Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Người già ở quê

Người già ở quê
Lần nào về quê, tôi cũng ghé thăm cô, đơn giản cô là người có nhiều thông tin, không phải cô đặt điều mà cô được mọi người san sẻ thông tin, tìm ở cô lời góp ý. Tôi còn ghé cô vì cuộc đời cô là một câu chuyện hay.
Chú thím tôi chết bom năm 68, bỏ lại ba đứa con nhỏ. Đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ chưa bỏ bú. Lúc ấy, cô sang tuổi 20. Từ chối tình yêu, từ chối hôn nhân, cô cưu mang ba đứa, ruộng ít, cô mót lúa mót khoai nuôi chúng khỏi chết đói. Quần áo cô rách không dám may, đau không dám nằm... Rồi ba đứa có chữ, có nghề, thành ban gia đình, nhà cửa khang trang ở ngay trong vườn của cô. Đến tuổi về già, cô bỗng sợ, lo cho ba đứa cháu thành gia thất, còn mình vẫn vào ra một mình. Cô đã hy sinh đời mình làm bóng râm cho các cháu, còn mình, biết dựa vào ai đây? Trằn trọc nhiều đêm, rồi quyết định lo chặng cuối đời bằng việc đi tự túc một đứa con. Hàng xóm không nỡ trách cô, mà còn vun vén cho cô. Đứa con gái ấy đang học năm thứ ban trường đại học sư phạm. Mỗi lần gặp cô, tôi đều nhắc đến chuyện làm răng cho nó đủ tiền ăn học, cô thở dài và nói "phải ráng thôi", tôi nhìn gương mặt đã lộ rõ nhiều vết chân chim mà ái ngại cho cô...
Ở quê, nhiều người qua tuổi 60 còn cực lắm. Cô đã nói với tôi như thế, rồi cô kể tên người hàng xóm trên, xóm dưới có con có cháu, nhưng đâu đã thảnh thơi. Bà Năm sang tuổi 65 còn đi cấy thuê, gặt giúp, còn còng lưng nhổ cỏ, bón phân.

Bà Tam ngấp nghé tuổi 70 còn đi lặt đậu, xắt khoai, bà Bảy xin đi sàng gạo giùm ở máy xay xát, kiếm ít gạo rơi... quanh năm không đủ tiền may cái áo mới. Tôi lấy làm lạ, hỏi cô "Chứ thằng con trai đâu?", "Hắn đi làm thợ hồ trong Nam, lâu lâu gửi cho bả ít chục, gọi là cho có, chứ ngó ngàng chi đến bả đâu?", "Thì còn con vợ hắn", Cô bực nói xẳng với tôi "Mi có rãnh, nằm nghỉ, đừng có hỏi chi cái đồ đó". Ở quê, gọi là cái đồ là không ra gì, coi như đồ bỏ đi. Tôi tìm hiểu thì biết: Bà Bảy ở chung với gia đình hắn, nhưng vợ chồng hắn coi như không có bà tồn tại, không hỏi lấy một câu, đau rên một mình, con trai, con dâu cũng coi như không có chuyện gì, có lẽ khi nào bả chết hắn mới sắm cho chiếc chiếu liệm. Bà Bảy nói với tôi: "Phú do trời con ạ, hắn ở thất đức, sau này, con hắn cũng làm y rứa cho coi", bà Bảy nói có thế, mà con vợ hắn chửi nửa ngày mới thôi, còn ra vào đá thúng đụng nia là chuyện như cơm bữa. Bà Bảy nói "Nhịn con ạ" nhưng mấy đứa cháu thì bàn có con cá, kêu cho; đi chợ mua khúc mía, kêu cho.
Xem ra có cái gì bất ổn ở quê, cuộc sống khá lên nhưng đạo lý thì giảm xuống, chuyện mẹ chồng, nàng dâu đâu có mới, nhưng xem ra mỗi ngày một biếng tướng. Con gái về nhà chồng không chịu làm dâu mà mẹ chồng cũng không bắt phải làm dâu, nhưng lớp sau đối với lớp trước nhạt như vậy thì còn gì không khí gia đình, còn gì hai chữ đầm ấmđây?... Mấy người già tôi gặp đều rơi vào cảnh có con mà như không, cô đơn ngay trong nhà mình. Trách nhiệm này thuộc về ai. Hỡi những đứa con chỉ biết lo riêng nhà mình? Tôi về nhà bà thím, thấy thím đang còng lưng chăm mấy luống cải, lá không xanh, dường như cây cũng thiếu chất... Thím nói với tôi "người không có ăn, huống chi cây, thôi thì được chi hay nấy, chứ biết làm răng". Một câu than... làm tôi nhói tận ruột. Tôi đặt vào tay thím một ít tiền để khi có đám thím có cái mà đi. Thím ứa nước mắt, xem ra tủi thân thì phải.
Tôi biết người già gan lỳ lắm, nhưng khi đụng vào chỗ đau thì khóc cả ngày, ai dỗ cũng không nín. Nhìn gương mặt thím tôi, da mồi, mắt mờ, chân tay teo tóp, thế mà vẫn ra đồng... lượm củi, lượm rác, tìm cái ăn cho mình.
Tôi lên xóm rừng thăm bà Tư - người mẹ liệt sĩ ở trong nhà tôn, thấp và nóng. Bà sống lẻ loi trong sự túng bấn, tiền trợ cấp cho bà cũng chỉ đủ ăn, nhưng chẳng kêu ca. Lạ thật, người già ở quê chẳng ai than  mình nghèo, mình cực, dường như cái sự được mất ở đời các bà xem nhẹ, chỉ cố giữ tấm thân cho đến khi trời gọi là đi, không đòi hỏi ở con cái điều gì... Bữa cơm của người già ở quê giống như ba mươi năm về trước - một ít nắm, một vài cọng rau luột và lưng nồi cơm... Bà Tư nói với tôi "Người chết nuôi người sống con ạ". Câu này, chợt nhói lên trong tôi cái ray rứt đến ứa nước mắt... Còn nhiều trường hợp khác thì trời nuôi chứ bầy con có ai nuôi đâu? Trời mưa, tôi thấy người già khoát tấm ni lông đã sờn, đã rách, cứ thế mà đi ra mưa... giống như cha mẹ tôi ba mươi năm về trước, đội cái tơi đã tơi tả ra đồng...
Tôi cũng chứng kiến một vài người già trong làng, có con ở xa, khi về, mua cho cha mẹ ít quà để báo hiếu, mà quà chi các bạn biết không? thịt bò tái... Già, ăn kham khổ, khi nhận sự báo hiếu của con, cả đêm báo đời bà đi tháo đến... rụng chân. Những món quà đóng hộp, những thứ người già chưa thấy, họ không "nhận" bởi ăn không quen. Tôi lấy làm lạ, cho những đứa con quên mất cha mẹ mình là ai mà đi báo hiếu kiểu đó, cứ nghĩ mình ăn được, cha mẹ ăn cũng được, mà quên đặc điểm người già, báo hiếu kiểu đó cũng bằng làm khó cho người già. Có lẽ đây là kiểu đặc trưng cho sự quan tâm của lớp trẻ ngày nay.
Tôi thao thức suốt đêm - chợt nhớ đến câu dân ca xứ Quảng: "Bạn về, nằm nghĩ, gác tay/ nơi mô ân trọng nghĩa dày cho... bằng ta". Tôi nhại ra: "Nơi mô khổ cực cho bằng... ở quê"!.
Cao Kim
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải thì đút trong túi. – Kịch sĩ. ...