Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Nặng lòng phù phiếm

Nặng lòng phù phiếm

Phù Phiếm Bên Biển là tuyển tập gồm 14 truyện ngắn của Khôi Vũ do báo Tuổi Trẻ chọn đăng trong khoảng 25 năm (1984-2009). Khôi Vũ bảo :”Đếm lại, hơn 20 năm mà chỉ có 14 cái truyện được Tuổi Trẻ chọn in, càng thấy mình…kém quá. “. Anh tự an ủi: ”Dù sao thì 14 truyện đã in cũng là những trang viết với hết sức hết lòng của kẻ cầm bút này vào các thời điểm khác nhau. Nhớ lời người xưa dạy bảo: Tận lực, tận tâm thì không có gì phải ân hận“(1). Ấy là tác giả tự đánh giá ngòi bút của mình như vậy. Người đọc có thể nghĩ khác. Trong 25 năm, với bao nhiêu biến đổi, Khôi Vũ vẫn giữ được phong độ ngòi bút của mình, vẫn giữ được lòng mến mộ của bạn đọc (báo Tuổi Trẻ chọn in), thì đó là một thành công không phải nhà văn nào cũng có được. Tôi tự hỏi do đâu Khôi Vũ có được những giá trị như vậy?
Trước hết, trong nhiều truyện, anh thể hiện một tấm lòng thương yêu con người đôn hậu, đằm thắm và sâu lắng. Đó là những truyện: Người đàn bà nhặt bông sứ, Người kép hát trên xe, San hô, Trái dưa tây lép…Anh cảm thông sâu xa với Cô Năm, vì nghịch cảnh phải làm điếm nuôi con. Anh hoà mình với mọị người bày tỏ lòng tri ngộ với anh kép hát trên xe, anh đau đớn trước cái chết của người đàn bà nghèo nhặt bông sứ bị rắn cắn chết. Anh nhìn thấu nỗi xót xa của người nhạc công, anh mát xa, người hành khất, người bán bánh cuốn (San hô) trong nỗi nhọc nhằn kiếm sống. Cái tình người của anh thấm đượm trong từng câu chữ khi anh viết về họ, những con người mà trong cuộc sống xô bồ hôm nay, họ bị lãng quên.
Anh cũng có cái nhìn hết sức sâu sắc nhưng lại thể hiện bằng ngòi bút có tình khi phải phê phán những thói đời nhem nhuốc. “Sáu chân đất” bị lừa sạch vốn khi hùn hạp với “sếp” mở cửa hàng ăn uống (Lỗ mọt). Vì ghét học nên chú Kiên không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhờ bong võng mạc, nên Phó Bí Thư mới nhìn rõ đám nhân viên dưới quyền của mình tiêu cực. Khôi Vũ viết rất hay khi phê phán Thói ngậm tăm của quan chức để được thăng chức. Nhưng anh cũng chỉ ra những giá trị giả sẽ không thuộc về mình khi một quan chức lên Nhận giải thưởng nhờ công sức của người khác. Thực ra Khôi Vũ chỉ phê phán rất nhẹ nhàng bằng bút pháp hiện thực có pha chất khôi hài. Bởi tư chất ngòi bút của anh là đôn hậu, là nhân ái, cho nên anh không báng bổ, không lật đổ đối tượng phê phán bằng những cơn giận dữ hay những lời lửa cháy của mình.
Những truyện làm người đọc trăn trở cùng anh là những suy tư về nghề viết, về triết lý sống ở đời. Tất nhiên, anh không nâng lên thành truyện tư tưởng, nhưng cái tư tưởng trong những truyện của anh là những suy tư đời thường ai cũng có lúc trải nghiệm và tìm câu trả lời. Trong Tri Thiên Mệnh, anh cố tìm câu trả lời ấy ở cuộc đời và lời dạy của cha anh: “Ở đời, khó nhất là biết mình“. Năm ấy tôi 23 tuổi”ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi (tr.102). Trong Phù Phiếm Bên Biển, anh ưu tư nhiều về chính việc viết văn của mình. Anh gọi những thành tựu của anh là những lâu đài cát. “Một cái giải thưởng ở Sài gòn, một cái giải thưởng ở điạ phương, một cái giải thưởng ở Hội Nhà Văn. Những lần như thế tôi không dấu nổi niềm vui. Nhưng sau đó, không bao giờ là lâu cả, là một sự trống rỗng, là nỗi buồn vu vơ. Dường như những cái lâu đài kia cũng chỉ là những lâu đài cát, chúng nhanh chóng bị những cơn sóng khắc nghiệt xoá đi”(tr.50)…”Đúng là biển đời dữ dội. Những cơn sóng cứ ào tới triền miên”(tr.52)…”Biển như cuộc đời dữ dội thật, nó buộc mình phải lui bước để bảo vệ sự sống, trước hết là bảo vệ miếng ăn “(tr.48).
Thế nhưng, không vì miếng ăn mà đánh mất nhân phẩm và lòng tự trọng dân tộc. trong Gió không thổi từ biển, cả nhân vật Hương Vân và nhà văn Khôi Vũ đã bỏ việc ở một ty nước ngoài lương cao để được sống với lòng tự hào chân chính của dân tộc mình. Trong truyện Biển, anh triết lý nhẹ nhàng :”Biển già đến bạc đầu sóng mà vẫn cứ hồn nhiên, cớ sao con người chỉ lo đối phó với cuộc sống, với đồng loại thay vì sống hồn nhiên hơn, để đến nỗi chỉ có trăm năm một đời người, đầu đã bạc !(tr31). Muốn vậy con người phải biết tự sám hối như Chín Tàng. Ba lần ông ta muốn chết nhưng không chết được. “Lão muốn chết nhưng chính lão lại không cho phép mình chết. Vì sao? bây giờ lão đã hiểu. Vì lão còn chưa nói ra được điều tội lỗi bí mật của mình. Thật là kinh khủng. Tội lỗi của con người có thể che dấu trước mọi người chung quanh, trừ chính y “(tr.30). Điều này có thể đánh động lương tâm của tất cả chúng ta.
Đọc Khôi Vũ, tôi thấy anh viết rất tự nhiên, câu truyện tự nó phải diễn ra như vậy, anh chỉ là người kể khách quan. Tuy nhiên, khám phá bí mật thi pháp Khôi Vũ không dễ dàng, bởi vì người đọc dường như thấy anh không hề dụng công trong xây dựng tác phẩm hay sáng tạo những điều mới lạ. Vâng bí mật thi pháp của Khôi Vũ chính là ở cái tự nhiên trong cách kể chuyện của anh.
Trước hết anh khai thác chuyện đời thường diễn ra hàng ngày trước mắt mọi người. Chẳng hạn chuyện trên xe lô chở khách, chuyện khách chọc ghẹo cô tiếp viên trong nhà hàng, chuyện sóng lấp ngoài bãi biển, chuyện ông cán bộ ở quán ăn ra miệng vẫn ngậm tăm, chuyện nhận bằng khen trong hội nghị, cái lỗ mọt vỏ xe, quả dưa tây lép, cái vỏ san hô…Vấn đề là ở chỗ, từ những chuyện đời thường ấy, Khôi Vũ lại nhìn ra vấn đề và có cách viết rất dung dị. Anh thường chọn một chi tiết chủ đề rồi tô đâm cái chi tiết đó lên thành tư tưởng - thẩm mỹ của truyện (trái dưa tây lép, lỗ mọt, san hô, cái tăm trên miệng ông cán bộ…).
Nhiều truyện ngắn của anh được viết bằng kỹ thuật dựng tiểu thuyết, truyện hiện lên sống động như đang diễn ra trước mắt người đọc. Ngòi bút của anh có những nét rất tinh tế (miêu tả tinh tế giọt sương như tiếng khóc, nhìn thấy hai đưá trẻ trong một đứa trẻ -tr.35), miêu tả nội tâm nhân vật thật sâu sắc (Tả tâm lý Hiền trong đêm. Tr.146). Giọng văn của anh điềm đạm, nồng ấm tình người, cả khi phải phê phán, tuy lý trí rất rạch ròi, nhưng cái tâm của anh lại làm trang văn trở nên nhẹ nhàng, khiến những điều anh trăn trở hay phê phán có sức thấm sâu vào những nghĩ suy của người đọc .
Có thể nhận rõ điều này trong 25 năm truyện ngắn của anh, anh không khai thác những đề tài lớn, những đề tài thời thượng, những đề tài nhạy cảm, bởi anh biết những kiểu đề tài ấy, sóng đời sẽ xoá ngay đi thôi. Sở dĩ những truyện anh viết cách đây 25 năm, 10 năm, ngày nay đọc vẫn thấm thiá là bởi anh đã chạm vào được chiều sâu tâm thức cuả thời đại, ấy là tình người, ấy là cảnh đời cuả những con người dưới đáy xã hội, ấy là những day dứt khôn nguôi về thực tại còn nhiều điều nhiểu nhương, ấy là ý nghiã thực cuả thân phận làm người là gì?
”Ở đời, khó nhất là biết mình” điều ấy không chỉ là lời tự nhủ cuả chính anh mà cũng là lời nhắc nhở với người đọc. Làm sao biết được mình trong tương quan với mọi người, biết được mình có vai trò gì, có trách nhiệm gì với cõi đời này, biết được ý nghiã kiếp sống này là gì. Nếu trả lời được câu hỏi ấy chắc chắn người ta sẽ sống tốt, sẽ sống hồn nhiên hơn. Và xét đến cùng những truyện của anh đặt được vào tâm khảm người đọc điều gì đó, thì đó là cái tâm của anh, một cái tâm đau đáu với đời nhưng cũng đã vượt qua được những cơn sóng đời dữ dội, đạt đến an nhiên. Anh nhớ đến người đàn bà nhặt bông sứ bị rắn cắn chết :”tôi nhớ đến một người nhặt hương cho đời, cuối cùng chỉ nhặt lại cho mình, có chăng, lòng nhớ thương của dăm ba người nào đó, như tôi”.
Tôi nghĩ Khôi Vũ cũng là người nhặt hương cho đời và tác phẩm của anh đã sống trong lòng nhiều người trong suốt 25 năm qua. Chúc anh có thêm nhiều truyện ngắn hay nữa.
Tháng 10/2010
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...