Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Nghêu ngao thơ và rượu

Nghêu ngao thơ và rượu
“… Trăm năm thơ túi rượu vò
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai…”

(Thơ rượu - Tản Đà)
Trong các loại hình Văn học - Nghệ thuật, hình như chỉ có Thơ là bầu bạn vong niên cùng Rượu. Từ Tàu sang đến xứ ta, và kể cả bên Tây, ở đâu có thơ là có rượu. Dường như rượu có tác dụng làm phát lộ và nóng chảy những “vỉa quặng” ngôn từ của nhà thơ rồi được tài năng và sự trải nghiệm tinh luyện thành những vần thơ lấp lánh.
Thi nhân và mỹ tửu
Trên thi đàn xưa nay, những bài thơ có… mùi rượu thường bộc lộ rõ nhất khí chất cùng nhân sinh quan của nhà thơ. Có người kiêu ngông, khinh bạc; người thì yếm thế, não tình… Xin mạo muội điểm qua vài ba tên tuổi cổ kim.
Lý Bạch (701 - 762): Hiệu là Thanh Liên cư sĩ, là một trong những đại thi hào thời nhà Đường. Người đời tôn ông là Thi tiên hoặc Lý trích tiên (tiên bị đày). Ông không những lỗi lạc về thơ mà cả rượu. Khi rượu vào, ông dám chê cả thánh hiền và chỉ tôn sùng có rượu
... Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh…        
(Tương tiến tửu - Lý Bạch)
Dịch nghĩa:              
Thánh hiền xưa nay thảy đều lặng lẽ
Chỉ có kẻ uống (rượu) là được lưu danh…
Lý Bạch đã dành gần trọn cuộc đời mình để ngao du sơn thủy, đi tìm rượu ngon và làm thơ. Rất nhiều bài thơ được ông sáng tác ngay trong lúc đang say ngất ngưỡng cùng bạn bè hoặc uống một mình như Tương tiến tửu, Nguyệt hạ độc chước… Có thể nói hầu hết những bài thơ hay nhất của ông đều được sáng tác trong trạng thái tâm hồn đang thăng hoa cùng với rượu và đều được người đương thời ngưỡng mộ rồi dệt nên những giai thoại. Tương truyền rằng một lần nghe đồn ở Hồ Nam có loại rượu rất thơm ngon, ông vượt đường xa tìm đến, vừa uống vừa ngâm thơ. Chợt có viên quan tư mã Hồ Châu là Ca Diệp đi ngang cho lính vào hỏi, Lý Bạch đã ứng khẩu đọc luôn một bài thơ để trả lời:
Thanh Liên cư sĩ Trích tiên nhân
Tửu tứ tàng danh tam thập xuân
Hồ Châu Tư mã hà tu vấn
Kim thích Như lai thị hậu thân.
(Đáp Hồ Châu Ca Diệp Tư mã vấn Bạch thị hà nhân - Lý Bạch)
Dịch nghĩa:               
Thanh Liên ta vốn tiên trời đày xuống
Ẩn danh trong quán rượu đã ba chục năm
Tư mã Hồ Châu sao lại hỏi
Thân này vốn thực Như Lai tái sinh.
Cả đời làm bạn cùng rượu nhưng rượu đã không làm hại đến thanh danh của nhà thơ. Trái lại, ngay cái chết của ông cũng đã được dân gian thi vị hóa thành một giai thoại… rượu rất nên thơ: Trong một đêm rằm Lý Bạch du thuyền trên sông Thái Trạch, nhân  lúc đang say  thấy trăng lung linh trôi dập dờn dưới đáy nước, ông liền nhảy xuống bơi theo định bắt trăng nên bị chết đuối. Nơi đó đời sau xây một cái đài gọi là Tróc nguyệt đài (đài đuổi trăng)
Lý Bạch qua đời đã gần 14 thế kỷ nhưng cả tài thơ, tài rượu của ông vẫn luôn luôn là đề tài chưa bao giờ cạn trong văn giới. Trong bài Độc Lý Bạch tập, Trịnh Cốc đã ca ngợi ông như là hai đẩu tinh hợp lại:
Hà sự văn tinh dữ cửu tinh
Nhất thời chung tại Lý tiên sinh…
Tạm dịch:
Cớ chi ngôi sao văn và ngôi sao rượu
Đồng thời cùng tỏa sáng ở Lý tiên sinh…
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858): Là một nhà thơ mà nhân sinh quan và nhân cách trước sau như một, đồng thời lại được thể hiện một cách minh bạch, đầy đủ trong tác phẩm của mình. Rượu đối với ông không phải là một phương tiện để giải sầu mà là một trong bốn thứ phong lưu, tài tình của kẻ sĩ. Tuy nhiên, từ buổi còn là một chàng sinh đồ nghèo kiết xác với những Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi/ Cuộc uống rượu be sành chắp cổ…(Hàn nho phong vị phú), có lẽ rượu chỉ mới là một thứ quà tặng hiếm hoi cho kẻ hàn nho bừng bừng chí lớn.
Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phước vào nhà
(Câu đối tết)
Cho đến khi công thành danh toại, Đường mây rộng thênh thênh cử bộ/ Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo…(Chí làm trai) thì rượu mới thực sự một trong những thú an lạc đồng thời cùng thơ phú:
... Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà…
(Cầm kỳ thi tửu)
Và say cũng là một thái độ khinh bạc đối với lợi danh, những điều thị phi và thế thái nhân tình:
… Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
(Thú tiêu dao)
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909): Cụ Tam nguyên Yên Đỗ vốn không phải là một nhà thơ “hay rượu” như ông đã từng tự nhận: Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy/ Độ dăm ba chén đã say nhè. (Thu ẩm). Tuy vậy trong thơ ông vẫn đôi khi có… mùi rượu, thậm chí giọng thơ còn gợi nên “tửu cảm” nhừa nhựa, túy lúy càn khôn, của một tửu đồ đã “oắc cần câu” như trong bài Chừa rượu:    
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tính lại… hay ưa
Hay ưa nên nổi không chừa được
Chừa được thì ông… cũng chẳng chừa.
Tản Đà (1889 - 1939): Nếu xét riêng về 4 mục Đi - Viết - Uống và… Ngông, thì nhà thơ núi Tản sông Đà có gì đó hao hao giống Lý Bạch. Sống giữa hai thế kỉ, đường công danh lận đận mịt mù, ông đã lội khắp Bắc Trung Nam với những cuộc bù khú Rượu - Thơ vô hồi kỳ trận. Với ông, “Thi trung hữu tửu” hay “Trung tửu hữu thi” đều như nhau, đều là cứu cánh tồn tại của một Tản Đà tiên sinh người “Địa cầu, châu Á”.
Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa...
Còn thơ còn rượu còn xuân mãi
Còn mãi xuân, còn rượu với thơ.
(Ngày xuân Thơ Rượu - Tản Đà)
Nếu phong cách Thơ của Tản Đà được tôn vinh là cầu nối giữa hai dòng thơ cổ điển và thơ mới thì cốt cách Rượu của ông lại khiến bạn bè cùng thời như Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư, Phan Khôi đều... nhăn mặt khó chịu. Ông rất rườm rà, cầu kỳ trong cuộc rượu, và khi say thì quên hết mọi sự trên đời:
Khi vui quên cả cái già, 
Khi say chẳng dốc giang hà cũng say…
(Say - Tản Đà)
Điều này ông cũng tự nhận ra, nhưng cái nết rượu nó thế, biết làm sao được!
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.
(Lại say - Tản Đà)
Nguyễn Bính (1918 - 1966):
… Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say.
(Một trời quan tái - Nguyễn Bính)
Cái say của tác giả “Chân quê” hình như cũng thuộc vào thời kỳ… say mới, giống như thơ của ông. Đối tượng được độc tôn lúc ngà ngà hơi men ở giai đoạn này thường là “tình”, là “em”, là “người đẹp” nơi phương trời xa thẳm. Và bởi Rượu với Tình cũng là tri kỉ nên tình càng nhớ, rượu càng thêm say:
Cho tôi ly nữa, thêm ly nữa!
Uống thật say rồi nhớ cố nhân...
Dẫu  hết ngàn vàng tôi lại có
Cho tôi ly nữa để tôi ca…
(Cho tôi ly nữa - Nguyễn Bính)
- Rimbaud - Verlaine (R & V): Cả hai đều là nhà thơ Pháp sống vào nửa cuối TK 19, được coi là những người khai sáng cho trường phái thơ tượng trung, được các thế hệ “Beat” đời sau tôn làm tiền bối như Henry Miller, Jack Kerouac…, kể cả các nhạc sĩ dòng nhạc punk rock như Bob Dylan, Jim Morrison…
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen
Xuân Diệu
Thực ra, tình bạn giữa R & V vừa có tính chất tri kỷ vừa có yếu tố luyến ái đồng tính. Họ nể tài nhau, thường bù khú cùng nhau trong quán rượu và yêu nhau như một đôi tình nhân thực sự, cũng nhớ nhung hờn giận, cũng “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Một lần vì cãi nhau, và cũng vì quá chén, Verlaine đã rút súng bắn thủng cổ tay của “người yêu”, đành phải vào ngồi khám suốt hai năm.
Hóa ra, cũng là thơ và rượu, nhưng ở Tây có khác!.
Tửu đồ và thơ… chế
Người Việt ta vốn có óc khôi hài, ở môi trường nào cũng tìm cách chọc cười thiên hạ, bởi cười là một cách để mọi người dễ hòa đồng, khỏi sinh ra cãi vã, gây gổ với nhau. Từ đó, cùng với những câu chuyện tiếu lâm, những bản  nhạc chế, nhiều câu thơ… chế đã xuất hiện bên bàn rượu. Thơ chế thường chỉ chiết xuất vài ba câu từ những áng văn thơ quen thuộc, phổ biến nhất rồi chế lại theo cách gây bất ngờ nhất. Khi cuộc rượu đã tràn tràn, các nhà thơ… chế chẳng nể vì trước tác của một ai.

- Chế ca dao:  
+ Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục vẫn là… cái ao.
+ Má ơi đừng gả con xa
Gả con qua Úc, Canada được rồi!
+ Thương em mấy núi cũng trèo
Thấy em mang bụng mấy đèo anh cũng... dông.
+ Xa quê con nhớ mẹ hiền
Con về gặp mẹ… xin tiền lại đi.
- Cả gan chế kinh sách của thánh hiền:
Nhân chi sơ tánh…ổn áp
Ấu bất học bất… chi li
Tri chi vi tri chi, bất tri… làm mấy ly…
- Đại thi hào Nguyễn Du cũng cười ruồi:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tiền chữ nhậu khéo là thích nhau
Trải qua một cuộc… ngồi lâu
Hóa đơn trông thấy mà đau đớn lòng.
- Bà Huyện Thanh Quan chắc cũng mở lòng tha thứ:
Bước tới nhà em bóng xế tà
Đứng chờ năm phút bố em ra
Nhe răng trước ngõ vài con chó
Xáo xác bìa sân tiếng chổi chà.
- Cụ Tam nguyên Yên Đỗ có lẽ cũng không cãi được:
Rượu ngon mà có bạn hiền
Thì tiền trong túi… tiền liền đi ra.
- “Chào nguyên xuân” của Bùi Giáng cũng không tha:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, công an phường phía sau.
- Thơ của thi hữu cùng thời lại càng dễ bị chế:
Khi yêu chẳng có lời thề
Yêu rồi mới sợ… có hề chi không?.

Phan Văn Minh
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...