Hương chanh
Sau Tết, thay vì về Phan Thiết thăm nhà, Hải quyết định
trở vào Sài Gòn thăm Trí và gia đình Trí, nơi Hải ở trọ hồi còn mài gót giày ở
trường Đại Học Khoa học. Nhà có hai anh em trai, anh Trân có vợ ra riêng. Thêm
Hải, như dọn thêm một chén cơm, kê thêm cái gường sắt. Hải ở nhà Trí gần hai
năm, chia căn gác rộng, chia bàn học với Trí, chia những nỗi buồn trống không
và được gia đình Trí coi như con. Sau hai năm ở trường Đại Học Khoa Học, Hải thấy
mình thừa thãi trong thành phố ăn chơi, thành phố hờ hững với chiến tranh, thờ
ơ với nỗi bất hạnh của biết bao người giữa bom đạn.
Thao thức với cái học vô vọng trong an nhàn vô hướng của mình
cũng như đa số sinh viên cùng thời, muốn tự dấn thân tìm một đường sống thiết
thực, Hải ghi tên vô trường bộ binh Thủ Đức. Từ đấy, bắt đầu cuộc sống nay Long
Khánh, Rừng Lá, Tánh Linh, Đồng Xoài… gian nan, nhưng đầy tình đồng đội, chia sẻ
được phần nào hướng sống dấn thân ”Nợ tang bồng vay trả trả vay - Chí làm trai
nam bắc đông tây” của Nguyễn Công Trứ với bạn bè. Càng sống thực sự trong cuộc
chiến ý thức hệ này, Hải càng tin tưởng vào sự lựa chọn không đắn đo cho đời
mình.
Nắng xuân dìu dịu, Sài Gòn vừa tỉnh giấc ngủ trưa, chiếc xe
jeep chạy rề rề cho Hải nhảy xuống lề đường. Vai đeo túi vải xanh lá cây đậm, Hải lững
thững đi, ngắm nhìn Sài Gòn sau hơn một năm chưa trở lại. Cảnh vật không có gì
thay đổi mấy, tiếp tục thờ ơ ngái ngủ trong lòng chiến tranh. Đường Phan Thanh
Giản một chiều, Hải chỉ nhìn chừng bên phía trái rồi băng qua để ra đường Trần
Quốc Toản, đến trường Quốc Gia Hành Chánh tìm Trí đang học ở đó.
Một chiếc xe PC từ con hẻm lớn phóng ngược chiều để băng qua
hẻm bên kia. Chủ nhân chiếc PC coi bộ rất cấp thiết nên không cần ngó phải liếc
trái và dỉ nhiên bóng Hải cũng không nằm trong võng mô của người lái. Hải chợm
chân thụt lùi. Quá trễ! Bi đong xe PC chạm vào cánh tay Hải. Những căn nhà cao
tầng phía bên kia đường ngã nghiêng 45 độ. Một người đàn ông nửa nằm nửa ngồi với
tư thế ngược về phía sau vì hai tay chống xuống mặt đường nhựa đen. Một chiếc
PC nằm bất lực không xa lề đường mấy. Một cô gái nằm trên đường nhựa trong tư
thế bốn điểm tựa.
Hải tức giận, lồm cồm tìm thế đứng lên, nhìn quanh tìm
thằng nhóc du côn chạy xe ẩu để mắng. Mặc dù chưa kịp đứng thẳng người vì phải
vừa xoa vừa phủi hai đầu gối, chủ nhân chiếc PC không quên quay 90 độ, gương mặt
không cần che dấu sự giận dữ về phía Hải, chiếu cho Hải một cái nhìn dao phay,
giọng bực tức:
– Qua đường mà không ngó trước ngó sau gì hết vậy, lần sau gặp
xe nhà binh cán cho ngủm luôn.
– Ơ!
Bị hất té, bị mắng xối xả, định gầm lại với cô gái du côn chạy
xe ẩu rồi đổi thừa cho mình, nhưng khi thấy cô gái loay hoay dựng chiếc xe PC
lên, miệng lẩm bẩm: “Đúng là lính rừng về phố.” Hải bật cười. Cô gái quay phắt
lại:
– Vui lắm sao mà cười?
Chừng như hối hận vì cách lối mắng mỏ du côn của mình, cô gái
dịu giọng, hỏi:
– Ông có bị sao không? Đường là đường một chiều nhưng cũng phải
ngó trước ngó sau mà băng qua. Sài Gòn chứ đâu phải rừng núi đâu mà muốn đi
ngang đi dọc thì đi, không sợ xe cộ gì hết.
Hải dơ hai tay lên trời, giả bộ than:
– Tung tui té, rồi còn mắng, còn dạy đời, dạy khôn. Còn gì để
mắng nữa không thì mắng luôn đi. Còn gì để dạy nữa không thì nói luôn một lần
đi.
– Ông không bị chảy máu chỗ nào hết. Còn tui, chảy máu ở tay
nè, chảy máu ở đầu gối nè, rồi không biết cái xe ra sao đây. Tại ông qua đường ẩu.
Chẳng lẽ đưa cái mông chắc bầm tím cho cô gái coi, và lối lý
luận: ”trong một cuộc đụng xe, bên nào không bị gì cả bên ngoài, là bên đó
có lỗi”, làm Hải lắc đầu chịu thua. Chịu thua nhưng sao đôi giày bố đen đầy
đất bụi cứ dính chặt mặt đường mà không bỏ đi hướng khác. Cô gái đi hơi cà nhắc,
dắt xe qua bên kia đường, Hải như bị nam châm hút, lững thững theo sau. Cô gái
dựng xe, kéo cái e, nhổng người định đạp cho xe nổ máy. Nhưng cái bê-đan bên phải
vênh lên cao, bình xăng thì nhỏ giọt càng lúc càng nhanh.
Không biết do đâu xui khiến, Hải đề nghị:
– Tiệm sửa xe đằng kia, cô đem xe lại cho người ta sửa.
– Không.
Không ngó Hải, cô gái trả lời cộc lốc, cương quyết dắt xe tiếp
tục vô con hẻm rộng. Chân hơi cà nhắc, vai mang cái túi da nâu nặng hơi ươn ướt,
cô gái lì lợm đi. Lực từ trường chớp mạnh, Hải chùng lòng, đi nhanh theo, giọng
hơi năn nỉ:
– Cô đem xe vô tiệm cho người ta sửa rồi về, nhà gần đây
không?
– …
– Ở đâu lận?
– Trần Quốc Toản
– Tôi cũng định ra Trần Quốc Toản đây. Xa quá mà! Sao đi đường
này?
– Đem xe đi sửa, tôi ngồi chờ với cô.
– ….
– À há!
– Gì?
– Không có tiền phải không?
Im lặng.
– Tui có tiền.
– Ai thèm tiền ông.
– Tui cho mượn, mai mốt tui lại nhà đòi.
– Ai cho ông lại nhà?
– Không cho lại nhà thì lại trường, học ở đâu về vậy?
– Không học đâu hết, người ta đi bơi về, không thấy cái túi ướt
nhèm này sao?
Hải nhìn kỹ cô gái. Hèn gì tóc tai không mấy gọn gàng, hơi rối
thì đúng hơn, trông còn âm ẩm. Quần pat nhung nâu đậm chật cứng, áo thun trắng
dài ôm chặt người, phủ hết mông, trên ngực áo có thêu chữ Dream uyển nhuyển màu
nâu. Đôi giày sandal thấp đế da nâu. Vai đeo cái xách da nâu to, màu da nâu chỗ
đậm chỗ lợt vì mớ quần áo ướt trong giỏ. Dáng người dong dỏng cao, vai ngang, ốm
nhưng trông khỏe mạnh. Gương mặt nâu hồng rám nắng lém lỉnh, cái mũi hinh hỉnh,
đôi mắt nâu dài long lanh nhìn thẳng mặt người đối diện không chút rụt rè. Ở cô
gái, nét trong sáng tự nhiên của tuổi trẻ Sài Gòn hiện rõ trong cách ăn mặc thời
trang nhưng giản dị, nét vô tư yêu đời hiện trong đôi mắt nâu trong, sự chân thật
hiện ở gương mặt không chút son phấn và ánh mắt nhìn trực thẳng không e dè như
của nhiều cô gái khi nói chuyện với người đàn ông lạ. Cô gái không có dáng dấp
nữ sinh yểu điệu nhu mì mà mấy anh lính rừng như Hải và những người bạn cùng
đơn vị thường ao ước được tôn làm thần tượng. Cô gái cũng không có cái dáng dấp
hippie thời thượng, ăn mặc diêm dúa, bất cần đời mà nhiều cô thiếu tự tin thường
tự tạo cho mình. Nữ sinh không ra nữ sinh, sinh viên không ra sinh viên. Nhưng ở
cô gái có cái gì đó khiến Hải cảm thấy ấm lòng, thích chiều chuộng.
Không quan tâm đến lối ăn nói trống không của cô gái, Hải nhẹ
giọng:
– Thôi đem xe lại tiệm sửa, rồi vô quán chè bên cạnh ngồi chờ.
Anh đi mua bánh mì về ăn, tui đói quá, mà cô đi bơi về cũng đói lắm phải không.
Một ổ bánh mì lớn, bốn viên xíu mại, có đủ đồ chua, hành ngò rau thơm, thêm vài
lát ớt không?
Cô gái bật cười lớn, giọng cười khanh khách, miệng cười không
che dấu, hàm răng trắng đều, mắt long lanh cười, cánh mũi hinh hỉnh cũng lay
lay cười, gương mặt rực sáng trong nắng xuân chiều Sài Gòn, gật đầu không ngần
ngại, và quên mắng cái ông lính rừng bỗng dưng ”dám cả gan” xưng anh với mình.
Và Hải, Hải biết từ đấy Hải đã gắn bó yếu lòng với đôi mắt nâu dài long lanh
sáng, với nụ cười hết lòng, với cái trẻ con trong cô bé láu lỉnh này.
Đến khi nghe Kim bảo Hải sáng mai lại trường Sư Phạm ở góc đường
Thành Thái và Cộng Hòa để Kim trả tiền sửa xe, Hải cười to, giọng cười nửa ngạc
nhiên, nửa trêu chọc, ánh mắt nheo nheo tinh nghịch.
– Sao anh Hải cười?
– Kim học Sư phạm?
– Dạ.
– Năm thứ mấy?
– Hè sang năm ra trường.
– Rồi Kim sẽ làm cô giáo?
– Thì có sao không?
– Kim sẽ làm cô giáo?
– Bộ đó là chuyện lạ bốn phương sao?
– Không, niềm vui của anh.
– Niềm vui gì? Bộ anh Hải cùng phe với ba Kim hả?
– Phe gì?
– Phe độc tài, chuyên chế, phe trọng nam khinh nữ. Ba độc tài
độc đoán, tuyên bố thẳng thừng: “Con Kim, con gái mà du côn, bạn bè tứ chiếng,
cho nó học Sư Phạm coi có hiền ra chút nào không. Không học toán, không học Phú
Thọ gì hết, con gái mà học mấy ngành khô khan đó, ế chồng.” Ba ém tài. Năm nào
Kim cũng lãnh phần thưởng, tụi con trai ban B mà còn khớp Kim. Kim muốn học ban
toán bên Khoa Học nhưng ba ém tài.
Hải khoái chí, đổ dầu thêm vô lửa:
Anh chịu ba Kim quá! Ông nói đúng quá!
– Đúng cái gì? Kim tức. Kim nhịn ăn. Kim năn nỉ má cho Kim
ghi danh bên Khoa Học, nhưng không ai lay chuyển được ba. Mà Kim ngu lắm. Không
muốn học trường đó, đến chừng thi thì quên hết nỗi ấm ức, cắm đầu cắm cổ làm
bài. Làm xong còn xoa tay tự khen mình nữa chớ, quên mất tiêu. Thi xong, Kim
cũng chẳng nhớ mà đi coi kết quả. Chừng ba vui mừng khi đi coi bảng kết quả thi
tuyển về, khoe với má: “Con Kim thi đâu đậu đó. Vậy là tui với mình yên tâm.
Không như con Phương, học long bong năm này qua năm kia, chẳng nghề chẳng ngỗng
gì cho rõ ràng”.
Vén mấy cọng tóc qua tai, Kim kể tiếp:
– Phương, chị kế Kim, mắng Kim: “Mày ngu như bò, chỉ giỏi
cái miệng, đầu óc suy tính ngắn ngủn. Không thích học ở đó thì ráng làm bài chi
cho mệt, không vô Sư Phạm thì tự do ghi danh vô Khoa Học.” Hôm đầu năm học,
thày Thọ, thày hướng dẫn, bắt từng đứa lên kể lý do tại sao mình chọn ngành Sư
Phạm. Bọn con trai, ông nào cũng vì lý do trốn lính. Mấy bà con gái thì bà nào
cũng có lý do lý tưởng yêu trẻ yêu nghề. Đến phiên Kim, Kim không sợ chút nào hết,
Kim cũng chẳng biết màu mè, chẳng có lý tưởng gì ráo, Kim tuyên bố với thầy:
“Em đâu có thích học Sư Phạm, ba em bắt em học.” Nói tới đó, cơn giận ba từ lâu
bị ép chặt, nay được châm ngòi, bùng nổ, ức quá, Kim òa khóc hu hu trước mặt cả
lớp. Vậy mà cả lớp im re. Còn thầy Thọ thì cười cười, coi lời tuyên bố của Kim
không ra ký lô nào hết, coi cái chuyện Kim bị ba ép học ở cái trường Sư Phạm
không đáng bàn. Lâu lâu nghĩ lại thấy quê quá.
Ngồi nhìn Kim kể liên tu bất tận, không kịp thở, nét mặt thay
đổi theo từng ý tưởng, làm như Hải là cái dịp may hiếm có để Kim trút hết nỗi
“uất ức” đã chôn dưới lòng biển sâu. Hải nghĩ thầm: “Anh yếu lòng vì cái ngây
ngô của Kim rồi Kim ơi!”
Sáng hôm sau, mới bảy giờ ba mươi, Hải đã có mặt ở trường Sư
Phạm Sài Gòn nằm trên đường Thành Thái kế bên đường Cộng Hòa có trường Đại Học
Sư Phạm ở góc đường, có trường Đại Học Khoa Học cách đây sáu năm Hải đã miệt
mài. Sinh viên bắt đầu lai rai đến. Hải ngồi chờ bên hàng cà phê kế hông trường,
dưới tàn cây quỳnh đàn già đang mang những chùm hoa nho nhỏ vàng rực, chỉ chờ một
cơn gió mạnh là rơi đầy hè đường. Một chiếc xe PC quẹo nhanh từ đường Cộng Hòa,
thắng gấp ngay trước cổng phụ, cổng chỉ mở vừa đủ cho một chiếc xe ra vô.
Kim đó, hôm nay áo dài mini trắng ngắn gần tới đầu gối, mái
tóc mượt mà, mái tóc được cắt tỉa từ trán kéo dài từ từ xuống vừa qua khỏi vai,
sợi ngắn sợi dài. Đôi kính mát gọng John Lennon, tròng kính màu hồng nhạt, vai
đeo cái túi được móc bằng những sợi len cotton nâu, bên hông giỏ điểm một cái
bông hippie trắng to tướng chiếm gần hết cái giỏ trong đó có vài quyển sách. Tắt
máy xe, Kim tháo đôi găng tay nâu lợt.
Bỗng từ bên kia đường, cổng sau trường Bác Ái, trường dành
cho học sinh người Việt gốc Hoa, hai anh thanh niên cỡ tuổi Kim, một người trắng
trẻo cao dong dỏng, đeo kính cận, một người hơi ngang cũng trắng trẻo thư sinh,
băng nhanh qua đường, kêu to:
– Kim!
Kim quay lại, hỏi:
– À… ha… sao bữa nay đi bộ?
– Xe hư, còn sớm, lại Trần Bình Trọng ăn bánh cuốn không?
– Bánh cuốn dì Thanh? Bảnh vậy? Mới được tiền tuần hả? Chờ
Kim đem xe vô rồi đi, hay mình chờ nhỏ Thảo Nhiên luôn.
– Bà Thảo Nhiên hay đi trễ lắm, đi không thì đi theo.
– Mời hay dắt theo đây? Có mời đàng hoàng thì Kim mới đi à
nhen.
Hải đứng kế bên Kim, gọi nhỏ:
– Kim!
Kim xoay người, dơ ngón tay che miệng, mắt tròn long lanh sau
cặp kính mát, đôi môi hồng bóng nhểnh cong:
– Anh Hải? Anh Hải đứng đây hồi nào mà Kim không thấy?
Kim quay lại hai người bạn trai chắc học cùng lớp, nói:
– Kim đổi ý, Kim không đi theo đâu. Mai đi, mình rủ nhỏ Thảo
Nhiên luôn.
Anh chàng đeo kính cận mặt buồn thiu, nói:
– Thôi, mai đi cũng được
Không đi ngay, cả hai nhìn Hải dò hỏi như chờ đợi một lời giải
thích phải có từ cô bạn gái cho cái lý do từ chối. Hơi lúng túng, Kim nói, như
phần trần:
– Anh Hải, anh của Kim.
Rồi xoay sang hai người bạn trai, Kim giới thiệu:
– Huấn, với biệt danh Huấn Cận. Đông, với biệt danh Đông
Ngang.
Hải bật cười, hỏi:
– Còn Kim? Với biệt danh…?
Như được dịp trả thù, mép môi kéo gần tới vành tai, Đông nháy
mắt:
– Ha… ha… Kim Nhè
Chưa đủ, Đông nháy mắt với Kim:
– Đông này quen Kim cũng khá lâu, có nghe Kim nhắc tới ông
anh nào đâu.
Kim lúng túng:
– Ha… cái này là… ha… ông anh trên trời rơi xuống.
Tất cả cười vang, Đông hỏi:
– Rơi hồi nào? Lượm ở đâu vậy?
Không chờ trả lời, cả hai người bạn đi vô trường. Anh chàng
Huấn Cận còn quay đầu nhìn Hải lần nữa, cái nhìn đầy dấu hỏi.
Không bận tâm đến ánh mắt tò mò của hai người bạn cùng lớp,
Kim chọc Hải:
– Mới sáng sớm mà anh Hải lại đòi nợ rồi, xui cả ngày. Chút
Kim vô học, anh Hải đi đâu?
– Anh Hải ngồi đây chờ Kim ra chơi, rồi anh Hải ngồi chờ tiếp,
chờ Kim về, uống vài ly cà phê là xong.
– Đâu có được! Tội chết! Hay l… à… Kim trốn học.
– Kim thông minh quá! Anh chỉ cầu có thế thôi. Mình đi Thanh
Thế ăn sáng, có pâté chaud.
– Trời! Anh Hải dụ dỗ Kim. Sao anh Hải biết Kim mê bánh pâté
chaud ở Thanh Thế. Còn một chỗ có pâté chaud ngon đặt biệt nữa là Givral
– Thì ngày mai mình đi ăn sáng ở đó.
– Anh Hải gian ác! Bộ định dụ nhỏ Kim này ngày mai trốn học nữa
sao? Anh Hải toàn là đem chuyện ăn ngon dụ dỗ Kim, đúng tim đen của Kim quá.
Hải mang theo hình ảnh cô bé Kim, gương mặt chỉ cần nhếch tí
xíu là trông như cười, cái cười làm đôi mắt lunh linh, cánh mũi hinh hỉnh, hàm
răng thêm trắng nuốt, trở về đơn vị. Hải mang theo hương tóc thơm mùi chanh,
con đường Cộng Hòa, con đường Thành Thái ngập tràn hoa huỳnh đàn vàng rực rỡ trở
về tiền đồn. Hải mang theo giọng hát trong thanh, tiếng cười khanh khách, giọng
Sài Gòn nhão nhẹc trở về núi rừng và trong giấc mơ. Những lúc làm nghiêm, phạt
anh lính trẻ ba gai lười biếng, anh lính về thăm vợ, thăm người yêu lên trễ, Hải
cười thầm: “Tụi nó mà biết mình chỉ cần một nhíu mày của con bé Kim là mình rối
rít, chỉ cần một chu môi của con bé Kim là mình năn nỉ, chắc tụi nó hết sợ
mình. Đàn ông con trai chỉ được cái tài bắt nạt nhau, nghiêm như mình đây mà bị
con bé Kim nhỏ hơn mình bảy tuổi bắt nạt, ăn hiếp… đủ trò…” Lòng Hải mềm ấm lại.
Và lần đầu tiên trong đời Hải viết một là thư dài thườn thượt:
Kim này,
Tối hôm qua không có phiên gác, anh Hải nằm mơ mơ màng màng,
anh Hải trở về ngôi vườn nhà anh ở Phú Long, con chó lông nâu có vài đốm vá trắng
ư hử liếm mặt anh. Con chó anh kể cho Kim nghe, con chó bạn thân nhất của anh hồi
nhỏ, “chó đốm” của anh Hải đó. Anh lại liên tưởng đến con bé Kim buổi chiều đầu
tiên anh gặp: quần pat nhung nâu, giày da nâu, cái giỏ da nâu, áo thun trắng, rồi
anh buột miệng kêu “chó nâu!” Kim thấy tên “chó nâu” có dễ thương không? Anh Hải
gọi Kim là Chó Nâu đó! Chu miệng hả? Trợn mắt ư? Anh Hải cũng gọi Chó Nâu. Tiếng
Chó Nâu dễ thương như đôi mắt nâu, cái miệng cười, đôi má hồng rám nắng của con
bé Kim anh Hải có may mắn được làm bạn, làm anh luôn. Kim có mắng anh Hải ba
gai cũng không sao, có chê anh mắt một mí cũng chịu luôn, có bảo anh Hải đen
thui cũng chấp nhận hết, miễn sao được làm thân với Kim Nhè (Đá nhẹ hìu, không
đau tí nào hết!).
Chó Nâu này,
Bốn ngày phép định bụng về thăm Trí và gia đình bác Năm,
thành ra bốn ngày anh Hải ngập lụn trong niềm vui, trong hạnh phúc với con bé
Kim. Anh Hải mang niềm vui về đơn vị, anh Hải sinh ra dễ tính với tụi lính, anh
Hải yêu đời quá đó Chó Nâu ơi. Mấy ngày nay, gặp cái gì anh Hải cũng liên tưởng
tới hình ảnh con bé Kim. Buổi sáng sớm rừng Định Quán sương mù còn dăng dăng,
không khí thật trong lành thanh mát, anh nhớ đến hương tóc thơm mùi chanh tươi
Kim vừa xả tóc. Hương chanh thơm thoang thoảng làm anh tìm kiếm nơi quán kem
trên đường Nguyễn Du yên tịnh, cho đến khi Kim nghiêng đầu cho anh Hải cúi thơm
lên mái tóc mượt bóng. Thấy mấy viên đạn dài nhọn đầu, anh lại liên tưởng đến
những ngón tay mảnh dài nằm gọn trong tay anh, mềm ấm, buổi tối trước khi anh
trở lại Định Quán. Thấy màu vàng của lá cờ treo cao trong trại, anh nhớ đến lời
Kim kể: “Kim ước chi nhà mình có cây quỳnh đàn, cứ mỗi năm sau tết thì hoa vàng
rực rỡ rụng theo gió xuân, tung theo cơn gió lộng, đầy đường Cộng Hòa và Thành
Thái. Kim sẽ gom hết hoa vàng khô. Kim sẽ nằm trên trăm ngàn cánh hoa li ti mà
ngắm mây trôi biến dạng, rồi Kim ngủ luôn một giấc ngủ trưa. Kim tiếc là hoa chỉ
rực rỡ vỏn vẹn một vài tuần nên ít người để ý đến.” Và bây giờ anh Hải bắt chước
Kim, anh Hải ước là lúc đó anh Hải về, anh Hải đi thật nhẹ, quì xuống, …hôn lên
vầng trán rộng, để thấy môi hồng hé cười trong giấc ngủ trưa đầy mộng đẹp. Kim
cho anh ước ao với Kim nhá, cho anh hôn lên vầng trán rộng nha. Anh Hải nhớ Kim
quá Kim ơi!
Nếu ai đó để ý, sẽ thấy cái ông trung úy Hải lâu lâu lại mỉm
cười, lơ đãng, tại anh nghĩ đến những lời chọc ghẹo của Kim đó. Kim dễ thương,
Kim ngây ngô chọc anh Hải. Kim làm anh Hải nhớ con bé Kim lớn to đầu sắp làm cô
giáo. Kim làm anh cười hoài. Anh nhớ Kim mà. Cho anh nhớ Kim nhá! Kim không cho
phép thì anh cứ nhớ, coi làm gì được anh. Anh Hải ba gai mà. Làm sao anh có thể
tưởng nổi con bé Kim sẽ là cô giáo, làm sao con bé Kim có thể khẻ tay mấy đứa học
trò nghịch ngợm, hay là mè nheo với học trò luôn cho đủ bộ? (Au!) Anh nghĩ đến
bữa cơm ở gia đình Kim, vui quá Kim ơi. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ những lời
chị em chọc ghẹo nhau trong bữa cơm thân mật đó, ánh mắt trìu mến của ba Kim, của
má Kim nhìn đàn con ăn mạnh nói nhiều. Anh nhớ ly cà phê đen đá Kim pha cho anh
và ba Kim sau bữa cơm. Con bé Kim ngổ ngáo thế mà pha cà phê thật tuyệt, đậm đà
thấm ngọt lời mời nhỏ nhẹ của Kim. Bữa cơm làm anh liên tưởng đến những bữa cơm
trưa một mình ở nhà. Đường đi từ trường trung học Phan Bội Châu về nhà buổi
trưa dài lê thê. Bụng đói meo sau năm giờ học, cong lưng đạp chiếc xe đạp cọc cạch
ngang qua ruộng muối trắng long lanh càng làm cho cổ anh khô cứng. Đôi chân rã
rời ráng đạp năm cây số, lên cầu Phú Long rồi mới về tới nhà. Ai nấy có công việc
của người đó, anh lủi thủi ăn cơm một mình. Má anh ngồi kế bên, múc cho anh tô
cánh bí xanh nấu với hành mỡ, múc cho anh dĩa cá nục kho béo ngậy. Hai mẹ con
ít nói chuyện với nhau. Thật ra cũng không biết nói chuyện gì với nhau, chuyện
trường thì má anh không biết, chuyện ruộng nương thì anh không quan tâm tới, có
ba anh, có mấy anh mấy chị lo. Nghĩ thương má anh. Trưa nào cũng chờ anh về để
dọn cơm cho anh, để chờ múc thêm thức ăn cho anh.
Nhớ Chó Nâu quá, anh sẽ ráng thu xếp về thăm Chó Nâu, về chỉ
được nhìn Chó Nâu một tiếng đồng hồ anh cũng cam lòng. Nếu anh về buổi sáng,
anh chờ Kim ngoài cổng trường, còn về buổi chiều thì anh đến thẳng nhà Kim.
Không có Kim ở nhà, anh ngồi chuyện trò với ba Kim mà chờ Kim. Anh phải chờ,
anh phải nhìn cho được con bé Kim, anh phải nghe cho được giọng cười khanh
khách của con bé Kim, anh phải hít cho mạnh hương tóc thơm ngát hương chanh của
con bé Kim. Anh nhớ Kim, anh nhớ Chó Nâu… nhớ quá đi mất Kim ơi!
Lần sau về, Kim phải dẫn anh Hải đi hết mấy chỗ ăn hàng của
Kim nha. Đừng chạy xe ẩu Kim nhá! Kim mà tung xe lần nữa, không có anh Hải thì
lấy ai sửa xe cho Kim. Anh Hải cám ơn một ngàn lẻ một lần buổi chiều tung xe
đó. Cái cùi chỏ của Kim giờ này chắc đã kéo da non thành da già rồi chớ gì.
Nhớ Kim quá Kim ơi! Nhớ Sài Gòn quá Sài Gòn ơi!
Kỳ tới về, anh phải thơm lên tóc Kim mượt, anh phải hít thật
sâu hương tóc Kim thơm thanh.
A…, anh Hải định là mỗi lá thư, anh Hải sẽ có một món quà cho
con bé tự tôn mình là vua toán của lớp. Và Kim cứ phe phẩy món quà mà tha hồ
lên mặt với tụi con trai. Món quà thứ nhất như vầy: Hãy chứng minh góc tù có thể
bằng góc nhọn. Chừng nào ”vua toán” giải xong thì cho anh Hải biết nha.
Anh Hải
Anh Hải ơi!
Hôm qua vừa đi ăn bò bía với đám bạn Huấn Cận, Đông Ngang,
Quan Cà, Nhiên Điệu sau giờ dự thính bên trường Sư Phạm Thực Hành, về nhà, chị
Hai Cao đưa thư anh Hải cho Kim rồi còn mắng thêm một câu: “Đi cả ngày, tới giờ
cơm mới về.” Kim không thèm cãi lại, nhảy bốn bước là lên tới gác, mừng quá, xé
tung cái thư, lăn dài ra giường đọc. Anh Hải viết thư vui ghê, làm Kim cười,
Kim thơ thẩn, làm Kim… thôi không nói. Chị Phương về, thấy bìa thư nằm trên giường,
đòi xem. Kim không cho, Kim dấu tịt. Chị Phương tò mò lắm. Cho chị đọc rồi mai
mốt chị lấy lời thư của anh Hải ra chọc trong bữa cơm là Kim nghẹn họng không
trả đũa được, không ăn cơm được. Kim đọc bốn lần rồi đó, lần này là thuộc lòng
luôn.
Kim viết thư cho anh Hải khi nào thấy hứng, khi nào nghĩ đến
anh Hải, cho nên thư của Kim không đầu không đuôi, có khi quên chấm quên phẩy nữa
đó, ráng mà đọc, và thường thì viết trong giờ học, cho đỡ chán hi.. hi… Con nhỏ
Thảo Nhiên khen anh Hải oai làm cái mũi vốn đã hỉnh của Kim càng hỉnh thêm, có
ngày gió vô đau bụng chết là Kim bắt đền anh Hải. Anh Hải biết không, thầy Thọ,
ông thầy hướng dẫn nhóm Kim, nghe tên nào mách lẻo, thầy hỏi một câu ngớ ngẩn:
“Ông anh trên trời rơi xuống của cô ở binh chủng nào?” Kim có biết binh chủng
là cái gì đâu, mà anh Hải đâu có kể cho Kim nghe nhiều chuyện lính tráng. Kim hỏi
Đông Ngang, bạn hiền của Kim đó, hắn ta vừa kể vừa giải thích cách nhận diện từng
quân phục, đủ loại: hải quân, không quân, biệt động quân, địa phương quân, pháo
binh, thiết giáp, nhảy dù, biệt kích, thám sát… nghe sao ớn quá. Kim bắt đầu
làm bài toán loại: Hải quân? Không. Không quân? Không. Nhảy dù? Không. Còn lại
mấy thứ kia, anh Hải là thứ nào vậy?
Anh Hải ơi!
Hôm qua thứ bảy, đi dạo phố dọc Lê Lợi với chị Phương, có hai
ông bận quân phục màu vàng khaki, đeo huy chương, dây nhợ tùm lum, theo làm
quen. Chị Phương nói nhỏ với Kim: Dân trường Bộ Binh Thủ Đức đó, non chẹt, đừng
thèm quen. Hồi đó anh Hải cũng học trường Bộ Binh Thủ Đức mà phải không. Anh Hải
có bị cô sinh viên nào chê không? Mà sao bây giờ anh Hải oai quá! Ba Kim còn
khen nữa đó, chắc không cô nào chê nữa đâu. Kim không chê anh Hải non chẹt đâu.
Hi… hi… thua người ta bảy tuổi mà đòi chê người ta non chẹt… hi… hi… Chị Phương
làm tàng lắm, yểu điệu lắm, cho nên đến giờ này hai mươi hai tuổi mà cũng chưa
có bồ, chưa kịp thương người ta là người ta có bồ khác mất tiêu, cho bỏ cái tội
em chả! em chả! Chị Phương biểu chị không thích mấy anh sinh viên. Anh nào anh
nấy gật gà gật gù làm như mình ngon lắm, không oai chút nào hết, không có lập
trường, chỉ biết a dua biểu tình chống đối mà thực sự ra không biết chắc mình
chống đối điều gì. Anh coi, Bộ Binh Thủ Đức thì chị chê là non chẹt, sinh viên
thì chị chê là yếu xìu sống không lý tưởng, còn chọc là Kim chơi toàn với con
trai có ngày thành con trai luôn, không ai thèm thương. Anh coi chị Phương vô
duyên chưa? Vậy chớ mà được mấy anh bên Văn Khoa gọi là “nàng thơ” mới chết chứ.
Mấy anh bị cái mái tóc dài óng ả, dáng điệu thanh cao của chị Phương lừa, chứ mấy
anh đâu có biết là chị Phương không thuộc trọn nổi một bài thơ nào hết. Còn anh
thì gọi Kim là Chó Nâu, hừm… cũng được, cũng dễ thương. Mà Chó Nâu này hung lắm
đó, ngang tàng lắm đó, không tên con trai nào dám hó hé chọc đâu.
Anh Hải à!
Chừng nào anh Hải về phép nữa? Anh Hải hăm dọa là sẽ về bất
ngờ làm Kim cứ nhong nhóng ra đường. Chỗ Kim ngồi chỉ cần nhóng cổ chút xíu là
nhìn ra cổng được, cổng lớn đó. Kim nhóng cổ hoài mà không thấy anh Hải nào đứng
trước cổng hết trơn, mỏi cổ luôn, bắt đền anh Hải. Khi nào anh Hải về gặp lúc
Kim đang học thì anh Hải nhớ đứng ở trước cổng lớn chứ đừng đứng ở trước cổng
bên hông gần hàng cà phê, cho Kim thấy, Kim chuồn ra liền. Còn nếu buổi chiều
thì Kim hay đi bơi lắm, ở Nguyễn Bỉnh Khiêm đó. Kim đi vô chừng không biết đâu
mà chờ, anh Hải cứ lại nhà chờ Kim, ba Kim khoái nói chuyện với anh Hải lắm. Mà
lỡ hôm nào Kim theo nhỏ Thảo Nhiên về nhà nhỏ ta chơi, theo đám bạn ăn hàng thì
anh Hải chờ đến bao giờ? Thôi, Kim bỏ cái tật la cà, đi đâu về nhà cho lẹ để lỡ
anh Hải có về thì không phải chờ lâu. Khi anh Hải đến nhà, nhớ bấm chuông hai
tiếng ngắn, một tiếng dài là Kim biết dấu hiệu của anh Hải, Kim chạy ra mở cửa
trước, nhớ nha! Hai ngắn một dài nha! Chó Nâu nằm canh cửa, Chó Nâu mau chân lắm,
Chó Nâu chạy ra mở cửa liền hà. Chó Nâu nhớ anh Hải rồi.
Thôi Kim đi gởi thư này, để anh Hải mong rồi anh Hải giận lẫy,
anh Hải không thèm thương lính của anh Hải nữa.
Thơm tóc Kim đi anh Hải!
Chó Nâu
A… anh Hải ma giáo ha. Kim gặm hoài mà không chứng minh được
cái quà hóc búa và khá ”khôn” anh Hải tặng. Kim tiếp tục gặm đây, tức lắm đó
nghen… muốn phe phẩy lên mặt với tụi con trai trong lớp nhưng… nghẹn. Ấy cho
nên, trong vòng ba ngày sau bức thư này, nếu anh Hải không nhận được giải đáp của
Kim là anh Hải phải mau mau gởi thư trả lời nghe chưa.
Tháng năm, một chín bảy mươi bốn
Tình yêu Kim và Hải đến như mẫu hàng đã đặt sẵn, không đeo đuổi,
không cân nhắc, không tán tỉnh, không vờ vĩnh, đến từ lúc nào không ai đoán trước,
thấm đậm lúc nào không ai để ý tới. Như một đương nhiên. Như người anh mong muốn
có một người em gái để thương yêu chiều chuộng. Như người em mong muốn có một
người anh để nhõng nhẽo nũng nịu nhớ thương. Trái tim con gái sôi nổi thắt nhớ
thắt quên; hồn trinh nữ chợt lặng xuống vì mắt mời đùa ẩn ý của người bạn trai
này rồi lại bồi hồi thoáng xúc động vì quyển sách của người bạn trai kia có lời
thơ tặng thật dễ thương…
tất cả không còn vướng bận trong tim Kim nữa. Cái náo nức ghé
quán cà phê sau lần hành quân để tìm ánh mắt người thiếu nữ trong cánh áo bà ba
tim tím sáng lên khi nghe tiếng xe jeep ngừng trước quán, cái lắng đọng nhẹ
nhàng khi thoáng gặp tà áo dài vàng anh điểm bông cúc trắng của cô giáo thành
phố trong dáng điệu ngơ ngác giữa đám học trò quê mùa chân đầy bùn đất đỏ… tất
cả không còn vướng bận trong tim Hải nữa. Trái tim sôi nổi người con gái Sài
Gòn đã biết khắc khoải nhớ nhung mong chờ màu áo xanh núi rừng. Trái tim khao
khát yêu đương đã khắc sâu mái tóc mượt bóng đượm hương chanh thoang thoảng.
Những lần về phép ngắn ngủi bất chợt. Ánh mắt reo vui ngập
lòng. Ánh mắt nheo nheo chất chở đầy thương yêu. Mu bàn tay ấm thoa thoa gò má
căng hồng nghiêng nghiêng nương theo đón nhận. Giọng rưng rưng thăm hỏi. Những
ngón tay mềm mại trong bàn tay chai cứng. Những xiết vai trong quán kem bên
hông nhà thờ Đức Bà… Được mang vào giấc ngủ nhiều mộng mơ của Kim. Được mang
vào giấc ngủ chập chờn nơi núi rừng của Hải.
Không biết bao lần Kim giao giỏ đeo vai được móc bằng những cọng
len cotton màu nâu đậm cho nhỏ bạn Thảo Nhiên, bỏ trường, bỏ bạn, tung tăng đi
dạo bên Hải trên con đường Cộng Hòa dưới bóng mát hàng cây huỳnh đàn dọc trường
đại học Sư Phạm, trường đại học Khoa Học, trường trung học Petrus Ký.
Khi đi ngang qua trường Đại Học Khoa Học, Kim đùa:
– Chắc anh có nhiều kỷ niệm với mấy chị sinh viên ở trường
này lắm ha?
– Một cô còn không có chứ đừng nói chi mấy cô. Anh nhà quê, từ
Phan Thiết vô Sài Gòn học, không dám nhìn các cô Sài Gòn ăn mặc thời trang làm
nứt mắt người.
– Trời phạt anh! Nói xạo không có căn. Không dám nhìn sao biết
người ta ăn mặc làm nứt mắt. Để coi, anh lớn hơn chị Hạnh hai tuổi, lúc đó mốt
áo dài mini chưa ra đời, mấy chị còn mặc áo dài thắt chặt eo, dài lòng thòng,
chưa có quần pát chật cứng, chưa có áo ngắn ngủn hở mông, chưa có áo bao chật
mông như bây giờ. Lúc đó em còn nhỏ quá, em không nhớ, hồi đó có quần ống voi
chưa anh?
– Đã nói là không dám nhìn mà, không lừa anh được đâu Con Chó
ơi!
Những lúc chuyện trò dọc đường Thành Thái phía bên trường Bác
Ái, hay dọc đường Cộng Hòa lối đi giữa hàng rào các trường và hàng huỳnh đàn,
giờ trưa vắng người, Kim hay xoay người đi thụt lui, vừa nói chuyện, vừa để đón
nhận ánh mắt Hải nheo nheo đầy thương yêu, tay chân vung vảy theo nhịp bước,
làm Hải hết hồn mấy lần vì sợ Kim vấp té. Có những lúc cầm lòng nhớ nhung không
được mà Kim thì cứ tung tăng kể chuyện, Hải kêu khẻ:
– Chó Nâu!
Rồi kéo Kim đứng lại sát bên mình. Hải ôm đầu Kim, thơm thật
mạnh lên mái tóc không dài không ngắn, mượt bóng. Hải hít mạnh, hít thật mạnh
hương chanh thơm ngát, hương chanh những đêm nằm rừng Hải mơ, Hải nhớ, Hải ao ước.
Kim nũng nịu, áp mặt mình vào cổ Hải, cái ngổ ngáo biến mất nhanh chóng nhường
cho lời tự thú nhẹ như thức mây trắng lãng đãng trên bầu trời Sài Gòn thanh
cao:
– Em nhớ mồ hôi anh.
Mắt nhắm hờ, tựa nhẹ cầm trên đỉnh tóc Kim bóng mượt, Hải hít
thật mạnh luồng không khí hanh hanh nóng của buổi trưa như để kềm giữ nỗi xúc động
làm anh chỉ muốn xiết thật chặt, thật chặt thân hình Kim đang dựa hẳn vào người
mình. Không nhìn thấy gì cả, không thấy xe cộ qua lại, không cảm nhận cái nắng
cuối xuân hanh hanh… Lâu lắm. Mấy cô nữ sinh người Trung Hoa trường Bác Ái mặc
jupe xanh dương đậm, áo trắng, giày bata trắng vừa tan trường, đi ngang qua, xí
xô xí xào, cười chọc làm Kim xấu hổ, đấm mạnh vô ngực Hải:
– Anh hư, bắt đền anh!
Ánh mắt Hải đắm đuối, ánh mắt nhớ nhung như muốn nhốt gương mặt
Kim ngúng ngẩy điệu hạnh vào lớp võng mô. Ánh mắt thiết tha quá làm Kim chùng
lòng, Kim vòng những ngón tay mảnh dẻ quanh cánh tay Hải, đánh trống lãng, kéo
Hải đi tiếp:
– Lại Nguyễn Trãi đi anh! Em với nhỏ Thảo Nhiên mới khám phá
một tiệm kem ngon tuyệt, kem sữa tươi đàng hoàng nên mắc lắm. Tụi em không lại
đó thường được tại hi… hi… túi mỏng quá… hi… hi… Em chờ anh về, dụ dỗ anh… hi…
hi…
– Vậy mai mình rủ Thảo Nhiên luôn. Nhưng bây giờ anh dành em
trước. Ha… ha… nguyên cả trưa nay… nguyên cả chiều nay nhá Kim, nguyên cả tối
này nha Chó Con.
Sân nhà Kim không rộng, nằm trong con hẻm lớn nối từ đường Trần
Quốc Toản đến đường Bà Hạt. Dàn hoa hoàng anh lá xanh mướt phủ đầy vòng cổng gỗ
nhỏ và hàng rào phía trước. Bức tường nhà hàng xóm phía phải cao làm bóng mát
cho cả sân. Để tăng chiều cao bức tường gạch thấp phía trái, ông Ba Hòa dựng
lên đó một hàng rào gỗ thưa nhưng lại được phủ kín bằng những cọng hoa kim ngân
có cánh hoa nho nhỏ màu trắng long lanh dưới ánh sáng ban mai nằm lẫn lộn kín
đáo dưới màu lá xanh. Theo sức nắng càng về trưa càng gay gắt, màu hoa trắng từ
từ chuyển dần sang màu vàng tươi. Hoa nở lai rai vài ba cánh suốt năm, nhưng
nhiều nhất vào mùa mưa. Chỉ cần vài ba cánh hoa cũng đủ tỏa hương thơm ngòn ngọt
cho những cánh mũi cố tình hít tìm. Ba Kim, ông Ba Hoà dùng nhiều thì giờ để
chăm sóc dàn kim ngân đặc biệt của mình nên dàn hoa xanh mướt, dầy đặc quanh
năm. Ông Ba Hòa còn khám phá ra cứ mỗi lần trời đang nắng hanh hanh, hương thơm
tỏa ra ngào ngạt là chắc chắn trời sẽ đổ mưa khoảng năm, sáu tiếng đồng hồ sau
đó. Cái ghế đá ba Kim đặt mua từ Thủ Đức màu xanh lá cây đậm kê ở góc sân gần
hàng rào, sau mấy cây kiểng lớn, kín đáo bên dàn kim ngân.
Hải quen thuộc với từng góc vườn nhỏ chật, nhiều cây kiểng.
Góc vườn Hải và Kim thường ngồi chuyện trò, chuyện trời trăng mây nước trong những
buổi trưa vắng lặng vì cả nhà đang nghỉ ngơi, trong những tối chia tay níu kéo
dưới ánh đèn đường loe loe mờ mờ vàng.
Ngôi vườn đã chứng kiến lời tỏ tình đầm thấm đêm nào của Hải
chỉ sau lần về phép thứ hai. Kim yêu nhạc du ca, Kim yêu ca dao tình tứ lãng mạng.
Hải dốt thơ văn, chỉ nhớ mang máng một vài câu thơ khô khan của Nguyễn Công Trứ
hay Nguyễn Khuyến, hoặc vài câu Kiều còn sót lại từ thời trung học. Mới quen
Kim, Hải thích nhanh chóng những điệu nhạc du ca vi vút, cảm thắm thiết những lời
du ca trong sáng chân thật mang đầy tính chất quê hương đồng loại Kim cho Hải
nghe trong băng cassette buổi tối ngoài vườn. Nhất là qua những lá thư của Kim
càng ngày càng thiết tha nhung nhớ. Thư nào Kim cũng kèm theo vài câu ca dao ví
von lãng mạng, lời ca ngọt dịu, câu thơ nhắn nhủ tận lòng, cho Hải mang theo
trong những giấc ngủ chập chờn nơi núi rừng đẫm ướt sương mù Gia Ray, cho Hải
những ước mơ ngẩn người nơi núi rừng lành lạnh Bảo Định, cho Hải những rạo rực
được xiết người Kim, cho Kim tan biến trong vòng tay khao khát những đêm nơi
núi rừng Tánh Linh đẫm sương đêm từ dãy núi Ông cuối miền Trung.
Đêm đó, dựa lưng bên vai Hải, hai chân thẳng dài trên băng ghế
đá, tay gác thành lưng ghế, Kim hát nho nhỏ: …Ngọc Lan giọng ướp men thơ, mát
êm làn lụa bông là. Ngọc Lan trầm ngát thu hương. Bờ xanh bóng dương phút giây
chìm sương. Bông hoa đời ngàn xưa tới nay. Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây,
cho tơ trùng đờn hờ phím loan… Thê lương mây nước sắt se cung đàn, ôi tâm hồn
nghệ sĩ chìm trong sương thắm…..
Im lặng…
Hải gọi nhỏ:
– Kim!
Kim xoay người nhìn Hải, ánh mắt nâu ươn ướt thiết tha như chờ
đợi. Ánh mắt Hải đắm đuối thăm thẳm dưới ánh đèn đường vàng nhạt, lời thì thào
ngọt mật:
– Anh yêu em mất rồi Kim ơi! Em biết chứ?
Đêm chừng như lặng hẳn xuống, dàn kim ngân chừng như nín thở
chờ Kim. Kim gật nhẹ, đan tay mình trong tay Hải vừa với bắt. Tóc Kim lay lay
trong gió mát cuối xuân. Hải luồn tay vào mái tóc mượt mà, kéo Kim lại, nâng mặt
Kim ẩn hiện mờ mờ trong ánh đèn từ đường chiếu vào. Hải cuối xuống, hôn lên vầng
trán rộng cao, hôn lên đôi mắt nâu dài nhắm hờ, hôn lên bờ môi đầy ướt hơi run,
hôn ngập ngừng, hôn đẫm ướt sương đêm. Không biết hôn trả, Kim xấu hổ, ngã người,
vùi mặt vào bờ vai rộng, hai tay choàng ngang người Hải, đôi môi trườn áp vào cổ
Hải, hít mạnh.
Hương chanh thoang thoảng từ mái tóc dài lưng lửng hoà lẫn
hương hoa kim ngân ngọt dịu làm Hải ngây ngất như say. Từng mạch máu căng căng
như trăm ngàn mũi kim châm làm người Hải nóng bừng bừng ham muốn. Môi Hải cuối
vờn trên vành tai, lên mái tóc bóng mượt. Kim xoay người, dựa đầu sát vào ngực
Hải. Bàn tay khô cứng bỗng mềm dại, lần mò gương mặt Kim nóng bưng dựa nương
theo từng cử động ngón tay. Bàn tay kia đi lần xuống phần cổ ấm mềm, thân hình
trinh nữ rướn cao khi những ngón tay mềm nóng vờn tìm đầu vú nhọn cứng dưới lớp
áo vải rộng cổ.
Tiếng chị Hai Cao gọi từ cửa phòng khách:
– Kim đâu, vô ăn chè.
Gia đình Kim đón nhận Hải như một người con trai lớn bởi lẽ
ông bà Ba Hòa, ba má Kim chỉ có Hoàng mới mười tuổi là con trai sau bốn cô con
gái. Hạnh, chị Hai của Kim, có bồ đang học cùng lớp ở trường Dược. Nhưng oái ăm
cho Hạnh. Anh Tâm này nhỏ hơn Hạnh hai tuổi vì anh học sớm một tuổi mà Hạnh thì
học trễ một tuổi. Tâm cũng là dân Sài Gòn nên anh không thường trực ở nhà Kim
như Hải, mặc dù Hải lâu lâu mới về phép.
Hạnh trề môi cằn nhằn:
– Cái gì cũng anh Hải, anh Hải…
Kim không vừa, trả đủa, chọc chị:
– Ai biểu chị yêu người nhỏ tuổi hơn nên ngại ngùng khi kêu
anh Tâm, anh Tâm chứ gì.
Còn Phương, chị kế Kim, chưa kịp yêu người ta thì người ta có
bồ khác, cho bỏ cái tội em chả! em chả! Phương điệu lắm, học Văn khoa, học tàng
tàng vì không thi đậu vô trường nào hết. Không yêu thơ mà cũng chẳng biết làm
thơ nhưng được danh hiệu nàng thơ của mấy anh si tình trường Văn Khoa tặng, chỉ
vì mái tóc dài mượt, dáng vẻ cao ôm thanh nhã, yểu điệu và làm cao. Mấy anh đó
đâu có biết Phương chưa từng làm thơ, thuộc lõm bõm vài ba bài thơ. Mấy anh đó
đâu có biết là Phương sợ ốm, ráng ăn thức ăn béo dữ lắm, cứ ăn cơm với tóp mỡ
trộn chút nước mắm, cho có ngực có mông. Ốm vẫn hoàn ốm, Phương rầu vì cái tội
cao mà ốm này, ráng ăn cho nhiều cho tròn trịa, cho dầy thêm chút nhưng phải
cái tội ăn chậm, bữa cơm nào cũng ngồi sau cùng, nhâm nhi và cho xong chén cơm
chỉ còn chút nước cá kho hay nước thịt xào còn sót lại. Hôm nào nhà có món
xương hầm, thế nào chị Hai Cao cũng để dành cục xương có nhiều tủy béo ngậy cho
Phương.
Hạnh và Phương là cặp bài trùng, chê Kim con nít, du côn, bây
giờ còn bày đặt có bồ, mà bồ lớn tuổi hơn cả Hạnh. Ngoài miệng chê anh Hải mắt
một mí, anh Hải đen thui, anh Hải nhà quê, nhưng thật ra chỉ sau lần theo Kim về
nhà, ai cũng xem Hải như người anh thân thương trong gia đình vì tấm lòng thật
tánh, giản dị. Ba cô con gái đầu đang tuổi nhởn nhơ cho người ta theo đuổi, ông
bà Ba Hòa dễ tính, bạn bè thường xuyên. Nhưng với Hải, một mối thâm tình kết
màu nhanh chóng trong gia đình Kim. Có lẽ bà Ba Hòa thương Hải nhất trong những
cậu mê con gái nhà này vì Hải xa nhà, bà biết Hải cực khổ ở đơn vị. Lần nào Hải
về, bà Ba Hòa cũng làm món này món kia mời Hải. Nói là mời thì không đúng. Bao
giờ cũng vậy, bà mời như ra lệnh:
– Hải ở lại ăn cơm! Kim! Con dọn thêm chén cho anh Hải.
Và Hải sung sướng gật đầu không ngần ngại:
– Dạ!
Hải nhớ hoài hôm đầu tiên ăn cơm chiều nhà Kim. Cả nhà mười
người, sáu đứa con, ba má, chị Hai Cao người làm chung thủy và Hải ngồi quanh
cái bàn tròn không lớn lắm. Hải bỡ ngỡ trong lối nói chuyện cởi mở của gia đình
Kim, trong không khí bữa cơm đơn sơ. Ai cũng đem chuyện trường, chuyện lớp ra kể,
chuyện mình chọc thầy cô, bạn bè, chuyện vui trong lớp. Cứ người này nói tiếp
người kia, người này chuyển đề tài, người kia hưởng ứng theo, nói đó rồi quên
đó. Khác hẳn với những bữa ăn trưa ở quê nhà, chỉ có mình Hải với mâm cơm nóng
và má Hải ngồi kế bên để chăm sóc Hải một cách kín đáo, để múc thêm tô canh bí,
để múc thêm khúc cá ngừ kho… Hai má con hầu như chẳng nói với nhau một lời
trong suốt bữa cơm.
Ông bà Ba Hoà giản dị trong cách đối xử với con cái nên cả
nhà nói chuyện tự do, ai cũng góp chuyện, ai cũng có lời bàn bạc. Bản tính người
Nam gần gũi, không câu nệ phép tắc trong cách giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Bữa cơm, các con không mời ba má, chỉ chờ ba má cầm đũa bưng chén cơm là mọi
người bắt đầu. Câu chuyện cũng không biết do ai mở màn cũng được mở màn.
– Ông thầy Trường đẹp trai mà giảng bài chán như cơm nếp.
– Cơm nếp mà chán. Sáng chị Hai Cao nấu một nồi xôi trắng, ăn
với nước mắm nhỉ dầm ớt xiêm, thử coi có chán hay không.
– Ờ, nói chuyện cơm nếp, người Bắc làm tàng, xôi thì kêu là
xôi đi, bầy đặt phân biệt cơm nếp với xôi, cũng là nếp hết.
– Do cách nấu khác nhau. Ngoài Bắc nghèo thấy mồ, thóc gạo hiếm
hoi mà bầy đặt chê chán như cơm nếp.
– Chuyện thầy Trường sao lại kéo qua chuyện cơm nếp nhanh vậy.
Em nghe mấy chị khen thầy Trường đẹp trai, cao ráo, đi cái xe hơi láng lắm mà,
du học ở Pháp về mà.
– Xe láng là một chuyện, du học ở Pháp về là một chuyện, kiến
thức cao mà dạy chán là một chuyện. Đẹp trai, cao ráo mà giảng giọng phè phè là
một chuyện.
– Tại môn học chán hay ông thầy giảng chán?
– Người thầy giỏi là người biết biến môn học chán thành môn học
thích thú.
– Thế Phương mê thầy Trường mà lại chê môn của ông ta, vô hậu!
– Em mà mê ông Trường! Chị chưa nghe tục ngữ này sau: Lấy chồng
thầy giáo lấy cùi sướng hơn.
– Ăn nói không ngó trước ngó sau, trong nhà này có người sắp
làm cô giáo.
– Cô giáo chứ không phải thầy giáo. Còn mấy thầy giáo bạn Kim
là loại thầy giáo trốn lính, còn tệ hơn nữa.
– Gia đình cháu Hải có mấy người con?
– Dạ năm người, con là con út. Ba má con trọng tuổi rồi.
– Phan Thiết nổi tiếng nước mắm ngon. Nhà cháu có làm nước mắm
không?
– Dạ không. Gia đình con người làng quê, sống bằng ruộng vườn.
Ba má con yếu rồi nên chuyện ruộng nương ba má giao cho các chị các anh.
– Anh Hải biết cày ruộng không? Tưởng tượng đi, hi… hi… con
trâu đi trước, anh Hải cầm roi theo sau, bùn văng cùng mặt. Anh Hải biết sao
không, lấy cây chọc mạnh vô đít con trâu là nó hoảng hồn, nó kéo cày lẹ lắm.
– Bây giờ Hoàng hỏi anh mới biết là anh chưa đi cày lần nào cả.
Hôm nào về Phú Long, anh thử làm như Hoàng chỉ, chắc cày lẹ lắm đây. Đúng ra là
nhà anh không có nhiều ruộng lúa nhưng có nhiều vườn trái cây.
– Vườn trái cây? Đúng tim đen tụi em quá. Vườn trái gì anh Hải?
– Vườn soài, vườn xa bô chê, vườn bưởi, vườn chuối, vườn cau…
– Gì mà nhiều thứ quá vậy, ăn làm sao hết.
– Khờ chưa, người ta trồng trái cây để bán chớ bộ để ăn sao.
– Ăn trái cây mút mùa hả anh Hải?
– Ờ, mút mùa, mùa nào cũng có.
– Em mê vườn cây nhà anh Hải rồi.
– Không phải một vườn đâu nghen.
– Sao Kim biết rành vậy?
– Lúc này Hạnh thực tập ở bệnh viện Nguyễn Văn Học xa quá,
sao con không ở lại ăn trưa ở canteen.
– Dạ, cơm canteen chán ngáy.
– Cơm toàn là mùi thuốc tây chớ gì? Kho cá chắc bà bếp bỏ
thêm thuốc tím cho đậm đà.
– Còn nước mắm thì pha thêm thuốc đỏ.
– Canh nấu bằng nước bình sirum… ha… ha… bổ dưỡng dữ đa.
– Hi… hi… tại anh Tâm không ăn ở canteen chớ gì.
– Hoàng, chút nữa con đi học võ nhớ đem theo chai nước hột é
má làm để sẵn trong tủ lạnh, đừng xin tiền chị Hai Cao mua nước ở ngoài đường,
bụi bậm.
– Nước hột é, nước lừ ư hoài con ngán quá, lần tới chị Hai
Cao làm cho em nước sirô nghen.
– Hết sirô rồi, hôm qua có bạn lại chơi, Loan làm nước sirô
đãi bạn, hết trơn.
– Bộ cả lớp lại chơi hả?
– Nhỏ Loan này chuyên rủ bạn lại nhà bày đặt làm hết món bánh
này đến món bánh kia mà mấy chị có được hưởng chút nào đâu, ăn sạch trơn.
– Còn thèm, nói chi đến chuyện để dành cho mấy chị.
– Kệ, cho em tập làm.
– Tập làm thì cũng phải tập dọn dẹp. Bày ra làm thì hăng lắm,
đến chừng ăn xong rồi mạnh người nào người nấy dông về. Chị Hai Cao này dẹp đừ
luôn.
– Lần sau con nhớ dọn dẹp sạch sẽ nghen Loan.
– Dạ.
Câu chuyện trong bữa cơm chiều nhà Kim cứ thế mà tiếp nối
nhau từ người này sang người khác, cho đến dứt bữa cơm. Mấy ông thầy, cô giáo
là được mang ra thảo luận, chọc là nhiều nhất. Ngày nào cũng có chuyện phê bình
thầy cô, chuyện vui về giờ học, về một bạn khờ khạo nào đó. Ông bà Ba Hòa cố gắng
bênh vực thầy cô nhưng khó mà che chở được vì lũ con có đủ mọi cách để chọc, để
phê bình. Có thương, có kính, thì không kể ra, nhưng phê bình, chọc thì đem ra
thường xuyên.
Hai tô cơm lớn được bới đầy liên tục. Bữa cơm không thịnh soạn.
Canh rau nấu với thịt giã nhuyễn vò từng viên nhỏ, cá chiên ăn với nước mắm ớt,
giá xào hành mỡ. Tráng miệng là một tô lớn gồm những củ sắn trắng tinh mượt mà
tròn trĩnh lớn hơn trái banh bóng bàn một chút, ngọt thanh, dòn dòn vì đã được
để trước trong tủ lạnh. Cơm xong, mạnh ai nấy đem chén xuống bếp, bỏ vô thau, Hải
cũng vậy, không ai chỉ giúp Hải cả.
Tối xuống nhanh, cả nhà ngồi xem TV, người ngồi sô pha gỗ nâu
đỏ không nệm, người nằm dài trên cái divan, người ngồi trên ghế bố, con bé Út
nhảy lên lòng anh Hải ngồi, móc lục túi áo, nũng nịu:
– Anh Hải không có kẹo gì hết trơn.
– Làm như chị Kim không bằng, kẹo trong túi áo túi quần, kẹo
trong giỏ, kẹo trong cặp… Để anh nhớ anh mua cho Út.
– Anh Hải đừng chiều Út! Út này răng rụng gần hết rồi đó, sắp
được mang tên Út Sún nhưng còn thấy tội, chưa làm lễ tuyên dương.
Ba Kim, ông Ba Hòa xoay nhìn Hải, hỏi giọng nghiêm trọng:
– Cậu Hải có vợ chưa?
Cả nhà nín thở. Các con không ai nghĩ đến điều đó. Hải hơi ngẩn
người vì câu hỏi quá trực tiếp, quá đột ngột sau bữa cơm thoải mái trong không
khí gia đình đầm ấm. Hải trở lại nhanh trạng thái bình thường, trả lời cũng
nghiêm trọng:
– Dạ chưa.
Không khí hơi ngượng ngập vì đó là một câu hỏi mà lũ con chưa
hề thắc mắc, ngay cả Kim. Nay nghe ba hỏi, nghe Hải trả lời, ba cô con gái lớn
mới hiểu tầm nghiêm trọng của vấn đề. Một vấn đề bỗng nhiên được phơi bày một
cách đột ngột và một ý tưởng mới lạ manh nha. Nằm dài trên divan bên cạnh
Phương, Kim chống cùi chỏ, hai bàn tay nâng gương mặt, giả đò xem TV, tránh ánh
mắt Hải thỉnh thoảng từ sofa tìm mắt mình. Kim không hiểu chính mình, chẳng
vui, chẳng mừng, không hiểu tại sao, chỉ cảm thấy ngượng ngùng vì chuyện mình
quen biết với Hải trở nên khá quan trọng dưới mắt nhìn của ba má. Ông Ba Hòa
như đã an tâm, với tay lấy bịch thuốc Boston gõ gõ, đưa mời Hải.
Má Kim chuyển đề tài, thân mật hỏi:
– Cháu có thường về Phan Thiết thăm gia đình không?
– Dạ, từ Tết đến giờ con chưa về lần nào. Chị Tư có vô Gia
Ray thăm con hồi con đóng trại ở đó.
Phương, chị kế Kim, phá tan bầu không khí bỗng dưng trở nên
yên lặng ngượng ngạo một cách đột ngột, quay qua chọc Hải:
– Thời giờ đâu mà anh Hải về thăm cha yêu mẹ quí. Em Kim bỏ
cho ai? Em tỉ tê, em làm thơ than thở, em làm thơ nhớ nhung, em điệu hạnh, em bắt
đền… ai mà chịu cho thấu. Có được ngày phép nào là lặn lội về Sài Gòn, còn nhảy
dù về nữa. Chắc thế nào cũng bị xếp phạt mà đâu dám kể cho em Kim nghe. Anh Hải
mắc nợ em Kim nhà mình mà anh Hải không biết. Anh Hải đừng tin miệng lưỡi em
Kim nhà này. Cây viết thì nói nhớ nói nhung, dòng chữ thì than héo hắt mà đôi
chân thì đi chơi với bạn từ sáng đến chiều, thì giờ đâu mà biểu là …Em gởi lời
thơ theo gió lộng – Biến câu thương nhớ thành yêu thương – Hòa theo mây trắng về
phương ấy – he… he… Mây che nắng gắt… he… he… biến thành mưa lũ… he… he… chắc để
anh Hải trôi từ núi về với em… he… he …mưa nhiều quá coi chừng anh Hải trôi lạc
ra sông Đồng Nai, trôi ra biển… he… he… trôi về Phan Thiết luôn… he… he…
Mặt đỏ bưng, Kim bật ngồi dậy, quắt mắt quay nhìn bà chị kế,
trả đủa:
– Té ra chị đọc lén thư em hén. Mai mốt anh Thiện lại chơi,
em xúi thằng Hoàng đem mấy con chuột con đỏ chét mới đẻ để trên bàn mời anh Thiện Bắc Kỳ
“xơi” món tủ của người đẹp, món chuột tơ đỏ hỏn. Cho chị hết làm dáng làm điệu
ta đây hiền thục, cho chị la hét, cho mặt chị đỏ hơn Trương Phi, cho anh Thiện Bắc Kỳ
sợ đám em nhà này, cho anh Thiện Bắc Kỳ Ăn Cá Rô Cây không dám tới nữa. Hừm…
trước mặt mấy anh thì yểu đa yểu điệu, về nhà thì ăn hiếp em, còn dành ăn với
em nữa chớ.
– He… he… có em để ăn hiếp, để dành ăn… mới oai chớ…
Hải cắt ngang, giả giọng âu yếm hỏi Kim:
– Sao Kim không tự đem món “chuột-tơ-đỏ-hỏn” mời anh Thiện mà
lại xúi Hoàng?
– Ha… ha… trời phạt! Gậy ông đập lưng bà. Em Kim mà dám ngó tới
món chuột tơ đỏ hỏn thì trời sụp luôn. Ngó còn chưa dám. Anh Hải còn biểu bưng
cái dĩa có mấy con chuột tơ đỏ hỏn thì em Kim nhà mình chỉ có nước đứng trời trồng
như khi Từ Hải mắc kế Hồ Công ngoài chiến mạc. Còn đôi chân thì ha… ha… ướt nhẹp
. Anh Hải hỏi kiểu đó là em Kim nhà mình cứng họng. Ha… ha… anh Hải biết món tủ
của em Kim là gì không? Là cái đuôi thằn lằn bị đứt mà còn quậy quọ đó anh Hải.
Kim tức tối lườm Hải:
– À há, anh theo phe chị Phương há, chút khỏi thèm đưa ra cổng.
Biết Kim sắp sửa “có chuyện” với mình, Hải cầu hòa, hỏi:
– Kim đi với anh Hải ra Bà Hạt mua cái gì về ăn tối nha. Các
em muốn mua gì đây, cho lựa chọn tự do.
– Kem ký đi anh Hải, chừng một ký rưỡi là đủ cho cả nhà, kem
sầu riêng nghen Kim. Hãng kem ngay góc Nguyễn Biểu -Trần Hưng Đạo đó anh Hải.
– Ra tuốt Nguyễn Biểu? Anh Hải có chạy xe lạng cách mấy thì
kem cũng chảy nước khi chưa về tới nhà. Chuối nướng đi Kim, ngoài đầu đường đây
chớ mấy, nhớ lấy nhiều nước cốt dừa nghen Kim.
– Xôi vò, hàng xôi ngay con hẻm gần chợ cá Trần Quốc Toản cũ
đó Kim, xôi ở đó vừa dẻo vừa bùi, ngon lắm.
Bà Ba Hòa xua tay ra dấu cho lủ con háo ăn ngưng đề nghị. Bà
biểu Hải:
– Chuyện hàng quán thì Kim giỏi lắm, khỏi cần chỉ chỗ, khỏi cần
dặn dò. Hải mua cho mỗi em một trái chuối nướng là được rồi. Nhớ tính luôn phần
hai bác, em Hai Cao, mười trái là đủ.
– Dạ, được đó anh Hải, chuối nướng, chuối nướng nóng hổi
nghen Kim, lấy nhiều nước cốt dừa nghen Kim, nhớ xin thêm muối mè nghen Kim,
mình mua mười trái lận mà, chuối nướng đủ rồi nghen anh Hải.
Gia đình Kim thế đó, thẳng thắng thật lòng. Ba Kim thường
chuyện trò thân mật với Hải. Ông không độc tài, độc đoán, không trọng nam khinh
nữ… như Kim đã kết án ba mình trong lần đầu tiên gặp Hải, trong những lần giận ba.
Có lần ngồi uống rượu với Hải, ông tâm sự:
– Cậu thương Kim là cậu hiểu em. Bác thường mắng em Kim du
côn, ăn nói vô chừng vô đổi (đỗi), kềm kẹp cho nhu mì nhưng thực ra em là đứa
nhiều tình cảm nhất trong mấy đứa con gái của bác.
– Dạ! Kim chân thật.
– Em lo cho ba má lắm. Trưa nào cũng chờ hai bác ngủ trưa thức
dậy là lo pha nước chanh cho bác gái rồi làm cho bác ly cà phê đá đen. Hôm nào
bận đi thực tập là dặn chị Hai Cao, dặn tới dặn lui. Đi chơi cũng dữ mà chuyện
nhà cũng siêng. Chịu khó theo bác gái giao hàng, lấy hàng, đi thâu tiền… không
ngồi yên. Bạn bè thì tụm năm tụm ba cả ngày, không biết thời giờ đâu mà học, vậy
chớ năm nào cũng lãnh phần thưởng, thi đâu đậu đó. Hai bác la thét rồi cũng chịu
thua.
Ông Ba Hòa và Hải còn là đôi bạn những lúc Hải đến mà Kim mãi
lông bông với bạn bè, chưa về. Cả hai thường bàn thảo chuyện chiến sự, chính trị.
Hải phải nhìn nhận ông có kiến thức khá cao trong chiến sự và nắm vững tình
hình chính trị trên thế giới. Ông ước ao Việt Nam có được cấp lãnh đạo biết đặt
quyền lợi dân tộc lên trên hết như chính quyền Singapore, độc đoán nhưng độc
đoán cho lợi ích toàn dân. Chính phủ Singapore đã cho người dân những gì Cộng Sản
hứa, đó là việc làm, nhà ở và giáo dục, nên Cộng Sản quốc tế không có cơ hội
xúi đẩy dân làm loạn, chiêu dụ dân như ở Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam.
Ông than:
– Từ sau hiệp đinh Paris, người Mỹ coi như bỏ rơi Việt Nam, Mỹ
phản bội đồng minh, phản bội lý tưởng bảo vệ tự do dân chủ mà họ đã từng làm
chiêu bài để gây chiếm ảnh hưởng trên thế giới.
– Người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, cũng tốt, để cho lính miền
Nam chứng tỏ tài năng, nhưng phải tiếp tục viện trợ vũ khí đạn dược, nhu liệu…
Tụi Liên Xô, Trung Cộng khôn ngoan, chỉ giúp súng đạn, thuốc men, lương thực…
nên không bị chính dân nước họ xót lòng phản đối vì mất con mất chồng, không
mang tiếng đem quân đội đi xâm lăng nước người như Mỹ. Quân đội miền Nam có hết
lòng chiến đấu nhưng thiếu vũ khí, thiếu phương tiện thì coi như lấy đá chọi
voi.
– Hừm… Liên Xô… hừm Trung Cộng… hừm… tiếng là giúp chứ thật
ra là cho mượn, đòi hỏi thỏa thuận này, trao đổi kia, làm sao dân đen biết được.
Bác không ngán Liên Xô mấy. Chỉ sợ dính tới Trung Cộng là không sớm thì chày
cũng phải ký nhường miếng đất này, hòn đảo kia, có bao giờ Trung Hoa để yên cho
mình sống đâu. Chiến trường Việt Nam mình đây còn là bãi thực tập, thí nghiệm đạn
dược, vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng đó thôi. Phải chi ngay từ đầu, Mỹ dội bom
thẳng tay miền Bắc thì đâu đến tình trạng như ngày hôm nay. Nói thì nghe vô
nhân đạo. Nhưng chiến tranh mà.
– Khó lắm bác. Hà Nội là cái đuôi của Bắc Kinh. Nếu Mỹ thẳng
tay với Hà Nội thì sợ rằng Liên Xô và Trung Cộng phản ứng mạnh, có thể là mầm
móng cho thế chiến thứ ba. Thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài quá, phải đi đến một
giải pháp.
– Miền Nam thua xa Cộng Sản miền Bắc về chiến thuật ngoại
giao, không biết lợi dụng dư luận thế giới, không biết tự tạo dư luận thuận lợi
cho mình…
– Khổ vì mấy ông nhà báo lắm. Một số cây bút quốc tế đã trót
tin vào lời lừa dối của Cộng Sản Quốc Tế nên đã gây không biết bao nhiêu khốn đốn
cho công cuộc chống cộng, không phải chỉ ở nước mình mà toàn cả thế giới.
– Việt Cộng bắt bớ, thủ tiêu, dùng dân làm bình phong… mấy
chuyện này thì báo chí ngoại quốc kín miệng lắm, che đậy hết. Nhưng mỗi hành động
tàn nhẫn sơ hở của quân đội Mỹ thì chỉ năm mười phút sau là bị cả thế giới lên
án, chửi rủa.
– Dạ, cũng như vụ Mỹ Lai, Việt Cộng cung cấp tin tức cho báo
chí quốc tế, làm rầm rầm, tạo thêm thế lực cho cuộc chiến tiến Nam chống Mỹ của
họ. Còn vụ Mậu Thân thì chính quyền miền Nam chỉ biết để dân chúng than khóc.
– Báo chí ác miệng lắm, bóp méo lý tưởng chiến đấu của thanh
niên miền Nam. Biết rằng rất nhiều thanh niên bị bắt lính, nhiều thanh niên tìm
đủ mọi cách để trốn lính, nhưng cũng có bao thanh niên sống chết cho lý tưởng một
Việt Nam không cộng sản, một Việt Nam tự do dân chủ. Thế mà có mấy ai ca tụng,
có mấy ai ủng hộ. Ngay cả dân miền Nam mình đây còn có nhiều người cố tình bôi
nhọ sự chiến đấu của những người lính. Tội nghiệp thân phận người lính Việt Nam
Cộng Hòa. Bác bực mình tụi Mỹ đổi mặt thành chủ nhân, lúc đòi cái này, lúc chê
cái kia, lúc bắt tay với phe này, lúc thỏa thuận với phe kia, coi lý tưởng chiến
đấu của người lính Cộng Hòa như cỏ rác. Phải chi tụi nó cứ đóng vai giúp đỡ như
ban đầu thì dân miền Nam mình biết ơn biết mấy, thì tụi Cộng Sản miền Bắc làm
sao đặt ra được cái chiêu bài đánh Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Miền Nam
chỉ cần tụi Mỹ cung cấp vũ khí đạn dược, cố vấn như miền Bắc nhận được từ Liên
Xô, Trung Cộng, Tiệp Khắc. Phải chi tụi nó để cho người lính Cộng Hòa đóng trọn
vai trò tự vệ.
– Cháu chỉ ao ước được tranh đấu, được làm một cái gì đó cho
một miền Nam Việt Nam tự do, không cộng sản. Cháu không có những lý tưởng to lớn
là tự do cho toàn Việt Nam như nhiều thanh niên khác. Có tham gia trực tiếp mới
hiểu được cuộc chiến này, mới hiểu được nỗi khổ nhọc khốn cùng của người lính,
mới cảm thông được tâm tình người lính với cây súng trên tay trong niềm tin thật
bi đát bác ạ. Tụi cháu chỉ là cấp chỉ huy cho một trung đội, một đại đội, mọi
quyết định từ trên cao và từ trên cao hơn nữa. Nhưng cháu không bao giờ thắc mắc,
không bao giờ ân hận về con đường cháu đã chọn.
– Bác nghĩ cũng tội nghiệp cho thanh niên miền Bắc. Lòng yêu
nước, nhiệt tình tuổi trẻ bị lợi dụng bằng chiêu bài giải phóng miền Nam khỏi
ách đô hộ của cường quốc Mỹ. Giải phóng ai đây, hay chỉ gây biết bao đổ nát
tương tàn, thế mà vẫn cuồng tín chiến đấu trong mê muội.
– Không những thanh niên miền Bắc, ngay từ miền Nam, từ những
người đang sống tại miền Nam cũng bị lợi dụng bằng chiêu bài đó.
– Thời kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu được một thời
gian, bác không chịu được đường lối chính trị của Mặt Trận Việt Minh, lừa dối!
Thọc gậy! Chia rẽ! Lúc đầu kêu gọi đoàn kết các đảng phái để chống Pháp. Chiêu
bài này dụ dỗ được rất nhiều người của các đảng phái khác, những người quốc
gia. Rồi thúc gậy đâm lưng, thanh trừng… Lúc đó bác đang có cảm tình với chủ
trương của nhóm AFI, Antifascitstes Indéopendants, Độc Lập Chống Phát Xít. Cháu
có nghe về nhóm này chưa?
– Hình như là do Trung Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, nhà văn Nguyễn Vỹ
và một số bạn bè có lý tưởng quốc gia thuần túy, không nương tựa một thế lực
ngoại bang nào. Lúc đó họ chủ trương chống Nhật, chống Pháp, chống Cộng Sản cả
đệ tam lẫn đệ tứ Cộng Sản?
– Đúng đó! Và khi độc lập được rồi sẽ liên kết với tất cả các
khối quốc gia trên thế giới, trên chủ quyền quốc gia bình đẳng. Nhóm này gặp rất
nhiều khó khăn thời bấy giờ vì chống Cộng Sản mà không thân Pháp cũng không
thân Nhật, ít được ủng hộ ngay cả thành phần trí thức cũng như lao động. Nhưng
bác và nhiều bạn bè khác âm thầm ủng hộ nhóm này cho đến khi Việt Minh ló mặt với
chiêu bài đoàn kết. Hừm… đoàn kết… đoàn kết để dễ bề tiêu diệt từ bên trong,
dùng mọi thủ đoạn… tiêu diệt ngay cả phần tử trong nội bộ của họ. Bác bỏ về
thành, không làm việc cho Pháp, làm cho một hãng thuốc tây tư nhân ở Cần Thơ mặc
dù gia đình quê ở Long An. Một vài tháng bác mới vể thăm nhà. Cho đến năm 1954,
trước khi đình chiến và chia đôi đất nước, em Kim ra đời. Bác thương con gái vì
thời gian bác gái mang thai em Kim thì bác đi làm xa, bác không có mặt khi em
Kim ra đời. Có thể vì thế mà bác thương đứa con gái chịu nhiều thiệt thòi này
hơn. Hay là tại em Kim giống ông nội đã mất từ lâu, giống từ cánh mũi hinh hỉnh
đến tay chân dài lượt thượt. Bác trở lại Long An, gia đình dọn lên Sài Gòn từ
đó.
Hải hội nhập dễ dàng vô gia đình Kim vì tính tình giản dị của
má Kim, vì cái nhìn về chiến tranh Việt Nam của ba Kim thích hợp với lý tưởng
chiến đấu của Hải. Hải tìm được những giây phút bình an thong thả trong không
khí gia đình ấm cúng đầy yêu thương vì chị em Kim xem Hải như người anh lớn
trong gia đình. Vai trò này hình như làm Hải cảm thấy mình quan trọng bởi Hải
là con út trong gia đình mình. Hải được nuôi ăn học hơn các anh chị nhưng Hải vẫn
chỉ là một người em út trong gia đình Trần Ngọc. Và cũng vì ông bà Ba Hòa có những
cái nhìn rộng rãi về giới trẻ ngày nay cho nên chị em Kim ai cũng được tự do
giao du bạn bè. Gia đình không giàu có nhưng cách giao thiệp thật lòng từ ba má
đến con cái nên nhà hầu như lúc nào cũng có bạn người này, bạn người kia đến
chơi. Gia đình này đã tạo con người Kim chân tình nên Hải quí mến gia đình Kim,
cảm thấy mình may mắn.
Tháng bảy, một chín bảy mươi bốn
Hải đến như đã hẹn, nhà im lặng trong giấc ngủ trưa ngắn. Kim
chờ sẵn, dắt xe ra, không kịp để Hải chào ba má. Thấy Kim có vẻ không vui, Hải
chiều theo. Trên đường đến Ngã Bảy, Hải đề nghị:
– Mình đi Hiển Khánh nha!
Kim dạ nhỏ rồi để hai tay hững hờ trên đùi Hải. Suốt đoạn đường
còn lại, Kim im ỉm phía sau. Hải hiểu, chờ dịp khơi nguồn. Dọc xuôi con đường
Phan Thanh Giản một chiều, tiệm chè Hiển Khánh nằm phía trái. Dựng xe, đi vào
quán, Hải nắm nhẹ bàn tay Kim. Hải cười thầm khi Kim vùng vẫy không để Hải giữ
tay mình khi bước lên bậc thềm cao. Hải hiểu Kim đang giận con cá nào ở nhà nên
chờ có cơ hội là chém xuống. Hải kiên nhẫn chờ. Vừa đặt xong hai ly chè thạch đậu
xanh đá, Kim kể liền:
– Hồi nãy em xin ba đi học võ, ba không cho, ba nói :”Con gái
mà đòi học võ, con Kim mà học võ thì nó đem đầu máu, tay gãy về cho má mày
nuôi, …” Không cần hỏi lý do tại sao em muốn học, cái gì ba cũng nói con gái
mà, con gái mà… bộ con gái là không được làm cái này, không được làm cái nọ,
con trai cũng có nhiều thằng ngu như bò, nhát như thỏ.
Quá quen với lối ăn nói du côn mỗi lần Kim giận ai, Hải hỏi,
giọng vuốt ve đùa cợt như những lần trước:
– Mà em đòi học võ chi vậy? Nội võ mồm của em cũng đủ thiên hạ
sưng mông, chảy máu môi rồi. Bộ có ai thách Kim hả? Có cần anh phụ không?
Kim lườm Hải, không cười đùa theo như mọi lần, phân trần:
– Chiều đi bơi về, em hay bị tụi nhóc du côn chạy xe theo chọc
giỡn, cười hô hố. Em mà có võ, em đạp cho một cái là hết chọc, thứ du côn…
Hải giựt mình, hỏi:
– Tụi nó chạy xe gì mà em đòi đạp?
– Thì Honda hay Suzuki gì đó. Bộ em phải coi tụi nó chạy xe
gì trước khi em đạp hả?
Hải dơ tay cao, lắc đầu, đùa tiếp:
– Trời đất! Em chạy xe PC, cái xe yếu xìu, làm sao em đạp tụi
nó được. Em chưa đạp là tụi nó bắt chân em, bẻ cho trẹo giò. Có cái bê đan xe,
em không chịu để chân, lại gát chân kênh sườn xe, chạy xe kiểu đó tụi du côn
theo là phải. Du côn theo du côn là đúng rồi, hợp quá mà.
Hải không để ý gương mặt Kim nóng bừng. Giống như dòng suối
ngầm đang sôi sùng sục trong lòng đất, Kim rút hai tay xuống dấu dưới gầm bàn.
Hải bồi thêm:
– Mà này!
Không có tiếng trả lời. Hải tiếp tục:
– Chắc chắn nhứt là em viết trên lưng mấy cái áo thun của em
hay mặc đi bơi hàng chữ: “Đã yêu anh Hải”, thật to thật đậm thì không thằng du
côn nào dám theo em hết.
Dòng nước nóng bựt thoát khỏi mặt đất, phun vòi cao, lan mạnh,
vỡ bờ, tàn phá mọi cây cỏ tươi xanh, Kim trợn mắt nhìn Hải:
– Em nói em yêu anh hồi nào? Em nói hồi nào, anh kể rõ ngày
tháng đi. Em mà yêu anh cho trời sụp luôn. Gốc nhà quê, thân lính rừng rú mà
ham.
Hải chưng hửng, mặt nóng bừng bừng, dòng phún thạch sôi sùn sụt
trong lòng núi, phun mạnh, phun không định hướng:
– Ai cần em yêu.
Kim đứng phắt dậy:
– Em đi về.
Dòng phún thạch đỏ rực tràn khỏi miệng núi, chảy dài xuống
triền núi, tiêu hủy tất cả mọi sinh vật. Hải không thèm nhìn mặt Kim, trả lời dấm
dẳng:
– Em có xe mà!
Kim đi thẳng một mạch ra vỉa hè trước tiệm chè, hằn học ngồi
lên yên xe, tay bóp e, chân đạp vài vòng. Xe nổ máy, Kim dùng hai chân đẩy mạnh
cho bàn chống gấp lại, rồ ga, không ngó trước ngó sau, phóng nhanh xuống đường,
dọc đường Phan Thanh Giản một chiều, chạy về hướng chợ Vườn Chuối.
Hải lì lợm không giữ lại, không gọi theo. Anh ra đường đón xe
Honda thẳng lên một cái bar nào đó ở Nguyễn Thông.
A Young Lady with Lotus - tranh Hồ Thành Đức
Chiều ấy, Hải uống và uống, ngồi một mình, uống, lầm lì. Dòng
phún thạch tiếp tục lan, tiếp tục đốt cháy mọi sinh vật, mọi cây cỏ xanh mát dưới
chân núi. Đến khuya, Hải theo một cô gái về nhà cô, rồi không còn biết trời đất
gì nữa. Hải chỉ nhớ mình giận dữ, mình hằn hộc, rồi mình ngủ đi trong giấc mơ nặng
nề. Trưa sáng hôm sau, tỉnh dậy, nhìn cô gái đang ngồi đánh phấn trước bàn
trang điểm, Hải nhớ lại hết, nghĩ đến Kim, ngực thắt đau. Dòng phún thạch nguội
lạnh. Cô gái quay nhìn Hải, nhếch nụ cười thỏa mãn:
– Hôm qua anh yêu bạo quá. Lâu rồi chưa gần gái sao ông anh?
Ông anh làm gì mà cứ kêu hằn học “Trời sụp, trời sụp hả?” Cứ nhiêu đó mà nhắc
đi nhắc lại hoài. Anh ở lại đây đến chiều nha?
Hải lắc đầu, không trả lời, với tay tìm cái bóp trong túi quần
vứt trên nền gạch bông, lấy tiền để trên giường rồi giả vờ ngủ tiếp. Tư tưởng Hải
lan man:
Kim ơi! Con Chó Nâu của anh, tối qua chắc khóc dữ lắm. Em đâu
cần phải nói em yêu anh. Những ngón tay âu yếm của em, những lời nói chắt chiu
thương nhớ của em trong thư cho anh; những mừng rỡ quấn quít, long lanh ngấn lệ
khi thấy anh về bất ngờ, đứng chờ em trước cổng trường; những níu kéo nũng nịu
khi anh sắp trở ra đơn vị… Đủ rồi em! Em không cần nói, Kim ơi! Anh tội lỗi
quá! Mà em thì ngây thơ, không bao giờ biết nghi ngờ. Nếu em biết phản ứng của
anh như thế này thì em sẽ ra sao? Em có sẽ như con ốc, thu mình vào cái vỏ nâu
xinh xắn, lặn sâu xuống đáy biển, chui mình xuống lòng cát đại dương, nằm đó.
Anh hiểu em, bề ngoài em nói năng không biết sợ nhưng bên trong em mền như thân
ốc không xương, cái mềm yếu ẩn trong cái vỏ nâu xinh đẹp cứng cỏi đó. Anh biết
khi em bị tổn thương, em lẳng lặng chịu đựng, chỉ biết tủi thân. Anh thương em,
thương cái dịu dàng thầm kín, cái dẻo dai chịu đựng trong cái vỏ ốc nâu cứng.
Loài ốc đặc biệt của Phan Thiết quê anh. Chắc hôm qua Kim đến nhà Thảo Nhiên, nằm
khóc với Thảo Nhiên. Anh thương em quá Kim ơi! Nghĩ đến em, đến ngày hôm qua là
tim anh nhói đau, anh biết làm gì để tạ lại tình em đây? Không sao cho bằng.
Xế chiều, Hải đến nhà Kim. Kim vừa tắm xong, từ nhà sau đi
lên trong bộ đồ bộ màu xanh dương lợt, cổ rộng. Gương mặt Kim sáng rực dưới mái
tóc ướt được quấn cao trên đầu, ánh mắt Kim long lanh vui mừng khi thấy Hải ngồi
nói chuyện với ba ở ngoài phòng khách. Kim bao giờ cũng thế, áo quần theo thời
trang nhưng áo thun một màu, quần tây, jupe một màu và ngay cả đồ bộ mặc ở nhà
cũng chỉ một màu, không hoa, không sọc. Không biết do bản tính đơn giản hay cố
ý, Kim đã tự tạo cho mình những nét riêng biệt mà chỉ những người thân mới nhận
ra. Kim nhảy chân sáo lên gác, căn gác dành cho năm cô con gái, ngũ long công
chúa.
Kim đứng trước gương chải mái tóc còn ướt lưng lửng dài vừa
qua vai. Kim chu môi, chỉ tay vô gương, gầm gừ với nhỏ Kim trong gương: «Mi
thấy chưa? Mi du côn láo cá, ăn nói không uốn lưỡi. Ba má đã mắng mi du côn.
Con nhỏ Thảo Nhiên cũng đã mắng mi du côn. Chị Hạnh cũng đã mắng mi du côn. Chớ
đâu phải mình anh Hải mà mi tức, mi lồng lộn… Chỉ có anh Hải là chiều mi, chịu
đựng được mi, bao dung tha thứ cho mi. Không ai thương cái mã du côn của
mi đâu Kim ơi! Chỉ có anh Hải thôi. Nhưng em lỡ nói một câu động trời đó, làm
sao em gỡ ra đây…»
Hạnh và Phương đang nằm dài trên giường to nhỏ tâm sự. Nghe
Kim chỉ chỏ vô gương, nói lẩm bẩm, Phương nhăn mặt:
– Con này chắc khùng rồi đây. Ông Hải lại mà còn đứng đó chỉ
chỏ đóng kịch. Hồi hôm qua đến giờ mặt mày bù xụ, ngậm câm như hến, bây giờ hết
giận ông Hải mắt hí rồi sao?
Chị em Kim ai cũng có đôi mắt ăn tiền nhất, nên ai có mắt một
mí là bị chê mắt hí liền, mặc dù cũng có nhiều người mắt một mí nhưng to và đẹp
hơn cả những đôi mắt nâu dài của chị em nhà này. Sách vở, nhiều người ca tụng
đôi mắt nhung huyền ảo não, nhưng chị em Kim lại có những nét quyến rũ ở đôi mắt
nâu trong sáng, ở mìệng cười hết lòng. Không ai đẹp xuất sắc, nhưng dáng dấp
cao ráo, tính tình rộng rãi là ưu điểm của chị em Kim. Trong nhà phải nói là
Loan, em kế Kim, nhỏ hơn Kim năm tuổi là xinh đẹp nhất, yểu điệu nhất. Nhưng
Kim là người nhiều bạn bè, nhiều người theo đuổi nhất, đâu có ai sợ cái mã du
côn của Kim như Hạnh thường mắng, như Phương thường chê. Trong nhà, hồi trước Hạnh
“bị” mấy bà bạn của bà Ba Hoà muốn mối mai hoài nhưng không được vì Hạnh quen
Tâm cả mấy năm nay. Bây giờ đến lượt Kim, chứ không phải Phương.
Phương có dáng vẻ thanh cao, trông bề ngoài thì yểu điệu,
không tháo vát chuyện nhà, không bà nào dám rước về làm dâu nhà mình. Đúng vậy,
Phương chẳng quan tâm gì tới chuyện nhà cửa, chẳng giúp đỡ bà Ba Hòa chuyện làm
ăn, ra vô không biết làm chuyện gì mà cũng hết ngày hết tháng. Rảnh thì nằm dài
ra giường đọc sách. Phương mê đọc sách đến độ ăn cơm cũng cầm theo sách, bị ông
Ba Hòa la hoài cũng không chừa. Ông ngoại còn đặt cho Phương cái tên “ngỗng đực”
vì Phương hay mặc đồ bộ màu trắng, cả ngày ra vô kiếm cái gì ăn, không ngó ngàng
gì tới chuyện nhà chuyện cửa. Vậy mà Phương hãnh diện bảo “Ngỗng đực là loại động
vật duy nhất biết bảo vệ vợ con. Thử coi ai dám lại gần vợ con của nó, nó mổ,
nó rượt cho tởn tới già.” Phương tự cho mình là người biết ung dung chờ thời. Đẹp,
hiền, con công chức trong sạch, rồi Trời cũng chiều lòng người.
Còn Kim, tuy bề ngoài, đối với chị em trong nhà, bạn bè cùng
lứa thì Kim ăn nói vô chừng vôđổi, bị mắng du côn lất xất hoài. Nhưng đối với
người lớn tuổi, bạn bè của ông bà Ba Hòa, Kim lễ phép, một dạ hai thưa, rảnh
rang là phụ má đi giao hàng, đi thu tiền hàng, phụ chị Hai Cao chuyện bếp núc
nên mấy bà bạn hàng của bà Ba Hòa bắt đầu nhắm Kim chứ không nhắm Phương là vậy.
Bà Minh Thành ở Đà Lạt, bạn hàng của bà Ba Hòa ngắm nghé Kim cho cậu con trai
út đang học năm cuối trường Chiến Tranh Chính Trị. Cứ có dịp là gởi xuống Sài
Gòn cho chị em Kim giỏ mận đỏ hồng chua chua, bịch khoai lang mật khô ngọt thấm
cổ. Hôm Kim lên Đà Lạt thay mặt ba má dự đám cưới chị Hồng, con gái bác Minh
Thành. Đêm trước khi đưa dâu, bà Minh Thành chỉ căn nhà kế bên, nói với Kim,
trước mặt những người con khác: “Căn nhà này bác chia phần cho thằng Thành, con
ra trường xin về Đà Lạt, làm dâu bác nghen.” Kim xấu hổ, mặt nóng bừng, lắc đầu
quầy quậy: “Con còn đi học mà, học hoài thôi.” Cả nhà cười ầm vì lối trả lời trẻ
con. Ánh mắt Thành, nửa nghịch ngợm nửa âu yếm càng làm Kim ngượng, Kim càng bướng,
nói tiếp: “Đà Lạt xa Sài Gòn lắm, xa ba má. Con không thích ở Đà Lạt” Sáng hôm
đưa Kim ra xe đò trở về Sài Gòn, Thành nhìn Kim đăm đăm rồi nói: “Anh mến Kim,
anh viết thư cho Kim, Kim chịu trả lời thư anh nghen. Đừng quan tâm đến lời má
anh.” Kim phụng phịu cằn nhằn: “Bác hỏi gì mà hỏi kỳ quá hà! Kim quê quá!“
Không biết ai đó trong gia đình vô tình nhắc đến tên Thành, chọc Kim trước mặt
Hải: “Nhỏ Kim mà làm dâu Đà Lạt là nhà này có khoai lang khô mật ăn mút mùa, có
dâu mận đầy tủ lạnh.” Kể cho Hải nghe chuyện này, giọng Kim không một chút phân
trần, như chuyện của người bạn, người chị. Lời Kim vô tư kể đâm từng vết nhói
đau những đêm Hải thao thức tìm kiếm ngôi sao Song Kim trong cái tối lặng yên
giả tạo.
Chừng nhận ra hai bà chị đang nằm tâm sự trên giường, Kim mắc
cở, ngúng nguẩy:
– Xuống thì xuống chứ sợ ai.
Từ trên gác xuống, nheo mắt nhìn Hải, Kim đi thẳng ra bếp
giúp má và chị Hai Cao làm cơm. Ngồi nói chuyện với ông Ba Hòa mà lòng Hải nôn
nôn nao nao, cứ lắng nghe tiếng Kim cuời nói đùa giỡn với chị Hai Cao, đầu óc bồng
bềnh với ý muốn nhìn sâu vào mắt Kim nói lời tạ lỗi, muốn nhìn Kim cười, muốn
nghe Kim mắng: “Anh Hải ba gai, bắt đền anh!” Trả lời cầm chừng với ông Ba Hòa,
nghe tiếng bà Ba Hòa dặn Kim:
– Con dọn thêm chén cho anh Hải ăn cơm luôn.
Rồi bà nói vọng lên:
– Con ở lại ăn cơm nghen Hải.
Hải mừng thầm, trả lời không ngần ngại vì đã quen với cách mời
giản dị thân mật như ra lệnh của má Kim:
– Dạ!
Cơm dọn ra, cả nhà chín người, thêm Hải là mười, ba má, con
cái, người làm, khách, ngồi quanh cái bàn tròn không to lắm. Không có cảnh con
mời bá má như những gia đình khác, các con chỉ chờ ba má cầm đũa gắp con tôm
rang là tất cả bắt đầu và câu chuyện thường ngày cũng bắt đầu, không biết do ai
mở miệng trước. Và bây giờ thì Hải cũng đã góp chuyện trong những bữa cơm với
gia đình Kim. Hải ngồi kế Kim. Hương chanh thơm thoang thoảng từ mái tóc mới gội.
Kim gắp cho Hải con tôm ram, bỏ thêm mấy cộng ngò, một lát ớt, âu yếm dục Hải:
– Anh ăn đi!
Hải cảm động, luồn tay xuống bàn, nắm lấy bàn tay mềm mại
cũng vội bóp chặt, ấn mạnh. Ôi, Hải muốn ôm đầu Kim vào lòng mà hôn lên mái tóc
còn ẩm ẩm hương chanh thơm ngát. Hải thầm nói với mình: “Anh thương em không biết
để đâu cho hết. Anh tội lỗi mà em thì ngây thơ trong sạch quá, em bao dung, em
chân tình, anh biết làm gì để chuộc tội đây.” Dưới bàn, hai chân dựa nhau.
Suốt bữa cơm.
Kim đưa Hải ra cổng, níu cánh tay anh, chần chừ như muốn nói.
Hải vòng tay ôm Kim chặt vào người, ép đầu Kim vào cổ mình, thủ thỉ:
– Anh hiểu tình em, em không cần nói. Anh có lỗi, anh nóng nảy,
anh làm mất đi thời gian hiếm hoi chúng mình có được bên nhau. Anh yêu em. Yêu
hết lòng. Yêu trọn vẹn. Tình yêu này không bao giờ đủ cho anh, anh tham lam, đừng
buồn anh. Đừng nói! Anh sẽ không đòi hỏi nhiều ở em đâu. Chó Nâu cười đi cho
anh vui, cho anh mang nụ cười long lanh của Chó Nâu về đơn vị, đi Kim! Cười đi
Kim. Anh thương em không biết để đâu cho hết. Đừng nói Kim.
Tháng mười một, một chín bảy mươi bốn
Kim dắt xe PC màu xanh lá cây đậm, Thảo Nhiên dắt xe Yamaha
màu xanh dương đậm đi ra cổng hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vừa đi, hai cô vừa nhắc
lại chuyện anh chàng Hưng Bụng hồi nãy trong hồ bơi. Hưng Bụng đang định biểu
diễn màn nhảy chúi đầu để nhá mắt mấy em nhi nhí nữ sinh trung học, thấy Thảo
Nhiên từ phòng thay đồ đi ra, anh chàng ta lúng túng nhảy làm sao mà cái bụng
bành trắng phêu đánh cái bạch xuống mặt hồ, nước tung tóe. Kim vội lặn sâu xuống,
ôm mặt dấu nụ cười. Thảo Nhiên cũng nhún chân nhảy cái ùm xuống, lặn tới Kim,
hai cô ôm nhau bụm miệng cười, dấu mặt.
Kim đi trước, quay đầu lại, nói với Thảo Nhiên:
– Lần sau mi cứ chờ lúc anh chàng Hưng Bụng sắp sửa cái màn
nhảy chúi đầu là mi đi ra. Chừng vài lần là cái bụng sẽ nhỏ lại vì bị sức nước
ép ha… ha… ha…
Thảo Nhiên cười to, phụ họa:
– Chắc chừng đó nhiều em nhi nhí mê anh Hưng Bụng lắm ta.
– Có luôn em Thảo Nhiên hi… hi… hi…
– Còn lâu em ơi!
Chợt Thảo Nhiên kêu to:
– Anh Hải!
Hải đứng kế bên hai cô mà không ai để ý, dậm hai chân, thẳng
người, dơ tay chào hai cô theo kiểu nhà binh. Kim cuống quýt:
– Anh mới về hả? Chừng nào anh đi?
Thảo Nhiên mắng Kim:
– Sao mi ác vậy, anh Hải mới về là mi hỏi ngay chừng nào đi.
Bao giờ cũng vậy, cũng câu hỏi đó mỗi khi Hải về bất chợt.
Kim sợ Hải đi ngay rồi mình không kịp thực hiện hết những mong muốn hẹn lòng:
“Chừng nào anh về thì mình…” Hứa với lòng thật nhiều chuyện. Nhưng chừng Hải về
thì Kim chẳng còn nhớ gì cả. Đến khi Hải trở ra đơn vị thì Kim lại ân hận, lại
tự hứa.
Hải đề nghị:
– Thảo Nhiên với Kim mới bơi xong chắc đói lắm phải không?
Mình đi ăn phở Pasteur nha, gần đây, tô lớn, có thêm chả lụa nữa.
Thảo Nhiên lắc đầu:
– Em phải về, má chờ không thấy em về đúng giờ như thường lệ,
má lo. Anh Hải về là Nhiên nằm queo ở nhà một mình.
– Nhiên mà ở nhà một mình, Hưng Bụng bỏ đâu?
Thảo Nhiên trợn mắt nhìn Kim, mắng:
– Em lẻo mép, chờ chị trả thù nha em.
Kim đã đưa xe cho Hải, ngồi phía sau, dĩ nhiên là ngồi hai
bên, gác cằm lên vai Hải, nheo mắt chọc Thảo Nhiên:
– Trả thù hả? Nghe chị Kim đây:
Anh Hưng ơi! Lưng dài tốn vải
Bụng tròn quay, hết cải hết cơm .
Phở ba tô, ăn hết mình ên
Em Nhiên tui lết thết buồn… he… he… buồn tênh.
Thảo Nhiên đã nổ máy xe, chống chân, dùng hai ngón tay làm
như khẩu súng lục, chỉa bắn Kim, rồi ứng khẩu:
– Nghe đây em:
Anh Hải ơi! Mắt anh một mí
Nhìn em Chỉ, nhở tưởng em Kim
Tay em Chỉ anh hun mấy bận
Em Kim tui hận quá, đau tim!
Brocken Rocks - Hồ Thành Đức
– Thôi, thôi cho anh
Thảo Nhiên tắt máy xe, hất hàm bảo Kim:
– Mi đọc bài thơ mi mới làm hồi sáng cho anh Hải nghe. Đọc đi
Kim, bảo đảm anh Hải chịu thua tài phá thầy chọc cô của nhỏ Kim.
– Sao! Làm thơ chọc thầy à, thầy Thọ hả?
– Sao anh Hải rành quá vậy? Nhỏ Kim này chuyện gì cũng học lại
với anh Hải. Đọc đi Kim.
– Được thôi:
Viên phấn thày bẻ làm hai,
Nhắm đầu tên Định nói dai, nói càng.
Và… Thầy ui! Chán quá đi thui
Giảng hoài, giảng tới, giảng lui, giảng dài.
He… he… Bậc thang dẫn xuống lầu hai
Bẫy thầy, nghịch ngợm, dây ai dăng chờ.
Vấp chân thầy té ngay đơ,
Hai tên lửng thửng ”tình cờ” đi lên.
Đớn đau, nhăn nhó, kêu rên:
“Em ơi… đỡ hộ thầy lên tí nào!”
“Ồ! Ồ! Điều kiện trước sau,
Đỡ thầy thì được, em nào ngại tay.
Từ đây thôi giảng nghe thầy?
Đề tài bàn bạc, khoẻ thầy, vui chung”
Lắc đầu, phản đối tới cùng:
“Đỡ thầy! Chớ có làm hung làm tàng!”
Nhún vai: “ Thầy cứ nằm than…
Giờ chơi sắp hết, còn bàn trước sau”
Ngó quanh… nhỏ giọng… thì thào:
“Em ơi… cũng được! Mau mau đi nè!
Nhưng… Bàn thảo một tiếng thôi nghe!
Thầy còn phải giảng phải theo giáo trình.”
Dạ thưa thầy nói hợp tình
Bồ ơi! Giúp tớ một tay rinh thầy
Cả ba cười to, cười ngả nghiêng. Sực nhớ ra, Hải hỏi:
– Thơ chọc thầy Thọ, sao lại có tên Định nào bị thầy ném phấn
vậy
– Ha… ha… cái này là em Kim nhà mình thù dai đó anh Hải, mượn
tay thầy Thọ trả thù cho mình. Đã vậy còn chuyền bài thơ này cho tụi bạn trong
lớp đọc nữa, làm tên Định tức hộc xì dầu luôn. Lạng quạng có người kiếm điểm học
lại thầy Thọ. Mà hông sao, thầy Thọ binh nhỏ Kim này lắm, thầy binh từ cái thủa
em Kim nhà mình đứng… hi… hi… khóc hu hu giữa lớp kìa. Số là thế này, hồi sáng
tên Định vô lớp sớm, viết lên bảng một câu thơ chọc em Kim nhà mình… để coi… vầy
nè… Kim Một đâm thủng vỏ xe – Kim Hai vá áo làm le làm tàng.
– Tên Định này láu cá lắm anh Hải. Hắn cứ cố tình thô tục hóa
cái tên Song Kim. Bởi vậy thơ hắn nghe thô lỗ chưa.
– Không phải đâu, tại hắn dốt văn thơ, không biết Song Kim là
tên người yêu của Thế Lữ.
– Thôi anh xin hai cô tha cho tên Định này đi. Bài thơ bắt đầu
từ chỗ “Thày ui…” được không. Chút Kim đọc lại một lần nữa cho anh nhớ đặng về
đơn vị đọc cho tụi lính, giới thiệu thơ của các em gái hậu phương hiền lành nhu
mì.
– Ha… ha… hiền lành nhu mì… ha… ha… tội nghiệp cho ai cả tin,
khéo tưởng tượng. Cứ tưởng mấy chị tóc dài thướt tha, yểu đa yểu điệu là hiền
lành nhu mì thì chết với người đẹp. Bị lừa to! Phải canh chờ coi xét cách mấy
nàng yểu điệu nhu mì cư xử như thế nào với em út trong nhà, chừng đó mới tỏ tường
trắng đen phải trái.
– Lính mà cũng biết thưởng thức thơ nữa sao anh Hải?
– Bộ lính không phải là người sao? Bộ lính không biết thưởng
thức thơ sao? Để coi, anh có thằng bạn, thiếu úy Thọ, Võ Bị Đà Lạt đó, mới ra
trường, cũng có tài ứng khẩu làm thơ chọc thiên hạ, nhất là mấy ông cấp chỉ
huy. Kỳ tới anh phải kéo nó về chung mới được. Mặc sức cho mấy cô đấu thơ với
dân Võ Bị Đà lạt, dân văn võ song toàn đấy.
– Chừng đó nhỏ Thảo Nhiên nhà em cứng họng á khẩu cho anh
coi.
Thảo Nhiên dơ tay làm súng bắn Kim vài phát nữa rồi mới chịu
dọt xe dọc đường Phan Đình Phùng về hướng chợ Vườn Chuối.
Kim vòng tay quanh bụng Hải, dựa mặt vào gáy Hải, nũng nịu:
– Em đói bụng.
Xoa nhè nhẹ tay Kim, Hải đùa:
– Không sợ má chờ má lo như Thảo Nhiên sao?
Kim đấm nhẹ vô lưng Hải.
– Bác Thông có một mình nhỏ Thảo Nhiên, hai mẹ con gắn bó
nhau lắm. Còn em hả, tới giờ cơm có mặt ở nhà là đủ rồi.
– Nói chơi chứ hồi nãy anh có ghé nhà, bởi vậy anh mới biết
em ở đây mà chờ. Em đi chơi long dong cả ngày, anh biết đâu mà đứng chờ. Anh đã
xin phép ba má cho em đi chơi với anh chiều nay. Em khỏi về nhà.
– A! Ngon ha, đi đường tắt ta ơi. Bắt đền anh ba tô phở.
– Chó Con mà ăn được ba tô phở thì anh cũng mừng. Ăn như mèo
mà làm tàng.
Bao giờ cũng vậy. Một tô phở bò tái lớn nhất, nhiều hành tây,
nhiều hành lá, thêm mấy cuốn chả lụa, vài cặp giò chả quẩy cho Hải. Phần Kim, một
tô phở gà nhỏ, không hành, thêm cái giò chả quẩy. Hai ly trà đá, ly lớn ly nhỏ.
Kim ăn nói hùng hổ, cử chỉ vung vẫy, nhưng khi ăn thì nhỏ nhẹ như mèo. Uống
cũng vậy, phải có ống hút mới chịu. Ăn cũng chậm mà uống cũng chậm. Hải ngồi ngắm
Kim ăn, những ngón tay mảnh dẻ lén tóc qua mang tai. Bàn tay có hai móng tay được
sơn bóng thấp thoáng theo cử chỉ vén tóc nhẹ nhàng. Trong cái ngổ ngáo của Kim,
ẩn hiện những nét dịu dàng, mảnh mai dễ làm yếu lòng người đối diện. Hải muốn
vói tay qua bàn, nắm lấy bàn tay, vuốt ve, hôn. Kim ngưng ăn nhìn Hải rồi nghịch
ngợm lấy chân mang đôi giày sandale da nâu đá chân Hải dưới gầm bàn:
– Anh nhìn, em ăn không được, chút em đói lại là anh phải đưa
em đi ăn lần nữa à nhen.
Hải cười chọc:
– Ừ! Ráng ăn cho mau lớn.
– Em cao một mét sáu mươi hai mà anh còn trù cho em cao nữa
sao? Cao không cao mà lại mập ú ra chừng đó đừng chọc em Kim Mập nhá. Em ăn từ
sáng đến chiều, ăn nhiều nữa chứ mà ốm vẫn hoàn ốm, chán ghê.
– Nội cái miệng em nói không cũng hao calories lắm rồi, làm
sao dầy ra thêm được.
Một cú đá dưới bàn.
Trong quán cà phê ở đường Hai Bà Trưng, Kim vói tay qua bàn
vuốt cánh tay Hải xăn tay áo cao quá cùi chỏ, giọng rưng rưng:
– Anh ốm và đen quá, đi hành quân hoài sao anh.
Hải không kềm được, anh đổi chỗ, kéo nghế ngồi sát Kim. Hải
ôm đầu Kim, thơm lên mái tóc Kim, tìm kiếm mùi chanh thơm. Làm gì có mùi chanh
thơm, Kim vừa đi bơi về mà, nhưng Hải vẫn hít, vẫn tìm kiếm. Kim với người qua
chiếc ghế mây bỗng dưng trở nên to rộng hơn thường ngày, vùi mặt vào cổ Hải ấm,
mắt nhắm lại như muốn giữ hơi hướng quen thuộc đang lan dần lan dần làm đầu Kim
mụ mẫm, làm tim Kim như đập thật chậm, như nghẹn cứng, thật lâu. Lần những ngón
tay vào tóc Kim, ghì thật chặt, thật chặt, cố nuốt khối nghẹn đau đang chèn cứng
lồng ngực, Hải chần chừ:
– Chó Con!
Ánh mắt nâu trong ngước nhìn gương mặt người tình ẩn hiện dưới
ánh đèn chiếu mờ mờ.
– Dạ?
– Sáng mai anh phải đi sớm, công tác ở Long Bình rồi quá
giang xe về Sài Gòn luôn, chỉ để thăm em.
Kim nuốt cơn buồn tủi dâng lên không lường trước được, vuốt
ve bàn tay Hải, cúi đầu dấu những giọt nước đang lưng tròng. Tội anh quá và tội
cho em nữa, anh mới về mà! Hải lần mấy ngón tay xoa má Kim, xoa những giọt nước
mắt tèm nhem. Kim lau mặt mình trên vai Hải, nói:
– Thôi mình đi lang thang chút đi anh. Ban tối dọc Phan Thanh
Giản khúc này nhiều biệt thự có cây hoa ngọc lan, tỏa hương thơm lắm anh.
Hải chở Kim chạy vòng Phan Đình Phùng rồi ngược lại Phan
Thanh Giản. Môi Kim vờn bên mang tai Hải. Kim hít hít tìm kiếm hương ngọc lan từ
những biệt thự hai bên đường. Kim hít hít tìm kiếm mùi mồ hôi từ cổ áo nhà
binh. Tay xoa nhè nhẹ đùi Hải, tay ôm ngang ngực Hải. Kim hát nho nhỏ: Ngọc
Lan giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bông là. Ngọc Lan trầm ngát thu hương. Bờ
xanh bóng dương phút giây chìm sương…
Kim nhất định đòi đưa Hải về nhà Trí. Hải chiều và trong thâm
tâm Hải cũng không muốn xa Kim mặc dù đã gần chín giờ tối. Hồi sáng khi họp
xong, thấy còn sớm, Hải bâng khuâng không biết có nên về thăm Kim hay không.
Về thăm vài tiếng đồng hồ chỉ để Kim quấn quít , Kim níu kéo,
rồi Kim khóc thầm đêm đó. Nhưng Hải không tự chủ được, Hải cũng muốn gặp Kim,
dù vài tiếng đồng hồ. Hải chỉ muốn ngắm gương mặt hồng nâu tươi đọng nét cười
trên đôi mắt nâu dài, trên cánh mũi hinh hỉnh, trên đôi môi hồng căng bóng. Hải
chỉ muốn thơm lên tóc Kim, nắm bàn tay mảnh dẻ, được Kim ngồi phía sau xe, vòng
tay để lên đùi mình, áp má lên gáy mình, gác cằm lên vai mình, vờn cánh mũi bên
tai mình hít hít. Hải muốn nhìn Kim múc từng muỗng kem dâu, đưa lên miệng, rồi
ngậm luôn cái muỗng mê nhìn Hải kể chuyện. Hải muốn nhìn Kim đùa nghịch đòi tập
uống cà phê, lấy ly cà phê đắng của Hải đổ lên ly kem sữa, múc từng muỗng kem
loãng màu cà phê, khen ngon, bắt Hải nếm thử… Nhớ nhung thắt lòng, nhớ nhung bắt
chân Hải nhảy nhanh lên chiếc xe jeep của đại úy Thành về hướng Sài Gòn.
Bà Năm, má Trí ngạc nhiên nhìn Hải, hỏi:
– Ủa! Con về hồi nào vậy, quần áo đâu?
Hải thưa:
– Dạ, con về hồi chiều, sáng sớm đại úy Thành cho con quá
giang về Định Quán lại nên không đem theo quần áo. Trí không có nhà sao bác?
– Nó qua nhà Nguyên, chắc tối khuya mới về. Con lấy quần áo
Trí mà thay. Bác trai đi đánh cờ bên chợ bà Chiểu dễ gì xong trước mười giờ.
Bác phải đi bỏ hụi gần chợ Đa Kao. Con coi có gì trong tủ lạnh lấy cho em Kim
dùng.
Kim nhìn Hải như nhắc: «Thấy hông! Đâu có tối lắm đâu mà anh
bắt em phải về». Kim theo Hải lên căn gác rộng, nơi Hải đã ở nhiều năm với anh
Trí, gia đình thứ hai của anh. Nhìn quanh, Kim chọc:
– Sướng chưa, cả căn gác rộng mà có hai người hà. Chẳng bù
nhà em, năm chị em gái chen nhau trên căn gác chật ních, nhưng vậy mà vui. Ở
đây tự do há, anh có nằm mơ, kêu Kim ơi, hay Chó Nâu ơi cũng không ai nghe được.
Anh Trí có khi nào nằm mơ kêu tên chị Nguyên không anh?
Hải cốc nhẹ đầu Kim, Kim nghiêng đầu né, hơi hụt chân, lảo đảo,
với tay níu Hải. Đưa tay đỡ, Hải vụt ôm cứng lấy Kim. Thân thể Hải cứng rắn, đẩy
Kim lùi vài bước, đẩy Kim dựa vào bàn học, người Kim mềm lả đón nhận nụ hôn
tham lam nồng nàn. Hải hôn tới tấp lên đôi môi cũng hối hả hôn trả. Say mê, cuồng
nhiệt, nóng bỏng, quắn quýt. Nỗi nhớ nhung hơn một tháng bị dồn ép được tuôn
ra, nức nở tràn ngập như sợ không còn cơ hội gặp nhau nữa. Tình yêu thấm mặn.
Cho nhau hết. Cố nhận hết.
Đam mê. Cuồng nhiệt. Đôi môi nóng lần xuống ngấn cổ ấm. Kim
luồn những ngón tay mềm ấm trong tóc Hải khô ngắn, bấu chặt gáy Hải. Bàn tay Hải
lòn vào lưng áo thun ôm chặt thân thể Kim, tìm da thịt Kim ấm mịn. Bàn tay chai
cứng nay trở nên mềm nóng vuốt từ vòng eo mảnh mai, lần dần lên chiếc lưng mềm.
Cái xú chiêng ren mỏng bật mở, lưng Kim ưỡn cong, bờ ngực vươn cao. Bàn tay
nóng lần vòng phía trước tìm ngực Kim nhỏ chắc gọn. Bàn tay nóng bật ngược cái áo
thun mỏng, kéo cái áo thun cao lên khỏi bờ ngực nhỏ căng chắc. Hải cuối xuống,
bờ môi ấm mềm ướt tìm kiếm đầu vú hồng mơn man, nâng niu chiêm ngưỡng từng phần
da thịt mịn màn nóng bỏng. Hai cặp chân xen nhau, kèm chặt nhau. Hải co một
chân lên, cạ mạnh vào phần thân thể Kim nóng hực. Kim chống hai tay lên bàn, từng
mạch máu li ti căng căng, từng xớ thịt bừng bừng, ngực vươn ra phía trước như sẵn
sàng hứng nhận những nụ hôn đam mê kế tiếp, không dứt. Kim kêu khẽ:
– Hải, Hải ơi!
Tiếng kêu thảng thốt đam mê, tiếng kêu mời gọi, tiếng kêu hiến
dâng. Tiếng kêu làm Hải ngừng tay, cài móc áo xú chiêng cho Kim, kéo áo Kim thẳng
xuống. Anh ôm đầu Kim, cúi chà mặt mình mê đắm lên mái tóc Kim, vuốt ve vai
Kim. Kim vùi đầu vào cổ anh. Hải ôm Kim, xiết thật mạnh, thật mạnh như để cố giảm
bớt đi cơn đam mê ham muốn làm toàn mạch máu căng căng chực vỡ tung, thật cứng
như muốn cả người Kim tan biến hòa nhập trong thân thể mình, thật chặt cho hai
lớp vải thành mây hoang mê, Hải thì thầm:
– Anh yêu em quá Kim ơi, không biết để đâu cho vừa.
Hai tay vòng lưng Hải, hai bàn tay bám chặt vai Hải từ phía
sau, cả thân hình dán chặt vào người Hải, giọng Kim nưng nức đọng đầy nước mắt,
nửa trách móc, nửa giận dỗi, nửa thở than:
– Anh lâu về quá, em nhớ anh, em không muốn về.
Xúc động nhói tim, Hải dìu Kim lại cái giường sắt độc thân đặt
sát tường, dìu Kim ngồi bên mình, cả hai dựa lưng vô vách. Hải kéo Kim vào
lòng, vuốt ve cánh tay trần, thủ thỉ:
– Anh yêu em, yêu từng cọng tóc em mềm mỏng, yêu từng ngón
tay em dài mảnh, yêu nhiều lắm Kim ơi. Em không sao hiểu được tình yêu của anh
đâu. Nhiều lúc nhớ em quá, nhớ tiếng em cười, nhớ tóc em thơm, nhớ lời em hát…
anh chỉ muốn trốn bỏ tất cả, về để chỉ được nhìn đôi mắt nâu dài cười long lanh
là anh hạnh phúc, là anh vui, là anh không còn muốn gì hơn nữa. Em là nỗi bình
an thấm ngọt trong giấc mơ. Em là vùng cỏ mềm an lành cho anh tìm về nghỉ ngơi,
anh ước ao được lăn tròn trên vùng cỏ xanh êm, được ngủ vùi giấc ngủ bình an.
Anh yêu em tận cùng Kim ơi.
Kim ẻo lả vòng tay quanh cổ Hải, kéo xuống, ngã người nằm
dài. Hải ôm mặt Kim trong đôi bàn tay nóng, nằm sát bên Kim, hai chân kẹp chặt
đùi Kim ở giữa. Hôn lên đôi môi đầy mềm ấm hấp tấp hôn trả. Cuộn tròn. Nóng bỏng.
Bàn tay bắt đầu tìm kiếm. Người Kim uốn theo bàn tay nóng vuốt
ve khám phá. Kim luồn tay vào lưng áo Hải, lần mò tìm da thịt Hải, vuốt ve, tìm
kiếm vô định trên tấm lưng âm ẩm mồ hôi. Hai lớp vải áo biến thành mây hoang.
Môi trong môi xoay trở đủ chiều. Bàn tay xoa chà bờ ngực trinh nữ nhỏ chắc cứng.
Bàn tay lần xuống vòng eo thon. Bàn tay chạm phải dây nịt quần xiết quanh vòng
bụng phẳng băng. Bàn tay lần luồn tìm khuy mở. Kim cong rúm người, khép chặt
hai đùi. Phản ứng tự vệ tự nhiên của người nữ chưa biết cho, chưa biết mời gọi,
làm bàn tay nóng ngưng lại, nắm lớp áo thun đã cuộn tròn cao khỏi bờ ngực, kéo
xuống. Trườn thẳng người nằm dài trên Kim, hai tay Hải ôm đầu Kim ghì chặt vào
cổ, hít một hơi dài, thật lâu. Hải đổi thế nằm nghiêng người, cánh tay lòn dưới
cổ Kim, xòe rộng bàn tay vuốt xoa cả gương mặt Kim mê đắm, ngắm. Mắt nhắm hờ,
gương mặt Kim nương theo bàn tay vuốt xoa. Hải thở hắt, tiếng thở nghe như tiếng
nấc tức tưởi. Ngồi dậy, Hải đứng bên giường, dơ tay kéo Kim đứng lên theo mình,
ôm vai Kim, Kim lả người theo vòng ôm. Cơn đam mê chưa dứt. Nỗi cuồng nhiệt chưa
bộc hết năng lực. Như khối thịt không xuơng, Kim dựa hẳn người vào Hải, để mặc
Hải dìu đôi chân không hồn xuống cầu thang tối.
Hải hỏi:
– Em khát không, mình tìm coi trong tủ lạnh có trái cây không
nha.
– Dạ!
Tiếng Kim nhẹ như gió, lạc lõng, không hồn. Cầm quả mận đỏ lạnh
mát trong tay, cơn lảo đảo chưa dứt làm người Kim thẫn thờ, dựa hẳn vào Hải. Đứng
yên một lát lâu, Hải dục Kim:
– Khuya lắm, anh đưa em về rồi anh đón xe Honda trở lại. Anh
không muốn em chạy xe về một mình bây giờ. Nghe lời anh!
Lòn tay mở chốt cổng phía trong, dắt xe vô sân, ánh đèn từ
phòng khách còn sáng. Hải biết ông Ba Hòa đang theo dõi trận võ đài trên truyền
hình thường chiếu vào giấc khuya, vẫn còn ngồi đợi Kim. Bao giờ cũng vậy, kiên
nhẫn trong tin yêu. Chung quanh yên lặng.
Hiểu tấm lòng cảm thông yêu mến, hiểu lòng tin tưởng của ông
bà Ba Hòa dành cho mình, Hải dựng xe trên sân xi măng. Không muốn làm phiền mọi
người trong nhà, Hải quay trở ngay ra cổng, vuốt nhẹ tóc Kim, thì thầm: “Anh
đi…” Tiếng thì thầm nghẹn cứng, những ngón tay mềm quấn quýu bấu cánh tay Hải.
Kim lại theo Hải ra cổng. Không một lời giã từ, sợ không dám nói lời giã từ.
Khi chùng chằng chia tay, bỗng nhiên Kim cắn mạnh vai Hải như
trút hết nỗi thương yêu dồn nén, nỗi cuồng nhiệt bị dồn ép. Kim quay bước nhanh
vô nhà, dấu dòng nước mắt đang thấm mặn môi, không để Hải thấy mình khóc.
Hải thửng thờ nhìn theo, lòng nặng trĩu. Kim giơ cánh tay phải
chùi gò má phải, lại giơ cao cánh tay trái chùi gò mái trái. Không quay lại. Hải
luồn tay vào phía trong cổng, khóa lại, nhưng vẫn ngóng nhìn lên khung cửa nhỏ
từ căn gác gỗ. Chờ hoài không thấy ánh đèn, Hải nuốt cục đá nằm chấn ngang
trong cổ họng, đi.
Hải và Trí chuyện trò đến khuya. Hải thở dài tâm sự:
– Kim chân tình và đam mê, tao sợ Kim khổ. Thân lính tráng
không biết sống chết ngày nào. Lỡ tao có bề gì, Kim làm sao đây. Tao không lo
cho tao, tao chỉ nghĩ đến Kim. Tao không dám hứa hẹn gì với Kim. Yêu tao, Kim
chịu nhiều thiệt thòi, tao không có gì hết. Tuổi trẻ Kim. Tương lai Kim.
– Tụi mày may mắn, tụi mày yêu nhau hết lòng, hãy nắm lấy và
nuôi dưỡng cái hạnh phúc đang có trong tay. Biết bao nhiêu người lính có người
yêu, có vợ, đừng bi quan. Tao với Nguyên, gần nhau đây, muốn gặp nhau lúc nào
cũng được, tương lai hai đứa bình an như nắm trong tay mà bây giờ không còn gì
nữa. Gia đình thằng đó và gia đình Nguyên quen thân từ ngoài Bắc, cùng dòng đạo.
Nó du học về thăm, tao mới biết ra.
– Thằng đó có đạo nhưng có ngon hơn mày chút nào đâu, cứ mang
tiếng du học là bảnh lắm sao, chưa chi mày đã ngán. Thôi thì mày cứ vô đạo đi,
mai mốt bỏ đạo cũng không sao.
– Mày nói giỡn. Tao thấy gương ông Trân mà sợ. Chị Thi bị gia
đình làm áp lực, ông Trân cứng đầu chống đối vì thấy mấy đứa nhỏ không được
phép cúng lạy ngày giỗ Tết. Đó là gia đình chị Thi không phải là đạo dòng như
gia đình Nguyên. Gia đình Nguyên chưa có ai lấy người ngoại đạo. Tao nghĩ nếu
Nguyên hết lòng với tao thì Nguyên không để cho người khác có cơ hội tán tỉnh,
để bây giờ phải lựa chọn. Tao không muốn là người bị lựa chọn.
– Vậy chớ sao biết Nguyên có đạo mà vẫn theo đuổi?
– Tình yêu, ai mà cân nhắc. Vả lại tao hy vọng gia đình
Nguyên rộng tính hơn.
– Có thể Nguyên bị gia đình làm áp lực?
Trí im lặng.
Đêm đó, Hải không sao ngủ được. Cả hai trên hai cái gường đơn
kê hai góc phòng, trằn trọc với nỗi niềm riêng tư. Vùi đầu vào cái gối Kim nằm
cách đây vài giờ để tìm kiếm hơi hướm. Trở người, xoa xoa bờ vai nơi Kim cắn.
Quay mặt cúi đầu cố với hôn lên dấu răng Kim, Hải ngây ngất, Hải thì thầm với
Kim:
”Người ta sao mình vậy. Kỳ phép tới, anh sẽ xin phép ba
má em. Anh không muốn em về Phan Thiết làm dâu. Ba má anh hiền lành nhưng đời sống
ở làng quê Phú Long không thích hợp với em, cô bé trưởng thành và lớn lên ở Sài
Gòn. Anh không thể tưởng tượng được là Chó Nâu của anh sẽ phải giúp gia đình
anh chuyện ruộng nương, vườn tược. Anh không muốn Chó Nâu chiều chiều lang
thang trên bờ ruộng, tựa lưng song cầu sắt, ngóng chờ bóng dáng người chồng.
Anh được hưởng một khu vườn ở Phan Thiết, anh không muốn ở
Phan Thiết. Anh muốn mua một căn nhà gần ba má em để em được ba má, hai chị
chăm lo khi anh không ở nhà. Nếu em muốn đi dạy thì anh chiều em, nhưng anh
không muốn em theo anh từ đơn vị này qua đơn vị khác, chịu khổ chịu cực với đời
lính chiến. Anh đã chứng kiến nhìều cặp vợ chồng lính, anh đã từng thấy những
cô giáo trẻ từ thành phố về làng quê, lạc lõng bơ vơ. Anh muốn em vẫn là con bé
Kim của Sài Gòn mặc dù em đã là vợ anh.
Ôi! Tiếng “vợ anh” nghe sao ngọt ngào, nghe sao đầm thấm! Tưởng
tượng đi! Một ngày nào đó em là vợ anh… Hạnh phúc này anh biết diễn tả sao cho
hết… Còn như em muốn đi học lại, ghi danh học toán ở Khoa Học hay thi vô Phú Thọ
cho thỏa mộng thì anh cũng chiều em, miễn sao em có được cuộc sống thoải mái
theo bản tính yêu người chân tình thơ ngây của em. Bởi vì anh yêu con bé Sài
Gòn trong em. Anh muốn em mãi mãi là cô bé Sài Gòn vô tư bé bỏng của anh. Anh
chỉ muốn được yêu em mà không phải mang mặc cảm lén lút, chiếm đoạt như hồi tối
này. Anh biết là em sẵn sàng, em dâng hiến, nhưng anh yêu em, anh không làm thế
được. Chính anh đôi lúc anh không hiểu sự mãnh liệt của tình yêu anh dành cho
em. Hai mươi bảy tuổi, từ trước giờ anh chưa hề yêu ai. Tình yêu đầu đời ở cái
tuổi hai mươi bảy, do vậy mà tình yêu này quá sâu đậm cho anh. Đôi lúc sức mạnh
của tình yêu đã làm anh bắt đầu nghĩ đến mạng sống của mình, một chuyện anh
chưa hề bận tâm đến. Mạng sống anh mong manh, không biết sống chết lúc nào,
thương tích ra sao, anh sợ… sợ em khổ sau này.
Chó Nâu của anh sẽ khổ! Anh không chịu đựng được tư tưởng đó.
Lời trong bài hát “Kỷ vật cho em” sao khắc nghiệt, nó làm tim anh thắt lại, đau
đớn, nát tan khi thỉnh thoảng nghĩ đến: Anh trở về dang dở đời em. Đời em dang
dở! Anh không bao giờ muốn. Kim của anh! Nhưng anh lại mâu thuẩn với chính anh.
Anh muốn yêu em công khai trong căn nhà của hai đứa mình, trên bàn học của em,
trong phòng tắm, trên sô pha… yêu em sáng trưa chiều tối, yêu tận cùng. Anh muốn
mình là của nhau, tất cả. Anh không dám hứa hẹn gì, anh sẽ thực hiện ước nguyện
của anh và anh nghĩ cũng là của em, không hứa non hẹn biển. Anh sẽ thực hiện.“
Võ Thị Điềm Đạm
Theo https://khoahocnet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét