Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Mấy dặm sơn khê

"Mấy dặm sơn khê" nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông 
và bản thu âm mới nhất 2014
Tâm tình cuối năm của tác giả ca khúc nổi tiếng trong Mùa Xuân:
“Mấy Dặm Sơn Khê” - là ca khúc không mấy ai không biết đến của một người lính Quốc Gia, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông… mang tâm hồn nhạc từ khi còn ở dưới mái trường Thiếu Sinh Quân VNCH Vũng Tàu. Mời nghe Mấy Dặm Sơn Khê - Xuân Thanh (Nguyễn Văn Đông)
https://www.youtube.com/watch?v=8b11Qrw41hU
LTS: Nhân cuộc trò chuyện để có tài liệu cho một ca khúc giới thiệu trên trang báo NVTB, bằng email nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng là người bạn của các anh em chiến hữu có thời cùng sống trong trại Suối Máu qua những tâm tình được trích đăng, để được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trả lời một số câu hỏi như:
1) Trong trường hợp nào nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã làm bài hát này?
2) Cảm hứng riêng của tác giả khi sáng tác ca khúc có nhắc tới mùa Xuân thời 1957: “Mấy Dặm Sơn Khê”… ở một vùng núi rừng Miền tiền tuyến nào tại Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
3) Tại sao nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông viết “tang trắng” hay là “giữa vùng-sương trắng” (miền sơn khê), hay là “vòng hoa chiến thắng”?

Nguồn: Báo Người Việt Tây Bắc (tháng 1-2014)
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tâm tình lúc tân niên:
Cám ơn quý anh quan tâm bản Mấy Dặm Sơn Khê. Theo yêu cầu của anh cho bài viết, tôi (nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông) ghi lại một số tài liệu sau đây:
Trước hết: Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh vào năm 1960. Trần văn Trạch sử dụng chất giọng đặc Nam Bộ, pha luyến láy làn điệu “Bình Bán” cổ phương Nam, nghe rất duyên dáng (tìm nghe: Trần văn Trạch và Lệ Thanh qua youtube hoặc Google Search). Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam, một tổ chức văn nghệ quy mô vào thời đó do bà cố vấn Ngô Đình Nhu chủ toạ, diễn ra suốt 10 đêm tại rạp hát Hưng Đạo, Thủ đô SaiGòn. Tôi nhớ khi ấy tác giả cùng Thái Thanh song ca thì nhạc sĩ Lê Thương đánh nhịp Ban nhạc Đại hoà tấu, còn nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi ngồi đàn dương cầm dạo Prélude (tìm nghe: Thái Thanh qua youtube hoặc Google Search). Sau đó một số nghệ sĩ như Hà Thanh, Hùng Cường, Tuyết Mai trình bày Mấy Dặm Sơn Khê cũng rất thành công. Thời gian sau, vào tháng 11/1961, Bộ Thông Tin ra thông báo cấm lưu hành và trình diễn 2 bài “Chiều Mưa Biên Giới và “Mấy Dặm Sơn Khê” trên toàn quốc.

Thứ đến: Lý do lệnh cấm Mấy Dặm Sơn Khê vì ấn phẩm đầu tiên có lời ca mà Bộ cho là không thuận lợi cho cuộc chiến. Đó là những phân câu sau đây:

a) Non nước ơi! Bèo trôi theo sóng đưa, hiến thân đời gió bụi…
b) Chờ mùa xuân tươi sang nhưng mùa thắm không sang…
c) Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên?
d) Chít lên vành tang trắng. Cầm tay nhau đi anh, tơ trời quá mong manh. (Đính kèm Bản lời ca 1, ấn phẩm đầu tiên bị cấm).
Xin giải thích dụng ý câu “Chít lên vành tang trắng” là chít lên vành khăn tang trắng lên người goá phụ có chồng là tử sĩ, không nhằm gợi ý trừu tượng hay ẩn dụ về “Sương trắng phủ ngang mấy dặm sơn khê” như anh đặt câu hỏi.
Thời gian sau, tôi có chỉnh sửa, đặt lại lời 2 theo yêu cầu của Nhà Xuất Bản như sau:
a) Non nước ơi! Hồn thiêng của núi sông kết trong lòng thế hệ ….
b) Chờ mùa xuân tươi sang nhưng mùa thắm chưa sang…..
c) Nhớ ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên…
d) Khoác lên vòng hoa trắng. (Ý nói đoàn binh khoác vòng hoa chiến thắng thay vì chít khăn tang trắng lên người goá phụ tử sĩ).
(Tìm nghe: lời ca 2 được phép phổ biến qua youtube hoặc Google Search).
Và qua Bản Music sheet Mấy Dặm Sơn Khê lần này được chụp hình lại và Scan bằng máy thật tốt nên có chất lượng trội hơn bản trước đã gởi anh.
Câu trả lời chót là: Trong binh nghiệp, tác giả Mấy Dặm Sơn Khê phần lớn thời gian phục vụ ở các đơn vị tác chiến, xuyên dọc qua các vùng chiến thuật, có cả vùng thượng du rừng núi Bắc Việt năm 1954, đi gần hết chiều dài cuộc chiến. Vì vậy, “Mấy Dặm Sơn Khê” có thể là phản ánh vùng núi rừng cao nguyên miền Trung hay Thất Sơn miền tây Nam Bộ mà tác giả đã từng sống và chiến đấu ở các nơi đó. Mong anh hài lòng với giải đáp này. Đính kèm theo 6 files.
Sau hết, quý anh là chiến hữu cùng trải qua nghiệt ngã ở trại Suối Máu, tôi rất mừng được gặp lại anh qua mail. Trước thềm xuân mới Giáp Ngọ, chúc anh vui khoẻ, bút lực sung mãn, gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Đặc biệt trang
NGƯỜI VIỆT TÂY BẮC do anh chủ trương thành công nối tiếp thành công hơn nữa trong năm mới.
NGUYỄN VĂN ĐÔNG - SàiGòn
bạn tù “cải tạo” Suối Máu - Sàigòn.

Tái Bút:Tôi có gởi đến anh (phần cuối bài) “Chuyện Văn Nghệ Tất Niên”.

Lời ca khúc: MẤY DẶM SƠN KHÊ (trước 1961)
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
non nước ơi, bèo trôi theo xóm đưa
Hiến thân đời gió bụi, nghìn sau nối nghìn xưa
Như giấc mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sang, nhưng mùa thắm không sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh
Anh như ngàn gió, thăm ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương,
Nước non còn đó một tấc lòng,
không mờ xóa cùng năm tháng,
mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên,
Chít lên vầng tang trắng, cầm tay nhau đi anh
Tơ trời quá mong manh
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh,
giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa
Tái bút về câu chuyện cho bài viết Tân Niên của Nguyễn Văn Đông.
Chào quý anh…
Sau khi gởi cho toà soạn các tài liệu về bản Mấy Dặm Sơn Khê, tôi có vào xem trang Người Việt Tây Bắc (qua online và Google), Tôi đặc biệt thích thú các bài vở đặc sắc viết về nghệ sĩ ỡ trang “Văn học Nghệ Thuật.” Bài của tác giả Phạm Kim viết về nhạc sĩ Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng hấp dẫn tôi từ đầu đến cuối. Tôi cho đây là bài viết hay nhất về cuộc đời sự nghiệp văn nghệ; của nhạc sĩ Anh Bằng qua ngòi bút tinh tế tài hoa của tác giả. Là nhạc sĩ, tôi cũng có ước mơ ngày nào đó, anh có hứng chấp bút viết một bài về tôi, về Mấy Dặm Sơn Khê chẳng hạn. Đọc bài về Anh Bằng, tôi quan tâm đoạn tác giả tả về đời sống phong lưu của NS Anh Bằng, giàu có bằng tài năng và chuyên cần do tự mình tạo ra. Tôi cho rằng bài viết rất chính xác. Trích đoạn anh Phạm Kim viết:
“Từ thập niên 1965-1975, với những ca khúc top hit như: Nếu Vắng Anh, Giấc Ngủ Cô Đơn, và khi sang đến hàng loạt sáng tác như Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3… ra đời cùng với các nhạc phẩm khác của Sóng Nhạc, lúc ấy Nhạc Sĩ Anh Bằng đã là người nhạc sĩ sống rất phong lưu, bằng tài và chuyên cần, tự mình tạo ra; đi lại bằng xe Toyota tư nhân mới, tiền bạc vô nhiều không kể, không nhạc sĩ sáng tác hoặc nhà văn có tác phẩm nào có thể giầu bằng”. (Hết trích) Bài viết Phạm Kim: Nhạc Sĩ Anh Bằng- Một Đời Cho Âm Nhạc, Nhìn lại sau hơn 50 năm sáng tác. Wednesday, April 3rd, 2013.http://www.nvnorthwest.com/category/arts/

Tôi là người trong cuộc, sống cùng thời, xác nhận thực tế đúng trăm phần trăm. Đó cũng là điển hình chung về đời sống vô cùng phong phú của lớp nghệ sĩ tài ba ở Miền Nam dưới chế độ Cộng Hoà. Thời gian này, Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng có hợp tác với hãng đĩa Continental và Sơn Ca của tôi. Những hợp đồng của nhóm Lê Minh Bằng ký với hãng đĩa của tôi có giá trị hằng mấy trăm lượng vàng và nhiều hợp đồng như vậy trong suốt thời gian dài ở thập niên 1965-1975 như tác giả Phạm Kim có nêu ra ở trích đoạn trên. Qua những biến thiên, vật đổi sao dời, tôi vẫn còn giử được vài hợp đồng kỷ niệm về nhóm Lê Minh Bằng và những nhạc phẩm của nhóm trên list nhạc của hãng đĩa tôi. Bằng tài năng và công sức đóng góp, Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng được hãng đĩa đền công tương xứng và có cuộc sống sung túc giàu sang là điều dể hiểu. Tôi hãnh diện có thời gian sát cánh cùng với các bạn này và làm nên điều kỳ diệu mang lại đời sống vật chất sung túc. Tôi chỉ tiếc, đúng ra là tủi thân, vì trong suốt bài viết về cuộc đời sự nghiệp Anh Bằng cùng nhóm Lê Minh Bằng, không có chút kỷ niệm nào dành cho thời gian cộng tác với hãng Continental và Sơn Ca của tôi, trong khi đồng nghiệp Sóng Nhạc thì lại được nhằc nhở trân trọng bằng những lời có cánh. Tác giả Phạm Kim có thấy tôi đòi hỏi quá đáng không, để sau này tác giả cũng viết “bù lỗ” cho hãng đĩa tôi thôi. Tôi vừa kể chuyện văn nghệ tất niên cho quý anh vui. Tôi cũng đã cung cấp tài liệu “Mấy Dặm Sơn Khê” cho anh rồi. Tôi yên tâm ăn tết.
Bạn (Tù cải tạo) Suối Máu của quý anh.

Chiều Mưa Biên Giới
Nguyễn Văn Đông
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
Người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm

Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi
Về Mái Nhà Xưa
Nguyễn Văn Đông
Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn
Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn
Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế
Qua đáy tim chưa đục sông Mê
Qua ước mơ duyên tình đơn sơ
Về đây đâu phút vui xưa sum vầy
Thềm hoang thêu nắng phượng thắm rơi đầy
Anh có nghe trong lòng thu chết
Bao lá khô phai nhạt hương đêm
Tan tác bay phiêu bạt dưới trời quên
Nơi xưa quê nghèo nhà tranh nát tiêu điều
Tình xưa không hàng gắn
Người đã xa rồi người về đâu có hay
Đâu vòng tay đắm say
Về đây mây nước đêm thâu lạnh lùng
Vườn dâu thưa lá ngại nói tương phùng
Em ái yêu trong chiều đông gió
Mang áo xanh theo chồng sang sông
Quên mái tranh quên con đò xưa.
Nhớ Một Chiều Xuân
Nguyễn Văn Đông
Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi
Chiều xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi phương trời cũ
Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng hình ai
Người về còn nhớ khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
Lòng này còn quyến luyến mãi
Đêm xuân dài mà đâu có hay
Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa xuân sang tô màu nhớ
Dừng chân trông hoa xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây
Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp
Nguyễn Văn Đông
Còn đây giây phút này
Còn nghe tiếng hát nụ cười xinh tươi
Còn trông ánh mắt còn cầm tay nhau
Ngày mai xa cách nhau
Một người gối chiếc cô phòng
Còn người góc núi ven rừng
Chân mây đầu gió
Còn đây đêm cuối cùng
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
Ngại khơi nước mắt nhạt nhoà môi em
Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Hàng hàng nối tiếp câu thề
Dành lấy quê hương
Hỡi người anh thương chưa tròn thề ước
Nhưng tình đất nước
Đâu phải khi cho mình dệt mộng thắm kết uyên ương
Phương trời anh đi xa xôi vạn lý
Đêm nằm gói súng
Chung ánh trăng nhưng đôi đường ly cách
Trong tình thương
Và xin em hiểu rằng
Dù nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay
Lòng anh vẫn nhớ tình người hôm nay
Đường đi biên giới xa
Lòng này thách với tang bồng
Đừng làm má thắm phai hồng
Buồn lắm em ơi
Còn đây giây phút này
Còn nghe tiếng hát dập dìu bên hoa
Còn trông bóng dáng ngưới mình thương yêu
Ngày mai xa cách nhau
Một người góc núi chân đèo
Còn người gối chiếc cô phòng
Đêm đông một bóng
Còn đây đêm cuối này
Đàn ai réo rắc nhạc lòng chia ly
Sợ khi nước mắt buồn người ra đi
Đường mây chân núi xa
Dù ngàn nắng lửa mưa dầu
Lòng người nhất quyết không đầu
Dành lấy mai sau
Hỡi ngươi anh thương chưa tròn thề ước
Nhưng tình đất nước
Ôi lớn lao không đành lòng dệt mối thắm riêng tư
Phương trời anh đi xa xôi vạn lý
Đêm nằm gối súng
Chung ánh trăng cho người gợi nhớ
Thương người kia

Và xin em hiểu rằng
Người đi giúp nước nào màng danh chi
Cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy
Đời dâng cho núi sông
Lòng này thách với tang bồng
Đừng sầu má ấy phai hồng
Buồn lắm em ơi
Hải Ngoại Thương Ca
Nguyễn Văn Đông
Một mùa thương kết muôn hoa lòng
Người về đây nối câu tâm đồng
Về cho thấy xuân nồng áo em
Cho tình xưa thôi cách xa
Về chung mái nhà lá
Người về đây giữa non sông này
Hội trùng dương hát câu sum vầy
Về cho thấy con thuyền nước Nam
Đi vào mùa xuân mới sang
Xa rồi ngày ấy ly tan
Tôi đi giữa trời bồi hồi
Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới
Mặc thời gian tóc pha đôi màu
Mặc đại dương sóng to mưa gào
Đàn chim bé trong làn chớp xanh
Yêu trời tự do Á Đông
Thương về đồi núi xa xa
Sắc Hoa Màu Nhớ
Vì Dân
Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi
Xác tươi màu pháo vui
Tiễn em chiều năm ấy
Xưa từ khu chiến về thăm xóm
Ngàn xác pháo lấp lánh sao hôm
Chiều hành quân nay qua lối xưa
Giữa một chiều gió mưa
Xác hoa hồng mênh mông
Đời tôi quân nhân
Chút tình riêng gửi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhưng rồi vẫn nhớ
Một trời vẫn nhớ đời đời
Phương rơi rơi trong lòng tôi

Thu vừa sang sắc hồng tô lối
Tình Thu thắm thiết quá Thu ơi
Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi
Nhớ muôn vạn nhớ ơi
Hát trong màu hoa nhớ
Tôi lại đi giữa trời sương gió
Màu hoa thắm vẫn sống trong tôi
Chiều Thu sau không qua lối xưa
Để nhìn trời gió mưa
Xác hoa hồng mênh mông

Phiên Gác Đêm Xuân
Nguyễn Văn Đông
Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi
Bấy nhiêu tình là bao nước sông
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
Trách chi người đem thân giúp nước
Đôi lần nhớ bâng khuâng
Gượng cười hái hoa xuân
Ngồi ngắm mấy nốc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh

Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương
Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang
Ngờ đâu đêm cứ đi
Chốn biên thùy này xuân tới chi
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi
Thì đừng đến xuân ơi.

Thu Hoài Cảm
Nguyễn Văn Đông
Hiu hắt sương thu pha màu lá
U ám chân mây phương trời xa
Lòng ta chạnh nhớ tới thu nào
Kết lá đếm sao chia cùng nhau
Trông lá thu rơi trên thềm cũ
Héo hắt tim ta thu lại thu
Hồn ta lạc lối giữa u sầu
Ngỡ tiếng bước ai nhẹ gót về
Thu sang sầu trinh nữ duyên bẽ bàng
Bâng khuâng tình cô lữ quán bên sông
Vì đâu mưa ngâu từ muôn kiếp
Gieo nỗi sầu đời đời chuyện trái ngang
Nơi ấy xa xăm phương trời thắm
Ai có nhớ ai khi mùa sang
Còn ta ngồi xếp lá thu tàn
Đếm mãi nhớ thương sầu lỡ làng
Mùa Sao Sáng
Nguyễn Văn Đông
Một mùa sao sáng đêm noel Chúa sinh ra đời
Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui
Quỳ lạy Mẹ Maria lòng Mẹ từ bi bao la
Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam
Từ mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này
Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi
Giặc tràn về quê hương tôi giặc diệt niềm tin Ki Tô
Lớp lớp đàn Chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao
Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại
Chênh chếch mùa sao lạc loài
Ôi những mùa sao lẻ đôi
Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào
Thương những mùa sao Hồng Đào
Ôi những mùa sao cách xa
1. Một mùa đông giá hang Bê lem Chúa sinh ra đời
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao
Lạy Mẹ Sầu Bi ban ơn người Việt cùng thương nhau hơn
Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao
2. Một mùa sao sáng ôi mùa sao chói chan muôn đời
Vạn lời truyền rao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn người Việt cùng thương nhau hơn
Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.

NGUYỄN VĂN ĐÔNG - Sài Gòn tháng 1-2014
Nguồn: http://nvnorthwest.com/
Theo https://forum.trungtamasia.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...