Hoa nắng lung linh
Thủy Tiên được nghỉ hè sớm vì không phải thi lại môn nào,
nàng trở về nhà bằng chuyến tàu tốc hành, cha mẹ và em gái nàng vui mừng không
tả xiết. Sau một đêm ngủ ngon vì đi đường xa mệt, tám giờ sáng hôm sau nàng mới
mở bừng mắt khi những tia nắng mai rực rỡ chiếu vào cửa sổ. Súc miệng rửa mặt
qua loa, nàng chạy vội ra góc vườn nằm cạnh con đường cái, nơi mà hai chị em
nàng gọi là “góc địa đàng” rồi buông mình xuống chiếc võng được máng vào hai
nhánh cây ổi rắn chắn để lim dim khoan khoái ngắm nhìn đám lá cây rậm rạp lay động
trong gió và những chùm hoa nắng lung linh trên áo, trên tóc, trên má, đôi khi
rơi vào mắt nàng. Những chùm hoa nắng trải thảm đầy khu vườn tạo khung cảnh mơ
màng thần tiên đến nao lòng mỗi khi nhớ về.
Khu vườn nhà nàng rất rộng, trồng đủ các loại cây ăn trái của
xứ Huế, nào mít, xoài, ổi cam, chanh, bưởi, thanh trà, nhãn, khế…. Không những
thế, ông Văn - cha nàng - còn trồng những loại cây của nơi khác như vải thiều,
hồng, măng cụt… mà vẫn có trái, dù không sai quả. Oâng Văn vốn là giáo sư môn
sinh học nên rất am hiểu vấn đề trồng trọt. Dòng họ ông thuộc một trong những
danh gia vọng tộc ở Huế, ông thừa kế một gia tài không phải nhỏ, ngôi nhà gia
đình đang ở được thiết kế theo kiểu biệt thự Pháp, đẹp và trang nhã, nằm giữa
khu vườn.
Vợ chồng ông chỉ có hai mụn con gái, Thủy Tiên và Tuyết Ngọc,
hai ông bà xem như hai viên ngọc quý, hết sức cưng chiều nâng niu bởi cả hai đều
học giỏi, ngoan ngoãn và hơn thế nữa rất xinh tươi. Oâng Văn vốn thích chơi
lan, giàn lan của ông không thiếu bất cứ một loại lan quý nào và ông đã lấy tên
hai loài lan đẹp quý phái để đặt tên cho hai cô gái rượu của mình. Ngày còn bé,
hai chị em cùng mấy đứa trẻ hàng xóm thường chui hàng rào để qua lại chơi với
nhau làm cho lớp rào bằng chè tàu giữa hai nhà bị hư, ông Văn bèn phá chỗ hư đó
làm thành cái cổng nhỏ để lũ trẻ có thể qua lại mà không phải chui rào. Oâng
còn biến góc vườn giáp ranh đó thành nơi cho hai cô gái cưng chơi đùa, nghỉ
ngơi và kể cả học bài vào những ngày nắng nóng. Ở đó có đủ những cây ăn trái hợp
khẩu vị bọn con gái như ổi, khế, vú sữa, nhãn…, cành sai trái và vừa tầm để các
con gái ông chỉ cần víu xuống là có thể hái được; ông cho đặt hai cây đu, một
chiếc võng và một bộ bàn ghế bằng đá bóng loáng mát rượi. Thế là từ đó hai chị
em đi học về là chạy đến “góc địa đàng” giành nhau chiếc võng hoặc nhún nhảy mấy
cái ở cây đu cho thật thoả thích mới chịu vào nhà. Trưa hè lại rủ bọn trẻ nhà
bên sang chơi, đứa đu đứa đẩy rồi vin cành hái quả tranh nhau ăn. Những đêm
trăng sáng cả nhà lại quây quần quanh bàn đá để thưởng thức những chén chè hạt
sen bọc nhãn thơm ngon do bà Văn nấu vừa ngắm trăng xuyên qua lá cành chiếu ánh
sáng huyền ảo xuống khu vườn.
Khi hai chị em lớn lên thì gia đình hàng xóm đã chuyển vào
nam, vườn bên trở nên hoang vắng vì không có người chăm sóc. Hai chị em đã trở
thành hai thiếu nữ xinh đẹp ít ai bằng, ngoài ngõ không thiếu các chàng trai suốt
ngày lượn lờ rình rập. Hai nàng đều trắng như tuyết, dáng dấp thanh tú, có nhiều
nét giống nhau đôi khi làm người ngoài nhầm lẫn. Thủy Tiên kiều diễm hơn cô em
nhờ đôi mắt đen láy và đôi môi hồng như thoa son; bù lại, Tuyết Ngọc hồn nhiên,
nhí nhảnh hơn, líu lo suốt cả ngày. Thủy Tiên dịu dàng kín đáo, ngoài giờ học ở
nhà thường thích đắm mình vào thế giới nội tâm với thơ văn. Nàng biết làm thơ,
thêu thùa, vẽ vời rất khá, lại còn có giọng hát rất hay. Thế nhưng do bản tính rụt
rè e lệ, nàng không hề để lộ cho người ngoài biết, những lúc vắng người nàng
thường hát để tự thưởng thức. Oâng bà Văn hiểu rõ con gái cưng của mình, họ
mong muốn nàng có một tấm chồng xứng đáng. Nhiều đám môn đăng hộ đối đã đánh tiếng
ngay từ khi nàng còn học trung học nhưng nàng không thích cái lối mối mai cổ điển
ấy, vả lại nàng rất ham học, chưa muốn mất thì giờ vào những chuyện “người lớn”
đó.
Ông Văn thường tự mình lái ô tô đưa đón hai cô con gái đi học
mỗi ngày trừ những lúc họp hành hoặc đi công tác, cho nên các chàng trai si
tình khó có thể “tiếp cận” được với hai nàng kiều, chỉ đứng chờ ở gốc cây bên
kia đường chiêm ngưỡng người đẹp một vài phút khi hai nàng từ trên xe bước xuống
để vào trường hoặc trước khi hai nàng bước lên xe về nhà. Thủy Tiên vẫn biết
mình đẹp và được nhiều người si mê nên cũng sẳn sàng ban phát cho các chàng
trai ánh mắt lúng liếng và nụ cười duyên vu vơ để các chàng sung sướng với ý
nghĩ đó là nụ cười nàng dành tặng riêng cho mình. Và chỉ có thế không hơn không
kém, nàng không quan tâm đến những lá thư tình nóng bỏng ngây thơ của các anh học
trò cùng trang lứa cũng như những lời tỏ tình bóng bẩy lâm ly của các chàng
sinh viên, nàng chú tâm vào việc học thật giỏi để được bay cao bay xa hơn. Nói
vậy cũng oan cho nàng, thật ra nàng đã thầm để ý đến Quân, bạn của anh họ nàng
thường đến chơi nhà vào những ngày nghỉ. Quân dòng họ tôn thất, cao ráo trắng
trẻo, hiền lành vui tính, sinh viên kiến trúc, nghĩa là đầy đủ tiêu chuẩn mà Thủy Tiên cần cho người bạn đời của mình. Thế nhưng vốn nhút nhát, mỗi lần Quân
và người anh họ đến chơi, trong khi Tuyết Ngọc nhí nhảnh hồn nhiên chuyện trò
thì nàng chỉ ngồi chăm chú nghe và mũm mĩm cười khi Quân kể chuyện. Cứ thế tình
cảm dành cho Quân nẩy nở dần, Thủy Tiên đoán Quân cũng thích nàng nên mỗi lần
Quân và anh họ đến chơi (không bao giờ Quân dám đến một mình) lòng nàng như mở
hội mà nét mặt không dấu được vẻ bối rối bẻn lẻn, chưa bao giờ nàng dám chuyện
trò tay đôi với Quân .
Cho đến một buổi chiều im nắng hai chị em nàng đang chơi vũ cầu
thì Quân đến, vừa lúc đó bà Văn gọi Tuyết Ngọc vào nhà có việc, Tuyết Ngọc đưa
vợt cho Quân và bảo”Anh Quân chơi tiếp dùm em đi!”. Quân phấn khởi đón lấy vợt
thì Thủy Tiên hoảng hồn vội vàng ném vợt xuống đất chạy vào nhà, tim đập thình
thịch, để mặc Quân ngỡ ngàng đứng như trời trồng. Từ đó Quân không đến chơi nữa,
mối tình đầu của Thủy Tiên tan vỡ, lòng nàng hoang vắng như bãi tha ma, không
biết bao nhiêu đêm mất ngủ vì đau khổ, tự dày vò mình, nàng muốn băm vằm cái
tính nhút nhát và hành động ngốc nghếch của mình ra thành trăm mảnh cho hả tức.
Thủy Tiên đang miên man hồi tưởng, bỗng cảm giác có ai đang
nhìn trộm, nàng mở bừng mắt và chợt nhận ra bên kia hàng rào một khuôn mặt đẹp
của một chàng trai đang mĩm cười với nàng. Giật mình, Thủy Tiên vội vàng ngồi dậy,
ngượng ngùng kéo vội vạt áo hớ hênh để lộ một phần da thịt nõn nà. Chàng trai
hình như hơi bỡ ngỡ, khẽ chào rồi vội vàng quay bước vào nhà. Sau giây phút xao
xuyến bởi vẻ tuấn tú của người thanh niên lạ, Thủy Tiên bỗng thấy sợ, tự hỏi:
“Quái lạ, người hay ma mà lại xuất hiện giữa ban ngày trong khu vườn vốn vắng
chủ từ lâu?”. Nàng vẫn từng nghe kể chuyện về ma, nhưng thường là ma con gái,
có khi nào lại là con trai, mà ma thì thường hiện vào chiều tối, đàng này lại
ban ngày? Hoảng hốt Thủy Tiên bật dậy, vội vàng xỏ chân vào dép chạy bổ vào
nhà, gọi thất thanh:
- Ngọc ơi, Ngọc ơi!!!
- Cái chi rứa chị? Tuyết Ngọc chạy vội ra hỏi.
Thủy Tiên giọng đứt khoảng:
- Ai… bên nớ…rứa?
Tuyết Ngọc ngạc nhiên:
- Ai la ai?
- Ờ…ờ, thì bên nhà đó đó! Thủy Tiên chỉ tay qua bên kia.
Tuyết Ngọc chợt hiểu, phì cười:
- Rứa mà chị làm em hết hồn, đó là anh Phương, cháu gọi bác
Sáu bằng chú, bác Sáu nhờ đến ở để coi nhà giúp bác, chị mới gặp à?
- Ở từ khi mô, răng chị không biết?
- Từ sau Tết, khi đó thì chị đã vô Saigon rồi. Anh ta là sinh
viên y khoa năm thứ hai đó nghe! Chị thấy có đẹp trai không? Giọng Tuyết Ngọc
tinh quái trêu chọc.
Thủy Tiên đỏ mặt, lườm em một cái:
- Mi chỉ được cái tài nói bậy, tau chỉ hỏi cho biết.
- Rứa chị tưởng là ma à?
- Mi cứ ăn nói lung tung!
Thủy Tiên ngượng ngùng nạt đùa em rồi quay lưng vào nhà, nàng
muốn biết nhiều về người thanh niên mới đến nhưng chưa tiện hỏi thêm em gái
mình.
Đêm đến nghe tiếng đàn ghi ta từ nhà bên văng vẳng những nhạc
khúc Trịnh Công Sơn, Thủy Tiên biết Phương đang đàn, một cảm xúc dịu dàng lan
tỏa trong lòng, nàng không ngờ lại có người tâm hồn đồng điệu đang ở rất gần
bên nàng.
Thế rồi Thủy Tiên cũng được giáp mặt Phương khi hai chị em ngồi
chơi ở “góc địa đàng” chiều hôm sau. Thoáng thấy Phương bên vườn, Tuyết Ngọc vội
kêu:
- Anh Phương, sang đây chơi với tụi em đi!
Phương mở cổng nhỏ ở hàng rào, bước sang.
Tuyết Ngọc nhanh nhẩu giới thiệu:
- Đây là anh Phương, cháu bác Sáu, sinh viên y năm hai, còn
đây là chị Thủy Tiên của em, học dược năm nhất.
Thuỷ Tiên mĩm cười khẻ chào, Phương tỏ vẻ ngượng ngùng, dè dặt
ngồi xuống ghế đá. Thủy Tiên nghĩ thầm “có lẽ hôm qua anh chàng tưởng lầm mình
là Tuyết Ngọc”. Nhìn Tuyết Ngọc ríu rít chuyện trò với Phương, nàng thầm ao ước
được hồn nhiên vô tư như em gái. Vào học Saigon được một năm, Thủy Tiên đã dạn
dĩ hơn khi tiếp xúc với bạn trai nhưng vẫn chưa bỏ được sự e dè trước chàng
trai mới quen. Câu chuyện giữa hai người mở đầu chỉ là những thăm hỏi xã giao:
- Sao Thủy Tiên nghỉ hè sớm thế?
- Tiên (nàng không dám xưng “em”) thi xong mà không bị rớt
môn nào nên về sớm. Còn anh chưa thi à?
- Tôi đang thi, có lẽ tuần sau mới xong, hy vọng sẽ không phải
thi lại.
Dần dần Thủy Tiên thấy tự tin và gần gủi với Phương hơn. Nàng
hỏi:
- Hình như hôm qua anh chơi đàn thì phải? Anh đàn hay lắm!
- Tôi mới học gần đây thôi, đàn còn vụng lắm, Thủy Tiên quá
khen đấy thôi.
- Vì sao anh Phương vào ngành y?
Phương tâm sự:
- Ngày đó gia đình tôi ở quê nghèo lắm, mẹ tôi qua đời vì bệnh
nặng không có tiền uống thuốc, cũng chẳng biết bệnh gì vì không có phương tiện
để lên thành phố chữa trị. Từ đó tôi quyết tâm học y để khi ra trường có thể
giúp đỡ một phần nào đó cho những bệnh nhân nghèo như gia đình tôi ngày ấy.
Thủy Tiên cảm động, nàng thấy mến phục Phương, một thanh niên
có nghị lực, có tấm lòng và tự tin vào chính mình, không hề dấu thân phận như một
số thanh niên khác. Nàng thích được chuyện trò nhiều với Phương, nhưng không
khi nào hai người được yên ổn ngồi với nhau vì Tuyết Ngọc luôn xen vào phá đám
bằng những câu chuyện không đâu vào đâu.
Từ đó Phương thỉnh thoảng sang chơi, vẫn còn ngại ngùng nên
chỉ dám ngồi chơi lâu khi có cả hai chị em. Đôi khi Thủy Tiên bắt gặp ánh mắt
Phương nhìn trộm, tim nàng lại rộn ràng xao xuyến.
Cuối tuần Phương thi xong, sang chơi, Tuyết Ngọc rủ:
- Ngày mai mấy anh em mình đi Thuận An tắm biển đi! Em sẽ rủ
thêm mấy đứa bạn, còn anh dẫn thêm mấy anh bạn của anh nữa nghe!
Phương cười biểu đồng tình
-Ừ, đi thì đi, nhưng liệu hai bác có cho không?
Tuyết Ngọc nhanh miệng” Đi với anh thì ba mẹ em cho chứ răng
không, phải không chị?”, Tuyết Ngọc quay sang Thủy Tiên hỏi.
Thủy Tiên trợn tròn nhìn em gái. Không ngờ chưa đầy một năm
nàng vắng nhà mà Tuyết Ngọc lại thay đổi nhanh đến thế, dạn dĩ với bạn trai đến
mức độ không thể tin được. Dù sao chị em nàng vẫn là con nhà danh giá, đi chơi
với bạn trai còn có thể được chứ tắm biển để phơi bày thân thể ngọc ngà trước
những ánh mắt thèm muốn của bọn thanh niên thì không chấp nhận được. Phương sẽ
nghĩ về nàng thế nào khi nàng gật đầu, có thể là một sự thất vọng?
Trước mặt Phương nàng không thể xưng hô “mi tau” với em gái,
thế nên Thủy Tiên dịu giọng bảo Tuyết Ngọc:
- Thôi để bữa nào đi với ba mẹ, chứ đi với bạn của em hoặc bạn
của anh Phương, chị không quen, ngại lắm!
- Có chi mô mà ngại! Tuyết Ngọc tiu nghỉu, giọng ỉu xìu.
Thế là vụ đi tắm biển ở Thuận An bất thành, thấy hai chị em
không vui, Phương chào ra về.
Đêm đêm Thủy Tiên vẫn nghe tiếng đàn của Phương văng vẳng, có
thể Phương đang gửi tâm sự vào tiếng đàn, tự dưng nàng lại nghĩ Phương là chàng
Trương Chi của thời cổ tích, còn nàng là Mị Nương. Thế nhưng Mị Nương của thời
hiện đại vẫn yêu Trương Chi khi gặp mặt vì Trương Chi tuy nghèo nhưng lại rất đẹp
trai và có tương lai. Trước mắt nàng là một viễn cảnh màu hồng: chàng là bác
sĩ, nàng dược sĩ, đôi tình nhân trai tài gái sắc đẹp đôi vô cùng.
Phương vẫn sang chơi, Thủy Tiên đã thân mật hơn với Phương,
hai người tỏ ra hợp nhau khi bàn luận về chuyện học, chuyện âm nhạc, hội hoạ,
thi ca…Phương cũng không ngờ mình có diễm phúc được quen biết với hai chị em
Thuỷ Tiên Tuyết Ngọc, hai người đẹp nổi tiếng đất Thần kinh. Phương thích nét hồn
nhiên sinh động ở Tuyết Ngọc và choáng váng trước gương mặt yêu kiều của Thủy
Tiên, nhất là dưới ánh sáng huyền ảo của những chùm hoa nắng, chàng còn bị thu
hút bởi sự am hiểu rộng các lĩnh vực văn học nghệ thuật của nàng. Nhưng có lẽ
Phương bối rối khi chỉ có một mình nên nếu Tuyết Ngọc bỏ đi thì Phương cũng đứng
dậy cáo từ.
Một hôm Thủy Tiên không nghe tiếng đàn, những ngày kế tiếp
không thấy Phương sang. Hỏi Tuyết Ngọc, Tuyết Ngọc thản nhiên bảo ”anh ấy về
quê rồi”. Thủy Tiên bỗng hụt hẫng, hụt hẫng không phải chỉ vì vắng bóng Phương
mà còn vì ý nghĩ “Sao Phương về quê mà không nói với nàng một lời tạm biệt? Liệu
trước khi nàng quay vào Saigon có còn được gặp chàng nữa không?”.
Những ngày hè đã chấm dứt, nàng lên tàu trở lại trường không
có Phương đưa tiễn, Phương vẫn còn ở quê, lớp của chàng chưa khai giảng. Thủy
Tiên thấy lòng nặng nề, nàng ra đi mang theo một nỗi buồn cay đắng
Những lá thư Tuyết Ngọc gửi vào làm Thủy Tiên ấm lòng “… Anh
Phương đã trở lại học, anh ấy gửi lời xin lỗi chị vì phải về quê gấp để lo việc
cải táng mộ của mẹ, vội quá không kịp chào chị…”. Ở một thư khác Tuyết Ngọc viết”… Anh
Phương cứ hỏi thăm chị hoài, anh ấy khen chị đẹp và dịu dàng…”.
Thủy Tiên mỉm cười sung sướng, tưởng tượng ở ngoài ấy, đêm
đêm Phương gửi tiếng lòng vào cung đàn “… Tình ngỡ đã quên đi nhưng lòng cố lạnh
lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang, ôi áo xưa lồng lộng…”. Nhiều
đêm thao thức, Thủy Tiên muốn viết thư cho Phương bày tỏ nỗi niềm, nhưng rồi lại
ngại ngần “người ta có viết thư cho mình đâu mà mình lại gửi thư, mình là con
gái Huế mà!”. Thủy Tiên chẳng hề đếm xỉa đến những lời tán tỉnh của các chàng
sinh viên trong trường, nàng chỉ nghĩ đến hình ảnh của Phương mà thôi, nàng ghi
vào nhật ký mấy câu thơ:
“Hoa nắng lung linh
Vườn xưa lộng gió
Hồn em mở ngỏ
Xôn xao hương tình
Anh đến bên em
Chiều trôi êm đềm
Em con thuyền nhỏ
Lạc vào mắt anh…”
Vườn xưa lộng gió
Hồn em mở ngỏ
Xôn xao hương tình
Anh đến bên em
Chiều trôi êm đềm
Em con thuyền nhỏ
Lạc vào mắt anh…”
Dần dần thư Tuyết Ngọc ít nhắc nhở đến Phương và cũng thưa gửi. Thủy Tiên đoán có lẽ em nàng bận học thi, năm nay Ngọc lên 12 rồi, vả lại làm
sao Phương có thể thổ lộ tình yêu đối với nàng cho Tuyết Ngọc biết được! Nàng
mong học kỳ I qua nhanh để về Huế gặp lại Phương.
Năm thứ hai chương trình học chuyên sâu nên nặng hơn, nhưng đối
với Thủy Tiên việc ấy không đáng kể. Nàng vẫn học giỏi, các môn thi nàng làm tốt,
không phải thi lại.
Ngày trở về Huế đã đến,Tết cũng gần kề, Thủy Tiên đi siêu thị
sắm quà cho gia đình, mỗi người đều có một món quà nhỏ: bà Văn đôi dép nhung,
ông Văn chiếc áo sơ mi, Tuyết Ngọc cái quần jeans, còn Phương? Thủy Tiên loay
hoay nghĩ mãi mới quyết định tặng chàng hai chiếc cà vạt mốt nhất, một cái màu
xanh, cái kia màu đỏ. Nàng hình dung khi nhận quà chắc Phương sẽ rất cảm động
và hiểu được lòng nàng. Trên chuyến tàu về nhà mà nàng muốn dành cho gia đình một
sự ngạc nhiên thích thú nên không báo trước, Thủy Tiên nôn nao bồn chồn với bao
nỗi mừng vui hồi hộp không nói nên lời.
Từ ga về nhà, Thủy Tiên hân hoan nhìn cảnh vật chung quanh dường
như tươi hơn, đẹp hơn, nắng vẫn rưc rỡ dù mùa đông ở Huế thường ủ dột. Cầu Trường
Tiền lộng gió như đang vẫy chào nàng, chợ Đông Ba tấp nập chuẩn bị đón Tết, người
mua kẻ bán đông đúc nhộn nhịp.
Cổng nhà không khóa, Thủy Tiên đẩy nhẹ rồi bước vào, hoa
trong vườn đua nhau khoe sắc, hương ngọc lan trộn lẫn với hương ngâu, hương mộc
phảng phất dịu dàng, nàng tìm lại cảm giác thân thương quen thuộc. Đưa mắt nhìn
về “góc địa đàng”- nơi ghi dấu kỷ niệm giữa nàng và Phương, những câu chuyện tưởng
chừng không dứt, ánh mắt nồng nàn của Phương trong những buổi trưa hè rộn tiếng
ve… nàng bỗng hoa mắt tưởng mình mơ ngủ: ở nơi ấy Phương và Tuyết Ngọc ngồi bên
nhau, tay trong tay, mắt trong mắt nhìn nhau âu yếm!!! Chiếc va ly chất chứa những
món quà dành cho những người thân yêu - trong đó có cả của Phương - đột nhiên nặng
trĩu, nàng sững sờ buông tay, chiếc va ly rơi phịch xuống đất. Phương và Tuyết
Ngọc giật mình nhìn lên ngỡ ngàng… Họ vội chạy đến bên nàng, Phương nói “để tôi
xách cho”. Thủy Tiên cắn chặt môi cố kềm chế nước mắt. Vừa lúc đó ông Văn bước
ra, nhìn gương mặt tái xanh đau đớn của con gái, ông hiểu mọi chuyện, nhanh tay
đỡ chiếc va ly, bảo:
- Sao con không gọi điện để ba đi đón, con mệt rồi, hãy vào
nhà nghỉ đi!
Thủy Tiên thẩn thờ bước vào phòng, đóng sầm cửa rồi
buông mình xuống giường, để mặc những dòng nước mắt tuôn như mưa. Những câu hỏi
quay cuồng làm tim nàng nhức nhối. Nàng không ngờ cô em gái yêu quý của nàng lại
nở nhẫn tâm cướp mất người nàng yêu… hay nàng chỉ là kẻ đến sau? Còn Phương,
nàng không thể trách được, Phương chưa khi nào ngỏ ý dù rằng nàng biết ít ra
hơn một lần trái tim Phương đã rung động vì nàng. Phương yêu Tuyết Ngọc trước
khi gặp nàng hay Phương chẳng qua chỉ là một kẻ tầm thường không thấy được viên
kim cương đang lấp lánh tỏa sáng trong tâm hồn nàng? Nàng khóc cho duyên phận hẩm
hiu của mình, hai lần yêu, hai lần đều thất bại!!!
Nước mắt đã làm vơi đi phần nào nỗi đau trong lòng, Thủy Tiên
ngồi dậy đến bên cửa sổ. Ngoài vườn những chùm hoa nắng lụa là mát dịu cứ lay động,
cứ biến đổi muôn hình muôn vẻ mới đẹp làm sao! Thủy Tiên thở dài thầm nghĩ: phải
chăng tình yêu của nàng cũng giống những chùm hoa nắng cứ chập chờn lung linh,
đẹp mà hư vô, không bao giờ với tay hái được?
… Ngoài kia nắng vẫn xôn xao…
02/2005
Vĩnh Liêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét