Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Huỳnh Định - Tác giả, tác phẩm

Huỳnh Định - Tác giả, tác phẩm
Nó muốn giúp mẹ
Nó áp sát lồng ngực bé xíu vào bàn tay, tay trái ghì chặt quyển vở, tay phải hý hoáy ghi chép. Nó đang làm bài tập cô giáo cho về nhà. Miệng nó lẩm nhẩm đọc. Rồi nó buông bút xuống bàn, xòe cả hai bàn tay ra đếm. Nó lại lắc lắc đầu, cầm bút đưa lên môi cắn cắn, nhăn trán nhíu mày như người lớn vậy. Chắc nó không đủ sức để làm bài toán đó. Nó đưa mắt nhìn quanh một lúc rồi lại nhìn vào vở lẩm nhẩm đọc. Từ trong buồng tiếng em nó khóc thét lên, nó giật mình chạy vào. Nó kéo cái ghế vuông nhỏ cao chừng ba tất dưới gầm giường của mẹ ra, bước một chân lên rồi dùng cả hai tay bấu vào chiếc nôi em để bước chân kia lên. Nó dồn tất cả sức lực ít ỏi để cầm bốn chiếc quai nôi và đưa qua đưa lại. Thấy em vẫn còn khóc, nó cố đưa mạnh hơn chút nữa, nó sợ đánh thức giấc ngủ của mẹ nó...
Mẹ nó nằm trên giường cạnh chiếc nôi, đôi mắt sưng mọng khép chặt, gương mặt mệt mỏi đến bơ phờ, chắc mẹ khóc nhiều quá nên thiếp đi đó thôi. Nó không dám hát ru em sợ mẹ thức dậy, thế mà em nó vẫn thiu thiu ngủ. Nó sẽ sàng bước xuống đất, rón rén đặt nhẹ chiếc ghế vào gầm giường rồi nhón chân bước ra khỏi buồng. Nó lại ngồi vào bàn học mà đầu óc cứ nghĩ đến mẹ nó. Cô giáo bảo phải ngoan, phải làm cho mẹ vừa lòng. Nó đã làm mọi cách nhưng sao mẹ nó cứ khóc hoài. Chắc tại ba không ngoan nên ba hay làm mẹ buồn, ba bảo mẹ không đẻ em trai cho ba nên ba uống rượu mãi. Ừ, tại ba không đi học, không có cô giáo nên ba không ngoan! Mà không phải đâu, chú Hà ba bạn My cũng đâu có đi học, bạn My cũng chỉ có một đứa em gái sao chú Hà ngoan thế nhỉ? Chú hay đưa thím Lan và cả chị em My đi xem phim, đi chơi đây đó và đi ăn kem nữa. Ba nó mà cũng thế chắc mẹ nó vui lắm. Nó bỗng giật mình nghĩ đến bài toán chưa làm xong. Sao khó thế nhỉ? À, bạn My hay kể rằng khi gặp bài toán khó bạn ấy thường nhờ ba giảng, mà khi hiểu ra bạn ấy còn được thưởng cả kẹo nữa. “Ơ”! nó lại giật mình, mình phải nghĩ ra bài toán này chứ, nhất định không nghĩ vẩn vơ nữa. Và nó lẩm nhẩm đọc...
Bài toán vẫn chưa làm được. Có tiếng chó sủa, nó biết ba nó về. Đúng như nó nghĩ, ba nó bước ngửa bước nghiêng chếnh choáng đi vào, đặt mình đánh rầm xuống cái giường kê sát vách tường. Rồi ba nó vùng dậy, nôn thốc nôn tháo từ trên giường xuống nền đất. Nó co rúm người vì sợ hãi. Nó sợ giống như mọi bữa, ba nó nôn xong mà mẹ nó chưa kịp ra dọn là ba xông vào đánh mẹ. Nó chạy nhanh vào buồng gọi mẹ. Mẹ nó thất thểu bước ra, ba nó lè nhè:
- Thôi, để đó tôi, từ nay tự tôi sẽ lo cho tôi. Đi ngủ đi!
Nó giương mắt ngạc nhiên. Có phải ba nó giống như mấy bạn học sinh cá biệt bắt đầu nghe lời cô giáo không nhỉ? Hôm sau nó thỏ thẻ hỏi mẹ như thế, mẹ nó cười qua nước mắt:
- Ba muốn ly dị với mẹ đó.
- Ly dị là như thế nào hả mẹ?
- Là chia ra hai nhà, ba sống ở nhà khác, còn mẹ ở nhà khác.
- Thế còn con và em?
- Em sẽ ở với mẹ còn con thì ở với ba.
- Nhưng sao lại phải ly dị hả mẹ?

- À, tại mẹ không sinh được em trai. Mà sao con hỏi nhiều vậy? Đi học đi kẻo trễ.
Nó ôm cặp bước ra khỏi nhà mà vẫn còn thắc mắc. Ba mẹ nó sẽ ly dị à? Mẹ khóc nhiều thế chắc là mẹ không muốn ly dị. Nhưng sao ba nó lại muốn nhỉ? Nó cũng không muốn đâu. Ba nó, mẹ nó, nó và em nó - bốn người ở trong nhà vẫn rộng lắm, sao phải ở hai nhà chứ? Nhà bạn My, bạn Hiền, Bạn Thảo chật hơn nhiều vẫn ở được cơ mà. Nhà nó rộng hơn sao bố nó... Ờ, mẹ bảo tại mẹ không có em trai. Nhà bạn My cũng không có em trai, hay là nó nghĩ một buổi học sang hỏi chú Hà xem vì sao chú ấy không đòi ly dị rồi về mách với mẹ nó. Dù sao thì nó cũng chưa làm xong bài tập, đến lớp nói thế nào với cô giáo đây?
Thế là nó nghĩ học và hối hả chạy đến nhà chú Hà. Nó tự trách nó ngốc quá, sao không nghĩ đến chuyện này sớm hơn. Biết đâu chừng nó còn giúp được ba nó bỏ uống rượu, giúp ba nó biết ngoan với mẹ nó nữa. Bây giờ cũng được, nó sẽ hỏi chú Hà, nó sẽ... Vậy mà chú Hà chỉ xoa đầu nó và cười sặc sụa:
- Đó là chuyện của người lớn, cháu biết gì mà hỏi!
Nó tiu nghỉu bỏ về. Thật là bực mình, chuyện người lớn trẻ con biết cũng được chứ sao? Mà chuyện này cũng có liên quan đến nó và em nó nữa. Nó chẳng muốn chỉ ở nhà với ba mà không có mẹ và em. Nó muốn ba mẹ nó vui vẻ, muốn nhà nó giống hệt như nhà bạn My vậy. Thế mà chú Hà không nói cho nó biết, chắc chú Hà là người không tốt rồi. Cả đêm ấy nó không ngủ, nó co rúm người trong chăn mà suy nghĩ. Thỉnh thoảng nó lại nghe tiếng nấc lên khe khẽ của mẹ. Tự lúc nào nước mắt nó ứa ra chảy thành dòng theo hai khóe mắt. Mẹ lại khóc nữa, chắc mẹ cũng không muốn chia ra hai nhà giống như nó vậy. Nó từ từ tụt xuống khỏi giường, ngần ngừ một lúc rồi bước đến bên giường ba nó. Ba nó đang ngủ mà một chân vẫn chống dưới đất, ống quần bẩn ơi là bẩn. Nó dùng cả hai tay ôm lấy khủy chân ba nó đặt lên giường. Ba nó giật mình hỏi:
- Ai đấy?
- Dạ con đây - Nó đáp rụt rè.
- Sao con chưa ngủ?
- Dạ, con muốn hỏi ba mà sợ...
- Hỏi gì?
- Dạ, con muốn hỏi... muốn hỏi... tại sao ba muốn chia ra làm hai nhà vậy?
- Tưởng chuyện gì, đi ngủ đi mai dậy sớm đi học - Ba nó gắt - chuyện người lớn con biết gì mà hỏi?
Nó lủi thủi leo lên giường. Lại chuyện người lớn! Ba mẹ bạn Hiền, bạn Thảo, bạn My cũng là người lớn sao không có chuyện này? Mẹ nó lại khóc nữa, nó cũng òa khóc theo và thiếp đi lúc nào không biết. Nó giật mình mở mắt khi nghe tiếng mẹ gọi. Nắng vàng đã rải đều ngoài sân. Nó chăm chú nhìn đôi mắt sưng húp của mẹ, mẹ nó ngạc nhiên:
- Con nhìn gì thế? Mau xuống ăn cơm rồi đi học kẻo trễ.
- Mẹ ơi! Sao mẹ khóc nhiều thế?
- À, tại mẹ buồn.
- Mẹ ơi! Sao ba mẹ bạn Hiền, bạn Thảo không chia ra hai nhà hả mẹ?
- À, tại mẹ các bạn ấy có em trai đấy.
Ra thế! Nó vừa ôm cặp đi vừa nghĩ. Sao mẹ không cho nó biết sớm hơn chứ? Sáng nay nó không đi học nữa, nó sẽ đến hỏi mẹ bạn Hiền xem làm sao bác ấy đẻ được em trai, rồi về nó sẽ mách cho mẹ nó biết. Mẹ nó mà biết chắc mừng lắm. Sau đó nó sẽ đến trường khoe với cô giáo rằng nó đã giúp đỡ mẹ. Nó bước thật nhanh, đôi chân bé xíu thoăn thoắt trên đường. Rồi hình như nó thấy vẫn còn chậm, nó cầm dép lên tay và co giò chạy một mạch. Thế mà đến nơi nó cũng chỉ nhận được mấy tràng cười và một câu nói:
- Đó là chuyện của người lớn, cháu quan tâm đến làm gì?
Nó ứa nước mắt quay về. Nhưng nó không bỏ cuộc. Hơn một tuần lễ nó đến nhà từng bạn có em trai để hỏi, nó cứ nghĩ rồi sẽ gặp người tốt và họ sẽ cho nó biết. Nhưng không ai nói cho nó biết cả. Một bữa buồn quá nó ngồi dưới gốc cây bên đường thút thít khóc. Một thằng con trai hơn nó chừng ba, bốn tuổi đến gần và tò mò hỏi lý do. Nó vừa khóc vừa kể, nghe xong thằng con trai cười toe toét:
- Tưởng gì, chuyện đó tao biết rồi. Mày đổi tao cái gì tao nói cho nghe.
Nó lôi trong cặp sách ra mấy tờ 2.000 đồng, tiền mẹ nó cho ăn quà nó vẫn để dành đấy, đưa hết cho thằng con trai. Rồi thằng con trai bảo nó về nhà hái thật nhiều hoa cắm một lọ to, đốt thật nhiều nhang và phải ngồi canh lọ hoa suốt đêm không được ngủ, ai hỏi gì cũng không được nói.
Nó mừng quá, làm y lời thằng con trai bảo. Bữa đó ba nó về, nhìn thấy nó cầm một nắm nhang đỏ bên lọ hoa to tướng thì ngạc nhiên hỏi:
- Con làm cái gì thế?
Nó không trả lời. Ba nó sán tới đưa tay vừa định cầm lọ hoa vừa hỏi tiếp:
- Con làm gì thế?
Nó chỉ kêu ré lên một tiếng rồi im bặt. Mẹ nó hốt hoảng chạy ra lay hai vai nó:
- Con làm sao vậy?
Nó cũng chỉ kêu ré lên một tiếng. Ba nó đang hốt hoảng thì cô giáo của nó đến. Vừa bước vào nhà cô đã nói ngay:
- Cháu làm sao mà nghỉ học hơn tuần lễ nay vậy?
Ba mẹ nó tròn mắt nhìn nhau. Bây giờ cô giáo mới nhìn thấy nó. Nó hơi cúi mặt xuống nhưng mắt vẫn không rời lọ hoa.
- Một dấu hiệu của bệnh tâm thần? - Cô giáo thốt lên - con bé mọi khi rất ngoan cơ mà!
- Cả tuần nay cháu vẫn đi học - Mẹ nó run rẩy nói.
- Đưa cháu đi bệnh viện ngay đi! - Cô giáo giục.
Ba nó sực tỉnh bước đến bế nó chạy ra đường. Nó thét lên một tiếng nghe thật kinh khủng, nó chỉ muốn ngồi canh lọ hoa cho đến sáng mà thôi. Nhưng hỏng mất rồi, ba nó định đưa nó đến bệnh viện. Ra đến ngõ nó giãy nãy kêu lên:
- Con có bệnh gì đâu? Ba làm hỏng việc của con mất rồi!
Ba nó hỏi dồn:
- Việc của con là việc gì thế?
Mẹ nó lao tới ôm chặt lấy đứa con gái bé bỏng, giọng chị vẫn chưa hoàn hồn:
- Con làm sao thế? Mấy hôm nay sao con không đến trường?
- Dạ, tại con muốn giúp mẹ.
Thấy nó đã ngoan ngoãn như thường ngày, cô giáo ôn tồn hỏi:
- Em muốn giúp mẹ chuyện gì? Sao lại tự ý bỏ học hơn cả tuần thế?
- Dạ, thưa cô... Nó im bặt len lén nhìn ba nó.
- Con nói đi - Giọng ba nó hiền khô.
Và nó kể lại hành trình những ngày qua, những điều nó nghe thấy và những điều nó nghĩ. Nó kể tự nhiên như các bạn nó kể chuyện theo sách vậy. Có khi nó khóc thật, nước mắt đầm đìa cả gương mặt bé thơ. Cả ba người nghe đều sững sờ, sững sờ không kém khi họ nhìn thấy nó cầm nắm nhang ngồi trước lọ hoa vậy. Nó đấy sao? Con bé chậm tiến và ít nói của lớp 1A đấy sao? Con bé lầm lì ít hoạt động của ba mẹ nó đấy sao? Tâm hồn nhỏ nhoi của nó đã phải lấp đầy những lo lắng, suy tư, hoảng hốt ấy sao? Giọng nó vẫn kể đều đều, ba nó nghe mà tưởng chừng như đang nghe bản tuyên án. Kể xong, nó vừa khóc vừa nói:
- Ngày mai con sẽ tìm lọ hoa khác, tối mai ba mẹ đừng có quấy rầy con nữa nhé!
Ba nó nhấc bổng nó lên, hôn khắp người nó và bảo:
- Thôi con đừng kiếm hoa nữa. Ba không muốn chia ra hai nhà nữa đâu.
“Ôi!” Nó reo lên mừng rỡ. Và nó nghĩ hình như thằng con trai mà nó đã gặp dưới gốc cây bên đường kia chính là... ông Bụt!.
Hai kẻ ăn mày
Tôi đưa miếng cơm cháy khô khốc của một người đàn bà vừa mới bố thí lên miệng, bất đắc dĩ ngoạm một tí rồi thôi. Đắng và nhạt quá! Cuộn mình trong tấm ni- lon rách loang lổ trên chiếc sạp ọp ẹp hồi lâu, bụng đói cồn cào, tôi lại nhỏm dậy lần tìm miếng cơm cháy đã vứt ban nãy.
Lều bên kia, thằng Hiên cười khoái chí trước cái bánh bao nóng hổi, khói còn bốc lên ngon lành. Nó thưởng thức từ từ, nhìn tôi trêu tức, tôi chỉ ấm ức liếc nhìn nó, nước bọt trào ra bị nén lại ừng ực. Tôi xoay người sang hướng khác. Mặc kệ nó, hôm nay nó may mắn gặp người tốt bụng, ngày mai chắc sẽ đến lượt mình. Đời kẻ ăn mày nay đây mai đó, bữa đói bữa no là chuyện thường. Nó hay gặp may hơn tôi, mà nó cũng hay tranh dành với tôi lắm. Cái chợ nhỏ mà tôi với nó hay ngủ đêm này tên là chợ gì, ở xã nào tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng đó là nơi mà đêm đến tôi sẽ về, sẽ trải tấm ni-lon cũ rách lên sạp tre, sẽ ăn món gì vừa xin được và sẽ gối đầu lên gói đồ đạc lỉnh kỉnh này thiếp đi cho đến sáng. Ở căn lều bên thằng Hiên cũng thế. Nó to khỏe hơn tôi, cả cái lối kể lể với khách qua đường nó cũng hơn tôi, nhờ vậy bao giờ nó cũng được no nê hơn tôi. Mặc kệ nó! Hơn thua cũng mình tôi và nó biết, chứ giữa chợ đời tôi và nó cũng chỉ là hai kẻ ăn mày như nhau. Tôi ghét nó, ghét đắng ghét cay. Tôi chẳng muốn nhìn sang chỗ nó, nhưng ruột gan tôi như có vô số những sinh vật bé nhỏ cào xé. Hình ảnh cái bánh bao bốc khói trên tay nó lại hiện ra, tôi lại cố nuốt nước bọt và nhìn nó theo lệnh mách bảo của dạ dày. Nó vừa bỏ phần bánh cuối cùng vào mồm vừa lôi trong túi ra một cái bánh bao khác. Toàn thân tôi run lên vì quá đói, vì thèm thuồng, miệng tôi buột thốt:

- Mày cho tao mượn nửa cái, mai tao trả. Tao đói quá!
Nó ôm bụng cười to, miệng vừa nhai vừa nói:
- Có trả nổi không? Hai ngày rồi tao đói, bữa nay gặp may ăn bù chứ!
Cực chẳng đã mới cầu cứu nó chứ tôi biết trước nó khốn nạn lắm. Dành của tôi được nó dành, sức mấy nó lại đi cho tôi. Có lần tôi nói vã cả nước bọt ông khách qua đường mới lấy hai tờ giấy bạc định cho tôi, nó ở đâu xộc tới, thế là mỗi đứa một tờ. Bữa nay được cho bánh bao nó ăn một mình chứ có hôm tôi xin được khúc bánh mì mà không cho nó là nó đè tôi xuống giằng lấy cho được một nữa. Tôi ức lắm nhưng chống cự không lại nó, đành chịu.
Trời bỗng nổi cơn giông. Đèn điện quanh xóm chợ vụt tắt, mấy vì sao cũng bị sấm chớp đuổi chạy đâu mất. Tối om, gió ào ào tạt vào mặt rát bỏng. Rồi mưa, mưa xối xả. Căn lều tranh dột nát, tôi vừa ướt đẫm vừa chịu sự hành hạ của cái đói. Cóng quá, tôi lần sang lều thằng Hiên xem thử, may ra lều nó ít dột hơn. Nhưng ở đây nước cũng đổ xuống ròng ròng, chỉ có một khoảnh nhỏ không dột mưa đủ cho một người đứng trú. Nó không đời nào nhường cho tôi đâu. Biết thế, và biết mình không đủ sức tôi vẫn đánh liều đẩy nó ra. Hai đứa quần nhau trong bóng tối. Tôi đuối sức, mềm nhão người nằm vật ra đất. Lúc tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng, mây tan mưa tạnh, nắng ban mai đã rải đều khắp nơi. Thằng Hiên đã đi rồi. Tôi cố lê người ra khỏi căn lều cho người ta dọn hàng, nhưng tôi không đủ sức đi xa, cứ ngồi giữa lối đi ngửa tay van vỉ người đi chợ. Bỗng thằng Hiên quay lại, nó vứt vào người tôi một mẫu sắn luộc:
- Cho mày mượn, nhớ trả đó!
Tôi nhìn nó vừa uất vừa căm vì chuyện đêm qua. Tôi vung tay định vứt trả mẫu sắn luộc vào mặt nó cho hả tức, nhưng tôi không còn đủ sức và không đủ...can đảm! Mấy bữa rồi tôi chưa kiếm được mẫu sắn như thế này.
Cuộc đời có những đổi thay mà người ta không thể lường trước được. Nhờ một người bán hàng xén trong chợ, nhờ vết sẹo bên hông trái và sợi dây đeo cổ kỳ quặc mà từ một đứa ăn mày cô độc tôi bước lên chiếc xe bóng loáng về ngôi biệt thự với cha mẹ, anh em. Đó là cuộc hội ngộ bất ngờ sau bao năm trời lưu lạc. Tôi bước lên xe trong sự mừng tủi của mọi người. Tôi vứt túi quần áo cũ kỷ, rách rưới trước mặt thằng Hiên, lòng nghe hả dạ. “Thế là mày không hiếp đáp tao được nữa rồi, đồ khốn ạ”. Tôi ngồi vào ghế và đóng cửa xe lại, vui phơi phới khi nghĩ đến ngày mai. Xe chạy, tôi ngoái đầu nhìn lại, bỗng trong tận cùng của tâm hồn tôi nghe dâng lên một cảm giác gì lạ lắm, cảm giác ấy tôi chưa từng có bao giờ. Một chút gì giống như là nỗi buồn lưu luyến- vô lẽ tôi lại luyến tiếc cái quãng đời tha phương cầu thực đã qua?
Cả nhà ai nấy đều hoạch định tương lai cho tôi một cách gấp gáp, khẩn trương và quan trọng. Bao nhiêu ngày sống trên đời, lần đầu tiên tôi mới biết tuổi tác của mình. Gia đình muốn tổ chức cho tôi buổi tiệc sinh nhật, sinh nhật đầu tiên - sinh nhật thứ mười ba. Ba tập cho tôi phong cách đi đứng của con nhà gia giáo, mẹ mua thật nhiều của ngon vật lạ để bồi dưỡng cho tôi, anh lo giấy tờ, hộ khẩu và chuyện học hành của tôi, chị thì chăm chút cho tôi từ bộ quần áo đến trang trí căn phòng ngủ. Từ địa ngục tôi bước lên thiên đường mà không phải đi qua trần gian. Hạnh phúc này là thực, ngày xưa tôi bị lạc gia đình là thực, ba mẹ anh em của tôi là thực... nhưng sao lòng tôi vẫn thấy thiếu mất một cái gi? Càng ngày tôi càng nhận ra điều ấy rõ hơn. Có bữa trong lớp học, tôi giật thót mình nghe thầy giáo gọi vì tôi mãi đeo đuổi theo một ý nghĩ nào đó mà tôi chưa nghĩ ra. Rất nhiều lần ngồi trước mâm cơm sang trọng, mẫu sắn luộc của thằng Hiên cứ hiện ra trước mắt tôi như sờ thấy được. Cái thằng nó luôn khốn với tôi, duy chỉ có lần ấy mà không nhờ mẫu sắn luộc của nó chưa chắc tôi đã qua khỏi. Đôi khi thấy một kẻ ăn mày trên đường là tôi nhớ tới nó, nhớ tới là tức anh ách mà vẫn thấy nhớ. Những đêm trời rét căm căm, tôi cuộn mình trong mấy lần chăn mà nghĩ tới thằng Hiên. Tôi không thấy mình hơn nó. Phải chi nó cũng có một sự đổi đời như tôi thì chắc nó cũng sẽ tranh hơn tranh thua với tôi, mà nếu thế chắc gì bây giờ tôi đã nhớ đến nó? Không! Ở hoàn cảnh này chắc nó chẳng đến nỗi... Chứ làm kẻ ăn mày, nó không khốn thì tôi khốn. Tôi mà to khỏe như nó chắc gì tôi đã tốt? Đâu phải chỉ có tôi và nó, còn bao nhiêu đứa nữa, không khốn làm sao có cái để ăn, để sống, để tồn tại? Nói gì thì tôi cũng còn nợ nó, như tôi bây giờ - trả cái gì để ngang bằng với mẫu sắn luộc của kẻ ăn mày như nó đây?
Cuối năm học, tôi đạt kết quả rất xuất sắc. Cả nhà rất vui và thưởng cho tôi một chuyến đi chơi xa bằng xe gia đình. Tôi thả hồn theo niềm vui của mọi người. Ngày trước tôi cũng đi khắp nơi nhưng bằng đôi chân mòn mỏi và nỗi âu lo sống còn, bây giờ tôi chỉ việc ngồi tõm trong lòng bố nhìn trời mây cảnh vật. Vui lắm, vui say sưa là khác, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nhớ nhung, thiếu vắng một điều gì? Bỗng dưng tôi đau đáu nhìn một bóng dáng trên đường, phía trước mặt. Cái lưng to bè, cái bao tải ố vàng, mái tóc xoăn tự nhiên phủ gần kín vai... thằng Hiên? Xe chạy vút qua, tôi ngoái nhìn lại: đúng rồi!
- Dừng lại! Anh Hai, dừng xe lại!
Xe dừng. Tôi đẩy mạnh cửa lao xuống đường. Ba cầm tay tôi níu lại như muốn hỏi. Tôi giật tay ra, không kịp giải thích, chạy đến chỗ thằng Hiên. Tôi mừng - nỗi vui mừng trọn vẹn mà chưa bao giờ tôi có được, nỗi vui mừng mà chính bản thân tôi cũng tự thấy bất ngờ.
- Hiên!
Nó quay lại nhìn tôi, nhìn thật lâu, thật kỹ. Tôi cũng nhìn nó, nhìn thật kỹ, thật lâu. Cùng lúc, quyển sổ bìa dày trên tay tôi và chiếc bao tải ố vàng trên tay nó rơi xuống đất. Hai đứa ôm ghì nhau, siết chặt. Hai đứa lại buông ra nhìn nhau, bốn giọt lệ không hẹn cùng rơi xuống. Rồi hai đứa cùng nhận ra giọng của nhau:
- Tao nhớ mày!
Qua những giây phút ngỡ ngàng, tôi và nó đều ngước lên nhìn thấy cả nhà tôi đang ngạc nhiên. Tôi không thể giải thích điều gì cả bởi vì chính tôi cũng không thể ngờ những tháng ngày dành giật nhau từng miếng ăn giấc ngủ, cấu xé nhau để dành sự sống ấy đã gắng bó chúng tôi đến mức vĩnh hằng. Cuộc đời đâu phải bao giờ cũng toàn kỷ niệm đẹp?
Sáu điểm rưỡi
Vớt con tôm cuối cùng trong chảo bày ra đĩa, tắt bếp, khóa ga, chị đưa tay lên quẹt những vệt mồ hôi loang lổ chảy từ mặt xuống cằm. Nhìn đĩa tôm tẩm bột chiên giòn mà cảm giác ngon quá chừng, món này chấm với sốt trứng gà tươi pha với tương ớt thì ngon phải biết. Nghĩ vậy rồi chị lại thấy buồn cười vì chị đâu có thích món này, chị vốn đã không khoái những món chiên, mà cái mùi đặc trưng của sốt trứng gà tươi thì chị càng không chịu được. Chị cảm giác nó ngon đến tận đầu lưỡi vì đây là món khoái khẩu của con gái chị. Bé thích món tôm tẩm bột chiên giòn đến nỗi mỗi lần chị làm món này là đi học về đến cửa Bé đã nhận ra mùi vị và reo lên thích thú… Chị liếc nhìn qua chiếc đồng hồ hình trái tim trên bàn học của Bé - đến giờ rồi - chắc chị chưa kịp rửa tay là Bé về.
- Thưa mẹ con đi học về!
Tiếng chào của Bé như có vẻ chùng xuống, chị thoáng ngạc nhiên. Chắc chắn Bé đã nhận ra mùi thơm của món ăn quen thuộc nhưng vẫn không có phản ứng gì. Chị cố tỏ ra bình thản giúp con gỡ cặp sách trên vai xuống. Học sinh lớp bảy mà mang sách vở nhiều quá trời, chị có cảm giác cái cặp sách nặng hơn một nửa trọng lượng cơ thể Bé.
- Hôm nay mẹ làm món tôm tẩm bột chiên giòn - Chị vừa nói vừa cười nhìn Bé.
- Dạ con biết rồi mẹ - Bé trả lời như không chút cảm xúc.
Chị rất ngạc nhiên, nhưng chị không hỏi vội. Chắc là hôm nay ở trường Bé gặp vấn đề gì đây. Thế nào buổi tối Bé cũng sẽ thỏ thẻ kể với chị. Như đã thành thói quen, mỗi khi có chuyện vui buồn ở trường, ở lớp Bé đều thỏ thẻ kể với chị vào buổi tối.
Bữa cơm tối với những món ăn quen thuộc mà Bé vẫn thích. Thường thì ngồi vào bàn ăn là Bé nói như sáo, hết những chuyện trong gia đình, chuyện trong học tập rồi Bé cũng tìm chuyện trên trời dưới đất để nói. Hôm nay Bé ngồi ăn lặng lẽ như người lớn, hình như Bé cố ăn nhiều hơn để ba mẹ không nghĩ là Bé đau ốm gì, thái độ của Bé như có chút gượng gạo. Đĩa tôm chiên cũng hết sạch như mọi lần, chỉ khác là không có một lời nhận xét. Ăn xong, Bé gác đũa lên miệng chén, làm một động tác khó tả - giống như kiểu người lớn thở dài - rồi nói từng tiếng nặng nề:
- Ba mẹ ơi! Bữa ni con làm văn được sáu điểm rưỡi!
Cả anh và chị cùng lặng đi một lúc. Bé nói xong thì đứng lên lại thả mình xuống giường và quay mặt vào trong không nhìn ba mẹ. Rất nhanh, chị bỗng cười to - cái kiểu cười mà chị không hình dung được bên trong nó chứa đựng điều gì:
- Có gì đâu, sáu điểm rưỡi, trên mức trung bình đến một điểm rưỡi, có gì mà phải buồn - Chị nói sang sảng mà không hiểu đang nói với con gái hay nói với chính mình nữa! Mà không, chính xác hơn là chị không hiểu mình đang nói gì.
Anh không kịp nuốt miếng cơm trong miệng, cũng vội vàng hùa theo:
- Tưởng chuyện gì, học chủ yếu là học để có kiến thức, điểm không quan trọng đâu con.

- Dạ, con biết rồi! - Giọng Bé là lạ, không hiểu Bé biết là biết những lời ba mẹ nói hay biết là ba mẹ đang động viên Bé đây? Chắc là Bé biết hết!
Bé học giỏi. Từ lớp một đến lớp năm Bé đều là học sinh xuất sắc. Cuối cấp Bé đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi toàn huyện. Năm lớp sáu Bé là học sinh xuất sắc nhất khối. Những năm tiểu học, trong vở Bé lưu lại toàn điểm mười, hy hữu lắm mới có vài điểm chín lạc loài xuất hiên. Lên cấp hai, nhiều môn học hơn, kiến thức khó hơn và thầy cô cũng “có nhiều cách” cho điểm hơn nên thi thoảng Bé cũng “bị” điểm tám - nhưng chỉ là thi thoảng thôi vì Bé rất thông minh và chăm chỉ. Những điểm tám thi thoảng của Bé thường rơi vào các bài viết văn, nhưng cũng có lúc bài viết văn của Bé được cô cho đến chín điểm rưỡi, nên mỗi khi “bị” điểm tám là mặt Bé buồn thiu. Vậy mà hôm nay Bé “bị” sáu điểm rưỡi, bài văn đầu tiên Bé có sáu điểm rưỡi mà cũng là lần đầu tiên trong đời Bé nhận sáu điểm rưỡi! Nhìn Bé nằm quay mặt vào trong mà chị ước gì con gái mình nhỏ bé lại như lúc lên ba, để chị có thể bế Bé lên mà dỗ dành. Nhưng chị biết mình không làm được gì cả. Bé buồn, Bé nhất định phải buồn trước một sự kiện lớn trong đời, chị càng nói điều gì đó càng làm cho Bé buồn hơn mà thôi. Vậy là chị chỉ còn cách phá tan không khí im lặng bằng cách nói với anh về những món ăn ngày mai, về chuyện làm nhà mới của người hàng xóm, chuyện giá xăng dầu lại tăng…
Nhưng một tuần sau thì chị chủ động nhắc lại chuyện này, ôm chặt con gái trong lòng, nhẹ nhàng chị hỏi về nguyên nhân “sáu điểm rưỡi”. Mắt Bé không nhìn xuống như suy đoán của chị mà sáng lên, Bé trả lời bình thản, rõ ràng, dứt khoát:
- Con đã đọc lại rồi, con thấy bài văn đó con vẫn làm tốt. Con không hiểu vì sao con “bị” sáu điểm rưỡi, nhưng chắc chắn không phải do con làm bài không tốt! Mẹ tin con không?
Tất nhiên là chị tin Bé, vì thứ nhất chị biết Bé không nói dối, thứ hai là Bé biết chị sẽ đọc bài văn đó rồi sẽ so sánh với những bài văn trước của Bé. Chị cũng là dân sư phạm văn mà.
- Vậy theo con nguyên nhân là gì? - Câu này thì chị hỏi theo quán tính.
- Nhiều nguyên nhân có thể xảy ra lắm mẹ ơi, có thể là cô không đọc kỹ bài viết của con trước khi chấm, có thể là cô ghét con vì con đã làm điều gì đó phật lòng cô, có thể là cô thương bạn nào đó trong lớp con rồi muốn bạn đó nhiều điểm hơn con, mà cũng có thể là ý văn của con khác với ý cô… phải chịu thôi chứ biết làm sao, môn văn mà mẹ, phải chi là các môn tự nhiên có đáp án đúng, sai rõ ràng thì con có thể có ý kiến với cô.
Bé nói luôn một hơi, chị ngạc nhiên, ngơ ngác. Những điều Bé nói thì chị cũng biết, mà ai cũng biết chứ không riêng gì chị. Môn văn nói riêng và các môn xã hội nói chung vốn không rõ ràng như các môn toán, lý, hóa…, môn văn là môn học mà học sinh có thể được thương một chút, bị ghét một chút mà đạt điểm cao hay bị điểm kém, đôi khi không thương cũng chẳng ghét mà điểm cao hay thấp có thể phụ thuộc vào tâm trạng của người chấm điểm! Không riêng trong nhà trường mà đem vận dụng ngoài cuộc sống cũng có hằng hà vô số trường hợp tương tự. Một văn bản, một bài viết được chỉnh sửa, biên tập đâu phải bao giờ cũng hay hơn, chỉn chu hơn bản thảo ban đầu! Đôi khi còn có thể do thương một chút, ghét một chút, hay do năng lực và tâm trạng của người có nhiệm vụ và quyền hạn chỉnh sửa nữa. Nhưng đã là luật bất thành văn, tác phẩm đã chỉnh sửa bao giờ cũng có giá trị hơn bản thảo của tác giả! Biết vậy, nhưng đó là chuyện của người lớn. Còn Bé - Bé chỉ là học sinh lớp bảy sao có thể nói ra những điều đó một cách bình thường, nói vanh vách không cần suy nghĩ? Chị luôn nghĩ mình là người thường xuyên gần gũi, dạy dỗ, chăm sóc và kịp thời uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc của Bé - nhưng trong trường hợp này chị biết nói với con thế nào cho đúng đây? Người làm mẹ như chị làm sao có thể uốn nắn kịp khi guồng quay của cuộc sống đã hình thành trong lòng Bé những suy nghĩ trần trụi đó. Chị nhớ có lần trong bài phóng sự về một vùng đất gò đồi, chị có dùng từ “nắng chan chác” để miêu tả cái nắng về chiều rất đặc trưng ở đó, khi qua khâu biên tập thì bị sửa thành “nắng chói chang”, chị buồn đến rơi nước mắt vì rõ ràng chị đã cảm nhận nắng ở đó là “nắng chan chác” chứ không phải “nắng chói chang”, bây giờ con gái chị lại nói đúng tâm trạng chị rằng “phải chịu thôi chứ biết làm sao, môn văn mà mẹ, phải chi là các môn tự nhiên có đáp án đúng, sai rõ ràng…”. Ngày xưa lúc còn đi học chị chưa bao giờ có suy nghĩ này, chị rất yêu môn văn, thích học môn văn và yêu cả cô giáo dạy văn nữa. Chị không bao giờ quên cảm giác vui sương trong những giờ trả bài viết văn, cô giáo luôn đọc bài của chị cho cả lớp nghe… Và chị đã chọn cái nghề “không rõ ràng” này để sống, để đi, để trải nghiệm và để nhận… một chút ghét, một chút thương thất thường của thiên hạ!
Chị nghe sống mũi cay cay, chưa biết nên nói thế nào với con gái. Ngày ngày, chị luôn cảm thấy mình may mắn vì Bé có sức học trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Như thế là quá vui và hạnh phúc rồi. Chị chưa bao giờ đòi hỏi con mình phải đạt thành tích này, thành tích kia, chỉ mong muốn Bé luôn được vui vẻ và không bị tổn thương dù là nhỏ nhất. Vậy mà chị đã không bảo vệ được con gái, Bé của chị đã bị sáu điểm rưỡi làm “tổn thương thành tích” học tập mà Bé đã miệt mài phấn đấu; và hơn thế, Bé đã bị những tổn thương mà Bé không hiểu được là do… một chút ghét hay một chút thương,  để Bé không thể reo lên mừng rỡ với món tôm tẩm bột chiên giòn, để Bé ngồi lặng lẽ thay vì hân hoan nói cười trong bữa cơm tối, và quan trọng hơn là để Bé đánh mất niềm tin ở  môn văn học!.
Huỳnh Định
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...