già”. Đứa trẻ chập chững bước đi
trong tay mẹ, và chắc là chưa biết sợ ông Chúa chặt đầu chặt đuôi nên vẫn cười
nắc nẻ hồn nhiên như một chú cún con. Ở đó có người cha ngồi trên bộ ngựa, cho
đứa con lên ba đứng trên hai bàn chân rồi nhấc lên nhấc xuống theo nhịp
hát: “Cất rớ cất rớ, được mớ cá căn, đem vô kho ăn, chạy ra cất rớ”. Đó
là những bài tập đầu tiên về kỹ năng đi đứng. Còn bà nội thì dạy cháu bài vỡ
lòng về phép giao tiếp: “Vỗ tay vỗ tay, bà cho ăn bánh, mà không vỗ tay,
bà vác đòn gánh, bà đánh lên đầu”.
Cứ thế, đứa trẻ lớn lên cùng những
bản đồng dao suốt thời thơ dại. Lon ton ra cổng làng, trẻ chơi ú tim cùng lũ
nhóc trong xóm, tiếng hát, tiếng hú gọi nhau rập ràng náo động cả buổi trưa hè:
“Chặt cây dừa, chừa cây mận, cây lần cận, cây bí đao, cây nào cao, cây nào thấp,
rập rành chạy ra tay này…”. Lớn thêm chút nữa, trẻ cưỡi trên lưng con bò đực
cỗ, dong ra bãi làng chơi với đám mục đồng. Có thể nói những bãi, những trảng,
những gò chăn thả ấy chính là những chiếc nôi của đồng dao và những trò chơi
dân gian. Mặc cho lũ bò đang tha thẩn gặm cỏ non hay chọi nhau túi bụi, bọn
trẻ vẫn túm tụm, say sưa cùng những trò chơi. Chơi đánh trỗng thì hát: “Cây má ngoài, cây má trong, cây sang cổ, cây nổ lưng, cây sưng nách, cây xách
háng, cây táng ra, chặt đầu gà, cho chưa?”. Chơi hùm heo thì giống như một
trích đoạn sân khấu: “Bớ bà chủ nhà! Ai kêu ngoài ngõ? Cho xin tí lửa! Lửa
tắt! Cho xin tí giấm! Giấm chua! Cho xin càng cua! Cua kẹp! Cho xin tấm nẹp! Nẹp
gãy! Cho xin chiếc đẫy! Đẫy rách! Cho xin cái xách! Xách lủng! Nhà bà nuôi heo
chi? Heo lang. Lang chi? Lang hùm. Hùm chi? Hùm thịt. Thịt chi? Thịt heo”.
Thế là hùm xông vào chuồng rượt bắt heo. Chơi chán rồi rủ nhau đi lật đất cày tìm tổ chim chiền chiện. Lại nghe tiếng chim lảnh lót hót tít trên trời cao: “Chíp chíp chíp, chiền chiền chiện,trời đất nẻ, đẻ trên trời, trời không cho, đẻ dưới đất, mất con so, đẻ ruộng cày, ăn mày lượm”. Bọn trẻ bảo nhau: “Lũ chiền chiện chửi chúng mình là ăn mày đó bay!”. Lại thôi, không đi phá tổ chim nữa. Chiều xuống rồi, mau mau gọi nghé về! Khúc đồng dao gọi nghé văng vẳng trên cánh đồng chiều sao mà thắm thiết, sao mà yêu thương đến thế: “Ơi con bê nhỏ, lạc bầy theo chó, lạc ngõ theo trâu, nghe mẹ rống đâu, đâm đầu mà chạy. Bê… ê à… là con nghé bê bê… ê a…”. Và chú bê con ham chơi đâu đó vội đáp lời bằng một giọng rất… con cưng: “Bê… ê ạ…”.
Thế là hùm xông vào chuồng rượt bắt heo. Chơi chán rồi rủ nhau đi lật đất cày tìm tổ chim chiền chiện. Lại nghe tiếng chim lảnh lót hót tít trên trời cao: “Chíp chíp chíp, chiền chiền chiện,trời đất nẻ, đẻ trên trời, trời không cho, đẻ dưới đất, mất con so, đẻ ruộng cày, ăn mày lượm”. Bọn trẻ bảo nhau: “Lũ chiền chiện chửi chúng mình là ăn mày đó bay!”. Lại thôi, không đi phá tổ chim nữa. Chiều xuống rồi, mau mau gọi nghé về! Khúc đồng dao gọi nghé văng vẳng trên cánh đồng chiều sao mà thắm thiết, sao mà yêu thương đến thế: “Ơi con bê nhỏ, lạc bầy theo chó, lạc ngõ theo trâu, nghe mẹ rống đâu, đâm đầu mà chạy. Bê… ê à… là con nghé bê bê… ê a…”. Và chú bê con ham chơi đâu đó vội đáp lời bằng một giọng rất… con cưng: “Bê… ê ạ…”.
Vậy đó, đồng dao song hành cùng trẻ
thơ trong vai trò là những người bạn nhỏ dễ mến để vui chơi nhưng đồng thời
cũng là người thầy gần gũi đầy kinh nghiệm. Lời đồng dao là những bài học thường
thức về ngôn ngữ, về thế giới xung quanh, nhiều khi là những bài ngụ ngôn dạy
trẻ biết yêu ghét, biết khen chê, biết ứng xử trong cuộc sống. “Bà còng
đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng, đưa bà đến quãng đường cong,
đưa bà về tận ngõ trong nhà bà, tiền bà trong túi rơi ra, tép tôm nhặt được trả
bà mua rau”, có bài giảng đạo đức nào nhẹ nhàng mà gợi cảm hơn thế? Bên cạnh
đó, thanh điệu và tiết tấu trong đồng dao là những bài vỡ lòng về thực hành âm
nhạc, những động tác trong trò chơi kết hợp có tác dụng rèn luyện các kỹ năng vận
động cho trẻ. Chẳng hạn trong trò chơi “đánh chuyền” mà cách đây không
lâu vẫn còn thấy các bé gái thường chơi trên sân trường, người lớn cũng phải
thán phục khi nhìn cách các em tung hứng hòn chuyền, vừa nhón tay nhặt thẻ vừa
hát vè nhịp nhàng thật là điệu nghệ: “Canh một/ Hột đào/ Con ngao/ Con hến/
Con nhền nhện/ Bắt sâu/ Trái mảng cầu/ Trái mận/ Trái lận đận/ Lên canh hai/
Hai bông lài/ Hai bông cúc/ Dùi đục/ Nhúm trấu/ Cháu lên ba/ Ba la cà/ Ba bà
già/ Trói cột/ Một lên tư/ Tư củ từ/ Tư củ tỏi/ Hỏi năm/ Năm em nằm/ Năm lên
sáu/…”. Và như thế, đồng dao như một mạch nguồn trong vắt âm thầm chảy vào hồn
trẻ để góp phần làm nên nền tảng vững bền cho nhân cách sau này.
Thế nhưng cùng với số phận của các
thể loại dân ca khác như hát nhân ngãi, hát sắc bùa, hò, lý..., ngày nay đồng
dao gần như đang trên đà... “tuyệt tự” vì không có bài bản mới nào tiếp tục được
khai sinh, còn những bài bản cũ thì không tìm được không gian diễn xướng tự
nhiên như ngày xưa, có chăng chỉ là không gian mô phỏng trên truyền hình hay
sân khấu. Bởi vì đặc điểm của đồng dao là âm điệu, tiết tấu và ca từ rất đơn
giản còn trò chơi thì luôn mang tính tập thể, thường cần đến những không gian rộng.
Cách hát, cách chơi đó không còn phù hợp và hấp dẫn đối với trẻ em ngày nay
nữa, ngay cả ở khu vực nông thôn. Đến thời đại này, các em thích những giai điệu
sôi động, những trò chơi phức tạp hơn. Ngoài việc phải bận bịu tối ngày với các
lớp học thêm, các em còn có các chương trình ca nhạc tạp kỹ, các gameshow trên
truyền hình hoặc những trò chơi điện tử ngoài tiệm internet. Vậy vấn đề đặt ra
là làm gì để lôi cuốn các em trở lại với đồng dao? Có cách gì bảo tồn được
ít ra là “hồn cốt” của đồng dao trong tâm thức của người Việt ở những thế hệ
sau này? Thiết nghĩ rằng sẽ không quá muộn nếu chúng ta tiến hành đồng thời những
giải pháp sau đây:
1- Sưu tầm đồng dao:
Ngành văn hóa ở từng địa phương có thể tổ thức thực hiện hoạt động này trong phạm vi địa bàn hành chính của mình. Nguồn cung cấp là những thế hệ từ trung niên trở lên ở khắp các làng quê, trong đó sẽ có khá nhiều người còn lưu lại trong ký ức những bài đồng dao cổ cùng những trò chơi dân gian. Sản phẩm sưu tầm được sẽ in thành sách, phát hành rộng rãi. Hiện nay dường như chưa có một công trình nghiên cứu có hệ thống nào về thể loại này.
2- Sáng tác mô phỏng:
Vận động, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi mô phỏng đồng dao theo phong cách hiện đại hơn, thổi thêm giai điệu và tiết tấu mới vào ca khúc sao cho hấp dẫn được các em. Chúng ta không nên cố chấp, cầu toàn với yêu cầu trung thành 100% theo giai điệu và lời ca nguyên gốc. Thực chất lâu nay, hầu hết các ca khúc gọi là đồng dao mà các em hát trong các cuộc hội thi văn nghệ đều là ca khúc phỏng tác từ đồng dao, kể cả giai điệu và lời ca. Chẳng hạn những bài trong tập "Họ nhà kỳ nhông" của nhạc sĩ Phan Văn Minh như: Con nít con nôi, Đập chang chang, Chặt cây dừa, Lý lợp nhà, Chú kiến con... đều là sản phẩm "ăn theo" đồng dao chứ không còn nguyên bản.
3- Cải biên trò chơi:
Tổ chức dàn dựng và tập luyện cho thiếu nhi các trò chơi cải biên từ trò chơi của đồng dao và đưa vào trong các sinh hoạt tập thể ở trường học, nhất là đối với hoạt động của Đội TNTP, Đội Nhi đồng...
4- Dạy hát đồng dao: Chủ yếu là ở trường học. Cần tăng thêm tỷ trọng đồng dao trong chương trình giáo dục âm nhạc chính khóa ở các bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS. Hiện nay cả chương trình phổ thông chỉ mới có 2 bài đồng dao được giới thiệu trong sách giáo khoa âm nhạc.
5- Hoạt động biểu diễn:
Cần có những chương trình biểu diễn định kỳ “Hát cùng đồng dao” trên các kênh truyền hình hoặc tổ chức hội thi, hội diễn ở các địa phương nhằm khôi phục lại vị trí của thể loại này trong đời sống âm nhạc.
Có lẽ không phải là cường điệu khi bảo rằng đồng dao chính là tâm hồn, là bóng dáng, là tiếng nói thơ trẻ của cả một dân tộc. Giữ được đồng dao là bảo tồn được vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng trong tâm hồn và nuôi dưỡng tâm thức nguồn cội cho các thế hệ mai sau.
1- Sưu tầm đồng dao:
Ngành văn hóa ở từng địa phương có thể tổ thức thực hiện hoạt động này trong phạm vi địa bàn hành chính của mình. Nguồn cung cấp là những thế hệ từ trung niên trở lên ở khắp các làng quê, trong đó sẽ có khá nhiều người còn lưu lại trong ký ức những bài đồng dao cổ cùng những trò chơi dân gian. Sản phẩm sưu tầm được sẽ in thành sách, phát hành rộng rãi. Hiện nay dường như chưa có một công trình nghiên cứu có hệ thống nào về thể loại này.
2- Sáng tác mô phỏng:
Vận động, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi mô phỏng đồng dao theo phong cách hiện đại hơn, thổi thêm giai điệu và tiết tấu mới vào ca khúc sao cho hấp dẫn được các em. Chúng ta không nên cố chấp, cầu toàn với yêu cầu trung thành 100% theo giai điệu và lời ca nguyên gốc. Thực chất lâu nay, hầu hết các ca khúc gọi là đồng dao mà các em hát trong các cuộc hội thi văn nghệ đều là ca khúc phỏng tác từ đồng dao, kể cả giai điệu và lời ca. Chẳng hạn những bài trong tập "Họ nhà kỳ nhông" của nhạc sĩ Phan Văn Minh như: Con nít con nôi, Đập chang chang, Chặt cây dừa, Lý lợp nhà, Chú kiến con... đều là sản phẩm "ăn theo" đồng dao chứ không còn nguyên bản.
3- Cải biên trò chơi:
Tổ chức dàn dựng và tập luyện cho thiếu nhi các trò chơi cải biên từ trò chơi của đồng dao và đưa vào trong các sinh hoạt tập thể ở trường học, nhất là đối với hoạt động của Đội TNTP, Đội Nhi đồng...
4- Dạy hát đồng dao: Chủ yếu là ở trường học. Cần tăng thêm tỷ trọng đồng dao trong chương trình giáo dục âm nhạc chính khóa ở các bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS. Hiện nay cả chương trình phổ thông chỉ mới có 2 bài đồng dao được giới thiệu trong sách giáo khoa âm nhạc.
5- Hoạt động biểu diễn:
Cần có những chương trình biểu diễn định kỳ “Hát cùng đồng dao” trên các kênh truyền hình hoặc tổ chức hội thi, hội diễn ở các địa phương nhằm khôi phục lại vị trí của thể loại này trong đời sống âm nhạc.
Có lẽ không phải là cường điệu khi bảo rằng đồng dao chính là tâm hồn, là bóng dáng, là tiếng nói thơ trẻ của cả một dân tộc. Giữ được đồng dao là bảo tồn được vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng trong tâm hồn và nuôi dưỡng tâm thức nguồn cội cho các thế hệ mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét