Nguyễn Thụy Long, Bóng chim trên ngọn khô
NGUYỄN THỤY LONG
(1938 - 2009)
Di ảnh nhà văn NGUYỄN THỤY LONG
Nhà Văn Nguyễn Thụy Long sinh ngày 9/8/1938 tại Hà Nội.
Mất ngày 03/09/2009, lúc 14 giờ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Năm 1952, Ông và gia đình vào Nam sinh sống tại Sài Gòn.
Cựu học sinh trường trung học Hồ Ngọc Cẩn.
Sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
Cộng tác báo Ngàn Khơi với nhà văn Nhã Ca, nhật báo Sống của
nhà văn Chu Tử.
Trước 1975, Ông xuất bản hơn 30 tác phẩm, tiểu thuyết đầu tay
có tên Vác Ngà Voi (1965), với bút hiệu Lan Giao. Các tác phẩm sau, đều lấy
tên thật Nguyễn Thụy Long.
Ngoài hơn 30 tác phẩm xuất bản, Nguyễn Thụy Long còn cả trăm
truyện ngắn và những tác phẩm sáng tác sau nầy.
Tiểu thuyết Loan Mắt Nhung gây xao động từ tác phẩm, đến Tập
phim Loan Mắt Nhung do đạo diễn Lê Dân dàn dựng năm 1970.
Năm 2005,Ông được phát giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp do Nguyệt
san Khởi Hành (Mỹ) trao tặng, nhưng vì sức yếu không tham dự được.
TÁC PHẨM NGUYỄN THỤY LONG: (tiêu biểu)
1/ Vác Ngà Voi (1965, với bút hiệu Lan Giao)
2/ Sầu Đời (Âu Cơ, 1967)
3/ Bước Giang Hồ (1967)
4/ Vòng Tay Đàn Ông (1967)
5/ Chim Trên Ngọn Khô (1967)
6/ Loan Mắt Nhung (1967)
7/ Tay Anh Chị (1968)
8/ Bà Chúa Tám Cửa Ngục (1968)
9/ Vết Thù (1968)
10/ Đêm Đen (1968)
11/ Gái Thời Loạn (1968)
12/ Bóng Tối (1968)
13/ Kinh Nước Đen (1969)
14/ Nữ Chúa (1969)
15/Xóm Cô Hồn (1969)
16/ Kiếp Hoang (1969)
17/Nợ Máu (1969)
18/ Nhà Chứa (1970)
19/ Ven Đô (1970)
20/ Bão Rớt (1970)
21/ Cầu Cá (1970)
22/ Dấu Chân Gió Chạy (1970)
23/ Biển Đen (1971)
24/ Biệt Thự Phù Du (1971)
25/ Đàn Ông Đàn Bà (1971)
26/ Hạt Giống Của Trời (1971)
27/ Những Cánh Tay Thuồng Luồng (1971)
28/ Tốt Đen (1971)
29/ Vang Tiếng Ruồi Xanh (1971)
30/ Dưới Chân Non Nước (1972)
30/ Gió Hú (1972)
31/ Tử Tội Hoan Hỉ (1972)
32/ Mặt Biển Đen (1973)
33/ Nửa Đời Bóng Tối (1991)
34/ Viết Trên Gác Bút (1999)
35/ Giữa Dêm Trường (2000)
36/ Người Xây Lò ( 2001)
37/ Thìn Ma (2007)
Ngoài ra, Nguyễn Thụy Long còn 3 tác phẩm mới viết:
* Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút
* Hồi Ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ
Nguyễn Thụy Long,
Bóng chim trên ngọn khô
Bóng chim trên ngọn khô
Du nhập vào những đường hướng mới trong văn học nghệ thuật thập
niên 60, quả nhiên có nhiều ngã rẽ, lập dựng cho mỗi văn nghệ sĩ thời đó một
nét nhìn sáng hóa đặc biệt, giúp tác phẩm được bùng vỡ mãnh liệt. Mỗi người văn
nghệ đột phát cho mình một phương hướng sáng tạo riêng biệt, không lẫn lộn vào
ai, tạo cho văn chương miền Nam nhiều hướng đi mới rạng rỡ, đối chiếu không
thua sút văn chương nước ngoài. Từ thơ văn nhạc kịch biên khảo hội họa kinh kịch
sân khấu kiến trúc điêu khắc, nhìn lại thật hảnh diện cho bước đường sáng hóa của
nghệ thuật giai đoạn sơ khai nầy. Từ những bóng dáng khai hoang văn nghệ của lớp
đi trước ở phía Nam như Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Phi Long…dần
đến Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Bá Thế, Truy Phong, Sơn Nam, Kiên Giang, Nguyễn Minh
Tâm… Đến lớp sĩ phu Bắc hà như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan và lớp
văn nghệ sĩ gần gũi thế hệ văn chương phía Nam trong thập niên 60 như Mai Thảo,
Viên Linh, Duyên Anh, Lý Hoàng Phong, Hoàng Trúc Ly nối tay cùng bóng dáng của
Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện, Dương Hà, Ngọc Linh, Dương Trữ La, Hoài Điệp Tử,
Phan Bá Thụy Dương, Võ Hồng, Nguyễn Thi Thụy Vũ, Nhã Ca…Còn nhiều tên tuổi nữa
gắn bó tạo một sinh khí đa dạng, tân lập cho phong hóa văn chương thời bấy giờ,
chuyển biến cùng cực và kỳ diệu.
Nguyễn Thụy Long là một nhà văn cũng bùng vỡ tài hoa trong
giai đoạn thập niên 60 nầy, tác phẩm của Ông chợt bước vào một lối rẽ sáng tạo
mới. Ông đi thẳng vào đề tài tuổi trẻ khơi dậy trong nỗi quạnh hiu bất công cuộc
đời, đưa nhân vật hùng cứ một phương cách sống trong một xã hội đen biệt lập.
Trước 1965, vài tác phẩm của Nguyễn Thụy Long ra đời cũng đã biểu hiện phong
cách tự do theo nghĩa ngoài lề xã hội. Từ Vác Ngà Voi vẫn còn mang một bút hiệu
khác Mặc Lan Giao, là hình như tác giả còn ẩn nấp trong tư thế chờ đợi. Đến những
tác phẩm kế tiếp, tên tuổi Nguyễn Thụy Long bùng sáng trong giới giang hồ văn
chương, nhất là những tác phẩm nổi đình nổi đám như Loan Mắt Nhung (1967) rồi
Kinh Nước Đen (1969)… Khi Loan Mắt Nhung được chuyển hóa phim ảnh do đạo diễn Lê
Dân thực hiện với Huỳnh Thanh Trà, Thanh Nga, Tâm Phan, Ngọc Phu, Kim Xuân,
Nguyên Hạnh… phim truyện Việt Nam bắt đầu tiếp nối tranh bá quyền với phim Hồng
Kông, Ấn Độ.
Sức sáng tạo những năm trước 1975 của Nguyễn Thụy Long thật
mãnh liệt, tác phẩm như dòng suối tuôn trào không thời gian ngừng nghỉ. Tôi bước
vào lối đi của Ông, bằng sự tò mò như tò mò với Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công
Thiện, tò mò với những bộ tiểu thuyết Yêu – Điên - Loạn…của Chu Tử. Nhưng sự bắt
gặp kinh khiếp với những hình ảnh phơi bày cực kỳ ghê rợn trong tác phẩm Chim
Trên Ngọn Khô, ám ảnh tang thương trong đời sống hạ tầng bi đát quá, bi đát trước
thiên nhiên, trước nhân tình và cuộc đời, khiến tôi thường xuyên tìm kiếm tác
phẩm Ông. Hình như, Chim Trên Ngọn Khô xuất hiện trước Loan Mắt Nhung, nhưng
chính vì phong cách tài tình trong dựng truyện, khiến Nguyễn Thụy Long được đặt
trên ngôi vị độc đáo trường phái riêng.
Thật sự, trước những tác phẩm quyết định hướng đi cho sự hòa
nhập vào xã hội đen, bằng một lối rẽ phải có trong tận cùng đời sống đầy cá
tính phản kháng với đời thường. Mỗi mặt trái mặt phải đều nặng nề một cương
lĩnh đạo lý khác biệt.Nghĩa khí và cách trao đổi cuộc sống thắm đẫm tư duy sinh
học chênh nhau như những vòng xoắn hình ống trong một không gian hình học ba
chiều. Nên cách cư xử như thế thường của lý triết hủ nho không đầy được bản chất
phá cách, liều lĩnh, tư duy của một xã hội tận cùng nếp sống. Nguyễn Thụy Long
hoàn toàn bình tĩnh bước vào môi trường đột biến như vậy, hóa thân trong tâm thức
và hành động của những con người phá cách đó. Ông thành công mãnh liệt trong
hai bộ tiểu thuyết Loan Mắt Nhung và Kinh Nước Đen. Theo hồi ký viết Trên Gác
Bút (NXB Văn Nghệ, California 1999), Nguyễn Thụy Long bước vào làm ký giả báo Sống
của nhà văn Chu Tử, được sự khuyến khích hợp với cách viết theo trào lưu của một
xã hội có thực những anh hùng của một xã hội có lối rẽ riêng. Tác phẩm Loan Mắt
Nhung ra đời năm 1967, bằng hình ảnh một cậu học trò lương thiện sống tại đô
thành Sài Gòn trong thập niên 60, trước những áp bức cuồng rối phủ dập tạo nên
hoàn cảnh xã hội đẩy đưa trở thành du đảng nổi tiếng. Sống cuồng loạn trong một
xã hội đen như một thủ lĩnh anh chị làng dao búa. Nhưng trong những phút giây bất
chợt, vẫn cảm thấy cô đơn trong cuộc đời, hối hận đánh mất một thời tuổi trẻ,
muốn hoàn lương bằng cách cuối cùng diệt kẻ ác rồi nộp mình cho cảnh sát. Cách
viết bạch hóa sự gai góc trong cuộc đời của lớp người sống trong hoàn cảnh của
xã hội đen tối.
Thật ra, trong giai đoạn đầy rẫy hỗn loạn của thời kỳ thập
niên 60, với nhiều sự du nhập những khuynh hướng ngoại lai, và những hiện trạng
bất an trong xã hội đương thời, khiến cuộc sống phân cách theo xu hướng nhận định
tự kỷ. Chính vậy, sự tách biệt nhiều thành phần trong xã hội cũng là một logic,
Nguyễn Thụy Long thành công như hoàn chỉnh một luận án sâu sắc của thế giới tận
cùng. Tác phẩm thành công như bước đi mới trong đoạn đường phá cách lối sáng
tác với điển tích sáo mòn.
Hàng chục tác phẩm liên tiếp ra đời, nối tiếp những hình ảnh
sinh động trong thế giới như thế, đương nhiên Nguyễn Thụy Long trở thành một
nhà văn “du đảng”, bằng phong cách viết như thế… Thật ra, người nghệ sĩ đều
muốn mình có một thế giới văn phong riêng, tạo dựng cho chính sáng tác một sự
sáng hóa biệt lập. Sự tự do đó giúp nhà văn xây dựng được hình ảnh đặc thù độc
đáo trong văn học.
Sau 1975, những buổi trưa ngồi với Nguyễn Thụy Long trong hẽm
nhỏ 6C đường Tú Xương Quận 3, tôi lặng lẽ nhìn hình ảnh một “đại ca” văn
nghệ oanh liệt một thời. Cung cách sống vẫn còn hào nhoáng khí phách, vẫn bụi đời
trên trang phục thô ráp, vẫn lịch thiệp cùng những bạn bè văn nghệ nhỏ tuổi
quay quần bên Ông. Thời chưa mở cửa, mỗi ngày gặp gỡ là những lần chung đụng những
tàn phai của quá khứ, tâm sự cho qua ngày tháng bên những chai bia lên men con
cọp, cười đùa thăm viếng trong mọi vấn đề cần hỏi, rồi theo gót buổi chiều sắp
bãng lãng hoàng hôn, chìa tay đóng góp trả quán ra về, không quên hẹn lại ngày
mai… Nguyễn Thụy Long vẫn cung cách trang trọng lịch lãm, nhưng anh em đều hiểu
rõ sự cơ cực phủ đầy trên nếp áo. Ngoài căn bệnh huyết áp cao, Nguyễn Thụy Long
còn tiểu đường nặng với nhiều di chứng. Hình như, cũng vài lần Nguyễn Thụy Long
đương đầu với triệu chứng tai biến mạch máu não. Nhưng mỗi lần thù tạc, anh em
khuyên uống ít thôi, thì Ông cười ngó tôi có thầy thuốc lo gì? Tâm trạng hình
như Ông thích gặp gỡ bằng hữu để giải tỏa những bức bách trong lòng, mọi bệnh
trạng khắc nghiệt như thế nhưng Nguyễn Thụy Long vẫn trầm tĩnh như không còn thời
giờ ngó ngàng tới.
Khoảng hơn 15 năm gác bút, mười năm kế tiếp (1991-2001) Nguyễn
Thụy Long viết được thêm 4 tác phẩm: Nữa Đời Đối Bóng (1991), Viết Trên Gác Bút
(1999), Giữa Đêm Trường (2000), Người Xây Lò (2001). Bước qua thiên niên kỷ mới,
Nguyễn Thụy Long viết lại hồi ký và tác phẩm Thìn Ma (2007), Ông tâm đắc trong
quyển Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút và Hồi Ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ. Trong cuộc sống khắc
nghiệt cơ cực, nên trong Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút, Nguyễn Thụy Long trần tình mình
không bao giờ giấu diếm những thói hư tật xấu, nên viết thật như đã sống thật với
cuộc đời, với vinh nhục xấp lốp trong cuộc sống, nhưng vẫn thản nhiên phó mặc
những vùi dập trôi nổi chung quanh. Chính vậy, nhân vật của nhà văn Nguyễn Thụy
Long thường nhẫn nhục, chịu đựng những nghịch cảnh, nhân ái và độ lượng.
Năm 2009, Ông dồn hết tâm huyết cho bộ bản thảo Mả Động, dự
trù khoảng 4000 trang, nhưng đến khi nhắm mắt lìa đời, Mả Động mới viết được
hơn 1000 trang.
Nguyễn Thụy Long để lại, ngoài dang dở của bộ tác phẩm Mả Động
còn hơn trăm truyện ngắn, (nằm u buồn vất vưởng giữa thế gian !!!…)
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét