Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Thu đi lá rơi xào xạc


Thu đi lá rơi xào xạc
Xin chớ động vào cây mùa lá rụng!

Ônga  Becgôn 
Dường như ngoài kia, lá đang rơi thật khẽ thôi, như một tiếng thở dài.
Tiếng thở dài thao thiết, não nuột và nức nở của mùa thu, bao giờ cũng thế, cứ hắt ra như một niềm trăn trối. Những cây xạ hương trong sân bệnh viện đang vặn mình như người đàn bà đến kỳ sinh nở, dù cố kìm nén cơn đau vật vã nhưng những tiếng rên rỉ vẫn chốc chốc lại buột thoát ra ngoài, nghe não nùng và thê thiết. Luật của đất trời là vậy. Bao năm tháng trôi qua vẫn vậy, ngày xưa cũng vậy và ngày mai cũng vậy.
Tôi vừa đi một chuyến công tác ở Mẫu Sơn về đến nhà thì nghe bạn bè nói “lão già” bị ốm, phải vào Bệnh viện. “Lão già” phải chịu vào Viện là chuyện không bình thường, là nguy to rồi. Xưa nay, lão vốn sợ Bệnh viện như sợ cọp, đến nỗi, nếu phải đi ngang cổng, lão cũng bước nhanh chân hơn.
Ngay buổi chiều, tôi sắp xếp công việc rồi vào Viện thăm lão. Phòng bệnh nhân đông đặc những người, nhưng không tìm thấy lão đâu. Hỏi thăm, chẳng ai biết lão biến đi từ lúc nào. 
Tôi xách túi quà và bó hoa đi lang thang trong khuôn viên Bệnh viện, ngó tìm trên những ghế đá đặt dưới những gốc cây. Quả nhiên, kia rồi, tấm lưng ấy, mái tóc ấy, nhất là cái mũ nồi nâu muôn thuở ấy…đang cúi gập trên trang báo. Tôi bước lại gần, đứng sau lưng lão hồi lâu, rồi hắng giọng:
“Lão già! Bắt quả tang nhà ngươi trốn phòng bệnh!”
Lão quay lại, thoáng cau có, rồi khi nhận ra tôi, lão cười rạng rỡ:
“A! Tên mọi rợ! Về rồi à? Hay quá, đang có việc nhờ đến cậu đây!
Tôi ngồi ghé xuống bên “lão già” và định bóc quýt cho lão ăn, nhưng lão phẩy tay, đứng dậy:
“Vào trong kia! Căng tin Bệnh viện phong phú lắm, thiên thần luôn!”
Vừa chọn được chỗ ngồi, lão già gọi:
“Ê, cháu gái, cho bác bia hơi!”
Tôi kinh ngạc: “Sao lại bia? Lão bị tim kia mà?”
Lão phảy tay: “Tim thì lúc nào chẳng bị! Tốt nhất là nhét một hòn sỏi vào đó. “Mèo con khuyên tôi vậy đấy!”
“Mèo con” nào, sao lại có Mèo con ở đây?”
Lão cười, vẻ bí hiểm. Nháy một bên mắt, vẻ đắc chí, lão nói thêm:
“Có “Mèo con” thật đấy. Cậu không biết đâu. Lão già lại bị trúng đạn rồi!”
Bia được đem ra, lão già gọi món nem Phùng, một đĩa lạc rang và nâng cốc:
“Nào, chúc cho cậu ngày càng thành đạt trong chốn quan trường, ăn cắp được nhiều mà không bị bắt. Chơi thật nhiều mà không phải giải đen như thằng cha nào đó ở ủy ban Thể dục thể thao, hay thằng khốn kiếp nào đó ở PMU 18… Tên mọi rợ, uống đi!”
Quá quen với cách ăn nói cay độc của lão, tôi không có gì phải bận tâm, nâng ly cụng ly với lão. Lão chỉ nhấp môi, còn tôi đi cạn nửa cốc. Tôi hài lòng vì lão còn biết giữ. Biết giữ nghĩa là còn ham sống, vậy là tốt.
Lão già gọi cho tôi cốc thứ hai, rồi cốc thứ tư, cốc bia của lão chỉ mới vơi chưa đến một nửa, và tôi biết nó vĩnh viễn không vơi nữa.Vậy là tốt. Trước đây ít lâu, lão có thể cụng ly năm lần liền rồi mới chịu uống lai rai. Người ta, đến một lúc nào đó, cũng nên biết dừng lại. Điểm dừng của lão già có lẽ bắt đầu từ hôm nay? Nghĩ thế, tôi chợt thấy thương lão, cố nén một tiếng thở dài.
Tôi ngắm lão. Trán cao, mũi thẳng, gương mặt cân đối, cằm vuông, tai to mà dái tai mỏng, tướng mạo của kẻ không bao giờ có quyền và có tiền. Cả khuôn mặt lão toát lên một vẻ bất cần của hạng người lãng tử, một vẻ bất cần đầy tự tin và nghiêm trang. Gần lục tuần rồi mà tóc lão còn đen nhánh, cắt gọn, rẽ ngôi, quanh năm sùm sụp một cái mũ nồi màu nâu, mũ “bát” Pari chính hiệu, lão khoe bạn lão đi nước ngoài về tặng.Lão đội mũ nồi kinh niên, nghĩa là quanh năm, kể cả mùa hè. Thói quen ấy, lão bảo học được của người Mèo vùng Tây Bắc, từ những năm nảo năm nào, lão còn công tác trên miền ngược.
Lão không nhìn tôi, mà nhìn qua đầu tôi, qua khung cửa sổ, nơi có những cây xạ hương cổ thụ đang đổ lá rào rào. Những lá cây nhỏ và mỏng, vàng óng liệng xuống, liệng xuống từng đợt mong manh. Mắt lão nheo nheo, một cặp mắt có đuôi, trông rất đĩ. Chợt lão quay lại, cầm cốc bia còn dở đẩy ra xa và gọi hai cốc mới. Đợi cô hầu bàn đi khỏi, lão nâng ly, cụng:
“Tên mọi rợ, cậu có thấy lá xạ hương rơi không?Tự nhiên, mình nhớ tới truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của Ô. Henri. Mình cũng đang viết một cái truyện ngắn. Lâu lắm mình mới lại nổi hứng viết truyện ngắn. Là bởi vì, chuyện này, thơ không sao tải được! Này, mình hỏi thực, trong văn chương, truyện ngắn có vị trí nào không?”
Tôi khẽ lắc đầu: “Tôi đâu biết, và cũng không cần biết. Đấy là việc của lão già và những ông bạn gàn dở của lão già. Tôi là quan tòa, tôi chỉ biết xử kiện, tội to, ăn cắp nhiều, tôi cho vào tù mút chỉ, người bị oan ức, tôi bênh vực và tha bổng, vậy thôi!”
“Nhưng thỉnh thoảng cũng tiếp tay cho tội ác, đúng không?”
“Tùy lão già, hiểu thế nào cũng được. Chẳng hạn, nếu lão già phạm tội, tôi sẽ tống lão vào tù rồi đi đưa cơm!”
“Nói phét! Cậu mà dám cho tớ vào tù? Phiên Tòa xử tớ, cậu sẽ đi công tác, sẽ đi nước ngoài, hiểu chưa? Khi về, gặp tớ trong tù, cậu sẽ rưng rưng: “Tiếc quá lão già, em đi vắng! Khổ thân lão già, sao lại thế này?”Nói thực, tôi không tin vào những quan toà. Một lũ nhố nhăng, hỏng rồi!
“Cái gì hỏng”?
“Tim. Trái tim hỏng! “Mèo con” bảo, anh chỉ sống được nếu trong tim anh là một hòn sỏi. Đúng quá, thông minh quá! Tim tôi hỏng đâu phải vì bia rượu, nó hỏng vì những thằng Quan tòa như cậu đấy! Các cậu là một lũ tham lam, có hòn sỏi nào, các cậu nhét hết vào ngực mình rồi!”
Tôi ngồi im, mỉm cười ngắm lão. Cái mũ nồi lệch nghiêng, gương mặt lão nhìn ngang thật đẹp, giống như một nhà hiền triết. Tôi gặp lão, được chơi với lão hơn hai chục năm nay, tôi biết trong cái đầu uyên bác kia đang thổn thức những gì. Con người đang ngồi trước mặt tôi đây là một người rất đỗi bình thường, nhưng cũng rất dị biệt. Con người ấy, với riêng tôi, là một cuốn sách giáo khoa, không, phải là một cuốn Tự điển. Được chơi và thân thiết với lão, tôi vừa như học trò, vừa như đàn em, vừa như người bạn. Cũng có lúc, tôi phải ra tay, ngăn cấm lão không quá sa đà, lêu lổng, coi trời bằng vung. Nhưng không thiếu lão được. Vắng lão già gàn dở này, cuộc sống viên chức của tôi sẽ buồn tẻ lắm!
“Uống nữa đi!”
“Thôi đủ rồi, em còn phải về.”
“Ừ, về đi kẻo vợ con nó mong…. Có cái này…”
Lão già lấy trong túi xách, cái túi bạt màu ghi bẩn kinh hồn, vật bất ly thân của lão, lục tìm và lôi ra những trang giấy, cầm trang trọng trên tay, và nhìn sâu vào mắt tôi:
“Lâu quá rồi, mình không viết truyện ngắn. Mấy hôm vừa rồi, nằm Bệnh viện, mình viết cái này. Mong cậu về, cho cậu đọc. Chỉ mình cậu đọc thôi. Tên truyện, mình tạm đặt là Tự cháy, nghe cũng hơi cải lương, nhưng không sao, cậu có thể đặt một tên khác, tùy. Cái tên truyện có quan hệ gì?
Đến tên của chúng ta cũng có quan trọng gì! Bố mẹ đặt sao, con chịu vậy. Này, trong văn chương ấy mà, truyện ngắn có vị trí lắm đấy. Ban đầu, nó là nơi thử tài những ai muốn làm văn chương. Sau đó, nó thách thức những người suốt đời theo đuổi văn chương. Nói thế này cho cậu dễ hiểu: So các thể loại văn chương với các nhạc cụ của âm nhạc chẳng hạn, tôi gọi Tiểu thuyết là cây đàn Pianô, Thơ là cây vĩ cầm, còn lại tất cả các nhạc cụ khác đều là truyện ngắn. Tôi, bản thân tôi, từ tuổi hai mươi, cũng bắt đầu nghiệp văn bằng truyện ngắn. Sau này, tôi mới chuyển sang chơi vĩ cầm. Còn Pianô ư, hãy để đấy, còn sống được, tôi cũng sẽ thử chơi. Tôi sẽ chơi Pianô một lần, cho riêng tôi và tôi sẽ tặng bản Pianô ấy cho Mẹ tôi, người mà tôi yêu thương nhất. Bản Pianô - Tiểu thuyết ấy, tôi đã có trong đầu, chỉ cần có thời gian để viết ra nữa thôi. Tôi yêu Mẹ tôi nhất trần đời, nhất trần gian, nhất trần thứ tư, nhất trần thứ bảy…, như thằng cháu nội tôi thường nói với tôi!”
Lão già nói say sưa, như lão từng say sưa như thế. Lúc này, trong mắt tôi, lão như là một đứa bé con, hồn nhiên và minh triết. Sau một hồi lâu vân vê, lão già cũng trao tập bản thảo viết tay cho tôi.Chữ lão đẹp lắm, rất đẹp. Lối chữ của người được học hành cẩn thận, không viết thoắng, không mất nét, kiểu chữ chỉ dùng để viết Bằng khen và Huân chương mà ta thường vẫn gặp. Lão già nhìn tôi, vẻ rầu rĩ:
“Chẳng ra làm sao! Chẳng ra làm sao! Ôi cuộc đời tôi!”
Tôi bật cười: “Lão già học Cải lương từ bao giờ thế?”
“Sao phải học? Trong máu tôi là máu Cải lương. Tiên tổ của tôi, dòng họ nhà tôi có máu Cải lương! Họ Cải lương đến nỗi, suốt hai thế kỷ rưỡi phục vụ một dòng họ khác, mà họ chỉ dám giữ Chùa để được ăn oản. Hèn, quá hèn! Tôi cũng vậy, tôi thấy mình rất hèn!” 
Tôi nhìn lão, chỉ muốn bật cười! Nhưng tôi đã không cười, vì sợ lão giận. Tôi nói: “Bây giờ muộn rồi, em phải về. Lão già về phòng, đi nghỉ. Nhớ là không nghĩ ngợi, viết lách gì nữa, đi ngủ. Chiều mai, thu xếp được, em sẽ vào!”
“Đọc đi, đọc xong rồi hãy vào. Hãy xem tôi đang tự cháy thế nào, không hiểu rồi đây chuyện sẽ ra làm sao mà lúc này tôi hoang mang quá! Rồi tôi cũng phải nhét một hòn sỏi vào ngực thôi, cậu ạ. Mèo con bảo thế mà!”
Cơm nước xong, tiếp một vài người khách bất đắc dĩ xong, tôi lên phòng của mình và bắt đầu đọc những trang viết của lão. Chữ lão vẫn đẹp, vẫn đằng tả, nhưng có đôi chỗ đã run run, chứng tỏ tuổi già đã ập vào bên cửa. Thời buổi này, tất cả những người viết văn đã dùng vi tính, đã nối mạng để giao lưu với cả thế giới rộng lớn, chỉ riêng lão già là vẫn viết bằng bút mực, nắn nót từng chữ một, như người nông dân còn dùng cuốc hay cày chìa vôi… Ý nghĩ ấy làm tôi không khỏi mỉm cười… Và tôi đọc:
“… Khi tôi bước vào căn phòng rộng, chật ních người của cuộc Hội thảo thì đã hơi muộn. Có một anh chàng bảnh trai đang phát biểu oang oang trên diễn đàn. Đưa mắt nhìn liếc qua Hội trường, tôi nhận ra còn một chỗ trống ở hàng ghế thứ tư. Tôi lướt qua diễn giả, tiến về phía ấy. Ngồi ở đầu bàn là một cô bé, trông trong veo, chắc là một sinh viên năm thứ nhất. Tôi hỏi khẽ:
“Tôi ngồi chỗ này được không?”
Cô bé quay nhìn, lễ phép:
“Xin mời bác cứ tự nhiên!”
Bỗng như có một luồng điện chạy khắp người khi mắt tôi chạm vào ánh mắt cô bé.Chao ôi, có thể có một ánh mắt như thế, một cái nhìn như thế ư? Trong suốt, mộng mơ, tự tin và ngơ ngác biết bao!
Tôi ngồi xuống bên cô bé, tỏ vẻ chăm chú nghe anh chàng diễn giả bảnh chọe đang ba hoa về một tập thơ vừa xuất bản của một tay Thứ trưởng ham vui! Thỉnh thoảng, tôi lại liếc mắt sang phía cô gái. Tự nhiên tôi buột miệng hỏi:
“Cháu học năm thứ mấy?”
“Thưa… năm… thứ nhất ạ!” - Cô bé đáp vẻ ấp úng, rồi cũng hỏi laị - “Còn bác, xin hỏi bác là nhà thơ từ Hà Nội về phải không?”
Tôi xưng tên. Cô bé nghe tên tôi không tỏ phản ứng gì rõ rệt, dường như nghe một cái tên lạ hoắc nào đó trên đời. Tuy nhiên, sau đó, như để cho lịch sự, hay là để an ủi tôi, cô gái nói thêm: “Cháu có đọc bác rồi, nay mới được gặp… Hình như ngoài thơ ra, bác có viết phê bình nữa thì phải?”
“Cô có đọc những bài phê bình của tôi sao? Có được không?”
Cô gái chỉ cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà hỏi tiếp:
“Bác có hay về thăm quê không?”
“Tôi về luôn, nhưng rất ít khi vào Thành phố. Thực ra, cũng không có công việc gì, ngay bạn bè văn nghệ ở Tỉnh, tôi cũng chỉ có vài người, lại gặp nhau ở ngoài kia là chủ yếu. Lần này về là do bạn bè nhiệt tình quá, từ chối không tiện, nên đành phải đi…”
Một sinh viên trẻ từ phía sau đi tới, trao cho cô gái ngồi bên tôi một tập tài liệu Hội thảo, và nói: “Thưa cô, thầy Chủ nhiệm Khoa gửi cho cô ạ!”
Cô gái gật đầu, đáp nhỏ: “Cô cảm ơn em!” rồi đặt tập tài liệu một cách lơ đãng trước mặt. Tôi nhìn liếc qua trang bìa và thấy dòng chữ: “Kính gửi Tiến sĩ Hoàng Anh Tú, Khoa Ngữ văn.” Quay nhìn cô gái, tôi nói:
“Cô nói dối tôi đấy nhé! Cô là giảng viên mà lại nhận là sinh viên năm thứ nhất”
“Em đâu có nói dối ông, là vì khi hỏi, ông đã khẳng định em là sinh viên rồi! Em không nghĩ là mình còn trẻ như vậy!”
Tự nhiên, tôi cũng vô tình đổi cách xưng hô, gọi cô là em:
“Anh Tú ra trường được mấy năm rồi, em làm Tiến sĩ ở đâu?”
“Ra trường, em ở lại làm Thạc sĩ luôn, sau đó về đây công tác năm năm rồi mới đi làm Tiến sĩ. Em vừa bảo vệ xong hè vừa qua!”
“Đề tài Luận án của Anh Tú là gì?”
“Em làm về văn xuôi Việt Nam hồi đầu Thế kỷ XX, thực ra không hợp với sở trường của em, nhưng các thầy hướng dẫn cứ khuyến khích vì đề tài này còn là một mảnh đất hoang…”        
“Thế là em vác cuốc đi vỡ hoang cùng cụ Hoàng Ngọc Phách?”
Cô gái mỉm cười, nhìn tôi bằng một cái nhìn thân thiện, có vẻ trìu mến nữa là khác. Rồi cô nói thêm: “Không chỉ có mình cụ Hoàng Ngọc Phách đâu ông ạ. Nhận đề tài rồi, em mới hiểu mình như chim chích lạc rừng… Hóa ra, văn xuôi đầu Thế kỷ phong phú và nhiều màu sắc hơn người ta tưởng!”
Giữa lúc đó có thông báo giải lao giữa giờ, tôi nói với cô gái:
“Em có thể dẫn tôi đi tham quan trường em được không?”
“Nếu ông muốn, em sẽ đi cùng ông!”
Chúng tôi đi dạo trong sân trường và trò chuyện. Phải nhận rằng, cô bé thông minh lạ lùng. Đôi mắt “một mí rưỡi”ánh lên cái nhìn vừa đằm thắm vừa sắc sảo. Nhất là giọng nói, cứ thánh thót như chim, lại rất chuẩn giọng Hà Nội, không hề pha một âm sắc địa phương nào, mặc dù cô nói rằng, cô được sinh ra từ chính mảnh đất gọi đôi đũa là đôi đủa. Trời giữa đông se lạnh, nhưng có lẽ vì cái lạnh ấy mà má cô hồng lựng, cái mũi nhỏ hơi hếch cũng như hồng hơn lên, trông vừa duyên dáng, vừa ngộ nghĩnh. Cả gương mặt cô sáng bừng một ánh sáng thuần khiết và trong trẻo, có thể làm sáng lên cả những vòm cây đang rụng lá, làm sáng cả con đường nhỏ chúng tôi đang đi… Chợt cô hỏi:
“Về Hà Nội rồi, ông có còn nhớ ngôi trường quê này không?”
Tôi đáp, không cần suy nghĩ:
“Em quên rằng đây cũng là quê hương tôi à? Tôi là một người nhà quê chính hiệu. Tôi sinh ra, lớn lên ở nhà quê, rất thông thạo những công việc nhà quê, từ cắt cói, dệt chiếu đến đơm đó, úp nơm, thả lờ… Thơ văn tôi viết, toàn những chuyện nhà quê hay liên quan đến nhà quê. Tôi yêu Nguyễn Bính, Nguyễn Duy và cả Xécgây Êxênhin… vì điều đó. Trong thơ tôi cũng toàn rơm rạ thôi. À, tôi có đem theo tập thơ mới nhất vừa xuất bản, nếu em không chê, tôi xin tặng em.”
“Được ông tặng thơ là một niềm vui, em xin cám ơn ông.”
Tôi lấy tập thơ trong cặp ra, viết lời đề tặng rồi trao cho cô gái. Cô đón lấy tập sách từ tay tôi, ngắm nghía cái bìa vẻ chăm chú, nét mặt rạng lên niềm vui, nhưng im lặng, không nhận xét gì. Tôi hỏi:
“Em cho tôi xin số điện thoại được không, để tiện trao đổi…”
“Em không dùng máy cầm tay, chỉ có số nhà riêng thôi!”
“Không sao,tôi sẽ gọi máy bàn cho em!” - Tôi chìa tay, bắt tay cô gái-
“Thế là từ hôm nay, tôi có thêm một người bạn mới, phải không?”
“Vâng, em cũng rất vui vì được quen biết ông. Mong rằng ông không chóng quên… ngôi trường nhỏ bé này!” Cô gái để tay trong tay tôi hồi lâu rồi mới nhẹ nhàng rút ra, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi một cách tự tin. Trong đôi mắt “một mí rưỡi” kia, ánh lên một cái nhìn trìu mến khiến tôi không khỏi nao lòng. Tôi đâu ngờ, ánh mắt ấy đã theo tôi về Hà Nội, bao bọc tôi, ám ảnh tôi suốt đêm ngày, không sao dứt ra được. Cảm giác này không phải lần đầu tôi bắt gặp. Trong cuộc đời lang bạt kỳ hồ của tôi, đã hơn một lần tôi bị ám thị như thế, nhưng có lẽ chưa có lần nào nỗi ám ảnh lại có cường độ mạnh đến như vậy. Tôi như nhìn thấy ánh mắt trìu mến và thắm thiết ấy ở khắp nơi, cả trên những vòm cây, cả trong những trang sách chiều chiều tôi ngồi trong thư viện. Tôi hối hả photo coppy tất cả những tập thơ của mình đã xuất bản, rồi gửi vào theo địa chỉ mà nàng đã cho tôi, kèm theo một bài thơ mới viết sau lần gặp gỡ định mệnh ấy. Bài thơ có tên là Tự cháy, tôi viết tự đáy lòng, với nhiệt tình nồng thắm như thuở đầu đời:
Bí mật này không dễ nói ra đâu
Cả với em, anh cũng không thổ lộ
Giông gió vai gầy đường xa duyên nợ
Xin một lần từ tạ với muôn sau!
Nếu mệnh trời không xui khiến bên nhau
Mắt em nhìn còn dịu hiền biết mấy
Em chậm muộn phút giây thôi buổi ấy
Thu sẽ không mưa gió đầm đìa…
Bí mật này anh vĩnh viễn chôn đi
Cả với đất anh thề không tiết lộ
Chỉ thương nhớ lồng lên như ngựa dữ
Ấm êm nào từ buổi ấy tan hoang?
Thôi cầu mong em sớm được bình yên
Gió lạnh đấy kéo chăn vùi kín ngực
Dẫu mộng mị người ơi thôi thổn thức
Anh một mình tự cháy với riêng anh!
Gửi bài thơ và những tập sách đi rồi, tôi nóng lòng đợi hồi âm. Chưa đầy một tuần sau, tôi nhận được cú điện thoại đầu tiên của nàng.Tôi nhận ra giọng nói của nàng ngay từ câu hỏi dịu dàng và tiếng cười khúc khích:
“Thưa ông, ông có nhận ra ai đang gọi cho ông không?”
Tôi gần như reo lên: “Tôi nhận ra rồi,chào em! Em đã nhận được những gì tôi gửi chưa?” “Em nhận được rồi và cũng kịp đọc xong tất cả rồi.
Em có thể nhân xét về thơ ông được không?” “Được chứ, em cứ nói, tôi sẵn sàng nghe đây!” “Thơ ông buồn lắm, thực ra, ông có luôn buồn như thơ ông không?” “Nếu hiểu thơ là người thì em hãy tin là tôi thành thực!” “Nhưng khi gặp ông, em có thấy ông buồn như thế đâu, ngược lại là đằng khác, em cứ ngỡ ông là người vô tâm. Thi sĩ xưa nay đều là những người vô tâm.” “Em nghĩ thế thật à? Thế Tự cháy có vô tâm không?” “Bài thơ ấy ông viết cho ai vậy? Hay lắm, nhưng mà buồn quá! Người nào nhận được bài thơ ấy chắc đều mất ngủ. Mong rằng, ông không viết cho em!”… Tới đây, điện thoại tắt cái rụp. Tôi bấm lại số hai lần gọi lại, nhưng đầu bên kia chỉ nghe những tiếng tút ngắn. Nản quá, tôi đành buông máy.
Sáng nay thức dậy, như thói quen, tôi ngồi đọc lại những trang vừa viết đêm qua. Không được! Không được một chút nào. Phải bỏ tất cả đi, viết lại từ đầu thôi.Tôi đã kể lể như một lão già lẩm cẩm. Không ra được tính cách của nàng, càng không ra được chân dung nhan sắc của nàng. Chỉ riêng bài thơ là tôi giữ lại, dù thâm tâm, tôi cũng thấy nó có phần cải lương.Lại cải lương. Tôi không thể rũ bỏ chất cải lương đã thấm sâu vào trong máu tôi như một di truyền của dòng họ. Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã sớm nhận ra điều ấy, và tự thề rằng, tôi sẽ đem tất cả cuộc đời mình chống lại sự cải lương. Đả đảo cải lương! Tôi đã từng hô lên thế khi tôi mới mười tám tuổi, khi người ta định kết nạp tôi vào Đoàn cùng với một lũ bạn bè nhút nhát, sợ con bé Bí thư Đoàn của lớp như sợ cọp. Và tôi đã không được kết nạp lần ấy. Và cuộc đời tôi cũng bắt đầu khốn khó từ lần ấy…
Lại lạc đề rồi! Phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Truyện ngắn này, tôi viết cho một Tiến sĩ văn học đọc, chứ không phải viết để in báo, để lấy nhuận bút như công việc khổ sai mà tôi mang như cái ách trên đời tôi. Viết, viết và viết… Tôi đã viết như kéo cày, viết bất cứ thứ gì người ta cần, người ta đặt, miễn là kiếm được tiền nhuận bút để nuôi các con tôi ăn học. Chúng đã lớn lên nhờ những trang viết của tôi, và trở thành người, nhưng chính chúng cũng chẳng thèm biết là tôi viết những gì! Đơn giản, chúng chỉ biết, cả đời tôi, tôi chỉ biết cày trên trang giấy. Trang giấy là cánh đồng, là thửa ruộng của tôi, ngòi bút là cái cày của tôi, tôi vừa làm trâu, vừa là kẻ đi cày. Nhưng không cày trên trang giấy trắng rợn người kia thì lấy gì mà sống, lấy gì mà nuôi con? Cả cuộc đời tôi, tôi là một kẻ đi cày! Tôi cày trên những thửa ruộng mà người ta thừa ra hay bỏ đi, những cánh đồng chó ngáp. Với dòng máu cải lương chảy âm thầm trong người, tôi đã xưng tụng biết bao điều gàn dở, thậm chí xưng tụng những điều quái đản, đến Thần Phật cũng ngoảnh mặt bỏ đi, nhổ lại một bãi nước bọt…
Lại lạc đề nữa rồi! Tôi đang viết một truyện ngắn gửi tặng nàng kia mà? Phải bắt đầu từ đâu bây giờ?
Tôi viết lại từ đầu:
“… Về Hà Nội, ngay đêm sau, ông điện thoại cho nàng. Ngoài mấy câu xã giao, ông nói một lời thầm thì làm nàng điếng người: “Em có biết không? Hình như tôi yêu em rồi đấy!” Nàng cúp máy cái rụp, mặt nóng bừng vì cảm thấy mình bị xúc phạm.Vài phút sau, lại có tiếng chuông điện thoai, nàng đoan chắc là ông gọi lại, nên không nhấc máy. Có tiếng con gái nàng từ dưới nhà vọng lên: “Mẹ ơi, bố gọi cho mẹ đấy, mẹ nghe đi!” Nàng vội vã nhấc máy lên.Tiếng chồng nàng từ xa xôi vọng về.Thì ra, chồng nàng ra Đảo, tuần này không về được. Nàng trút một hơi thở dài, như trút đi một gánh nặng… Đêm ấy, nàng không sao ngủ được!..”
Bịa! Làm gì có chuyện ấy? Văn chương, dù hư cấu đến đâu, cũng phải bắt nguồn từ hiện thực. Không có hiện thực, văn chương chỉ còn là mớ chữ nghĩa hổ lốn, không cần cho ai và chẳng để làm gì. Trí tưởng tượng như một cánh diều, nhưng cái dây buộc phải nằm trên mặt đất, mặt đất của hiện thực, dù hiện thực ấy có cay nghiệt đến đâu!
Phải viết lại từ đầu:
“Khi nàng bước ra khỏi giảng đường, nắng chiều đông đã hoe vàng trên những tán cây bao quanh khu sân trường rộng rãi. Các cô cậu sinh viên ríu rít chào nàng, rồi ríu rít dắt nhau đi, xôn xao cười nói, trẻ trung và tươi tắn làm sao! Có một chút thèm thuồng, nhớ tiếc bâng khuâng mỗi chiều khi tan học, khi nàng ngắm nhìn cảnh ấy. Vừa mới đây thôi, chừng mươi năm trước, ta cũng từng ríu rít và xanh tươi thế kia, hồn nhiên và mơ mộng thế kia!
Dắt xe máy từ nhà gửi xe ra, nàng định về nhà ngay, vì sáng nay, đứa con trai lên mười của nàng bị cảm sốt, phải nghỉ học, nhờ bà ngoại trông.
Nàng định ghé qua một hiệu thuốc quen, mua cho con vài vỉ thuốc theo đơn của ông bác sỹ ở cạnh nhà. Chưa kịp lên xe, nàng nghe tiếng chuông điện thoại cầm tay trong túi xách. Giọng một người đàn ông trầm ấm, thân thuộc vang bên tai nàng: “Tôi về Đồ Sơn, làm một bộ phim Tài liệu cho Hải Phòng. Hiện tôi đang ở Khách sạn Nam Phương, em có xuống được không?” Nàng hốt hoảng trả lời: “Em vừa lên lớp xong, đang định về nhà. Thằng con trai nhà em đang ốm, làm sao bây giờ?
Tiếng người đàn ông điềm tĩnh trong điện thoại: “Tiếc quá nhỉ! Tôi chỉ ở lại Đồ Sơn chiều và đêm nay, sáng mai tôi qua Cát Hải. Thôi đành vậy. Hẹn lần sau tôi về Hải Phòng.” Tự nhiên, nàng cuống lên, hét vào trong máy: “Không, không! Ông đợi đấy, em sẽ xuống. Ông đừng đi đâu đấy, cứ đợi em ở Khách sạn!” Tiếng trả lời vui vẻ: “Tuyệt lắm! Tôi sẽ đợi!”
Nàng vội vã quay xe, phóng về hướng biển. Đã bao năm, sinh ra và lớn lên ở đất Cảng này, nàng thuộc Đồ Sơn như lòng bàn tay. Khách sạn Nam Phương, với nàng không khó. Chỉ có điều, ở dưới này, nàng có quá nhiều học trò, quá nhiều phụ huynh học sinh mà nàng quen biết, vì vậy, sự xuất hiện của nàng có thể sẽ là mục tiêu cho nhiều cặp mắt tò mò. Một cô giáo như nàng, đi đâu, gặp gỡ những ai, rất cần thận trọng. Con người, trong cõi đời này, trong xã hội này, chỉ là một con ruồi mắc trong tơ nhện, nàng hiểu điều đó một cách chua xót và thấm thía. Nhưng lúc này, không hiểu vì sao nàng vẫn lao xe xuống Đồ Sơn. Hình như, với tất cả bản năng sống của một con người, nàng không sao cưỡng được tiếng gọi tha thiết ấy. Ở đó có một người đang đợi nàng, một người mà đã bao lâu nay, với nàng đã trở nên thân thiết, trở thành nửa kia của đời nàng. Những ý nghĩ lùng bùng trong đầu, sự thôi thúc của tình cảm bồng bột, một ham muốn cháy bỏng và bồng bột, cả một bản năng bồng bột… Trên hai mươi cây số, giữa nắng hè chói gắt và bụi bặm. Bao ý nghĩ làm đầu nàng rối tung. Nhưng chiếc xe vẫn lao về phía ấy, phía có một người đàn ông đang đợi nàng. Hình như đang có một lực hút nào, một thỏi nam châm nào, một ma mỵ nào cuốn nàng về phía ấy, nàng không sao cưỡng nổi.
Và nàng đi như bay trên đường, xuyên qua cả một rừng xe cộ.
Ông đón nàng ngay ở cửa khách sạn.
Giọng ông vui như reo: “Chào em! Cám ơn em đã tới! Ta vào nhà đi!”
Rồi ông hỏi nàng đi đường có mệt lắm không, rồi ông rót nước lọc mời nàng, rổi ông đưa cho nàng chiếc khăn thấm nước mát, rồi ông hỏi con trai nàng có mệt nặng lắm không, rồi ông hỏi dạo này “thằng giặc” của em có hay về thăm mẹ con em không?... Nếu là người khác, dám gọi chồng nàng là “thằng giặc”, thì chắc chắn nàng sẽ bất bình, thậm chí sẽ nổi đoá. Nhưng nghe ông nói hai từ ấy, nàng thấy vừa dịu dàng, vừa thân thiết làm sao! Hóa ra với ông, “thằng giặc” của nàng cũng không đến nỗi nào.Và nàng hiểu rằng, trong thâm tâm, ông cũng rất tôn trọng “thằng giặc” ấy của nàng.  
Nàng âu yếm gục đầu trên ngực ông hồi lâu, như một đứa con gái gục đầu vào lòng cha, lại như một người tình âu yếm. Nàng đưa hai tay ôm lấy cổ ông, vuốt mái tóc còn đen nhưng rất mỏng của ông như bàn tay người mẹ, sẽ sàng, nhẹ nhàng và âu yếm. Nàng lẩm bẩm mấy tiếng, nghe thoảng như hơi thở, trong một ôm ghì thiết tha: “Em yêu ông! Em nhớ ông vô cùng!”
Ông vuốt mái tóc xanh mềm của nàng, khẽ đưa bàn tay âu yếm nâng cằm nàng lên, nhìn sâu vào mắt nàng hồi lâu, và thầm thì: “Tóc em thơm và môi em ấm. Ta yêu em nhất trần gian!” Nàng thấy mình run rẩy trong vòng tay của ông, nàng chỉ muốn những phút giây này mãi mãi…
Ông buông nàng ra và hỏi khẽ:
“Chiều nay, em có muốn tắm biển không?”
Nàng vẫn gục đầu trên ngực ông, khe khẽ lắc đầu. Lâu sau, nàng nói trong hơi thở dập dồn: “Lúc này, em chỉ muốn ở bên cạnh ông thôi!”
Ông tự tay cởi áo khoác ngoài cho nàng, rồi âu yếm bế nàng lên giường, đặt gối cho nàng nằm và nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh. Nàng vẫn mặc nguyên áo sơ mi, quần bò và chiếc dây lưng to đùng. Ông lồng tay gối đầu nàng lên cánh tay ông và hôn thắm thiết lên trán nàng, mắt nàng, cổ và ngực nàng. Nàng cảm thấy run rẩy như thể lần đầu được ôm choàng trong một vòng tay đàn ông. Bàn tay ông mềm mại, vuốt ve trên thân thể nàng, những ngón tay mới dịu dàng làm sao! Cả người nàng nóng bừng trong một thèm muốn và khao khát vô bờ. Nhưng với bản tính nhút nhát của một phụ nữ, nàng chỉ biết quằn người lên chờ đợi.Dường như mọi tế bào trong người nàng đã được đánh thức, người nàng nóng hầm hập, căng phồng, nhức nhối và đau buốt đến tận sống lưng. Mọi nguồn nước trong người nàng oà ra, vỡ tung,tràn trề…
Vậy mà, khi ông vừa hôn nàng, vừa lần tay nhẹ nhàng xuống chiếc dây lưng của nàng, nàng bỗng co người lên, chặn tay ông lại. Ông vội vàng buông tay ra, khi nghe nàng nói khẽ: “Đừng, đừng ông!”
Nhưng nàng vẫn nằm im. Nếu ông dám liều lĩnh và quyết liệt tháo bỏ chiếc thắt lưng kia ra, nếu như ông dám liều lĩnh và quyết liệt cởi từng chiếc khuy áo trên ngực nàng… chắc là nàng vẫn sẽ chống cự, sẽ vùng vẫy nữa, nhưng rồi cuối cùng, nàng sẽ là của ông, của ông trọn vẹn. Nàng nằm lặng im, như chờ đợi sự liều lĩnh cuối cùng của ông.
Nhưng ông đã không làm những gì mà nàng hình dung, như nàng ao ước, nàng sẵn sàng, nàng chờ đợi. Ông lại hôn lên trán nàng, mắt nàng hồi lâu và thầm thì nói: “Hay là chúng mình xuống biển đi! Tôi muốn được cùng em ra biển.”
Nàng vẫn nhắm mắt, nói khẽ:
“Em muốn nằm ở đây, em không muốn ra biển!”
Ông khẽ khàng trở dậy, bước vào phòng tắm. Có tiếng nước chảy rào rào từ vòi hoa sen. Lâu sau, ông trở lại, ngồi bên bàn nước, châm thuốc hút. Gương mặt ông như buồn rầu, như đăm chiêu. Nhìn dáng vẻ của ông, bỗng nhiên nàng cảm thấy thương ông đến quặn lòng.
Nàng ngồi dậy, vuốt lại mái tóc và nói:
“Vâng, chúng mình ra biển đi ông!”
Ông đưa nàng vào một quán nước nhỏ tuyềnh toàng ven biển, gọi hai quả dừa, có cắm sẵn hai chiếc vòi hút bằng nhựa và trầm ngâm, ngồi im lặng bên nàng. Ông giục nàng uống nước dừa, còn ông ngồi hút thuốc và cứ nhướng mắt nhìn ra biển. Ngoài kia, những con sóng cứ mải miết xô bờ, cứ lặp đi lặp lại cái công việc nhàm chán hàng triệu năm không biết mỏi. Hình như những con sóng kia cũng có điều gì giống như ông, cứ cuồn cuộn xô vào rồi lặng lẽ lui ra…
Biển chiều nay vắng tanh, không một bóng người. Không có những bộ quần áo tắm sặc sỡ, không có lũ trẻ con trần truồng đá bóng hoặc chạy nhảy trên bãi biển rộng mênh mông. Ngồi bên nàng mà ông như đang đắm chìm vào những cảm xúc và suy tưởng của riêng mình. Nàng lặmh lẽ ngồi ngắm ông như một cô bé hiếu kỳ…
Đột nhiên, ông quay lai, nhìn sâu vào mắt nàng, khẽ nói:
“Nhìn biển vắng, chợt nghĩ ra mấy câu thơ, tặng em. Em có thích nghe không? Nàng khe khẽ gật đầu và mỉm cười khích lệ. Ông đoc. Giọng ông trầm buồn, nghe âm u trong tiếng biển cồn cào :
Có hai bóng người đơn côi
Cạnh biển chiều im vắng
Trước mặt hai quả dừa im lặng
Câm lặng hai bóng người
Ngồi bên nhau mà không dám cầm tay
Ngồi bên nhau mắt không nhìn vào mắt
Họ nhìn ra biển về phía không đâu
Cuộc đời mong manh quá
Những con sóng già nua muốn táp lên bờ
Biển mùa này cô đơn
Sóng vẫn thầm thĩ hát
Ta thèm hát một lời như sóng
Nhưng biết làm sao được!
Ngày xưa ơi đã quá xa vời
Những con sóng đời người mong manh quá
Quả dừa và em im lặng bên tôi!...      
Đọc xong, ông nhìn nàng, mắt  ông như rớm nước, gương mặt ông vàng vọt nắng chiều. Nghe ông đọc những câu thơ tràn đầy mặc cảm kia, nàng xúc động nghẹn ngào, đưa tay cầm lấy bàn tay ông. Và nàng nói:
“Ông đừng nghĩ ngợi nhiều quá thế… Từ ngày gặp ông, lúc nào em cũng yêu ông. Em yêu ông thật lòng! Yêu bằng tất cả những gì em có thể!”
Ông nghe nàng nói với một vẻ chăm chú đặc biệt rồi khe khẽ gật đầu.Ông đặt cả hai bàn tay mong manh của ông  trên tay nàng và nói:
“Tôi tin em. Tôi tin những gì em vừa nói. Thật sung sướng và cảm động vì điều ấy. Nhưng em hãy nhìn kia, những con sóng cuối mùa mới yếu ớt làm sao! Tôi giờ chỉ như những con sóng buồn bã ấy!...”
Nàng cười: “Ông hứa yêu em mười năm kia mà? Tính đến hôm nay, mới chưa tròn một năm. Trước mắt còn dài lắm!”
Ông cũng khẽ cười, nắm chặt tay nàng: “Đừng bao giờ tin vào lời hứa của một lão già, “Mèo con” ạ! Những lời nói của ông, vẻ mặt thánh thiện của ông và bàn tay với những ngón dài gầy guộc đang nằm trong tay nàng, khiến nàng thổn thức, nghẹn ngào…
Nàng chợt nhớ tới cái buổi chiều mưa gió, nàng lên Hà Nội tìm ông. Nàng đứng dưới mưa tầm tã, tren một bến xe buýt và gọi điện thoại cho ông. Ông nói, ông đang quá bận, không thể ra gặp nàng được. Thất vọng và tủi hổ ê chề, nàng về lại Hải Phòng ngay đêm ấy. Nàng đã viết cho ông một bức thư với những lời lẽ thậm tệ. Sau khi nhận được thư nàng, ông liền gửi cho nàng một bài thơ. Khi ấy, nàng mới biết ông không bận gì cả, mà đang nằm trong  Bệnh Viện. Nàng hối hận vô cùng vì đã hiểu lầm ông, ngờ vực tình cảm chân thành của ông giành cho nàng. Bài thơ của ông, nàng đã đọc trong nước mắt. Nàng nhìn ông, hỏi: “Ông có muốn em đọc bài thơ năm ngoai, ông gửi cho em không?” Ông tỏ ra ngạc nhiên: “Bài thơ nào nhỉ? Từ ngày gặp em, tôi đã gửi cho em cả chục bài thơ…”
“Nhưng đây là bài thơ đặc biệt, bài thơ chia ly, bài thơ đau buồn nhất mà ông đã viết cho em trong Bệnh viện!” Ông nhìn nàng, sửng sốt: “Sao lại chia ly?”Nàng biết ông đã quên bài thơ ấy, quên cả lá thư đau đớn và giận dỗi mà nàng gửi cho ông sau chiều mưa tuyệt vọng ấy. Và nàng đọc: 
Giận hờn ư? Em cứ giận hờn đi
Cả khinh ghét, hận thù, nguyền rủa nữa
Hãy nhìn thử vào gương, em sẽ rõ
Nước mắt nào đang tố cáo mình đây?
Vĩnh biệt ư? Em vĩnh biệt ai nào?
Dẫu thề độc suốt đời không nhìn mặt
Hãy nhìn thử vào gương, ai người đang khao khát
Cơn gió nào lạnh buốt gối chăn?       
Khổ đau ư? Ai khổ đau hơn?
Người đứng đợi dưới mưa hay kẻ nằm trong Viện
Khoảnh khắc ấy như trời xui, đất khiến
Mà nước mắt lưng tròng, mà tê buốt tâm can!
Thanh minh ư? Lời nào để em tin?
Người là phán quan, ta tội đồ câm lặng
Cánh buồm nhỏ mà sông đời quá rộng
Yêu một đời chưa hết một câu thơ!
Hãy nhìn thử vào gương
Xin người chớ khóc oà!...
Nghe nàng đọc xong, ông chợt thốt lên: “Ồ, tôi có viết bài thơ ấy thật à? Bậy quá, bậy quá! Tôi xin lỗi em. Đôi khi tôi không làm chủ được tình cảm của minh!” Nhìn vẻ mặt chân thành của ông khi ông nói, nàng cảm thấy thương và yêu ông vô cùng.
Nàng liếc nhìn đồng hồ tay. Đã năm giờ chiều, muộn quá rồi. Nàng còn phải về trên Thành phố, xem con sốt thế nào.Thấy nàng xem đồng hồ, ông ý tứ nói: “Em phải về rồi ư?” Nàng lặng lẽ gật đầu.
Ông nói: “Em về với các con đi.Tôi không tiễn em đâu!”
Nàng dắt xe, lặng lẽ ra khỏi quán.
Ông vẫn còn ngồi đó, lặng im như một khúc củi khô, lại giống như một bức tượng nhà mồ…
Hai tuần sau, trong chương trình Thời sự thứ bảy, Đài Truyền hình Trung ương báo tin, ông đã mất đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim. Nhìn bức ảnh ông trên Tivi, nàng gục xuống gối, âm thầm nức nở…
Có tiếng chồng nàng từ dưới nhà vọng lên:
“Em ơi! Chúng mình đi xem ca nhạc đêm nay. Em chuẩn bị nhanh lên, sắp tới giờ rồi!”
Nàng vẫn nằm lặng im, úp mặt vào gối, nước mắt giàn giụa.
Bây giờ, nàng mới tự trách mình, sao đêm ấy, nàng không ở lại?!                  
Câu chuyện của lão già đến đây là hết. Đọc xong, tôi tức điên cả người. Lão già định lấy cái chết đột tử để trồn chạy ai đây? Lão tưởng, chết dễ lắm đấy à? Thì lão cứ thử chết đi, xem có giải thoát được không? Nếu mọi khổ đau của cuộc đời này, chỉ trốn đi bằng cách chết thì dễ dàng biết bao nhiêu?
Tôi chợt nhớ ánh mắt lão già hoảng hốt thế nào khi ngồi nhìn những lá cây xạ hương rụng trong sân Bệnh viện. Và lão nói với tôi về truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của Ô. Henri.
Ngày mai, vào Bệnh viện, tôi sẽ cho lão một trận. Tự cháy là một truyện ngắn hoang đường nhất, ngẩn ngơ nhất trong cuộc đời đầy rủi ro và bất trắc của lão!
Nhưng mà tôi biết, lão lại đang yêu! Khổ chưa?!
Đọc xong cái truyện ngắn giời ơi đất hỡi của lão già, tôi không sao ngủ được. Vợ tôi từ phòng trong bước ra, vừa dụi mắt, vừa hỏi: “Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?” Tôi biết tính nàng nên không đáp ngay mà tỏ ra đang đăm chiêu suy ngẫm một công việc hệ trọng. Nàng bước tới sau lưng tôi, choàng vòng tay qua cổ và hôn lên tóc tôi. Cử chỉ âu yếm dịu dàng của nàng làm tôi cảm động. Tôi cầm tay nàng và đặt lên đó một nụ hôn dài. Tôi nói: “Anh đang đọc một truyện ngắn mới của Lão già. Đã lâu lắm lão già mới lại viết truyện ngắn. Câu chuyện vẩn vơ, nó làm anh mất ngủ. Anh nghĩ, lão già đang khủng hoảng. Lần này, lão ốm nặng lắm đấy.Chịu nằm Viện nửa tháng không phải chuyện thường...”. Vợ tôi bảo: “Mai vào Viện, anh cho em đi với!” Tôi nói: “Chưa cần. Em mà vào, lão già lại càng hoảng,sợ mình bệnh nặng thật. Lão già xưa nay vốn rất yêu quí em mà!” Vợ tôi nói: “Bạn bè của anh, em chỉ thấy mấy ông già là tốt. Anh chỉ có bạn già, Anh chơi với mấy ông già, em rất yên tâm!”
Bạn già ư? Tôi chỉ có những ông bạn già thôi ư?
Hình như vợ tôi nói đúng. Tôi xưa nay chỉ thích chơi với những ông bạn già. Tôi chỉ yêu quí những người bạn già mà tôi thường gọi là chú hay là bác, tuổi ngang tầm bố mẹ tôi, các chú, các cô tôi...Chơi với bạn bè cùng trang lứa, tôi thường thấy chúng nó ngơ ngẩn quá, hãnh tiến quá, tham lam quá, giành giật quá, láu cá hoặc đểu cáng quá! Chúng đểu cáng không phải bản chất hắn đểu, mà vì một sự xúi bẩy vô thức nào đó của đời sống chụp giật, ăn tươi nuốt sống làm cho hắn, dù vô thức bỗng trở thành thằng đểu. Có lần, tôi nói với lão già điều đó, lão nghe xong, điềm nhiên bảo: “Tôi tin cậu đã nhận xét đúng. Và như thế, cậu sẽ thành người, một người tử tế!” Lão cười cái cười rất đặc trưng của lão, vừa cười vừa như mếu, vừa cười vừa như người đang sắp khóc: “Làm một con người cho ra hồn người là chuyện khó nhất trần gian. Muốn làm người phải hiểu được con người. Con người là sinh vật kỳ bí nhất mà Thượng đế lỡ sinh ra trong một phút say sưa đầy tuỳ tiện, đầy hứng khởi, giống như cơn bốc đồng của loài thi sĩ! Khi Thượng Đế chính là một Thi sỹ mới lơ đãng sinh ra con người, để thay thế cho loài Khủng Long ăn thịt! Con người thực chất là một loài Khủng Long!” Tôi hỏi: “ Lão già ơi! Làm người khó vậy sao ?” Lão già lại cười khùng khục, vừa cười vừa như mếu, vừa cười vừa như người táo bón, rặn ra rằng: “Làm một con người là chuyện khó nhất trần gian. Ngoài ra chỉ là những con Kủng Long và những con giòi!”.
Tôi không sao ngủ được. Khi thấy vợ đã ngủ ngon, tôi len lén trở dậy, sang phòng làm việc và mở Vi tính ra. Tôi đánh máy rất nhanh cái truyện ngắn hoang đường của lão già và đọc lại. Đúng rồi, khổ thân lão, lão đang yêu! ở vào cái tuổi xế chiều của lão mà còn yêu thì hẳn là bi kịch rồi! Tôi phải can thiệp vào chuyện này, với tư cách là một người bạn vong niên, nhất thiết tôi phải can thiệp vào mối tình ngẩn ngơ của lão. Tôi không muốn những con Khủng Long giống cái tàn phá cuộc đời lão một lần nữa!
Chiều hôm sau tôi vào Bệnh viện, tìm lão già khắp nơi nhưng không thấy. Tôi ngồi ở sân Bệnh viện đến hơn cả tiếng đồng hồ, trên chiếc ghế tôi ngồi với lão hôm qua. hợt có tiếng người sau lưng: “Đồ quỉ tha ma bắt, nhà ngươi đến rồi à? Ta đã chờ nhà ngươi hàng thế kỷ!”
Tôi vừa bực, vừa vui vì dù sao cuối cùng vẫn nhìn thấy lão. Hôm nay, trông gương mặt lão có vẻ tươi tỉnh hơn, hào hứng hơn. Lão nói: “Bỏ ngay cái bộ mặt đưa đám của cậu đi! Vào trong kia, làm vài ly bia nhé?”
Tôi lắc đầu, trao cho lão tập bản thảo tôi đã đánh máy: “ Lão già cầm lấy, tôi đã hoàn thành nghĩa vụ với lão già rồi đây!” Lão già nhìn tôi như một đứa trẻ, vẻ hồi hộp hỏi: “Cậu đọc hết chưa? Thế nào, cậu thấy thế nào?”
Tôi điên hết cả người, định xổ vào lão già rằng, đây là một câu chuyện hoang đường, chuyện của người trên cung Trăng, chuyện của người trên sao Hỏa! Người sống trên mảnh đất này, không ai được quyền cư xử như vậy, nó làm băng hoại đạo đức cộng đồng, nó làm vỡ nát những gia đình nhỏ nhoi, nó làm... nó làm... tan hoang hết, trời ạ! Nó sẽ sa mạc hoá trái đất này, lão hiểu chưa? Nó là chuyện của loài Khủng Long, loài thú ăn thịt, hiểu chưa? Nhân danh luật pháp, tôi sẽ cho lão vào tù, ngồi tù mút chỉ, lão hiểu chưa? Và tôi sẽ không thăm nuôi lão đâu, đừng hy vọng hão huyền!
Tuy nhiên, vì lão già đang ốm, vì đây là Bệnh viện, và vì cả tính cả nể, tôi lại nói: “Thằng em đọc rồi, đọc kỹ rồi! Nhưng thằng em không hiểu sao lần này lão già lại hoang đường đến thế, lãng tử đến thế? Và giả dối nữa! Xưa nay, lão già vẫn thành rhực kia mà?”
Lão già nghe tôi nói thì tái mét mặt, cúi đầu xuống, lẩm bẩm:
“Giả dối ư? Cậu bảo gì vậy? Tôi giả dối ư?”.
Nhìn vẻ mặt thiểu não của lão già, tôi không sao cầm lòng được, đành vuốt ve: “Không phải là lão già giả dối, mà là câu chuyện, câu chuyện lão bịa ra rất chi là giả dối. Nó không hợp với tính cách của lão xưa nay. Lão không là người cải lương như thế! Lão chỉ vin vào dòng máu cải lương của dòng họ nhà mình để trốn chạy hiện thực thôi!”
Lão già ngồi phịch xuống ghế đá, lặng lẽ hồi lâu, rồi nhìn những trang giấy đang cầm trên tay, những ngón tay gầy guộc, trắng xanh run lập cập. Cuối cùng, lão già quay sang tôi, nói: “Cám ơn, cám ơn tên khốn kiếp, đồ dị dạng, thằng có sỏi trong tim... Tôi sẽ vứt đi hhết, tôi sẽ viết lại từ đầu! Tôi sẽ thành thực, sẽ không cải lương nữa, sẽ... Cậu cút đi!”.
Hai tuần sau, khi lão già đã ra Viện, tôi nhận được thư của lão. Thư gửi chuyển phát nhanh, mặc dù từ nhà lão đến nhà tôi chỉ đi bộ mất chừng mười phút. Hẳn là lão già còn giận tôi?! Tôi nghĩ thế và thực lòng có hơi ân hận vì những câu nói quá thẳng thắn của mình hôm nào trong Bệnh viện.
Thư lão già viết rằng: “Gửi tên Quan toà đồ tể! Ta thừa biết, trong lồng ngực nhà ngươi không có trái tim đâu, mà chỉ có một hòn sỏi rắn! Tuy nhiên, những gì mà nhà ngươi mắng nhiếc ta, cũng có nhiều phần sự thật. Vậy ta nói cho nhà ngươi rõ, xưa nay ta vốn là người biết phục thiện, không cố chấp, không để bụng những chuyện vẩn vơ, ngồi lê đôi mách, những chuyện thị pji của những kẻ tầm thường, vì vậy, ta đã viết lại cái truyện ngắn oan khuất này theo gợi ý của nhà ngươi về lòng trung thực. Tuy nhiên, ta vẫn giữ lại văn bản cũ, như một dị bản, như một kỷ niệm buồn bã, bởi khi viết nó ra, ta đã trăn trở rất nhiều, đau đớn rất nhiều! Nói thực cho nhà ngươi biết, ta phải vào Viện lần này cũng là vì nó đấy! Còn đây là bản thảo thứ hai, ta vừa mới hoàn thành từ hôm ra Viện. Ngươi hãy đọc đi, xem sự thực sẽ như thế nào. Nếu không chịu nổi cái sự thực nghiệt ngã ấy, ta cho nhà ngươi được quyền treo cổ lên quạt trần mà chết giãy đành đạch! Vĩnh biệt ngươi! Cầu cho linh hồn ngươi được siêu thoát nơi Thiên đàng! Nhưng Thiên đàng ở đâu thì nhà ngươi hãy đợi đấy, để chờ ta đi tìm trước đã, khi nào biết chắc, ta sẽ mách cho nhà ngươi. Đi theo ta, nhà ngươi không thiệt đâu. Hẳn là nơi ấy vui đáo để. Ta gửi thư này vì hiện giờ, ta không có hứng nhìn mặt nhà ngươi! Đọc xong, nhớ điện thoại cho ta, nhà ngươi sẽ được uống một chầu bia thịt chó ở Quán Trần Mục, thật đã đời. Ký tên: Lão già.”
Đọc xong lá thư của lão già, tôi vui lắm! Thế có nghĩa là lão không giận tôi, thế có nghĩa là lão vẫn còn ham sống, còn muốn viết thành thực một lần  trong đời, dù một lần thôi, sau bao nhiêu tháng năm lão tự dối mình, dối người, dối tất tần tật thế gian! Nếu được như thế một phần cũng nhờ vào những lời chọc ghẹo, khích bác của tôi. Vậy lão hạ cố chơi bời với tôi, lão cũng đâu có thiệt! Bên cạnh lá thư là bản thảo truyện ngắn lão vừa viết lại, dài hơn 14 trang giấy A4, chữ vẫn đẹp và đằng tả như bản tính cố hữu của lão. Tuy nhiên, đầu đề truyện ngắn có khác, không phải là Tự cháy nữa mà là Một chuyện hoang đường!
Nguyên văn câu chuyện thứ hai như sau:
MỘT CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG
“Tôi đã nghĩ, không nên chờ đợi điều gì tốt đẹp ở quan hệ này nữa, em và tôi như hai bờ của một dòng sông, nhìn thấy nhau nhưng không thể gặp. Dòng sông có cái lý của nó, đôi bờ luôn cách xa nhau, nếu chập vào làm một, dòng sông sẽ chết! Tôi làm sao chịu nổi khi nhìn thấy một dòng sông dẫu vì tôi mà phải chết? Dù yêu em đến mấy, tôi cũng không muốn một dòng sông phải chết vì tôi! Hơn nữa, đối với tôi lúc này, em chỉ là một thiên thần trong ảo vọng, một thiên thần huyền bí, xa xôi, như một vì sao xa lắc trên giải Ngân Hà. Đêm đêm nhớ em, tôi ngồi viết những câu thơ chẳng đâu vào đâu, ngẩn ngơ như một người hóa dại!
Từng ngày, từng ngày cứ lũ lượt trôi qua, sáng nào tôi cũng tự tay bóc đi một tờ lịch. Và trên những tờ lịch ấy, tôi vô tình đọc được một câu của Gớt: “Ngay cả thiên tài vĩ đại cũng không thể tiến xa được nếu chỉ muốn lấy mọi thứ từ nội tâm của riêng mình!”
Thật là một triết lý hão huyền của một ông già lẩm cẩm! Cái lão già khổng lồ này leng keng thật rồi, lão đang xui dại loài người đấy. Bởi vì, sự vĩ đại của Gớt lấy chính từ nội tâm của ông ta, chứ đâu phải từ nội tâm người khác? Nhưng suy đi nghĩ lại, ta thấy Gớt cũng có cái lý của mình, tuy ẩn dưới hình thức nguỵ biện. Phải rồi, thế giới nội tâm của một con người đâu phải là tất cả? Những buồn lo của riêng anh đâu phải là tất cả? Muốn sống được trong cõi đời này, trong cái thế giới đầy những oan nghiệt này, con người phải xé mình ra hàng trăm mảnh, mảnh nào bé nhất, sứt sẹo nhất mới là của riêng anh. Riêng anh ư? Có cái gì đâu nhỉ? Anh là cái thớ gì trong cõi đời này nếu không phải là một con số không tròn vành vạnh? Tôi giác ngộ ra điều ấy từ lâu rồi, nhưng vì hèn nhát mà không dám thổ lộ cùng ai...
Và tôi viết cho nàng một bài thơ “chống lại” Gớt, một bài thơ mà tôi lấy cái tôi tự tin, cái tôi ngang tàng, hoành tráng và vô cùng ích kỷ để tự bênh vực mình, bênh vực nàng. Gớt nguỵ biện được, vĩ đại đến thế mà còn nguỵ biện được, hà cớ gì tôi, một lão già lẩm cẩm vô danh, sống trong một xứ sở vô danh, không nguỵ biện được?! “Mèo con” thân mến, thiên thần của tôi ơi, em hãy nghe tôi nguỵ biện đây:
Anh yêu em
Nghĩa là anh tự yêu mình đấy chứ
Em yêu anh
Là em tự yêu mình!
Con người thường xả thân vì nghĩ vụ
Còn chính mình hay lơ đãng bỏ quên!
Bỏ quên chính mình
Là đạo lý hay phi đạo lý?
Bỏ quên chính mình
Bao năm tháng ta đem cả cuộc đời
hy sinh cho những gì vô nghĩa
Đời chúng mình có đáng gì đâu!
Em - một con người - một cơ thể sống
Một sinh linh riêng biệt
Trời đất ban cho và cha mẹ sinh thành
Em có mặt trên đời là riêng để tặng anh!
Sao em tự quên mình được chứ?
Quên mình vì ai, quên để làm gì
Em - một con người - một cơ thể sống
Trong lòng em đang rực lửa yêu đương
Bao ràng buộc ở ngoài em xa lạ
Em xanh tươi, em nồng nàn như lá
Có khi nào em nghĩ lá vàng không?
Anh yêu em là anh tự yêu mình
Em yêu anh là em yêu em đấy!
Lý lẽ cuộc đời chỉ đơn giản vậy
Có khi nào em tự biện thế không?
8-5-2006
Tôi gửi bài thơ cho nàng cả tuần mà không thấy hồi âm. Có lẽ nàng không thích, không đồng cảm với bài thơ tràn đầy chất tự biện, nguỵ lý của tôi? Hay là... nàng đã quên tôi rồi? Nàng đã quên tôi thật rồi ư?
Một chiều cuối thu buồn bã nhất, cùng bạn bè ngồi uống rượu lai rai tại một quán cóc ven đường, bỗng tôi nhận được một cú điện thoại: “Ông đang ở đâu?” Chao ôi, đúng là tiếng nàng rồi! Tôi run run nói vào trong máy: “Tôi đang uống rượu ở quán Cây Bàng. Em đang ở đâu? “Em đang ở gần ông lắm, khách sạn Hồng Bàng, phòng 505, ông có thể đến với em được không?”
Chỉ một cú xe ôm, tất nhiên là tôi đến.
Liệu tôi có nhận ra nàng không nhỉ? Từ cái buổi trưa định mệnh ấy đến nay, đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu ngày tháng trôi qua rồi, liệu nàng còn nhận ra tôi? Tôi đứng trước cổng Khách sạn Hồng Bàng, nơi nàng nghỉ và nhìn lũ lượt người qua. Lũ lượt người qua toàn là những người lạ ở một hành tinh khác! Tôi không biết là bao nhiêu giây phút đã trôi qua. Tôi sẵn sàng hoá đá, hoặc hoá thành một gốc cây trước cửa Khách sạn này!
Lạy trời! Kia rồi, nàng đang đi tới. Nhỏ nhắn, xinh tươi, giống như một cô học trò bé bỏng trong bộ váy áo màu xanh da trời. Nàng đã nhìn thấy tôi, đã nhận ra tôi và ào tới:
“Chào ông!”
“Chào em... Em đã lên... Bất ngờ quá!”
“Vâng! Em luôn là những bất ngờ của ông!”
Lặng im một thoáng, nhìn sâu vào mắt nàng, tôi hỏi:
“Chúng mình có thể đi dạo một lát, được không?”
“Tùy ông. Nhưng em chỉ được đi đến mười giờ thôi!”
“Không sao, chúng mình chỉ đi dạo một lát, rồi em về...”
Những mẩu đối thoại khách sáo và rời rạc ấy không nói lên điều gì cả, nó không mang vác được tình yêu sôi sục ở trong tôi. Và nàng nữa. Nhìn ánh mắt, dáng điệu, cử chỉ của nàng, tôi biết rằng nàng cũng đang vui và hồi hộp lắm khi gặp lại tôi.
Và cứ thế, chúng tôi đi bộ trên các vỉa hè, trên những con đường chẳng biết tới đâu... Những con đường chẳng biết tới đâu!
Giá mà tôi biết chúng tôi sẽ  tới đâu?
Giá mà nàng biết chúng tôi sẽ tới đâu?
Không! Cả tôi và nàng đều không biết!
Chúng tôi cứ đi, đi mãi và không biết rằng chúng tôi sẽ tới đâu!
Trăng mùng năm như một lưỡi liềm, hắt ánh sáng mờ ảo trên gương mặt nàng, trông nàng lộng lẫy như một Hằng Nga. Một Hằng Nga hiện hữu bằng xương, bằng thịt đang sóng bước bên tôi. Tôi khẽ khàng cầm lấy tay nàng. Nàng để bàn tay ngoan nhỏ trong tay tôi, Tới một bãi cỏ nhỏ, khuất sau những lùm cây, tôi đột ngột ôm choàng nàng trong vòng tay. Nàng giật mình, hoảng hốt, nhưng không cưỡng lại, mà âu yếm ngả đầu trên ngực tôi. Và tôi nghe trong gió có tiếng nàng run rẩy bồi hồi: “Em chịu thua ông rồi! Em thua ông rồi!”
Tôi nghẹn ngào nói: “Tôi cũng đã bị em đánh bại rồi!’
Tôi nâng cằm nàng lên, dưới ánh trăng đầu tháng, gương mặt nàng sáng ngời như một thiên thần bé bỏng. Tôi đặt vào môi nàng một nụ hôn dài, dài như cả đời tôi, dài hơn cả đời tôi! Gương mặt nàng vẫn lấp lánh dưới ánh trăng, vẫn sáng trong và lung linh ánh sáng thiên thần!
Trong cơn mộng du, chúng tôi đã rời xa khách sạn Hồng Bàng đến mấy cây số. Nàng nhìn đồng hồ tay, đã quá 12 giờ khuya từ bao giờ. Nàng ngước nhìn tôi như hỏi: “Làm sao bây giờ?” Tôi nói:
“Lúc này khuya rồi, về khách sạn không tiện, em đi cùng tôi, được không?”
Nàng cúi đầu không trả lời.
Tôi vẫy một cái Tăcxi, đưa nàng lên, rồi nói với người lái:
“Bạn hãy đưa chúng tôi về một Nhà nghỉ nào đó mà bạn biết!”
“Vâng, thưa ông!”
Tôi chìa thẻ Hội viên Hội nhà văn cho anh nhân viên Khách sạn đang mơ ngủ. Anh ta cầm cái thẻ, ngắm nghía giây lát rồi nói, cái thẻ này chẳng có giá trị gì! Tôi lại rút Thẻ Nhà báo ra đưa cho anh ta, nhưng anh chàng mơ ngủ kia vẫn lắc đầu quầy quậy. Anh ta nói: “Nhà nghỉ chúng cháu chỉ cần Chứng minh thư nhân dân thôi! Bây giờ, công an họ làm khiếp lắm! Lại đang Đại hội cái gì ấy, hình như rất quan trọng! Không có Chứng minh thư của bác hay của cô đây trình với họ, Nhà nghỉ chúng cháu sập tiệm như bỡn! Xin bác và cô thông cảm vậy!” Từ thuở bé đến giờ, tôi chưa hề làm Chứng minh thư. Lúc người ta làm thì tôi chưa đủ tuổi. Lúc người ta làm thì tôi đang đi chơi lông bông đâu đó, rất xa. Trong ví của tôi, lúc nào cũng chỉ có hai cái Thẻ, đó là hai cái Thẻ kia! Bây giờ tôi mới biết, vào một nhà trọ bình dân giữa đêm khuya, cả hai cái Thẻ hoang đường kia của tôi chẳng là cái đinh gì! Tôi cười, nhẹ nhàng rút từ trong ví ra tờ 100 nghìn, và hỏi: “Thẻ này có được không?”
Cậu bé toét miệng cười, nhét rất nhanh tờ giấy bạc xanh vào túi ngực, lễ phép thưa: “Dạ, được rồi ạ, thưa ông!”
Cậu bé chợt hỏi thêm: “Ông nghỉ qua đêm chứ?” Tôi đáp: “Tất nhiên rồi!” “Thưa... ông lấy mấy phòng?” Tôi giật mình. Ờ nhỉ, mình sẽ lấy mấy phòng bây giờ? Tôi liếc nhìn nàng, nhưng hình như nàng không phản ứng gì trước những chuyện đang xảy ra. Rất nhanh, tôi nói: “Hai phòng, nhưng phải ở cạnh nhau.” “Dạ, cháu hiểu rồi ạ!”
Tôi đưa nàng lên phòng, Phòng nàng 304. Phòng tôi 306.
Tôi kiểm tra căn phòng rất cẩn thận, thậm chí tôi còn nâng chăn gối lên, ngửi xem chăn gối có được sạch sẽ, có thơm tho không? Yên tâm rồi, tôi vào Toalet, bật nước nóng và nói với nàng rằng, nếu cần tắm thì em cứ đi tắm đi.
Khi nàng từ buồng tắm bước ra, tôi hỏi: “Tôi về phòng bên kia nhé? Ở một mình... em có sợ không?”
Nàng đáp khẽ: “Tùy ông!”
Cái cách nói hai tiếng “Tùy ông” của nàng như ban phép cho tôi ở lại.
Tôi lấy nước trong tủ lạnh cho nàng uống, còn tôi mở một lon bia. Nàng nói: “Em mỏi chân quá! Chưa khi nào em đi bộ nhiều như đêm nay!”
Tôi nói: “Em lên giường nghỉ đi, tôi biết em mệt lắm rồi!”
Nàng nghe lời tôi, nhẹ nhàng nằm lên giường, để nguyên cả bộ váy áo. Tôi bước tới, dịu dàng cởi đôi giày cao gót của nàng ra, rồi tôi định cởi cả đôi tất màu da chân cho nàng. Nhưng tôi đâu biết, đó là chiếc quần tất, muốn cởi được đâu có dễ dàng. Nàng co rúm người, cười khe khẽ và chỉ nói:
“Không, không!”
Tôi ngượng ngùng, cầm rất lâu trong tay mình những ngón chân thon nhỏ của nàng và nói đùa: “Ôi, những ngón chân Giao Chỉ! Những ngón chân Giao Chỉ!”. Nàng choàng dậy, ôm lấy cổ tôi và nói: “Em là người Giao Chỉ thật không?” Tôi cười: “Chúng ta đều là người Giao Chỉ!”
Đôi mắt “một mí rưỡi” và cái mũi thanh nhỏ hơi hếch dường như ánh lên niềm hân hoan. Nàng nói: “Ông nằm xuống đây với em đi, người đàn ông Giao Chỉ. Em biết ông cũng mệt lắm rồi!”
Chúng tôi đã nằm bên nhau suốt cái đêm dài kỳ diệu ấy, cái đêm dài như có như không huyền hoặc ấy! Cả hai không ai muốn ngủ. Tôi hỏi vân vi những chuyện về nàng và gia đình nàng. Nàng hỏi những chuyện về cuộc đời tôi. Nàng muốn biết, trong cuộc đời phiêu bạt của tôi, tôi đã yêu bao nhiêu cô gái, từng làm khổ bao nhiêu người đàn bà, và đến nàng là người thứ bao nhiêu? Tôi không có gì phải dấu. Tôi kể cho nàng nghe những mối tình lang bạt trong đời tôi, những mối tình đắm say, những đứa con gái, con trai ngoài giá thú, những đứa con không được phép ra đời, những đau khổ ê chề, những trận lên bờ xuống ruộng, những kỷ luật chồng chất lên đầu tôi, chuyện mất nghề mất việc, chuyện đói khát hè đường... mà nguyên nhân chủ yếu chỉ vì những cuộc phiêu lưu tình ái! Tôi bảo với nàng rằng, tôi sinh ra để yêu, nếu không yêu tôi chết! Người đàn bà vĩ đại nhất trong đời này là Mẹ tôi, không khi nào ngăn cấm tôi yêu! Mỗi khi tôi thân tàn ma dại trở về nhà, mẹ không bao giờ hỏi về những nỗi buồn đau của tôi. Bà ra sức chăm sóc tôi, vỗ về khuyến khích tôi để tôi lấy lại can đảm, lấy lại dũng khí, lấy lại niềm tin yêu cuộc sống mà đi tiếp trên con đường mà bà biết rằng tôi, thằng con trai yêu thương và tự hào của bà đã kiên cường lựa chọn! Nàng lại hỏi về vợ con tôi. Tôi nói rằng, vợ tôi là một người đàn bà lý tưởng, một người đàn bà thuần Việt, dịu dàng đến mẫu mực, suốt cuộc đời chỉ có một tâm nguyện là thờ chồng, thương con và phụng dưỡng cha mẹ chồng. Đó là một người đàn bà được sinh ra và đào luyện theo những giáo điều muộn mằn của Khổng Tử. Chồng và con là tôn giáo, là mặc định của nàng! “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Nàng đã yêu tôi và nhận lời lấy tôi từ năm nàng mới mười chín tuổi, vừa học xong cấp ba. Cho đến hôm nay, trên ba mươi ba năm đã trôi qua, nàng vẫn yêu tôi như lần đầu mới gặp. Và nàng đã sinh cho tôi hai thằng con trai, đẹp như hai thiên thần. Chúng đều đã trưởng thành, có học hành đôi chút, có công ăn việc làm tử tế. Tôi còn tồn tại, còn sống được, còn lang thang mút mùa trên cõi đời này được là nhờ ở bàn tay nhân ái, ở trái tim nhân hậu của nàng. Nhưng, lạy trời, không vì vậy mà tôi khác tôi đi được.
Tôi vẫn là tôi, một tên lãng tử trong những đam mê cuồng si và những thú vui huyền hoặc. Nàng lại hỏi, nằm bên em thế này, ông có hối hận không? Hối hận ư? Tôi phải hối hận với ai đây? Tôi chỉ hối hận với chính mình khi tôi không dám sống như mình muốn sống, định sống và sẽ sống. Tôi kiên trì lẽ sống của tôi! Không ai ràng buộc được tôi cả, trừ Mẹ tôi, người đã sinh ra và ném tôi vào cuộc đời này. Nếu như mẹ tôi không sinh tôi ra, làm gì tôi có mặt dưới vừng dương này? Tôi là đứa con của Mẹ, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, nuôi tôi từng giờ, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, cho tôi khôn lớn, cho tôi nên người. Tôi sống theo cách của riêng tôi, không hại ai, không làm phiền ai, tôi chỉ biết thương yêu tất cả mọi người, vì họ là con người, vì họ đẹp, cũng giống như tôi, thánh thiện như tôi và cũng từ một người mẹ cao cả đẻ ra! Tôi không thể để cho một thằng khốn kiếp nào, dù hắn là ai đi nữa, bắt nạt được tôi! Tôi không để cho bất kỳ ai dám làm khổ, làm nhục tôi, vì như thế là tôi đã dán tiếp làm nhục Mẹ! Tôi sẵn sàng văng cặc ra với cả thế giới này, một thế giới mà tôi biết đầy rẫy những điều hôi thối, một thế giới nhầy nhụa, một thế giới tởm mửa bởi uy lực của đồng tiền, bởi uy lực của những chức quyền nhố nhăng, những lý thuyết và những chủ nghĩa, những tuyên ngôn bố láo, bịp bợm...
Tôi nói như đang lên đồng và nàng im lặng lắng nghe, lặng lẽ nghe. Tôi thực sự vui sướng và hả hê vì từ xưa tới nay, tôi chưa hề có được một diễn đàn nào, một dịp may nào để được nói như đang nói với nàng. Sau một hồi lâu luyên thuyên, tôi biết là nàng cũng đã thấm mệt. Nàng từ thành phố Cảng tất tưởi lên Hà Nội gặp tôi đâu phải để nghe những lời huyên thuyên ấy! Khi mà một người đàn bà và một người đàn ông cùng nằm trên một cái giường, giữa đêm khuya, trong một đêm thu vắng, yên tĩnh và an toàn tuyệt đối thế này, người ta cư xử với nhau khác cơ, chứ không cư xử như tôi đang cư xử. Nhưng lạ thay, nàng không hề tỏ ra sốt ruột hay giận dỗi. Nàng nghe tôi nói, lặng im, không tỏ phản ứng gì. Tuy nhiên tôi biết, nàng đang ngạc nhiên đến sững sờ, bởi trong những điều tôi vừa nói, có những chuyện nàng không hiểu được, có những chuyện vượt quá sức tưởng tượng của nàng, không bao giờ nàng có thể hiểu được!
Tôi hỏi: “Em có buồn ngủ không?”
Nàng đáp: “Em không lên đây để ngủ!”
Tôi hỏi: “Tôi có thể cởi quần áo ngoài ra được không? Nằm thế này mãi, tôi thấy khó chịu quá!”
Nàng bảo: “Tùy ông! Ông ngỡ em còn bé lắm sao?”        
Tôi nâng đầu nàng, gối lên cánh tay tôi. Nàng ôm lấy tôi và hôn tôi thắm thiết. Tôi bảo nàng hãy cởi váy áo ra, nằm thế này váy áo nhàu hết. Nhưng nàng khẽ lắc đầu và vẫn nằm nguyên với bộ váy áo chật cứng của nàng!
Tôi hỏi nàng về ngày tháng năm sinh, để tôi nhờ bạn tôi, một thầy Tử vi cự phách, có thể xem cho nàng một lá số. Nàng cho tôi biết tất cả những dữ liệu cần thiết. Tôi hỏi, em có tin vào Tử vi không? Nàng đáp rằng, nàng cũng không biết nữa. Rồi nàng nói thêm, rằng không khi nào nàng có thể nghĩ, nàng có thể nằm bên tôi như thế này, nàng lại có thể tồi tệ, xấu xa, hư đốn... như thế này. Nàng bảo, nàng có một người bạn gái rất thân đã dám ngoại tình, từ khi biết chuyện, nàng không thèm chơi với nữa. Đột nhiên, nước mắt nàng chảy dài trên má. Nàng trở dậy, vào trong Toalét đứng khóc một hồi lâu. Trong đầu tôi khi ấy hiện lên hai câu thơ:
Chỉ một lần làm em rơi nước mắt
Là anh vĩnh viễn thuộc em rồi!
Cuối cùng, nàng cũng trở ra và nằm xuống bên tôi. Suốt đêm, tôi không dám động chạm tới người nàng nữa, mặc dù trong lòng tôi đang cuồn cuộn từng cơn bão. Nàng nằm bên cạnh tôi, bé bỏng và ngoan như một chú “Mèo con”.
Sáng ra, lúc sáu rưỡi, chúng tôi cùng trở dậy. Tôi đợi nàng tắm rửa và trang điểm rất lâu. Nàng tỏ ra không có gì phải vội. Tôi nói:
“Hôm nay em có cuộc họp, phải không?’
“Vâng!”
“Vậy tôi sẽ gọi xe cho em về trước nhé? Tôi sẽ về sau một lát... Chắc là em cũng không muốn ngồi xe cùng tôi về Khách sạn?”
Nàng khe khẽ gật đầu.
Tôi ra đường, vẫy một cái Tăcxi. Đêm qua, có lẽ trời mưa to, nền đường ướt sũng. Thế mà nằm trong nhà nghỉ, chúng tôi không hề biết trời có mưa. Tôi mở cửa sau xe cho nàng bước lên, rồi dúi vào tay người lái trẻ măng tờ giấy bạc, khẽ dặn: “Đưa cô về Khách sạn Hồng Bàng!”
Nàng ngước nhìn tôi. Nét mặt buồn rầu và trắng bệch sau một đêm không ngủ. Mắt nàng ngân ngấn ánh nước, nàng khẽ thì thầm:
“Vĩnh biệt ông! Hãy để thời gian chôn lấp tất cả đi!”
Rồi không để cho tôi kịp nói gì, nàng sập cửa xe thật mạnh, giục xe chạy nhanh...
Còn lại một mình, tôi thả bộ trên phố và rơi vào tình trạng không trọng lượng. Còn sớm quá, đi mãi tôi mới nhìn thấy và rẽ vào một quán cà phê, chọn một góc khuất,ngồi như một kẻ đã chết rồi. Tôi nghĩ về lời vĩnh biệt của nàng, về cái cách nàng nói câu: “Hãy để thời gian chôn lấp tất cả đi!”, nghe dịu dàng nhưng vô cùng kiên quyết. Tôi hỏi xin người bồi bàn một mảnh giấy, mượn một cái bút bi, ngồi viết những gì đang hiện ra trong đầu tôi khi ấy:
Hãy để thời gian chôn lấp tất cả đi
Đừng ngoái lại tháng ngày mơ mộng nữa
Em mệt mỏi lắm rồi, em là thiếu phụ
Mà anh cũng còn trai trẻ gì đâu!
Hãy để thời gian chôn lấp tất cả đi
Đêm trăng xưa đã hoá thành huyền thoại
Ân ái ấy cũng nhạt nhòa sương khói
Về đi em sương lạnh đẫm vai buồn!
Hãy để thời gian chôn lấp tất cả đi
Điện thoại, nhắn tin làm gì nữa chứ
Thề với anh ngày mai em thay số
Anh chỉ là con còng gió hư vô!...
Thế mà sao anh không thể hững hờ
Trước biển cát, trước mịt mờ sóng nước
Thèm quay quắt một mùi hương thân thuộc
Tóc em thơm và môi ấm bên lòng!
Tôi ngồi rất lâu trong quán cà phê, chữa đi chữa lại bài thơ cho đến lúc không còn chữa được nữa. Tôi gọi điện thoại, định đọc ngay cho nàng nghe, nhưng điện thoại nàng đã tắt. Tôi chép lại bài thơ trên một trang giấy sạch sẽ và gửi xuống Hải Phòng cho nàng.
Nhưng đã hơn một tuần trôi qua mà vẫn chưa có hồi âm.
Và tôi biết là mối tình đã chết!
Tôi lại nhớ tới những chiếc lã xạ hương vàng rực, rơi hối hả, rơi khốc liệt trong sân Bệnh viện hôm nào. Rồi tôi lại nhớ tới truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của Ô. Henri.
Tôi trút một tiếng thở dài...
Cái kết của câu chuyện thật là bi đát. Nhưng lần này, rõ ràng là lão già thành thực hơn rất nhiều. Với người khác, câu chuyện của lão chắc chả mang lại ý nghĩa gì, nhưng với tôi, người hiểu lão, tôi biết hiện giờ lão già đang đau khổ lắm! Quả tình, như “mèo con” nói, cần phải nhét vào ngực lão, nơi có trái tim đang run rẩy đập, một hòn sỏi cứng khô!
Và tôi nguyện sẽ là người làm việc đó!...
Hà Nội, Đêm 1-6-2006
Trịnh Thanh Son
Theo https://www.vanchuongviet.org/ 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...