Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Lời ca dao cho Huế


Lời ca dao cho Huế
Tên gọi của Huế gắn liền với lịch sử đất nước từ chuyện tình của nàng công chúa Huyền Trân. Để có sính lễ ngày cưới, phần đất của hai châu Ô và Lý từ Vua Chế Mân Chiêm Thành, công chúa đã hy sinh tình riêng. Diện tích đất nước được nới rộng. Ô và Lý sau này được đổi thành châu Thuận và Hóa vào năm 1306. Sau bao lần thay đổi, tên này vẫn được giữ nhưng đã đọc trại từ Hóa ra Huế. Huế còn đến nay và mãi mãi đậm nét trong tâm khảm người đất Thần Kinh.
Huyền Trân công chúa đã hy sinh mối tình thắm đẹp vì sứ mệnh lịch sử để ta nghe ai oán lời thương tiếc của dân gian:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Hay:
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Đã vò nước đục lại vần lửa rơm.
Năm 1802, vua Gia Long thống nhất sơn hà, dời kinh đô vào Nam và khởi sự xây kinh thành Huế năm 1804. Vua Gia Long vẽ kiểu và Nguyễn Yên xây cất. Năm 1832 thành Huế hoàn tất. Thủ đô nhà Nguyễn trước kia có tên là Phú Xuân và được chuyển đổi là Huế. Qua bao thăng trầm lịch sử, Huế vẫn giữ nguyên ngôi vị của mình như một chốn đế đô thanh lịch .Khi vua Minh Mạng lên ngôi, người ta còn gọi Huế và miền phụ cận là Thừa Thiên. Nhắc đến Thừa Thiên lắm lúc là muốn nói đến Huế “Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch”.
Huế là cả một cấu trúc nên thơ của thiên nhiên đất trời.
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Ngày xưa muốn đến Huế, việc di chuyển hiểm trở, khó khăn. Dùng đường thủy người ta sợ Phá Tam Giang, do 3 con sông hợp lại, sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Phá Tam giang rất sâu, nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Ngoài Phá Tam Giang, người ta cũng còn bị Truông Nhà Hồ đe dọa. Truông này chạy qua làng Hồ Xá, dài và vắng vẻ làm cho người đến Huế vô cùng e ngại:
Thương em, anh cũng muốn vô,
Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang
Sau này lâu dần, đất phù sa bồi lên từ ba con song làm Phá Tam Giang cạn dần, không còn nước sâu sóng dữ như ngày xưa nữa. Truông nhà Hồ cũng được một vị nội tán, ông Nguyễn khoa Đăng lãnh nhiệm vụ dẹp yên. Vùng Hồ Xá không còn trộm cướp như xưa. Năm 1722, vùng này được ổn định, việc di chuyển dễ dàng:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.
Truông nhà Hồ, nhắc ta một sinh hoạt khó khăn của cư dân ở đây. Việc vận chuyển khó khăn, thổ sản vùng Hồ Xá chỉ tiêu thụ  trong vùng, không đưa được ra ngoài, không phân phối buôn bán dù chỉ các vùng lân cận. Vật sản dư dã. Thơm và mít làng trồng nhiều mà không bán được nên mua một trái mít được thêm một trái thơm. Thơm chỉ là vật “bù” vào cho món hàng được mua nên thường thiếu “chất lượng“, còn non, đưọc hái sớm, chỉ giúp một chút vị ngọt cho hũ mắm vốn rất mặn.
Đưa em cho tới nhà Hồ,
Em mua trái mít, em bồ trái thơm,
Trái thơm đụng trái thơm non,
Bỏ vô làm mắm ăn chon như dừa.
Câu hò ru em ngày nào của Huế giới thiệu được một khía cạnh sinh hoạt của những vùng đất nước ngày xưa. Đâu có phải chỉ có ngày nay trên xứ người, mới có “buy one get one free“.
Huế, thủ đô của Nhà Nguyễn nằm ngay giữa giải đất hẹp của bản đồ Việt Nam. Từ Bắc vào Huế hiểm trở như vậy mà từ Nam ra Huế cũng ngại ngùng không kém. Phải vượt đèo Hải Vân, cao gần 500 mét, gây rất nhiều tai nạn cho người di chuyển thời ấy. Dèo khúc khuỷu quanh co nên hẻo lánh vắng vẻ, người đi bộ lo lắng, bất an. Nếu dùng thuyền bè từ cửa Tư Hiền để đến Huế thì lại sợ Hang Dơi và song dữ:
Đi bộ thì khiếp Hải Vân,
Đi thuyền thì sợ sóng Thần hang Dơi.
Ngày nay việc vận chuyển tiến bộ nhiều, những đe dọa hành trình từ Bắc vào Nam không còn nữa. Những người yêu Huế, muốn thăm Huế, đến với Huế nhiều hơn, dễ dàng thưởng thức những nét hữu tình của Huế. Huế có những  phong cảnh thiên nhiên quyền rũ mắt nhìn. Từ dãy Trường Sơn trùng điệp hùng vĩ bao quanh. Sương mù mờ ảo bốn mùa. Nhắc đến Huế người ta nghĩ ngay đến sông Hương núi Ngự. Hai thắng cảnh để lại trong lòng người Huế cũng như du khách đến Huế, cảm tình lai láng vì nét thơ mộng hữu tình khó quên.
Núi Ngự Bình được liệt vào một trong 20 thắng cảnh của Huế. Tên núi nói lên sự quan trọng của vị trí và bình thế của núi đối với kinh thành Huế. Núi như là bức bình phong án ngữ phía Nam kinh thành Huế, tạo cho nơi vua ở sự che chở an lành. Núi cao chừng 100 mét, cách thành phố Huế khoảng 3 cây số. Núi với nhiều đồi thông im mát, phong cảnh hữu tình. Nam thanh, nữ tú của Huế thường lấy nơi ấy làm nơi thưởng ngoạn, hẹn hò. Tiếng thông rì rào của Ngự Bình là tiếng reo mà hầu như người Huế nào cũng nhớ “thông reo đỉnh Ngự“. Hình ảnh Ngự Bình thân quen đến nổi người Huế nhắc đến núi như một lien hệ đến người yêu:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời không thấy người thương.
Và người Huế, ai cũng biết:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Miền núi ấy gây cho người Huế một cảm tình mang mang, nhẹ nhàng mà sâu thăm thẳm Mối tình chung có lúc lại như riêng cảm cho mình:
Biết đâu là cầu Ô Thước
Mênh mông nguyện ước dưới nước trên trời,
Đêm khuya ngất tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng.
Cảnh sắc thiên nhiên của Huế vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Từ lăng Tự Đức đến đồi Vọng Cảnh, thông được trồng san sát xanh tươi một vùng. Đêm về ánh trăng chiếu bóng tùng trên mặt nước sông Hương im phăng phắc:
Bốn bề núi phủ mây phong,
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên.
Rừng Vạn Niên nổi tiếng với trăng ‘thiên cổ’, cấu trúc từ ngữ của ca dao ở đây thật tuyệt vời.
Sông Hương chảy qua kinh thành Huế, phát nguồn từ Trường Sơn, gồm có hai nguồn từ phía Nam huyện Hương Trà. Nguồn Tả Trạch chảy từ Ba Khê quanh về hướng Tây Bắc rồi lại chuyển dòng qua hướng Đông. Nước chảy mạnh qua nhiều dòng thác về đến ngã ba sông của bến Tuần. Nguồn hữu trạch cũng chảy về hướng Đông rồi Đông Nam đến ngã ba Tuần. Ở đây, hai nguồn tả, hữu trạch nhập lại thành sông Hương chảy về hướng đông, qua đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trãn rồi chảy vòng quanh qua kinh thành, từ Cồn Giả Viên đến Cồn Hến. Tại đây sông Hương chia làm hai nhánh. Một nhánh xuôi về Vỹ Dạ. Một về Gia Hội. Sông lại xuôi dòng ngang qua Bao Vinh rồi thẳng ra biển đông bằng phá Tam Giang và cửa Thuận An.
Từ thượng nguồn, xuôi mái trên dòng Hương êm ả, con thuyền đang giới thiệu xứ Huế:
Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trản đến Vạn Kim Long
Sương sa, gió thổi lạnh lùng,
Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương.
Núi Ngọc Trản (chén ngọc) có khúc sông vờn quanh rất nên thơ, nơi có Điện Hòn Chén đối diện với Đồi Vọng Cảnh. Thuyền  qua khỏi Điện Hòn Chén và xuôi đến Vạn Kim Long (nơi tập trung nhiều thuyền đò sau khi xuôi dòng sông Hương đã tựu về đây như một bến đổ sầm uất và rộng lớn). Kim Long, tên một làng nhỏ nằm ven sông Hương nơi có chùa Thiên Mụ. Ngôi làng nổi tiếng với nhiều thiếu nữ nhan sắc của Huế. Giai thoại cho rằng nơi đây có thời là kinh đô Huế (1636 - 1687) trước khi dời về Phú Xuân:
Kim Long có gái mỹ miều,
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.
Thuyền xuôi dòng Kim Long, văng vẳng giọng hò cô gái bên sông nghe như lời tâm tình dễ thương:
Tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long,
Đến đây là chỗ rẽ của lòng,
Gặp nhau còn biết bên song bến nào?
Đại Lược, tên một làng nhỏ ở huyện Phong Điền, giao thông với Huế bằng đường thủy. Những câu hò trao đổi tình cảm, đánh dấu một mối tình bắt đầu nhưng rồi lại phải chia tay vì dòng sông đã đến khúc rẽ, để lòng người ngậm ngùi biết đến bao giờ trên bến sông nào sẽ tái ngộ?
Từ Kim Long về Huế, đò dọc đưa ta ngang qua Đông Ba, Đập Đá và thẳng về Vỹ Dạ. Đến ngã ba làng Sình, sông chia làm hai tuyến: một về Thuận An; một theo sông Bồ về các thôn miệt Bắc:
Thuyền về Đông Ba, thuyền qua Đập Đá,
Thuyền về Vỹ Dạ đến ngã ba Sình,
Là đà sóng ngã trăng chênh,
Giọng hò xa vọng nhắn tình nước non.

Nói đến Huế, sau Kim Long, người ta thường nhắc đến Vỹ Dạ như một nơi phong cảnh hữu tình với những bờ tre la đà soi bóng trên dòng Hương Giang. Nghe kể Vỹ Dạ nguyên tên là Vỹ Dã, cánh đồng trồng toàn cây lau, hoang dã. Ngày nay thôn Vỹ là nơi sầm uất, nhà cửa san sát, khang trang rộng rãi với hàng cau vút cao, với vườn nhà xanh ngát một mầu thấp thoáng bóng giai nhân… Bên kia nhánh sông, nhìn từ Thôn Vỹ là Phu Văn Lâu, một tên tuổi gắn liền với Huế. Một ngôi lầu nhỏ hai tầng, nằm ngoài vòng thành, xây năm 1819, nhìn ra dòng Hương. Là nơi niêm yết các chiếu chỉ của vua và danh sách  thí sinh trúng tuyển các kỳ thi Hội thi Đình. Sau Phu Văn Lâu là Kỳ Đài đồ sộ với ba tầng xây bằng gạch năm 1809 cùng lúc xây kinh thành Huế. Phu Văn Lâu và Kỳ Đài từ bến sông nhìn lên là hình ảnh đặc biệt của Huế bên cạnh Ngọ Môn:
Ngọ Môn năm cửa, chín lầu
Cột cờ ba bậc, Phu Văn Lâu hai tầng
Một câu thơ của cụ Ưng Bình Thúc Dạ, lâu dần thấm vào tâm tư người Huế tưởng như lời hò dân gian:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông
Thuyền  ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
Thuyền tiếp tục xuôi dòng, đến chợ Đông Ba, ngôi chợ lớn nhất của Huế, nằm sát ven sông Hương. Ngày xưa chợ được  họp ở khuôn viên trường Đông Ba hay Gia Hội ( tên gọi vào năm 1945). Sau mới dời ra sát bờ sông, nơi phần đất cao hơi lài lài gọi là “dại”:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài dại,
Cầu Tràng Tiền xây lại xi-mon,
Anh đi lên đi xuống đã mòn,
Hỡi người lỡ vận chồng con,
Về đây gá nghĩa vuông tròn được  không?
Năm Mậu Thân 1968, chợ bị đốt cháy. Năm 1986, chợ được xây cất lại như hiện nay. Tất cả sinh hoạt mua bán của Huế gần như tập trung ở ngôi chợ này. Cô hàng vải, bà hàng nón, hàng guốc như thuộc lòng ý thích của khách. Muốn mua sắm, người dân ở Huế chỉ dừng chân tại đây. Chợ nằm sát ven sông Hương. Hình ảnh ngôi chợ quá quen thuộc với người dân Huế; Đò dọc đò ngang hằng ngày đưa người sang chợ mua sắm đông đảo. Sông chợ cũng ảnh hưởng đến tâm tình người dân không ít:
Bên chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng,
Bên làng Thọ Lộc, tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương nổi tiếng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngữa nghiêng…
Từ chợ Đông Ba nhìn rõ cầu Tràng Tiền. Cây cầu nổi tiếng của Huế, bắc ngang sông Hương, nổi bật giữa kinh thành Huế. Cây cầu có sáu vài mười hai nhịp trắng bạc lấp lánh nắng sáng mưa chiều. Học sinh Huế tấp nập áo trắng qua cầu mỗi ngày là hình ảnh làm nên nét đặc thù của Huế. Cây cầu đã ba lần gẫy, sau nhiều sửa đổi không còn giữ nguyên nét nguyên thủy, một mất mát làm đau lòng dân Huế. Tuy nhiên trong lòng người Huế, Tràng Tiền đã có một vị trí đặc biệt:
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em qua không kịp tội lắm anh ơi,
Mấy lâu nay mang tiếng chịu lời,
Có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà ra.

Tràng Tiền hoàn tất năm 1900 sau hai năm xây cất do hang thầu Eiffel. Có lẽ tên cầu là do vị trí nằm gần sở đúc tiền của Huế. Năm 1904, trận bão năm Giáp Thìn đã làm gãy bốn vài. Năm 1906, cầu được trùng tu. Năm 1938, đúc lại bằng xi măng , được nới rộng hai bên làm chỗ cho người đi bộ. Để ngăn quân Pháp tiến qua thành phố Huế, cầu bị phá sập vào năm 1946. Vào năm 1968 lại bị phá sập một lần nữa. Đến nay đã sửa lại và cũng có thêm cầu Nguyễn Hoàng trên sông Hương. Nhưng làm sao với người Huế, Tràng Tiền ngày xưa vẫn  giữ trọn cảm tình nhất là với người Huế xa quê. Trên sông Hương còn có sự hiện diện của cầu Bạch Hổ, cầu Gia Hội, xây cất năm 1837 và cầu Đông Ba năm 1839:
Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông.
Ngày trước Diệu Đế là một trong những ngôi chùa lớn của Huế, được lập từ thời Thiệu Trị (1844) để ghi dấu nơi sinh trưởng của nhà vua. Chùa có bốn lầu , hai lầu trước có tạc bia và một chuông lớn; Hai lầu sau cũng có chuông và trống. Năm 1904, bão lớn, chùa bị tàn phá và khi trùng tu chỉ có hai lầu phía trước.
Theo dòng Hương thẳng về cống Thanh Long đến Bao Vinh , thuyền bè buôn bán tấp nập. Bao Vinh coi như một cảng nhỏ của Huế:
Bao Vinh cạn bợt hẩm bờ,
Ghe thuyền lui tới mẹ chờ duyên con.
Huế còn có một cầu nổi tiếng khác, cầu Ngói Thanh Toàn, thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, cách Huế chừng 7 cây số về hướng đông nam. Sườn mái cầu bằng gỗ. Sàn cầu lót ván, hai bên có chỗ ngồi cho khách nghỉ chân. Với Huế thì đây là cây cầu độc nhất có mái che:
Ai về cầu Ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui.
Nói đến Huế là nói đến Hoàng thành, Chùa chiền, Lăng tẩm một thời cực thịnh của vua chúa Nguyễn triều:
Một ngày dựa mạn thuyền rồng,
Còn hơn suốt kiếp ở trong thuyền chài

Ngày xưa các bậc đế vương có thú thưởng ngoạn trên sông Hương bằng những du thuyền lộng lẫy xa hoa, cách biệt vô cùng với cuộc sống lam lũ của người dân, gọi là thuyền rồng. lăng tẩm Huế cũng được xây cất đồ sộ tốn kém đòi hỏi bao nhiêu công sức của người dân nghèo. Tiếng than ai oán của người dân còn văng vẳng đâu đây:
Vạn niên là Vạn Niên nào?
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Năm 1864, vua Tự Đức cho xây  Vạn Niên tức là Khiêm Lăng ngày nay. Công việv xây cất có lẽ đòi hỏi lắm nhân công phải vất vả cực nhọc cho nên không tránh khỏi lời than trách của người dân.
Nguyễn triều từ vua Gia Long đến Bảo Đại gồm 13 vị vua nhưng chỉ có 8 lăng tẩm được biết như thắng cảnh của Huế . Các lăng như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Khải Định (Thụ lăng, Hiếu lăng, Xương lăng, Khiêm lăng, An lăng, Bồi lăng, Tự lăng và Ứng lăng).
Bên cạnh lăng tẩm, hoàng thành Huế cũng là một chứng tích lịch sử, giới thiệu được nét đặc sắc của Huế. Hoàng thành được xây cất từ năm 1804 về phía nam của kinh thành Huế. Tất cả miếu điện đều nằm trong khuôn viên này. Trong cấm thành còn có tam cung lục viện. Bốn mặt thành đều có bốn cửa: mặt trước là cửa Ngọ Môn. Bên trái là cửa Hiển Nhân. Bên phải là cửa Chương Đức. Đằng sau là cửa Hòa Bình. Cấm thành được xây lại vào năm Khải Định tại ngôi, 1923. Bên ngoài hoàng thành có đào hồ bốn mặt thả sen. Trước khi bước vào nội thành hồ sen bát ngát hương làm cho những cây cầu đất dẫn vào hoàng thành mang một dáng vẻ không giống bất kỳ vùng nào của quê hương. Đôi khi trên hồ sen kia xuất hiện chiếc thuyền câu nhàn nhã ung dung giữa cảnh trời nước nên thơ bên trà ngon rượu ngọt , thú tiêu khiển của người hoàng cung:
Chiều chiều ông ngự ra câu,
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng.
80% dân Thừa thiên - Huế là phật tử nên ta không lạ thấy Huế là nơi tọa lạc của rất nhiều cảnh chùa . Đa số các chùa xây cất ở mạn Nam Giao như Quốc Ân, Từ Ân, Từ Đàm, Bảo Quốc, Trúc Lâm, Từ Hiếu, Tường Vân… ngoài ra còn phải kể thêm những ngôi chùa nổi tiếng khác như Diệu Đế, Túy Vân, Linh Mụ… Chùa Linh Mụ đưọc chúa Nguyễn Hoàng lập năm 1601. Theo lời kể trước kia đây chỉ là gò đất cao quay mặt ra dòng Hương, phong cảnh nên thơ, tươi đẹp. Nơi đây đêm đêm thường xuất hiện bà lão mặc áo đỏ, bảo cho dân chúng biết nơi đây rồi sẽ có vị chân chúa đến lập chùa để giữ bền cho dòng dõi nhà vua và tạo an bình cho dân chúng. Vì vậy chùa được thành lập lấy tên là Linh Mụ. Năm 1710, chùa được trùng tu, làm lớn và đúc chuông. Năm 1715, dựng bia nhắc đến lai lịch của chùa. Năm 1844, tháp Phước Duyên cao 7 tầng (khoảng 21 mét) được xây cất. Trước Tháp có đền Hương Nguyền, trên nóc có bánh xe Pháp luân. Chùa bị trận bão năm 1904 tàn phá dữ dội, rồi lại được trùng tu vào năm 1906 như thấy hiện nay:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Linh Mụ, Canh gà Thọ Xương.
Từ chùa Linh Mụ nhìn ra dòng Hương, quang cảnh thanh thoát bao la mà khúc hát trữ tình trên sông thường vang vọng và biến cảm xúc của tác giả Ưng Bình như một rung động chung lòng người xứ Huế:
Ướt áo xanh lụy tình Tư Mã,
Khách Thiên Nhai vẫn lạ mà quen,
Nước non ai kẻ bạn hiền,
Biết ai tâm sự giữa miền sông Hương?
Du khách đến Huế, người gốc Huế đều có ít nhiều kinh nghiệm với khí hậu Huế. Huế bão lụt liên mien vì mưa nhiều gió to. Tháng 7 trời mưa. Tháng 9, hay có mưa dầm, có thể có lụt nhưnh những trận lụt  lớn nhất và đi vào lịch sử lại xảy ra vào tháng 10:
Ông tha mà bà chẳng tha,
Trời cho cái lụt 23 tháng 10.
Sau mỗi lần bão lớn, mưa lũ, lụt lội là dân Huế lại một lần điêu đứng, khó khăn:
Lụt bão rồi, ngành ngọn xơ rơ,
Con chim không nơi đậu, biết dật dờ phương nao?
Mưa gió bão lụt gây tang thương cho Huế như thế nhưng nếu khô tạnh thì Huế lại thiếu nước, mất mùa, đói kém cho nên tháng 9 nhiều mưa lại thuận lợi cho nhà nông:
Mồng 9 tháng 9 có mưa,
Cha con đi sớm về trưa mặc lòng.
Mồng 9 tháng 9 không mưa,
Cha con bán cả cày bừa mà ăn.
Thiếu mưa dầm tháng 9, tháng 10, dân Huế đói kém phải dung đến hoa mầu phụ như môn khoai bắp đậu… Thiên tai thường đe dọa nên dân Huế hết sức cần kiệm, luôn cảnh giác với những đổi thay bất thường của thời tiết:
Được mùa chớ phụ môn khoai,
Đến năm Thân Dậu lấy ai bạn cùng.
Hay:
Đói lòng ăn môn ăn khoai,
Chớ thấy lúa lỗ giêng hai mà mừng.
Thời tiết Huế thay đổi đột ngột người Huế phải tập thích nghi và luôn chịu đựng:
Mai mưa trưa nắng chiều dông,
Trời còn thay đổi huống lòng người ta.
từ đó kinh nghiệm thời tiết của dân Huế cũng bén nhạy:
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì im.
Hay:
Một năm được mấy tháng xuân,
Một ngày được mấy giờ dần ai ơi!
Địa thế của Huế với nhiều núi non, đồi thấp, đồi cao, sông đầm, ao hồ… mưa nhiều, nắng nóng làm cho Huế có nhiều cây trái và hoa cỏ bốn mùa của miền nhiệt đới xanh tốt. Huế có những đặc sản nổi tiếng tùy miền… Người Huế dù xa cách vẫn luôn nhắc đến như một khoái khẩu thân quen: bánh bèo Ngự Bình, bánh khoái Đông Ba, cháo lòng Đồng Ý, bắp Cồn, quýt Hương Cần, dâu Truồi, chè Truồi, gạo De An Cựu… Người Huế giới thìệu quê Huế với những vùng đặc biệt:
Văn Thánh trồng thông,
Võ Thánh trồng bàng,
Ngó vô Xã tắc hai hàng mù u.
Văn Thánh nơi thờ Đức Khổng Tử còn gọi là Văn Miếu Võ Thánh thờ các võ tướng có công với đất nước. Xã Tắc là một cái đàn hình vuông có bậc cấp chung quanh lập từ đời Gia Long (1806) cùng một năm xây cất Đàn Nam Giao. Đàn là nơi mỗi năm tổ chức tế Thần đất (Thái xã) và thần lúa (Thái Tắc). Mỗi vùng một loại cây đặc biệt được gieo trồng và săn sóc suốt bốn mùa xanh tươi. Câu hò ru em rất quen thuộc với người Huế, giới thiệu nhiều miền sản phẩm ở Huế:
Ru em cho théc cho muồi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh,
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Chiếc nón bài thơ của Huế không những nổi tiếng ở Huế mà còn là món quà ưa chuộng của người đến thăm Huế. Người con gái Huế nhờ chiếc nón bài thơ làm thêm duyên dáng.
Hồ Tịnh Tâm trong kinh thành Huế rộng rãi, xinh đẹp, tươi xanh mát mẻ. Năm 1838 vua Minh Mạng năm thứ 19 cho xây cất hồ có tường cao bao quanh. Bốn hướng có bốn cửa ra vào là Xuân Quang, Thu Nguyệt, Hạ Huy và Đông Hy. Giữa hồ có ba đảo nhỏ: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu. Hồ trồng toàn sen Bách Diệp. Người viếng cảnh dừng chân bên hồ để thấy lòng lắng xuống êm ả như ru vào cõi mộng. Hạt sen hồ Tịnh Tâm được người Huế ca ngợi là ngọt bùi ngát hương:
Hồ Tịnh Tâm nhiều sen Bách Diệp,
Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam.
Gạo Gie An Cựu đưọc người Huế ưa thích vì chất dẻo, thơm và ngọt ngào, nếu ăn cùng tôm rằng kho mặn thật tuyệt:
Tôm rằng lột vỏ bỏ đuôi,
Gạo De An Cựu mà nuôi mẹ già.
Hồ Tịnh Tâm (Ảnh: VnExpress)
Gạo ngon ăn với thức ăn ngon. Đặc sản quý của quê hương được người con hiếu thảo xứ Huế muốn dâng lên mẹ hiền. Luân lý xứ Huế cũng khuyến khích con cái hết lòng lấy hiếu đạo làm đầu . Phụng dưỡng cha mẹ cũng là một lối tu tập tích cực nhập thế theo triết lý Phật giáo:
Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy Mẹ công phu chưa đền.
Tất cả đất ấy, núi ấy , sông ấy tạo nên con người xứ Huế mà ca dao đã cho ta ít nhiều mơ ước:
Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng,
Tháp bảy từng, Thánh miếu, chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa,
Cầu Tràng Tiền sáu nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ,
Còn đợi khúc Âu ca thanh bình.
Thành phố Huế nên thơ nhờ nhiều con sông, nhất là sông Hương êm đềm giữa lòng Huế mà con thuyền, bến đổ vẫn luôn luôn là hình ảnh ẩn dụ diễn đạt tâm tình người Huế:
Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc,
Địa sanh thảo hà thảo vô căn,
Một mình em giữa thuyền dưới nước trên trăng,
Biết ai trao duyên gửi phận cho bằng thế gian?
Hay:
Thuyền ai trôi trước,
Cho tôi lướt cùng,
Chiều về trời đất mông lung,
Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng đêm sương.
Con thuyền được gọi như người bạn, người tình để hé mở ý lòng cho nhau:
Thuyền ai lơ lửng bên sông,
Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền?
Để ta kết nghĩa kết duyên,
Anh hùng gặp gái thuyền quyên còn gì,
Và người con gáí trải lòng ra nói rõ hoàn cảnh của mình:
Một mình vừa chống vừa chèo,
Không ai tát nước đỡ nghèo cho em
Ngồi buồn khuấy nước giỡn trăng,
Sóng xao trăng lặn buồn chăng hỡi buồn.
Rồi nàng lo lắng cho tương lai, biết ai là người thủy chung để kiếm tìm:
Trời một vùng đêm dài vô hạn,
Mượn gió chiều gửi bạn ngàn sông,
Thân em là gái chưa chồng,
Tơ duyên có chắc như dòng nước chăng?
Thuyền luôn là người yêu đề cô gái bên bến sông xót xa cho người trở về tìm kiếm:
Yêu nhau những muốn gần nhau,
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười,
Vì đâu xa cách đôi nơi,
Bến nay còn đó nào người năm xưa?
Trăm năm trót lỡ hẹn hò,
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Cây đa bến cũ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa kia rồi.
Mối tình vô vọng của ngườicon gái Huế cũng được diễn tả nhẹ nhàng qua những hình ảnh tượng trưng:
Cánh chuồn chuồn nhởn nhơ trên mặt nước,
Tiếng ve ve vang dậy khắp phương trời,
Con còng còng dại lắm ai ơi,
Cong lưng xe cát, sóng dồi lại tan.
Nhưng mối tình Huế được ca ngợi vẫn là mối tình thủy chung:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục, mưa trong,
Dầu ai ăn ở hai lòng,
Em đây một dạ thủy chung với chàng,
Chim xa rừng thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi,
Thà rằng không biết thì thôi,
Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn
Thương nhau rồi, những gì của người yêu cũng được trân trọng giữ gìn, một dáng đi, một chân bước, cũng gợi cả nỗi niềm nhớ thương:
Ai đi giống dáng anh đi,
Giống chân anh bước, ruột em thì quặn đau.
Tình yêu thủy chung như vậy nên lòng người Huế cũng đưọc thẩm định theo quan niệm “rất Huế” ngày xưa:
Trái bồ hòn trong tròn ngoài méo,
Trái thầu đâu trong héo ngoài tươi,
Thấy anh ít nói ít cười,
Ôm duyên chờ đợi chin mười con trăng.
Vàng mười để vậy lu li,
Chùi ra sáng rạng kém gì hạt trai.
Tâm tình người Huế lắm lúc biểu lộ qua chọn lựa có tính cách giới hạn. Thành phố Huế nhỏ, mọi người đều như biết nhau nên muốn gửi gắm tình yêu, người con gái Huế cũng chỉ nuốn tìm người địa phương trước đã… vả lại nàng chỉ quen sống gần gũi với không khí gia đình , đại gia đình nên rất ngại đường xa:
Rồi mùa tót rạ rơm khô,
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm?
Thương chi cho uổng công trình,
Bạn về xứ bạn bỏ mình bơ vơ.
Cho nên người xa xứ đến Huế thường vì mối tình với Huế mà ở lại đất Huế , lập nghiệp ở Huế và tha thiết với Huế vô cùng:
Học trò trong Quảng ra  thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không rời.
Và tất cả phong cảnh Huế, tình cảm Huế, sau bao thay đổi cuộc đời, có thể phần nào Huế và tâm tình Huế không còn trọn vẹn như xưa, nhưng mãi mãi người đi xa Huế vẫn luôn luôn hướng về quê xưa  với tình Huế vời vợi trong lòng:
Ai từng vô Nam ra Bắc,
Thấy nhiều nơi cảnh sắc cũng xinh,
Đi mô cũng nhớ Quê mình,
Nhớ Hương Giang gió mát,
Nhớ Ngự Bình trăng thanh…
Lê Khắc Ngọc Quỳnh

Theo http://khamphahue.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết bên Nga của nhà văn Việt

Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết q...