Thành phố trong hồi tưởng: một công nương
Nghiêng mắt biếc kỷ niệm trải mưa hoa…
Nghiêng mắt biếc kỷ niệm trải mưa hoa…
Thành phố cũng như một người thân thuộc. Sống gần nhau, gặp gỡ
hàng ngày, vào ra đụng chạm, ta coi sự hiện diện của người quen, của tha nhân
bên cửa sổ, như một yếu tố hiển nhiên, bình dị, không có gì đáng nói.
Bỗng vào một hôm nào, một giờ nào đó, ta chợt bắt trên khuôn
mặt quá quen thuộc, bình thường của cô hàng xóm, một nét đẹp bất ngờ. Nắng quái
chiều hôm, lúc đó, có thể viền một lớp vàng diệp lên mái tóc cô gái làm ta cảm
động đến rạo rực, bồn chồn, vì nó có vẻ “mây” hơn, “suối” hơn. Hay, vào một buổi
sớm, thoảng gió heo may làm se người và rụng tả tơi mấy chiếc lá vàng không thể
thiếu được trong một cảnh thu cổ điển, ta bỗng thấy mắt cô bé “ướt” hơn, “sầu mộng”
hơn. Và ta hối hận vì ngày thường trong cuộc sống vội vã, dồn dập, đã để trôi
qua mất những phút giây quý báu, đáng lẽ phải được dành cho những khám phá trân
trọng, những nâng niu đượm tình người hơn. Ðối với cảnh cũng như người. Ta có
thể sống bên bờ sông Hương hay những đồi thông Ðà Lạt mãi mãi, hoài hoài, cho tới
lúc ánh mắt mòn dần đi, chai lì đến dửng dưng, làm ta quên hẳn cái diễm phúc,
cái ân sủng lớn lao là đã được gần gũi những kho tàng thiên nhiên, tràn đầy
hương sắc trần gian…
Cho nên sống gần như đòi hỏi một cảnh giác, một khẩn trương,
một tái tạo thường trực. Luôn luôn tìm kiếm, khám phá trong cái “không có gì”,
luôn luôn giữ mãi cái tươi mát, mẫn cảm của tâm hồn trước những phong cảnh vật
chất và tinh thần đẹp, vốn vẫn có tiềm lực đánh thức nguồn cảm một cách mãnh liệt.
Luôn luôn giữ được ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của đứa trẻ thơ. Ánh mắt đi thẳng
vào trung tâm sự vật. Ánh mắt “thấy”, chứ không phải “nhìn”. Ánh mắt khám phá
và tái tạo sự vật. Luôn luôn giữ được khả năng xúc cảm lớn lao và niềm kinh ngạc
thường xuyên của người tiền sử đứng trước một vũ trụ băng trinh, mới mẻ…
Sống là một nỗ lực, từng phút giây, để khám phá, để bâng
khuâng rạo rực, để giữ mãi cho tâm hồn sức trẻ, sáng tạo và năng động. Luôn
luôn trắc nghiệm lại khả năng cảm và nghĩ, khả năng sống của tâm hồn. Luôn luôn
mở to mắt, sẵn sàng thức tỉnh. Ðể thâu góp, lĩnh hội và cảm thông muôn vẻ đẹp,
rơi rớt trên những đại lộ trần gian với rất nhiều đường ngang ngõ tắt, rất nhiều
đổi biến thời tiết và sắc màu, trí thức cũng như tình cảm.
Những vẻ đẹp chào đón, phô bày, nhưng đồng thời cũng giấu kín
trong thẳm cùng những cấm thành của lạnh lùng xa cách… Tùy theo góc độ nhìn,
tùy theo ánh mắt và “nền” tâm tư ở hậu cảnh. Một vật đẹp muôn năm vui. Ðẹp
bao gồm tất cả và luôn luôn gắn bó với con người, một tổng thể phức tạp trong
đó tốt xấu, thiện ác, thiên thần và quỷ dữ, phi lý và hữu lý, hàng ngày gặp gỡ
nhau, trò chuyện, hòa hợp, phân tán, cách ly, rồi lại hòa hợp, phân tán để dòng
đời mãi mãi trôi…
Ðã là người thì cái gì liên quan đến con người đều không xa lạ
với tôi… Thành phố là cái nôi của con người thời đại. Tôi chấp nhận tất cả những
nụ cười và nước mắt trên khuôn mặt thành phố, được tạo dựng bằng tất cả sắc
hình của dịch biến và hằng cửu.
Năm tháng qua, như nước chảy dưới cầu Khánh Hội, như mây bay
trên mười tám thôn Vườn Trầu, tôi vẫn không hết ngạc nhiên, xúc động đến thảng
thốt, mỗi khi mưa Sàigòn bủa vây, tới tấp, hay khi nắng Sàigòn nung nấu đến
rùng mình cả một bầu khí quyển siêu thực, vàng ánh như tranh Van Gogh với cái
chói chang bỏng lửa của trưa hè, đúng ngọ. Mỗi khi hoa mai bừng nở ở Minh Phụng
hay khi con đò Thủ Thiêm đủng đỉnh bắc cầu cho những Sâm Thương thời đại. Mỗi
khi sông Nhà Bè bồn chồn nước chảy chia đôi hay khi tấm lòng son những
trái dưa Hà Tiên bằng ngọc thạch được giãi bày trên lề đường đi về cầu Ông Lãnh
trong những ngày đầu xuân.
Dưa đỏ, mai vàng… Nhớ lại không khí Tết, gần gũi cũng như xa
vắng, gắn liền với hai màu tượng trưng, đang dàn trải trên phố phường Sàigòn. Ðỏ,
vàng… Máu đỏ, da vàng…, điểm xác minh cũng như nhận diện của lịch sử và giống
nòi. Vàng, son… sắc màu của những cung điện tâm hồn và ý thức nghệ thuật.
Trái dưa là chứng tích bình minh dân tộc với sức sống mạnh và
lòng tin yêu, lạc quan không gì lay chuyển nổi của thời dựng nước. Cành mai
thanh tao, thân hình uốn lượn, đơn sơ và khỏe. Vừa khắc khổ, đạm bạc, vừa rực rỡ,
lãng mạn. Nói lên khí phách người quân tử “thế gia thanh bạch tỉ sơn mai”, một
mình đương đầu với cái đa số, có khi a dua, sai lầm, phi lý. Nói lên cốt cách
nghệ sĩ, có thể cương nhu, đậm nhạt, ở những thời và không gian khác nhau,
nhưng luôn luôn bảo vệ được sinh mệnh tinh thần của mình trong tư thế mắt sáng,
đầu ngửng cao.
Hai sắc đỏ vàng nở rộ trên đường phố đô thành có nghĩa là mùa
xuân đã tới, không một lần lỡ hẹn. Cũng như tiết điệu và ý lời những bài thơ
xuân từng vượt qua trường thành của thời gian và quên lãng. Xuân giang hoa
nguyệt dạ hay Xuân nhật túy khởi ngôn chí…
Dưa đỏ, mai vàng trên đường Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Ðạo.
Xuân về đúng chu kỳ, chính xác như một định lý toán học. Ðồng thời cũng biện
minh cho một nhận định tâm lý: sắc màu, âm thanh thường quấn quít, đan xen
trong một tổng thể hồi tưởng đa dạng. Quá khứ thường trở về trên đỉnh trời âm
và sắc. Vì đó là hai chất xúc tác, khơi động, gợi nhớ… Là tố chất không thể thiếu
được của cái bản thể cái đã qua, dù ở thời điểm nào.
Mùa xuân đã trở về với dưa đỏ, mai vàng và tiếng ngâm thơ Hồ
Ðiệp, giai điệu muôn màu, âm vang trên suốt chiều dài phố phường Sàigòn.
Tôi vốn có duyên với đường Trần Hưng Ðạo. Ðổi nhà mấy phen vẫn
quanh quẩn trong lưu vực của dòng Trường giang thành phố đó. Tôi trầm ngâm nhìn
ngoài bản đồ Sàigòn và trong tâm tư để xác định những điểm “cao”, những địa
linh rải rác khắp dọc “sông”. Ðường Ðồng Khánh hay Trần Hưng Ðạo nối dài, vùng
các khách sạn Ðồng Khánh và Thiên Hồng - Arc-en-Ciel - nhất định phải là hẻm Vu
Sơn, Vu Giáp trong Tình sử và Ðường Thi. Lòng đường bỗng dưng co hẹp lại, nhà
cao tầng san sát, rập rình lớp lớp ngựa xe, từng hồi chao đảo, từng hồi nhấp
nhô như sóng nước Trường giang bị kẹp chặt giữa hai sườn núi đá chênh vênh.
Luôn luôn âm u sương khói phủ – khói phù dung và phạn điếm? – Giống như những
nét mịt mùng, đậm nhạt, rất thủy mặc của vùng cao nguyên Tứ Xuyên, đầy lam sơn
chướng khí và màu sắc u huyền. Luôn luôn chìm trong mênh mông màn khói thuốc lá
thơm và hoang tưởng mùi phấn hương của nhạc chiều luân vũ, gần bên những Tân
Ðào Viên, những Bá Lạc Ðài, những Ðại Thế Giới của một thuở nào. Ðây là nơi đã
từng đốt cháy hơn một cuộc đời, đất hứa của những cảm giác lạ, những giấc mơ
tình ái có nhiều mây và mưa trong vương quốc của nữ thần huyền thoại. Ðây là
nơi, đúng như trong những diễm tình tiểu thuyết cổ điển, ta có thể lên ngôi
hoàng đế một đêm, để sớm mai lại lủi thủi đi bên lề đường, cô đơn, như một Mại
du lang đa tình, hay một thư sinh chưa trọn giấc kê vàng sau buổi lạc đề thi
ngoài cửa khuyết.
Ði xa hơn nữa tới vùng Nancy, mang tên con gái êm đềm của một
vang vọng tình cảm, là đường Cộng Hòa mà tôi tạm gọi là sông Tương chảy vào Trường
giang. Ngược dòng Tương thủy thì tới Ngã Sáu, công trường rộng lớn như một Ðộng
Đình Hồ của những truyền thuyết xưa. Ở đây, có lẽ đã có nhiều mối tình dang dở,
ngăn cách, quân tại Tương giang đầu… Ở đây, tôi cũng có những người bạn lớn
tuổi, đã lặng lẽ ra đi như “tích nhân” của một Hoàng Hạc hay Nhạc Dương Lâu nào
đó, nhất định phải có trên ven “hồ”, bập bềnh sóng vỗ, từng đợt ngựa xe, vào những
giờ cao điểm.
Về phía hạ lưu của đại lộ đổ vào chợ Bến Thành thì cũng là một
vùng Giang, Triết phồn hoa, mặc dầu mặt trái tiêu cực, của nơi thị tứ nhộn nhịp,
bon chen. Ðây cũng là một trong vài tụ điểm của những người đẹp Sàigòn. Một
trong vài vương quốc của phụ nữ đô thành, của những cái gì đem lại một tấm linh
hồn yểu điệu, nồng thắm cho trái tim miền Nam này…
Phấn son, tà áo đỏ, xanh, vàng như cánh bướm, cộng thêm là
muôn ngàn công việc nội trợ linh tinh. Có khi là những bước tản bộ khoan thai,
có khi là những chiếc 403 đôn hậu, trang nghiêm hay Dauphine nhẹ nhàng, diêm
dúa. Có khi là những chiếc Solex bé bỏng, tưởng chừng như có thể ôm lọt trong
vòng tay cả nữ chủ nhân lẫn giàn xe duyên dáng…
Ai trong chúng ta, ở bất cứ tuổi nào, mà chả có lần rung động
trước những ánh mắt, nụ cười chợt thoáng gặp ở vùng trung tâm Sàigòn? Và chắc
nơi đây cũng từng in dấu ấn ngậm ngùi hay chua xót của hơn một mảnh tình, mong
manh như cát bụi đang chìm nổi trong không gian Sàigòn hai mùa mưa nắng:
Hôm nay tôi buồn hỏi
gió hỏi mây
Bước chân em lưu lạc phương nào hay vẫn vào ra sáu cửa Bến Thành?
Bước chân em lưu lạc phương nào hay vẫn vào ra sáu cửa Bến Thành?
Những bước chân đó tôi đã từng theo dõi trong mấy phiên chợ Tết
của một mùa xuân xưa cũ. Tôi còn nhớ gì không? Chỉ biết lúc đó vùng trung tâm
Sàigòn, quanh khu chợ, là cả một biển ánh sáng rập rình, lung linh. Lớp lớp
sóng người, trong vòng tuần hoàn lớn của niềm vui đầu xuân, cùng chen vai thích
cánh, di động, bao vây chợ Bến Thành trong vòng tay lớn của tuổi trẻ đô thành…
Hiện thân của nhiệt tình và hoan lạc… Cầu vồng của bánh mứt,
ruợu ngọt. Cầu vồng của trái cây, hoa lá. Cầu vồng của những tà áo phất phơ hay
bó chặt những khối hình và đường cong nhịp nhàng. Cầu vồng của những cảm nghĩ
mông lung có lẽ chỉ là hương phấn, tràn trề như một đàn bướm say, tung cánh
phơi phới khắp mọi nẻo đường… Tưởng như đang đi giữa phố phường Kim Lăng đêm
Nguyên Tiêu, đại hội hoa đăng, của Hồng Lâu Mộng với bóng dáng những
Ðại Ngọc đa sầu và những Bảo Ngọc “chân bước đây mà lòng ở nơi nao”. Tưởng như
chàng tân khoa của Tùy Ðường vừa vứt xong gánh nặng trường ốc, thì đã bị cuốn
hút ngay vào dòng sông ánh sáng của dạ hội Trường An đầu xuân, lớp lớp đèn lồng
và liễu xanh, quanh co đưa tới những vương phủ đài các, với hơn một kỳ ngộ diễm
ảo như trong mơ.
Chiều và đêm xuân Sàigòn có khả năng biến hóa như thế đó! Những
đường nét sắc cạnh gồ ghề, thô lậu của thực tiễn đã được gọt giũa, trau chuốt để
tất cả dần dần chỉ còn là nhạt nhòa sương khói, trong những kích thước rộng mở,
đưa đẩy dần dần vào vùng trời huyền diệu. Cái huyền diệu của sự vật hàng ngày
quanh ta. Cái đẹp của con sông nước chảy đôi dòng, chập chùng giao thoa giữa thực
và hư, giữa tỉnh và say…
Buổi chiều Sàigòn có cái gì rất là độc đáo, ấy là ngọn gió
mát thổi nhẹ từ bến cảng vào.
Ngày có thể như lửa bỏng nung nấu, mọi vật chìm đắm trong bực
bội và uể oải, nhịp sống thành phố như chùng hẳn lại, nhưng khoảng năm giờ chiều
trở đi, cơ thể Sàigòn lại dần dần hồi sinh. Từng lớp người lại đổ ra đường lo
công chạy việc, đi hóng mát hay ngồi trước cửa, dông dài trò chuyện, rồi ngắm
nhìn khách bộ hành, cuối cùng, không còn gì nữa, thì ngước mắt nhìn trời, mây,
chờ đợi màn đêm từ từ hạ xuống thành phố…
Ngoại cảnh thì thế, nhưng ngõ dọc đường ngang của tâm hồn thì
thật là khó lường. Có hôm, chẳng hiểu vì sao, ta buồn chán, cau có, gắt gỏng,
thấy đời hoàn toàn đen tối, có hôm cũng vào giờ đó, cũng chẳng hiểu vì sao,
lòng lâng lâng như bay bổng chín từng mây, sẵn sàng mở rộng, đón mời tất cả với
một nụ cười ưu ái, với một cặp kính hồng chiếu lên toàn thể sự vật trong cõi đời
này.
Chiều hôm nay cũng vậy. Hình như có một động lực tích cực nào
đó thúc đẩy, một dòng suối yêu đời nào đó, cuồn cuộn giữa hai bờ sỏi đá trắng
muốt và cỏ thơm, ào ào đổ xuống hồn tôi, thức tỉnh những tiềm lực, những điện
năng còn ủ ấp trong sâu kín, để cuối cùng tỏa ra như một bừng nở không gì ngăn
nổi. Tôi mở toang cửa, hát nhè nhẹ - tuy tôi hát rất dở - rồi hào hứng ra đi để
mặc dòng người và đôi chân lôi cuốn trong một buông lơi, một thả lỏng, yêu đời
và tràn ngập độ lượng, thiết tha. Dĩ nhiên tôi lại giong buồm lái xuôi theo dòng
Trường giang mến yêu, dừng chân trên tất cả những bến nước đợi chờ, đã từng in
dấu vết tâm hồn của người lãng tử vẫn quen mỗi ngày, mỗi ngày, làm một cuộc viễn
du trong lòng thành phố.
Tới góc Ðề Thám, tôi rẽ sang đường Bùi Viện để rơi ngay vào
“Ngã Tư Quốc Tế”. Cũng chẳng hiểu vì sao. Tại có người quen ở đây, tại chợt nhớ
âm vang não nuột của mấy câu vọng cổ, hay chỉ tại theo đà nhịp chân “lạc bước
phiếm du một buổi chiều”?
Không biết người nào đầu tiên đã dán chặt nhãn hiệu “Ngã Tư
Quốc Tế” lên khu vực này. Có lẽ phải nghĩ đến một Rond Point des Champs Elysés,
một Piccadilly Circus hay một Times Square…, màu sắc, nhộn nhịp và rực rỡ ánh
đèn đêm. Nhưng không, đây chỉ là một ngã tư nhỏ, rất nhỏ. Lòng đường, lề đường
co ro thu hẹp lại, với những mảnh tường ám khói, những gánh bánh canh, mì, phở,
những chiếc chõng nhỏ đầy đồ nhậu nhẹt: ốc, hến, mực khô, trứng lộn muối tiêu
và những trái cóc gọt vỏ, trầm ngâm trong một thứ nước xanh vàng rất khả nghi,
như một đoàn tàu bị đắm chìm từ hồi xửa hồi xưa, trong một Thanh hay Hoàng Hải
nào đó… Gần bên là miệng cống tối đen, nồng nặc như hang mãng xà tinh trong
truyện Thạch Sanh và những dòng nước đen bóng bên lề đường rác rưởi, nơi tụ tập
của mấy lũ trẻ bụi đời.
Thế đấy! Cũng như hàng chục, hàng trăm ngã tư khác của Sàigòn
thôi. Nhưng, đây là “quốc tế”, chẳng hiểu vì sao, đây là “danh trấn giang hồ”,
vì là cửa hậu một nhà hát, là nơi lui tới thường xuyên của nhiều tên tuổi trong
làng hia mão, cải lương… Quần chúng bình dân Sàigòn dễ dãi, xuề xòa lắm! Chỉ cần
la de và vọng cổ sáu câu thôi. Và ngày đêm có bao giờ họ lại không tạt qua đây
để gặp bầy con cưng của sân khấu: Thanh Nga tài sắc vẹn toàn, Bạch Tuyết cải
lương chi bảo, kiều nữ Bích Sơn, Hùng Cường trẻ trung, đa tài và Thành Ðược với
giọng ca ấm áp, thêm cặp mắt đa tình, lẳng lơ rất đúng mức…
Có một cái gì vừa hỗn tạp, lề mề, vừa đẹp và gợi cảm ở nơi
đây. Tưởng như anh hồn những tài hoa xưa, những “vua” Tư Chơi, những “vương hậu”
Năm Phỉ, còn phảng phất đâu đây, theo làn khói hương từ những bàn thờ Thiên
Quan nhỏ bé gắn bên khuôn cửa một vài căn nhà hàng phố. Tiếng hát “đổ nước” của
Năm Phỉ ở thập niên 30. Tiếng hát “nghiêng thành” của Thanh Nga những năm 60…
Chắc không ít người dân Sàigòn đã đánh dấu nguồn mỹ cảm và cuộc đời bằng hai
cánh hoa sớm nở tối tàn đó, bên cạnh những kỷ niệm đẹp khác. Vì cái đẹp, vì nghệ
thuật là rộng mở, là không biên giới, không thành kiến, là mang mang như mây
gió, không phân biệt Ðông Tây hay mới cũ.
Bóng mây chiều thấp thoáng chở sầu lên quan ải cho lòng ai luống
những ngậm ngùi… Tiếng hát vươn lên cao, nhào xuống như thác đổ, bỗng ngưng lại
trong phút giây, rồi lan tỏa thành một âm ré mineur, vọng ngân, dài dài mãi,
trong đà xuống dốc, như trút hết nỗi niềm nhung nhớ, hầu như tuyệt vọng, của
người “trong cánh cửa” thương “người ngoài chân mây”, ở một thời rất xa xưa mà
cũng vẫn là hôm nay. Không phải tiếng hát Út Bạch Lan hay Ngọc Giàu đâu, đây chỉ
là những âm thanh nhịp nhàng từ miệng một cô gái nhỏ khoảng 15, 17 tuổi, dáng dấp
thợ thêu may hay em bán hoa nhài trong chợ Bến Thành, mặt không son phấn, nhưng
mười ngón chân thì nhuộm vernis đỏ chói pha ánh bạc mờ. Ðấy cải lương đã đi vào
lòng người như thế đó. Và dân Sàigòn buồn vui, mộc mạc, yêu nghệ thuật hồn
nhiên như thế đó!
Nói cho cùng thì, nếu loại trừ cái phần “tạp lục”, công thức
và cường điệu hóa của sân khấu cải lương ra, ta vẫn còn ghi được một điểm son:
đó là âm giai và tiết điệu sáu câu vọng cổ. Nó đi thẳng vào máu thịt nhân dân
vì đã thoát thai từ mảnh đất quê hương thiết thực. Nó không hề bị tác động dị ứng
của tâm hồn Việt như những nhân tố nghệ thuật giả tạo hoặc lai căng. Và, đúng
như vậy, em bé bán hoa nhài, chiều hôm nay, mới là người trình diễn chân
phương, tự nhiên và gần gũi nghệ thuật nhất!
Vùng trời ca nhạc bừng nở những vì sao lấp lánh bắt đầu bao
trùm lên đêm thành phố. Ðêm muôn màu ngàn điệu, mỗi lúc lại rùng mình, bâng
khuâng buồn vui tình bảy mối, theo dòng đời nổi trôi tưởng như vô cùng tận.
Hai chục năm Ngã Tư Quốc Tế. Năm mươi năm mê hát… Ðó là những
đầu đề đã có, hay có thể có, của hơn một tác phẩm mô tả cuộc sống hỗn tạp, sinh
động, sạch bẩn, tế nhị, thô lỗ, vực thẳm và trời cao, của Ngã tư này trong một
pha trộn vừa khó hiểu vừa tự nhiên như hơi thở.
Nhưng cái phức tạp phi lý đó cũng chính là hình ảnh cuộc đời
và hình ảnh nghệ thuật, hồi quang đích thực của cuộc đời…
Quả cầu lửa mặt trời đã nghiêng xuống thấp. Gió mát từ sông
Sàigòn đổ ào về, chạy dài theo các phố phường, lúc này chỉ còn là êm dịu và mời
chào. Và đường phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do, buổi chiều, đúng là thực phẩm trần
gian đầy hương vị mà đôi tay mở rộng của Sàigòn ngày ngày dâng hiến chúng ta, hồn
nhiên, dung dị, không đòi hỏi thêm một điều kiện nào cả.
Nếu cường điệu một chút thì đây là một thứ Champs Elysées pha
lẫn Rue de Rivoli, một thứ Strand pha lẫn Oxford Street… Tất nhiên là dù thế
nào đi nữa, địa điểm này cũng chỉ phù hợp với khuôn khổ Sàigòn, với kích thước
tâm hồn người Sàigòn thôi!
Ngược đường từ phía Bến Thành lên, qua nhà thương Ðô Thành,
khách thừa lương có thể bước ngay vào Bồng Lai tiên đảo, vào “vườn treo” tên
sân thượng lầu bốn, lầu năm gì đó, bao quát một vùng Sàigòn với từng vầng cây cối
xanh um, lơ lửng giữa trời. Có phải vườn hoa của Babylon xưa, một trong bảy kỳ
quan vũ trụ, đã tình cờ rơi rớt xuống đây chăng? Vào một chiều cao hứng, ta có
thể thưởng thức món Bách điểu quy sào với trái bí tần xanh, trong mướt
ngọc thạch và những miếng thăn gà hạt lựu, trắng nõn như ngà. Hay món Trúc
lâm thất hiền với những lát măng thanh đạm, biểu tượng rừng trúc thâm u và
bảy chiếc nấm đông cô hình dung cho Kê Khang, Nguyễn Tịch và các bạn đồng hội đồng
thuyền, những nghệ sĩ độc đáo và rất “đi trước thời đại” của kỷ nguyên Lục Triều.
Bóng cây che khuất sắc phồn hoa và gạn lọc bụi kinh thành…
Chơi vơi trên đỉnh Bồng Sơn, thực khách có cảm tưởng đánh mất không gian và thời
gian. Mắt mờ say chỉ còn thấy đó đây một đoàn thể nữ, áo trắng tinh, nhẹ lướt
giữa đám đông, khi nghiêng bình rót ly Mai Quế Lộ trong như sương, khi đưa mời
chén lệ chi trắng muốt như nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Ðến giờ hạ sơn, lững thững đi dọc theo đại lộ trở về với thực
tế bon chen, ta có thể dừng chân bên lề phố, nhấm nháp ly nước mía Viễn Đông,
góc đường Công Lý. Nước mía nguyên chất từ lòng một giống mía đặc biệt, thân nhỏ
và ngọt, chảy chầm chậm từ máy ép vào ly với một lượt kem thảo mộc ngọt, bùi và
ngậy, điểm thêm vị thơm của trái quất và cái lạnh mát đúng độ của một cục nước
đá thật nhỏ, “chỉ một cục thôi”.
Ði xa hơn nữa, về phía “tả ngạn” là bánh ngọt Givral. Bánh xốp
nhẹ, không đặc và ngọt sắc như bánh Chợ Lớn. Lớp kem phủ mặt bánh thơm ngậy,
tan nhuyễn trong cổ họng, tất nhiên không làm ta quên được pâtisserie viennoise
- bánh ngọt thành Vienne - của bâng khuâng miền hồi tưởng, nhưng cũng có thể
thuộc loại đứng đầu Á Châu. Cửa kính to, trong suốt, nhìn ra đường, kèm thêm
chén cà phê phin, màu đen nâu như mắt ai, làm ta bồi hồi nhớ lại những chiều học
thi và làm thơ, trong quán cà phê bờ sông Seine, lúc nắng hoàng hôn và lá vàng
bắt đầu rơi rụng trong sương mờ những mùa thu cũ…
Ðôi mắt, cửa sổ linh hồn, vẫn là cái gì sống động nhất trong
thân thể con người. Thị giác vẫn là giác quan “vua”, đưa ta thẳng vào cuộc đời,
vào nghệ thuật bằng con đường ngắn nhất.
Thôi, hãy tạm giã từ những gì vuốt ve nhất đối với vị giác để
đem ánh mắt vạn năng ra chiếm lĩnh trận địa trên một những quãng đường đẹp nhất
Sàigòn, nếu thực ra chúng ta có thể tách rời phức hợp cảm giác và ấn tượng ra từng
khu vực riêng biệt!
Chiều trên hệ thống đại lộ Tự Do, Lê Lợi bao giờ cũng là một
bừng nở muôn màu, một hội hoa xuân tưng bừng. Ánh mắt, nụ cười, màu áo… tất cả
đều là hoa. Vườn hoa của Tuổi trẻ, của Ðẹp và Thơ, vườn hoa bất tận, vườn hoa
luôn luôn di động, đổi thay. Từng lớp sóng người cuồn cuộn chảy trong lòng đường
như không hẹn mà cùng vươn tới điểm trung tâm của đô thành.
Những đôi mắt nhung lụa. Những nụ cười bình minh nắng sớm. Những
luồng điện chằng chịt từ muôn ngàn thế giới tâm linh để kết nên những kỳ ngộ,
những tiền duyên đẹp. Những từ trường thu hút quấn quýt, tỏa rạng từ hơn một lứa
đôi, từ những chuyện chúng mình và thầm thì anh với em… Những dấu
chân trên đường, những ánh mắt phù du đó có bao giờ hẹn ngày tái ngộ? Hay tất cả
rồi sẽ chỉ còn là tích tụ cát bụi trần gian để trở về dòng điện cảm ứng của Ðại
ngã không cùng?
Làn sóng người vẫn cuồn cuộn chảy, lớp lớp hoa xuân vẫn di động
không ngừng trên bờ đại lộ, rưng rưng màu son phấn. Lượt là, nhung lụa… đỏ bình
minh, vàng ráng chiều, xanh bích ngọc, tím hoàng hôn và trên hết là những trắng
ngà lụa nõn, những thanh tân lồng lộng tình lúa mới của tuổi 20. Sau cùng nữa
là những bộc phát chín muồi, những bâng khuâng não nùng của mấy vùng nhan sắc
đã chớm thu, nhưng vẫn vô cùng quyến rũ. Quyến rũ như tấm lòng hỏa sơn rộng mở,
cuồng nhiệt mời yêu, mời viễn du về những vườn táo tiền sử mà hương vị dường
như cũng thêm ngọt ngào. Vì tình ái, như mỹ tửu, có thể có những thời điểm tối
ưu, những vintage, kết hợp cái lịch duyệt trong cuộc sống với cái phong
phú chập chờn mưa nắng ở vùng giao thoa của những đoạn đời.
Ai ra đi trong ánh chiều vàng giữa vườn hoa thanh sắc đó mà
lòng không nao nao gợn sóng như nhấp rượu nồng? Ai không muốn vướng mắc trong
thiên la địa võng, mềm mại và bền chặt, của muôn ngàn ánh mắt đẹp chết người
đó? Có thể coi đây là mực thước phát hiện, tiêu chuẩn và lượng kế của những hiện
tượng tâm tình muôn vàn phức tạp trong những buổi chiều ở trung tâm Sàigòn. Ðất
trời chuyển vận, mỗi năm, mỗi tháng lại thêm một đợt sóng mới dồn dập về nơi hội
tụ. Búp non lớn dần, hé mở tâm tình trong e ấp vào đời, mang tới muôn vàn màu sắc
mới, muôn vàn xúc cảm chưa từng xuất hiện trên bản đồ Tình Ái. Mỗi phân tử phấn
hương như một sắc cầu vồng óng ả, tạo dựng nên bản giao hưởng ánh sáng duy nhất,
ánh sáng huyền ảo của nhan sắc và yêu mê. Hình như thuận với bước tiến thời
gian, mỗi đợt sóng thế hệ lại đẹp hơn, chói đầy sao hơn thế hệ trước. Có phải
đây là sự thực về nhịp tuần hoàn sinh lý của vũ trụ, hay chỉ là ảo ảnh loạn thị
của kẻ đi xa về còn ngỡ ngàng chưa quen với phố phường quê hương…
Một quầng mắt đen hay xanh lơ nhạt uốn theo nét bút chì Max
Factor, một vòng cung làn môi thắm đỏ yên chi, ảo huyền như cung tên dã thần
Tình Ái. Ôi, những phút nhiệm mầu bên bờ hiểm nguy! Chỉ có thế thôi, nhưng lòng
đã chùng lại, lằn chớp nhoáng đã thành ngàn thu và điểm vi mô bỗng nhiên dàn trải
thành những miền không giới tuyến… Son phấn đã tạo nên muôn vàn ảo ảnh, nhưng
thi sĩ vẫn muốn chúng ta tự ru ngủ, tự huyễn hoặc và bằng lòng với thế giới ảo
tưởng đó, coi nó là thực hơn cả sự thực. Từ ngàn xưa lúc người con gái tiền sử,
lần đầu tiên vò cánh hoa hồng thắm, bôi lên gò má và làn môi để “làm đẹp” thì
viễn tổ thuộc phái khỏe của chúng ta đã bắt đầu đi vào mê trận quyến rũ của một
trời son phấn tràn đầy sắc hương:
Hôm nay, trên đường Lê Lợi, giữa dòng người và dòng đời luân
lưu, tôi cũng đi vào đam mê gặp gỡ hậu thân của những nhan sắc mà trường phái
Chi phấn đã tôn vinh bằng những vần thơ Vãn Ðường óng chuốt và đắm say nhất. Có
phải đây là Trường An phồn hoa và cổ kính đã chôn sâu hơn một mối tình Lý
Thương Ẩn? Có phải đây là lớp lớp son phấn hay bụi kinh thành bao phủ cả mấy
góc A Phòng của một Ðỗ Mục ngẩn ngơ trong nội thành Hàm Dương?
Nhan sắc ơi, cây cỏ chói đầy sao, tôi đã bị cuốn vào từ tường
của mấy vùng hương phấn… Tôi đã đi vào những thế giới ảo huyền, thực hơn cả sự
thực để ngợi ca Tuổi trẻ và Tình yêu!
Chẳng hiểu theo áp lực nào của tiềm thức, tôi lại từ Lê Lợi rẽ
sang Nguyễn Huệ. Hai đường phố. Hai cánh tay giao liên. Hai động mạch chuyên chở
những gì là màu sắc và vóc dáng Sàigòn nhất. Gần Tết rồi! Chỉ một sớm một chiều,
đường Nguyễn Huệ đã biến thành một rừng hoa…
Như một chiếu chỉ hay phù phép của Vũ Hậu, mà ý muốn độc tài,
đi xa hơn cả thế giới loài người, bắt muôn hoa về họp đại hội tại thành đô trước
đêm trừ tịch. Như mấy làng hoa Nghi Tàm và Ngọc Hà của tuổi ấu thơ. Gánh hàng
hoa và những cô gái bán hoa. Bước chân đi quẩy gánh nhịp nhàng… Nhạc điệu muôn
đời của đất trời quê hương. Bông hoa “mười thương” gánh vác trên đôi vai mảnh
mai cả giang sơn nhà chồng, cả hương hoa đất nước để cho đời mãi mãi đẹp hơn.
Tất cả là một bừng nở sáng chói. Hương và sắc. Hoa thảo mộc
và hoa biết nói, theo sáo ngữ. Cùng đứng bên nhau. Thân thiết: Nhân diện
đào hoa tương ánh hồng. Lan tỏa, mênh mang: Xuân thành vô xứ bất phi hoa.
Thoạt tiên là thược dược, cẩm chướng, rồi hướng dương cánh mở rộng như một mặt
trời Van Gogh. Tiếp theo là mãn đình hồng với thân cây cao vồng đi nhanh hơn cả
thời gian, với nhụy hoa gieo rắc phấn vàng óng ả của loài hoa nhiệt đới làm bằng
sắc đậm tươi và hương nồng say đến choáng váng…
Nhưng nhiều nhất vẫn là cúc, hồng và lan, những nữ hoàng của
hội hoạ, của mùa xuân bất tận. Cúc vàng, cúc trắng… đi từ kim cúc bé nhỏ đến đại
đóa bời bời tóc rối. Từ trắng đục, vàng lạt, hoàng anh của Nguyễn Du trong những
ngày Kinh bắc, bệnh hoạn và mai danh ẩn tích, đến vàng cam, sơn mài, của những
cánh vạn thọ ngoài thành Lộc Uyển mà có lẽ Thích Ca đã từng yêu mến trong những
buổi chiều thuyết pháp.
Hồng nhung, hồng quế… tất cả sắc tố đậm nhạt của màu hồng đi
từ nụ hồng tầm xuân đến huyết dụ đỏ tía. Như sắc tố đậm nhạt của những thỏi son
khác nhau đã lần lượt đi trên môi, từ thuở người gái dậy thì khởi đầu biết làm
dáng tới những ngày “mùa thu thiếu phụ” đầy ngậm ngùi và hồi tưởng.
Lan là vương giả chi hoa. Ðịa lan. Phong lan. Yểu điệu. Mảnh
mai. Cánh bướm vàng phơi phới. Hạc đồng nội nhởn nhơ. Chiếc hài vân đong đưa gợi
mùa xưa cũ. Một điểm hồng. Vài bông ngọc trắng rung rinh trước gió xuân ngạt
ngào như nửa tỉnh nửa say. Thế giới của lan là một thế giới mềm mại, gần như yếu
lả, nhạt nhòa, thoang thoảng. Hương sắc, hình hài, thanh âm tưởng như có, như
không. Thế giới ấn tượng của buổi chiều Monet, vầng sáng Pissaro và làn da
Renoir, thấp thoáng, mờ ảo, bấp bênh, có lẽ cũng chỉ được dựng xây bằng những tố
chất đó thôi.
Trong biển hoa Nguyễn Huệ, người và hoa dường như cùng chung
một ý thức về thời gian. Mọi chuyện đều là phù du, hư ảo, sớm nở tối tàn. Hãy sống
với hiện tại, với những gì hiện hữu nhất trong phút giây hiện hữu của ngày hôm
nay!
Có những cặp vợ chồng đi xem hoa như một nghi lễ cuối năm
không thể thiếu được. Ðể nhớ kỷ niệm một chợ Tết xưa. Ðể tìm lại trong rừng hoa
niềm yêu đời và sức sống cần phải có trước lớp lớp ưu tư đang ló dạng ở chân trời.
Có những người tình bé nhỏ, ngồi bên nhau, lặng lẽ ngắt và đếm những cánh hoa
cúc vàng. Dò hỏi về tương lai, đầu năm, theo truyền thống nhân gian? Hay suy
nghĩ về kiếp hoa mong manh để bàng hoàng lo sợ, rồi quyết tâm buồm lái đi ngược
lại dòng sông định mệnh?
Có những chàng trai đi chợ hoa với tâm hồn nghệ sĩ vượt thời
và không gian. Niềm hoài cổ chợt như sóng biển tràn lan… Không biết Thăng Long
xưa vào những đêm chợ hoa ngày Tết ra sao? Trong khuôn viên Văn Miếu lộc xuân
nõn nà có trổ lại nhiều không? Ngoài cửa Kim Mã, trai thanh gái lịch chắc phải
có hơn một cuộc hẹn hò đầu xuân. Những buổi khán hoa và bình thơ xuân trên sóng
nước Tây Hồ tưởng như vẫn còn để lại dư âm và phong vị của ngày xa xưa, khi Lê
Quý Ðôn hay Nguyễn Nghiễm từ những phiên trấn xa xôi trở lại thăm cố đô và các
bạn vong niên mỗi độ xuân về…
Êm ái chiều xuân đến
khán đài
Lâng lâng chẳng gợn chút trần ai
Lâng lâng chẳng gợn chút trần ai
Rồi những hội chùa đầu xuân nữa chứ! Ðâu rồi những Ngọc Hồ và
Quảng Vân Ðình, những Tiên Du và Phật Tích, những cành mẫu đơn và tranh tố nữ Cầu
Ðông? Có lẽ trong lòng thanh niên Sàigòn giữa chợ hoa vẫn còn phảng phất đâu
đây nhiều kỷ niệm đẹp. Kỷ niệm những kỳ ngộ và kỳ tích trong đó hoa thường gần
gũi người, gắn bó với người.
Ðêm khuya trên phố vắng. Chợ tàn. Những xe lam cuối cùng đã
đưa về Bình Triệu, Phú Xuân mấy chậu hoa còn sót lại. Hoa lỡ thời, rầu rầu,
chưa nỡ rời chợ hoa vì còn ngậm ngùi “nhớ nơi kỳ ngộ”.
Gió lạnh thêm. Ðêm trở nên hoang liêu. Những cành hoa chết nằm
la liệt trong lòng đường, bơ vơ, lạc lõng. Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
Có ai nhỏ một giọt lệ thương vay? Có phải đây là oan hồn những vong nữ mà không
một bài thơ đoạn mệnh, không một trang Liêu Trai nào có thể giải tỏa hết nỗi u
uẩn, niềm thương đau của kiếp người và kiếp hoa mãi mãi đắm chìm trong vòng trần
lụy…
Ðường Nguyễn Huệ có nhiều ngõ ngang nhỏ bé dẫn dắt tới đường
Tự Do. Như những cánh tay nối dài của hai người bạn đường, cùng song song nhịp
bước đi về hướng bến Bạch Đằng, hướng của sông dài biển rộng. Ðường Tự Do mang
tính cách biểu tượng giữa trung tâm Sàigòn, là một cấu trúc không thể thiếu được
của hệ thống Bến Thành - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tự Do… Vẫn là diễm lệ, vẫn là phồn
hoa, chỉ khác là, ở đây, đài các, lắng đọng hơn và mát rượi trong tâm tư cũng
như ở ngoại cảnh nhờ bóng mát ấp ủ xanh rờn của hàng me, lá nõn đang tơ, phấp
phới như đàn bướm non đã từng tung cánh có lẽ từ những thuở Phiên an Ngoại trấn
xa xưa cho đến giờ…
Có những hình ảnh, tưởng như không bao giờ quên, được chắt lọc,
trừu tượng hóa từ thực tiễn cuộc sống đa diện và sôi nổi.
Trước cửa nhà sách A. Portail, một thiếu phụ - tuổi ba mươi
trông mòn con mắt của Balzac và Stendhal - tóc xõa ngang vai thành những boucles
anglaises xoắn chặt lấy trái tim người đời, tay trắng muốt, tỳ mạnh lên
bánh lái chiếc Mercedes-Benz đen bóng như chất sơn mài quý báu vừa thành hình
trong lòng tay sáng tạo của nghệ nhân… Một thoáng hiện, một lướt nhẹ, nhưng đồng
thời cũng là một hiện diện ray rứt, một thôi thúc nồng cháy.
Một làn môi rực thắm san hô… một chiếc áo dài màu lửa đỏ
khoan thai bước ra ngoài cánh cửa lớn phòng trà lầu năm, khách sạn Majestic,
trông thẳng ra bờ sông Sàigòn tàu thuyền ngược xuôi… Chỉ có thế thôi, nhưng qua
ánh vàng ly rượu mạch, nức mùi hoa bố tử, khách đã cảm thấy bâng khuâng như nhà
thơ tiền chiến:
Có phải đây là hậu thân những nhan sắc thế kỷ trước, những mô
hình “một thương tóc bỏ đuôi gà”, với lớp áo xanh đỏ lượt là, “mớ ba mớ bảy”, với
xà tích ánh bạc và hộp trầu thơm mùi quế chi của thời oanh liệt những Bình di Đại
tướng quân Trương Minh Giảng, những Doãn Uẩn và Thoại Ngọc Hầu? Những người con
gái đó, nước non ngàn dặm ra đi, theo chân chồng con vào vùng đất mới, hết đèo
Ngang mây phủ, lại cọp Khánh hòa rồi sấu Ðồng nai…, qua bao thăng trầm, biến đổi,
đã thành một nguyên tố của cơ cấu nhân chủng địa phương. Do đó, vào đầu thế kỷ,
chúng ta mới có con tem, hộp sáp Cô Ba, cô Ba con thầy Thông Chánh, đẹp tuyệt vời
với mái tóc búi lật ngược, mượt mà, thơm mùi dầu dừa mới thắng. Cộng thêm vào
đó là những người con gái chèo xuồng ba lá, mặn mà, sắc sảo của vùng gạo trắng
nước trong Vĩnh Long, Sa Đéc, Hậu Giang… Và cuối cùng, lại một lần nữa, lớp lớp
“gái thời loạn” từ miền Bắc, theo sóng Biển Ðông nườm nượp ra đi trong khước từ,
trong nhung nhớ, của thập kỷ 50. Ðể tất cả những tố chất đó hòa hợp, đan xen
nhuần nhuyễn, tạo dựng nên chân dung người phụ nữ Sàigòn hôm nay…
Từ thời những sông rạch xa xưa, những Phiên An di cựu
khách của Tôn Thất Thuyết, Án sát Gia Định thành, đến đường Tự Do hôm nay,
bên dãy cửa hàng thời trang và bóng lá me, có ai nghĩ tới những đợt sóng phế
hưng, những ngày binh lửa triền miên, những lớp phù sa thế nhân đã xây đắp nên
khuôn mặt bình thản nhưng trăn trở đau thương của Sàigòn nửa sau thế kỷ?
Thôi, chiều nay cuối tuần, hãy tự cho phép, một lần, quên đi
tiếng gầm trọng pháo và ánh sáng hỏa châu! Ðể chỉ sống trong hiện tại, ly cách
không gian và thời gian. Ðôi lúc, quá mệt mỏi với những phương trình nan giải của
thời thế thì cũng phải tạm dừng chân cát bụi rồi “tắm mát trên ngọn sông đào”
trong một vài phút giây quý báu và hiếm hoi của cõi đời này!
Tâm tư bềnh bồng di chuyển giữa những bình diện thời gian muôn
màu, muôn vẻ, trong khi chân vẫn ung dung dạo bước trên nền ciment và gạch
bông, chạy dọc theo dãy cửa hàng lồng kính đại hội và ốp gạch men cẩm thạch đã
từng soi bóng bao khuôn mặt đẹp trong những buổi chiều lịch sử của đô thành miền
Nam. Ngọc ngà, đồi mồi, vàng diệp, bạc nguyên chất, sơn mài óng ả, tranh lụa
nõn nà… Tất cả như sống lại, nhiệt tình reo vui, hay u uất sầu muộn, nói lên tất
cả những lắng đọng trầm tư của tâm hồn Ðông Phương. Cây xanh, người đẹp và ngọc
ngà đường phố dài hun hút, óng ánh màu sắc tà huy bỗng dưng làm ta muốn mơ về một mạch
đầu dương liễu sắc của những thâm cung, phố phường. Lạc Dương và Kim Lăng
xưa vốn vẫn tiềm tàng ẩn náu trong những địa tằng đam mê của tiềm thức.
Có những buổi chiều thật kỳ diệu. Buớc đi như theo một nhạc
điệu thầm kín, tâm hồn lâng lâng bay bổng như say rượu mạnh. Giờ phút này bất cứ
người đàn bà nào cũng có thể mang vóc dáng một phi tần xưa, một hoa hậu hay
minh tinh màn bạc của hôm nay. Giờ phút này hàng cây ven đường tự nhiên cũng
như tràn đầy nhựa sống một mùa xuân vĩnh cửu. Hoa lá phơi phới, qua làn mi rưng
rưng niềm cảm xúc đắm say, tưởng chừng như vừa bằng lụa mềm, vừa bằng đá quý
trau chuốt, trong những bức tứ bình kim chi ngọc diệp, nơi phòng khách những
danh gia một thuở nào. Và, như một điệp khúc, thấm vào tất cả, vẫn là những giọt
nắng chiều mong manh, chắt lọc qua kẽ lá, dệt thành một màng lưới tơ trời, lung
linh sương khói, dìu dịu, nửa như hiện thực để không xa lìa cuộc sống, nửa như mờ
ảo để gây quên lãng và mộng mơ…
Con sông, phố phường nào cũng đổ ra biển, đi từ những vùng đất
chật hẹp, quanh co, bóng cây và tường thành, ra tận ngoài khơi lồng lộng, gió bốn
phương. Bến Bạch Ðằng ở cuối đường Tự Do chỉ là một bến sông, nhưng cũng là tiền
thân của biển cả, mang vào thành phố những chân trời xa, những vùng đất lạ, đủ
để vỗ về tâm hồn mệt mỏi, tù túng nhất trong vôi gạch thành phố, trong vòng đai
những thói quen và nếp sống cố hữu của cuộc đời ngàn năm mây ngừng, nước đọng.
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá
trắng
Ngồi lên để thả mảnh hồn thơ…
Ngồi lên để thả mảnh hồn thơ…
Không có mỏm đá trắng nào cả, nhưng có dãy ghế dành cho khách
thừa lương dọc theo bờ cỏ xén tỉa gọn ghẽ của sân golf tí hon như một đồ chơi
trẻ nhỏ. Cà phê đen, nước lựu đỏ, chanh vàng và những mái tóc xanh kề bên nhau
thủ thỉ lời tâm sự. Ðể khởi đầu mấy bước chập chững vào vườn tình ái, hay để an
ủi, vỗ về nhau, sau những thất bại trong cuộc sống bon chen nơi thị tứ phồn
hoa?
Và, bao trùm tất cả vẫn là gió chiều Sàigòn. Ngọn gió truyền
thống. Từ biển khơi thổi vào hay từ trời cao đổ xuống? Chỉ biết đây là từng đợt,
từng luồng sóng mát, dang tay rộng mở, tung cánh tràn ngập vào thân thể đô
thành, thấm dần vào từng đường ngang ngõ dọc, luồn qua những khung cửa, những
khe tường, đem êm ái, dịu ngọt vào từng phiến đá, bụi cỏ, từng viên gạch, gốc
cây. Ngày nóng như lửa bỏng, nóng đến đá chảy mồ hôi, nóng đến cháy khét mầm
non, nhưng chiều đến là một thế giới khác: cả thành phố chìm đắm trong một biển
gió hiền hòa, mực thước, mơn man, mát rượi như ly chè thạch đen và khóe mắt cô
hàng đỏm dáng đứng sau những chiếc xe giải khát, thấp thoáng dọc theo khắp phố
phường Sàigòn.
Chính vì ngọn gió mến yêu, ngọn gió mang ân sủng và hoan lạc
đó mà, khi chiều về, bờ cỏ bến Bạch Ðằng đã thu hút dân Sàigòn như một vầng từ
thạch khổng lồ màu xanh mướt, gói trọn ân tình của cột cờ Thủ Ngữ cũng như con
đò Thủ Thiêm. Bao giờ cạn lạch Ðồng Nai…
Gió mát. Áo xanh, áo đỏ và những đoàn tàu lớn, mình đen hay
ánh bạc, chập chờn trên sông nuớc lăn tăn gợn sóng. Những con tàu mang xa khơi
và viễn mơ. Tiếng còi vọng vang, xé nát những tấm lòng quên bước sông hồ, bập bềnh
sóng vỗ, hay đang chôn chân trên bến cảng với hồi tưởng và luyến tiếc. Tiếng
còi giục giã và gieo rắc mộng mơ trong hơn một tâm hồn trẻ đang vươn cánh về những
trời xa, biển lạ. Tôi vẫn ngồi đây trong im lặng, mặc cho gió mát bủa vây như
người thủy thủ già sống bằng hoài niệm, nhưng cũng nao nức, rộn rã xông pha như
chàng lãng tử buổi mới lên đường. Tôi là quá khứ mà cũng là tương lai trong
dòng đời chảy trôi không ngừng, trong những buổi chiều Sàigòn hằng cửu, những
buổi chiều không thể quên…
Gió mát. Màn đêm buông xuống cùng với nhịp lòng trầm trầm lắng
dịu. Lá cây và cánh phù du, chập chờn vùng ảo hóa, từng đàn, từng loạt, xoay
quanh những bóng đèn trắng mờ, mở to như đôi mắt mệt mỏi và ngỡ ngàng vì đêm xuống
quá mau. Tiếng xe hơi, theo đường Tự Do, hun hút nhỏ dần cùng với tiếng giày
khách tản bộ lạnh lùng, đơn chiếc. Cùng với tiếng rao hàng quà đêm, bánh Tô
Châu và mì Phúc Kiến, lanh lảnh hắt ra từ những phố ngang nhỏ bé đổ vào con đường
chính. Nơi đây có những tiệm ăn “bé bỏng”, những hộp đêm bỏ túi với những nữ
chiêu đãi mình cong trên ghế quầy rượu, trong tư thế máy chém mà lưỡi dao sáng
ngời là những ly “whisky, trà Sàigòn”, luôn luôn vơi rồi đầy, rồi lại vơi như
nhịp âm dương biến dịch không ngừng. Trong chừng hạn nào đó, ta chợt nhớ lại đại
lộ Ginza giữa lòng Ðông Kinh hoa lệ với hàng chục đường phố nhỏ vắt ngang. Ðường
son phấn và dạ vũ. Ðể những thủy thủ mới vào nghề có dịp cháy túi, nếu không phải
là cháy cả cuộc đời. Ðể những đêm thế kỷ hai mươi còn mang lại phảng phất âm
vang giấc mộng Dương Châu của những chàng Tiểu Ðỗ, mười năm lạc phách giang hồ…
Tôi vẫn chưa muốn rời đường Tự Do. Chiếc bảng hiệu “Ðêm Màu Hồng”
nổi bật trên đêm màu đen như một lời mời chào không gì cưỡng nổi.
Ánh đèn mờ ảo. Nhạc cụ và nhạc công rập rình như một đàn hồng
điểu hay vẹt rừng xanh bị kích thích tột độ với bộ điệu cồng kềnh, nghiêng ngửa,
như những cột nhà xiêu vẹo trong cơn bão táp âm thanh. Nhưng đây cũng là thế giới
của những nữ vương đắm chìm trong nghiệp cầm ca. Áo xanh, áo đỏ lấp lánh kim
nhũ. Mắt quầng, xanh đậm như tranh vẽ, nàng áo đỏ mắt thuyền dâng ruợu mới.
Môi bừng sáng dưới ánh đèn dạ lạc, môi con gái nhỏ thắm yên chi… Và những
mái tóc uốn chải kỳ khu nhất, với tối đa thời gian và nghệ thuật, thành những
tòa lâu đài mà kiến trúc thay đổi hàng ngày, hàng đêm, theo cảm hứng và thời
thượng…
Nhưng thôi, ta hãy nhắm mắt lại, rút lui về đằng sau những
màu sắc ảo ảnh, phù du của đêm đô thành nhiều dối trá và cạm bẫy, để chỉ chắt lọc
những âm thanh tiếng hát lời ca đẹp nhất. Vì ở đây, trên sân khấu, với ánh sáng
tiền trường trong tư thế chịu đựng, đơn độc, ca sĩ chỉ có thể mang đến cái gì
là thực nhất, thuần khiết, không ngụy tạo “có sao, hay vậy”, không gì che đậy nổi,
và, do vậy cũng chỉ có thể tồn tại được với tài năng đích thực.
Tôi yêu nhất Ðêm Tàn Bến Ngự vừa trổi dậy và được
di động vào giữa đêm màu hồng của Sàigòn. Tìm trăng, trăng khuyết đã lâu…
Những hồi tưởng xa xưa lại thức tỉnh với niềm đam mê của tuổi trẻ, với bước
nhàn du trên những dòng chảy nên thơ của Thuận Hóa chẳng bao giờ tàn phai… Phải
là người nghệ sĩ tài hoa, dòng dõi tác giả Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, mới
viết nên những lời đẹp, những nhịp điệu bâng khuâng, sầu muộn đến thế, những lớp
sóng nhạc “buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn”, ray rứt và xót xa đến thế! Phải
là Thanh Thúy, người nữ ca sĩ có giọng hát não nùng, lãng mạn và truyền cảm nhất,
mới đem thẳng được đêm tàn Bến Ngự vào lòng chúng ta. Ðêm nay chỉ một tiếng hát
đó, tiếng hát độc đáo vì tự tìm tòi chẳng giống ai, tiếng hát vọng vang, rung
rinh, thủ thỉ như một cành hoa yếu mềm, đặc biệt con gái sông Hương, điểm thêm
chút làn điệu Nam Ai, chút hương trầm thoang thoảng, chút áo xanh Ðồng Khánh phất
phơ trên những chuyến đò ngang về Nội Thành, và thế là chúng ta đã có Đêm Tàn Bến
Ngự, có tất cả đêm nay!
Tôi yêu nhất Ngậm Ngùi qua tiếng hát bằng vàng diệp
của Lệ Thu, tiếng hát giàu âm hưởng, đầm ấm, mượt mà, trong sáng và cũng nhịp
nhàng, quyến rũ nhất:
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Nhà thơ lúc đó còn ở tuổi trong trắng, cũng trên bờ sông
Hương của dĩ vãng, trước ngày cơn hồng thủy bạo tàn ào ào tới, nhận chìm xuống
vực thẳm những tài năng và nhân cách. Nhạc sĩ lúc phổ nhạc thì đã dày dạn phong
sương trên những nẻo đường đất nước và cũng có những phút nhập thần, nhất là
trong các bài thơ chuyển thể. “Mùa thu đẹp”, người nữ ca sĩ trẻ trung, được
linh thần thanh nhạc chiều chuộng nhất trong thập kỷ này, đã đem điệu ru em từ
đồng ruộng phương Bắc vào đây, đưa làn điệu được biến cải lên đỉnh trời cao nhất.
Ðiệu ru em của mẹ trong nôi và của người tình ngoài cuộc đời. Ðiệu ru em của
hai người đàn bà đã dựng xây cuộc sống tình cảm cho mỗi con người chúng ta. Hai
người đàn bà cơ bản, hai cực đầy hấp lực phi phàm, hai phù tiêu sáng chói trên
dòng đời mỗi con người chúng ta. Trái sầu rụng rơi… Trăm sầu ngàn muộn đã
rũ sạch! Ma lực của tiếng hát nõn nà. Ngủ đi em mộng bình thường! Khách
cũng thấy lâng lâng như đi vào cõi mộng, trong một thế giới vật chất và tâm
linh gần như không trọng lượng, thế giới của vô thức và lãng quên.
Ngoài đường yên tĩnh, gió mát từ bến cảng vẫn từng đợt trầm
trầm, miên man, theo đường Tự Do dài hun hút, len lỏi vào kinh mạch những tâm hồn
đa cảm, lúc chiều đã chìm hẳn vào lòng đêm. Giờ phút này, diện đối diện, ta lại
gặp ta trong vắng lặng, trầm tư. Ánh đèn đường mờ nhạt, nhịp buớc đi nhỏ dần. Cung
đàn lểnh loảng giọng hà mô… Nhưng những vọng vang tiếng hát từ “Ðêm Màu Hồng” vẫn
theo dõi như một ám ảnh. Tiếng hát chạy dài trên đại lộ, nhắc nhở, thiết tha,
yêu đương và hờn trách…
Tiếng hát chạy dài trên đại lộ. Một thi sĩ bạn đã nói như vậy
về tiếng hát Bích Chiêu vút qua bầu trời ca nhạc rồi chợt biến, như một vì sao
băng, cách đây có lẽ đã hàng mấy chục mùa xuân rồi! Tôi cũng liên tưởng đến
giai điệu phong phú và óng chuốt của những Thương Huyền, Minh Ðỗ, Ánh Tuyết, những
Hồ Ðiệp, Minh Trang và Hoàng Oanh, tiếng oanh vàng của Bến Xuân thời tiền chiến…
Hàng chục mùa xuân rồi! Lưu thủy thập niên gian…
Không biết giờ đây những người đẹp xưa, những cánh họa mi cũ
đã bay về hướng trời nào, về tổ êm ấm hay vẫn còn bạt ngàn gió bão, hoặc đã âm
thầm và vĩnh viễn giã biệt dải đất trần gian này!… Khách vẫn lặng lẽ đi, mang vầng
trán ưu tư và mái tóc bềnh bồng lẫn vào đám lá me non hai bên đường Tự Do, dòng
sông đêm không bao giờ tắt lửa của Sàigòn. Lòng vẫn còn vương vấn nỗi ngậm
ngùi dài dài bên bờ Bến Ngự hôm nay giữa thành đô miền Nam. Tiếng
hát hôm nay rồi sẽ thành quá khứ, khóe mắt và nụ cười hôm nay rồi sẽ chỉ còn là
kỷ niệm!…
Cố sự và cố nhân… Thành phố trong hồi tưởng. Chiều và đêm
Sàigòn là chất sống, là cấu trúc và nhân tố cuộc đời. Buổi chiều bất diệt. Buổi
chiều đứng ngoài không gian và thời gian. Sàigòn, Sàigòn của những hoài niệm vừa
bỏng lửa nhiệt tình vừa tê buốt não nùng.
Buổi chiều hằng cửu. Buổi chiều của trái tim muôn vàn…
TRẦN HỒNG CHÂU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét