Hôm nào cũng thế. Ở chợ về là nó tạt qua tôi trước. Đã biết
chừng tôi pha sẵn một tách cà phê thật đậm, bỏ vào đấy hai muỗng đường lưng lửng
và đúng bốn muỗng sữa bột. Tôi dùng loại sữa calci này được mấy năm rồi, theo lời
khuyên của bác sĩ. Hôm đầu pha, nó ngước mắt hỏi: “Nhà không có sữa đặc à?”.
Tôi bảo: “Để đi mua”. Nó gạt ngay: “Thế cũng được. Có gì dùng nấy khỏi mất
công”. Rồi chu mồm, hớp từng ngụm nhỏ, tỏ ý hài lòng. Cũng đã biết chừng, tôi
súc rửa sạch sẽ bình trà và châm nước sẵn. Nó thích trà ở chỗ tôi - trà Bầu Cạn
- thích những tách cà phê pha sữa ở chỗ tôi - sữa calci - thích những buổi chiều
có tôi cùng với sự im lặng.
Bình thường tôi là một người nói nhiều, giỡn đùa nhiều, tếu
táo nhiều. Tôi vẫn thế khi còn bé, lúc trưởng thành và ngay cả bây giờ. Cũng đã
có lắm người góp ý nhưng tôi không thích thay đổi. Mình là thế thì cứ thế, chả
việc gì (cũng may tôi nói không đến nổi dở, đùa nghịch không đến nổi vô duyên).
Chỉ riêng với nó, tôi khó thể lên tiếng. Đó là điều trên ba mươi năm kết bạn với
nhau, tôi không sao hiểu được.
Nó vào “course” Chí Linh của thầy Minh học, sau tôi mấy hôm.
Cái tướng nó nhìn không cũng đủ thấy… ái ngại. Tóc ít và xơ. Môi thâm. Da đen.
Ngay hôm đầu nó đã đánh nhau trong lớp vì bị trêu chọc. Cái thằng bị nó nện cho
một trận tơi bời là em ruột của thầy Minh. Bọn con gái trong lớp đứng về phía
thằng này. Tôi đứng về phía nó. Thầy Minh đuổi nó ra khỏi lớp và tôi ôm vở theo
sau. Hai đứa đi im lặng. Ra tới biển nó hỏi tôi: “Mày có muốn uống nước mía
không?”. Tôi bảo: “Có”. Nó nhìn tôi lâu lâu và tôi chợt nhận ra nó có một ánh
nhìn hiền lành, chứ không phải là hung dữ, như lúc mới ngó thoáng qua. Năm ấy
chúng tôi vừa tốt nghiệp cấp hai, đang nghỉ hè, phải học thêm để bắt đầu cho
niên khóa mới. Mùa hè đó, suốt mấy tháng liền, thay vì ở “course” Chí Linh, tôi
ngồi nơi cái xe nước mía dưới biển. Gia đình tôi có biết gì đâu vì còn mãi bán
buôn. Dĩ nhiên là tôi ngồi với nó và dĩ nhiên là tôi im lặng.
Chơi với nhau được một năm, nó nói với tôi: “Ba tao đi tập kết”.
Thấy tôi tỉnh bơ, nó gặng lại: “Mày không ngạc nhiên à?”. Tôi cười. Tôi đọc tạp
chí “Đối diện”, “Trình bày”… Thuộc làu làu thơ phản chiến của mấy anh Lê Văn
Ngăn, Thái Ngọc San, Ngô Kha… Ngày nào cũng hát say sưa mấy bài trong tập “Ca
khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn và xem điều nó tiết lộ rất là bình thường. Chỉ
có chăng là sự cảm động. Không phải sao? Nó đã dám tin tôi trong khi với người
khác thì không. Ngày xưa cũng thế và bây giờ cũng thế. Hẳn do tôi đã “cà tửng”
dữ lắm và “bông phèng” rất nhiều. Hẳn do tôi đã không biết im lặng. Đâu phải ai
cũng là nó?
Tôi đậu tú tài I.B.M ngay lần thứ nhất. Nó rớt cả hai đợt và
ra chợ bán hàng khô với mẹ. Suốt một năm ở Sài Gòn, tôi chơi với đủ loại bạn và
vẫn hay nói, để cho lắm khi cứ phải nói trật trìa và bậy bạ. Đủ để nhớ nó quá
thể và thèm những lúc được im lặng. Tết tôi về. Tháng chạp đẹp. Biển chiều đẹp.
Mùa đông tỉnh lẻ đẹp. Cái xe nước mía cũng đẹp. Tôi ngồi bên nó trên cát ẩm và
lạnh run. Im lặng. Nhìn mắt nó ánh những tia hiền lành và nghe nó nói chầm chậm,
từ từ. Giọng cứ như là buồn ngủ. Nó nói về chợ búa, việc bán buôn, các loại đồ
khô cùng giá cả… Tôi muốn nói về những giờ ở giảng đường, quán xá, những theo
đuổi khùng khùng của tụi bạn trai, những đỏng đảnh ngu ngơ của tụi bạn gái…
nhưng tôi không kể. Về với nó tôi chỉ muốn im lặng.
Giải phóng ba nó về. Được mấy tuần nó mới đến nhà cho tôi biết,
với cái má bên trái còn hằn in cả năm đầu ngón tay. Nó nói: “Ba tao hiền, rất tội
nhưng cha con không sao hiểu được nhau. Do khác đủ thứ. Biết sao giờ?”. Thấy
tôi nhìn má bên trái của nó chằm chặp, nó giải thích là do thấy nó rảnh hồi
nào, là vớ lấy mấy quyển tiểu thuyết xuất bản trước năm bảy lăm và đọc mãi miết,
nên ba nó ngứa mắt. Ba nó nói những thứ sách đó toàn là loại văn chương đồi trụy,
vàng vọt, bịnh hoạn. Cấm. Nó đã không nghe lại ương ngạnh tỏ ra thách đố, trêu
ngươi. Ba nó dằn không đựơc. Thế là “bốp”. Cái tát không đau nhưng làm đổ vỡ
hình ảnh về một người cha lý tưởng, mà nó đã nuôi dưỡng, ấp ủ trong tâm hồn
ròng rã trên hai mươi năm trời. Khi nó nói với tôi như vậy, tôi hết còn im lặng
nổi và phản ứng ngay:
- Còn ba mày? Hình ảnh về một đứa con gái ngoan hiền, dịu
dàng ở trong ông ấy không bị đổ vỡ chắc? Tao nói thật: Tao mà có một đứa con
gái … láo cỡ mày á hả?
- Thì mày làm gì?
- Tao sẽ… Tao sẽ tát cho tới khi nào… móp mặt mới thôi.
Không ngờ nó giơ cái mặt “mốc” của mình ra. Trừng mắt, trề
môi khiêu khích ngay: “Thì mày tát đi. Tát đi. Dù tao chả phải là con mày…”. Chắc
nó không ngờ là tôi tát thật. Tát rất nhiệt tình. Tát cật lực. Khổ quá. Tát mãi
tay tôi đau nhừ mà mặt nó vẫn không chịu… móp, để rồi là đang ở phòng của tôi,
ngay tại nhà tôi, mà chính tôi chứ không phải là nó đành phải bỏ đi. Đủ hiểu
nó… lì tới cỡ nào và tôi thì… sĩ tới đâu.
Tôi sĩ tới mức cắt đứt giao du với nó, suốt hai mươi lăm năm
trời sau đó và nó lì tới mức không thèm tìm gặp tôi cũng bằng ngần ấy thời gian
- từ giữa năm bảy lăm cho đến cuối năm chín chín - dù tôi rất thương qúy nó,
luôn dõi theo nó, biết rất rõ cuộc sống của nó và bằng linh cảm của mình, tôi
hiểu, đối với tôi nó cũng vậy. Hay quá cho một tình bạn! Đằng đẵng cả một khoảng
thời gian dài. Từ trên dưới hai mươi tuổi, cho đến khi trên dưới bốn lăm, mà vẫn
giữ riết một lối cư xử với nhau kỳ quặc đến dường ấy. Thật là chẳng giống ai.
Không ngờ được cuộc sống của tôi và nó lại có nhiều điểm chung đến thế: Ở nhiều
nơi nhưng sau rốt vẫn là thành phố này, làm nhiều nghề, gặp nhiều tai ương, bất
trắc… Tóm lại là rất long đong. Dường như chúng tôi chỉ có được một điểm khác
nhau duy nhất, là tôi có được một cuộc hôn nhân bình thường như mọi người mà nó
thì không. Thi thoảng ở ngoài phố hay một nơi nào đó với chồng, tôi có thấy nó
đi cùng với con trai. Chỉ cần thấy là đủ cho lòng gợn lên những nôn nao. Còn
con trai của nó, sao mà đẹp đẽ và kháu khỉnh đến thế cơ chứ! Tôi có ý nghĩ mình
đã quen biết cháu, từ hồi thằng nhỏ còn nằm trong bụng mẹ. Khi mà nó vác cái bầu
ngang nhiên ra phố, coi thiên hạ chẳng ra cái quái gì. Dù cái bầu của nó, chuyện
tình ái của nó… vốn là một “scandal” ở cái thành phố nhỏ bé này. Lúc nó sinh,
được một người quen báo tin, tôi đã vội tới khoa sản bệnh viện thành phố để
thăm. Lần đầu tôi có trọn vẹn cái cảm giác lo âu, nôn nóng của sự mong mỏi đợi
chờ, khi đứng lấp ló ở bên ngoài và mừng vui đến ứa nước mắt, khi nghe tiếng trẻ
khóc. Vậy là nó đã làm mẹ - làm mẹ khi đã qua tuổi bốn mươi -. Tôi chờ cô y tá
bế cháu bé ra, nhìn thằng nhỏ, hỏi thăm và gửi quà cho hai mẹ con, rồi lặng lẽ
bỏ về. Vừa lúc cái xe đẩy nó trờ ra tới hành lang. Vậy là chúng tôi đã không kịp
trông thấy nhau. Vậy là thêm một lần nữa, tôi mất đi cơ hội được gặp lại nó và
làm hòa. Thêm một lần nữa sau hồi nó bị tai nạn xe cộ, làm đám cưới rồi ly dị
ngay. Rồi cất lại nhà, ba mất, bể hụi, sang cửa hàng, bị đánh ghen… Và lần này
khi nó sinh con lần đầu và biết đâu là duy nhất. Tôi vẫn là người đứng bên
ngoài những sự cố, những dấu mốc, những thăng và những trầm, những đau khổ và
sướng vui… của bạn tôi, với những sẻ chia lặng thầm và đơn lẻ. Làm sao đây nhỉ?
Khi tôi đã như thế mà nó lại không chịu khác đi?
Suốt cả buổi chiều như bắt được mạch cảm xúc, tôi cắm cúi bên
những trang viết. Mê say đến nỗi không hay biết gì đến chung quanh và bỗng giật
mình khi ngước lên và bắt gặp một ai đó đứng lù lù ở ngay cửa phòng mình, từ
khi nào chẳng rõ. Lúc đó cũng khoảng năm giờ. Đang là cuối đông, trời
mau tối lắm. Ở nhà ngoài chưa bật đèn. Phòng của tôi cũng vậy. Chỉ có duy nhất
cái đèn đặt nơi bàn viết là sáng. Tôi vội đứng dậy và đi ra nhưng chưa kịp tới
cửa, thì cả con người ấy đã đổ ập vào tôi và khóc nấc lên. Tôi nhận ra nó ngay.
Tim bổng nhói lên và đập mạnh. Tôi đỡ vội nó vào giường. Nó níu chặt lấy tôi và
khóc dữ dội hơn.
Con trai nó đã mất vì một cơn sốt ác tính nghiệt ngã. Các
bác sĩ đã làm tất cả để cứu mạng thằng nhỏ nhưng không thể. Trong
cơn hoảng loạn nó đã cầu xin đủ các đấng linh thiêng, hết thảy các loại oan hồn
uổng tử mà nó biết - cầu xin thống thiết, tội tình - mà con nó vẫn chết. Ba
ngày vừa qua, đối với nó, thật là dễ sợ. Có những lúc nó tưởng như mình không
thể vượt qua được sự mất mát này, những đớn đau tận cùng này. Ngày mở cửa mả,
nó ngồi nguyên một buổi sáng và một buổi chiều bên con, rồi rời nghĩa trang, đi
lang thang khắp cùng. Không đừng được trong nó, nỗi khát khao được tìm đến tôi,
để kể lể và khóc cho thật thỏa thuê. Nó nói và tôi im lặng. Cứ như là ngày xưa,
cách đây đã hai mươi lăm năm trời. Nhưng sự im lặng trước đây là nỗi im bình
thường - im bởi không ưng nói - còn sự im lặng bây giờ là sự im lặng chết điếng.
Im bởi vì nghẹn cứng. Tắt cả tiếng, cả lời. Nó kể nhiều chuyện về thằng con
trai đẹp như thiên thần của mình. Về sự ngăn nắp và những ương ngạnh của cậu
bé. Về những cái đáng yêu và bao điều vô lối. Về sinh nhật thứ năm vừa rồi. Một
sinh nhật được tổ chức rất to, vì cuộc sống của mẹ con nó đã thật sự ổn định,
khá giả. Nó kể để có thằng con trai đó, nó đã bước qua dư luận, vượt qua bao thử
thách… Đã phải giành giựt, tính toán, mưu mô… để có, để giữ và để mất… Những lời
của nó bén sắc, tựa như là lưỡi dao, cứa vào lòng tôi những vết thương sắc ngọt.
Tai tôi, có khi, như ù đặc đi bởi bị nhấn chìm tới tấp, bằng những thanh âm được
gọi là tiếng nói, phát đi từ nó, khởi đi từ nó: “Tại sao lại có thể như thế này
chứ? Tại sao lại oan khuất đến dường này? Bất công đến dường này? Con trai tao
là tất cả của cuộc đời tao mà. Có trên hai mươi năm trời, từ lúc biết buồn là
gì, cô đơn là gì. Tao đã phải lầm lũi, lẻ loi, quạnh quẻ… Trống trải lắm mày ơi! Hụt hẩng lắm mày ơi! Để rồi khi có con, tao mới hiểu ra rất muộn màng. Ừ!
Cuộc sống hay ho như thế đấy và đời tao ý nghĩa như thế đấy. Vậy mà… Tại sao một
điều tốt lành nhất, hạnh phúc nhất, thiêng liêng nhất, là đứa con của tao, lại
nỡ bỏ tao mà đi. Nó ngồi bật dậy và rống lên: “Tại sao? Tại sao? Tại sao?”.
Tiếng rống bi thương ai oán làm sởn da gà, rợn tóc gáy. Người được tiếp nhận là
tôi và một thoáng rùng mình, cũng vẫn là tôi, hốt hoảng nhận ra,
không còn một ánh nhìn hiền lành nào trong đôi mắt của nó, vốn đã như là hung dữ.
Đêm đó nó ở lại. Khoanh tròn người ngủ mệt, trong sự tơi tả
và tiều tụy đã đến mức tận cùng. Tôi thức suốt đêm, nhìn bạn mình và ứa nước mắt.
Thương nó. Thương cho một tình thân cũ được nối kết trở lại, trong hoàn cảnh tội
nghiệp và trớ trêu đến dường này. Không ít lần, tôi phải ráng kìm chặt lấy
mình, để khỏi bật lên khóc tức tưởi và âm ỉ trong lòng, lời rên rỉ nghẹn ngào:
“Sao có thể khốc liệt đến thế? Không phải ư! Con trai nó là tất cả những gì tội
lỗi nhất mà lại là thánh khiết nhất. Là những gì tối tăm nhất mà lại là sáng
láng nhất. Là những gì đớn hèn nhất mà lại là huy hoàng nhất. Là sóng gió mà
cũng là nỗi bình yên… mà cuộc đời này đã mang đến cho nó. Sao nỡ lấy lại ? Sao
nỡ tước đoạt ? Sao nỡ…”.
Từ chiều đó, nó bắt đầu có thói quen ghé lại chỗ tôi, khi từ
cửa hàng ở chợ, trở về nhà. Sau cả ngày tất bật với công việc bán buôn và trước
một đêm rảnh rang với sự quạnh quẽ và niềm thương nhớ còn ăm ắp. Nó đến và ngồi
lại bên tôi. Đôi khi nó nói: “Ngồi với mày tao hết điềm tĩnh nổi”. Thi thoảng
nó nói: “Ngồi với mày cơn điên bùng lên trong tao, có một chút, rồi tắt ngay”.
Có chiều nó khen cái im lìm của tôi. Có chiều nó chê cái lẳng lặng của tôi. Thật
chẳng còn biết cái đường nào mà lần nhưng tôi cứ thấy nó mở miệng được là bụng
mừng. Nó nói được là tốt. Chửi rủa, lăng nhục, phẫn nộ… lại càng tốt hơn. Đập
phá một cái gì đó, lại càng tuyệt vời nhưng đừng đập dàn máy ở nhà, vì tôi mê
âm nhạc. Tôi thích nghe hòa tấu những sớm mai và những khuya khoắc. Khi đầu óc
căng thẳng vì đủ thứ áp lực. Những lúc chữ nghĩa, ý tưởng bỏ đi đâu đó, gọi về
bắt lạc giọng cũng chẳng thấy tăm hơi. Không đập dàn máy nhưng cũng đừng đập
cái T.V, vì đối với vợ chồng tôi, đó là món đồ có giá trị về kinh tế nhất trong
nhà. Còn thì cứ việc: Tủ, bàn, chén dĩa, quạt, máy may… Nhưng chỉ có một lần nó
hét lên, là muốn tung hê tất cả, rồi nhìn chăm chăm dưới chân mình và chỉ đá có
mấy đôi dép, lại là dép nhựa, nên chẳng hề hấn gì.
Thế là thành lệ. Chiều. Khoảng đấy. Cỡ đấy. Tôi rời khỏi bàn
viết, căn phòng nhỏ của mình và thư thả đi pha cà phê, châm trà rồi bưng tất cả
ra gian ngoài và chong mắt nhìn về hướng chợ, đợi bạn. Từ khi con trai mất, nó
để chiếc “Future” Nhật mới tậu ở nhà và đi bộ. Nó bảo đi bộ, khi lòng đau quá -
đau đến phát rồ - chẳng lẽ chạy, thôi thì chỉ biết quắp lấy những ngón chân vào
nhau, ghìm chặt. Chứ còn đi xe gắn máy, nổi cơn, phóng bừa. “Phải chi mà chết
quách được lại khỏe. Sợ bị thương. Tao nhát lắm. Rồi lại phải hành mày. Khổ!”.
Nó nói và không hiểu sao nhìn tôi cười vu vơ. Giá như nó cười ra hồn, ra vía
tôi đã đỡ phải xót lòng. Mẹ nó đã mất, khi thằng bé con nó vừa được ba tuổi. Bà
cụ nấn ná, để chứng kiến thêm mấy bận lao đao nữa của nó. Để đưa nó đi sinh,
nuôi nó nằm cữ, nghe đã đời miệng lưỡi thị phi của người đời rỗi việc và giỡn
đùa trả trớt mỗi ngày với thằng con trai nó… Nhắc đến mẹ, nó khóc ngất, nghẹn đến
kể không thành lời, khiến tôi nghe câu được, câu mất: “… Giá như lúc này mà tao
còn mẹ… Có mẹ ngôi nhà đỡ lạnh… Nhìn thằng bé chít tang bà, thương quá…”.
Tôi nghĩ đến căn nhà rộng thênh của nó trước kia, với một người
già trên bảy mươi tuổi, một người trung niên trên bốn mươi tuổi và một thằng bé
mới được ba tuổi. Tôi lại nghĩ đến căn nhà rộng thênh của nó, giờ đây, vào mỗi
sẫm chiều, khi nó trở về. Mở cửa. Chỉ với một mình trong cái tối âm âm. Chẳng
thiết bật đèn bởi có ưa gì ánh sáng. Chẳng thiết nấu ăn vì một tách cà phê sữa
đậm đặc và có đến mấy bình trà, cũng đủ làm cho ngang dạ. Tôi hình dung ra, cái
cảnh nó nằm dài người trên giường và nghe đi, nghe lại mấy đĩa nhạc thiếu nhi
mà thằng con nó rất ưa hồi trước. Nó nói: “Nghe nhạc của con, tao thấy lòng
mình êm. Không một mảy may muốn sinh sự hay nổi loạn”. Ừ! Thế thì mừng. Thế thì
những khi chạng vạng, nhìn cái dáng thất thểu của nó, lững thững rời nhà tôi,
băng qua một ngã tư, quẹo trái và chầm chậm đi về một ngã tư nữa, rồi sang đường
và đứng trước ngôi nhà của mình, mở cửa. Tôi còn có thể yên tâm bởi ở trong đó,
nơi một căn phòng, hãy còn những đĩa nhạc thiếu nhi mà con nó không thể mang
theo, đành để lại… Nhưng có lần - duy nhất chỉ một lần - tôi nói với nó những
suy nghĩ ấy của mình. Nó cãi phăng, bảo: “Nhờ cái sự làm thinh của mày thì có.
Với lại chiều tối. Lòng chùng. Tao chả muốn gì. Chỉ muốn được lặng im”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét