Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Hồ Chư và những dòng thơ về cội nguồn


Hồ Chư và những dòng thơ 
về cội nguồn
T
iếng chiêng dài bảy núi chín đèo/ vang như tiếng hú của đàn ông, đàn bà/ tìm nhau trong rừng rậm/ âm thanh từ thuở hoang sơ/ của cha ông một thời lận đận/ đến bây giờ vẫn lắng đọng trong tim… Có thể, những dòng thơ này được xem như là lời giới thiệu về bản thân mình của Hồ Chư, một người con của dân tộc Bru- Vân Kiều giữa núi rừng Trường Sơn, Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở Mò Ó, huyện Đakrông rồi tốt nghiệp đại học Sư phạm Việt Bắc vào năm 1974, Hồ Chư làm báo, làm thơ trong tinh thần của một con người yêu tha thiết nơi chôn nhau cắt rốn. Các tác phẩm thơ của Hồ Chư có mặt trong những tập sách thể hiện đời sống văn hóa văn hóa của người Quảng Trị trong những năm gần đây như Cơn bão đá, Chút hương rừng, Non mai sông Hãn. Đặc biệt, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Hồ Chư đồng thời là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Để đến với mỗi vị trí hoạt động nghệ thuật này, con đường mà Hồ Chư chọn chính là những dòng thơ về cội nguồn của mình trong đời sống dân tộc, đời sống thi ca.
Cội nguồn của bản thân mình được Hồ Chư tìm hiểu một cách sâu xa và được viết thành thơ một cách thâm trầm, giản dị. Trước hết, cội nguồn ấy trong trái tim và trong thơ của Hồ Chư là nơi mình cất tiếng chào đời có núi, sông chung thủy với bản làng, nương rẫy. Trong tâm thức của Hồ Chư, là những thực thể tự nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã trao cho một con người Vân Kiều như anh cuộc sống và tình yêu từng tấc đất, mỗi cánh rừng, từng con suối. Đồng thời, quê cha đất tổ ấy cũng đã trao cho Hồ Chư nhiều cảm xúc mhân văn, những cảm hứng nghệ thuật để có thể viết thành thơ về chính xác những bản làng, những con người ở nơi chôn nhau cắt rốn. Con sông quê hương được Hồ Chư đưa vào thơ một cách chân thành và giản dị: “Con sông quê tôi/bên bồi bên lở/khi đục khi trong/khi chảy chung dòng/khi chia đôi ngã/con sông quê tôi/như một đời người/lầm lì đau khổ/khi vui rạng rỡ/khi buồn nao nao…”. Với tư cách là cảm hứng nghệ thuật, quê hương cội nguồn đồng thời là cội nguồn sáng tạo của Hồ Chư. Cho nên, sự mẫn cảm cũng như tính xúc động về mặt cảm xúc của Hồ Chư được những gì đã và đang khá trọn vẹn.
Thực tế đó xuất hiện trong những bài thơ của Hồ Chư dưới hình thức cảm xúc cá nhân phần nào đã lôi cuốn người đọc. Bởi khi cảm thụ một số bài thơ được viết với hiện thực thẩm mỹ này, người đọc được truyền lan một thứ tình cảm mà chính Hồ Chư đã cảm thấy. Qua đó, sẽ gặp trong thơ của Hồ Chư các bản làng ở Đakrông mang đầy đủ những nét chung và riêng của một cộng đồng dân cư. Với A Vao, người đọc biết đến đỉnh núi chạm mây, vài mái nhà sàn, đèo cao suối thẳm tận nơi biên thùy và những sương khói theo làn khói bay. Với Ta Mêl sẽ có sự hình dung về một nơi đá ghềnh lởm chởm có bộ dội về đây với đồng chí đồng bào, xây niềm tin, lo cái chữ, lo cái đau, cái đói, giữ bình yên cho dải đất biên cương. Sự khắc họa của Hồ Chư giúp người đọc có thể nghe được những bước chân anh bộ dội biên phòng là  những bước chân đi trong tiếng chim ca suối chảy, những bước chân mang niềm vui mới… Lẽ tất nhiên, tình cảm thẩm mỹ mà Hồ Chư bộc lộ như thế vừa là một hình thái ý thức xã hội vừa là một hình thái nhận thức hiện thức mà qua thơ, người đọc lĩnh hội bằng chính khả năng cảm thụ của mình.
Với hai tập thơ Hoa trên đá và Dòng mưa muộn màng, người dộc có được cảm nhận về một Hồ Chư có niềm đam mê kỳ lạ vơi thơ và tình yêu tha thiết quê hương cội nguồn của mình. Đến mức, tình yêu đó cho phép Hồ Chưu hiểu rõ lịch sử của quê hương rồi nhẫn nại nhặt từng con chữ để viết những dòng thơ nhuần nhị về quê hương trong hai chiều của thời gian. Một chiều là thuở xưa quê tôi đầy bóng tối/người sinh ra không biết họ của mình/có cái tên mà không có họ/đếm rẫy nương để tính ngày sinh/kiếp ngựa trâu còn lưng cam chịu/ngẩng đầu lên không thấy ánh mặt trời. Một chiều là quê hương ta đã đôiỉ thay rồi/phù sa đồi bãi hồng tươi đất, trĩu nặng vườn cây nắng xanh trời, nét mặt con người vui duyên mwois và làng, bản mỗi ngày thêm hương sắc…Như vậy, trong cuộc sống của người Bru-Vân Kiều ở Đakrông có những con người, hiện thực đã làm bừng sáng những cảm xúc tự hào và yêu thương trong Hồ Chư, giúp Hồ Chư viết những câu thơ mộc mạc mang chức năng thẩm mỹ là hướng người đọc nghĩ tới điều thiện rất tốt đẹp. Sức quyến rũ thẩm mỹ của những câu thơ trường học ở bản/ghế bàn bé nhỏ/nhà tranh vách nứa/gió se rừng chiều/điện đài chẳng có/lạ thay ở đó/rất giàu tình yêu/cô thầy ca hát/đệm đán hai dây/không đủ nốt nhạc/gõ bát để thay/thầy cô dạy học/lớp đêm, lớp ngày/chữ ánh lữa/sáng ngời hôm nay/các em đến trường/học lể, học văn/thể dục múa hát/thầy trò mến thân là ở chỗ Hồ Chư đã nhìn thấy một thực tại cụ thể là con người trên quê hương mình đã thoát khỏi những mối quan tâm vật chất nên dễ dàng cảm nhận được cái đẹp vốn rất giàu trong cuộc sống xung quanh.
Và Hồ Chư đã đọc được cách không chỉ nhận thức cái đẹp mà còn phẩn ánh nó vào trong sáng tác của mình. Với việc phản ánh những hiện tương đẹp của cuộc sống, thwo của Hồ Chư truyền đạt cả vẻ đẹp khách quan của thực tiễn đời sống lãn cảm xúc chủ quan cũng như sự đánh giá, khẳng định của người nghệ sĩ đối với những hiện tượng đó. Cuối cùng, tình cảm thẩm mỹ, về bản chất mang tính tinh thần ấy của một cộng đồng Bru-Vân Kiều nói chung và của Hồ Chư nói riêng thuộc về con người, Nhu ậy, nhận thức nghệ thuật là hình thức cao nhất trong quan hệ thẩm mỹ của Hồ Chư với các hiện tượng bộc lộ cái đẹp của cuộc sống trên quê hương, cội nguồn. Cá tính sáng tạo như thế có sự biểu cảm rất rõ ngay sau khi Hồ Chư miêu tả bằng thơ tiếng gà gáy ở Đakrông: “Sáng nào gà cũng gáy/như chuông của thời gian/báo mọi người thức dậy/đón mặt trời mới lên/Sáng nào gà cúng gáy/xua tan những bóng sương/gọi mọi người lên rẫy/gieo những hạt lúa vàng/sáng nào gà cũng gáy/giục mọi người lên rừng/ tìm nấm mối, hái măng/đón mùa xuân năm mới/sáng nào gà cũng gáy/báo tin vui xa gần/mặt trời hồng  chói lọi/thươm ngát hương rừng ta”.
Ngay trên quê hương nguồn cội của mình, có lúc Hồ Chư nhìn lại mình trong cuộc sống, tự soi mình qua làn nước của con sông quê để nhìn thấy được quê hương đổi mới, thấy được mình buồn vui. Đấy cũng chính là cách Hồ Chư thêm phần sâu sắc vào ý thức về nguồn cội vào lúc đò xuôi dòng Thạch Hãn/tối nhớ về chiến khu/nơi ta thành chiến sĩ/thời chiến tránh mịt mù hay khi nhìn thấy ánh điện đã sáng trên núi/như sao lấp lánh giữa đời/ngôi sao thì xa vời vợi/ánh điện tỏa sáng đời tôi…Đặc biệt, trong cảm thức về cội nguồn của Hồ Chư có sự trở đi trở lại của tiếng chiêng và người mẹ. Tiếng chiêng là một âm thanh đã trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần nơi cảu người Bru Vân Kiều bao đời nay và thơ của Hồ Chư cũng đã khắc họa nét sông rạng rỡ, lung linh ngày tháng mặt trời lên, tiếng chiêng của bản mường ta đó, tiếng núi sông nghìn thuở cha ông, tiếng nhịp tim bập bùng ngọn lửa, tiếng nghìn đời sâu nặng thiết tha, tiếng chiêng là bạn của muôn nhà, và quê hương ta đó, tiếng chiêng hòa trong gió, vượt thời gian qua bảy núi chín đèo”.
Riêng hình ảnh người mẹ, dường như Hồ Chư muốn khắc họa thật đậm nét cuộc đời người mẹ Bru Vân Kiều suốt ngày gắn với rẫy nương/ trên lưng gùi nặng măng rừng, sắn khoai chứa chan tình cảm thương con không bến, không bờ. Là một phận máu thịt của cội nguồn mà Hồ Chư yêu quý và  với đời con mẹ là ánh sáng, người mẹ là một hình ảnh gần gũi và cao đẹp trong những câu thơ: “mẹ như lá đã úa vàng, vẫn thương con hết tâm can đời mình, nhìn con mái tóc rung rinh, mẹ cười: con đã trưởng thành, mẹ vui”.
Luôn dựa vào hiện thực, Hồ Chư ý thức về cội nguồn ngày càng rõ và thơ của Hồ Chu giúp người đọc biết về cội nguồn cảu anh và muốn đến với vùng đất quê hương có dòng sông Ba Lòng thiết tha gắn bó cùng núi với người tri kỷ, sống chết vẫn bên nhau. Ở đó, trên mỗi triền sông, trước những dáng núi sẽ thấy được tầm cao và chiều rộng của một niềm tự hào luôn hiện hữu trong những dòng thơ Hồ Chư viết tặng quê hương nguồn cội. Tựa như, con sông bên lở bên bồi, lòng tôi mang suốt một thời yêu mơ, tôi đi chưa hết bến bờ, đã nghe sóng cuộn lời thơ cuộc đời, và núi đứng/ khí phách Trường Sơn/ mang tâm linh từ cội nguồn ông cha/ bao nhiêu thế núi quê ta/ hồn thiêng đất nước, sơn hà ngàn năm.
Nguyễn Bội Nhiên
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 126, 
tháng 3 năm 2005
Theo www.tapchicuaviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...