Xâu chuỗi lại những nhận xét về Xuân Diệu trong thời kỳ Nhân
văn - Giai phẩm
Những tài liệu về báo chí thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm cho
phép chúng ta tổng kết lại những nét chính của dư luận đa chiều xung quanh quá
trình phục vụ cách mạng của Xuân Diệu. Trước hết, có vẻ nhà thơ đã lợi dụng uy
tín cá nhân của mình và khai thác những mối quan hệ có quyền lực trong đảng để
gây sức ép với NXB Văn nghệ vốn đang lưỡng lự, phải sớm in tập thơ Ngôi
sao. Thứ nhì, đại đa số đội ngũ trí thức văn nghệ cho rằng chất lượng của tập
thơ kém, khiến quyết định trao giải nhì càng có vẻ bất công hơn. Ba là, Xuân Diệu
đã tham gia ban giám khảo xét giải thưởng văn học 1954-1955 mà vẫn nộp tác phẩm
dự giải, tạo cho mình lợi thế có thể bỏ phiếu, hoặc ít nhất là vận động sự ủng
hộ, cho tác phẩm của chính mình.[1] Bốn
là, trong ban giám khảo, Huy Cận, bạn đời của Xuân Diệu, là người vận động tích
cực nhất cho tập thơ Ngôi sao. Năm là, khi Phan Khôi nhận xét thơ cách mạng
của Xuân Diệu kém hơn thơ lãng mạn, một thành viên không rõ tên của ban giám khảo
đã gần như gợi ý rằng cần phải trao giải cho thơ cách mạng Xuân Diệu để đảng khỏi
mất uy tín. Sáu là, sau khi Huy Cận đinh ninh rằng Ngôi sao sẽ được
giải, Xuân Diệu đã tự giúp mình thêm bằng cách yêu cầu tất cả các tác phẩm được
giải (trong đó, đương nhiên có Ngôi sao) phải được quảng bá rộng rãi trên
báo chí của đảng (sử dụng ngân sách công) để khuyến khích quần chúng mua tác phẩm
(và tiền sẽ vào túi Xuân Diệu). Điểm cuối cùng là, cả Trần Công và Nguyễn Bính
đều công khai khẳng định rằng Xuân Diệu và Huy Cận là một đôi, đầy quyền lực
trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Việc Xuân Diệu nghĩ như thế nào về những ý kiến tranh luận rất
nóng liên quan đến sự nghiệp cách mạng của mình vẫn còn là điều bí ẩn, vì ông
không viết một bài nào phản ứng lại những vấn đề do những người phê bình ông
đưa ra. Một manh mối cho thấy trạng thái tâm lý của Xuân Diệu là ông không đăng
bất cứ một bài vở gì trong suốt năm tháng liền, từ ngày 17 tháng Năm năm 1956 –
ông có bài nhận xét về cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ
Chủ tịch cho đến ngày mồng 9 tháng Mười một năm 1956, bài “Về con người cũ
và con người mới”.[2] Bài
viết sau là bản dịch các ghi chép của Maksim Gorky về sự chuyển hóa cách mạng.
Trong thời gian đó, các rạp ở Hà Nội đang chiếu bộ phim Liên Xô dựa theo tác phẩm
nổi tiếng của Gorky “Người mẹ”.[3] Bản
dịch các ghi chép của Gorky là một bước đi hết sức thận trọng của Xuân Diệu nhằm
tiếp cận lại diễn đàn trí thức sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.[4]
Những sự kiện trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm làm xáo trộn
đời sống chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng chỉ trong một thời gian
ngắn. Phản ứng của chính quyền với phong trào được bắt đầu bằng bài viết “Mấy
điểm sai lầm chủ yếu trong báo Nhân Văn và tập Giai Phẩm
Mùa Thu” của Nguyễn Chương, một nhân vật bảo thủ, đăng trên báo Nhân Dân,
cơ quan của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, số ra ngày 25 tháng Chín
năm 1956.[5] Bốn nhân
vật bảo thủ khác trong đảng, Xuân Trường, Hoàng Xuân Nhị, Hồng Chương và Quang
Đạm, tất cả đều gắn với hai ấn phẩm nhiều quyền lực nhất của chế độ đương thời,
báo Nhân Dân và tạp chí lý luận Học Tập, tiếp sức liền.[6] Ngoài bài viết của những
vị nêu trên, báo Nhân Dân còn đăng khoảng ba mươi bài khác, trong thời
gian từ tháng Mười năm 1956 đến tháng Giêng năm 1957, phản hồi về những vấn đề
cốt lõi được nêu trong các ấn phẩm của Nhân văn – Giai phẩm, như tự do dân chủ,
pháp chế xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa nhân văn, và quan hệ giữa chính trị và văn
hóa.
Là tờ báo chuyên ngành văn hóa của chính quyền, Văn nghệ –
lúc đó Xuân Diệu vẫn có tên trong ban biên tập, chỉ đăng có sáu bài phê phán
phong trào Nhân văn – Giai phẩm trong mười hai số xuất bản trong thời kỳ Nhân
văn – Giai phẩm, tức là trung bình hai số mới có một bài.[7] Có lẽ điều quan trọng
hơn là, chỉ trừ bài cuối cùng do một quan chức văn nghệ gốc Nghệ An tên là
Hoàng Trung Thông (bút danh Hồng Vân) viết, tác giả của tất cả các bài còn lại
đều là những nhân vật tương đối ít tên tuổi trong đội ngũ trí thức văn nghệ. Đó
thực là một phản ứng yếu ớt, nếu so sánh với những đòn tấn công mãnh liệt hồi
tháng Ba và tháng Tư tờ báo này đã dành cho tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 –
một ấn phẩm vô hại hơn nhiều so với những ấn phẩm sau này của phong trào Nhân
văn – Giai phẩm. Hồi đó, ba nhà trí thức quyền lực nhất nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa: Hoài Thanh, Xuân Diệu và Nguyễn Đình Thi cùng tiên phong chỉ đạo đợt tấn
công.
Trong con mắt của các lãnh đạo đảng cao cấp, giới trí thức Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa và tờ báo Văn nghệ lúc bấy giờ hẳn là một đám hỗn
loạn. Một vấn đề nhức nhối là ba thành viên quan trọng trong phong trào Nhân
văn – Giai phẩm: Văn Cao, Sĩ Ngọc và Chu Ngọc đều có chân trong ban biên tập
chín người của báo Văn nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc không thể sử dụng
tờ báo này làm vũ khí hữu hiệu để tấn công Nhân văn – Giai phẩm. Trên thực tế,
nhiều thành viên quan trọng của phong trào cải cách này còn đăng bài trên
báo Văn nghệ trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm. Hình như họ không gặp
trở ngại nào với cả hai mảng báo chí nhà nước (Văn nghệ) và tư nhân (Nhân văn – Giai
phẩm), và tự do qua lại cả hai bên.[8]
Có ba yếu tố giúp giải thích vì sao báo Văn nghệ giữ
thái độ khá trung lập và không thấy nhiều sự phụ họa của giới trí thức trong
chiến dịch tấn công Nhân văn – Giai phẩm. Trước hết, đa số thành viên trong đội
ngũ trí thức có vẻ ngầm đồng tình với nhiều đề xuất nhân văn được thể hiện
trong các ấn phẩm của phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Hai là, dưới góc độ kinh
tế đơn thuần, tình trạng lạm phát, thiếu lương thực, và không có chính sách
lương chuẩn hóa, ổn định cho các trí thức ở Hà Nội lúc bấy giờ đồng nghĩa với
tình trạng các nhà văn phải chật vật mới đủ ăn. Môi trường tự do báo chí sẽ là
mang lại nhiều cơ hội kiếm tiền nhuận bút, điều mà các trí thức trong chế độ Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa đang rất khát khao. Và ba là, lãnh đạo đảng ban đầu đã chủ
trương xoa dịu các trí thức bất mãn bằng cách để cho họ xả những nỗi tức giận
lên đầu những người lãnh đạo chuyên môn trực tiếp. Những quan chức văn hóa này
(như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, thậm chí
ngay cả Tố Hữu) đã bị đồng nghiệp trí thức hạ uy tín và tạm thời bị chính quyền
thả nổi. Đến lúc thấy nhất định phải loại bỏ Nhân văn – Giai phẩm, lãnh đạo đảng
buộc phải trông cậy vào các nhà lý luận Mác-Lê của hai tờ Nhân Dân và Học
Tập chứ không phải các quan chức văn hóa, những người đã phải trả giá đắt vì
đã đánh tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1956vào đầu năm. Tình thế đó giúp giải
thích vì sao Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi và các lãnh đạo văn hóa
khác phải ngồi im lặng ngoài đường biên gần như suốt thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm,
không hề tham gia viết bài đánh phong trào này trong chiến dịch.
Khoảng giữa tháng Chạp năm 1956, lãnh đạo đảng bắt đầu ra lệnh
đóng cửa các ấn phẩm Nhân văn – Giai phẩm, bắt đầu với tờ báo Nhân Văn. Một
bài báo của nhà lý luận cứng rắn Xuân Trường đăng trên Nhân Dân số ra
ngày 10 tháng Chạp năm 1956 đã tổng kết quan điểm của chính quyền về tờ báo nói
trên: Nhân Văn tuyên bố là đi theo sự lãnh đạo của đảng, nhưng trên
thực tế thì không. Tờ báo nói xấu chế độ bằng cách công khai kết tội lãnh đạo đảng
tìm cách phá hoại tờ báo, nó “gieo mầm nghi ngờ trong quần chúng về bản chất tự
do dân chủ của chế độ ta”; và các bài báo “xuyên tạc, nói xấu, bịa đặt”. Về những
suy tư của Nhân Văn đối với Ba Lan và Hungary, Xuân Trường viết:
“[Nguyễn Hữu Đang] lại đặt vấn đề ‘nguyên nhân sâu xa của những
biến cố ở Ba-lan và Hung-ga-ri là vì thiếu dân chủ, tại sao lại hiểu ra là vì
thiếu chuyên chính?’ Chế độ ta là chuyên chính dân chủ nhân dân, nghĩa là dân
chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân, của Tổ quốc, của chế độ.
Dân chủ và chuyên chính là hai mặt của một vấn đề. …Những biến cố vừa rồi ở
Ba-lan và Hung-ga-ri có nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Kẻ chủ mưu
những vụ phiến loạn ở Hung-ga-ri là bọn phản cách mạng gồm những phần tử phong
kiến tư sản phản động tay sai của đế quốc. Chúng lợi dụng sự bất mãn của quần
chúng mà làm điều phi pháp. Cách hiểu và đặt vấn đề của bạn Nguyễn Hữu Đang về
thực tế đã gieo một tâm lý hoài nghi cho một số người chưa thật hiểu ở đường lối
và chính sách của Đảng và Chính phủ.”[9]
Đến tháng Chạp, Trung ương đảng tổ chức gặp gỡ các trí thức
và phê bình nghiêm khắc những người đã tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm.
Dù những nhà cải cách này vẫn tiếp tục được làm việc cho chế độ, nhưng cuộc sống
của tất cả các thành viên từng tham gia phong trào vẫn không thể trở lại bình
thường. Bị công an theo dõi là chuyện thường ngày, và đương nhiên khiến cho những
người khác trong giới trí thức (bất kể ý kiến riêng của họ về Nhân văn – Giai
phẩm như thế nào) ngại bị người khác phát hiện có tiếp xúc với các thành phần
Nhân văn – Giai phẩm.[10] Tuy
nhiên, bịt miệng phong trào Nhân văn – Giai phẩm đã là một việc làm đau đầu các
lãnh đạo đảng, nhưng việc khó hơn (và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn) là phải
phá vỡ sự thống nhất của giới trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với xu hướng
coi tranh luận thả cửa và sự tồn tại của nhiều luồng ý kiến không đồng thuận là
chuyện thường ngày trong giới. Xu hướng dung hòa các quan điểm bất đồng này buộc
Đảng Lao động Việt Nam phải siết chặt sự kiểm soát đối với các hoạt động sáng
tác. Lãnh đạo đảng cần các trí thức kiểm soát lẫn nhau, chứ không phải dung hòa
với nhau.
Giữa Nhân văn – Giai phẩm và Văn: Hai bài phát biểu của
Xuân Diệu về Văn học Cách mạng
Sang đến năm 1957, tình hình của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã
tương đối ổn định so với những năm đầy xáo trộn trước đó, từ cải cách ruộng đất,
hóa giải ảnh hưởng Stalin, phong trào Trăm Hoa, những biến động chính trị trong
khối xã hội chủ nghĩa (Ba Lan và Hungary) và Nhân văn – Giai phẩm. Tuy nhiên, một
văn kiện chính thức của đảng năm 1957 cho người đọc một cảm tưởng rằng chế độ vẫn
vững vàng trên đôi chân của mình, dù phải liên tiếp đối mặt với hết sự cố này đến
rắc rối khác, cố gắng kiểm soát một xã hội đang rời rạc và thiếu hiệu quả. Vụ
đàn áp Nhân văn – Giai phẩm vào tháng Chạp năm 1956 đánh dấu bước đi đầu tiên
trong kế hoạch đảo ngược lại chính sách hóa giải ảnh hưởng của Stalin, sẽ được
thực hiện trong suốt năm 1957. Đối với vấn đề cải cách ruộng đất – một chiến dịch
gây tác động sâu rộng đến đông đảo dân chúng nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, lãnh đạo đảng tỏ ra ngày càng hờ hững với việc “sửa sai” – dù trước đó đã
hứa sẽ thực hiện triệt để, trong lúc cao điểm của phong trào hóa giải ảnh hưởng
của Stalin vào tháng Mười năm 1956. Những bước sửa sai gồm có: phục hồi công
tác cho các đảng viên bị đấu tố, bồi thường thích đáng về vật chất cho nông dân
lao động có tài sản bị tịch thu, giảm thuế nông nghiệp – vì trong chiến dịch đã
bị nâng mức đồng loạt.[11] Về
mặt tư tưởng, chính quyền chưa bao giờ thấy dễ chịu với chính sách hóa giải ảnh
hưởng Stalin.[12] Về
kinh tế, bất kể xu hướng chính sách của lãnh đạo đảng có như thế nào chăng nữa,
tình hình kinh tế ngày càng xuống dốc của đất nước không cho phép thực thi
chính sách bồi thường toàn diện cho các nạn nhân cải cách ruộng đất. Vào giữa
năm 1957, Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhận xét tình hình kinh tế như
sau:
“Hội nghị (Bộ Chính trị tổ chức ngày mồng 6 tháng Tư năm
1957) nhận định từ đầu năm đến nay, tình hình thị trường ngày một gay go: vật
giá tiếp tục lên mạnh, thất thu về thuế đang nặng nề, nạn đầu cơ tích trữ trầm
trọng hơn, thị trường tự do đang mở rộng và đấu tranh mạnh chống lại sự kiểm
soát, quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của kinh tế quốc doanh.
Tình hình đó làm cho đời sống của nhân dân lao động nhất là
những người sống bằng tiền lương bị sút kém, việc thực hiện kế hoạch Nhà nước
1957 bị khó khăn, và gây ảnh hưởng chính trị không tốt.”[13]
Để đối phó với tình hình đang xấu đi này, Bộ chính trị chỉ thị
đảng phải huy động các nguồn lực và thực thi một số biện pháp, dù việc này chắc
sẽ không gây được cảm tình của quần chúng.[14] (Trên thực tế, các
biện pháp đó có nét giống với một số tội “bóc lột” mà đảng đã quy cho địa chủ
trong hai thập kỷ qua). Những biện pháp đó gồm có “hăng hái đấu tranh chống” thất
thu thuế nông nghiệp và công nghiệp, hạn chế số lượng tiền mặt lưu hành trên thị
trường, hạn chế cho vay vốn nông nghiệp. Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu nhu cầu
vật chất của nhân dân, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào hãy ghi nhớ những gian khổ
hy sinh mà nhân dân Liên Xô đã chịu đựng trong suốt mười bốn năm cách mạng.
Trình bày viễn kiến của mình về thời gian sắp tới trước một cử tọa gồm các “đại
biểu nhân dân” ở Hải Phòng, lãnh tụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ôn nghèo kể
khổ về quãng thời gian ông chứng kiến tại Liên Xô: “Đàn ông không cần cổ
cồn, cravát, đàn bà không cần lòe loẹt; ô tô chỉ cần chạy chuyên chở được, tất
cả là cốt để xây dựng đã. Và mua cái gì cũng có vé hết, bất kỳ bánh, thịt, vải,
giày. Vì tinh thần hy sinh chịu khó, chịu khổ, thắt lưng buộc bụng và cách tổ
chức mua bán như thế là hết đầu cơ tích trữ”.[15]
Trong hoàn cảnh kinh tế căng thẳng này, vào tháng Hai năm
1957, ngay sau kỳ nghỉ Tết, Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai diễn ra
trong tám ngày (từ ngày 20 đến ngày 27 tháng Hai) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong
ngày khai mạc, nhà lý luận văn hóa gạo cội của đảng, Trường Chinh đã đọc bức
thư dài của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Hội nghị. Bức
thư khẳng định “nền văn nghệ mới lấy hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương pháp
sáng tác tốt nhất.” nhưng vẫn đinh ninh “để phát triển sự nghiệp văn học nghệ
thuật cách mạng, cần phát huy tự do sáng tác”.[16] Đại hội chứng kiến
việc giải thể Hội Văn nghệ và thành lập một đoàn thể văn hóa mới, Hội Liên hiệp
Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Lãnh đạo đảng chỉ thị cho mỗi ngành văn hóa của Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa phải thành lập một hội riêng trong khuôn khổ Hội Liên hiệp
Văn học Nghệ thuật. Xuân Diệu ở trong số mười lăm nhà văn và một vài nghệ sĩ từ
các ngành nghệ thuật khác được “bầu” vào ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học
Nghệ thuật. Vậy là sau hàng loạt các bài viết phanh phui những thủ đoạn vận động
hậu trường để nâng đỡ tập thơ Ngôi sao xuất hiện trong thời kỳ Nhân
văn – Giai phẩm, dường như lãnh đạo đảng thấy cần phải vun xới lại uy tín cho
Xuân Diệu và các lãnh đạo văn hóa cánh hữu khác từng chịu búa rìu phê phán của
những trí thức bất mãn trong giai đoạn cuối năm 1956.
Bài diễn thuyết thứ nhất: “Bệnh sơ lược trong văn học” (ngày
26 tháng Hai năm 1957)
Bài tham luận của Xuân Diệu về “bệnh sơ lược trong văn học” tại
Hội nghị Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai đáng được lưu ý vì đây là lần đầu tiên
ông đăng đàn phát biểu về những vấn đề văn học gây tranh cãi trong thời kỳ Nhân
văn – Giai phẩm. Theo ý kiến đa số, Xuân Diệu có tài phát biểu trước công
chúng, là một người thích đứng trước micro và biết vận dụng thuật hùng biện,
như làm điệu bộ, ngắt nhịp, lên xuống giọng để gây hiệu ứng kịch tính.[17] Thử tưởng tượng xem
các thành viên của Nhân văn – Giai phẩm, những người từng cộng tác hoặc chủ
trương những ấn phẩm vừa bị đóng cửa ba tháng trước sẽ nghĩ như thế nào về Xuân
Diệu khi họ ngồi ở trong Nhà hát Lớn nghe ông diễn thuyết: “Những tác phẩm mắc
bệnh sơ lược gây tai hại là làm cho người ta hiểu sai thực tế, tưởng cách mạng
là toàn hồng, gây bệnh chủ quan và thiếu lý tưởng”.[18]
Về nguyên nhân của căn bệnh sơ lược trong văn học Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, Xuân Diệu vạch ra rằng “Nhưng có một số nhỏ người cho rằng bệnh
sơ lược là do ở bản chất nền văn học mới của chúng ta, cũng như có người nói tệ
sùng bái cá nhân là ở bản chất của chế độ Xô-viết. Gián tiếp họ muốn nói rằng:
tại vì Đảng lãnh đạo nhúng tay vào văn học, nên văn học mới bị bệnh sơ lược,
công thức như thế này; nếu cứ để Văn nghệ sĩ hoàn toàn tự do, thì Văn nghệ đã
vô cùng phong phú”. Thay vì tiếp tục phân tích giả thuyết trên xem đúng sai ra
sao, Xuân Diệu giải thích:
“…bệnh sơ lược không ở bản chất nền văn học mới chúng ta…
chúng ta không độc quyền về bệnh sơ lược. Văn dở thì cổ kim đông tây, đời nào
và ở đâu cũng có… Số người quy bệnh sơ lược ở Đảng và chế độ cũng thường trách
Đảng và chế độ sinh ra bệnh công thức. Họ nói đến những con người máy, những
người rập khuôn do chế độ ta sinh ra. Theo tôi nhớ, thì luận điệu này, bọn tư bản
về đế quốc đưa ra đã lâu lắm rồi…”
Xuân Diệu cũng nói về cái mà mọi người thường gọi là văn hóa
“rập khuôn” trong môi trường xã hội mới của cuộc cách mạng:
“Những con người máy đã phá kho bom Tân Sơn Nhất chăng? Bế
Văn Đàn đã hy sinh rập khuôn với Phan Đình Giót chăng? Hay là trong phe xã hội
chủ nghĩa, liệt sĩ Việt Nam Phan Đình Giót đã rập khuôn với anh hùng Liên Xô
Matrosov, cũng lấy mình lấp lỗ châu mai một cách công thức chăng? Vâng, chúng
ta rất giống nhau, chúng ta người nào cũng được Đảng giáo dục yêu nước yêu dân,
cũng được Đảng dặn dò: khi cần thiết thì hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi
dân tộc, […]. Vâng! Nếu có một cái khuôn nào, thì đó là một cái khuôn cao cả vĩ
đại, phong phú, cái khuôn con người mới biết tự cường, chiến đấu, hy sinh!”
Ngoài ra, Xuân Diệu còn biện minh cho bệnh sáo mòn rất phổ biến
trong văn học và nghệ thuật cách mạng: “Bệnh công thức của ta rất đáng ghét,
nhưng động cơ của nó là muốn nói cái mới cái hay, chỉ vì thiếu nghiên cứu, thiếu
sáng tạo mà rơi vào chỗ sáo, ít nhất là nó hảo ý; chứ còn cái công thức của tư
sản phản động, của văn hóa Mỹ thì ác ý và ghê tởm vô cùng.”
Về cách chữa trị khả dĩ cho căn bệnh sơ lược, Xuân Diệu cảnh
báo về sự tồn tại song hành của cả hai cách chữa chân chính và giả tạo, và
khuyên thính giả phải cảnh giác với loại giả tạo: “Cách chữa giả tạo là dựa vào
hình thức, vào kỹ thuật, tránh sự tẻ nhạt bằng cách bịa ra những trò chơi quái
ác, bằng cách bẻ quặt thực tế khách quan […] Chữa giả tạo bằng cách quá đề cao
cá tính siêu nhân của người Văn nghệ; bằng cách đem “tiếng sáo tiền kiếp” ra thổi
giữa những bản đàn của thời đại mà mình cho là chán. Bằng cách phục hồi nguyên
xi những ý tình cũ kỹ đã bị cách mạng thải ra. Chữa giả tạo trên hình thức bằng
cách làm thơ leo thang hay xuống dốc, cắt nát câu thơ ra và xuống dòng nhiều
quá sự cần thiết…”[19]
Trái lại, cách chữa “chân chính” là “nghiên cứu sâu thực tế
cách mạng” vì “cái mới căn bản nằm trong đời sống cách mạng”. Xuân Diệu giảng
tiếp “ta phải nói được cái mới căn bản đó, chứ không phải rơi vào một thứ ‘mới
chủ nghĩa’, đi tìm những cái tính lập dị nào… Tôi tưởng tượng rằng: nếu bà Thị
Điểm mà sống lại và viết một bản Chinh phụ ngâm mới về phong trào hoà
bình thế giới hiện nay, thì Hồng Hà nữ sĩ cũng phải nghiên cứu đời sống quần
chúng đau khổ gây ra bởi chiến tranh đế quốc. Nếu Nguyễn Du còn sống và muốn
viết về cuộc đấu tranh và lao động hiện tại của nhân dân ta, Nguyễn Du cũng tự
nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, và cũng phải thâm
nhập vào quần chúng hiện tại!”[20] Ba
tháng sau khi phong trào Nhân văn – Giai phẩm bị dập tắt, giọng văn bút chiến của
Xuân Diệu đã phục hồi.
Bài thứ hai: “Viết sự thật” (tháng Tư năm 1957)
Chỉ một tháng sau, Xuân Diệu có bài diễn thuyết thứ hai tại hội
nghị ra mắt Hội Nhà văn Việt Nam ngày mồng 1 tháng Tư năm 1957. Đối với các nhà
văn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội nhà văn là tổ chức thay thế cho Ban Văn thuộc
Hội Văn nghệ vừa mới giải thể để chuyển thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật
Việt Nam. Hội riêng này của giới văn học cũng có tổ chức hội viên riêng, tờ báo
riêng, nhà xuất bản riêng và ngân sách riêng. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ ở Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, không có gì lạ khi Hội Nhà văn, cũng như các chi hội khác
của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật được thành lập và cơ cấu như một công cụ
chính trị của đảng và nhà nước. Hội được giao độc quyền kiểm soát lĩnh vực
chuyên môn, một đội ngũ văn phòng được trả lương và được nhà nước tài trợ để
phát triển hoạt động trong toàn quốc. Điều ba trong Điều lệ Hội Nhà văn quy định
mục đích của Hội như sau: “Trên cơ sở Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội
Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt dân
tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật”.
Bài diễn văn Xuân Diệu đọc tại hội nghị Hội Nhà văn vào tháng
Tư, “Một vài ý kiến về viết sự thật”, được đăng lại trên báo Nhân Dân số
ra ngày 21 tháng Tư năm 1957. Trong trích đoạn dưới đây, ta có thể tìm thấy
cách lập luận biện hộ cho việc kiểm duyệt mà đảng vẫn tiếp tục áp dụng ở Việt
Nam cho đến tận hôm nay:
“Chúng ta nói những sự thật là có một mục đích, mục đích làm
công tác tư tưởng bằng văn học, nên ta không phải là một người cầm cái máy ảnh
tốt rồi bạ cái gì cũng chụp ảnh, cũng in ra. Chúng ta không hoàn toàn đi theo
cái chủ nghĩa thành thật, vì chủ nghĩa đó chỉ đúng có một nửa. Nhất định những
thơ văn nào chúng ta viết ra đều là huyết của ta, đều là thiết tha, thành thật,
mà có thiết tha thành thật thì mới hay được. Nhưng không phải những tình cảm
nào thiết tha thành thật đều nên đưa vào thơ văn.”[21]
Tại sao phải như vậy? Theo Xuân Diệu, nhà văn vừa là “kỹ sư
tâm hồn” vừa là “bác sĩ tâm hồn”. Vì vậy, họ phải đấu tranh không để cho những
nỗi khổ tâm riêng của mình ảnh hưởng đến người khác, đồng thời phải tạo cảm hứng
và dìu dắt (mọi người) theo các mục tiêu của đảng và nhà nước:
“Nhà văn hiện nên phát hiện nhiều vấn đề mới; nhưng nêu vấn đề
ra, nếu chưa giải quyết dứt khoát được, thì ít nhất cũng bao hàm một hướng giải
quyết, một thái độ giải quyết. Nếu chỉ nêu vấn đề rồi vứt giữa xã hội thì chỉ tổ
gây hoang mang. Vào trong xã hội mà chỉ tin ở sự thành thật theo cảm tính của
mình, thậm chí cố tình không mang theo những thứ mà mình cho là tầm thường,
như lập trường, như đảng tính, v.v…, thì càng tưởng rằng viết theo sự
thật lại càng sai lạc.”[22]
Trong đoạn này, Xuân Diệu thể hiện quan điểm về chức năng và
tác dụng của văn học rập khuôn theo lý luận của lãnh đạo đảng đã đề ra trước
đó. Trong phần sau của bài diễn văn, ông kết hợp lý luận này với những ý kiến
phê bình Nguyễn Tuân gay gắt vì viết văn như “bác sĩ gọi ra bệnh của bệnh nhân”
nhưng không “kê đơn bốc thuốc”. Xuân Diệu cũng lên án một số tác phẩm của Nhân
văn – Giai phẩm mang đậm nét nhân văn của phong trào cùng tên, cụ thể như “Tiếng
sáo tiền kiếp” của Trần Duy, “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” của Lê Đạt và “Một
trò chơi nguy hiểm” của Nguyễn Thành Long.[23]
Chú thích:
Chú thích:
[1] Điều
thú vị là, hiện tượng đó đã xảy ra với giải thưởng năm 1951-1952, khi Tú Mỡ,
Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi đều tham gia tự trao giải cho mình. Xem “Kết
quả giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952”, Văn nghệ, số 39, tháng
2/1953.
[2] Xem
Xuân Diệu, “Đọc Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Văn
nghệ, số 121, 17/5/1956. Maksim Gorky, “Nói về con người cũ và con người mới”,
Xuân Diệu dịch và biên tập, Văn nghệ, số 146, 9/11/1956.
[3] Trong
cùng số báo Văn nghệ đó, Trần Công, người đã phê phán Xuân Diệu, cũng
viết một bài khen cuốn phim Liên Xô chuyển thể từ tiểu thuyết “Người mẹ” của
Gorky.
[4] Về
thời điểm Xuân Diệu chọn để đăng bài trở lại, ta không thể không ghi nhận sự ăn
khớp giữa thời điểm tái xuất giang hồ của nhà thơ và văn bản cảnh cáo báo Nhân
Văn vì đã vi phạm quy định báo chí. Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt
Nam ban hành văn bản cảnh cáo nói trên vào ngày 8/11/1956 – bài của Xuân Diệu
được đăng ngày 9/11/1956. Qua các mối quan hệ cấp cao của mình, có thể Xuân Diệu
đã biết trước lãnh đạo đảng chuẩn bị ra văn bản cảnh cáo, một dấu hiệu khá chắc
chắn báo trước số phận của Nhân Văn chỉ còn tính từng ngày.
[5] Nguyễn
Chương, “Một vài điểm sai lầm chủ yếu trong báo Nhân Văn và tập Giai
phẩm Mùa thu”, Nhân Dân, số 934, 25/9/1956.
[6] Trên
báo Nhân Dân: Xuân Trường “Một thái độ phê bình không đúng, một quan niệm
sai lầm về nghệ thuật”, số 935, 26/9/1956; xã luận “Dân chủ và chuyên chính”, số
979, 9/11/1956; Hoàng Xuân Nhị “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta”, số 955,
16/10/1956; Quang Đạm, “Củng cố và phát triển chế độ dân chủ của chúng ta”, số
989, 19/11/1956. Trên tạp chí Học Tập: Hồng Chương, “Chính trị và văn nghệ”,
số 10, tháng 10/1956; Hồng Chương, “Thử bàn về tự do sáng tác”, số 11 & 12,
tháng 12/1956. Phương Sơn, “Cần tiếp tục đấu tranh chống những tư tưởng lạc hậu
và tiêu cực trong văn nghệ”, số 2, tháng 2/2957.
[7] Chu
Thiên, “Phê bình Giai phẩm Mùa thu” và Lê Quang, “Đọc Nhân Văn số
1”, Văn nghệ, số 141, 4/10/1956; Lê Văn Hải, “Đọc bài ‘Bệnh sùng bái cá
nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ’”, Văn nghệ, số 142, 11/10/1956; Lê Trung Thực,
“Phê bình bài ‘Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ’của ông
Trương Tửu”, Văn nghệ, số 144, 25/10/1956; Hồng Văn “Xung quanh nhóm
Pơ-rô-lê-cun và các Nghị quyết về Văn Học của đảng”, Văn nghệ, số 149,
30/11/1956.
[8] Trong
số đó, có thể kể Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Trần
Lê Văn, Hữu Loan, Trần Duy, Trương Tửu, Bùi Quang Đoài, Tử Phác, Trần Công, Huy
Phương, Lê Đại Thanh, Nguyễn Viết Lãm, Hoàng Huế, Nguyễn Văn Tị, Nguyễn Bính,
Thụy An, Nguyễn Sáng, Chu Ngọc, Sỹ Ngọc và Văn Cao.
[9] Xuân
Trường, “Chống vu khống và xuyên tạc”, Nhân Dân, số 1010, 10/12/1956.
[10] Nguyễn
Huy Tưởng, Nhật ký Tập 3. Xem những đoạn, ví dụ như, ngày 14/2/1957, bàn về
nhạc sĩ Văn Cao bị ám ảnh luôn có người theo dõi. Trong một đoạn khác, ghi ngày
23/3/1957 (tr.233), Nguyễn Huy Tưởng kể hai họa sĩ Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng bị từ
chối khi đi xin việc, vì có tham gia Nhân văn – Giai phẩm.
[11] Hồ
Chí Minh, “Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở
miền Bắc căn bản hoàn thành”, Nhân Dân, số 896, 27/8/1956; “Nghị quyết của
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 17: 562.
[12] So
sánh, ví dụ như phong thái chậm chạp, lờ đờ và lưỡng lự khi chế độ triển khai
phong trào hóa giải ảnh hưởng Stalin ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tinh thần
khẩn trương, quyết liệt và bạo tay khi thực hiện “chống chủ nghĩa xét lại” được
tuyên bố vào cuối Hội nghị tháng 11/1957 ở Moscow. Chế độ cũng chưa từng cho
phép một sự thảo luận công khai hướng đến bản chất tội ác của Stalin.
[13] “Nghị
quyết của Bộ Chính trị: Số 17-NQ/TW, 4/6/1957 về việc đẩy mạnh công tác tiền tệ,
tài chính và quản lý thị trường”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 18: 453.
[14] Trong
bài viết ngày 3/2/1957 về tình hình chung ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Xuân Diệu
tuyên bố rằng “củi, vải, thức ăn và hạnh phúc đang dần nhiều thêm”. Xem “Mùa
xuân thắng”, Nhân Dân, số 1062, 3/2/1957.
[15] Hồ
Chí Minh, “Nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng”, Hồ Chí
Minh Toàn Tập số 8, 1955-1957 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2009), 372.
[16] “Thư
của ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội Văn nghệ toàn
quốc lần thứ hai”, Nhân Dân, số 1081, 21/2/1957.
[17] Tô
Hoài, Cát bụi chân ai, 199. Tô Hoài, người đi cùng Xuân Diệu nhiều lần
trong các dịp nói chuyện, tả về phong cách diễn thuyết của nhà thơ như sau:
“Xuân Diệu hay đi nói chuyện văn thơ. Xuân Diệu có kế hoạch chăm chút bảy, tám
bài nói, nói khắp nước cũng chuyên tám cái tủ ấy. Đã trau dồi đến thuộc làu, chỗ
nào giơ tay, chỗ nào nghiêng phải, nghiêng trái, lên giọng và nhất mạnh, chỗ
nào đợi vỗ tay, đợi cười và mình mỉm cười”.
[18] Xuân
Diệu “Vài ý kiến về bệnh sơ lược”, Văn nghệ, số 162, 1/3/1957.
[19] Ngụ
ý lối bắt chước cấu trúc thơ “xuống thang” theo phong cách nhà thơ Liên Xô nổi
tiếng Vladimir Mayakovsky thường dùng.
[20] Xuân
Diệu, “Vài ý kiến về bệnh sơ lược”.
[21] Xuân
Diệu, “Vài ý kiến về vấn đề viết sự thật”, Nhân Dân, số 1140, 21/4/1957.
[22] Xuân
Diệu, bài đã dẫn.
[23] Trần
Duy, “Tiếng sáo tiền kiếp”, Giai phẩm Mùa thu tập 1 (tháng
8/1956):54-63; Lê Đạt, “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, Nhân Văn, số 1,
20/8/1956, Nguyễn Thành Long, “Một trò chơi nguy hiểm”, in trong Xuân 1957 (Hà
Nội, Văn nghệ, 1957).
Báo Văn: từ mồng 10 tháng Năm năm 1957 đến 17 tháng
Giêng năm 1958
Tại các buổi họp diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng Tư năm
1957, ban chấp hành Hội Nhà văn thông qua quyết định thành lập một nhà xuất bản
và tuần báo Văn. Tờ báo bắt đầu phát hành khoảng bốn tháng sau khi các ấn
phẩm Nhân văn – Giai phẩm bị đóng cửa, và do hai nhà văn hiện thực phê phán nổi
tiếng trong giai đoạn Pháp thuộc là Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng điều hành.
Cả hai đều là những trí thức có bề dày tham gia cách mạng và không viết lách gì
trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm.[1]
Số đầu tiên của Văn ra ngày mồng 10 tháng Năm năm
1957, đăng truyện, thơ, phê bình văn học, hồ sơ văn học, thông báo và tin tức
trong ngành. Trên những trang báo Văn, độc giả có thể tìm thấy mục bình luận
chính trị, những bài thơ hoặc biếm họa rất cay nghiệt, chủ yếu đả kích “đế quốc
Mỹ và bè lũ tay sai đứng đầu là Ngô Đình Diệm”. Tuy nhiên, cùng với những bài lớn
tiếng chống Mỹ, ca ngợi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thỉnh thoảng cũng có xuất hiện
những bài ít ồn ào hơn, dưới những hình thức thận trọng và tinh vi, nêu lên những
băn khoăn, hoặc chỉ trích, về thế giới quan Mác-Lê của chế độ và chương trình
xây dựng xã hội chủ nghĩa.[2]
Dù cộng tác chặt chẽ hơn với nguyệt báo văn học và nghệ thuật
theo đường lối bảo thủ, Tạp Chí Văn nghệ, Xuân Diệu cũng thỉnh thoảng viết
bài cho Văn. Một nghiên cứu về các bài ông viết cho tờ báo này cho thấy,
sau hai bài diễn văn sôi nổi chiêng trống phụ họa cho chính sách văn học của chế
độ, bản thân Xuân Diệu vẫn dao động qua lại giữa những chủ đề lãng mạn và cách
mạng, cố gắng tìm sự dung hòa nghệ thuật và đôi khi không tuân thủ những yêu cầu
mà ông đang tham gia quảng bá. Bài đầu tiên ông gửi đăng trên tờ báo này là bài
thơ “Gió”, đăng trên số ba (ngày 24 tháng Năm năm 1957):
Gió
Gió về như mưa tối
Lá giậy như lá đi
Ào ào tiếng sóng vỗ
Không gian có việc gì?
Gió gió gió rào rào
Trăng trăng trăng chấp chới
Trời tròn như buồm căng
Tất cả lên đường mới.
Hồn ta cánh rộng mở
Đôi bên gió thổi vào
Nghĩ những điều hớn hở
Như trời cao, cao, cao.
Bài “Gió” đã đáp ứng được những yêu cầu văn học của chế độ đến
mức nào? Như chúng ta đã biết, Xuân Diệu đã giải thích chi tiết nhiều nội dung
của các yêu cầu đó trong hai bài diễn văn hùng biện. Tuy nhiên, so với Xuân Diệu,
bài luận về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa do một nhà lý luận của đảng
tên là Hồng Chương viết (đăng trên các số tháng Sáu và tháng Bảy năm 1957 của tạp
chí Học Tập) đã đưa ra một cái nhìn chi tiết hơn và có thẩm quyền hơn về vấn
đề này.[3] Tổng kết lại
những ý quan trọng nhất, bài viết của Hồng Chương nêu ra bốn yêu cầu chính đối
với một tác phẩm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Một là, tác phẩm phải “biểu
hiện tính chiến đấu và tính giai cấp của giai cấp công nhân một cách rõ rệt”.
Hai là, phải “biểu lộ tinh thần lạc quan cách mạng của giai cấp đang lên và
lòng tin tưởng sắt đá vào thắng lợi của nhân dân lao động và tương lai xã hội
chủ nghĩa”.[4]
Ba là, tác phẩm “phải miêu tả hiện thực một cách chân thật và cụ thể lịch sử”. Và bốn là, phải “… miêu tả hiện thực trong quá trình phát triển cách mạng của nó”. Khi đáp ứng được bốn yêu cầu trên trong sáng tác, nhà văn không chỉ miêu tả được hiện thực mà còn góp phần cải tạo hiện thực đó.[5] Nhà văn phải miêu tả cuộc sống của “con người mới” trong xã hội mới xã hội chủ nghĩa và hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn.[6]
Ba là, tác phẩm “phải miêu tả hiện thực một cách chân thật và cụ thể lịch sử”. Và bốn là, phải “… miêu tả hiện thực trong quá trình phát triển cách mạng của nó”. Khi đáp ứng được bốn yêu cầu trên trong sáng tác, nhà văn không chỉ miêu tả được hiện thực mà còn góp phần cải tạo hiện thực đó.[5] Nhà văn phải miêu tả cuộc sống của “con người mới” trong xã hội mới xã hội chủ nghĩa và hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn.[6]
Bài thơ “Gió” của Xuân Diệu có một âm hưởng lạc quan và có hướng
đến một cái mới (con “đường mới”). Nhưng bài thơ không xác định giai cấp và
không có một thông tin nào về không-thời gian cụ thể, tức là không có tính “cụ
thể lịch sử”, vì bất kỳ một xã hội nào trên trái đất này, vào bất kỳ thời điểm
nào cũng có thể phấn khởi hồ hởi về một con “đường mới”. Chắc hẳn các lãnh đạo
Đảng Lao động Việt Nam muốn thấy Xuân Diệu viết về “con đường của đảng” hay
“con đường của Bác Hồ” hơn là “đường mới” chung chung – tức là lặp lại động tác
tung hô sự lãnh đạo của họ như nhà thơ đã làm vô tội vạ trong tập Ngôi sao.
Và thiếu sót này của tác giả không lọt qua mắt họ được. Chỉ vài tuần sau, “Gió”
với bước thoái lui khỏi lịch sử cụ thể để co vào không thời gian vô định, đã
đưa một Xuân Diệu đến một cuộc bút chiến lớn hơn về nội dung của báo Văn.
Những người chăm đọc báo Nhân Dân có thể dự đoán
trước được cuộc tranh luận về tờ báo của Hội Nhà văn. Vào tháng Sáu, tờ báo đảng
bắt đầu chạy những bài tả sự kết thúc của chính sách Trăm Hoa ở Trung Quốc và
xu hướng bỏ cuộc ở khối xã hội chủ nghĩa đối với đường lối hóa giải ảnh hưởng của
Stalin. Sự trùng hợp sít sao về thời gian giữa những thay đổi nói trên trong khối
xã hội chủ nghĩa và vụ tranh luận về báo Văn là dấu hiệu cho thấy có
thể sự kiện đó chính là hậu quả của tình hình nói trên. Một đoạn trong nhật ký
của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho thấy, có thể nỗi lo sợ hoang tưởng của Tố Hữu
nói riêng và lãnh đạo đảng nói chung cũng là một yếu tố:
“Th. (Tố Hữu) thì chủ quan. Không chịu đi chơi ai. Khi anh em
bảo nên đi, thì lại nói là không quen! Nghĩa là lãnh đạo chơ vơ mấy anh, sợ
bóng sợ gió, ai cũng cho là Nhân văn, tự mình là bè phái mà luôn luôn cho
người khác là bè phái! Họ hô hào đoàn kết, mà họ có đoàn kết đâu. Chỉ toàn là đối
phó, (…)
Th. được nhà báo Hungarie nói: xem tờ báo Văn, nhà báo ấy
thấy rõ y như ở Hung những ngày trước sự biến tháng 10. Cũng quay về cũ, cũng
bôi đen. Vì thế Th. muốn kiểm điểm tờ tuần báo Văn về tư tưởng Nhân
văn!”[7]
Báo Nhân Dân thường đưa tin về sự thâu tóm quyền lực
của các lãnh đạo trong khối xã hội chủ nghĩa như một cách khẳng định nguyên tắc
cơ bản về “thống nhất trong đảng”[8].
Sau đó không lâu, một bài báo nhan đề “Tuần báo Văn và con người thời
đại” được đăng trên số tháng Bảy của Học Tập. Tác giả bài báo, Thế Toàn
(tên thật là Trịnh Xuân An) phê phán kịch liệt các sáng tác tự do đã xuất hiện
trên báo Văn tính đến thời điểm đó. Theo Thế Toàn, báo Văn “toàn
là những thứ lượm lặt ngoài rìa cuộc sống” đến nỗi “không ăn nhập gì với cuộc sống,
không dính dáng gì đến những con người vĩ đại và dũng cảm của thời đại chúng
ta.” Tiếp theo, ông ta viết, “Tờ báo hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống”
và kết luận rằng tờ báo đã “tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”.
Bên cạnh một số tác phẩm khác, Thế Toàn dẫn ngay bài thơ “Gió” của Xuân Diệu
đăng trên số thứ ba của báo Văn để minh họa ý kiến của mình:[9]
Con người của thời đại chúng ta không phải là con người xa
lánh cuộc sống, ngồi một góc phố nào đó để phân tích một món ăn (“Phở” của Nguyễn
Tuân) phát hiện ra nhiều vấn đề quá “quan trọng” như xương với xẩu, như mũ phở,
v.v… Cũng không phải người ngồi nghe gió ngắm trăng để thích thú riêng mình, rồi
thốt lên:
“Gió gió gió rào rào
Trăng trăng trăng chấp chới…”[10]
Ngay trên các trang báo Học Tập này, tham vọng kiểm
soát đời sống văn hóa ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của lãnh đạo đảng bắt đầu được
bộc lộ rõ rệt, vì lập luận cốt yếu của Thế Toàn trong bài viết là bất cứ tác
phẩm văn học nào không phục vụ đường lối của đảng đều đáng ngờ.[11]
Ban biên tập của báo Văn phản ứng rất nhanh trước
những lời công kích này, cho chạy một loạt bài để bảo vệ uy tín của tờ báo. Được
các nhà văn nổi tiếng như Nguyên Hồng, Nguyễn Văn Bổng, Lê Minh, Tô Hoài, Nguyễn
Tuân và Tế Hanh góp bài vở lên tiếng, các bài bảo vệ tuần báo Văn có
xu hướng coi những lời công kích của Học Tập như những ý kiến đóng
góp xây dựng của “đồng nghiệp” ở một “tờ báo bạn” – khiến phe công kích càng
thêm giận dữ.[12] Trong
số tháng Tám của Học Tập, Hồng Chương và Trịnh Xuân An cộng tác đăng một
bài phản công dữ dội hơn, viện dẫn tới quan điểm siêu bảo thủ về văn nghệ của
Trường Chinh – đương kim Ủy viên Bộ Chính trị. Bài báo lấy giọng mô phạm để rao
giảng về ảnh hưởng của tư tưởng tư sản trong sáng tác văn nghệ:
“Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống những thiên hướng lệch
lạc đi trệch ra ngoài đường lối văn nghệ của Đảng. Chúng ta cũng kiên quyết phản
đối thái độ của một số cán bộ đảng viên phụ trách văn nghệ phạm khuyết điểm sai
lầm được báo chí Đảng giúp đỡ phát hiện khuyết điểm sai lầm mà không chịu khiêm
tốn kiểm điểm và thành tâm sửa chữa, trái lại, lại đả kích và mạt sát báo chí Đảng.
Thái độ đó rõ ràng là không lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mặt
trận văn nghệ”.[13]
Thư ký tòa soạn tuần báo Văn, Nguyên Hồng, phản đối ngay
giọng điệu quá nặng nề của những lời phê bình trên Học Tập. Ông chất vấn
“Có phải vì giáo điều, sơ lược, công thức, nên mới có sự nhận thức và phê phán
như thế? Có phải vì tác phong quan liêu, trịch thượng và cái lối đao to búa lớn
nên mới có sự nhận xét như thế?” Nhà văn Nguyễn Tuân ủng hộ quan điểm của
Nguyên Hồng: “Tôi cũng đồng ý với ông thư ký tòa soạn báo Văn về cái
nhận xét này (rằng ông Hồng Chương và Trịnh Xuân An trịch thượng và đao to búa
lớn. Thêm nữa, cá nhân tôi lại còn cảm thấy mấy ông đó đã làm cho người đọc phải
hiểu rằng các ông đang lấy Đảng ra để “dọa” anh em viết bài báo”.[14]
Bài cuối cùng bênh báo Văn, “Cùng đặt một số vấn đề” do
nhà thơ miền Nam Tế Hanh viết và đăng trong số ngày 1 tháng Mười một năm 1957 của
báo Văn.[15] Cố
gắng giữ vị trí trung gian, Tế Hanh điểm lại những ý chính trong bài phê bình của Học
Tập: báo Văn không lành mạnh, xa rời thực tế và quần chúng, có biểu
hiện của tư tưởng tư sản rõ rệt. Tiếp theo, ông đi sâu phân tích từng nội dung
phê phán nêu trên, nêu các dẫn chứng từ báo Văn để mổ xẻ tính hợp lý
của những lời công kích trên Học Tập.
Tế Hanh tổng kết bài viết với ba luận điểm chính. Một là, cộng
tác viên của Văn phải được phép viết về quá khứ cũng như hiện tại, vì
nhiều sự kiện của quá khứ cũng có tác dụng động viên mọi người tích cực xây dựng
chủ nghĩa xã hội trong hiện tại (Lúc đó, lãnh đạo đảng đang bắt đầu khó chịu vì
quá ít nhà văn chọn đề tài nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hiện tại).[16] Hai là, khái niệm
“con người mới” cần phải được hiểu rộng hơn, bao gồm cả trí thức chứ không chỉ
có nông dân và công nhân. Tế Hanh nhận xét rằng, trên thực tế, một số người xuất
thân từ tầng lớp tư sản có thể có tư tưởng vô sản hơn so với những người thuộc
tầng lớp bị bóc lột. Ba là, các nhà phê bình cần phân biệt giữa nội dung một
tác phẩm văn học với ý kiến cá nhân và phương pháp sáng tác của tác giả, có một
số nhà phê bình cứ thấy viết ở ngôi thứ nhất thì cho là “tiểu tư sản” và “tư sản”.
Theo Tế Hanh, những vấn đề cơ bản của cuộc sống như tình yêu và sự rung động
trước cái đẹp tự nhiên thì không phân biệt biên giới giai cấp và vẫn tồn tại
trong nước Việt Nam mới. Nói cách khác, mô hình đấu tranh giai cấp không thể giải
thích được một số hiện tượng cốt yếu nhất trong cuộc sống. Ông dẫn một khổ thơ
từ bài “Gió” của Xuân Diệu chỉ tả thiên nhiên thuần khiết làm ví dụ: “Tôi cũng
cho là những câu thơ ấy không hại gì cả, mà lợi. Không lẽ chỉ giai cấp bóc lột
mới ngắm trăng? Nhưng thử hỏi những câu thơ ấy thuộc về tư tưởng giai cấp gì?
Tư sản ư? Vô sản ư? Tôi thấy trong văn nghệ vẫn có cái gì chung cho mọi giai cấp.
Cái mà ta gọi là “nhân tính” ấy. Nhân tính khác giai cấp tính. Nhân tính thuộc
về mọi giai cấp như: cái đẹp thiên nhiên, tình yêu trai gái”.[17]
Cũng trong số báo này của Văn, Xuân Diệu đăng một bài
thơ cũng trên trang nhất, ngay bên dưới bài của Tế Hanh. Trớ trêu thay, khi Tế
Hanh đang trích dẫn những câu thơ từ bài “Gió” để vận động cho tự do tư tưởng
trong sáng tác, thì chính nhà thơ lãng mạn lại nghĩ đây là lúc khai quật lại và
đăng một bài thơ cũ ông viết từ hồi tháng Bảy năm 1956, có đầu đề là “Chuyên
chính”:
Chuyên chính
Yên lòng và vững chí!
Ôi êm ái khi tay cầm vũ khí,
Chuyên chính của ta là thép cương kiên
Nhưng cũng là đôi mắt mẹ hiền;
Chuyên chính giữ gìn cho hoa được nở,
Chăn nhân ái của muôn nghìn hơi thở…
Tôi đã từng làm thơ về gió về mây,
Tôi làm thơ về tư tưởng đêm nay;
Những kẻ cười ta làm thơ chính trị,
Nếu hình thức có hơi non một tý,
Họ vui mừng là ô vỗ tay ran:
Mặc những kêu rêu lá rụng, hoa tàn,
Tôi thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính.[18]
Xuân Diệu đã viết bài “Chuyên chính” từ tháng Bảy năm 1956,
khi phong trào giải hoặc Stalin đang bắt đầu mạnh lên ở Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa. Có phải vì thế mà ông quyết định giữ lại không đăng bài thơ vào thời điểm
đó. Nếu “Chuyên chính” thể hiện lòng tin của ông về văn học ở Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, thì sao ông lại không thể hiện và bênh vực cho quan điểm ấy trong thời
kỳ Nhân văn – Giai phẩm? Và vì sao, gần một năm sau đó, ông lại sáng tác bài
thơ “Gió” sau khi đã viết những câu: “Tôi đã từng làm thơ về gió mây/Tôi làm
thơ về tư tưởng đêm nay” trong bài “Chuyên chính” từ tháng Bảy năm 1956?
Một đoạn trong nhật ký của Trần Dần gợi cho ta thấy suy nghĩ
của Xuân Diệu khi Tế Hanh trích dẫn “Gió” để dẫn chứng cho lập luận của ông rằng
thơ hay có thể hấp dẫn mọi tầng lớp, giai cấp:
“Tế Hanh là người mới thò ra cái thuyết có “nhân tính”, bên cạnh
“giai cấp tính”. Ông lấy X[uân]Diệu làm tỉ dụ, để chứng minh cái thuyết nguy hiểm
ấy. Tức là bài “Gió! gió! gió!” của XDiệu. Đại ý ông T[ế]Hanh nói, ví thử bài cậu
làm khá ra, thì mọi giai cấp đều thích, một thằng ăn cắp cũng sẽ đọc, thưởng thức
“gió” ấy.
Tức thì ông XDiệu la ó lên rằng người ta [Tế Hanh] vu oan cho
ông, người ta phủ nhận cái việc ông đã đứng trên lập trường công nhân mà xem
xét vấn đề gió.”[19]
Trong cùng thời gian bài thơ “Chuyên chính” được đăng trên
báo Văn, Xuân Diệu cũng viết hai bài báo khác trong nguyệt báo Tạp
Chí Văn nghệ. Bài đầu tiên – “Thế nào là cái mới?” phê phán ý kiến của Văn Cao,
một thành viên Nhân văn – Giai phẩm, về văn nghệ trong bài luận “Một vài suy
nghĩ về thơ”.[20] Theo
Xuân Diệu, Văn Cao “chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ mới,” thể hiện sự “tự huyễn
diệu của sự kiêu căng cá nhân”. Ông cũng tỏ ra bất bình với ý cảm thông của Văn
Cao đối với “những người biết thất bại mà dám mở đường”. Theo Xuân Diệu, không
nên mở một con đường chông gai chỉ để thỏa mãn “anh hùng chủ nghĩa rẻ tiền”.
Cũng trong tháng Mười một, Xuân Diệu đang một bài báo nữa
trên Tạp Chí Văn nghệ với tiêu đề “Những bước đường tư tưởng của
tôi”.[21] Bài báo có
một phần tự phê bình về quan điểm cũ của tác giả về nghệ thuật và cuộc sống,
quan điểm từ thời ông còn nổi tiếng với Thơ thơ và Gửi hương cho
gió. Đã từng là đối tượng của phong trào chỉnh huấn và tham gia phong trào phê
và tự phê hồi còn ở Việt Bắc, Xuân Diệu nắm rất vững các thông lệ của thể loại
này. Lãnh đạo đảng muốn Xuân Diệu và các nhà văn khác đã thành danh từ thời trước
cách mạng phải giải quyết hai vấn đề cơ bản.[22] Một là, họ cần thú
nhận rằng bản thân rất khó cải hóa vì đã ngập sâu vào “chủ nghĩa bi quan buồn
thảm và mộng mơ” của văn nghệ tư sản từ trước khi tham gia cách mạng. Như cách
Xuân Diệu tả, họ đã “đắm mình trong vầng hào quang hư ảo của chủ nghĩa cá
nhân”; họ đã “đắm mình trong nỗi bất hạnh và không nhìn ra con đường sáng”. Hai
là, lãnh đạo đảng muốn thấy sự thể hiện nồng cháy của lòng biết ơn và tình yêu
đối với đảng. Đối với Xuân Diệu, đó là “nghĩa sâu như bể, tình dài như sông”, một
tình yêu “vàng đá”.[23]
Cũng như đợt tháng Bảy, dường như những đòn tấn công vào
báo Văn vào tháng Mười một cũng là hậu quả của những biến đổi thời sự
trong khối xã hội chủ nghĩa. Lần này, sự kiện gây nhiều ảnh hưởng trong khối là
Hội nghị Quốc tế Mười hai Đảng Cộng sản và Công nhân họp tại Moscow, thường được
coi là mốc kết thúc chính thức của phong trào giải hoặc Stalin. Nội dung tuyên
bố chung trong lễ bế mạc (có sự tham dự của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Mao Trạch
Đông, Kim Nhật Thành và các nguyên thủ khác trong khối xã hội chủ nghĩa) được
đăng trên báo Nhân Dân số ngày 23 tháng Mười một năm 1957, trong đó
khái niệm “chủ nghĩa xét lại” được chính thức đưa ra. Đối với các nhà trí thức
cách mạng, đa số xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản, đó là điềm báo trước một thời
sóng gió sắp đến: “Ảnh hưởng của giai cấp tư sản và thành phần trí thức của
giai cấp đó vẫn còn rõ nét. Vì vậy, giải quyết vấn đề ‘ai thắng ai’ giữa chủ
nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội còn cần thêm thời gian. Sự tồn tại dai dẳng của
ảnh hưởng của tư sản là nguyên nhân bên trong của chủ nghĩa xét lại, biểu hiện
bên ngoài của nó là sự đầu hàng chủ nghĩa đế quốc.”
Theo bài báo, “chủ nghĩa xét lại” được xác định có một phần
hoặc tất cả những yếu tố sau: “Họ chống lại tính tất yếu lịch sử của cách mạng
vô sản và của nền chuyên chính vô sản thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa xã hội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Mác-xít Lê-ni-nít, phủ
nhận những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản, đòi từ bỏ những nguyên tắc
căn bản của Lê-nin về xây dựng Đảng và trước hết là từ bỏ nguyên tắc dân chủ tập
trung, đòi biến Đảng cộng sản từ một tổ chức chiến đấu cách mạng thành một cái
gì giống như kiểu câu lạc bộ bàn cãi”.[24]
Ngay hôm sau, 24 tháng Mười một năm 1957, Nhân Dân mở
màn trận công kích Văn bằng bài báo của Trúc Chi phê bình bài thơ “Lời
mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán.[25] Tiếp
theo là một bài báo dài đăng trên năm số liền, dưới tiêu đề “Nhận rõ bản chất của
báo chí tư sản và báo chí vô sản”.[26]. Hòa nhịp với phong trào
chống “xét lại” chung trong cả khối xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo Đảng Lao động Việt
Nam có vẻ nhận thấy đây là cơ hội có thể ra tay ép các trí thức bướng bỉnh vào
khuôn khổ quyết liệt một lần cho xong. Không giống như đợt mở màn đầu hồi tháng
Bảy, khi trận công kích chỉ giới hạn chủ yếu trên các trang báo Học Tập, lần
này lãnh đạo đảng huy động hỏa lực của tất cả các phương tiện thông tin đại
chúng sẵn có. Chẳng bao lâu sau, những người ủng hộ báo Văn sẽ nhận
ra rằng, báo Nhân Dân, với số lượng phát hành hàng ngày khổng lồ, là cỗ
máy trừng phạt hữu hiệu và đáng sợ hơn rất nhiều so với nguyệt san nặng về lý
luận, tạp chí Học Tập.
Đến tận giữa tháng Chạp, khi các trọng pháo đang được tập kết
vào vị trí để chuẩn bị đánh cho tờ báo Văn ngỗ ngược một trận quyết định,
và sau khi Xuân Diệu đã nhiệt tình chứng minh sự chuyển hóa cách mạng của mình
(đương nhiên không thể thiếu được những lời tự phê phán dòng thơ lãng mạn của
mình) ông vẫn đăng một bài thơ tình, bài “Hỏi” trên tờ báo này của Hội Nhà văn
lúc đó đang là mục tiêu bị đánh:
Hỏi
Một năm, thêm mấy tháng rồi,
Thu đi, đông lại, bồi hồi sắp xuân.
Gặp em, em gặp mấy lần,
Tưởng quen mà lạ, tưởng gần mà xa.
Ai làm cách trở đôi ta,
Vì anh vụng ngượng, hay là vì em?
Trăng còn đợi gió chưa lên,
Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?
Hằng ngày em nói bao lời,
Với cha, với mẹ, với người chung quanh,
Với đường phố, với cây xanh
Sao em chưa nói với anh một lời.
Tương tư ăn phải miếng mồi,
Đứng đi trên lửa, nằm ngồi trong sương.
Phải duyên, phải lửa thì thương,
Để chi đêm thẳm ngày trường, hỡi em![27]
Dù bài “Gió” trước đó từng bị phê là có vấn đề, ít ra tác giả
cũng mượn đề tài thiên nhiên sở trường của mình để bày tỏ một tình cảm chung, một
tinh thần hồ hởi về tương lai. Trái lại, bài thơ đầy chất riêng tư “Gió” không hề
thể hiện một cố gắng nào, dù là bề ngoài, của Xuân Diệu nhằm đáp ứng các yêu cầu
về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa của chế độ. Cách Xuân Diệu tả mối
tình đơn phương trong bài thơ là một bằng chứng nữa cho thấy ông không hề xác định
giai cấp của nhân vật, có thể coi như một sự phụ họa cho lập luận của Tế Hanh rằng
có những tình cảm chung cơ bản của con người – ví dụ như tình yêu – thì ở giai
cấp nào cũng giống nhau. Như vậy, bài thơ “Hỏi” lại không đáp ứng được yêu cầu
về tính cụ thể lịch sử, không xác định rõ ràng không gian hay thời gian. Cũng
như ở bài “Gió”, gần như tất cả các hình ảnh trong bài thơ này đều thuộc về
thiên nhiên (gió, trăng, trời, lửa, ngày, đêm, cây). Không chỉ thiếu tính cụ thể
về không, thời gian và giai cấp, “Hỏi” còn thiếu tính cụ thể về một vấn đề quan
trọng nữa – giới tính. Không giống như đa số thơ tình Việt Nam, bài thơ này của
Xuân Diệu không thể hiện những chi tiết lý tính để có thể xác định chắc chắn giới
tính của nhân vật “em”, mà người đàn ông dẫn chuyện ở ngôi thứ nhất đang tương
tư. Dù bài thơ không có một chi tiết nào gợi cho độc giả suy diễn về một mối
tình đồng tính, cũng không hề có một chi tiết nào loại trừ khả năng nói trên.
Tuy nhiên, một điều lạ là nếu xét theo tiêu chuẩn một tác phẩm văn học cách mạng,
“Hỏi” hiển nhiên quá bất cập, nhưng bài thơ vẫn không bị giới chức văn hóa của
đảng để ý trong khi họ đang săm soi báo Văn.
Nếu vào cuối năm 1957, các cộng tác viên của báo Văn vẫn
có thể còn thắc mắc không biết sự thể sẽ đi về đâu, chắc chắn mọi nỗi phấp phỏng
của họ sẽ “được” giải tỏa khi Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghi
quyết 30 “Về chấn chỉnh công tác văn nghệ” vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm
1958. Nghị quyết kêu gọi hình thành một phong trào đấu tranh để “… quét sạch tư
tưởng Nhân văn là biểu hiện của tư tưởng thù địch về mặt chính trị, đồng
thời cũng là biểu hiện nghiêm trọng của quan điểm văn nghệ tư sản”. Một phần
khác của nghị quyết phân định rõ trắng đen cho các hội viên Hội Nhà văn và tờ
báo tuần của Hội, tờ Văn. “Riêng ở Hội Nhà văn, những cơ quan xung yếu
(tuần báo Văn, ban biên tập, nhà xuất bản, câu lạc bộ, ban nghiên cứu sáng
tác, ban văn học nước ngoài) mặc dù về hình thức do các đồng chí của ta lãnh đạo,
song về thực tế đã bị một số phần tử xấu hoặc lạc hậu lũng đoạn”.[28] Nghị quyết 30 đã
thúc đẩy báo Nhân Dân ra thêm nhiều đòn đánh nhằm vào báo Văn.[29] Hai tuần sau đó,
lãnh đạo đảng ra lệnh đóng cửa tờ báo mới tròn chín tháng tuổi.
Như một tiếng nói yếu ớt cuối cùng của xã hội dân sự nhỏ bé
còn tồn tại ở Hà Nội lúc bấy giờ, trong tư thế đã quy hàng, Xuân Diệu đăng một
bài báo trên số tháng Giêng năm 1958 của Tạp Chí Văn nghệ. Dưới tiêu đề
“Cái mới của văn học chúng ta”, bài báo đề cập đến câu hỏi tại sao đến giờ ở Việt
Nam chưa có tác phẩm văn học cách mạng lớn, dù đã có rất nhiều nhà văn tài năng
tham gia cách mạng từ năm 1945.[30] Theo
Xuân Diệu, lý do là vì “các nhà văn trong thời đại chúng ta chưa trưởng thành,
nên tác phẩm của họ cũng chưa chín”. Ông giải thích rằng các nhà văn cũ chưa
chín vì họ chưa hoàn toàn chuyển hóa bản thân thành nhà văn mới. Nói cách khác,
họ có vấn đề về quan điểm chính trị. Đối với những nhà văn trẻ mới bắt đầu sáng
tác trong cách mạng (và vì thế, quan điểm chính trị của họ tương đối miễn nhiễm
với tư tưởng tư sản và phong kiến), Xuân Diệu cho rằng chất lượng văn học của họ
không cao là vì họ vẫn đang học cách viết. Đó là điều rất khó, nhất là đối với
những nhà văn xuất thân từ các giai cấp xã hội trước đó chưa từng phải viết bao
giờ. Xuân Diệu bổ sung tiếp: “Nhà văn ta có thể đặt vấn đề có tệ quan liêu, chứ
không thể đặt vấn đề chính quyền dân chủ nhân dân có phải là một bộ máy quan
liêu, có thể hỏi là: ‘Đảng làm thế nào lãnh đạo văn nghệ cho tốt?’ chứ không thể
hỏi là: ‘Đảng có thể lãnh đạo văn nghệ được không?’ Nghĩa là nhà văn có thể đặt
những vấn đề ra để cho nhân dân càng tăng cường cảnh giác, càng tự nghiêm khắc
với những tệ lậu còn lại, càng thấy làm cách mạng không phải là đi ngao du,
v.v… chứ không phải là buông thõng ra rất nhiều câu hỏi đặt rất sai để gieo rắc
hoang mang vào quần chúng!” [31]
Chú thích:
[1] Ngoại
lệ duy nhất có lẽ là, theo thông tin chúng tôi đọc được từ bản thảo của cuốn
sách sắp xuất bản do Peter Zinoman viết về nhà văn quá cố Vũ Trọng Phụng,
Nguyên Hồng có đóng góp bài vào số tưởng niệm nhà văn do NXB tư nhân Minh Đức
phát hành. Tất cả những tác giả khác viết bài cho số kỷ niệm Vũ Trọng Phụng này
đều là thành viên chủ chốt của Nhân văn – Giai phẩm.
[2] “Tinh
vi” là từ Nguyễn Chương dùng để tả cách một số cộng tác viên báo Văn lồng
ghép các giá trị “tiểu tư sản” vào trong tờ báo. Xem đánh giá của ông ta về
báo Văn trong bài “Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa chúng
ta”, Học Tập, số 8, tháng 8/1957, 77.
[3] Để
biết ý kiến chính thức của Đảng Lao động Việt Nam về phương pháp hiện thực xã hội
chủ nghĩa được đưa ra trước đó một cách sơ lược, xem báo cáo đọc tại Đại hội
Văn hóa Toàn quốc tháng 7/1948 của Trường Chinh. Bản báo cáo có tiêu đề Chủ
nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam đã được in thành sách ít nhất ba lần.
Trong đó, Trường Chinh giải thích rằng “tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa phải
phản ánh các thực tế khách quan của xã hội. Nhưng trong các thực tế khách quan
đó, phải nêu bật được “cá tính điển hình trong các hoàn cảnh điển hình”
(Engels). Hơn nữa, nó phải làm cho người đọc thấy được nguyên nhân đằng sau sự
phát triển tự nhiên của xã hội, xu hướng tiến hóa tự nhiên của sự vật”. Xem Trường
Chinh, Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (Hà Nội: Dân Tộc
[tháng Tám] 1949), 37. Một bài báo nữa bàn về chính sách văn học của chế độ là
của Phan Nhân, “Bản chất hiện thực của văn nghệ và mấy vấn đề sáng tác của văn
nghệ”, Nhân Dân, số 1079 & 1080, 19 và 20/2/1957.
[4] Hồng
Chương, “Mấy ý kiến về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, Học Tập, số
6, tháng 6/1957, 35.
[5] Sđd.,
số 7, tháng 7/1957, 34. Theo nội dung bài báo, hai yêu cầu cuối là nền tảng cơ
bản của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Độc giả nào muốn tìm hiểu tận
trung tâm vấn đề, xem Hồng Chương phân định rõ những phần nào của hiện thực phải
được miêu tả, và miêu tả như thế nào trong hai trang 39 và 40 của bài.
[6] Sđd.,
35.
[7] Nguyễn
Huy Tưởng, Nhật ký, tập 3, 282.
[8] Xem
“Tiếng nói chính nghĩa: Nhân dân Trung Quốc chống những phần tử phái hữu”, Nhân
Dân, số 2010, 1/7/1957; “Các đảng phái dân chủ Trung Quốc kiên quyết đi theo chủ
nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc”, Nhân Dân, số
212. 3/7/1957. “Hội nghị toàn quốc Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hung-ga-ri
nêu rõ nhiệm vụ: Củng cố chế độ dân chủ nhân dân, kiên trì đấu tranh chống bọn
phản cách mạng”, Nhân Dân, số 1213, 4/7/1956; “Đoàn kết, thống nhất là
sinh mạng của Đảng”, Nhân Dân, số 1214, 5/7/1957.
[9] Theo
Thế Toàn,các tác phẩm có vấn đề được đăng trên báo Văn là “Phở” của
Nguyễn Tuân (số 1&2, 5 và 17/5/1957); “Bích xu ra” của Thụy An (số 2,
17/5/1957); “Gió” của Xuân Diệu (số 3, 24/5/1957); “Nhật ký người mẹ” của Lê
Minh (số 4, 31/5/1957); “Yêu nhau” của Lê Đạt (số 6, 14/6/1957); “Xiếc khỉ” của
Quang Dũng (số 7, 21/6/1957); và “Bóng tối” của Nguyễn Châu Viên (số 8,
28/6/1957).
[10] Thế
Toàn, “Tuần báo Văn và con người thời đại”, Học Tập, số 7, tháng
7/1957, 53-58.
[11] Muốn
biết lời bàn thú vị về hiện tượng này, xem Tô Hoài, Cát bụi chân ai,
87-89.
[12] Xem
Nguyên Hồng, “Tuần báo Văn và một số bài của báo cần được nhận định
như thế nào?”, Văn, số 15, 16/8/1957; Nguyễn Văn Bổng, “Nhận lại phương hướng
qua việc phê bình tuần báo Văn”, Văn, số 20, 20/9/1957; Lê Minh, “Xây
dựng con người thời đại”, Văn, số 21, 27/9/1957; Tô Hoài, “Góp thêm vài ý
kiến về con người thời đại”, Văn, số 22, 4/10/1957; Nguyễn Tuân, “Phê bình
nhất định là khó”, Văn, số 23, 11/10/1957; Tế Hanh, “Cùng đặt một số vấn đề
xung quanh việc phê bình tuần báo Văn”, Văn, số 26, 1/11/1957.
[13] Hồng
Chương và Trịnh Xuân An, “Phải hiểu thấu suốt đường lối văn nghệ của Đảng”, Học
Tập, số 8, tháng 8/1957, 81.
[14] Nguyễn
Tuân, “Phê bình nhất định là khó”.
[15] Tế
Hanh, “Cùng đặt một số vấn đề”.
[16] Xem,
ví dụ như bài của Huy Phương, “Chúng ta sẽ viết những gì?”, Văn, số 19,
13/9/1957. Theo Huy Phương, gần 70 phần trăm các chủ đề được viết liên quan đến
cuộc kháng chiến. Ông viết, “Chỉ một số ít phần trăm các tác phẩm văn học ngày
nay viết về các chủ đề liên quan tới cuộc sống mới hay cuộc sống thường nhật
sau khi hết tiếng súng”.
[17] Tế
Hanh, “Cùng đặt một số vấn đề”.
[18] Xuân
Diệu, “Chuyên chính”, Văn, số 26, 1/11/1957.
[19] Trần
Dần, Ghi: 1954-1960, (Westminster, CA: Literature and Arts Publishing
House, 2001), 209.
[20] Xuân
Diệu, “Thế nào là cái mới”, Tạp Chí Văn nghệ, số 6, tháng 11/1957; Văn
Cao, “Một vài ý nghĩ về thơ”, Tạp Chí Văn nghệ, số 3, tháng 8/1957.
[21] Xuân
Diệu, “Những bước đường tư tưởng của tôi”, Tạp Chí Văn nghệ, số 6, tháng
11/1957.
[22] Xem
số “chỉnh huấn” của Văn nghệ, số 41, tháng 7/1953.
[23] Xuân
Diệu, “Những bước đường tư tưởng của tôi”.
[24] “Bản
tuyên bố của hội nghị các đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội
chủ nghĩa họp tại Mát-scơ-va từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 1957”, Nhân
Dân, số 1354, 23/11/1957.
[26] Canh
Sinh, “Nhận rõ bản chất báo chí tư sản và báo chí vô sản”, Nhân Dân, số
1395-1399, 31/12/1957-4/1/1958. Bài báo thực chất là bản dịch bản tuyên bố
chung của đại diện báo chí các nước trong khối xã hội chủ nghĩa họp tại Berlin
ngày 6-7/12/1957. Một bài phê bình nữa là của Phượng Kim “Về một bức tranh đả
kích”, Nhân Dân, số 1369, 8/12/1957.
[27] Xuân
Diệu “Hỏi”, Văn, số 32, 13/12/1957.
[28] Nguyễn
Duy Trinh, “Nghị quyết của bộ chính trị về việc cần chấn chỉnh công tác văn nghệ,
6/1/1958”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 19:1-10.
[29] Đặng
Phò, “‘Đống Máy’, một truyện ngắn có nhiều lệch lạc”, Nhân Dân, số 1404,
12/1/1958.
[30] Xuân
Diệu, “Cái mới của văn học chúng ta”, Tạp Chí Văn nghệ, số 8, tháng
1/1958.
[31] Sđd.
Từ Văn hồi tưởng về Nhân văn – Giai phẩm
Sự kiện đóng cửa báo Văn vào tháng Giêng dường như
là màn khởi động của đợt tấn công dữ dội, diễn ra từ tháng Hai đến tháng Sáu
năm 1958, nhằm vào những trí thức đã chỉ trích chế độ trên các ấn phẩm tư nhân
trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm. Hơn nữa, dù đã đóng cửa, tờ báo Văn vẫn
tiếp tục bị phê phán, dường như lãnh đạo đảng cố bêu riếu về mối quan hệ tội lỗi
của tờ báo với các ấn phẩm ngang ngược của phong trào Nhân văn – Giai phẩm.[1]. Vì thế, gần ba tháng sau
khi lãnh đạo đảng ra lệnh đóng cửa tờ báo, ba biên tập viên của Văn đột
nhiên đăng bài tự kiểm điểm trên báo Nhân Dân, cơ quan của đảng. Dưới tiêu
đề chung “Các đồng chí ở báo Văn bắt đầu tiến hành tự phê bình”,
báo Nhân Dân đăng liền một loạt bài tự nhận lỗi công khai (vì bị ép
buộc?) của Nguyên Hồng, Tô Hoài và Tế Hanh.[2] Như xát thêm muối vào
chỗ đau, sau khi đăng bài tự phê của nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng
Nguyên Hồng, Nhân Dân chạy ngay một bài có đặt vấn đề chất vấn tính
thành thật của nhà văn này.[3]
Xuân Diệu đóng góp vào đợt đánh Nhân văn – Giai phẩm mới với
bốn bài tiểu luận đăng vào cao điểm của đợt tấn công thứ hai đầy uy lực này nhằm
vào các thành viên phong trào: “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ”,
“Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn”, “Những biến hóa của chủ nghĩa
cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt” và “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”.[4] Nội dung của bốn bài
luận này gợi cho ta thấy vai trò của Xuân Diệu trong đợt tấn công này – dù tự
nguyện hay được trên giao – là khẳng định quan điểm cho rằng lĩnh vực văn
chương là một chiến trường tư tưởng. Ở mặt trận thơ ca, các cứ điểm chính phải
san phẳng là các thành viên chủ chốt của Nhân văn – Giai phẩm: Lê Đạt và Văn
Cao. Một địch thủ nguy hiểm nữa là Nguyễn Tuân, với bài tùy bút phá cách “Phở”
và mối liên hệ với các nhà văn hiện thực phê phán. Xuân Diệu không phải là người
khởi xướng đợt tấn công, nhưng ông giữ vai trò dẫn dắt với nhiệm vụ quy kết và
bôi nhọ thơ của Nhân văn – Giai phẩm là “một luồng thơ chống đảng, chống chế độ”.
Hơn nữa, ông đã đem uy tín khá dày của mình với tư cách là nhà thơ số một của Phong
trào Thơ mới để đóng góp vào chiến dịch tấn công không thương tiếc nhằm vào các
nhà thơ đã đứng lên đòi nới rộng tự do tư tưởng.
Thế nên Xuân Diệu đã nhận xét “cố giật gân người đọc như Trần
Dần, huênh hoang như Lê Đạt, trá hình nhiều cách lập lờ giả trái như Hoàng Cầm”.
Bài báo của Xuân Diệu tấn công Lê Đạt đầy sự mạ lỵ ác ý, thậm chí còn gọi Lê Đạt
là “nhà văn cao bồi”. Trong bầu không khí chính trị đang ngập tràn tinh thần chống
Mỹ ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đây thực sự là cách gọi chụp mũ đầy ác hiểm.
Xuân Diệu viết “Một anh cán bộ văn hóa đã bộc lộ rằng khi anh đọc thơ Lê Đạt
cho một số thanh niên cao bồi ở Hà Nội thì họ mới nghe thoáng qua, chưa cần hiểu
rõ từng câu, họ đã thích ngay. Cái máu cá nhân anh hùng rẻ tiền càn quấy ngổ
ngáo của cao bồi đã gặp Lê Đạt là kẻ phát ngôn của họ”.[5]
Cũng với mạch tư duy này, Xuân Diệu gọi Văn Cao là “đại ca”
ngụy quân tử, “giả dối như một con mèo, kín nhẹm như một bàn tay âm mưu trong
truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt,” “hiểm độc,” “một cái giọng
cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”. Ông chỉ trích “cái duy tâm chủ quan”, “cái
cá nhân chủ nghĩa bế tắc”, “cái tìm tòi lập dị”, “cái khinh thường quần chúng”,
và “một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích” của Văn Cao. Cuối cùng Xuân Diệu cảnh tỉnh
Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình: “Nhà văn trước tiên phải ôm lấy
tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu
chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ ôm lấy tro tàn thuốc
lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại phản động, thì nhất định tiêu
ma sự nghiệp”.[6]
Khoảng cuối tháng Tư năm 1958, khi chiến dịch công kích các
trí thức từng tham gia Nhân văn – Giai phẩm đang đà lên, ngôi nhà nơi Xuân Diệu
ở chung với em gái và Huy Cận sống động hẳn lên nhờ sự có mặt của một thành
viên nữ mới. Cô phóng viên báo Nhân Dân 29 tuổi đời này, tên là Bạch
Diệp đã được ông tổng biên tập của tờ báo, Hoàng Tùng mai mối cho Xuân Diệu từ
cuối năm 1957. Sau khi tìm hiểu Bạch Diệp mới được vài tháng, Xuân Diệu chọn
ngày cưới vào cuối tháng Tư năm 1958. Gần đến ngày đó, cô gái nhiều lần cố nài
Xuân Diệu ký vào giấy đăng ký kết hôn, nhưng ông luôn tìm cớ thoái thác việc
xác nhận pháp lý này. Bạch Diệp cũng phát hiện ra rằng đó không phải là việc
duy nhất mà Xuân Diệu tìm cách tránh né, chỉ một thời gian ngắn sau khi chuyển
đến nhà chồng ở số 24 phố Cột Cờ. Nhiều năm sau, cô còn hồi tưởng lại những
đêm, vào lúc phải làm chuyện vợ chồng, thì Xuân Diệu lại đột nhiên ra bàn làm
việc ngồi và đắm mình vào việc viết lách. Tình trạng khó xử này kéo dài khoảng
vài tháng, rồi cuối cùng Bạch Diệp cũng phải bỏ cuộc và dọn về nhà cũ với bố mẹ.
Vì Xuân Diệu đã thận trọng không ký một giấy tờ pháp lý nào, và hiển nhiên là
không có sự lo âu về sự ra đời của một kết quả bằng xương bằng thịt của cuộc
hôn nhân, việc Bạch Diệp dọn ra khỏi 24 Cột Cờ là một sự kết thúc chóng vánh và
dứt điểm của cuộc hôn nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng của nhà thơ.[7]
Kết luận
Sau đợt công kích Nhân văn – Giai phẩm lần thứ hai, kéo dài từ
tháng Hai đến tháng Sáu năm 1958, lãnh đạo đảng đã cho bắt những thành viên chủ
chốt của phong trào, như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, và Phùng
Cung đi tù vài năm.[8] Ba
người (Trương Tửu, Thụy An và Phan Khôi) bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội Nhà
văn, và hai người khác (Trần Dần và Lê Đạt) bị đình chỉ ba năm. Hoàng Cầm và
Hoàng Tích Linh bị cách chức khỏi ban chấp hành và những trí thức khác có đóng
góp cho các ấn phẩm của phong trào đều bị cảnh cáo. Thoạt nhìn, có vẻ việc trừng
phạt chỉ giới hạn trong việc xét xử tố tụng một số, còn chủ yếu là các biện
pháp kỷ luật nội bộ (như khai trừ, đình chỉ, v.v…) do các cơ quan chủ quản tiến
hành. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại kết hợp những biện pháp
trừng phạt này với hàng loạt biện pháp hành chính bổ sung, thường kéo dài trong
nhiều năm, ví dụ như thuyên chuyển một số thành viên của phong trào ra khỏi thủ
đô Hà Nội, về sinh sống ở vùng nông thôn xa xôi, nơi họ phải làm những công việc
lao động chân tay và chịu sự giám sát liên tục của công an. Lãnh đạo đảng đã
duy trì những biện pháp này, song song với việc hạn chế nhiều quyền dân sự và
xã hội, đối với một số thành viên của phong trào trong gần ba thập niên (từ năm
1958 đến tận giữa thập kỷ 1980). Đối với một số thành viên Nhân văn – Giai phẩm,
họ hàng, thậm chí bạn bè của họ còn bị kỳ thị dưới nhiều hình thức, như gặp trở
ngại khi đi xin việc, đi học trong hàng chục năm.
Dù bị bầm dập, nhưng Xuân Diệu vẫn vượt qua những năm đầy
sóng gió từ 1954-1958 một cách êm thấm, sự nghiệp cách mạng không hề bị sứt mẻ.
Lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam không hề bắt ông phải đăng bản tự kiểm điểm ê
chề như rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp của ông từ những ngày đầu cách mạng
(như Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Tế Hanh, và Tô
Hoài). Và, lẽ đương nhiên, vì ông không dính dáng gì đến phong trào Nhân văn –
Giai phẩm – trên thực tế, lại còn là nạn nhân được ưa chuộng của những bài phê
bình của họ nữa – nên Xuân Diệu tránh được hậu quả của những sự trừng phạt nghiêm
khắc như các thành viên của phong trào phải hứng chịu. Còn về món nợ cũ là những
lời chỉ trích cay nghiệt mà Xuân Diệu đã phải hứng chịu trên báo chí Nhân văn –
Giai phẩm, ông chắc có thể thấy khuây khỏa vì giờ đây sự nghiệp của họ ở Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa coi như trở về con số không tròn trĩnh.
Có điều, cũng giống như những thành viên Nhân văn – Giai phẩm,
Xuân Diệu có động cơ phức tạp, với hàng loạt những suy tư về chính trị, chuyên
môn và cá nhân, đôi khi trái ngược nhau. Rõ ràng là ông bán tin bán nghi với
chính sách văn hóa của chế độ, nhưng ông vẫn nhiệt tình cổ vũ cho nó. Và những
thay đổi đột ngột trong chính sách của đảng, để điều chỉnh cho phù hợp với tình
hình trong khối xã hội chủ nghĩa (ví dụ như phong trào giải hoặc Stalin, phong
trào Trăm Hoa) khiến ông nhiều khi bị lố. Thực ra nhiều trí thức khác cũng bị lố
như Xuân Diệu, ở một thời điểm nào đó trong lịch sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những nghiên cứu gần đây đôi khi cho rằng Xuân Diệu là điển hình của năng lực cải
hóa của cách mạng, với lập luận rằng lòng tin ở chủ nghĩa Mác-Lê là cơ sở của mối
quan hệ giữa Xuân Diệu với Đảng Lao động Việt Nam và là yếu tố quyết định nghệ
thuật cũng như tư tưởng của nhà thơ. Nhưng nếu nghiên cứu các bài viết và hành
động của ông trong giai đoạn 1954-1958 một cách tỉnh táo, ta lại thấy hình như
không phải vậy. Nhìn lại giai đoạn này, có ba yếu tố chính giúp giải thích quan
hệ giữa Xuân Diệu và chế độ cách mạng.
Trước hết, uy tín và năng lực văn chương của ông khiến ông trở
thành một nhân vật rất có giá trong con mắt của lãnh đạo Đảng Lao động Việt
Nam. Trong lĩnh vực văn hóa, hiển nhiên là Xuân Diệu được đông đảo người dân Việt
Nam, miền Bắc cũng như miền Nam, đánh giá là nhà thơ lớn. Nhà lý thuyết văn hóa
hàng đầu của Đảng Lao động Việt Nam, Trường Chinh hẳn luôn tin rằng kiến thức của
mình về chủ nghĩa Mác-Lê là cơ sở cho chỗ đứng quyền lực của mình trong lĩnh vực
văn hóa, nhưng thực ra quyền lực của ông ta luôn xuất phát từ vị trí chính trị.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ít người để ý đến Trường Chinh nói gì về
văn học nghệ thuật, ngoại trừ những thành viên của phong trào cộng sản. Thơ của
Tố Hữu cũng có số phận tương tự. Vì các sáng tác của ông ta luôn được lãnh đạo
đảng tung hô nhằm mục đích tuyên truyền, ông ta không bao giờ biết được liệu
thơ mình có cạnh tranh được với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nguyễn
Bính và nhiều ngôi sao khác của Phong trào Thơ mới từ thời trước cách mạng hay
không. Trong năm tuần đầu của cuộc tranh luận về Việt Bắc, Xuân Diệu đã vô
tình cho in cả hai loại bài phê bình chê và khen tập thơ khiến Tố Hữu có một ấn
tượng thoáng qua về việc thơ của ông ta sẽ đứng ở đâu trong một thế giới không
có đảng đỡ đầu. Và ông ta thấy bức tranh đó không mấy sáng sủa. Có lẽ những nhận
xét vô tư trong năm tuần đó, cộng với những lời phê tiêu cực hơn trong phong
trào Nhân văn – Giai phẩm về khả năng làm thơ và lãnh đạo của mình đã ám ảnh Tố
Hữu, một người vốn luôn thấy bất an, trong suốt phần còn lại của cuộc đời ông
ta (điều này giúp giải thích vì sao ông ta trù dập những thành viên Nhân văn –
Giai phẩm một cách nghiệt ngã và hiểm ác đến vậy).[9] Do luôn bị ám ảnh về
tính chính đáng, lãnh đạo đảng đánh giá cao nhất ở Xuân Diệu là những lời khẳng
định công khai về năng lực lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực văn hóa. Như chúng
tôi đã cố gắng trình bày trong bài viết này, Xuân Diệu sẵn sàng viết bất cứ điều
gì, hoặc lên án bất cứ ai (ngay cả chính bản thân) để ủng hộ đường lối văn hóa
của đảng.
Hai là, không thể nghiên cứu về sự nghiệp cách mạng của ông
mà không xem xét đến bản chất luyến ái đồng tính của Xuân Diệu. Theo hồi ký của
Tô Hoài, nhà thơ của chúng ta đã bị đấu rất dữ vì tính lang chạ trong hai đêm
chỉnh huấn hồi năm 1952. Cũng như tất cả những tội lỗi khác được đem ra mổ xẻ
trong phong trào chỉnh huấn, bản tính luyến ái đồng tính của Xuân Diệu được quy
kết nguyên nhân ở bản chất giai cấp (“tư tưởng tư sản xấu xa” của ông). Thế mà,
dù đã phải chịu sức ép hết sức căng thẳng đến nỗi phải công nhận lối giải thích
trên, Xuân Diệu vẫn tỏ ra không hề thay đổi quan điểm riêng rằng giai cấp là một
chuyện, còn xu hướng luyến ái là chuyện khác. Dù được giáo hóa với chủ nghĩa
Mác-Lê đến độ nào đi nữa, Xuân Diệu cũng không thể cải hóa thành một “con người
mới xã hội chủ nghĩa” có đời sống luyến ái khác giới được.
Một điều mỉa mai là, khi quy kết bản chất luyến ái đồng giới
về vấn đề giai cấp, lãnh đạo đảng (chắc có cả Tố Hữu, người phụ trách phong
trào chỉnh huấn) đã thể hiện cho Xuân Diệu thấy rằng chủ nghĩa Mác-Lê và cách mạng
về cơ bản không giải quyết vấn đề kỳ thị xu hướng luyến ái đồng tính, có lẽ là
mối băn khoăn lớn nhất trong đời của Xuân Diệu. Đảng Lao động Việt Nam chỉ đơn
thuần dùng chủ nghĩa Mác-Lê để biện hộ cho định kiến xưa cũ về vấn đề này. Ngay
cả những trí thức có tư tưởng cải cách của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, với
những khẩu hiệu hành động đầy tính nhân văn, cũng khoái trá khai thác mối quan
hệ đặc biệt của Xuân Diệu với Huy Cận trong khi công kích giới lãnh đạo văn
hóa. Xét trong bối cảnh này, chúng ta không thể không thắc mắc liệu có phải
Xuân Diệu viết bài về “nhà thơ của nhân dân” Walt Whitman phần nào với động cơ
muốn phủ định sự liên hệ giữa giai cấp với bản chất luyến ái đồng tính. Khả
năng đó giúp giải thích sự chuyển hướng đột ngột trong phần cuối của bài viết,
sau khi đã khai thác triệt để mọi thông tin để tạo căn cước vô sản cho Whitman,
Xuân Diệu xoay sang trích dẫn một đoạn rất tình cảm và riêng tư trong bài thơ
“Chia tay”, bài cuối cùng của tập Lá Cỏ.
Về mối quan hệ giữa nhà thơ và đảng, có thể bản chất luyến ái
đồng tính luôn là mạch ngầm của mối lo tiềm ẩn ở Xuân Diệu và góp phần tạo nên
nhu cầu thường trực là phải lấy lòng lãnh đạo đảng. Cảm giác bất an về vấn đề
luyến ái đồng tính chắc đã ám ảnh ông nhiều trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm,
khi đột nhiên một luồng báo chí tự do nở rộ, vừa có thái độ đối nghịch với Xuân
Diệu, vừa nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Có hai bài báo trong thời kỳ này cạnh
khóe rất lộ liễu về bản chất luyến ái của Xuân Diệu, nhưng chưa đi xa đến mức
phát biểu thẳng rằng Xuân Diệu là người đồng tính. Sự thận trọng cao độ của
Xuân Diệu trong thời kỳ này có thể có một phần nguyên nhân từ nỗi lo sợ rằng bất
kỳ một hành động phản ứng nào của ông cũng có nguy cơ kích động các thành viên
Nhân văn – Giai phẩm, khiến họ có thể đánh trực diện vào bản chất đồng tính của
ông, thậm chí lôi ra làm đề tài đàm tiếu công khai. Đây chắc là cơn ác mộng khủng
khiếp nhất của Xuân Diệu, vì không có dấu hiệu gì đảm bảo rằng, xét theo những
quan niệm xã hội bảo thủ của họ, chế độ sẽ đứng về phía ông trong tình huống
này. Cũng chính nỗi sợ bị chê cười là người đồng tính cũng có thể đã góp phần
khiến Xuân Diệu quyết định tìm hiểu và cưới Bạch Diệp vào năm 1958. Hành động
khăng khăng từ chối ký giấy tờ hôn thú và thái độ “thụ thụ bất thân” phản lãng
mạn không kém đối với chuyện chăn gối trong thời gian chung sống khiến người ta
có thể đặt câu hỏi liệu Xuân Diệu có bao giờ có ý định nghiêm túc với Bạch Diệp
không?[10]
Yếu tố thứ ba ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng của Xuân Diệu
là ông luôn là người không có lý tưởng. Nghiên cứu kỹ các tài liệu giai đoạn
1954-1958 sẽ thấy rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng Xuân Diệu không hề tha thiết
với tư tưởng chính thống của chế độ hay bất kỳ một tư tưởng nào khác. Chúng ta
thấy điều này rõ nhất trong cách hành xử bất nhất đến bất bình thường của ông.
Sau khi bị nhắc rằng phương pháp điều hành cuộc tranh luận về Việt Bắc lúc
ban đầu (như một cuộc tranh luận thực sự) là không thể chấp nhận được, Xuân Diệu
không hề thấy cắn rứt khi ngay lập tức đổi hướng và biến cuộc tranh luận thành
một trò quảng cáo tập thể cho Tố Hữu. Như để chứng tỏ rằng mình đã học được bài
học về tự do trao đổi ý kiến ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một tinh thần trao đổi
mà ông đã khuyến khích trong những tuần đầu của cuộc tranh luận về Việt Bắc,
ông lại biện minh giúp chế độ về tính chính đáng của quyết định tịch thu tập Giai
Phẩm Mùa Xuân 1956 vào tháng Hai năm 1957 bằng việc dịch bài diễn văn của
nhà lãnh đạo văn hóa Liên Xô Nikolai Fadeyev. Tính bất nhất cũng được thể hiện
trong sự khác biệt giữa một đằng là tuyên bố khẳng định như đinh đóng cột về
quan điểm chính thống của đảng, và một đằng là thái độ nín thở chờ thời trước
những xáo trộn trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm. Trong suốt năm tháng liền, từ
ngày 17 tháng Năm đến tận ngày mồng 9 tháng Mười một năm 1956, một trong những
nhà văn bút chiến lão luyện nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa im hơi lặng tiếng
trước mọi vấn đề thú vị đang được bàn cãi sôi nổi trên báo chí. Ngoài ra, những
nỗ lực hậu trường của Xuân Diệu nhằm dùng ảnh hưởng cá nhân trong đảng để vận động
cho tác phẩm của mình – tập thơ cách mạng Ngôi Sao không thể
coi là hành động của một người “đã trút bỏ gánh nặng của chủ nghĩa cá nhân”.
Cũng tương tự như vậy là nỗ lực tái bản tập Thơ Thơcủa ông vào đầu năm
1957 với mục đích cải thiện thu nhập, dù trước đó ông đã nhiều lần tự chỉ trích
nặng nề những sáng tác cũ của mình.[11]
Xuân Diệu là một trong những người chủ chốt trong công tác cổ
động cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng việc tuân thủ của
bản thân ông đối với những nguyên tắc ông đang tham gia truyền bá thì rất thất
thường – theo cách nói nhẹ nhất. Xem xét những bài ông đóng góp cho báo Văn trong
năm 1957 sẽ thấy Xuân Diệu dao động liên tục giữa hai thể loại. Ban đầu là bài
thơ vô hại, có tính tập thể “Gió”. Khi bị phê phán là dị mọ với “toàn là những
thứ lượm lặt ngoài rìa cuộc sống”, “xa rời thực tế”, xa rời quần chúng – những
người anh hùng của thời đại, Xuân Diệu đáp lại bằng bài “Chuyên chính”. Bài thơ
thể hiện tình yêu với đảng này xuất hiện gần như đồng thời với bài luận “Những
bước đường tư tưởng của tôi” của Xuân Diệu được đăng trên Tạp Chí Văn nghệ.
“Những bước đường tư tưởng của tôi” hết lời ăn năn và lên án “tính cá nhân”,
“tính bi quan” trong thơ lãng mạn của mình. Nhưng, đáng ngạc nhiên là chỉ một
tháng sau khi tự lên án mình và đấu tố nhà văn, nhạc sĩ Văn Cao vì biểu hiện
“cá nhân chủ nghĩa bế tắc”, Xuân Diệu lại sáng tác bài thơ tình “Hỏi”.
Chính vì không có lý tưởng nên Xuân Diệu không bị cuốn hút
vào chương trình nhân văn của Nhân văn – Giai phẩm hay báo Văn. Chính vì
lòng trung thành với đảng của Xuân Diệu không bắt nguồn từ sự dấn thân trong
sáng theo tư tưởng Mác-Lê, ông hình như không trăn trở với những câu hỏi liệu
chế độ có thực hiện đúng những điều mà lý tưởng đã hứa hẹn hay không, hay liệu
có thể cải tổ được chế độ không. Xét theo khía cạnh khác, mọi người có thể suy
luận rằng sự thờ ơ với phong trào Nhân văn – Giai phẩm là kết quả của lòng tin
thực sự vào đường lối của đảng trong suốt một thập kỷ đi theo cách mạng. Tuy
nhiên, sự thực là ông không hề viết một bài nào bênh vực cho đường lối ấy trước
những đòn công kích của các thành viên phong trào Nhân văn – Giai phẩm trong suốt
sáu tháng cuối năm 1956 là biểu hiện chứng tỏ rằng lý tưởng, có chăng, chỉ đóng
vai trò rất nhỏ bé trong các tính toán chính trị của ông. Thực ra, không có gì
lạ khi thái độ mập mờ và lưỡng lự của lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam trong nửa
cuối của năm 1956 đã làm Xuân Diệu tịt ngòi suốt năm tháng. Ông không hề có ý
tưởng riêng về chủ nghĩa Mác-Lê.
Rồi sang năm 1957, khi báo Văn bị đánh, ông không hề
tìm cách bênh vực cho tờ báo như những nhà văn cách mạng lớn tuổi Nguyên Hồng,
Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Tế Hanh đã làm. Câu trả lời của Xuân Diệu là bài thơ
“Chuyên chính”. Như một đoạn nhật ký của Trần Dần đã ghi, Xuân Diệu nổi cáu khi
Tế Hanh cố bênh vực bài thơ “Gió” trước những lời phê bình của tạp chí lý luận
của đảng, tờ Học Tập (chắc Xuân Diệu sợ bị lôi cuốn vào một nhóm dám
phản ứng lại lãnh đạo đảng). Ông cũng chưa bao giờ đăng một bài viết nào bày tỏ
sự bất bình trước cảnh bạo lực của chiến dịch cải cách ruộng đất – dù điều đó
là một mối quan tâm trọng yếu của các thành viên Nhân văn – Giai phẩm.
Như ta đã thấy trong các đoạn văn, bài văn đánh Nhân văn –
Giai phẩm, nhà thơ đấu thẳng tay các thành viên của phong trào khi được yêu cầu.
Một lần nữa, khả dĩ có cách giải thích khác rằng có thể sự thẳng tay của những
đòn Xuân Diệu hạ thủ nhằm vào Nhân văn – Giai phẩm có nguyên nhân là sự gắn bó
với đảng thông qua tư tưởng Mác-Lê, nhưng lập luận này không có cơ sở. Cách giải
thích hợp lý hơn là Xuân Diệu hiểu được quyền uy tối cao của Đảng Lao động Việt
Nam và sự thực là một trí thức làm phật ý lãnh đạo đảng không có chỗ đứng, thậm
chí không thể tồn tại trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã được cấp cho một
căn biệt thự Pháp và được tạo điều kiện chung sống với Huy Cận, Xuân Diệu hiểu
rằng chống lại lãnh đạo đảng thì sẽ bị mất rất nhiều thứ. Một lý do nữa không
thể loại trừ để giải thích những đòn đánh ác nghiệt, quá tay của Xuân Diệu dành
cho Nhân văn – Giai phẩm là động cơ trả thù. Trong các ấn phẩm đầy tính kích động
của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, nhà thơ lãng mạn vĩ đại Xuân Diệu bị đem
ra bêu diếu, phơi bày các bằng chứng cho rằng ông là một kẻ giả nhân giả nghĩa.
Điều này chắc đã làm Xuân Diệu nhức nhối, vì đối với ông, giá trị đặc biệt của
mình đối với chế độ là uy tín.
Giai đoạn từ 1954 đến 1958 có vai trò đối với Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa tương tự như phong trào Trăm Hoa đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Khi để cho tự do báo chí tái xuất hiện trong không khí phong trào hóa giải ảnh
hưởng của Stalin, lãnh đạo đảng đã nhận diện được những ai trong giới trí thức
bất mãn có gan thách thức quyền uy của đảng và yêu cầu cải tổ. Nói cách khác, họ
nhận biết được những ai có khả năng tự phát làm lãnh đạo trong giới trí thức.
Tuy nhiên, thông tin này không phải là ý định ban đầu của chủ trương mềm dẻo mà
Đảng Lao động Việt Nam quyết định áp dụng với những thành viên bất mãn của giới
trí thức trong năm 1956 (như đôi khi các nhà nghiên cứu đã kết luận tương tự về
Mao Trạch Đông đối với phong trào Trăm Hoa). Ở Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam
chỉ muốn thể hiện sự đồng điệu với những diễn biến tư tưởng ở Liên Xô và Trung
Quốc mà thôi. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cũng như nhau. Những ai thò đầu ra
kêu gào cải tổ trong giai đoạn cuối năm 1956 cũng bị thanh trừng khỏi giới trí
thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là dấu chấm hết cho mối lo về phản ứng của
giới trí thức đối với chế độ trong suốt ba thập kỷ tiếp theo.
Đối với những quan chức văn hóa cốt cán như Xuân Diệu, Huy Cận,
Tố Hữu, Hoài Thanh, và Nguyễn Đình Thi, quyết định của đảng cho báo chí tư nhân
tự do tái xuất trong thời gian từ tháng Tám đến tháng Chạp năm 1956 là một trải
nghiệm nhức nhối. Họ được biết qua phong trào Nhân văn – Giai phẩm rằng phần lớn
trong giới trí thức coi họ là những kẻ tham nhũng, kiêu ngạo và bất tài. Đối với
lãnh đạo đảng, họ được một bài học rằng kiểm soát giới trí thức không có sự trợ
giúp của những quan chức văn hóa cốt cán đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chế độ
đã phải trả giá khi đem những người này ra làm mồi cho đội ngũ trí thức trong
phong trào hóa giải ảnh hưởng Stalin. Rốt cuộc, phong trào Nhân văn – Giai phẩm
giúp lãnh đạo đảng và những quan chức văn hóa này hiểu ra rằng họ cần nhau đến
mức nào. Sự hợp tác trên cơ sở cùng có lợi này hiện vẫn còn là động lực cơ bản
của đời sống trí thức ở Việt Nam.
Chú thích:
Chú thích:
[1] Như
Phong, “Góp ý kiến với các đồng chí có trách nhiệm ở báo Văn”, Nhân
Dân, số 1432-1435, 9-12/2/1958.
[2] Nguyên
Hồng, “Những khuyết điểm và sai lệch của tôi trong công tác tuần báo Văn”, Nhân
Dân, số 1451, 3/3/1958; Tế Hanh, “Quan niệm siêu giai cấp của tôi về nhân tính
và con người mới”, Nhân Dân, số 1463, 14/3/1958.
[3] N.D.,
“Để chuẩn bị một thời kỳ văn học, nghệ thuật phát triển tốt tươi hơn nữa”, Nhân
Dân, số 1456, 9/3/1958.
[4] Xuân
Diệu, “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ”, Tạp Chí Văn nghệ, số
10, tháng 3/1958; “Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn” trong Những
bước đường tư tưởng của tôi (Hà Nội: Văn hóa, 1959), 145-146; “Những biến
hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt”, Tạp Chí Văn nghệ, số 13,
tháng 6/1958; Xuân Diệu, “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”, Tạp Chí
Văn nghệ, số 14, tháng 7/1958.
[5] Xuân
Diệu, “Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt”.
[6] Xuân
Diệu, “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”.
[7] Lã
Xưa, “Giải Mã Nghi Án Giới Tính của ‘Ông Hoàng Thơ Tình’ Xuân Diệu”, Đời Sống
và Pháp Luật.http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=2&ID=3833 Truy
cập ngày 5/5/2010.
[8] Một
vài nguồn tin gợi ý rằng họ bị đi tù vì một chuyện không liên quan đến Nhân văn
– Giai phẩm. Tuy nhiên, vì hồ sơ tư pháp và công an liên quan đến vụ này chưa
bao giờ được công bố, nên giả thuyết này không được kiểm chứng.
[9] Để
có ý tưởng về tính ác hiểm, xem “Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá
hoại: Nhân Văn-Giai Phẩm” của Tố Hữu, do chính Tố Hữu sưu tầm và in thành
sách Bọn Nhân văn-Giai Phẩm trước tòa án dư luận (Hà Nội: Sự Thật,
1959), 22-36.
[10] Bạch
Diệp sau này tái hôn và trở thành một trong những nữ đạo diễn điện ảnh nổi tiếng
nhất Việt Nam.
[11] Nguyễn
Huy Tưởng, Nhật ký tập 3: Nghệ sĩ và công dân (Hà Nội: Thanh niên,
2006), 282 (xem chú thích số 83).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét