Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Nắng mùa


Nắng mùa
CD Nắng Mùa, Lời Thơ Phạm Ngọc, Dòng Nhạc Phạm Anh Dũng, Tiếng Hát Mỹ Khanh.

CD Nắng Mùa, Lời Thơ Phạm Ngọc, Dòng Nhạc Phạm Anh Dũng

Nắng Mùa là tựa đề một CD do nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc từ những bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc. CD này gồm tất cả 10 bản nhạc như Hôm Nay tình Cờ, Hình Như, Về Với Tàn Phai, Thu Đến Bao Giờ, Em Mùa Thu Của Tôi, và 5 bài về mùa Hạ: Gọi Nắng, Một Thời Tà Huy, Nắng Ngày Xưa, Trẩy Nhánh Sương Mù và bản nhạc chủ đề Nắng Mùa.
Nắng Mùa, bài hát chủ đề của CD, thấp thoáng ẩn hiện hình bóng một người con gái với mái tóc mây trong một buổi chiều cuối Hạ:
Sợi tóc mây em còn vương trên mắt
Chút nắng mùa cho má đỏ hây hây
Nắng Mùa, nghe khá lạ tai vì ít khi nào ta được nghe nói về “nắng mùa”. Nói đến nắng, ta thường liên tưởng đến sự ấm áp, đến sự vui tươi, hay có khi cả đến niềm hạnh phúc nữa. Còn gì hạnh phúc cho bằng anh ngồi quạt cho em ngủ giữa một buổi chiều nhạt nắng, một giấc ngủ với mộng bình thường, khi vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu trong Ngậm Ngùi của Huy Cận. Nắng đã là nguồn cảm hứng cho khá nhiều nhạc sĩ như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên trong Nắng Chiều: nhớ em… dịu dàng… nắng chiều ngừng trôi…, nhạc sĩ Từ Công Phụng thì lại ước mơ được là nắng: còn chiều nay nữa anh ước ao… anh khát khao được làm muôn ngàn nắng… đi xóa tan một trời mây trầm lắng… cho dáng em không hao mòn năm tháng… Hãy nghe nhà thơ Phạm Ngọc cho biết về ánh nắng trong “Nắng Mùa”:
Nắng còn hanh sao heo may lồng lộng
Hạ quanh đây lòng đã chớm Thu về
Khung cảnh mùa Hè vẫn còn đây. Mùa Hạ thường tượng trưng cho sự ấm cúng, cho sự trưởng thành viên mãn, như một thứ trái cây vừa chín tới, không xanh chát để có thể mang vị đắng môi, nhưng cũng không chín quá để làm biến dạng đi hương vị của trái. Khi anh chỉ là một cánh chim phiêu bạt bay giữa nắng mùa, không biết nơi nào để dừng chân, nắng thường khiến ta liên tưởng niềm vui, đến hạnh phúc, nhưng vì lòng anh chẳng vui nên tưởng chừng như mùa Hạ đã chấm dứt để bắt đầu một mùa Thu, mùa tiếp nối mùa Hạ, gợi nhắc ta đến một giai đoạn trưởng thành đã qua để buớc vào một thời kỳ hậu sau đó của một kiếp người.
Ta loài chim di trú bay giữa nắng mùa hôn mê xứ lạ
Như con nước xa nguồn biết chảy về đâu? biết về nơi đâu?
Khi chuyển qua phần điệp khúc, cách ngắt câu đã thay đổi hẳn để tạo nên nét tương phản với đoạn trên về phương diện tiết tấu: ta… loài chim di trú… bay giữa nắng mùa… hồn mê xứ lạ… như con nước xa nguồn… Biết chảy về đâu… biết về nơi đâu… Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã dùng đảo phách: “hôn… MÊ… xứ lạ, biết VỀ nơi đâu…” tạo nên một nét chấm phá về tiết điệu, như thể mặt nước hồ Thu êm đềm bỗng dưng có một cơn gió nhẹ thoảng qua làm lay động mặt hồ Thu, làm ta nhớ đến nhạc sĩ Văn Cao với lối dùng đảo phách tài tình: “Thiên thai… chúng em xin dâng HAI… CHÀNG… TRÁI… đào tiên…”

Anh như chàng lãng tử phiêu bạt không biết nơi nào là chốn dừng chân, giữa một mùa nắng cuối Hạ, chỉ xin được gởi đến em một chút nắng vàng để hy vọng làm ấm áp những ngày tháng sau này trong cuộc đời em:
Gởi đến em chút lửa vàng cuối Hạ
Hiu hắt bên đời đồng vọng hồi chuông

Bài thơ gồm những câu 8 chữ, được Mỹ Khanh diễn tả với giọng Ré Trưởng. Bài hát có tốc độ tương đối chậm (Andante). Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã dùng những móc đơn liên tiếp nhau để tạo nên tính chất êm dịu trữ tình cho bài hát, Mỹ Khanh khi diễn tả bản nhạc này đã hát khi nhặt khi lơi theo phong cách riêng của cô ta, nên có chỗ nghe như thể ở nhịp liên ba, tạo nên những giai điệu mượt mà tuôn chảy theo lời thơ một cách tự nhiên.
Bản nhạc Thu Đến Bao Giờ viết về mùa Thu và một mối tình vô vọng nên tình buồn, nên người ngẩn ngơ. Mùa Thu thường được biết đến như là mùa của đến chia ly: Biệt ly nhớ nhung từ đây … chiếc lá rơi theo heo may… người về có hay?… Biệt Ly của Dzoãn Mẫn đã làm thổn thức biết bao nhiêu con tim? Mùa Thu của nhà thơ Phạm Ngọc cũng nói về chia ly nhưng rất đổi lạ, mùa Thu trong Thu Đến Bao Giờ không có lá vàng rơi để ta ngồi đếm những chiếc lá cuối cùng: lá trên cành… từng chiếc cuối… bay xa… trong Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh, cũng không có vầng trăng để ta mơ về người năm xưa: hoa lá cành… ánh trăng lan dịu dàng… ru hồn bao nhớ nhung… trong Đêm Thu của Đặng Thế Phong. Mùa Thu trong Thu Đến Bao Giờ, gợi ta nhớ đến mùa Thu của Từ Công Phụng: mùa Thu mây thấp… cúi xuống hôn làn tóc… vướng víu trên tầm tay… đưa em về lối này… làm sao anh biết… trời mùa Thu cứ rơi rơi hoài… giọt nước mắt muôn đời… làm rét mướt hồn anh … Thu Đến Bao Giờ với thành phố Paris, với giòng sông Seine, và con đường hun hút vang vọng bài hát làm nỗi nhớ nhung thêm chất ngất:
Đây khúc hát mùa Thu
Vang trong lòng phố
Rớt sâu vào nỗi nhớ
Từng giọt mưa quen
Em về bến sông Seine
Anh qua lối cũ
Thoảng thơm mùa hoa sứ
Chiều lên chiều lên
Cả một bức tranh sống động được vẽ lên với Paris có dòng sông Seine êm đềm trôi, với âm thanh của những giọt mưa, với mùi hương hoa sứ thoang thoảng đâu đây. Chiều đang lên, chiều đang lên thật rồi… Mùa Thu Paris với những cơn mưa chiều, những giọt nước mưa đã trở thành thân quen với người lữ khách. Khi ngoài trời xôn xao gió lộng của một ngày cuối Thu, thì người lữ khách với điếu thuốc ấm bờ môi, trước khung cảnh cuối Thu, cũng cảm nhận những kỷ niệm dâng trào như những ngọn thủy triều dâng sóng:
Đường xôn xao gió
Lay động mùa xưa
Như ngọn sóng đưa
Vỡ òa ký ức
Lửa tàn khói thuốc
Ấm bờ môi khô
Hình ảnh một người con gái ẩn hiện nhạt nhòa từ một buổi chiều chia tay đã làm cho người lữ khách dường như không còn khái niệm gì về thời gian nữa:
Chút tình đã bâng quơ
Hồn đau ngọn cỏ
Chia tay nhau ngày nọ
Thu đến bao giờ
Paris của Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc, có dòng sông Seine, có sương mù giăng quanh thành phố: Paris có gì lạ không em?… mai anh về giữa bến sông Seine… anh về giữa một dòng sông trắng… là áo sương mù hay áo em… Bản nhạc Em Mùa Thu Của Tôi trong CD Nắng Mùa có không gian và thời gian là một buổi chiều ở Paris, một buổi chiều đầy gió lộng, với những cơn mưa trút xuống gợi nhớ đến những nỗi buồn xa xăm:
Vẫn là mùa Thu của mưa
Và em bên kia nỗi nhớ
Vẫn là mùa Thu của gió
Ai về đứng giữa mùa xưa
Paris buồn giữa mùa Thu
Cơn mưa ùa theo hối hả
Tiếng đàn pha cùng tiếng gió
Thở dài thành những cơn mưa
Em Mùa Thu Của Tôi cũng nói về ly biệt, thoáng chút trách hờn vì ai đó đã lỗi hẹn làm dòng sông Seine đổ trút những cơn mưa:
Em mùa Thu của tôi
Chẳng đợi chờ sao lại đến
Đành một lần lỗi hẹn
Sông Seine buồn quá xa xôi
Người con gái trong Em Mùa Thu Của Tôi đã được khẳng định rõ rệt qua từ “Em”. Mùa Thu thường gợi lòng ta một nỗi buồn man mác. Nhân vật nữ này đã là mùa Thu trong lòng người lữ khách, tại sao không là mùa Đông, mùa Xuân, hay mùa Hạ trong lòng anh? Mùa Thu gợi ta một giai đoạn trưởng thành đã qua, để bước vào một thời kỳ hậu sau đó của một kiếp người nên hàm chứa chút xót xa, chút ngậm ngùi. Một lần nữa, tiếng hát Mỹ Khanh đã chuyên chở được nỗi niềm tâm sự của nhà thơ Phạm Ngọc, qua những âm thanh trầm lắng trong bản nhạc Em Mùa Thu Của Tôi.
Bài thơ lục bát Một Thời Tà Huy, được Phạm Anh Dũng viết bằng giọng Trưởng, điệu Valse, với phần hòa âm khá vui tươi, để gợi nhớ đến một thời xa xưa, lúc mặt trời ngả nhiều về hướng Tây. Một Thời Tà Huy có ánh nắng chiều lung linh trên vạt áo nàng, trên thảm cỏ xanh, và những làn gió làm tung bay những sợi tóc mây, khiến ký ức quay về một thời nào đó rất xa vời:
Người về áo lụa hoàng hoa
Ta say giọt nắng trên tà áo bay
Hạ vàng thảm cỏ xanh cây
Ngát hương ngọn gió tóc mây phiêu bồng
Vàng tay khói thuốc đợi mong
Buông xuôi số phận long đong kiếp người
Người về cơn sóng chơi vơi
Khơi ta nỗi nhớ một thời tà huy
Với dòng thời gian trôi, mái tóc đã bạc màu, có còn lại chăng là ý thơ tiếng nhạc xin gởi lại đời... Bài này nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã viết theo chuyển qua giọng Thứ ở phần điệp khúc:
Rêu phong giấc mộng tình si
Năm cùng tháng tận còn gì cho nhau
Về đâu tóc đã phai màu
Theo ta rũ áo bên cầu thời gian
Thành phố Paris vào một chiều nắng tắt, cũng như một cuộc tình rồi cũng tàn phai… đã được nhà thơ Phạm Ngọc ghi lại trong Về Với Tàn Phai:
Em hãy về theo mưa
Hay em về theo nắng
Còn hai bàn tay trắng
Xin giữ lại tình nhau
Ta sẽ về nơi đâu
Cơn mưa chiều nặng hạt
Paris ngày nắng tắt
Chút buồn trong mắt ai
Hãy về với tàn phai
Gọi Nắng, với những lời thơ êm ái đầy nhạc tính, với điệu Boston thật êm đềm thơ mộng, làm vương vấn hồn ta:
Em như một dòng sông
Vào tôi ngàn con sóng
Trong tôi mùa gió lộng
Một lần em thoáng qua
Mai em về phố xa
Giữ dùm tôi mắt biếc
Trái tim tôi từng nhịp
Rung theo bước chân người
Em về đâu nắng ơi
Còn đây mùi hương tóc
Bàn chân em guốc mộc
Gõ hồn tôi bên này
Hôm Nay Tình Cờ là một bản nhạc điệu Valse. Cuộc đời chỉ là những chuỗi tình cờ, để anh gặp lại người con gái năm xưa, với môi cười mắt liếc cho lòng xôn xao, cho đời thêm ý nghĩa vì sự hiện diện của em trên cõi trần gian này, với những lời thơ dễ thương:
Hôm nay tình cờ
Về qua lối cũ
Vẫn người con gái
Bên giàn hoa xưa
Ơi ngọn gió đưa
Môi cười mắt biếc
Hoa hồng tim biếc
Ôi người em thơ
Hình Như gồm những lời thơ chất ngất những đam mê, nồng nàn những kỷ niệm:
Em lung linh ngọn nến
Thắp sáng cả hồn ta
Em chợt đi chợt đến
Như mây trời bao la
Ta con thuyền phiêu lãng
Trên biển đời mênh mông
Một chiều nghe em hát
Văng vẳng tiếng đợi mong
Trẩy Nhánh Sương Mù ray rứt những thương đau vì đã mất nhau thực sự:
Em đi mùa lá
Tím biếc trời Thu
Mất nhau từ đó
Trẩy nhánh sương mù
Tiếng hát Mỹ Khanh khi cao vút khi trầm buồn với những lời thơ đầy nhạc tính, được kết tụ bởi những nốt nhạc có thể làm xao xuyến lòng người trong Nắng Ngày Xưa:
Mai có xa nhau
Thương đau một lần
Anh về hoang vắng
Như cánh sầu đông
Đâu những hàng cây
Chiều hong tóc gầy
Chân người quen lối
Bâng khuâng tình này
Có khi nào nghe lại một bản nhạc khiến ta đắm chìm vào quá khứ… bản nhạc làm cho ta nhớ quay quắt đến một kỷ niệm xa xưa, những rung động như thể mới hôm qua… Có khi nào khi nghe Hương Lan hát lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào… ta nghe như tim ta chùng lại, mắt ta như ươn ướt, và cả một bầu trời thương yêu bao la hiện ra trước mắt ta? Có bao giờ nghe những dòng nhạc của Phạm Duy chiều nay gởi đến quê xưa… biết là bao… thương nhớ cho vừa… trời cao chìm rơi xuống đời… biết là bao sầu trên xứ người… mà cảm thấy hồn ta se thắt nỗi nhớ nhà? Có bao giờ trái tim ta dường như rướm máu lần nữa khi ta bất chợt nghe lại bản nhạc của Phạm Đình Chương diễn tả đúng tâm trạng của ta vào thời điểm chia tay với người tình hôm nào? đêm nay đêm cuối gặp gặp nhau… lệ buồn rưng rưng lời nói thương đau… nhịp bước… bâng khuâng ngoài phố lạnh… Âm nhạc xuất phát từ con tim nên ai cũng có thể cảm nhận được những dòng âm thanh nào đó, dù sự cảm nhận và mức độ cảm nhận của mỗi người trong chúng ta có thể khác nhau. Những giai điệu trong CD Nắng Mùa mượt mà tuôn chảy quyện theo lời thơ một cách tự nhiên êm ái. Nếu ta nhớ rằng tiếng Việt là tiếng đa thanh, nên việc tìm ý nhạc cho chuẩn theo từng âm điệu của từng chữ trong lời thơ đã là một vấn đề, mà những câu thơ ý nhạc này tạo nên cấu trúc cả bài hát được hài hòa càng là cả một công trình sáng tạo của người nhạc sĩ phổ nhạc. Một điểm khá đặc biệt là trong số 10 bản nhạc này, 9 bản nhạc đều được viết bằng giọng Trưởng, chỉ có bản nhạc Một Thời Tà Huy, tuy được viết bằng giọng Trưởng, nhưng chỗ điệp khúc cũng được chuyển qua giọng Thứ, làm ta liên tưởng đến nhạc sĩ Từ Công Phụng, đa số các bản nhạc của nhạc sĩ Từ Công Phụng đều được viết bằng giọng Trưởng. Nắng Mùa đã ru vào lòng người bằng những thanh âm nhẹ nhàng êm dịu, một phần ở cách nhạc sĩ Phạm Anh Dũng xử dụng nhịp, và ở cách ông chọn tốc độ cho bài hát, thường là tốc độ chầm chậm. Ngay cả khi ông dùng điệu Valse có tốc độ khá nhanh đi nữa, cách ông dùng các quãng thuận khiến ta cảm thấy có cảm giác thoải mái dễ chịu. Những bản nhạc Valse vui tươi này được sắp xen kẽ với những bài êm đềm. Giọng hát Mỹ Khanh trầm ấm, có chút chất khàn, và đượm một chút gì nét liêu trai, đã chuyên chở những dòng thơ Phạm Ngọc, qua những cung bậc êm như thơ của Phạm Anh Dũng, đi vào tận từng mạch máu của người nghe, khiến tuyến yên ở não điều tiết ra chất endorphin, một loại chất đạm trong não có tác dụng làm giảm đau, và kiểm soát những phản ứng tâm lý của ta, làm ta cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng….
Mỗi nhạc sĩ có phong cách sáng tác riêng, và mỗi một dòng nhạc có một số thính giả trung thành khác nhau, vì trình độ thẩm âm của mỗi người trong chúng ta khác nhau. Phải nghe CD Nắng Mùa nhiều lần mới có thể cảm nhận trọn vẹn nét sâu lắng cô đọng của những lời thơ, và mới biết trân quý hơn những giai điệu du dương tuôn chảy một cách tự nhiên của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, khiến những âm thanh của Nắng Mùa đã ngưng rồi, sao lòng như vẫn còn xuyến xao một nỗi buồn….

Quách Nam Dung
Theo http://www.trinhnu.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...