Ngày thơ ấu, ở Hải Phòng tạm chiến, tôi đã thuộc nhiều ca
khúc lãng mạn, trong đó có “Sơn nữ ca” của tác giả Trần Hoàn. Thuộc là do
các anh chị tôi tập hát bè bài này và đệm guitare theo nhịp Tango rất công phu
để mừng Xuân mới. Thỉnh thoảng tôi ngẫu hứng nghêu ngao: “Một đêm trong rừng vắng
- Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ mỉm cười xinh
xinh…”. Tôi đâu ngờ khi Hải Phòng giải phóng 13.5.1955, tác giả “Sơn nữ
ca” lại là Giám đốc Sở Văn hóa thành phố cảng của tôi. Vợ ông lại là giáo
viên dạy cùng trường với mẹ tôi. Bà đã chép vào sổ tay mẹ tôi một lời ca mới
theo điệu “Trèo lên quán Dốc” của dân ca quan họ. Chữ bà rất đẹp nên khiến
tôi nhớ ngay lời ca: “Hồ Gươm xanh ngắt sự tích ối à vua Lê…”. Còn ông, dịp biểu
diễn văn nghệ của học sinh cấp 3 trường Ngô Quyền, nơi hai chị tôi học tập và
tham gia dàn hợp xướng, ông đã đến dự. Tôi đi theo các chị nên được nhìn thấy
ông tươi cười đi vào hàng ghế đầu để nghe biểu diễn. Các chị tôi coi ông như thần
tượng vì quá mê “Sơn nữ ca”. Hết các chị mê, lại đến lượt tôi khi được tham gia
dàn hợp xướng Hải Âu do ông chỉ đạo thành lập và hát chính tác phẩm “Kể chuyện
người cộng sản” của ông được chuyên gia Liên Xô chuyển soạn cho 6 bè. Quá
hoành tráng. Ngày kỷ niệm 10 năm Hải Phòng, ông không chỉ là tác giả kịch bản
phim tài liệu “Hải Phòng sáng mãi” mà còn là người xây dựng Dàn nhạc giao hưởng
Hải Phòng tuy một quản nhưng trình diễn rất ấn tượng. Ông cũng là tác giả một
“du lịch ca” đầu tiên cho Hải Phòng. Đó là ca khúc “Mời anh chị về thăm Hải
Phòng”: ”Tôi xin mời anh chị về chơi xong - Ta đi thăm đất Cảng rực
sáng…”. Nhưng tôi không thể ngờ chính tác giả “Sơn nữ ca” với giai điệu
lãng mạn như thế, lại có một tiếng thét âm nhạc đầy căm giận khi máy bay Mỹ ném
bom đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng: “Quân giặc cùng đường bắn phá trên đảo
chúng ta - Quân dân Bạch Long quyết liệt lập công đầu - Diệt thù bảo vệ bầu trời
- Bàn tay người chiến sĩ ngoài khơi - Ta không cho chúng - Tìm đường
lui…” Khi chúng tôi mang ca khúc này đi hát ở những ụ pháo phòng không
quanh bến Bính thì chính ông - tác giả của tiếng thét này - cũng lặng lẽ rời khỏi
Hải Phòng đi vào chiến trường Trị Thiên với bút danh mới là Hồ Thuận An.
Trần Hoàn quê ở Hải Lăng - Quảng Trị. Nhưng ông lại sinh ngày
27/12/1928 tại Quảng Nam, nơi cha ông làm việc và gia đình sinh sống. Thời đi học,
ông lại được giáo dưỡng ở Huế cùng các chị. Cũng thời ấy, âm nhạc cải cách bắt
đầu một bình minh của nó tại các thành phố lớn, trong đó có Huế. Mò mẫm tập
chơi cây mandolin do chị gái mua về, Trần Hoàn đã mau chóng biểu hiện tư chất
âm nhạc của mình bằng việc chinh phục rất nhanh cây đàn bé nhỏ này. Đến khi vào
học trường Khải Định, được học nhạc của giáo sư Vidal, Trần Hoàn nhanh chóng
trưởng thành cả giọng hát lẫn tiếng đàn. Không chỉ là mandolin mà còn thêm
guitare Tây Ban Nha và Ha Viên (Hawaiene). Ông tham gia dàn nhạc nhà trường với
Phạm Khuê, Phạm Tuyên, Võ Sum…
Cách mạng tháng Tám ở Huế đã lùa vào tâm hồn chàng trai 17 tuổi
này một luồng gió mạnh. Ông bắt đầu sáng tác ca khúc tham gia cuộc thi do Đoàn
học sinh cứu quốc. Chính nhờ sự kiện này, cậu học sinh Nguyễn Tăng Hích (tên
khai sinh của Trần Hoàn) đã chọn cho mình một bút danh đặc biệt: Trần Hoàn. Vốn
quá yêu “Thiên thai” của Văn Cao nên cậu đã lấy bút danh Trần Hoàn từ câu
hát: “Đào nguyên trước - Lưu Nguyễn quên trần hoàn - Cùng bầy tiên đàn ca bao
năm…” Trong hai ca khúc dự thi là “Học sinh vui tươi” và “Hồn nước”,
“Hồn nước” đã được ấn hành bởi Nhà xuất bản Nguyễn Phan Hoàng. Ca khúc đã
được ông kính gửi lên Bác Hồ trước khi Bác sang Pháp theo dõi hội nghị
Fontenerblou.
Trong trường kỳ kháng chiến, Trần Hoàn tham gia Đoàn nghệ thuật
tuyên truyền. Chính “Sơn nữ ca” được ông viết vào thời kỳ này. Đấy là lúc
Đoàn công tác ở U Bò - Ba Rền vùng núi Quảng Bình. Gặp những nữ sinh Huế trẻ
trung cũng tham gia kháng chiến, Trần Hoàn gọi họ là “sơn nữ” và viết “Sơn
nữ ca”. Ca khúc nhanh chóng được lan rộng, nổi tiếng và Nhà xuất bản Tinh hoa
đã ấn hành để phổ biến trong vùng tạm chiến. Tuy nhiên, để phổ biến được, họ đã
đổi “du kích” thành “lữ khách”, câu “thời cơ đến rồi” thì đổi thành “hoàng hôn
xuống rồi”. Sau “Sơn nữ ca”, Trần Hoàn ra thủ phủ Liên khu IV ở Vinh và được bồi
dưỡng thêm âm nhạc bởi các thày Nguyễn Văn Thương, Lê Yên… Cũng ở xứ Nghệ, ông
đã yêu một thiếu nữ Nghệ An học Sư phạm.
Nhờ tình yêu này, ông vừa có một người bạn đời chung thủy: bà Thanh Hồng, vừa có một ca khúc khiến các đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ phải vị nể. Đó là “Lời người ra đi” (tên đầu tiên là “Rằng kháng chiến còn trường kỳ”): “Một chiều anh bước đi - Em tiễn đưa ra tận cuối đồi…”. Ca khúc được viết từ cảm xúc khi Trần Hoàn chia tay người vợ để vào công tác tại Liên khu III lúc ấy đang đầy gian khổ và khó khăn. Ca khúc hay, nhiều người hát, đàn anh thì vị nể, nhưng lãnh đạo thì không ưa cho rằng ủy mị. Nhận định này đã vô tình đẩy Trần Hoàn vào thế phải tự điều chỉnh mình không được tự do triệt để trong sáng tạo nữa. Sự tự điều chỉnh ấy không những làm hữu hạn lại sự nghiệp âm nhạc của Trần Hoàn, mà còn ở nhiều văn nghệ sĩ khác nữa. Đấy là cái giá phải trả khi chủ nghĩa Mao bắt đầu ngấm độc vào cơ thể cách mạng Việt Nam đang đầy sinh lực và hồn nhiên. Do vào Liên khu III nên Trần Hoàn mới về làm Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng (thành phố thuộc Liên khu III) sau ngày giải phóng 13/5/1955. Và cũng vì thế nên mới có duyên nghiệp giữa tôi và ông.
Nhờ tình yêu này, ông vừa có một người bạn đời chung thủy: bà Thanh Hồng, vừa có một ca khúc khiến các đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ phải vị nể. Đó là “Lời người ra đi” (tên đầu tiên là “Rằng kháng chiến còn trường kỳ”): “Một chiều anh bước đi - Em tiễn đưa ra tận cuối đồi…”. Ca khúc được viết từ cảm xúc khi Trần Hoàn chia tay người vợ để vào công tác tại Liên khu III lúc ấy đang đầy gian khổ và khó khăn. Ca khúc hay, nhiều người hát, đàn anh thì vị nể, nhưng lãnh đạo thì không ưa cho rằng ủy mị. Nhận định này đã vô tình đẩy Trần Hoàn vào thế phải tự điều chỉnh mình không được tự do triệt để trong sáng tạo nữa. Sự tự điều chỉnh ấy không những làm hữu hạn lại sự nghiệp âm nhạc của Trần Hoàn, mà còn ở nhiều văn nghệ sĩ khác nữa. Đấy là cái giá phải trả khi chủ nghĩa Mao bắt đầu ngấm độc vào cơ thể cách mạng Việt Nam đang đầy sinh lực và hồn nhiên. Do vào Liên khu III nên Trần Hoàn mới về làm Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng (thành phố thuộc Liên khu III) sau ngày giải phóng 13/5/1955. Và cũng vì thế nên mới có duyên nghiệp giữa tôi và ông.
Vào chiến trường Trị - Thiên với bút danh Hồ Thuận An, Trần
Hoàn vừa làm phó ban tuyên huấn vừa sáng tác ca khúc. Nhưng cuộc lật cánh
về quê hương này còn quan trọng với riêng Trần Hoàn chính là cuộc thay đổi bút
pháp sáng tạo khi ông đã nhận ra sâu sắc tác phẩm phải có nguồn dân ca dinh dưỡng
thì mới là của dân tộc mình, mới sống lâu bền trong cuộc đời.
Sự cộng hưởng với bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên
lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn đã vụt sáng trở lại thời “Sơn nữ
ca” để rồi thăng hoa thành “Lời ru trên nương”. Ở “Lời ru trên nương”,
Trần Hoàn đã lấy cấu trúc đoạn “rao” của dân ca đồng bằng ghép vào đầu ca khúc
của mình khi viết về lời ru ở miền núi. Sáng tạo ấy mang đến cho người thưởng
thức một tình cảm da diết và cuốn hút. Lấy lại được sinh khí sáng tạo rồi, Trần
Hoàn tiếp tục thăng hoa trong “Em thương người trong Huế đấu tranh” rất
nhuần nhuyễn hơi thở Nhã nhạc cung đình Huế.
Cũng như duyên nghiệp, tôi gia nhập quân ngũ và vào chiến trường
Quảng Trị mùa hè 1972. Sau hiệp định Paris đầu 1973 một thời gian, mới nghe réo
rắt những giai điệu lạ của Trần Hoàn như “Tiếng đàn trên đường Chín” và đặc
biệt là “Chiều trên Gio Cam giải phóng”: “Nắng chiều về qua Đông Hà rồi
Cam Lộ - thắp sáng bừng núi rừng của miền Tây”. Đến ngày Huế giải phóng,
trong tình cảnh cùng quẫn “Tháng Ba gãy súng” của quân đội Việt Nam Cộng hòa
thì Trần Hoàn lại reo vui lên ca khúc hân hoan “Nắng tháng Ba”.
Từ ngày thống nhất cho đến ngày ra đi khỏi dương thế, dù ở
cương vị công tác nào, Trần Hoàn cũng luôn tuôn chảy âm nhạc. Ông muốn chứng
minh người cộng sản cũng là người rất tình cảm chứ đâu có khô khan máy móc. Những
ca khúc của ông vẫn làm nức lòng người mến mộ. Từ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đến
“Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, từ “Tình ca mùa xuân” đến “Tiếng
hát người Hà Nội”… nhưng lắng đọng nhất trong tôi là “Một mùa xuân nho nhỏ”
(thơ Thanh Hải). Đây có lẽ là bài thơ hay nhất của Thanh Hải và cũng là một ca
khúc hay nhất của Trần Hoàn. Có lẽ nó cao sang vì tư tưởng dâng hiến của cả nhà
thơ và nhạc sĩ. Sự khiêm nhường thực sự đã dựng lên tầm vóc của ca khúc phổ thơ
này. Câu thơ Thanh Hải: “Mùa xuân người cầm súng - Lộc giắt đầy trên lưng” đã
hằn lên một dâng hiến không toan tính, dâng cả mùa xuân cho đời ngay khi ngã xuống.
Dâng hiến ấy đã được Trần Hoàn hát lên trong trẻo đến tận cùng thương cảm. Nó
có thể sánh cùng “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao trở thành cặp bài trùng
mang âm hưởng của khúc khải huyền.
28/1/2019
Nguyễn Thuỵ Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét