Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Nguyễn Tấn Thái với “Trăng và nguyệt”

Nguyễn Tấn Thái với “Trăng và nguyệt”
“Đối với Nguyễn Tấn Thái, Thơ là Đạo. Là nơi sâu thẳm của tâm hồn mình, anh đã thốt lên: Xin ngưỡng mộ trước đền thơ/ Ngọc cổ điển vẫn hẹn giờ hiển linh” (Nhà văn Phạm Thông - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật T.P Tam Kỳ). “Những điều Nguyễn Tấn Thái viết ra đều khiến cho người đọc cảm thấy bất an, hoài nghi từ những câu chữ chênh vênh, nhưng ý tưởng chếnh choáng, “nồng độ” vượt kiểm soát…” (Nguyễn Đức Dũng).
Thật vậy, nếu những ai đã từng “ thức dậy lòng yêu thơ” bởi câu chữ mộc mạc trong tập thơ “Bóng Thức” - NXB Thanh Niên, quý IV-2010, "đứa con đầu lòng” của Nguyễn Tấn Thái. Bình Minh lên da non/ Cát soãi mình sóng sượt/ Giấc mơ ngày nhặt được/ Một bình yên chốn nhà…. thì nay, lại “ngỡ ngàng” trước những vần thơ không triết lý cao siêu hay dài dòng lý sự qua tập “ Trăng và Nguyệt” (tập in chung với anh Trần Anh Dũng - Hội viên Hội VHNT Quảng Nam). Từ lâu bút danh Bình Nam - Nguyễn Tấn Thái trở nên quen thuộc với anh em văn nghệ Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác. Hơn nửa đời làm thơ, nay Nguyễn Tấn Thái mới cho trình làng thêm một tác phẩm nữa của mình, xem ra người thầy giáo dạy văn này nhiều thận trọng, hoặc cũng có thể là "cơm áo không đùa với khách thơ” chăng? Nguyễn Tấn Thái là một "gã” cuồng thơ và cuồng… bạn thơ:
Em có lượn lặt tiếng chuông xưa
Ngăn bão tố nơi vực lòng nghiêng ngả
Tẩy sắc khổ gã yêu thơ - loạn đả
Mười lăm năm vẫn chỉ chút danh hờ
(Hiệp Đức hạ ca)
Kể cả trong những bài thơ anh viết về những tên đất, tên làng thật có của quê hương mình cũng ở trạng thái say say, cuồng cuồng như thế:
Trường Giang nước xanh lờ lợ
Vỗ miên man bờ ký ức xa mờ
Ném rượu nồng lửa hồng chợ Được
Thăng Bình nắng mướt mật ong
(Mật ngọc Thăng Bình)           

Không biết gã “cuồng si” đang ghé vào đền thiêng nào để “mài gươm múa kiếm”, hay anh đã lạc vào cái “đền thiêng thơ” mà anh đã thờ phượng:
Vào đền thiêng khấn lạy cõi thiêng xưa
Bao tráng sĩ mài gươm mòn ánh nguyệt
Hào khí ngất trời cung kiếm xé mây xanh
Chút mẫn cảm giao thoa đất trời sông bể
Thanh tịnh lòng mình… sương khói mông lung
(Hào khí đền thiêng)                         
Đọc thơ anh, ta cảm nhận được con đường đến với tình yêu không giống với bất kỳ một ai khác. Nhập đề lung khởi, loanh quanh xa xôi, cứ đang “thèm” nhưng lại không dám thốt, dù đó chỉ là cái cơn “thèm” chút dư vị ấm nồng, chút vụng về của một thời đã vụt khỏi tầm tay:     
Ngõ phố xưa giờ bỗng cô quạnh hơn
Thèm một chút ấm nồng em để lại
Thèm một chút vụng về thời thơ dại
Để hồn hoang dịu bớt nỗi đau đời
(Hướng dương Đời)
Nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, Tiến sĩ Mai Bá Ấn đã từng nhận xét: “Bình Nam - Nguyễn Tấn Thái chỉ dừng lại bên bờ thi pháp cũ với cách tư duy thơ và chuyên sử dụng những thể thơ truyền thống. Nhưng cũng chính vì vậy mà anh làm thơ một cách tự nhiên, bằng những hình thức thơ sẵn có, miễn sao thổ lộ được lòng mình”. Đọc thơ anh, ta bắt gặp những câu Lục bát, Ngũ ngôn truyền thống khá nhuần nhuyễn, dễ đi vào lòng người:
Trở về tìm chút mông mênh
Bình yên một chút sương mềm đậu vai

(Sóng tôi)
Mai sau đẹp mất hay còn?
Vẫn cứu rỗi cái càn khôn tạm thời
Chiều vui tôi tự lên đời
Tân trang… thơ với rối bời vu vơ
(Chắp vá)
Có ai đó đã nói rằng: Thơ là tiếng lòng, là tình cảm của con người dành cho con người. Đúng vậy, sâu trong tâm khảm của Bình Nam - Nguyễn Tấn Thái, tình cảm anh dành cho người mẹ, người chị, đã hy sinh cả một đời nuôi nấng, dạy dỗ con nên người luôn được anh thể hiện một cách gần gũi nhất:
“Sang mùa xuân con lại về thăm mẹ
Hôn cành mai vàng rực góc sân nhà…
Cha oằn vai trĩu nặng những nợ đời
Hoang hoải hồn con thơ viết xót lời”.
(Lời hẹn mùa xuân)
Những quan niệm sâu sắc nhưng có phần đặc biệt và luôn toát lên một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, thơ của anh luôn chan chứa một tình cảm mạnh mẽ, da diết khi thì thủ thỉ, thinh lặng khi lại cồn cào, cháy bỏng. Mỗi bài thơ trong tập "Trăng và Nguyệt", tuy hơi thiên về tình cảm đôi lứa, nhưng lại để lại trong lòng bạn yêu thơ những suy tư, trăn trở rất đời thường nhưng cũng vô cùng triết lý và thâm sâu. Mong sao Nguyễn Tấn Thái mãi là kẻ “cuồng thơ”.
Thành Châu
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...