Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Lê Trúc Khanh, một lần mộng đến nghìn thu


Lê Trúc Khanh, một lần mộng đến nghìn thu
LÊ TRÚC KHANH
Chân dung Lê Trúc Khanh

Ảnh tư liệu của tác giả
Tiểu sử văn học: LÊ TRÚC KHANH  
                  
Tên thật: Lê Phước Nghiệp
Sinh ngày: 28 tháng 5 năm Kỷ Sửu (1949)
Quê quán: Làng Tân Thạch, huyện Trúc Giang, tỉnh Bến Tre. Đây là một làng quê nhỏ hiền hòa nằm dọc song Tiền bốn mùa miên man sóng vỗ     
Học tại các trương: tiểu học Tân Thạch (Bến Tre). Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Tốt nghiệp ĐHSP Ban Việt Hán, sau đó ra trường dạy môn Văn tại các trường trung học công lập, tư thục ở Cần Thơ từ năm 1970
Sáng lập viên thi văn đoàn Về Nguồn (năm 1964). Đây là một nhóm văn nghệ tuổi học trò, phạm vi hoạt động chủ yếu trong phong trào báo chí văn nghệ của các trường trung học thời bấy giờ.
Sáng lập và phụ trách Chương Trình Thi Văn Về Nguồn trên Đài phát thanh Cần Thơ, theo tôn chỉ mở đầu buổi phát thanh bằng câu: Đây, Về Nguồn, tiếng nói tha thiết của những người yêu mến quê hương. Tiếng thơ của những người muốn tìm lại tự tình dân tộc”.
Chủ trương Cơ Sở Sản Xuất Ban Văn Nghệ Về Nguồn, hoạt động từ năm 1967. cơ sở đã giới thiệu đến bạn đọc sáng tác thơ văn của cộng tác viển trong và ngoài thi văn đoàn Về Nguồn dưới dạng tuyển tập hoặc tác phẩm cá nhân. Tính đến năm 1974, cơ sở Về Nguồn đã phát hành được 18 ấn phẩm.
Chủ trương Tạp Chí Khơi Dòng. Đây là nguyệt san sinh hoạt văn học miền Tây, số 1 phát hành mùa xuân Canh Tuất 1970 với chủ đề Mùa Xuân Và Con Người. Tạp chí chỉ xuất bản được 5 số thì đình bản do điều kiện kinh phí và hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc thời bấy giờ đang ở vào cao điểm. Tạp chí Khơi Dòng là nơi hội tụ của một lực lượng sáng tác đầy đủ và sung sức nhất của miền Nam những năm 70 thế kỷ trước.
Cộng tác với hầu hết các nhật báo, tuần báo, tạp chí… ở miền Nam như: Khai Phá, Tiếng Động, Ti Văn, Văn Học, Tiếng Chuông, Tia Sáng, Điện Tín, Chính Luận, Miền Tây, Tiểu Thuyết Tuần San, Triều Sống Xanh, Tinh Hoa, Sáng, Văn Nghệ Miền Tây, Khơi Dòng...
Đã in thơ chung với nhiều tác giả như Viết Cho Những Người Còn Lại, gửi lại mùa đông và một tập thơ in riêng Quê Hương-Tình Yêu Và Nỗi Nhớ Khôn Cùng.
In chung hơn 20 tác phẩm
Lê Trúc Khanh, một lần mộng đền nghìn thu
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Trước 1975, khoảng từ năm 1966 trở đi, tôi thường xuyên tốc hành từ Sài Gòn về miền Đông như: Biên Hòa, Long Khánh, Vũng Tàu... hoặc xuôi ngược về nơi cố thổ miền Tây, bay nhảy suốt dặm đường Mỹ Tho, Sóc Trăng, Cần Thơ, Sa Đéc, Châu Đốc... Chủ đích của mỗi cuộc du hành, đeo đẳng trên vai nghiệp chướng văn nghệ. Ghế Biên Hòa chung ly cafe lạt với Nguyễn Tất Nhiên, về Sóc Trăng với Trầm Mặc Nghệ Thế, Triều Uyên Phượng, hay loáng thoáng tạt ngang tệ xá Hạc Thành Hoa ở Sa Đéc. Tất cả chỉ vì thoả tình hội ngộ với anh em, với những văn nghệ sĩ chân tài trấn thủ tại nhiều vùng đất văn chương Nam Bộ. Lúc đi cũng như lúc đến, tuổi trẻ chỉ quẩy nặng trên vai một túi sách phiêu lưu, như tia chớp nhoang nhoáng  quang quả trên bầu trời chợt mưa chợt nắng, vội vàng như một đinh mệnh, không bắt buộc tư thân, nhưng cũng như một sứ mệnh phải thi hành. Gặp bằng hữu văn nghệ như vừa bắt gặp một hạnh phúc cố cựu, trao đổi cho nhau vài sáng tác mới tâm đắc, như một “sát na” giác ngộ. Giai đoạn này, như con ốc nhỏ bò lui tới, đo chân lý đường dài, mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần như được khắc ghi vĩnh cửu trên bia đá. Tại Cần Thơ, miền Tây Đô của cuối Việt, anh tài hiển hiện sinh động trên khắp màu sắc phong lưu, rực rỡ của nghệ thuật. Tôi liên tưởng những phút giây mà Phù Sa Lộc và Trần Kiêu Bạt, tạt ngang nơi cư trú của Trần Biên Thuỳ và Lâm Hảo Dũng trên đường liên tỉnh. Con đường dẫn tới tổ ấm lầy lội, nghèo nàn như bản sắc quê hương, tôi đề nghị Trần Kiêu Bạt dẫn tới nhà Lê Trúc Khanh ở đường Phan Thanh Giãn, để có dịp hàn quyên, tay bắt mặt mừng, với một chàng trai học trò tài không đợi tuổi. Ngôi nhà của Lê Trúc Khanh nằm lẫn khuất trong một con hẻm hẹp, giống như chàng thi nhân nhỏ nhắn, thanh lịch, lại được bày biện thật ngăn nắp, khiến sự cảm tình và trân trọng với nhau càng thêm sâu thẳm hơn. Lúc đó, thư sinh có lẽ khoảng 18 tuổi, nhưng đã là một thủ lĩnh của bút nhóm Về Nguồn. Một thi văn đoàn với hơn 100 thành viên và cộng tác viên ở khắp nơi, trải dài từ Quảng Trị đến Cà Mau. Họ đến với thơ, đến với nghệ thuật, như một sự say mê thánh hóa, hy sinh tất cả thời gian, tiền tài, góp sức với mộ tấm lòng chân thành.
Về Nguồn, là cái nôi lớn nhất điển hình của văn nghệ miền Nam thời đó, hoạt động nghệ thuật một cách chân chính, không vị lợi. Suốt lộ trinh 10 năm, đến tháng 4 năm 1975 ngưng nghỉ để hòa theo đất nước chào đón một trang sử mới, có công lao to lớn là điểm tựa ban đầu cho biết bao nhiêu văn nghệ sĩ thành danh. Có thể, trên văn đàn Việt Nam,tên tuổi những: Đặng Thư Cưu, Trần Kiêu Bạt, Lê Trúc Khanh, Huyền Vân Thanh, Nguyễn Huy Chương, Kiều Diễm Phượng, Trúc Linh Lan, Võ Minh Đường, Lý Thị Kim Xương, Hà Huy Thanh, Trầm Mặc Nghệ Thế, Lê Vũ Hùng, Phạm Hữu Quang, Vương Doãn Chi, Lưu Vân, Hà Thúc Sinh, Vũ Ngọc Đức, Lâm Hảo Dũng, Lâm Hảo Khôi, Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Cát Đông, Yên Bằng, Triệu Cung Tinh, Tô Nhược Châu, Phù Sa Lộc, Nguyễn Hoài Vọng....Vẫn không ít dịp xoay người chọn lựa những cánh hoa văn nghệ tươi thắm rực rỡ nhất, cắm vào bình hoa sang trọng Về Nguồn.
Hoạt động cật lực của Lê Trúc Khanh, bằng sự hi sinh vô bờ bến, khiến anh em văn nghệ khắp nơi, dù có hùng cứ ở những khuynh hướng nghệ thuật nào, cũng phải nhìn lại và thán phục. Chương trình phát thanh của thi văn Về Nguồn, mà cứ 22h30 mỗi giữa tuần “Tiếng nói tha thiết của những người yêu mến quê hương. Tiếng thơ chân thành của những người muốn tìm lại tự tình dân tộc”, vẫn xoáy cuộn vào tâm thức của những con tim rung cảm.Người ta cảm tình ngay với chương trình Về Nguồn trên làn sóng vô tuyến, người ta càng yêu dấu tâm hồn của các bằng hữu chủ trương. Song song, cơ sở xuất bản Về Nguồn và tạp chí Khơi Dòng liên tay, nối chặt ý hướng hoạt hoá văn học nghệ thuật một cách nghề nghiệp và bài bản, ấn hành được nhiều tác phẩm cho anh em, cũng như tạo được môi trường tham khảo văn nghệ, phát huy tiếng nói sung sức nhất ở miền Tây Nam Bộ thời đó.
Khoảng giữa năm 1973, Lê Trúc Khanh về Sài Gòn công tác ngành (Lê Trúc Khanh tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 21 tuổi, giảng dạy Văn ở Trung học Đệ nhị cấp Cần Thơ), có ghé tạt qua thăm tôi. Vẫn hào sản, liếng thoắng và tươi trẻ, Lê Trúc Khanh thố lộ với ý định thành lập một quán cafe Về Nguồn, để anh em có dịp hội tụ hàng ngày trao đổi sáng tác và luận bàn quan điểm nghệ thuật, tất cả chủ yếu cũng vì quá đam mê văn nghệ. Chí hướng hi sinh về nghệ thuật của Lê Trúc Khanh quá lớn, quá trong sáng, khiến tôi cũng độn lòng hứa giúp Về Nguồn một phen, với điều kiện sẽ bàn lại với anh em Tạp chí và Nhà xuất bản Khai Phá. Về Châu Đốc, tôi vẫn thầm suy nghĩ cưu mang như thế nào, cho thuận đôi bề. Một đêm trời sáng trăng, khoảng tháng 12/1973, nhà thơ Nguyễn Cát Đông lúc đó là Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Hữu Cảnh Châu Đốc, bầu bạn cùng nhà văn Huỳnh Phan (tác giả Câu Truyện Thầy Trò, một tác phẩm văn chương được đón nhận nhiệt liệt thời đó), ghé trà dư tửu hậu với tôi, trước đầu chợ Châu Đốc. Tôi đem tâm ý của Lê Trúc Khanh còn dằn vặt trong lòng, và xin ý kiến Nguyễn Cát Đông. Thảo luận kế hoạch cho quán cafe Về Nguồn cũng khá gay go, vì chúng tôi không nắm bắt được chủ trương kinh doanh như thế nào. Tuy nhiên, cái tâm Lê Trúc Khanh trải ra quá lớn, nên không ai nghi ngờ gì ở sự hi sinh vì nghệ thuật của Khanh cả. Nhà thơ Nguyễn Cát Đông, thảo ra một kế sách, tiền đề cho những cuộc sinh hoạt nghệ thuật liên tục ở quán cafe Về Nguồn, bằng một buổi ra mắt đồ sộ với danh nghĩa Đem Sinh Hoạt Văn Nghệ Về Nguồn, số 93 Tạ Thu Thâu Cần Thơ, vào ngày 19/01/1974 (nhằm ngày 17 tháng chạp, Quý Sửu), tức những ngày cận tết Giáp Dần. Anh Nguyễn Cát Đông và Lê Trúc Khanh sẽ lo tổ chức, thuyết trình, riêng tôi sẽ quy tụ trên 2000 đầu sách, tác phẩm của anh em văn nghệ trẻ khắp nước, trong một chương trình Thi ca, Âm nhạc, triển lãm Hội hoạ, Nhiếp ảnh, Điêu khắc, Nghệ thuật Thêu tay, Nghệ thuật Hoa vải… Lúc đó Hội hoạ và điêu khắc của hoạ sĩ Hoàng Thuỵ Kha, Lê Triều Điển; Nhiếp ảnh Thái Văn Sơn; nghệ thuật thêu tay: Bích Đàn, Nghệ thuật hoa vải của Nguyễn Thành Hải (NXB Nhị Khê). Âm nhạc trình diễn ngoài cộng tác viên Về Nguồn, còn có sự hợp tác của gia đình nhà thơ Trần Kiêu Bạt, Nguyễn Huy Chương…
Tâm huyết của nhà thơ Lê Trúc Khanh, đã nhuộm thắm cho miền cựu địa Nam Bộ, một sự cảm thông sâu sắc tạo cho văn nghệ nhiều gạch nối liên tay hình thành những ước mơ, mà một cá nhân khó lòng xây dựng được.
Những tâm thức về tình quê hương, tình yêu, về tuổi học trò sao mà nhẹ nhàng và hiền dịu, tự dẫn dắt chúng ta qua một Lê Trúc Khanh nho nhã, tài hoa, đầy ấp tấm lòng. Với những gì sự thật ghi lại bên trên, như một nét son sắt đá cho tha nhân bất chợp khám phá ra một sự cương nghị hi sinh, quyết đoán trong quá trình hoạt động văn nghệ như chém đá, của nhà thơ Lê Trúc Khanh.
Hiền dịu và lãng mạn có gì bằng “Một trăm đêm - Một nghìn đêm/ là trăng động thoáng xa dìm bến mơ/ ừ - cho nhau hẹn thề/ có con chim nhỏ gọi hè từ xưa/ chiều nay mưa - chiều mai mưa/ và anh thì cứ làm thơ trọn đời…”. Phải chăng chàng thư sinh cứ như âm thầm đứng tan chảy dưới ánh trăng, bện lên người không gian phiêu bồng, ảo dịu cho chính bản thân,với thệ nguyện làm thơ trọn đời, cho trăng động thoáng, cho nhau hẹn thề… Phải chăng chính vì vậy, khiến chàng nhiều lúc phải dấn thân, lấy nét bút mài dưới mưa chiều làm kiếm sắt, tạo dựng một giang sơn nghệ thuật như kính vạn hoa, không phải cho riêng chính bản thân mà cho tất cả cố nhân bằng hữu.
Nhưng thật ra, tâm huyết cần mẫn thương khó của nhà thơ bôn ba cũng không qua thời vận, nên tất cả những dự trù chất ngất như cửu trùng đài, cũng nghiêng ngả bao phen. Chàng muốn rửa tay gác kiếm bỏ công hầu, như khi Kiều Phong lìa ải nhạn có đong buồn trên ánh  mắt Anh Châu? Được không? Cái nghiệp chướng vẫn đa mang mà từ lúc khai sinh lớn lên chưa đầy 16  tuổi đã hứng thú làm thơ và đeo gông thủ lĩnh của một văn đàn. Lê Trúc Khanh dù có dằn vặt trong tâm thức, dù có muốn cởi bỏ tương tinh tương khắc trong nghiệp dĩ, cũng được bao giờ! Nhà thơ trong lành và hiền hậu năm xưa, vẫn ngửa mặt lên trời mà than thở với thời tiết “phố bụi đường xa mà tóc rối/ chiều mây lục tỉnh còn ngang đầu/ ai xót dùm anh thời quá khứ/ một lần cho mộng đến nghìn thu.”
Đi vào thơ, nhiều ngõ ngách lao đao xuyên thấm bộn bề, biết bao lối tắt chông gai giăng mắc, chiêu dụ nhà thơ nhiều chiêu phẩm phĩnh phờ. Nhiều lúc nếu không đủ nghị lực, như Khuất Nguyên cùng cực với mọi khoảnh khắc của thời thế, phải đắm lòng rửa sạch bụi trần trên ta, giữa tết Đoan Ngọ nghìn năm trước. Lịch sử cũng đã nhiều lần lập lại, thương ghét đa đoan khiến nhân tài phải thu mình như cánh bướm giữa trận thu phong. Tài hoa như Nguyễn Tất Nhiên, cũng phải buông thả sinh mệnh ở một phương trời xa thẳm, khiến động lòng chim khách vu vơ.
Lê Trúc Khanh cũng có lúc chao đao trên sự thế “bạn bè tan tác tan tác đời muôn nẽo/ anh lạc bầy bay đến dại khờ” Bẵng đi một thời gian sau tập “Quê Hương tình yêu và nỗi nhớ khôn cùng” hình như nhà thơ quê hương ta cũng chìm lắng đi trong sự thế. Cái năng nổ, bồng bột của hồng tâm với văn nghệ, cũng chìm dần trong cuộc sống. Ngoài thời gian dạy học, dĩ nhiên chàng nghiện hẳn tâm hồn cho giáo nghiệp, Lê Trúc Khanh không thấy xuất hiện tác phẩm nào tư riêng. Với những tập thơ in chung, chắc cũng hơn 10 tuyển tập, Lê Trúc Khanh không còn chủ động được một không gian huy hoàng cho riêng cá nhân. Tôi biết bên trong thư phòng, nhà thơ cũng khao khát viết, tha thiết với nghệ thuật, cũng sáng tác âm thầm, nhưng nếu suy mãn thần khí quyết liệt như quá khứ, tôi mong ước Lê Trúc Khanh không được quyền buông xuôi. Nhớ lại bao năm tháng trôi qua, ở Sài Gòn hòn ngọc viễn đông, hai tiền bối của thi ca đều nắm giữ một Tao Đàn Đinh Hùng và một Mây Tần Kiên Giang, với một khí thế hùng cứ riêng tư, nổi tiếng sáng chói một góc trời thơ. Thì ở một vùng sông nước hiền hòa, có chương trình thơ êm đềm trung hậu, ngày tháng cứ vang lên tự tình dân tộc, làm rung động bao tâm huyết của người làm văn nghệ trẻ. Khiêm tốn thay chương trình thi ca này, không thua sút hai đàn anh, lại được điều hành bởi người làm thơ nho nhã chưa đầy 20 tuổi với góp sức đồng tâm của cả 100 cộng tác viên/ Lục Vân Tiên.
“Chim kêu gành đá gẫm thân thêm buồn” đứng trên đèo Hải Vân sau ngày tháng tạm thời gác kiếm, trả lại cho cát bụi tất cả những ý nghĩ hùng quan về thi ca, nghệ thuật, Lê Trúc Khanh nhiều lúc soi ngắm lại đoạn đường xưa, cứ im lìm “gối lẻ giường đơn lạnh rất nhiều”. Nhà thơ không chịu buông đao thành Phật, cứ đeo đẳng những hối tiếc trên đường trường vạn lý, mong nhả hạt gieo rừng. Tôi có lúc cũng bơ phờ như vậy, sau một thời gian quầy quả với cuộc sống, nợ văn chương như cứ nhẹ dần, nên rất cảm thông cho sự chịu đựng hiền hậu của nhà thơ khả kính nầy. Thơ Lê Trúc Khanh nằm sâu lắng bên cát bụi, con đò, đường cũ, hoàng hôn lấp quê nhà, phố bụi, sân trường, chiền chiện, lục bình, bạn bè, lục tỉnh, đom đóm, bìm bịp, bèo nước… Tất cả tạo cho nét thơ anh một bóng dáng cổ phong, man mác nhẹ nhàng như một hơi thở hắt hiu giữa trưa hè… Bạn có lúc nào, nằm vắt võng giữa hai bụi tre làng, thấp thoáng bóng đình cổ xưa với tượng thần nhà quê, một gốc đa già buông thõng chùm rễ mục giữa làn truy phong?. Nhiều lúc, giữa tâm cảnh đó, động lòng xao xuyến, mà không giấc mơ tuyệt diệu nào dàn trải được, cho long lanh ngữ điệu. Nhà thơ Kiên Giang, trước 1975, có viết giới thiệu Lê Trúc Khanh trên trang 3 của tờ nhật báo, chiếm 1/4 trang, trang trọng hết lời chúc tụng và giới thiệu nhà thơ trẻ như một thành công trên Thơ, lẫn tài năng trong điều hành hoạt động văn nghệ.
Thời gian cứ lần lượt trôi đi, bao nhiêu ngày tháng cứ làm tâm huyết hoá đá. Sự trở lại, mong ước như ngày cầm bút đủ thần khí như cầm gươm xa xưa, có lẽ phải lụi tàn theo gió bụi. Tất cả chỉ là ảo ảnh, xóa nhòa trong bốn chiều không gian. Nếu không có Thơ, không tác phẩm nghệ thuật khác, để chiêm nghiệm hồi sinh quá khứ, tạo phóng tương lai thì vũ trụ như một huyệt mộ, tử sinh như một trò chơi, có cần gì để đến, có lạ gì phải đi. “Chút tình quê gởi trong chiều tàn phai” mà Lê Trúc Khanh bộc bạch, chẳng khác nào gửi gắm cho tri kỷ, tất cả tấm lòng chất phát, đầy cây trái phì nhiêu đồng bằng, cần trưng bày trân trọng trên vùng cố thổ, cho yên lòng chút nắng hoàng hôn rụng xuống…
07-08-2008
Ngô Nguyên Nghiễm

Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...