Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Bỏ lẻ cho nhau


Bỏ lẻ cho nhau…
Tựa đề mượn từ câu: 
“Người xa bỏ lẻ cho nhau.
Hàng ray chảy miết đường tàu vẫn đôi”
Thơ Lý Biên Cương
Sau khi chồng chết, tôi giao việc mua bán lại cho thằng con trai đầu - thằng Linh - và dọn về căn nhà cũ. Chị Thương là người giúp việc lâu năm cho gia đình, đòi đi theo nhưng tôi từ chối vì nghĩ tụi nhỏ ở ngoài phố cần chị hơn. Chị “ dạ” khẽ với đôi mắt ướt. Tôi có tới sáu đứa con. Linh lớn nhất vừa qua tuổi hai lăm và Lam nhỏ nhất chưa bước tới sinh nhật thứ mười. Chồng tôi người Hoa. Anh ấy mê làm ăn và ghiền con cái. Chiều khách bắt bực và cưng con bắt ghét. Vậy mà anh ấy đã bỏ tất cả: tôi cùng mấy căn nhà và vô số đất đai, sáu đứa con và rất đông bạn hàng… Tình nguyện bỏ chứ không phải là bắt buộc. Anh ấy tự tử mà. Ba lần trước đã không thành, lần thứ tư thì thế đó và tôi góa chồng. Còn các con tôi mồ côi cha.
Chúng tôi có hai căn nhà ở ngoài phố và sát chợ nên rất thuận lợi cho việc làm ăn. Lâu nay còn đủ chồng, vợ thêm hai đứa con lớn giúp và có được mấy người làm, chồng tôi dạn tay kinh doanh cả hai. Giờ, không có ba má. Em gái tính vô Sài Gòn học nghề nên Linh dồn lại làm một. Như vậy có  uổng  mặt tiền thật đấy nhưng lại dễ cho việc quản lý. Linh cũng có hỏi ý mẹ và tôi ậm ừ: “tùy”. Thật tâm, tôi không tin  khả năng kinh doanh nơi con trai mình mấy nhưng nghĩ chắc là nó phải khá hơn mẹ nhiều. Trên hai mươi năm làm vợ, theo chồng đi rất nhiều nơi, mua bán rất nhiều mặt hàng nhưng tôi chỉ đóng vai trò phụ. Chồng tôi hay nói: “Em sinh cho anh nhiều con và đứa nào cũng ăn nhiều, mập mạnh là tốt rồi”. Chồng tôi thật thà nhưng có khuôn mặt hơi dữ. Mấy năm cuối đời, thi thoảng, cái dữ của anh ấy cũng có đi xa hơn, mắng chửi con cái và gây hấn với người ngoài nhưng tôi không hề nghĩ anh ấy chọn một cái chết dữ đến ngần ấy. Đã đành là tự tử nhưng đâu có nhất thiết để cho xe cán.
Tôi có cảm giác đứa con trai đầu của mình vụt lớn hẳn và lập tức già nua, khi thấy cảnh ba nó như vậy. Linh yêu cầu được liệm ngay và trả lời “không” bằng hai hàm răng rít chặt, khi có ai đó nói, để chờ mấy đứa em nó tới. Linh đứng sững bên quan tài cùng với tôi trên chặng đường về nhà. Nó không khóc. Không hề khóc suốt mấy ngày tang lễ. Chỉ duy nhất một lần ra giữa chợ rống lên: “ Ba ơi!” vào giữa khuya. Trước khi mất khoảng dăm tháng, ba nó tự nhiên sinh tật, ban đêm, ưa ra chợ chui vô cái sạp bán đồ khô nằm, nói: “Trong nhà nóng. Ngộp quá”. Tôi nghĩ chồng tôi ham làm ăn. Những cạnh tranh, tiền bạc và bao toan tính, khiến cho đầu óc căng thẳng,  nên “khùng” rồi. Còn các con tôi thì kêu ba nó điên, vì ở chợ hôi và muỗi nhiều kinh khủng. Chúng tôi nói giỡn ấy mà, đâu dè chồng tôi  đúng là bị bệnh. Ba tụi nhỏ khùng, điên thật. Cầm bệnh án của ba, Linh thất thần thấy rõ và  suốt mười ngày liền, tôi bị dòng chữ: “trầm cảm và hoang tưởng” ám ảnh. Ở nhà chỉ có hai mẹ con biết rõ tình trạng này và đã có cách đề phòng, vậy mà sự việc xảy ra nhanh quá, tôi đã không kịp trở tay.
Tôi về căn nhà cũ. Một mình. May vì lúc đó hai đứa nhỏ nhất đang còn ở trường. Tụi nó đòi theo, cũng mệt và tôi thêm bịn rịn, cũng phiền. Linh gọi chiếc tắc xi. Tôi nói tài xế bỏ ngoài quốc lộ và đi bộ vô. Cái túi khoác nhỏ đâu đáng kể gì nhưng lòng nặng quá. Nặng và mỏi, khiến chân đành bước chậm và ngồi nghĩ rất lâu nơi bậc thềm. Căn nhà này, chúng tôi mua hồi mới có thằng Linh. Hồi đó, có một cái chợ gần đây. Cũng bởi cái chợ ấy, chồng tôi mới chịu mua căn nhà này với giá rất cao, chứ đâu dễ gì…Chồng tôi nhìn tới đâu cũng thấy chợ quán, bán buôn, tiền bạc. Có lần gây nhau trước khi dắt con đi, tôi còn ngoái cổ nói theo một câu rất độc địa: “Sống với một người chỉ biết chúi đầu vô làm ăn như anh, tôi chán quá rồi. Cái dòng máu phú thương, nó cứ rọ rậy riết trong máu thịt anh, sao tôi chịu nổi?” Tôi nói câu đó ở tại cái nhà này. Ở ngay bậc thềm đây. Đúng là những ngày đó cực quá mà chồng tôi lại tham quá. Cả mấy xã quanh đây dồn hết vô cái chợ này và tất cả các mặt hàng ở cái chợ này, dồn hết vô cửa tiệm của chúng tôi. Bởi đó, hàng hóa chất nghẹt cứng nhà, từ dưới lên cao, từ trong ra ngoài. Gian trước, gian ngang, bếp, sân, buồng tắm… Hàng và hàng. An, ngủ trên hàng. Tắm rửa trên hàng và làm tình với nhau cũng trên hàng. Làm sao mà chịu thấu! Trúng chồng tôi ham chuyện gối chăn đâu thua gì chuyện kinh doanh. Đêm nào không gần vợ là lục sạo cả nhà và hôm sau bán buôn sặc sừ thấy rõ. Tôi mới có với chồng đứa con đầu. Thương thì ít nhưng hiểu nhiều. Bởi hiểu mới phải đi. Đi với tâm trạng lẫy hờn kiểu con nít. Thì hồi đó, tôi mới qua tuổi hai mươi chứ mấy. 
Tôi đưa con về, khi nghe tin chợ di dời đi nơi khác. Về, cái nhà đã trống trơn. Chồng tôi đã kịp dời hàng hóa tới chỗ khác. Một căn nhà vừa mua và cũng gần chợ. Tôi nói: “Anh để nơi này cho em”. Chồng tôi: “Ừ! Chứ bán được mấy đồng. Để cũng có cái hay!” Tôi hỏi: “Hay gì?”. Chồng tôi nheo mắt cười lẳng, trước khi ra ngoài khép cửa. Chúng tôi chịu hết nổi nên yêu nhau ngay nhưng gần gũi nhau mà không có hàng hóa bao quanh, thấy sao nó kỳ kỳ. Tôi có bầu đứa thứ hai ngay lúc đó. Giữa ban ngày và đang khi thằng Linh còn mãi mê chơi với bạn bên chòm xóm. Tôi giữ căn nhà cho mẹ con có chỗ ở thoải mái. Chồng tôi sống luôn tại tiệm nhưng khuya nào cũng phải về. Sự hiện diện của chồng kiểu đó, cho tôi có cảm giác căn nhà này không phải là của chung. Sau này do việc mua bán phát triển, thêm nữa các con đã lớn, tôi phải dọn ra ở luôn ngoài cửa hàng. Chồng tôi mừng, cười tít mắt. Cũng đỡ cho anh ấy những đêm mưa gió mà phải lặn lội về với vợ, kiếm chút hơi cho hôm sau  mua bán được lanh khôn. Cùng với thời gian chung sống, tôi đã thương - ghiền chồng thêm nhiều nhưng hiểu thì cũng chỉ chừng đó. Cứ vậy mà thôi. Như cứ vầy vậy chúng tôi có thêm con, thêm tiền, thêm nhiều cơ ngơi, của cải…
Căn nhà có thêm ý nghĩa của riêng tôi hơn, khi tôi không còn sống luôn ở đó. Tôi về, khi nào thích. Ưng thì ở lại. Ngắn hoặc dài. Và ưng thì ngồi trên bậc thềm dăm ba tiếng rồi khép cổng đi ngay. Các con tôi cũng thi thoảng ghé. Như một người khách chứ không phải như một người nhà. Còn chồng tôi thì không hề. Tôi thích cái bậc thềm và ưa ngồi ở đó, bất cứ lúc nào có thể. Cái chợ cũ gần bên, giờ vẫn còn mấy cái cọc. Đứng trơ trốc giữa khoảng đất trống trơn. Tết nhất hay các dịp lễ lạt, đám “pêđê” ở thành phố kéo ra giăng dây, rào quanh bán vé. Làm sân khấu nhảy múa ì xèo. Cánh đồng ở một bên và đường xe lửa chạy qua một bên. Tôi ngồi trên bậc thềm cao nhà mình và thấy hết. Thấy những chuyến tàu ra - vô, đi - về. Thấy ruộng mùa bội thu,  mùa thất thoát. Thấy cái bãi đất khu chợ xưa, buồn tênh, khi không có hát hò…
Một buổi chiều, đúng ba ngày sau khi tôi ra ở ngoài này, Linh về. Nó cười rất tươi. Linh giống tất cả mọi người ở phía ngoại. Mỗi người một chút nhưng nụ cười thì y hệt ba nó. Linh cởi giầy, ngồi bệt xuống thềm:
- Con đem ra cho mẹ cái xe…Mẹ cũng nên đi đi về về, kẻo các em nó nhớ tội.
- Ừ! Mẹ cũng tính vậy. Mọi việc ổn chứ?
- Dạ… Không có gì. Chị Thương  nói  để  hai  thằng út ít ra ở ngoài này cho mẹ vui nhưng con hiểu ý mẹ nên cản.
- Tụi nó sống tiện nghi trong đó quen. Với lại ngoài này buồn, không bạn bè… Chứ còn chở đi học, mẹ lo, đâu có gì…
- Mà con cũng tính sửa lại cái nhà này, chứ…
- Mẹ đâu có như tụi nhỏ…Mẹ thích vầy.
- Hay là con sửa lại cái toa-let. Bắc điện thoại nữa, mẹ nghe…
- Để coi đã. Có cần thiết gì đâu.
“Có cần thiết gì đâu”, “có cần thiết gì đâu”… Kỳ. Cái câu này đã nói với thằng con. Đã nói ra rồi. Đã thoát khỏi tôi rồi mà sao còn nằm ì trong tâm trí, khiến tôi mệt dữ vầy? Mà phải quá đi chứ. Còn có gì là cần thiết với tôi nữa, khi chồng tôi đã không còn. Cái ông chồng người Hoa nhưng nói tiếng Việt rành không ai chịu được. Nói được giọng điệu của tất cả các miền. Giọng Bắc thì Hà Nội, Quảng Ninh…Giọng Trung thì Huế, Phú Yên. Giọng Nam thì Cần Thơ, Cà Mau…Cái ông chồng tối ngày bán hàng không biết mệt. Và được nghỉ ngơi chừng có một buổi là: “ bị bệnh rồi, mình ơi!”.  Sáng, trưa, xế, sẫm tối, ban đêm…rịt người ngoài tiệm với điệu bộ lanh lợi và cái miệng tía lia. Vừa bán buôn vừa trững dỡn. Với vợ, con, người giúp việc, khách hàng… Mở cửa hàng ở đâu cũng vậy, đầu tiên, khách ưa có một chút. Sau ưa thêm chút nữa. Rồi thêm mấy cái chút nữa…Rồi nhiều cái chút. Rồi ghiền luôn. Cứ như bị bỏ bùa mê vậy. Có lần tôi nghĩ y hình như mình cũng là một khách hàng của chồng: một khách hàng đặc biệt.
Trước khi vô Sài Gòn, Ly, con gái đầu của tôi, ra ngoài này ở với mẹ một đêm. Nó tới lúc khuya lắm rồi. Thằng bồ chở. Ly không vô nhà ngay mà còn đứng rất lâu với thằng này ngoài cổng. Tụi nó ôm nhau sít rịt và hôn nhau rất lâu. Ly đã giới thiệu người yêu của nó với chúng tôi. Tôi còn đắn đo nhưng ba nó, thì: “Gã. Để ớn quá!”. Khi ngồi trên bậc thềm giữa giấc khuya và nhìn con gái với ban trai của nó như vậy, tôi hiểu chồng tôi có lý. Chợt thấy cảnh tượng ấy, người tôi nóng ran như bốc lửa, dẫu ở ngoài sân gió lộng. Đúng rồi, cũng phải tới cỡ này vợ chồng tôi mới được nằm lại bên nhau. Bởi còn biết bao nhiêu là những việc cần làm, sau khi đã đóng cửa tiệm. Trước khi đi ngủ, chồng tôi có thói quen ăn khuya rồi tới phòng các con để ôm ấp, hôn hít mấy đứa nhỏ, thăm chừng mấy đứa lớn và đi quanh nhà coi ngó, kiểm tra lần cuối. Mấy đứa bạn tôi ganh hoài: “Mày có ông chồng tốt quá”. Tôi chỉ cảm nhận được điều này rõ hơn, khi chồng tôi đã mất. Ly đụng phải tôi, trên thềm:
- Ủa? Sao mẹ chưa ngủ?
- …
- Sao mẹ ngồi trong tối vậy? Con xin lỗi…
- Xin lỗi vì đụng phải mẹ hay xin lỗi vì “ tình” quá với người yêu?
- Thôi mà mẹ…Mai con đi rồi.
Ngày nào tôi cũng phóng xe đi - về con đường này nên thuộc lòng từng ổ gà, mấp đá… Rồi ra, tôi cũng như chồng mình, trước đây. Cách gì thì cũng phải về. Về, dẫu rất khuya và về, dẫu trời rất xấu. Về, dẫu biết không có ai chờ đợi. Không có ai cho mình kiếm chút hơi để sáng mai mua bán khỏi sặc sừ. Về, dẫu một mình. Những người quanh khu vực này cũng quen với lối sinh hoạt thất thường như thế của tôi. Chắc cũng có thắc mắc nhưng không nỡ hỏi và ngấm ngầm trông chừng. Không lẽ họ lại sợ tôi tự tử nữa? (Thị trấn này quá nghèo và rất nhỏ mà chúng tôi lại quá giàu và cái chết của chồng tôi thì rất là tai tiếng). Linh lập một bàn thờ nữa, ở đây. Thằng con trai tôi, nói: “ Để ba canh má”. Tôi có thói quen đốt cho ba nó cây nhang, như một cách chào: “Mình ơi! Em đã về” và ngồi rất lâu nơi bậc thềm rồi mới vào nhà, đóng chặt cửa. Cái bậc thềm ấy, khuya khác mà những sớm mai, cũng rất khác. Tôi thích dậy thật sớm để đi bộ ra cánh đồng. Đứng ở đó thấy lòng bình yên và êm ả đến lạ lùng. Tôi luôn tập thể dục ở khoảng sân phía sau vì ở nơi ấy tôi có thể nhìn thấy núi. Núi, với tôi luôn là một bí ẩn. Như sự ra đi tức tưởi của chồng tôi. Như sự không tồn tại của anh ấy trong cuộc đời này. Như bao u uẩn ở trong tôi. Luôn luôn là một bí mật. Hai thằng út ít lôi về ngôi nhà của mẹ rất nhiều cây cảnh. Nói: “ Để mẹ vui. Chị Ly biểu tụi con làm vậy”. Chồng tôi cứ thích tôi sinh con nhiều. Chắc không phải để cho có mỗi một mình tôi, được hưởng những niềm vui, từ con cái. Làm sao không khốn khổ thêm khi phải khứng chịu một cái gì đó, một mình. Nhưng được hưởng nhận, nghe ra, cũng chẳng khá hơn, khi không còn đủ đôi. Cũng là điều tôi đã kịp thấu hiểu, khi mất chồng.
Bây giờ tôi đóng vai trò phụ tá thằng Linh trong việc kinh doanh của gia đình. Y hình như tôi rành với mấy công chuyện này hơn. Linh làm ăn đâu thua gì chồng tôi. Có thể còn giỏi hơn nữa là khác. Nó mua thêm nhà đất, phát triển thêm xưởng thợ, cửa hàng…Khác với chồng tôi, giàu cỡ nào cũng ra dáng phú ông, Linh tỏ ra “ đại gia” thấy rõ. Chồng tôi bám riết lấy tiệm và không từ nan bất cứ một thứ gì. Còn Linh thì có chọn lọc. Tôi chẳng mừng và cũng không buồn. Nhưng khóc nức nở ngày Ly lấy chồng. Khóc giữa giấc khuya, khi ngồi trên bậc thềm ngôi nhà cũ cùng với thằng con trai đầu. Linh nói: “Cả ngày mệt đừ với thủ tục, lễ lạc, tiệc tùng…Giờ mẹ vô nhà ngủ đi. Con cũng phải về xưởng, đánh một giấc.” Nói là vậy nhưng cả con và mẹ đều không một ai nhúc nhích. Tôi say quá. Suốt cả ngày giữ phép để tiếp khách đâu dám uống nhưng với Linh và cả thùng Tiger  nó chở tới, thì tôi rất sẵn lòng và…thả buông. Tôi uống nhiều và khóc dữ. Còn Linh uống nhiều nhưng trầm và im hung. Hai mẹ con, dẫu ít chuyện trò nhưng lại thấy rất gần – thân, khi có được những khoảng thời gian thật hiếm hoi, ngồi lại bên nhau cùng dăm, bảy lon bia nâng lên hạ xuống. Linh khác chồng tôi trong cách làm ăn và khác hơn, ở kiểu uống. Chồng tôi càng uống càng vui. Linh càng uống càng buồn. Chồng tôi khi có rượu, bia thì luôn miệng nói, cười, kể chuyện tiếu lâm, làm hề, ngâm thơ và hát hò…Còn Linh, khi lai rai thì làm thinh. Ngó chồng tôi say, tức cười. Còn nhìn Linh say, muốn khóc.
Tôi lo sợ bắt điếng cả người, khi Ly chuyển dạ. Rất là kỳ. Tôi đã sinh tới sáu lần, cứ tỉnh queo, vậy mà hoang mang kinh khủng khi con gái đau bụng, vỡ nước ối và hét la tung trời. Vậy là tôi đã lên chức bà ngoại. Tôi gục đầu vào ngực con trai, mắt đỏ. Muốn hét lên: “ Anh ơi! Mình có cháu rồi” nhưng phải nén lại. Nén tất cả: những nỗi niềm, tâm trạng… nên ruột nhói đau và thở bắt ngốp. Linh bắt tay thằng em rể: “ Làm ba cho ngon lành nghe chưa? Chứ không là anh Hai phạt đó”. Chồng của Ly lấp vấp…dạ thưa và lính quýnh…bắt tay anh. Thằng này nó có cái tịt trăng hoa nên thường né thằng Linh chứ tính nó cũng hiền lành. Cũng bởi nó ưa bay nhảy nên con vợ nó mới ghen sống, ghen chết. Tôi la Ly hoài, có bực nhưng lại thấy tức cười. Ghen là một cảm giác như thế nào và cớ sao mà tôi không biết, sau ngần ấy năm làm vợ và có với chồng cả một bầy con lít nhít.  Có lần nghe tôi nói vậy, Ly cười rất to: “Mẹ có ghen với ba là ghen với tiền bạc và công chuyện kìa. Mấy thứ mà ông ba ổng ghiền á! Chứ bồ bịch, trai gái gì ông ba, trời!”
Có được một thằng cháu, kể ra, cũng thật là hay. Ngày nào Ly cũng đưa con về ngoại. Các cậu, dì của nó ghiền lắm, nhất là Linh. Vào những lúc Linh ẵm bồng nựng nịu thằng nhỏ, đôi khi, tôi tìm gặp được trong ánh mắt con trai mình cái khát khao làm cha. Và mừng. Linh đã ngoài ba mươi mà sao tôi chẳng thấy nó bồ bịch ai và cũng chẳng hề nghe nó nói gì đến việc cưới vợ. Linh cứ một mình khiến tôi càng thêm thương con và nóng ruột. Thời gian trôi qua nhanh qúa. Ba nó mất, có cảm giác như mới đó, vậy mà đã gần mười năm. Mấy đứa sau thằng Linh và con Ly lớn nhanh đến chóng mặt. Út ít nhà chúng tôi, giờ, đã ra dáng thanh niên lắm rồi. Ra phố đã thấy liếc xéo dọc ngang và rì rầm chuyện con gái với mấy đứa bạn cùng lứa.
Nói chi xa. Cái thằng cháu ngoại của tôi mới đỏ hỏn đây mà quay đi đã biết lật, quay lại đã biết bò rồi thôi nôi, sinh nhật… Tôi ngắm nhìn sự biến chuyển của con cháu, mỗi ngày. Thấy vui và thấy lẻ loi kinh khủng. Sự cô đơn, không cách gì bứt ra khỏi tôi được. Dù tôi vẫn sống cùng các con với những mâm cơm trưa - chiều  đông vui ồn ã.Vẫn đi chợ với mấy đứa con gái, chơi thể thao với hai thằng con trai. Uống bia với Linh. Nói chuyện gia đình với Ly và mê say nựng nịu thằng cháu ngoại. Tôi chạnh lòng, lẻ loi, vào những lúc tách rời gia đình và chạnh lòng, lẻ loi, ngay cả giữa cảnh nhà đầm ấm, mới đến là lạ. Đêm đêm, khi phóng xe về ngoại thành, đôi khi tôi khóc. Khóc theo những vòng xe lăn nhanh. Vòng xe thì lăn nhanh mà nỗi lẻ loi tôi lại trôi đi rất chậm. Cứ thư thả. Nhẩn nha. Là dài dặc quá một nỗi lẻ loi. Và cả nữa, sâu hút và rộng rinh: nỗi một mình. Cuộc sống buồn quá là cuộc sống không có đôi. Là khi người đàn ông của đời mình đã mất. Là khi ba của các con tôi đã không còn.
Suốt mấy tháng nay, cả thành phố đồn ầm chuyện Linh chung sống với một người phụ nữ lớn hơn nó tới mấy tuổi, vô gia đình và rất là hư đốn. Những tin tức ấy sao khỏi bay về đây, cái thị trấn nhỏ bé này và lọt vào ngôi nhà to đùng của chúng tôi được chứ! Tôi không ngạc nhiên nhưng cũng không thể điềm nhiên. Tôi tìm cách lảng tránh, khi nghe một ai đó nói tới chuyện này. Trong tận cùng sâu thẳm của lòng mình, tôi trông chờ những tâm sự của con trai. Vậy mà những buổi trưa rãnh rang của hai mẹ con rồi cũng qua. Những buổi tối trống không rồi cũng qua. Những khoảng thời gian thật hiếm hoi cho tôi và Linh cùng những ly bia nâng lên, hạ xuống rồi cũng qua. Con trai tôi vẫn im lặng. Có vẻ như Linh muốn bưng kín, dấu chặt mọi nỗi niềm riêng tư vào trong mình. Và tôi? Tôi còn có thể làm gì? Khi mà mọi thứ vẫn thế. Những sinh hoạt trong nhà vẫn thế. Cái vòng quay mỗi ngày của tôi và các con vẫn đâu thể dừng, dù lắm khi tôi thấy chán, mệt và mong muốn những đổi thay. Chuyện của Linh không là một đổi thay như tôi hằng mong muốn. Nó khiến tôi thêm mệt trí và nặng lòng. Nó đeo bám theo tôi suốt ngày. Bây giờ vào những cuối chiều, sau những séc bóng bàn thật…gay cấn với Lân và Lam, tôi thường lên sân thượng và ngồi ở đó rất lâu. Thật khác với khi trước, mấy mẹ con vội vã tắm rửa và hối hả lao vào bàn ăn vì bụng đói meo. Tôi ngồi đó. Rưng lòng vì nhớ chồng và quắt trí vì lo cho con. Tôi ngồi đó để biết rằng đêm đã xuống và khu chợ dưới kia, vắng ngắt. Để thấy rằng ông chồng mê làm ăn của mình đã có lý biết bao, khi mua tất cả những ngôi nhà đều sát chợ. Chợ, khi ngày đã tắt và những ồn ã đã hết có những nét riêng. Ba của các con tôi thì rất mê chợ ngày. Còn tôi? Tôi lại yêu quá một chợ đêm, khi không có nhóm họp và mua bán. Không thấy những nhớp nháp, lộn xộn… Không  nghe  những cười  cợt,  kình  cãi … Không có những ảnh hình, âm thanh. Chỉ có mùi vị - những mùi vị chợ -. Lúc - phảng phất, khi nồng đượm theo gió bay tới tận chỗ tôi ngồi. Cũng từ một chỗ ngồi, nơi sân thượng nhà mình, tôi ngắm nhìn một khung cảnh chợ đêm xác xơ, xẹo xọ… mà ngậm ngùi.
Vào một buổi tối như vậy, giữa khi tôi đang ngồi một mình như vậy thì Linh tới bên. Nó đi lên cầu thang nhẹ quá hay là lòng tôi xáo trộn quá mà tôi không nghe được bước đi của con trai mình. Linh nói ngay, khi biết tôi đã nhận ra sự xuất hiện của nó. Linh cho biết nó đã có vợ. Tụi nó đã đi đăng ký kết hôn và có làm một tiệc nhỏ ở nhà hàng. Đó là những gì mà bạn gái của nó tha thiết khẩn cầu. Linh sợ tôi không cho phép và mất thêm thời gian trong khi ngày, giờ của tụi nó đã không còn bao lăm nữa… Linh nói gấp gáp đến không kịp thở. Tôi có ý nghĩ nó vừa phải trải qua những khủng hoảng và đang rất căng thẳng. Con trai tôi mang khuôn mặt biến sắc với đôi mắt thất thần giống hệt như  hồi ba nó tự tử. Thấy vậy, cả người tôi tự nhiên lạnh toát. Muốn kêu to lên: “Con ơi!” mà không thể. Khuya đó, tôi gục đầu trên bàn thờ chồng, khóc như mưa. Đã rất lâu rồi, tôi mới có được một lần khóc dữ dội đến làm vậy. Tôi vừa khóc vừa trách móc chồng: “Sao anh bỏ em lại một mình? Không có anh, em biết làm gì đây cho con? Con đã cần anh biết bao. Và em nữa. Vậy mà anh đành lòng đi! Vậy mà anh bỏ mặc!…”. Đã rất nhiều lần linh cảm của tôi mách bảo đúng. Và tôi biết rất rõ mà. Lần này cũng vẫn vậy. Tôi nói biết, bởi, không đủ can đảm để tin.
Sau khi vợ mất, Linh giao công chuyện kinh doanh lại cho tôi và kêu vợ chồng Ly về phụ mẹ, rồi đi. Nó muốn ở ẩn đâu đó một thời gian. Tôi không dám nhìn sâu vào đôi mắt buồn rười rượi của Linh. Tôi sợ phải đối diện với những đớn đau của con hay là của chính mình, ngày trước? Tâm, vợ Linh bị ung thư và được phát hiện, khi đã quá muộn. Chiều theo ý con, tôi đưa Tâm về và con dâu tôi (có thể gọi như vậy được chăng?) đã có những ngày cuối đời mình như ước muốn. Có nghĩa là: được sống trong một tổ ấm gia đình. Được chồng và những người thân trong nhà chăm chút, lo toan đầy đủ…Khi làm điều này, tôi đã gặp không ít phản ứng từ khắp phía nhưng nào có đáng gì? Còn có gì là đáng kể nữa đâu trước những bất hạnh mà con trai tôi phải khứng chịu? Tôi chiều theo Linh trong tất thảy mọi chuyện và con tôi thì nhất nhất làm theo nguyện vọng của người sắp mất. Tâm theo đạo và đã được gặp linh mục lần cuối  để chịu các phép. Linh, một mình, đi sau linh cữu vợ bước vào giáo đường và đứng sững suốt tang lễ. Tôi biết đó là lần đầu con trai tôi đến đó: một nhà thờ. Đến, không phải trong niềm hạnh phúc ngất ngây, khi trao nhẫn cưới và những lời khấn nguyện cho nhau.
Tiễn đưa Tâm tới nơi an nghĩ cuối cùng, chẳng có ai ngoại trừ tất cả mọi thành viên trong gia đình đông đúc của tôi và những người làm thân tín. Không có khăn tang. Chỉ có những bộ quần áo màu đen. Và rất nhiều hoa cúc vàng rực. Đó là loại hoa vợ Linh thích. Đó cũng là màu Tâm rất yêu. Tôi và Linh rời nghĩa trang cuối cùng. Con trai tôi không khóc. Không hề khóc trong những ngày  qua và suốt tang lễ. Chỉ rống lên: “Em ơi!” bên ngôi mộ mới đắp, khói nhang tỏa khắp trời, những cành hoa còn rất tươi… Sao chỉ là những cành hoa? Sao không có ai nghĩ tới chuyện đặt cho Tâm những vòng hoa? Tôi ngắm nhìn rất lâu những cành hoa ấy. Những cành hoa lẻ đơn. Không tha thiết cho mình, chỉ thấy lòng da diết quá một nỗi xót thương con. Tiếng rống: “Em ơi!” của Linh tức tưởi, rền âm giữa không gian chiều vắng lặng và tím tái. Không làm muốn khóc nhưng nghe thót tim. Tôi chết điếng và bàng hoàng nhận ra: đã mùa đông.
Những ngày cuối năm hết sức bận bịu  đã lấy mất đi của tôi khoảng thời gian riêng tư, dẫu đã quá ít ỏi. Không có Linh, tôi đâu dám bỏ nhà cửa, xưởng thợ, hàng quán ở phố để trở về ngôi nhà nhỏ của mình đêm đêm. Sân thượng trống trải, đầy gió và lạnh thấu xương cũng không thể giữ tôi lâu những khoắc khuya một mình. Mấy séc bóng bàn đều đặn cuối chiều đành phải bỏ nhưng những câu chuyện cổ tích, kể để ru cho thằng  cháu ngoại ngủ, thì vẫn chẳng thể sót được một tối nào. Bởi đâu chỉ có riêng cháu, bà nghe chừng cũng rất mê: công chúa, hoàng tử, những cô tiên, mụ phù thủy…giữa bao ngổn ngang, tất tả đời thường. Công việc ngập đầu và mọi người trong nhà phải làm cật lực kể cả Ly, đang có bầu đứa thứ hai, bụng đã cao vượt mặt. Tôi nhắc, la Ly mà mừng. Các con tôi rất giống ba chúng nó ở cái nết siêng làm. Không những thế còn giống cả cái chuyện rất thích được ăn ngon. Chị đầu bếp nhà tôi thuộc lòng món ruột của từng đứa một và vẫn phục vụ rất tận tụy. Tôi thích những bữa ăn đêm và yêu quá cái khung cảnh mấy mẹ con xúm xít với nhau ngay nơi gian bếp, xì xoặp chan húp và háo hức nuốt nhai. Thức ăn nóng, có nước và cay luôn được mọi người ưa thích. Tôi ăn kiêng nhưng cũng khó chối từ những bữa ăn đêm thật là ấm cúng và rất ư ngon lành đến làm vậy. Nhìn các con, tôi nhận ra bên cạnh những mất mát, cuộc đời đã ban tặng cho mình nhiều quá. Tôi sắp gã chồng cho Loan, em kề Ly. Và rồi tôi sẽ có thêm các cháu. Cháu ngoại và cháu nội: đông đúc và đủ đầy. Ngày cưới của Loan đã được hai bên thỏa thuận từ trước bởi đó Linh có biết.
Tôi rất nhớ Linh và càng  nhớ hơn những lúc cả nhà sum họp, nhưng đó là nỗi nhớ của sự thương yêu chứ không phải lo lắng. Từ hồi đi, Linh có gọi điện về nhà mấy lần nhưng chỉ gặp các em nó. Tôi nhận được email của Linh và đọc từ những con chữ không có dấu những xúc cảm rất đằm của con trai mình. Linh cho biết đang sống với gia đình một người bạn ở Vĩnh Phú: “Ở đây lạnh lắm mẹ. Bây giờ con đã nghiện trà móc câu và rất mê những đồi cọ. Ngoài này người ta uống rượu cả vào buổi sáng, khi vừa mới thức dậy. Đôi khi con cùng uống nhưng không nhiều vì chưa quen. Và con thấy nhớ những lần lai rai của hai mẹ con mình quá. Phải như chúng ta có nhiều thời gian hơn và con được uống bia với mẹ nhiều hơn. Mẹ ơi! Con sẽ như thế nào…Sẽ ra làm sao nếu không có mẹ. Mẹ biết không? Tâm rất biết ơn mẹ về những gì mẹ đã làm cho cô ấy. Mẹ đừng lo gì cho con, mẹ nghe…”. Linh không nói chừng nào về nhưng không như nhiều người dự đoán: con trai tôi sẽ đi luôn. Tôi tin Linh sẽ về trước ngày cưới Loan. Nó phải về để cùng đứng bên tôi tiếp đón họ hàng, bạn hữu. Để cùng các em nó lo liệu, sắp xếp mọi chuyện… Và uống Tiger để cùng say với mẹ nữa chứ, khi một ngày vui của gia đình đã qua đi. Ở giữa giấc khuya, nơi bậc thềm ngôi nhà cũ.
Tôi tin con trai tôi, sau tất cả, vẫn trở về. Về, dẫu một mình. Và thêm nữa về, bởi biết mẹ nó, rồi ra, vẫn cứ thế: một mình.
Nguyễn Mỹ Nữ
Theo https://www.vanchuongviet.org/ 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...