Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức 1

Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức 1 

PHẦN THỨ NHẤT:
ANH ĐỨC, CUỘC SỐNG VÀ QUAN NIỆM SÁNG TÁC
1. Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại An Giang. Anh Đức kể: ” Hồi nhỏ…học ở trường làng gần thị xã Long xuyên…, sau lên học ở Cần Thơ… suốt thời gian tuổi nhỏ, hầu như lúc nào cũng ở giưã thiên nhiên rất đỗi hài hoà. Cái làng chôn rau cắt rốn cuả tôi đó nằm kề bên sông Cửu Long. Phù sa màu mỡ cuả dòng sông không ngừng bồi bổ ruộng vườn. Cá tôm dưới sông thật nhiều, tới muà cá dại, mọi người xách rổ lội xuống xúc cá, lớp về ăn lớp làm mắm. Tuổi thơ tôi hầu như đêm ngày được ru trong tiếng gió và sóng Cửu Long Giang, trong tiếng chim kêu hót từ các khu vườn, trong tiếng xào xạc cuả ruộng luá. Tuổi thơ tôi nghe văng vẳng tiếng hát ru, tiếng võng đưa kẽo kẹt, giưã trưa yên tĩnh, và trong mỗi buổi chiều tà in hình từng đàn cò trắng lả cánh bay về. Tôi còn nhìn thấy những cảnh đời người khác biệt nhau, có kẻ quá no đủ phủ phê trong những ngôi nhà nền đúc phòng tô, có người quá khổ cực sống trong chòi lá xác xơ. Có những đứa theo Tây nổi mỏ truy lùng cộng sản, và những người cộng sản bị bắt giải đi. Có lẽ nhờ tất cả những thứ đó, nên tiềm thức khiếu năng cuả tôi được khơi động”(1)
Có thể nói tình yêu quê hương là một trong những tình cảm mạnh mẽ, một động lực sáng tác cuả Anh Đức. Đàng sau tác phẩm cuả Anh Đức, người đọc có thể nhận thấy hình ảnh quê hương đậm nét và lòng yêu quê hương chưá chan của tác giả. Chính Anh Đức thổ lộ điều này: “Tôi là đưá con cuả đất An Giang. Cách thị xã này chừng 10 cây số , tôi đã sinh ra và lớn lên. Giưã hồn tôi và trên trang giấy khi mà tôi biết bắt đầu phô diễn, trình bày và phản ánh đời sống, tôi đã chắt chiu đưa vào đó biết bao tình yêu từ mảnh đất sinh ra tôi, là sưã cuả mẹ, màu xanh cuả lá, là mùi khói đốt đồng trên những cánh đồng chiều, và cho đến hôm nay, cũng như mãi mãi, nhịp sóng sông Cửu Long vẫn cứ vỗ về hồn tôi như một khúc hát ru”(2)
Từ tình yêu quê hương, từ sự chiêm nghiệm cuả bản thân trong môi trường thiên nhiên cuả quê hương, Anh Đức đã nhận thấy sức mạnh rất đáng kể cuả việc miêu tả thiên nhiên làm bối cảnh thể hiện tâm trạng nhân vật. Anh Đức coi việc miêu tả thiên nhiên là một nguyên tắc sáng tạo quan trọng: ”Miêu tả bối cảnh, miêu tả thiên nhiên cũng là vì con người, ngoài sự kết hợp thể hiện tâm trạng con người ta còn có cơ hội đem đến cho người đọc sự hưởng thụ mỹ cảm dạt dào cuả mặt đất và bầu trời, nơi chốn nhân vật suy nghĩ, đi lại, hoạt động. Sức mạnh cuả mũi miêu tả này thật đáng kể, nếu người viết biết kết hợp triển khai đúng mức có thể gây nên những ấn tượng kỳ diệu khó quên”…”vì vậy trong sang tác mà không vận dụng hoặc bỏ qua mũi miêu tả này thì uổng quá” (3). Một trong những yếu tố đặc sắc tạo nên những thành công cuả Anh Đức là những trang miêu tả thiên nhiên Nam Bộ trong trẻo, đầy màu sắc, thú vị. Diệp Minh Tuyền đã nhận định: “Văn tả cảnh cuả Anh Đức rất giàu chất họa, chất nhạc và chất thơ. Do đó phong cảnh đất trời phương Nam hiện ra dưới ngòi bút cuả Anh Đức với tất cả màu sắc thi vị, trữ tình” (4)
Thực ra việc miêu tả thiên nhiên như một nguyên tắc sáng tạo cuả Anh Đức còn ẩn dấu một chiều sâu ý thức nghệ thuật khác là tạo nên ý thức dân tộc và tình yêu quê hương trong lòng người đọc, đồng thời cũng bộc lộ cái nhìn nhân ái cuả Anh Đức nữa. Nguyễn Văn Bổng cũng có cùng một ý thức như vậy: “…Hãy tả đất nước chúng ta… hãy làm cho mọi người thêm yêu đồng bào và đất nước chúng ta. Đó là nhiệm vụ cuả nhà văn chúng ta.”(5)
2.Năm 1948, Anh Đức tham gia kháng chiến, công tác ở Ty Thông Tin Rạch Giá. Năm 1950 công tác văn nghệ ở Nam Bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc công tác tại Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam, Năm 1957 về công tác tại Hội Nhà Văn. Cuối năm 1962 vào Nam hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, rồi xuống Cà Mau. Suốt những năm tháng dài sống, chiến đấu và viết ấy, thì chặng đường vượt Trường Sơn vào Nam, và những năm tháng cùng đồng bào Nam Bộ chiến đấu là chặng đường có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với đời văn cuả Anh Đức.
Anh Đức đã kiểm nghiệm điều này :”… suốt 12 năm ròng tôi bước vào một chặng đường đi và viết đầy gian khổ ác liệt, nhưng là chặng đường quan trọng nhất đời tôi” (6) Anh Đức gọi đó là “cái trường học đầy thử thách”. Đây là chặng vượt Trường sơn :”…Tôi bắt đầu được nếm mùi vị cuả đọt bứa rừng nấu với thịt lương khô, tạo nên một thứ canh chua lạ nhầt trên đời. Tôi đã biết một thứ thức ăn khi mới ăn vào đắng không thể tả, nhưng sau đó thấy ngọt ngọt, bùi bùi, đó lá ngó mây nấu mà các cụ già người Thượng đã mời chúng tôi nếm thử…Cái trường học đầy thử thách này ngày nào đêm nào cũng phải vật lộn với từng chặng đường dốc đá cheo leo, với suối lũ, với đói khát với những cơn mưa rừng tầm tã đổ xuống!”, “Trên đường Trường Sơn , chúng tôi đã đói, đã khát, bị mất nhiều máu vì những ngày đường đầy vắt, và hầu như ít có ai tránh khỏi sốt rét…Chân lý tưởng chừng đã cũ, nhưng vẫn luôn mới. Tác phẩm bao giờ cũng có trả giá. Trả giá ít thì trang giấy lơ láo. Trả giá xứng đáng thì trang giấy động đậy, sôi lên. Điều này Đảng đã nói “(7)
Ở chiến trường Nam Bộ, cuộc chiến đấu mà Anh Đức trải qua còn gian khổ hơn nhiều. Anh Đức kể :”Tôi đã từng ở trong những hồi khốc liệt, giưã những trận bom B52 rung chuyển, giưã lòng đất hẹp cuả một cái hầm bí mật, ngột ngạt đến mức cứ phải liên tiếp đốt nến tạo nên sự lưu chuyển Oxy để mà thở. Tôi đã chứng kiến nhiều trận đánh giưã bộ đội ta và quân thiện chiến Mỹ mà sau đó đất chiến trường ngập nguạ máu, có chỗ đến mắt cá chân”(8). Trong hoàn cảnh ấy Anh Đức biết rõ một điều là “bất cứ lúc nào mình cũng có thể ngã xuống”, thế nên tranh thủ mà viết. Viết ngay trên rừng miền Đông, viết ở Đổng Tháp, ở bên bờ sông Hậu, viết trong mọi hoàn cảnh. Từ trong chiến đấu, Anh Đức nhận ra giá trị này: ”Dòng viết giá trị nhất phải chảy ra từ mồ hôi, máu và nước mắt cuả quảng đại quần chúng hy sinh gian khổ làm nên thắng lợi, làm nên đời sống”(9). Kiểm nghiệm thực tiễn sáng tác, Anh Đức khắng định “hiệu quả cuả chân lý sáng tạo một lần nưã cho biết đáp số : hầu như tất cả các trang viết cuả tất cả anh chị em đều sôi động. Không có một trang nào bời rời, lơ láo”(10 )Để đến được những tác phẩm giá trị, đáp ứng được yêu cầu cuả nhân dân và CM, Anh Đức đã khẳng định một mô hình: Mộ hình kiểu Trường Sơn. “nhất thiết phải đi qua mô hình kiểu Trường Sơn, con đường đỏ như là máu, mới có thể tới được ngàn lá xanh tươi cuả đời sống thực tại”(11). Nhìn lại thành tựu văn học cuả chúng ta mấy chục năm qua Anh Đức cũng nhận thấy sấu sắc điều ấy: ”Nhiều khi ngẫm nghĩ, tôi thấy nền văn học mới này được làm ra bằng những tác phẩm hầu như rất ít hao tốn tiền bạc, trừ mồ hôi máu xương và tim óc “(12)
Điều Anh Đức nhận thức được không có gì là mới mẻ, chính Anh Đức nói Đảng đã chỉ ra điều ấy. Điều quan trọng là Anh Đức đã thể nghiệm sâu sắc những nhận thức ấy: ”Dòng viết giá trị nhất phải chảy ra từ mồ hôi, máu và nước mắt cuả quảng đại quần chúng hy sinh gian khổ làm nên thắng lời, làm nên đời sống”. Đó cũng là thực tiễn sáng tác cuả Anh Đức: Đối tượng phản ánh và thẩm mỹ cuả Anh Đức là đời sống hy sinh gian khổ cuả nhân dân trong cuộc đấu tranh cách mạng. Nhân vật trung tâm là quần chúng CM, sống ân nghiã, chiến đấu và hy sinh. Anh Đức đã cùng sống, chiến đấu với nhân dân, vì thế những trang văn Anh Đức cũng là những trang tích tụ mồ hôi xương máu cuả nhân dân, điều này làm nên “tính chân thực” cuả ngòi bút Anh Đức như các nhà phê bình đánh giá. Quả vậy, đọc Anh Đức ta không nghĩ đó là truyện, không thấy bóng dáng cuả hư cấu, mà ta đối diện với cuộc sống, đời sống chân thực như đang tồn tại, khiến cho ta xúc động và bị cảm hoá. Thiếu Mai viết: ”…cảm tưởng cuả người đọc sau khi nghe truyện chị Tư Hậu là mối thông cảm kính phục sâu xa, không phải với một nhân vật tiểu thuyết mà như với một người thân yêu có thực trong đời sống”(13)
Ý thức văn chương là máu xương, mồ hôi nước mắt cuả quần chúng Cách mạng, Anh Đức chỉ viết về đề tài Cách mạng, về quần chúng Cách mạng về ân nghiã ân tình Cách mạng, qua đó gửi gắm những thông điệp cho mai sau. Anh Đức trở thành nhà văn của quần chúng Cách mạng, ông chủ trương viết sao cho “cô bác đọc cho là được”(14), và vì thế ông được quần chúng yêu mến.
3. Quê hương, vốn sống là hai yếu tố quan trọng làm nên tài năng Anh Đức, tuy nhiên ánh sáng niềm tin cuả Anh Đức vào Đảng mới là yếu tố quyết định làm nên những giá trị trang viết cuả ông.Điều này nhà văn CM nào mà không có, nhưng ánh sáng và niềm tin cuả Đảng đã soi dẫn Anh Đức thế nào?
Nhớ lại lúc lên đường vào Nam 1962, Anh Đức ý thức sâu sắc niềm tin cuả mình vào Đảng :” yêu cầu cuả Đảng lúc bấy giờ đối với chúng tôi thật hết sức cụ thể, thật hết sức bức xúc. Các đồng chí hãy trở lại vùng đất quê mình, cùng tham gia chiến đấu, để phản ánh một cách sinh động cuộc chiến đâu vô cùng anh dũng đang diễn ra đó.” Lúc ấy đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn :”cố gắng làm thế nào truớc hết có được một bút ký, truyện ngắn, rồi sau đó có được truyện dài. Cần nhất là cho chân thực và sinh động”. Anh Đức đã suy nghĩ : ”Điều tôi nghĩ nhiều nhất, ý thức được một cách sâu sắc nhất, vẫn là xoay quanh sự chỉ đường cuả các anh (chỉ Đ/c lê Đức Thọ-BCT) chỉ cho chúng tôi thời điểm và con đường đi. Con đường ấy cam go nhất, nhưng tốt nhất để đi đến tác phẩm “(15)
Dọc đường Trường Sơn, anh Đức lại phát hiện ra sức mạnh cuả Đảng làm hừng hực trái tim nhà văn :”Trước khi có tác phẩm chúng ta được Đảng đưa cho một cái gì quá lớn, quá sâu nặng, cái gì đó có sức làm bật dậy, làm hừng hực trái tim”(16) Sức mạnh làm hừng hực trái tim đó chính là niềm tin mạnh mẽ vào thắng lợi cuả cuộc kháng chiến, cuả con đường Cách mạng mà Đảng đã vạch ra. Niềm tin này trở thành sức sống. Anh Đức cho rằng “đáng sợ nhất là ‘mất niền tin’ đối với đời sống, mất niềm tin ở nơi mình kể như là chấm dứt”. Có niềm tin ấy, Anh Đức vượt qua được khó khăn cuả con đường tư tưởng. Có vướng mắc hay chăng là ở mặt kỹ thuật: ”có thể rất nhiều lúc tôi đã gặp những khó khăn, những vướng mắc- nhưng đều nằm trong các vấn đề phương pháp thể hiện, vấn đề vốn sống ở tôi, vấn đề tôi chưa thật sự chín mùi nhân vật ở giưã lòng mình”(17). Anh Đức khẳng định: ”Con đường cuả Đảng vạch ra cho tất cả những người sáng tác, trong cũng như ngoài Đảng hết sức đúng”…” Chúng ta đã từng trải qua những ngày vô cùng gian khổ ác liệt và đầy thử thách, nhưng chưa bao giờ chúng ta thất vọng. Bao giờ chúng ta cũng thấy ánh sáng cho dù khi đó chúng ta ở dưới địa đạo, ở dưới hầm bí mật, ở dưới những trận mưa bom…là vì chúng ta có Đảng lớn mạnh “(18)
Anh Đức luôn bày tỏ niềm sung sướng tự hào được đứng trong đội ngũ nhà văn cộng sản, góp sức cùng Đảng tiến tới lý tưởng cao cả vì tổ quốc và chủ nghiã xã hội.
Vai trò cuả Đảng ảnh hưởng đối với các sáng tác cuả Anh Đức thế nào? Điều này dễ nhận thấy. Anh Đức sáng tác bằng thế giới quan, nhân sinh quan Cộng sản Chủ Nghiã, dưới ánh sáng đường lối văn nghệ cuả Đảng, để thực hiện những nhiệm vụ chính trị cuả Đảng trên mặt trận văn nghệ. Điều đặc biệt ở đây là tính Đảng, tính lý tưởng, và chủ nghiã Nhân Đạo Cộng Sản thấm sâu trên mỗi trang văn Anh Đức.
Ông Hoài Thanh khi nhân xét Hòn Đất có phát hiện này: ”Ở đây tư tưởng cuả Đảng, đường lối cuả Đảng đã thấm rất sâu. Chính do đó mà tập thể này tuy nhỏ thôi vẫn cứ là vô địch”. Ở một đoạn khác Hoài Thanh viết :” Ở đây tư tưởng cuả Đảng cũng rất cao mà không biết từ bao giờ đã biến thành tư tưởng cuả mọi người hoà vào cá tính cuả từng người cả trong Đảng và ngoài Đảng “(19)
Vai trò cuả Đảng đối với sáng tác cuả anh Đức thể hiện ở chỗ những vấn đề Anh Đức đặt ra trong tác phẩm là những vấn đề cuả Cách mạng.Những tính cách nhân vật,những mối quan hệ xã hội, những tình cảm người với người đều được xây dựng với phẩm chất mới đó là nghiã tình Cách mạng, đạo đức Cách mạng, nghiã khí Cách mạng, lẽ sống Cách mạng. Chắc chắn rằng Anh Đức là nhà văn thể hiện sâu sắc, đẹp đẽ và đầy thuyết phục những chân lý Cách mạng, toả sáng chất lý tưởng và ân tình ân nghiã Cách mạng. Anh Đức cũng là nhà văn bền bỉ theo hướng sáng tác đã vạch ra trong suốt mấy chục năm qua. Anh Đức nói những điều tâm huyết này :”Chỗ này đã thấm quá nhiều máu cuả đồng bào đồng chí, những đồng bào đồng chí ngã xuống vì niềm hy vọng và ước mơ lớn là chúng ta và các thế hệ mai sau được no ấm hạnh phúc. Những đồng bào đồng chí không tiếc thân mình cho lý tưởng đó, vậy thì chúng ta không tiếc sức mình, không thể đưa ra bất cứ lý do gì để không làm được điều đó” (20)
Từ góc độ ảnh hưởng cuả Đảng đối với Anh Đức, ta hiểu được tính lý tưởng trong trẻo trong sáng tác cuả anh Đức, hiểu được chất đôn hậu mà Anh Đức tự nhủ là “mình sẽ viết bằng nỗi thương yêu”(21), như một đặc điểm nồng cốt cuả phong cách Anh Đức. Anh Đức là một nhà văn cộng sản, một nhà văn chân thật, đôn hậu, trong trẻo và lý tưởng.
4. Ngoài 3 yếu tố quan trọng chi phối sang tác cuả Anh Đức đã nêu ở trên, Anh Đức còn những ý thức sáng tạo khác, những ý thức này cũng trực tiếp chi phối quá trình sáng tạo cuả nhà văn.
Trước hết Anh Đức thổ lộ: ”Tôi hiểu thấu rằng, công việc của người viết ngoài sự sáng suốt tự biết mình có gì, có tới đâu, ngoài tư tưởng Đảng cho và cuộc sống nhân dân trao tay , mọi hỗ trợ khác kể như là phụ trợ. Trận chiến trên trang giấy là trận chiến chỉ có một mình ta. Đấy là cuộc độc chiến”(22) nhà văn phải chịu trách nhiệm về trang viết cuả mình. “ Tinh thần trách nhiệm cuả nhà văn là một thứ tinh thần trách nhiệm cao, vì phạm vi chịu trách nhiệm ấy là xã hội, là con người “(23). Viết là lăn lộn vượt qua cả một hoang mạc, nhưng viết cũng là hạnh phúc .”Bây giờ cũng như bao giờ mỗi lần bắt tay vào viết một truyện mới tôi đều có cảm giác sung sướng, hồi hộp y như khi tôi viết cái truyện đầu tay, bởi vì càng ngày tôi càng ý thức rõ rệt rằng tôi đang làm điều hệ trọng và nếu tôi làm tốt cái nghệ thuật ngôn từ này thì sẽ làm nên được nhiều điều quý giá”(24)
“Điều hệ trọng” cuả người làm nghề viết văn theo Anh Đức “là người dẫn dắt, người chỉ đạo, người hỗ trợ và yểm trợ đắc lực cho mọi người”…” Sáng tác văn học là làm cái công việc khêu gợi, vỗ về, gạn lọc, đem nguồn sáng, nguồn tươi mát để gội nhuần để trẻ hoá tâm hồn và tư tưởng con người chớ không uốn cong bẻ quặp”(25)..”Sứ mạng cuả nhà văn bao giờ cũng phải gây mầm, gây niềm tin tưởng lạc quan vào chiến thắng nhất quyết phải giành được cuả dân tộc “(26).
Để thực hiện được mục đích “ đem nguồn sáng “ cho cuộc sống, Anh Đức chủ trương rằng “cần có ý thức tạo dựng những điển hình mới mẻ, từ những con người lao động bình thường nhưng có cống hiến thực sự cho xã hội. Cần cố gắng sao để văn xuôi hình thành được nhiều nhân cách tốt, bởi vì trong bất cứ cuộc chiến đấu nào văn học Cách mạng cũng phải có thiên hướng bênh vực. Và thiên hướng cuả những người cầm bút chúng ta phải mang tính lý tưởng rõ rệt., là gây nên giưã lòng bạn đọc sự yêu mến ngưỗng mộ những con người mới làm lụng cho sự nghiệp chung, sống và ăn ở có tình nghiã, có đạo lý, quan tâm đến cảnh ngộ người khác”(27)
Những ý kiến nêu trên cuả Anh Đức đã định hướng rõ rệt con đường sáng tạo cuả ông. Đó cũng là sự lưạ chọn riêng cuả Anh Đức. Anh Đức không viết để trực tiếp phê phán cái xấu, mà viết “bằng nỗi yêu thương”, bằng thiên hướng “mang tính lý tưởng rõ rệt”. Anh Đức chọn lưạ sứ mạng đem lại niềm tin yêu cho con người (28).
Điều này người đọc tin là Anh Đức đạt được. Huỳnh Như Phương khẳng định điều ấy khi đọc Miền Sóng Vỗ: ”Đọc anh, thấy tâm hồn yên tĩnh như cũng được truyền cho một niềm tin chắc chắn, rất khoẻ mà không có vẻ gì lên gân”(29). Hoài Thanh cũng tìm thấy niềm tin yêu ấy khi đọc Hòn Đất: ”Một quyển sách nói lên chân lý lớn nhất đáng phấn khởi nhất cuả thời đại và nói lên bằng một câu chuyện hấp dẫn, bằng những hình ảnh tuyệt đẹp khó quên, khiến hàng chục vạn người đang quần nhau với giặc mà vẫn đọc say sưa, nhiều chỗ cảm động đến rơi nước mắt, và đọc xong thấy thêm lòng tin, thêm sức mạnh để tiến lên tiêu diệt quân thù” (30).
5.Về mặt nghệ thuật, Anh Đức chú trọng đến sự chân thực hồn nhiên. “ Truyện viết ra phải như thường, hồn nhiên chân chất như đời sống và đó là thứ kỹ thuật tôi cố ra sức vươn tới”(31). Anh Đức nhấn mạnh: ”Thể hiện được vẻ đẹp chân chất cuả cuộc sống, đó là mỹ học thứ thiệt”(32). Anh Đức giải thích nghệ thuật cuả mình như sau: ”Tôi nghĩ rằng ta phải cố sao để trang viết được tự nhiên, được hồn nhiên, sao cho vô tư, chân thật,dù có vương chút vụng về. Mình mà viết được tự nhiên, hồn nhiên, chân thật thì người đọc mới tin, mới cảm, mới dễ chịu khi đọc mình”(33)
Nói Anh Đức chú trọng đến sự chân thật hồn nhiên như vẻ đẹp cuả đời sống không có nghiã là Anh Đức đem nguyên si đời sống vào trang viết, theo kiểu có sao nói vậy. Trong lời tưạ lần tái bản Hòn Đất năm 1983, Anh Đức kể lại quá trình viết Hòn Đất từ một câu chuyện có thật xảy ra tại Hòn Đất năm 1962, và lưu ý người đọc điều này: ”Tôi gắng làm nên điều tiêu biểu chứ không làm nên những điều y như thật”
Tuy nhà văn không làm những điều ”y như thật”, nhưng đọc Anh Đức ta không hề nghi ngờ gì về tính chân thực cuả hiện thực được tái hiện, hơn thế còn nhận ra cái đẹp cuả cuộc sống vốn bình dị trong đời thường lao động và chiến đấu. Nhiều truyện cuả Anh Đức, người đọc tưởng như sự thật ngoài đời là vậy. Anh Đức chủ trương: “Thể hiện được vẻ đẹp chân chất cuả cuộc sống, đó là mỹ học thứ thiệt”, vì thế Anh Đức luôn tìm kiếm và thể hiện cái đẹp chân thực cuả đời sống : cảnh đẹp, tính cách đẹp, tâm hồn đẹp, cách sống đẹp, tình cảm đẹp tất cả toả sáng những phẩm chất CM, ngay cả khi phải chọn lưạ những nhân vật “kẻ địch” như người lính Sài gòn, thì Anh Đức cũng cố gắng thể hiện những mặt “không xấu” còn sót lại trong họ (truyện Cuộc Trở Về Cuả Một Con Người).
Quan điểm nghệ thuật này phù hợp với mục đích và lý tưởng viết văn cuả Anh Đức. Nó cũng phù hợp với tính cách riêng cuả nhà văn là sự đôn hậu, lòng tin yêu vào con người, dù trong những hoàn cảnh bất hạnh nhất.
6. Tất nhiên Anh Đức cũng ý thức sâu sắc điều này là Văn học có những quy luật khách quan và khắc nghiệt trong việc đánh giá và sàng lọc. “Văn học có một ban giám khảo công minh, ấy là quầnchúng, ấy là thời gian. Luật chơi trong văn học không tính trong phút chốc mà xét trong lâu bền”(34)
Dấn thân vào văn chương là dấn thân vào “một cuộc hành trình qua biển lớn, mênh mông, không bờ bến mà cánh buồm sáng tạo phiêu du hoài mà vẫn chưa tới khắp cõi “ (35). Một nhà văn không phải là tất cả, sáng tác cuả một nhà văn dù có phong phú, đồ sộ đến đâu cũng không thể phản ánh được đầy đủ cuộc sống, không thể đặt ra và giải quyết được mọi vấn đề cuả hiện thực, càng không thể là đại diện đầy đủ cho bộ mặt và tiếng nói thời đại. Một đời văn có thể có nhiều tác phẩm, nhưng khi kiểm điểm lại Anh Đức tự đánh giá rằng: sáng tác ra hồn cuả mình để lại chẳng được bao nhiêu, và hình tượng con người gọi là khắc chạm được giưã tâm tưởng người đọc, giỏi lắm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chú thích:
(1).Hồi Nhỏ Các Nhà Văn Học Văn.Sở GD Nghiã Bình xuất bản 1986.tr.7
(2).Văn Nghệ Tp HCM số 138 năm 1980. Tr.14. Xem thêm VN TPHCM số 116 (14.01.1980)
(3).Công Việc Viết Văn. Trường Nguyễn Du xuất bản 1985.tr.134
(4).Tạp chí Văn Học số 7 năm 1966. Tr.80
(5).Chiến Trường Sống và Viết. tr.19
(6).Văn Nghệ TPHCM số 506, ngày 13/11/1987.tr10
(7).Thế Hệ Chúng Tôi Đi Qua Trường Sơn. VNTPHCM . số ngày 3.3.1980. Tr.9
(8).Miền Sóng Vỗ.Nxb văn Nghệ TPHCM.1983,tr.1
(9).Công Việc Viết Văn. Sđd.tr.139
(10).Thế Hệ Chúng Tôi Đi Qua Trường Sơn. VNTPHCM . số312/ 1980
(11).nt
(12).Văn Nghệ số 19 năm 1987.
(13).Tạp chí Văn Học số 12 năm 1962.tr.14
(14).Văn Nghệ TPHCM số 506. Năm 1987
(15).Văn Nghệ TPHCM số ngày 3/2/1980-tr.8
(16).Văn Nghệ TPHCM số 418, ngày 21/2/1986
(17).Văn Nghệ số 5, năm 1980
(18).nt
(19).Hoài Thanh, Hòn Đất, Hòn Ngọc, TCVH số 1 năm 1968.tr7-tr.9
20).Văn Nghệ TPHCM số 171 ngày 1/5/1983. Tr.3
(21).Văn Nghệ số 18, năm 1983.tr.2
(22).Văn Nghệ TPHCM số 506, ngày 13/11/1987
(23).Công Việc Viết Văn , sđd, tr.125
(24).Văn Nghệ số 40, năm 1983
(25).Công Việc Viết Văm, sđd, tr.124
(26).Anh Đức trả lời bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 28, năm 1986
(27).Văn Nghệ TPHCM số 506.sđd
(28).Văn Nghệ TPHCM số 418, ngày 21/2/1986.tr.3
(29).Những Trang Viết Những Nhịp Cầu, Nxb Mũi Cà Mau,1986
(30).Tap chí Văn Học số 1 năm 1968. Sđd. tr.22
(31).Văn Nghệ số 1 năm 1984
(32).Văn Nghệ TPHCM số 418, sđd
(33).Công Việc Viết Văn, sđd, tr127
(34).Văn Nghệ TPHCM số 506, sđd. Xem thêm Anh Đức trả lời bạn đọc.TTCN 17/8/1986
(35).Công Việc Viết Văn, sđd. tr.141
PHẦN II. TRUYỆN NGẮN ANH ĐỨC
1. Truyện ngắn Anh Đức có cái phong vị riêng, ngôn ngữ riêng, cách kết cấu riêng, thể hiện trực tiếp nhiều tâm tình riêng cuả Anh Đức. Anh Đức ưa thích truyện ngắn và có nhiều cố gắng đổi mới cách viết. Những truyện ngắn chính tập trung trong tập Biển Xa (1961), Bức Thư Cà Mau (1965), Miền Sóng Vỗ (1983). Gần đây khi làm tuyển tập truyện ngắn cuả mình, Anh Đức cho biết: ”lọc lại trên 60 truyện ngắn, tôi chỉ lấy được có 17, mưới bảy cái mà anh em cô bác đọc cho là được “(1) Anh Đức quả là thận trọng khi đặt truyện ngắn cuả mình trong lòng quần chúng độc giả, trong sự sàng lọc cuả thời gian. Quả vậy, sau nhiều năm, nhiều truyện ngắn cuả anh Đức vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn, giá trị tư tưởng, nghệ thuật và vẻ độc đáo riêng. Con Cá Song, Đất. Giấc Mơ Cuả Ông Lão Vườn Chim, Giưã Buổi Bình Yên.. là những truyện tiêu biểu.
2.Những truyện ngắn trong BỨC THƯ CÀ MAU (2) có đặc điểm chân chất, mộc mạc, tươi trẻ, giàu chất lãng mạn, đôn hậu. Bối cảnh cuả truyện là cuộc chiến đấu cuả nhân dân Nam Bộ.Nhân vật chính là quần chúng chiến đấu, vấn đề chính cuả truyện là ân tình, ân nghiã Cách Mạng, đạo đức CM, quan hệ CM.
Truyện KHÓI miêu tả một trận phối hợp dân quân đánh máy bay Mỹ, bộc lộ tài trí cuả nhân dân ta trong việc lợi dụng khói đốt đồng để đánh trả bọn Mỹ với những vũ khí và máy bay hiện đại. Trong bối cảnh máu lưả ấy, xương sống cuả truyện là câu chuyện tình đẹp đẽ phi thường cuả Hựu và Quế. Chuyện tình ấy nảy nở trong những ngày Hựu nằm hầm bí mật. Tình yêu lớn dần với chiến đấu. Sau cuộc đánh máy bay Mỹ thắng lợi, Hựu và Quế gặp nhau trong khung cảnh hoành tráng, vui tươi. Hình ảnh Quế hiện lên vưà mộc mạc hồn nhiên vưà rất anh hùng: ”Khuôn mặt còn dính tro cuả cô giờ hơi ửng đỏ, tóc cô còn rắc đầy tro. Mồ hôi lấm tấm rịn ra trên vầng trán cô, chảy nhỏ giọt xuống thái dương. Cô dừng lại trước mắt tôi và Hựu, kéo cái đuôi tóc ra trước ngực, cứ cầm đuôi tóc mà vân vê mãi”. Thế rồi Quế và Hựu chia tay, trên vai Hựu để lại cái khăn tay cuả Quế. Hẳn chúng ta cũng như Anh Đức đều ngạc nhiên và ngưỡng phục trước vẻ đẹp hồn nhiên ấy cuả Quế : “Tôi đưa mắt nhìn theo một lần nưã bóng Quế đang đứng ngó theo Hựu, cô gái đã từng đưa tay vuốt lấy những giọt máu đỏ tươi cuả mình ở đầu ngọn chĩa, và mới đây đã cùng chị em bạn bè đốt lên một áng khói thần”. Vấn đề chính cuả KHÓI là vẻ đẹp sức mạnh tình yêu CM trong chiến đấu.
Xuân Trường cho rằng(3) truyện ĐƯÁ CON là một truyện tâm lý đặc sắc về kết cấu và rất Nam Bộ trong tính cách nhân vật. Truyện có 3 cảnh, bộc lộ 3 tâm trạng và xoay quanh một chủ đề : Tình nghiã Cách mạng.Việc chú thím Ba cho thằng Trung đi bộ đội làm cả chú và thím đều trăn trở tính toán. Bối cảnh và tâm lý nhân vật được miêu tả cô đặc, dồn nén và giàu màu sắc biểu cảm. Nỗi trăn trở cuả chú thím Ba là làm sao cho con được đi bộ đội, làm sao dâng hiến được con mình cho Cách mạng. Chúng ta xúc động trước cảnh chú thím Ba săn sóc con. Chú Ba dồn tất cả tình cảm và sức mạnh chiến đấu cho con khi căn dặn thằng Trung. Không khí truyện sáng hẳn lên với những ý nghĩ lời nói cuả thằng Trung.
Cái đọng lại thấm thiá nhất cuả câu truyện là nghiã tình Cách mạng, là tấm lòng cuả người dân Nam Bộ hy sinh tất cả cho Cách mạng. Tấm lòng ấy thể hiện rõ trong lá thư chú Ba viết đưa cho thằng Trung đem theo. Chú đã đắn đo suy nghĩ từng chữ, trằn trọc cả buổi, dưới sự rình rập cuả kẻ địch, để viết cho được lá thư nói đúng cái ý cuả mình, cái lòng cuả mình với Cách mạng :”Vợ chồng tôi chỉ có một đưá con. Vì tình cảnh bị kẹt nên tôi phải ở trong ấp chiến lược. Trước đây vợ chồng tôi được Cách mạng cấp đất nên làm ăn đặng khá. Tôi vẫn chịu ơn cuả Cách mạng và Đảng rất sâu nặng. Nay con trai tôi ( là đưá cầm thơ này ) đã lớn, tôi thấy không thể để bọn Mỹ Diệm bắt nó đi lính đánh lại Cách mạng. Tôi không đành lòng mà chịu cảnh đó được. Vậy nên vợ chồng tôi từ trong ấp chiến lược gửi đưá con trai một cuả chúng tôi cho Cách mạng. Xin coi như tôi hoàn toàn dâng cho Đảng đưá con cuả tôi. Nó còn khờ khạo, mong anh em cứ dạy dỗ, chỉ bảo cho nó thành người thì vợ chồng tôi lấy làm mừng lắm”. Anh Đức đã ghi lại một cách tài năng niềm tin yêu mạnh mẽ, thuần khiết, trong trẻo cuả người nông dân Nam Bộ với Đảng. Ta cảm nhận được tinh thần Cách mạng phơi phới trên từng bước đi cuả thằng Trung: ”Bấy giờ thằng Trung đã tới cửa ấp. Nó thấy cưả mở he hé, chớ không đóng. Nó liền đẩy nhẹ một cái, lách qua, rồi thoăn thoắt bước đi. Chốc sau nó qua khỏi hàng rào đầy thép gai cuối cùng tới chân đồng. Nó xốc cái tay nải trên vai bắt đầu chạy. Gió thổi lộng. Không khí trong lành quá. Chạy một quãng nó dừng lại thở. Nó cảm thấy không khí nó hít vào mát mẻ, dễ chịu hơn trong ấp chiến lược nhiều lắm”. Truyện ĐƯÁ CON là một bức tranh mộc mạc và đầy ánh sáng, hồn nhiên mà ý nhị
Trong tập Bức Thư Cà Mau, truyện ĐẤT mới thực là truyện có sức nung đốt trái tim người đọc và để lại một ấn tượng bền vững về ngưới dân Nam Bộ giữ đất giữ nước. Hình ảnh ông Tám Xẻo Đước thật bình dị mà lẫm liệt. Phạm văn Sĩ cho rằng: ”Tinh thần xả thân cuả ông Tám đã được Anh Đức mô tả như là cái kết cục logic cuả một quá trình giác ngộ sâu sắc về nghiã vụ CM cuả ông lão nông dân”(4) Còn Trần Quang thì cho rằng hành động giản dị và bình thường cuả ông Tám “…xuất phát từ một cơ sở giác ngô vô cùng sâu sắc tích luỹ nhiều mặt và lâu dài, và thật là vĩ đại “(5) PTS Phùng Quý Nhâm nhận xét khái quá: ”Anh Đức chỉ dành có 4 trang để miêu tả hình tượng ông Tám Xẻo Đước nhưng quả là 4 trang chắt lọc dựng nên một tính cách hoàn chỉnh có sức khái quát về con người nông dân Nam Bộ: thà chết trước mũi súng cuả kẻ thù trên mảnh đất mà ông cha và Cách mạng đã tạo lập chứ không chịu dời nhà vào ấp chiến lược”(6)
Hình ảnh ông Tám Xẻo Đước xoã tóc, khấn niệm trước bàn thờ rồi sau đó cầm ngọn mác chiả thẳng vào kẻ thù và đi tới, là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo có sức chuyển tải nhiều tầng ý nghiã sâu xa hơn nhiều. Đó không chỉ là sự xả thân vì ân nghiã Cách mạng, không chỉ bộc lộ sự giác ngô lâu bền và sâu sắc, không chỉ khái quát tính cách con người Nam Bộ. Hình tượng ấy còn chưa đựng sức mạnh tinh thần, sức quật khởi và sức mạnh dân tộc trong thời đại mới. Chính cái sức mạnh ấy đã làm kẻ thù khiếp sợ. Anh Đức đã ghi lại cái cảm giác kỳ diệu này :”Tôi cảm thấy như đất dưới nền nhà dưới chân tôi nóng hâm hấp, cơ hồ như đang động cưạ, tái hiện lại những vũng máu tươi. Thế rồi khi tôi quay lại tôi không thấy anh Hai Cần ngồi cạnh tôi nưã.Anh đang quỳ trước bàn thờ, cái bàn thờ mà cha anh đã quỳ dạo nọ, mùi nhang lại toả lên “. Cái cảm giác ấy tôi tin là có thật, nó làm dựng đứng óc não người đọc, làm người đọc chợt nhận ra ngay nơi mảnh đất mình đang sống là máu cuả bao nhiêu thế hệ đã hy sinh giữ gìn. Không khí truyện bi hùng, cảm động và linh thiêng nhưng lại thanh thoát và mãn nguyện. Mùi nhang toả quen thuộc làm cho quá khức cùng tồn tại với hiện tại, làm cho hy sinh trở thành bất tử, nối liền ý thức dân tộc, sức mạnh dân tộc qua ngàn đời.
Truyện CON CHỊ LỘC thể hiện được chiều kích sâu thẳm cuả chủ nghiã nhân đạo cộng sản chủ nghiã. Anh Đức đã đặt 3 mẫu nhân vật cạnh nhau, ba thế hệ, rất dễ gây ấn tượng và xúc động. Thế hệ người già là ông Sáu, người tù cao niên nhất. Thế hệ trung niên: chị Lộc, người phụ nữ có thai sắp sinh con, và thế hệ tương lai, đưá trẻ được sinh ra ngay trong cảnh tù đày. Bản thân tình huống đã có sức gây xúc động mạnh. Kẻ thù dã man. Lòng thương yêu con người cuả ông Sáu, cuả bạn tù thật sâu sắc, sức chịu đựng và sự hy sinh cuả người phụ nữ thật phi thường, và con chị Lộc, thế hệ tương lai, đã được những bàn tay và tấm lòng CM che chở. “Trong một chuyến đi đày mà có tới ba lớp người, đẻ trước, sinh sau. Chị tự hỏi: liệu cái còng trên tay mình và tay bác Sáu sau này có còn xiết lấy cổ tay con mình nưã không?”. Câu hỏi ấy, suy nghĩ ấy cuả chị Lộc cũng là câu hỏi cuả dân tộc cần được trả lời. Không khí truyện được dồn nén cao độ trong sự ngột ngạt tù hãm dã man, và mở ra mạnh mẽ hân hoan trong sự thắng lợi. Sức mạnh cuả lòng nhân ái trở nên dữ dội như bão táp. Phải cứu lấy chị Lộc, phải bảo vệ cho được con chị Lộc, phải tiêu diệt cái ác để bảo vệ mầm sống cuả tương lai. “Cơn phẫn nộ đã đẩy những người tù tới hành động mà họ không tính trước”. Bảo vệ và giải phóng cho thế hệ tương lai cũng chính là giải phóng mình ở hiện tại. Những người tù đã cướp tàu và quay về hướng Cà Mau. Con tàu không bao giờ đi tới Côn Đảo nưã. Ở truyện nay, Anh Đức thể hiện tấm lòng trân trọng nân niu đối với phụ nữ và trẻ em, thấm thiá lòng nhân ái và truyền đến người đọc caí ý thức và quyết tâm bảo vệ lấy mầm sống tương lai cuả dân tộc. Ngòi bút Anh Đức tràn đầy tính lãng mạn.
Ông Tư Vườn Chim trong truyện GIẤC MƠ CUẢ ÔNG LÃO VƯỜN CHIM và truyện Câu Chuyện Tiếp Theo về Ông Tư Vườn Chim. Có thể xem như một cây cổ thụ toả bóng trong rừng nhân dân Nam Bộ đánh Mỹ. Nếu Ông Tám Xẻo Đước lẫm liệt, bi thương trong sự vây ép cuả kẻ thù thì Ông Tư Vườn Chim lại tung hoành, xông xáo, dũng mãnh trong chiến trường đánh Mỹ. Ông là cái gốc, là cột trụ, là sức mạnh dẫn đạo ; là niềm tin, là mưu trí, là người chủ, người anh hùng kiểu mới cuả đồng ruộng. Ở ông toát ra sức mạnh tinh thần thật vững chãi. Sức mạnh ấy như ôm lấy, che chở cho con cháu đánh Mỹ. Sức mạnh ấy là sức mạnh cuả một đời nô lệ vất vả cực nhọc riết chịu không nổi ”phải bỏ làng dắt vợ đi miết”, sức mạnh dồn tụ từ bao máu xương căm uất : Con ông đi Vệ Quốc Đoàn hy sinh, con dâu ông bị giặc mổ bụng, ông phải chứng kiến bao cảnh thương tâm. Giờ đây ông cùng đưá cháu nội, đưá cháu dâu và bà con dân làng đánh Mỹ. Sức mạnh tinh thần cuả ông còn xuất phát từ cái vườn chim đầy cò diệc, nó vưà là nguồn sống cuả chính ông, là mảnh đất con ông đã ngã xuống, là hạnh phúc, long nhân ái cuả ông. Giặc Mỹ tàn phá vườn chim là tàn phá chính đời ông, “nó câý vào lòng ông nỗi đau xót và phẫn nộ lặng thầm, mỗi lúc một nghiến ngấu, mỗi lúc một sôi sục”. Ông không đành lòng nhìn đàn cò diệc không thể đáp xuống vườn chim vì bị giặc tàn phá. Bất giác ông kêu trời. “Ông lão đau đớn quá”. Trong tâm nguyện cuả ông chỉ có một điều :”cái chi tao dứt bỏ được, chớ cái vườn chim này với mấy thằng bộ đội thì tao không dứt ra được đâu”. Tất cả nỗi đau xót và lòng yêu thương ấy kết tụ thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Ông cùng dân làng đi dập đám rừng vưả bị giặc Mỹ đốt cháy. Ông trở thành gnười chỉ huy.”đám người nghe ông lão dặn thế thì đều dạ, mặc dầu ông lão nói câu nào câu nấy cứ như người hạ lịnh, nhưng ngó bộ ai nấy đều nghe răm rắp, chừng như họ có vẻ tin tưởng kính nể ông dữ lắm”. Quả vậy, sau này khi đặt kế hoạch lấy bót Xẻo Biển, thì chính Hai Râu, xã đội trưởng kiêm chính trị viên đã phải nghe ý kiến cuả ông, mưu kế cuả ông, nể phục ông, mà thốt lên trong bụng :”ông già này dữ dằn thiệt. Mình không ngờ kế hoạch cuả ông lại thâm sâu ghê trời vậy”.Đối diện với ông, kẻ thù là bọn Tư Tôn phải nể sợ. Vẻ đẹp khoẻ khoắn, dũng mãnh và đầy nhân ái cuả ông hiện lên ở cuối truyện. Giưã tiệc nhậu thắng trận, trong lúc Ông Tư mải mê “múc lươn um từ trong điã ra chén cho từng người” thì những người lính ngụy được giải phóng, hoàn lương, đã cảm động không thốt lên lời . “Mắt họ rưng rưng ngó nhìn ông già đầu buộc khăn trắng”, người đã cứu mạng họ.
Trong hình ảnh và tính cách cuả ông Tư vườn chim còn có một chi tiết thật cảm động, đó là chiếc khăn trắng ông buộc mãi trên đầu, tấm khăn thuỷ chung. “Trong đời ông già đó, trải qua trên nưả thế kỷ, vật lộn với rừng hoang, với kẻ thù, chưa ai ở Cào Lưới thấy ông khóc, kể cả lúc con trai chết trận hồi kháng chiến trước. Kể cả lúc con dâu bị Mỹ Nguỵ mổ bụng giưã vườn chim. Vậy nhưng có một lần ông khóc ghê gớm… khóc rống, vật vã suốt đêm trên sàn chòi”, Đó là lúc ông nghe Hồ Chủ Tịch từ trần. Rồi ông xé khăn trắng buộc lên đầu, lập bàn thờ ở giưã sàn thờ Hồ Chủ Tịch, “chịu tang cụ cho tới khi chết”. Có thể nói Ông Tư là hiện thân cuả lão nông Nam Bộ đánh giặc. Hình tượng ấy toát lên bao ý nghiã. Cách mạng là quần chúng và quần chúng chính là Cách mạng. Vẻ đẹp cuả con người VN ngời lên trong chiến tranh nhân dân : thuỷ chung, nhân ái, mưu trí, dũng cảm và chan hoà bao tình yêu thương.Anh Đức đã thể hiện một cách thật tự nhiên , bình dị nhưng sâu sắc tất cả những vẻ đẹp ấy.
Những trang miêu tả thiên nhiên, bầu trời, đồng nước Tháp Mưới đặc biệt hấp dẫn trong truyện XÔN XAO ĐỒNG NƯỚC. Truyện có nội dung đơn giản. Tác giả kể lại một lần khi qua trạm giao lien do Chị Ba Tương Lai dẫn đường, kể lại việc chị Ba dụ địch, đánh máy bay địch trên đồng nước, bảo vệ được đoàn khách qua trạm. Truyện phản ánh và ca ngợi người nữ giao liên anh hùng, qua đó lý giải nguồn gốc sức mạnh chiến đấu và mưu trí đánh giặc cuả chị. Tình yêu với người chồng giao lien trước đây đã hy sinh trên đường dây này là sức mạnh cuả chị. Chị kế tục cái công việc hiểm nguy cuả chồng. Vậy mà chị thản nhiên chủ động lạ thường. Ở người phụ nữ này, sự táo bạo, dũng cảm và mưu trí làm nên chiến thắng. “Chị ta coi vạm vỡ , tướng đi xốc xaó, và có cái búi tóc rất to“, “giọng ồ ồ như giọng đàn ông”, ”khắt khe mà lại hách dịch nưã”.Khi đánh rơi máy bay trực thăng Mỹ, “người đàn bà trưởng trạm to lớn đó chống nạnh đôi tay lên mạn sườn , đăm đăm ngó mãi về cái đống đen lù lù ngút khói cuả chiếc trực thăng vưà rơi. Tôi nghi chỗ đó có thể là chỗ anh Ba chồng chị đã ngã xuống hồi tháng nắng”
Nhân vật ấy, hoàn cảnh ấy hiện lên trên nền một thiên nhiên đồng nước trong vắt hiền hoà. “Giưã trời trưa không hé một tia nắng, đồng nước nhấp nhô những làn sóng nhỏ, mải miết như chảy về một bến bờ xa xăm nào. Trên cánh đồng nước đìu hiu ấy không có gì ngoài những chùm gáo thưa với những khóm điên điển trổ đầy những hoa vàng rực giống như sắc lông chim hoàng yến. bên trên, bầu trời âm âm một màu tro”. Ai đã từng lội đồng muà nuớc lụt ở Nam Bộ, hẳn sẽ nhận thấy Anh Đức tả đồng ruộng thật sống động. Cảnh trong veo như hiện ra ngay trước mắt ta :”bây giờ cỏ Tháp Mười bị mưa còn chưa đủ chết. Biển cỏ dầm mình trong làn nước nửa chua nửa ngọt bởi phèn xì lên và mưa trút xuống. Nước trên đồng nhờ có chất phèn nên trong veo có thể ngó thấy từng đàn cá chạy, từ con cá rô đen mun, tới con cá sặt anh ánh sắc tím. Trên mặt đồng nổi lềnh bềnh nhiều ốc bưu lát, con ốc nào cũng đóng rêu xanh rờn…Những bụi bông súng nở bông to như hoa quỳ và những cọng bông súng màu vàng rêu lả lay dưới làn nước bị khuấy động làm cho tôi cứ như ngửi thấy mùi mắm kho từ ven xóm ở bên kia phất tới”. Thiên nhiên ở đây yên tĩnh. Phong phú sắc màu, hoà với đời sống yên ấm cuả người nông dân. Thiên nhiên ấy cũng chính là tâm hồn VN, bản lĩnh VN. Thiên nhiên đồng ruộng này cũng là được chiều sâu tâm hồn Chị Ba Tương lai. Tâm hồn ấy dịu êm , mát rượi khi hoàn thành nhiệm vụ đưa đòan khách qua trạm an toàn, khi đứng nhìn xác chiếc máy bay Mỹ cháy đen ở chính nơi chồng chị hy sinh. Nếu không có bối cảnh thiên nhiên này, thì tính cách, tâm hồn chị Ba Tương Lai sẽ nghèo nàn, thô thiển đi biết mấy.
Ở MUÀ GIÓ và NGƯỜI CHƠI ĐẠI HỒ CẦM nhân vật cuả Anh Đức không phải là người nông dân. Đó là cô giáo Út Diệu và nhạc sĩ chơi Contre bass, anh Hoài. Cả hai người đầu rất say mê công việc cuả mình, hết lòng phục vụ Cách mạng. Cả hai đều hoạt động trong môi trường chiến đấu hiểm nghèo, nhưng họ khát khao hiến dâng tuổi trẻ cho Cách mạng. Út Diệu khẳng định “Út không bao giờ đi khỏi đây đâu, em sẽ sống cùng sống, chết cùng chết với bà con, dạy cho mấy đưá nhỏ học”. Ở dưới tầm đạn bom cày xới từng ngày từng giờ huỷ diệt, út Diệu vẫn hồn nhiên dạy dỗ đàn em và cùng bà con đánh giặc. Tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu Cách mạng trở thành sức mạnh tinh khôi ở Diệu, và giờ đây có thêm tình yêu cuả Lân chắc chắc sức mạnh ấy sẽ tăng lên gấp bội.
Cũng vậy, anh Hoài, từ khi có được cây đàn Contre Bass, “cây đại hồ cầm này không phải sắm bằng tiền, mà sắm bằng tình, tình yêu người nghệ sĩ muốn có cây đàn để phục vụ CM”, thì anh đã đem hết tài sức mình , cống hiến không mệt mỏi. Anh bộc lộ hết tính cách nghệ sĩ. “anh vui hơn trước nhiều, đôi mắt anh ánh lên niềm tự tin. Anh Hoài như mới được một sức gì bật dậy”
Nhìn chung những truyện ngắn trong Bức Thư Cà Mau tập trung phản ánh cuộc chiến đấu cuả nhân dân Nam Bộ trong nhiều hoàn cảnh: đánh máy bay Mỹ (Khói), đấu tranh giành lấy con người (Đứa Con, Con Chị Lộc), đấu tranh giữ đất, phá ấp chiến lược, giữ lòng thuỷ chung CM (Đất), đấu tranh bóc gỡ đồn bót lấn chiếm cuả kẻ địch (Câu Chuyện Tiếp Theo về Ông Tám Vườn Chim), cuộc chiến đấu cuả người giao liên (Xôn Xao Đồng Nước), đấu tranh để giữ lấy đời sống yên bình (Mùa Gió).. Trên nền cuả cuộc chiến ấy, quần chúng CM hiện lên như những con người rất đỗi bình thường, chân chất hồn nhiên và tràn đầy sức sống. Mỗi con người đều có những kỳ tích anh hùng, đều có những phẩm chất cao đẹp. Đó là lòng trung thành tuyệt đối với CM , sẵn sàng dâng hiến, sẵn sang xả thân cho CM (Ông Tám xẻo Đước, Chú thím Ba). Đó là ý chí bám đất, giữ đất giữ nước không rời ( Ông Tư vườn Chim, Út Diệu…), đó là lòng yêu thương mênh mông, mãnh liệt cuộc sống, yêu con người. Tình yêu lưá đôi nảy sinh và phát triển trong chiến đấu, trở thành sức mạnh chiến đấu, dù phải cách xa (Quế-Hựu), dù thương tật (Lân-Út Diệu) dù có người hy sinh (Chị Ba Tương Lai), hoặc trọn vẹ đẹp đẽ (Thắng và vợ trong Giấc Mơ cuả Ông Lão Vườn Chim)
Anh Đức tập trung khai thác và thể hiện nhiều vẻ đẹp cuả chủ nghiã anh hùng cách mạng, trên bối cảnh thiên nhiên ruộng vườn đẹp, trên nền hoành tráng cuả cuộc chiến đấu. Nhân vật hiện lên trong trẻo, hồn nhiên, đôn hậu, chất phác. Phẩm chất anh hùng hiện diện ngay trong đời thường, trong sự đôn hậu chất phác ấy. Nói như Diệp Minh Tuyền là có “một vầng ánh sáng lấp lánh quanh tác phẩm” cuả Anh Đức, và “thái độ tuyệt đối trung thành với CM là đặc điểm nổi bật cuả nhân vật Anh Đức”(7). Nhưng phải nói thêm rằng phẩm chất anh hùng, sức mạnh và chiều sâu cuả chủ nghiã nhân đạo cộng sản chủ nghiã, ân nghiã, ân tình CM là những phẩm chất cuả nhân vật truyện ngắn trong Bức Thư Cà Mau. Ngoài ra, sức hấp dẫn cuả Bức Thư Cà Mau còn ở sự độc đáo và sâu sắc cuả chủ đề truyện, chẳng hạn những chủ đề cuả ĐẤT, CON CHỊ LỘC, GIẤC MƠ CỦA LÔNG LÃO VƯỜN CHIM…Anh Đức cũng thể hiện tài năng trong miêu tả thiên nhiên (Xôn Xao Đồng Nước), tả tâm lý (Đưá Con) , tài dẫn truyện (Người Chơi Đại Hồ Cầm)…
Xu thế chung cuả Bức Thư Cà Mau là xu thế lý tưởng hoá, xu thế miêu tả cái đẹp Cách mạng, xu thế trữ tình CM, tác phẩm thấm đẫm tin yêu. Âm điệu chung là âm điệu ngợi ca, ngưỡng phục. Tác giả nhập thân với nhân vật, đồng cảm, trân trọng nâng niu những giá trị cuả cuộc sống.
3. MIỀN SÓNG VỖ: Một bước tìm tòi nghệ thuật mới cuả Anh Đức.
Những truyện ngắn trong tập Miền Sóng Vỗ đều viết sau 1975, trong hoàn cảnh mới và trong ý thức sáng tác mới cuả tác giả. Nếu trước 1975, nhiệm vụ, yêu cầu chính cuả người cầm bút là ”phản ánh một cách sinh động cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng” cuả nhân dân Nam Bộ, thì nay đất nuớc đã được giải phóng, Bắc Nam thống nhất một nhà, nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghiã xã hội là nhiệm vụ trung tâm. Trong sự nghiệp CM mới, văn học phải góp phần xây dựng con người mới, cuốc sống mới, quan hệ mới. Anh Đức nói cụ thể :”Nhiệm vụ cuả sáng tác văn học hiện nay, chính là phải góp sức vào công việc đó, góp sức làm cho tổ quốc có cuả, có luá, có vải, có năng lượng cũng như là ở trong thời chiến, văn học phải dốc sức cùng quân dân giành cho được độc lập tự do vậy”(8)
Đó là nhiệm vụ chung. Mỗi nhà văn thực hiện nhiệm vụ ấy theo sở trường cuả mình. Anh Đức thấy rằng: ”cần phải viết về những con người mới và những con người đang cản phá sự đi lên cuả xã hội, cần phải viết về cái cao đẹpvà cả về tội ác”(9). Viết về con người mới là một diện rất rộng, Anh Đức lưạ chọn phần hiện thực nào cuả con người mới ? “Gần đây tôi ý thức rằng đề tài con người mới cuộc sống mới đó là cái ở quanh mình, đó phải là cái cuả cuộc sống thường nhật, đó chính là cái cảnh đời có bộ mặt tốt xấu hoặc lừng khừng mà nhiệm vụ cuả mình là phải gieo vấn đề, đặt được tư tưởng cho nó để viết”(10). Mục đích Anh Đức mong đạt tới là ”để xây dựng và giáo dục phẩm cách sống hiện nay, người viết cần phải nhen nhóm tức thì lối sống mới, nhân cách mới, đạo lý mới, trật tự mới”(11)
Miền Sóng Vỗ là sự lên tiếng cuả Anh Đức truớc những vấn đề cuả Con Người, về cách sống, về mối quan hệ, về đạo đức trong một xã hội đang ở những bước đầu thời kỳ quá độ vô cùng phức tạp. Anh Đức “gieo vấn đề, đặt tư tưởng” cho người đọc, để từ đó tác động làm thay đổi, làm thức tỉnh, dự báo, nhắc nhở, để xây dựng những nhân cách Cách mạng mới, những điển hình mới từ những con người lao động bình thường. Do vậy, trong Miền Sóng Vỗ, giá trị cuã tác phẩm không phải là giá trị phản ánh mà là giá trị “gieo vấn đề, đặt tư tưởng” sâu sắc đến độ nào, và những vấn đề, tư tưởng được gieo ấy quan trọng thế nào với cuộc sống, với tâm hồn người đọc? Nghệ thuật gieo vấn đề, đặt tư tưởng có thuyêt phục hay không.
NGƯỜI KHÁCH ĐẾN THĂM VƯỜN NHÀ TÔI là ai? Đó là ông Khắc, một “cán bộ lâu năm cuả Đảng” công tác tại Uỷ Ban Công Tác Nông Thôn cuả trung ương. Có con vào Nam chiến đấu và hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trong điều kiện cuả ông, con ông có thể đi học ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức, sẽ nắm chắc học vị Phó Tiến Sĩ trong tay. Thế nhưng không. ”..Trong nước đang có giặc…một chỗ cần cho con tôi hơn, đó là tiền tuyến. Là vì, chắc về lâu về dài tôi sẽ ân hận nhiều, nếu tôi có đưá con trai mà không dám giao nó cho Đảng, trong những năm kẻ thù đông tới trên một triệu tên…Tôi có tuổi Đảng gần ba mươi năm, do vậy mà tôi sẽ vô cùng áy náy nếu mỗi lần tôi đi công tác về các xã, ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, thường gặp những người cha người mẹ nông dân có tới ba, năm hoặc sáu đưá con ra trận không trở lại “. Đó là tấm lòng cuả một người cha với con. Người cán bộ với Đảng, người cán bộ với dân. Đó là thái độ tự ý thức về nghiã vụ cuả chính mình, về sự hy sinh cần phải có với dân với Đảng. Cũng là sự phán xét lương tâm trước thực tại.. Quả vậy khi nghe tin con hy sinh, ông Khắc đã vô cùng đau đớn, nhưng ông “không ân hận, lương tâm rất yên ổn”.
Đối diện với người cha “giản dị và thầm lặng” ấy là một bà mẹ Cách mạng. “Nhà má nuôi cộng sản từ hồi Tây, từ kháng chiến đánh Tây tới giờ nhà má chưá bộ đội có chừng một trăm lần”Tấm lòng cưu mang cuả mẹ thật lao la và chu tất vô cùng.
Có những người bố, người mẹ Cách mạng như thế, những người con như Dũng đã lớn lên, trưởng thành, chiến đấu và hy sinh đẹp đẽ thế nào. Vấn đề Anh Đức đặt ra là gì? Đó là sự hy sinh tất cả cho Cách mạng cho tổ quốc, là ý thức sống sao cho đúng với yêu cầu cuả Cách mạng, sống cho đúng với những người đã hy sinh.
Câu chuyện cuà Anh Đại Uý trong GIÒNG SÔNG TRƯỚC MẶT có nhiều nét kỳ thú lãng mạn. Trong chiến đấu, anh bị thương và được một Nữ Thanh Niên Xung Phong cứu thoát. Nhưng chính ngừời nữ Thanh Niên Xung Phong ấy lại bị nạn không biết sống chết thế nào. Rất tiếc anh lại không biết mặt cô ấy. Rồi cuộc sống chiến đấu lôi cuốn anh đi để rồi anh cứ “áy náy” khôn nguôi về người đã cứu mình, cứ mong tìm kiếm để gặp mặt. Thế nhưng, người làm ơn, cô Thanh Niên Xung Phong ấy đã không để lại dấu tích gì. Và thật bất ngờ, hai người nhận ra nhau khi cùng đi nhờ chung một chuyến xe bò trong đêm. Gặp lại nhau nhưng anh Đại Uý không thể biết mặt cô gái vì đêm tối bao trùm tất cả.
Nghe chuyện cuả anh Đại Uý, người đọc cứ cầu mong cho anh tìm được cô gái, và hẳn Anh Đức có dụng ý khi để anh Đại Uý không nhìn rõ mặt cô gái. Câu chuyện gieo vào lòng ta điều này : trong cuộc chiến đấu, có bao người đã làm ơn cho ta, đã vì ta mà nhận lấy hiểm nghèo, thiệt thòi. Những người ấy ta không thể biết rõ, bởi họ không bao giờ nhận về mình những gì đã làm cho người khác. Nhưng riêng ta, nếu ta không nhận biết họ, ta sẽ vô cùng “áy náy”. Lời chị Ba đánh xe bò chia vui với Anh Đại Uý cũng là lời tác giả nhắc nhở chúng ta :”Bỗng dưng tầm ra được ân nhân, phải tính sao coi cho được đó nghen”. Chúng ta, người đang được thưà hưởng sự hy sinh cuả người đi trước, phải tính sao cho được với ân tình ân nghiã ngày xưa?
Vấn đề Anh Đức đặt ra trong GIẤC MƠ GIỮA BUỔI BÌNH YÊN không vui vẻ nhẹ nhàng như trong Giòng Sông Trước Mặt, mà cháy bỏng, quyết liệt và xoáy vào tim ta về lâu dài. Đó là sự xa dân, xa Đảng , xa những tháng ngày gian nan chiến đấu, quên đi những ân tình CM mà không thấy sợ. Đó là làm sao để lo cho dân, đáp ứng những yêu cầu rất đỗi bình thường cuả dân. Ngôi trường còn thiếu thầy,bệnh xá còn thiếu y tá, cô đỡ, và nhiều thứ khác
Anh Đức đã “gieo vấn đề” với một đồng chí lạnh đạo cấp Tỉnh Uỷ Viên là Cô Tư, và triển khai vấn đề trong một cấu trúc tương phản nhiều chiều. Tương phản giưã những tháng ngày bình yên và những năm tháng quá khứ đầy lo âu, đầy máu và nước mắt ; tương phản giưã đời sống sung túc cuả một tỉnh ủy viên (đi làm có xe con, ngủ giường nệm, nhà ở khang trang thoáng mát, bưã ăn cuối tuần thế nào cũng có món tươi khác ngày thường như lươn um dưà hay tôm chiên lăn bột…) với đời sống cuả người dân thường còn quá nhiều thiếu thốn cơ cực ; tương phản trong nhận thức về khát vọng cuả quần chúng, tưởng rằng quần chúng đòi hỏi những điều cao xa, nhưng thực tế lại quá đỗi bình thường; tương phản giưã ý thức đạo đức rằng người cán bộ cuả Đảng cứ làm việc, cứ công tác, cứ hội họp và được đánh giá:”ưu điểm là nổi bật và căn bản còn khuyết điểm không có gì nghiêm trọng”, “thế là” “yên tâm”, với ý thức đạo đức khác là sự thất hưá tự nguyện :”…mình đã thất hưá bởi một cam kết trọng hệ, cái cam kết thực ra không có luật pháp nào ràng buộc, chỉ có tình yêu thương trong buổi gian truân, chỉ có máu chảy nơi chốn ruộng đồng bưng trấp cất lên thành tiếng nói dập dồn dội mãi vào giưã tâm tôi. Rõ ràng tôi đã cách xa một quãng, đã quên đi một chặng, nên từ đó không thấy sự thôi thúc cuả những ước vọng tưởng chừng như nhỏ bé nhưng thật ra rất đỗi lớn lao kia”
Trên tất cả những tương phản ấy, cuộc đời chiến đấu và hy sinh đầy máu và nước mắt cuả vợ chồng anh chị Năm Luá, những tháng ngày gian nan hiểm nguy cuả quá khứ, là cái nền đỏ rực làm cháy lên những vấn đề, làm “bứt rứt xốn xang” lương tâm tất cả chúng ta, những người đang sống trong bình yên, những người đã quên những ân tình ân nghiã Cách mạng.
Anh Đức đã không chỉ đặt ra vấn đề đạo đức lương tâm Cách mạng, mà đặt ra vấn đề “tưởng chừng như nhỏ bé nhưng thật ra rất đỗi lớn lao”, đó là vấn đề vưà cấp thiết, vưà lâu dài cuả CM xã Hội chủ Nghiã . Đó là: làm sao cho nhân dân được no ấm, hạnh phúc, sao cho cuộc sống cuả họ xứng đáng với bao xương máu đã hy sinh
Truyện NGƯỜI VỀ HƯUTIẾNG NÓI có thể có chung một chủ đề là vấn đề nhân cách sống cuả người cộng sản. Người cộng sản dù đã về hưu, được quyền nghỉ ngơi, nhưng trong điều kiện hiện tại đất nước còn khó khăn, họ vẫn tự giác làm việc, cống hiến chút sức lực cuối cùng cho CM, cho cuộc sống xung quanh, đúng như lời đề từ cuả truyện mà Anh Đức trích trong vở kịch Cô Thánh Giannơ Ở Lò sát Sinh cuả Bertolt Brecht: ”làm sao để khi giã từ thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người lương thiện, mà điều quan trọng là ta có thể giã từ một thế giới lương thiện hơn”. Ông Sáu, một thượng tá về hưu, có một cuộc đời chiến đấu từ những ngày “nóp với giáo mang trên vai” cho tới chuyến vượt Trường Sơn trở về dự vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt. Ông có hai đứa con đi bộ đội đều hy sinh, vợ là một cô giáo đầy dũng cảm và thuỷ chung. Ông về sống giữa khu xóm như một người bình thường, nhưng tâm hồn ông không bình thường chút nào. Ông luôn “cắng đắng” về những sự việc xảy ra chưa tốt xung quanh ông. Ông suy nghĩ và quan niệm giản dị rằng hễ chỗ nào có những người cộng sản thì con người và cuộc sống ở tại chỗ đó phải khấm khá hơn. Ông muốn sự khá hơn tốt hơn đó phải cụ thể chớ không trừu tượng, bởi trừu tượng chung chung, theo ông nghĩ là chưa có gì. “thế rồi ông lao vào hành động, thúc giục mọi người hành động, tưạ hồ ông xốc mọi người dậy”, thế nên “thật vất vả cũng như thật may mắn cho cái phường nào có những ông già về hưu như ông “. Cuối đời, ông đã làm thêm được một việc tốt lành cho xã hội. Hẳn ông rất thanh thản để lại cái vốn liếng đời ông cho thế hệ sau.
Trong truyện này, Anh Đức cũng đề cập đến một số vấn đề xã hội cụ thể, đó là vấn đề trẻ em cù bơ cù bất,trộm cắp, ngủ bờ, ngủ bụi không được ai chăm sóc. Tất nhiên việc giải quyết vấn đề này trong thực tiễn không đơn giản và thuận lợi như ông Sáu đã làm.
Ông già về hưu, bố cuả Tư Lợi (một bí thư Đảng uỷ quận) trong truyện TIẾNG NÓI đã lên tiếng không dễ nghe, không dễ chịu như ông Sáu. Người cán bộ phải sống thế nào? Phải hành xử thế nào ? –“Bây giờ được Đảng giao trọng trách, làm một việc gì dù là lớn nhỏ cũng không được mù mờ.Anh em cô bác người ta ngó vào thấy mình hơi loạng quạng một chút thôi cũng đủ để người ta bớt tin”, “ chỗ đứng và mắt nhìn vẫn cứ phải tỏ rõ như xưa, cung cách sống phải trong sạch”, “… nghĩ gì, làm gì cũng phải hướng tới ngày càng làm có lợi cho người lao động. Hễ cái gì đem lại lợi ích cho các thành phần lao động cơ bản cũng như trí óc thì các anh làm tới, đừng trù trừ. Ví dụ manh quần tấm áo cuả họ, bưã cơm cuả họ. Còn hễ cái gì có chiều hướng làm căng túi tiền cho tụi con buôn, tụi không làm mà hưởng…thì các anh cứ triệt bỏ đừng nương tay”.Ông cụ đã phê đến nơi đến chốn việc anh Tư Lợi dùng xe con chở con đi học, việc nhận quà biếu xén, việc để cho Năm tại đem cái xe Spring hoá giá đến nhà để “lót sẵn ván cầu”. Tiếng nói cuả ông có sức thuyết phục khi Anh Đức tạo ra sự tương phản giưã cuộc sống cuả Tư Lợi và cuả bố :”hình ảnh một ông già cưỡi trên một cái xe đạp đã cũ, đầu đội chiếc nón cối cũng rất cũ kỹ chạy chậm chậm trên nẻo đường từ An Phú về thành phố, đàng sau có đèo một trái mít.”
Rõ ràng là ông già về hưu này chưa hề nghỉ hưu chút nào, ông vẫn tác động quyết liệt vào những vấn đề nóng bỏng cuả hiện thực: vấn đề nhân cách cuả người cán bộ, vấn đề hưởng thụ cá nhân cuả người cán bộ trong tương quan với nhân dân. Tệ nạn hối lộ, lo lót và sự sa ngã trước sự cám dỗ cuả vật chất. Vấn đề làm mất lòng tin cuả nhân dân.
MIỀN SÓNG VỖ là câu chuyện tình yêu duy nhất trong trong cả tập Miền Sóng Vỗ. Tình yêu ở đây không còn trẻ trung như trong Bức Thư Cà Mau. Đó là tình yêu nảy nở trong quá khứ chiến đấu, nhưng được nhìn ở ý thức mới trong hoàn cảnh mới, tình yêu cuả hai Chi và Sáu Hạnh. Hai Chi là cựu chỉ huy tiểu đoàn pháo, người đã trực tiếp dẫn dắt Sáu Hạnh. Hai Chi giờ là thương binh, có nguy cơ hỏng cả hai mắt. Còn Sáu Hạnh giờ là một Phó Bí Thư Huyện Uỷ, người đã yêu Hai Chi bằng trái tim và lý trí cuả một người cộng sản, người “biết nhìn lẽ sống ở đạo thuỷ chung, là một cái đức cốt lõi cuả người cộng sản”Hai Chi quyết từ chối tình yêu cuả Sáu Hạnh vì nghĩ mình tàn phế, chỉ làm khổ, làm cản bước công tác và thêm gánh nặng cho Sáu Hạnh. Còn Sáu Hạnh cũng quyết liệt không kém để giữ cho được tình yêu cuả Hai Chi, vì đó là tình yêu từ trong máu lưả, là chính cuộc đời cuả Sáu Hạnh, là phẩm chất cao đẹp cuả Sáu Hạnh. Cả hai đều nói những điều thuyết phục, cùng lý tưởng, cùng vì hạnh phúc cuả nhau. Tình yêu, hạnh phúc cuả cá nhân còn là tình nghiã CM, đạo lý CM, lý tưởng CM. Sáu Hạnh đã thuyết phục được Hai Chi.
CÁI BÀN CÒN BỎ TRỐNG là một truyện mà Huỳnh Như Phương cho là “trội nhất… đây là một truyện ngắn khá cô đọng và có sức chuyên chở những tình ý vốn rộng hơn câu chuyện vốn có”(12). Phùng Quỳ Nhâm cũng khen truyện này: ”truyện viết nhẹ nhàng mà sâu sắc”, “câu chuyện vượt ra ngoài phạm vi một con người, mang tầm khái quát, ý nghiã triết lý sâu”(13).
Những người lao động âm thầm, giản dị. Họ làm ra cuộc sống nhưng lại nhận chịu những thiệt thòi, sống không tên tuổi như chị Ninh trong truyện, là số đông. Văn học ít viết về họ, khó viết về họ, vì họ không có những kỳ tích, không có những hoàn cảnh, tình huống đặc biệt, cũng không có những tính cách cá biệt. Cuộc đời họ bình dị. Nhưng chính họ là số đông, là nền tảng cuộc sống, là chuẩn mực các giá trị. Thành công cuả Anh Đức là ở những suy tư về giá trị thật cuả đời người, về cách nhìn nhận những con người bình thường lặng lẽ. Chúng ta cần có thái độ chu tất, khiêm tốn biết ơn với những người như chị Ninh, bởi vì chị là người phục vụ âm thầm , và khi vắng chị, khó có thể thay thế .” Chỗ cái bàn cũ kỹ còn bỏ trống kia, không ắt gì kiếm ra một người ngồi vô đó mà được như chị. Trong khi chính tại ngôi nhà này có bao nhiêu chỗ ngồi đều có thể thay đổi không mấy khó khăn”. Vâng, mỗi người trong cuộc sống phải là những nhân cách đẹp, những giá trị tốt không thể thay thế. Đạt được điều ấy hẳn không dễ dàng.
Quả thực có một bước phát triển mới trong sáng tạo nghệ thuật cuả Anh Đức trong Miền Sống Vỗ.Trước hết là ý thức “gieo vấn đề, đặt tư tưởng”. Ý thức sáng tác này chi phối khắt khe cách dựng truyện, cách thể hiện nhân vật, chủ đề và sự can dự cuả tác giả vào truyện. Nếu trong Bức Thư Cà Mau là ý thức phản ánh, ngợi ca, thì trong Miền Sóng Vỗ là ‘lên tiếng nói”, “đặt vấn đề”. Anh Đức trực tiếp can dự vào tác phẩm và đặt vấn đề trực tiếp với người đọc, tập trung vào nhân cách sống cuả người cán bộ, người cộng sản. Tất cả các nhân vật chính đa số là các bộ CM, có tuổi Đảng lâu năm, đã kinh qua gian khổ chiến đấu và hy sinh, hiện tại đang nắm những chức vụ nhất định : từ chủ tịch phường, bí thư Đảng Uỷ quận, phó bí thư huyện, tỉnh uỷ viên, cán bộ Ban Công Tác Nông Thôn trung ương…Sự chọn lưạ nhân vật ấy khác hẳn nhân vật quần chúng trong Bức Thư Cà Mau. Anh Đức làm sáng lên nhân cách người cộng sản, lẽ sống phục vụ nhân dân, dâng hiến cuộc sống cho CM, sống có nghiã tình CM. Các nhân vật ấy đang phải trải qua những thử thách cuả giai đoạn CM mới , dễ xa dân, dễ sa vào lối sống hưởng thụ, quên mất lý tưởng cuả Đảng
Anh Đức đã dựng lại quá khứ kháng chiến như là nền tảng mọi giá trị làm ánh sáng soi đường, để nhắc nhở, cảnh tỉnh nhân vật cuả mình, dẫn họ thoát ra khỏi sự “mù mờ”, “quờ quạng”, nhận rõ đúng sai, tốt xấu. Anh Đức đã đặt vấn đề thẳng thắn với các cấp lãnh đạo, tiếng nói cuả ông là tiếng nói yêu thương, cuả nghiã tình CM. Chúng ta không thể đòi hỏi nhà văn phải đưa ra giải pháp giải quyết cho được những vấn đề đặt ra. Ăng ghen trong thư gửi Cauxki ngày 26.11.1885 có nêu ý này: ”Nhà văn không bắt buộc phải đưa ra trước người đọc sẵn sàng đâu đấy giải pháp lịch sử tương lai về các xung đột xã hội mà nhà văn miêu tả “(14). Điều đáng quý là Anh Đức đã đặt ra những vấn đề căn cốt cuả cuộc sống, chỉ ra cái hướng ánh sáng cuả vấn đề, khẳng định con đường đúng. Hướng về mặt tích cực . Nguyễn Minh Châu nhận xét về những sáng tác trước kia :” bao trùm lên tất cả các tác phẩm là ít thấy cái phần ký thác cuả người viết, đó chính là tư tưởng, là linh hồn cuả tác phẩm văn học, là cái cầu nối liền giưã người đọc và người viết. Với một vài lý do như thế, cái phần hiện thực tức là cái gốc cuả tác phẩm văn học trở nên nhẹ bỗng đi”(15). Trong Miền Sóng Vỗ, tiếng nói ký thác cuả Anh Đức thật sâu đậm, tư tưởng đạt đến độ sâu nhất định, hiện thực trở nên đỏ rực, tất cả như thiêu đốt tâm can người đọc
Ngôn ngữ chính cuả Miền Sóng Vỗ là ngôn ngữ suy tưởng chính luận, khác hẳng kiểu ngôn ngữ chất liệu, mộc mạc trong Bức Thư Cà Mau. Lối dựng truyện chính cuả Miền Sóng Vỗ là, tác giả là người nghe, gợi chuyện, đối thoại với nhân vật, để nhân vật kể lại. Nhiều truyện chỉ là một cuộc đối thoại (Tiếng nói; Cuộc trở về cuả một con người). Do ngôn ngữ chính luận, do mục đích “gieo vấn đề, đặt tư tưởng”, do cách viết tác giả trực lên tiếng trong tác phẩm nên những truyện trong Miền Sóng Vỗ trầm hẳn xuống, mất đi chất tươi nguyên cuả cuộc sống hiện thực, làm giảm đi mỹ cảm nghệ thuật so với Bức Thư Cà Mau.
4. Những điểm chung truyện ngắn Anh Đức trong Bức Thư Cà Mau và Miền Sóng Vỗ.
Nhân vật chính truyện ngắn Anh Đức là quần chúng Cách mạng, là cán bộ Cách mạng. Cốt lõi cuả tính cách là lẽ sống dâng hiến tất cả cho Cách mạng, phẩm chất chính là chủ nghiã anh hùng Cách mạng, ân tình ân nghiã thuỷ chung. Kiểu nhân vật lý tưởng, nhiều nhân vật đạt đến tính điển hình.
Truyện ngắn Anh Đức có nhiều chủ đề độc đáo, nhất là trong tập Bức Thư Cà Mau. Giá trị cuả tác phẩm xuất phát từ chiều sâu chủ đề, tư tưởng. Đó là sự kết hợp giữa chủ nghiã anh hùng CM và chủ nghiã nhân đạo cộng sản chủ nghiã qua sự trải nghiệm cuả chính tác giả, với cốt cách người Nam Bộ.
Anh Đức có một số kiểu cấu trúc tác phẩm riêng theo kiểu Anh Đức. Cách thứ nhất là tái hiện cuộc sống như nó đang xảy ra (Người đào hát, Đưá con, Con chị Lộc ,Giòng sông trước mặt, Người về hưu, Miền sóng vỗ), tác giả tường thuật khách quan. Cách thứ hai là kể chuyện trong truyện (Đất, Con cá song, Giấc mơ giữa bình yên). Trong kiểu cấu trúc này thường có hai câu truyện. Một do tác giả kể, một do nhân vật kể. Người kể thường bày tỏ cảm tưởng khi nghe truyện nhân vật kể. Kiểu cấu trúc thứ ba là kiểu truyện không có cốt truyện, mà thực ra chỉ là một cảnh đối thoại ( Tiếng nói, Cuộc trở về của một con người) hoặc hai cảnh đối thoại (Muà gió).
Anh Đức thường kết truyện bằng một đoạn “cảm tưởng” cuả người kể về câu chuyện. Đó là những đọan kết hợp cảm xúc và suy tưởng, vưà tô đậm hình ảnh, sắc màu, âm thanh cuả hiện thực, vưà khắc sâu chủ đề, vưà làm toả sáng hơn nhân vật, tạo nên sắc thái lãng mạn trữ tình cuả truyện.
Đáng kể nhất là đoạn cuối cuả Đất, Khói, Xôn xao đồng nước, Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Giòng sông trước mặt, Giấc mơ giưã bình yên, Miền sóng vỗ, Tiếng nói. Đây là một thủ pháp kiểu Anh Đức. Nó có tác dụng kích thích, làm tăng lên và lộ ra những cảm xúc thẩm mỹ còn tiềm ẩn trong lòng người đọc, tạo nên thính chân thực cho tác phẩm , qua đó tạo lòng tin nơi người đọc. Dư âm cuả truyện đọng lại rất lâu.
Nhân vật TÔI trong truyện ngắn Anh Đức, người kể chuyện, thường là chính tác giả. Ở một số truyện, Anh Đức còn nêu rõ tên mình, nghề nghiệp (Người chơi đại Hồ cầm). Tác giả Anh Đức trở thành một nhân vật trong truyện, tạo nên nét riêng thi pháp kiểu Anh Đức. Anh Đức đưa chất liệu thực cuộc đời mình vào là để chuẩn bị cho sự xuất hiện cuả nhân vật chính. Chẳng hạn, tác giả đi xe lửa, gặp gỡ, nói chuyện, mời uống cà phê người bên cạnh, để rồi người ấy trở thành nhân vật chính (Cuộc trở về cuả một con người). Thường phần đầu truyện là câu chuyện cuả tác giả, tác giả gặp gỡ nhân vật rồi gợi ý cho nhân vật kể tiếp
Sự xuất hiện của nhân vật TÔI có mâu thuẫn gì với nguyên tắc sáng tạo cuả Anh Đức không ? Anh Đức chủ trương ém mình đi nhưng lại xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm, kể chuyện , bình luận bày tỏ cảm tưởng. Điều này tạo nên hiệu quả gì? Chất nghệ thuật đặc biệt cuả nhân vật TÔI là tạo lòng tin cho người đọc. Nhân vật Tôi là một nhân chứng trực tiếp bảo đảm câu chuyện được kể là chuyện thật trong cuộc sống.Từ lòng tin này, người đọc bỏ qua những hư cấu nghệ thuật. Để thực hiện điều này, Anh Đức miêu tả thật tỉ mỉ quang cảnh hiện trường, không bỏ sót một chi tiết nào có liên quan đến câu truyện, và bí mật gài trước một số tình tiết, để rồi tưởng như tư nhiên, ngẫu nhiên truyện thực là vậy. Đọc phần đầu truyện Đất, Con cá song, Xôn xao Đồng nước ta thấy rõ dụng ý này.
Sự xuất hiện cuả nhân vật Tôi cũng là cách Anh Đức đẩy nhân vật chính lên. Khi nhân vật chính xuất hiện, nhân vật Tôi tự náu mình vào độc giả để nghe nhân vật chính kể chuyện, gợi chuyện, rồi bày tỏ cảm xúc, phẩm bình về câu chuyện, đẩy câu chuyện đi đến phần kết. Sự dẫn truyện cuả nhân vật Tôi tự nhiên, khéo léo, không lộ ra dụng ý cuả tác giả. Nhân vật tôi lúc này như ngòi nổ ngầm, khi nhân vật chính tạm lắng đi thì nhân vật tôi làm nổ ra những đợt chấn động cảm xúc thẩm mỹ. Những chấn động ấy lây lan làm bùng nổ cảm xúc nơi người đọc. Ở một số truyện, nhân vật Tôi đặc biệt thành công. Tuy nhiên ở một số truyện khác, ngỏi bút Anh Đức để nhân vật Tôi dềnh dàng kể lể dài dòng những chuyện không cần thiết. Chất nghệ thuật giảm hẳn (Người khách đến thăm vườn nhà tôi)
Trong “thi pháp” Anh Đức, người đọc tìm thấy đôi điều rất thú vị .. Chẳng hạn, ở truyện nào Anh Đức cũng miêu tả những khoảng lặng và miêu tả nhân vật khóc. Phút yêu lặng sâu lắng giữa các nhân vật và giữa người đọc –phút yên lặng nghệ thuật. Nhân vật cuả Anh Đức lúc gặp nhau, nghe chuyện, xúc động đều khóc. Út Diệu khóc lúc nói chuyện với Lân, người cháu khóc lúc chia tay với Thắng (Giấc mơ cuả ông lão vườn chim), những người lính ngụy hoàn lương rưng rưng nước mắt. Quế khóc trước Hựu. Ông Khắc và Tôi nghe câu chuyện về Dũng cũng khóc. Cô Tư, tỉnh ủy viên, khi nhận ra Thắm đã khóc “nước mắt chảy ướt đầm hai má”. Thằng Côn, con Hà, bà Sáu đều khóc lúc gặp nhau. Sáu Hạnh khóc giận Hai Chi khi Hai Chi từ chối tình yêu. Chi Ninh thì “rân rấn nước mắt”,”giọng nói của chị nghe như có tiếng khóc”, và nghe tin chị từ trần, cả cô thư ký đánh máy mắt cũng rưng rưng.Anh Đức có dụng ý gì trong thủ pháp miêu tả nảy và hiệu quả nghệ thuật là gì? Có điều chắc rằng đó không phải là nước mắt bi lụy mà là nước mắt bi hùng. Nó diễn đạt được cảm xúc mãnh liệt cuả nhân vật trước những biến cố cuả cuộc sống, nó làm cho nhân vật của Anh Đức trở nên mềm mại dịu dàng hơn, và tạo ra xúc động cho người đọc (tiếng khóc dễ làm ta mủi lòng). Phải chăng đó cũng là một nét cá tính sáng tạo cuả Anh Đức?
Văn Anh Đức mộc mạc, chân chất, tự nhiên, đôn hậu, điều này do đâu? Trước hết là sự chân thật do hiệu quả thẩm mỹ cuả nhân vật Tôi (đã phân tích ở trên). Thứ hai, Anh Đức đặc biệt khai thác mặt tình cảm yêu thương cuả nhân vật, và muốn truyền cho được tình cảm yêu thương đó đến với người đọc. Anh Đức ít miêu tả lòng căm thù hoặc gợi lên lòng căm thù, và nếu có miêu tả căm thù thì cũng là để tôn vinh lòng yêu thương(thí dụ truyện Con chị Lộc). Thế nên ít có nhân vật kẻ địch tàn bạo trong truyện Anh Đức. Những người lính nguỵ, kẻ thù, trong truyện ngắn Anh Đức không ác họ được miêu tả bằng cái nhìn nhân ái, và trong họ vẫn còn chất nhân ái. Khi gặp ánh sáng Cách mạng, thì lòng nhân ái cuả họ dẫn họ về với Cách mạng (lính Tư trong Đưá con,người lính tù không nỡ đánh chị Lộc, những người lính ngụy trong Câu chuyện tiếp theo về ông Tư vườn chim, người sĩ quan Cộng hòa trong Cuộc trở về cuả một con người).
Anh Đức cũng đặc biệt miêu tả kỹ lưỡng những hành động, nghiã cử nhân vật chăm sóc người khác. Chẳng hạn, khi thằng Trung ngủ, thím Ba đã nắm bắp tay rắn chắc cuả con thế nào, chú Ba dặn dò nó chu tất ra sao (Đứa con), hoặc đòn bánh tét còn ấm nóng và gói trà còn dấu dưới chiếc xuồng cuả ông Tám Xẻo Đước (Đất), hoặc những người bạn tù cởi áo lót dọn chỗ cho chị Tư Lộc (Con chị Lộc), vợ chồng Năm Luá đã lo lắng thu xếp chỗ ăn chỗ ở, làm việc cho cô Tư tươm tất ( Giấc mơ giữa bình yên); hoặc bà mẹ tác giả đã lo toan chuẩn bị cho bộ đội ăn tết. Đặc biệt là những chi tiết nhỏ nhặt chị Ninh chăm sóc các nhà văn ở trụ sở Hội Nhà Văn. Bản thân nhân vật Tôi cũng thường “để ý” những chi tiết cuả nhân vật khác. Chẳng hạn :” trong tâm trí tôi còn lưu lại cho tới hôm nay, bộ quần áo chị Ninh mặc trên người hầu như chỉ là quần đen áo trắng”
Và trên hết, chất thẩm mỹ cuả ngòi bút Anh Đức bắt nguồn từ chính phẩm chất riêng, cá tính riêng và “cái tạng” riêng cuả con người nhà văn Anh Đức. Anh Đức là nhà văn yêu thương con người. Đó là một tâm hồn giàu cảm xúc cuả con người Nam Bộ, kết hợp với lương tri tỉnh táo cuả một nhà văn và chủ nghiã nhân đạo cộng sản chủ nghiã trong ý thức về con người. Nhân vật cuả Anh Đức và chính tác giả, luôn tự vấn lương tâm về những điều mình đã làm, nếu không đem đến tình yêu thương cho người khác, và sẵn sàng nhận chịu thiệt thòi vì người khác. Tâm hồn và phẩm chất nhân vật luôn ánh lên vẻ đẹp cuả lý tưởng. Chẳng hạn, chỉ vì câu chuyện mượn bàn ghế dùng riêng, làm cho chị Ninh phải đi đòi, đã làm nhân vật Tôi ân hận mãi: ”Tôi thấy quả xấu hổ, mãi tới giờ nhớ tới cũng còn ân hận, vì đã làm chị Ninh phải cực nhọc vất vả suốt buổi chiều ấy”. Hoặc lúc qua trạm giao liên, vì mình mà chị Ba Tương Lai bị máy bay trực thăng Mỹ bắt, lòng tác giả như vò xé: ”Thôi thế là hết! Chị Ba coi như đã bị chúng bắt đi rồi. Tai tôi tự nhiên váng ù lên và tiếng chong chóng trực thăng bành bạch quay nhanh kia như đập túi bụi vào giữa tim tôi, lòng tôi như bị vò xé hơn lên” (Xôn xao đồng nước). Không có trái tim giàu xúc động và yêu thương trân trọng con người như vậy, không có ánh sáng lý tưởng và chiều sâu tâm hồn cuả chủ nghiã nhân đạo cộng sản chủ nghiã thì không thể có những câu chuyện, những trang văn, chân chất, hồn hậu, trữ tình trong sáng và lãng mạn kiểu Anh Đức
Có thể nói, truyện ngắn Anh Đức khá độc đáo và có phong vị riêng, ở cả đề tài, chủ để, nhân vật, kết cấu ngôn ngữ và phong cách. Nhiều truyện có khả năng tồn tại bền vững và trở thành truyện ngắn đặc sắc hiện đại. Truyện ngắn Anh Đức thể hiện khá rõ ý thức sáng tạo, cá tính sáng tạo, ý thức về sứ mệnh nhà văn, và tài năng nghệ thuật cuả Anh Đức.
Có một thời nhà văn đã đồng hành với dân tộc, cùng sống, chiến đấu với nhân dân. Trái tim cùng đập một nhịp với trái tim quần chúng, lý tưởng Cuộc trở về cuả một con người là ánh sang soi đường, nhờ đó tài năng cá nhân được phát huy cao độ, tác phẩm văn chương trở thành tiếng nói cuả thời đại, thật hào hùng nhưng không ít bi thương. Anh Đức là nhà văn cuả yêu thương, cuả lý tưởng nhân đạo cộng sản chủ nghiã cao đẹp.
Chú thích:
(1)Văn Nghệ TPHCM, số 506, sđd
(2).Bức Thư Cà Mau, Nxb Văn Học Giải Phóng in lần thứ hai.1975
(3).Tạp chí Văn Học số 4, 1985
(4).Phạm Văn Sĩ, Văn Học Giải Phóng Miền Nam-NXB ĐH&THCN Hànội 1976.tr.259
(5).Trần Quang :Con Người Miền Nam, TCVN/GP. 20/7/1964
(6).PTS. Phùng Quý Nhâm : Những Tìm Tòi Sáng Tạo cuả Anh Đức (Bản đánh máy cuả tác giả. Tr.5)
(7).Diệp Minh Tuyền-Tạp Chí Văn Học số 7 năm 1966.tr76
(8).Văn Nghệ số 1 năm 1982.
(9).Văn Nghệ số 18 năm 1983
(10).Văn Nghệ số 1 năm 1984
(11).VN TPHCM số 506 ngày 13/11/1987.sđd
(12).Những Trang Viết Những Nhịp cầu, sđd, tr.33
(13).Nét Mới trong truyện ngắn Anh Đức – bản đánh máy. Tr.2
(14).Mác-ph.Ăng ghen-VI.Lênin về Văn Học và Nghệ Thuật. nxb Sự Thật, Hà nội 1977
(15).Chiến Trường Sống và Viết. Nxb Tác Phẩm Mới.1982, tr.40
PHẦN III: BÚT KÝ ANH ĐỨC
1. Anh Đức viết bút ký để ghi lại trực tiếp những cảm nghĩ cuả mình về hiện thực, mà những cảm nghĩ ấy khó thể hiện trong truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Bút ký trong tập Bức Thư Cà Mau được viết dưới dạng những lá thư gửi Nguyễn Tuân, nhờ thế Anh Đức có thể đối thoại chia sẻ tâm tình với người đọc. Những bút ký ấy trực tiếp phản ánh cuộc chiến đấu cuả nhân dân Nam Bộ. Anh Đức nói rõ mục đích này: “hẵng cứ gửi cho nhau những thư tín ký sự nói về các nơi chốn ta đặt chân đến, kể chuyện bà con ta ở đó sinh sống và chiến đấu ra sao. Tưởng làm được như vậy cũng đủ làm ta khoan khoái mà tự nhủ rằng dẫu thằng Mỹ có ra sức ngăn cắt […] , ta cũng cứ ung dung trò truyện như thường”. Những trang bút ký được Anh Đức viết trong tâm trạng hồ hởi phấn khởi, giữa tiếng súng chiến thắng giòn giã cuả quân dân hai miền. Anh Đức tâm sự :”nghe tin các anh đang đổ về hoả tuyến, chúng tôi rất phấn khởi, thật không thể không có sáng tác trong khi trên hoả tuyến cuả cả hai miền Nam, Bắc chúng ta đang nổ vang thì nhịp súng chiến thắng đang hắt lên vòm trời tổ quốc ta ánh hào quang chói lọi cuả chủ nghiã anh hùng Cách mạng “(1)
Như vậy Anh Đức đã viết bút ký dưới sự thôi thúc cuả cả hai yêu cầu, yêu cầu phản ánh cuộc chiến đấu- như là nhiệm vụ trung tâm cuả nhà văn- và sự thôi thúc cuả trái tim rạo rực cuả một người đang chiến đấu trực tiếp bằng ngòi bút, cùng với nhân dân đánh Mỹ. Anh Đức đang ở trong hào quang cuả chủ nghiã anh hùng Cách mạng, ở giưã các em, các mẹ, các chị , các cô bác đang nhất tề xông lên, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười, đâu đâu cũng dòn vang tiếng súng thắng lợi cả về quân sự lẫn chính trị…Anh Đức nhận xét: “Chuyện chiến đấu có nhiều cái vui lắm”, “cuộc chiến đấu ở mũi đất xa xôi này được cái nó trẻ trung, nó tươi đầy, với giặc thì căm thù xốc tới, với ta thì yêu thương trìu mến”, “con rạch, vầng lá hình như cũng nhuộm thắm thêm cái màu lãng mạn cuả cuộc chiến đấu”(sđd). Không khí ấy thể hiện rõ nhất trong bút ký NHỮNG CHUYỆN CHUNG QUANH MỘT TRẬN CÀN HÌNH MÓNG NGỰA
Tuy vậy, trong tất cả các bút ký, xu hướng chính cuả ngòi bút Anh Đức là miêu tả chiến thắng, miêu tả con người miền Nam chiến thắng, nhất là hình ảnh tuyệt đẹp cuả con người miền Nam ra trận, tươi nguyên và tràn trề sức xuân, vưà ca hát vưà nổ súng xông tới, với sức mạnh không gì cản nổi. Điều đặc sắc khác nữa là, cứ theo dõi thứ tự từng lá thư bút ký ta thấy rõ cuộc chiến đấu cuả nhân dân miền Nam ngày càng sáng ra, càng tiến lên phiá trước, càng hồ hởi , tin tưởng. Anh Đức suy gẫm :”mình càng đánh dai thằng Mỹ càng chết”, “thiệt khốn nạn cho thằng Mỹ, đã sợ chết mà còn dám đến đây”
Đây là hình ảnh các mẹ, các chị trong đấu tranh :”các mẹ, các chị, các cô bơi xuồng ào ào ra Cà Mau […] khí thế chính trị cuả ta là ở cái mái chèo vỗ sóng vỗ nước, ở rừng xuồng ghe lao tới như tên bắn, ở sự ung dung cuả các bà mẹ ngồi trên xuồng đi đầu tranh vẫn điềm nhiên ngoáy trầu ăn, và các cô gái vừa bơi vưà sửa lại khăn đội đầu cho ngay ngắn”(2)
Hình ảnh anh du kích trong trận càn Gianxơn Xity làm cho giặc Mỹ vô cùng khiếp sợ. “chúng khiếp sợ vì du kích bám đánh chúng không dứt ra được, du kích cứ như là cây rừng khiến chúng bàng hoàng kinh ngạc là tại sao chúng cho máy bay B52 giập nhiều bom đến thế mà du kích vẫn còn nguyên hết cả”(3)
Một hình ảnh khác làm nức lòng người đọc là “dũng sĩ diệt cơ giới Mỹ mọc lên trong rừng Tây Ninh như nấm. Có anh mới giáp mặt lần đầu với xe tăng nhưng một mình đã bắn tan hai chiếc trong vòng năm phút, bản thân anh cũng không dè hoả lực chống tăng cuả mình hiệu quả đến dường vậy. anh vui sướng quá nhảy la vang cả rừng” (Những Chuyện…,sđd).
Ở thành phố, chuyện cô T, “tự tay mình đánh diệt ngót trăm tên Mỹ thuộc phái bộ M.AAG cũng thật táo bạo, mưu trí. Tiêu biểu cho vô số những nữ hiệp sĩ cuả thời CM, đánh giặc bằng mìn plastic vang động và lúc cần thì trổ cả quyền thuật ra”(4)
Anh Đức đã dành riêng một truyện ký ghi lại lời kể cuả anh Nổi. Đây là bài bút ký miêu tả cận cảnh một cuộc trực chiến. Có lẽ không ở một tác phẩm nào khác, ngòi bút miêu tả cuả Anh đức lại mộc mạc, chân thật, dữ dội, và chạm nổi nhân vật như ở đây. Cũng chưa có trang nào cuả Anh Đức miêu tả cụ thể những cảm giác hết sức tinh tế, sống thực cuả con người phi thường trong cuộc chiến đấu đối diện với sự khốc liệt và cái chết như ở đây. Một mình trong hầm bị thiêu đốt, bị địch chọi lựu đạn như chơi chọi đáo lạc, anh Nổi đã đương đầu với trên hai trăm thằng giặc có cả bầy xe M.113. Chúng đã bị tổn thất nặng, buộc phải rút. Anh Nổi bảo vệ được trại quân y. Sau ba tháng điều trị, sức khoẻ anh lại bình phục. Anh bị mất một tay và hỏng một mắt, vẫn tiếp tục xin làm giao liên. Hình ảnh chị Hồng hy sinh bên cạnh anh, và hình ảnh các thương bệnh binh thuộc trách nhiệm anh chăm sóc luôn luôn là sức mạnh chiến đấu, khiến kẻ địch không thể hiểu nổi.
Ký cuả Anh Đức vưà ghi nhận vưà lý giải hiện thực. Anh Đức tập trung lý giải hai điều: Tại sao ta phải cầm súng? do đâu ta thắng Mỹ và tại sao Mỹ thua? Anh Đức không dùng ngôn ngữ chính luận, mặc dù đôi chỗ có đưa ngôn từ chính trị vào. Những luận điểm cuả Anh Đức xen kẽ rất tế nhị giữa những câu chuyện kể về sự tích anh hùng, khiến cho chuyện kể trở nên sâu sắc ý nhị. Những luận điểm ấy được nhận thức từ thực tiễn chiến đấu, nên người đọc thấy những điều Anh Đức nói hiển nhiên là vậy, như chính suy nghĩ cuả người đọc.
Thực ra, sức hấp dẫn và vẻ riêng cuả bút ký Anh đức là ở cái nhìn trí tuệ sắc xảo, một cảm quan tươi rói về tương lai, và những cảm thức riêng hoà nhập được với cảm thức chung cuả thời đại. Anh Đức nhìn ra sức mạnh vô địch cuả chiến tranh nhân dân trong từng con người cụ thể, nhìn ra xu thế chiến thắng cuả thời đại đánh Mỹ trong từng trận đánh, từng chiến dịch, mà dù kẻ địch được trang bị vũ khí hùng hậu đến đâu, tàn ác đến đâu, cũng phải thất bại. Anh Đức được sống giưã các mẹ, các chị, các anh, và bà con cô bác đánh giặc mọi nơi, mọi lúc, mà khí thế ra trận thể hiện ở cái mái chèo vỗ sóng vỗ nước, ở rừng xuồng ghe lao tới như tên bắn, đó là khí thế cuả ngàn năm lịch sử dân tộc đánh giặc, nhờ thế ngòi bút Anh Đức có được sự tự tin vũng chãi.
Điều thứ nhất Anh Đức phát hiện về cuộc chiến đấu cuả nhân dân miền Nam là đấu tranh giai cấp gắn liền với đấu tranh chống xâm lược. Nhân dân miền Nam được Cách mạng giải phóng khỏi kiếp nô lệ ngưạ trâu, được Cách mạng cấp đất. Chế độ Mỹ Diệm đã cưỡng đoạt đất đai cuả họ, dồn họ vào ấp chiến lược, sát hại người thân yêu cuả họ, thế nên không còn con đường nào khác là phải cầm súng chiến đấu: “Thằng Mỹ ác đến nỗi chúng không để một cái cây vườn nào chỗ chúng tôi được đứng nguyên vẹn. Cây cam bị cắt sát gốc, cây bưởi bị phát ngang, cây gáo vàng mình mang đầy tì vết. Có lần chúng liệng bom bi làm chết gần chục đồng bào Lấp Vò. Tôi chỉ cần ngó quanh chỗ tôi đứng thôi cũng đủ thấy mọi dấu vết căm hờn, nó làm cổ họng tôi nhiều khi phải nghẹn lại. Vì vậy cái ý thức muốn cầm súng giết giặc càng thôi thúc tôi”
Anh Nổi đã nói rõ lý do tại sao người dân Nam Bộ lại mau chóng đi theo Cách mạng: “Chúng tôi ở nơi đất đai sông rạch, có thể dễ dàng làm ra thóc gạo, tôm cá, nhưng lại luôn luôn có thằng cầm dao đứng chực, doạ mình rằng, nếu mình làm ra được thóc gạo tôm cá mà không cung phụng cho nó thời nó chém.. Như vậy thành ra trong vòng mấy năm, Cách mạng dậy lên đều khắp mọi nơi và bà con dân ruộng kể như là theo Cách mạng hết”. Anh Đức nhấn mạnh với Nguyễn Tuân điều này :”tôi muốn nhấn mạnh với anh ở đây là sở dĩ tại miền Nam đã đẻ ra những hành động tội ác man rợ nhất, ấy là vì mối mâu thuẫn trong này đã bị dồn tới mức kịch liệt nhất. Bọn điạ chủ phản động và bọn tư sản mại bản làm tay sai cho giặc Mỹ đã để lộ hết thú tính cuả chúng”
Anh Đức khái quát cuộc đấu tranh giai cấp với cuộc đấu tranh chống xâm lược trong khái niệm “ĐẤT”, khái niệm chủ đề nòng cốt cuả tác phẩm Anh Đức. “Khi ta cảm thụ hết cái chữ ’Đất’, ta sẽ không lấy làm lạ khi gặp trên đường những chiến sĩ giải phóng quân quá trẻ, hầu hết là con cái cuả nông dân đang lớp lớp tiến ra trận. Anh nào đôi mắt cũng long lanh sáng rực. Không có gì đáng ngạc nhiên đâu khi ta nghe chuyện những bà mẹ sắm súng và lựu đạn cho con mình lên đường giết giặc. Tất cả những cái đó không ngoài mục đích giành lại sư sống, mà sự sống ở Miền Nam này gần như là 100% trông cậy ở cây luá mọc lên từ các mảnh ruộng “(5)
Khái niệm Đất cuả Anh Đức là một khám phá, một sáng tạo độc đáo. Nó chưá đựng được hiện thực rộng rớn cuả đấu tranh giai cấp và đấu tranh chống xâm lược, nó chuyển tải được tình cảm lớn lao cuả người dân với quê hương đất nước và với nghiã tình Cách mạng. Nó trở thành một hình tượng văn học vưà gần gũi lại vưà mới lạ. Nguyễn Đình Chiểu từng nói đến việc giữ gìn “tấc đất ngọn rau”, như mục đích chiến đấu cuả người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX, nay Anh Đức đã khái quát hoá lý tưởng chiến đấu cuả nhân dân Nam Bộ lên một tầm vóc cao hơn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt hơn, vĩ đại hơn nhiều.
Phát hiện thứ hai cuả ký Anh Đức là phát hiện về sức mạnh chiến đấu cuả nhân dân Nam Bộ.. Sức mạnh ấy trước hết là sức mạnh “giành lại sự sống”. Sự sống theo cái ngiã cụ thể là sống, quyết sống, không chịu chết trước mũi súng kẻ thù (Truyện Anh Nổi), sự sống còn là độc lập tự do cuả đồng bào đồng chí. “Chúng ta nhiều lần khẳng định rằng độc lập tự do đối với chúng ta là sự sống. Chúng ta có thể hy sinh hết thảy, hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng, nhưng độc lập tự do là cái không thể hy sinh” (6)
Sức mạnh ấy còn xuất phát từ lòng căm thù cháy bỏng, từ những tình cảm yêu thương đứt ruột. “Lẽ sống ở đây đòi đổi lấy bằng máu, không thể kỳ kèo tiếng một tiếng hai với kẻ thù được”. Anh Giải Phóng Quân ra trận với sức mạnh cuả lòng tin yêu và căm thù :”Mỗi chiến sĩ Giải Phóng Quân ra trận mang theo nhiều sức mạnh diệu kỳ : niềm vui rộn rã khi được biết rằng cha mẹ mình rồi đây sẽ có đất cày và mình cũng không mất phần đất ấy. Khẩu súng hôm nay trên tay họ cũng là khẩu súng tốt nhất giành được cuả Mỹ. Rồi ngoài các thứ đó, mối thù xưa cộng với thù nay cứ ngụt ngụt bốc cao giữa lòng họ. Thù giặc Mỹ vưà dùng các chất độc huỷ hoại các làng ở Trà Vinh, thù chúng lồng lộn ném hàng trăm tấn bom xuống vùng Bời Lời Bến Cát, thù chúng đóng chốt thêm hàng vạn quân Mỹ vào Đà Nẵng Chu lai, thù chúng giết anh Trỗi, anh Dậu, anh Đang. Lại còn cộng thêm mối thù rất lớn nưã là ngày nào cũng nghe chúng leo thang ra Bắc…Mối thù mà Giải Phóng Quân miền Nam mang trong long là mối thù cuả hai miền cộng lại” (Thư Tháng Bảy)
Anh Đức cũng ghi được những hình ảnh yêu thương đứt ruột ở xung quanh mình. Thương làm sao hình ảnh năm chiến sĩ hy sinh sau khi đã diệt được 200 tên địch ở cái Nước. Các mẹ, các chị đang thay quần áo cho anh em, có mẹ nhìn mặt từng anh , nước mắt lã chã, vuốt mắt cho các anh và thì thầm :”ngủ đi con”. Thương làm sao 11 chiến sĩ Cách mạng bị địch giết chết quăng xác xuống bàu, bà con, chị em đi kiếm xác các anh đến ngày thứ tám mới thấy, đem về cất giấu trong cái lu mái, đến khi Đồng Khởi mới đem ra truy điệu chôn chung. Cảm động biết bao, trên đường hảnh quân được các mẹ, các chị chăm sóc thương yêu. Một bà mẹ cho 20 trái chanh, và dúi cho tiền mua đường vì sợ các anh Giải phóng quân không có tiền. Hình ảnh anh Nổi chăm sóc và bảo vệ thương binh để lại một ấn tượng khó phai. Không hiểu được lòng yêu thương này thì không thể hiểu được do đâu Nổi có thể chiến thắng trong trận chiến khốc liệt với kẻ thù. Anh Đức đã miêu tả thật xúc động lòng yêu thương và chỉ nhắc đến lòng căm thù như những ý niệm.
Phát hiện thứ ba cuả ký Anh Đức là những nguyên nhân Mỹ thất bại ở Việt Nam. Anh Đức đã nói một các tự tin và đầy miả mai vào mặt kẻ thù điều này :”rất có thể mách riêng cho bọn Mỹ biết rằng chúng thua trận từ đâu, thua từ bao giờ… hiển nhiên là nay chúng đang đi đến chỗ thua hoàn toàn” (Thư Tháng Bảy )., “ chúng bay thua trên những mảnh ruộng’. Bởi vì ở những nơi ấy chúng đụng đầu với những con người có “sức mạnh diệu kỳ”, chúng đối đầu với những con người chỉ có một con đường sống là vùng lên “giành lại sự sống”, trong trận đaị chiến tranh nhân dân thiên la điạ võng, “một trong những nguyên nhân mà miền Nam đã đánh giặc 20 năm ròng không mệt mỏi, và sẽ còn đánh mãi được đấy “. Nói gọn lại, như lời Anh Đức, giặc Mỹ đã đánh giá sai chúng ta: “rõ ràng giặc Mỹ đang thách thức với cả dân tộc ta, chúng cậy thế bức bách dân tộc ta phải giơ tay lên. Nhưng bọn Mỹ đánh giá sai về chúng ta quá”.
Anh Dức nhận định giặc Mỹ: đó là “thứ quân đội quái gở nhất thế giới, vũ khi có 10 mà tinh thần không có lấy một, chúng đánh chác không ra sao, nhưng sự ăn uống chơi bời thì quá đáng”(7). Một đặc điểm khác cuả bọn Mỹ khiến chúng thật bại là :”Bọn Mỹ là bọn vưà chủ quan, vưà ngu, vưà lười biếng”, “đó là những tên lính không có lý tưởng chiến đấu, không có sức mạnh tinh thần”. Chúng không có khả năng chịu đựng gian khổ và “sự tồi tệ cuả lính Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân thất bại”. Anh Đức đã kể nhiều chuyện dở khóc dở cười về sự thất bại cuả lính Mỹ và nêu nguyên nhân này :”nguyên nhân chính là vì chúng quá chủ quan, vì chúng đánh quá ‘bài bản’ cuả Lầu năm Góc, những bài bản đó mà đem xài với lối đánh du kích đã đạt tới trinh độ nghệ thuật thiên biến vạn hoá hạng nhất thế giới cuả ta thì chỉ uổng công vô ích”
Anh Đức không nói về những nguyên nhân thất bại cuả Mỹ bằng ngôn ngữ lý luận quân sự - chính trị như những chuyên viên quân sự, mà bằng những câu chuyện cuả thực tiễn chiến trường, bằng sự chiêm nghiệm cuả chính bản thân nhà văn, thế nên những lý giải là có cơ sở. Nhưng cần lưu ý, đây là ý nghĩ cuả người nông dân Nam Bộ đánh giặc, họ nhận rõ kẻ thù, biết địch biết ta. Những lý giải cụ thể cùng với tầm suy nghĩ sâu rộng và tình cảm dào dạt làm cho Ký Anh Đức trở nên hấp dẫn.
Anh Đức giữ được giọng văn trong trẻo, tình cảm đằm thắm hồn nhiên, màu sắc lãng mạn và vẻ gân guốc dữ dội trong miêu tả cuộc chiến đấu là nhờ “tâm hồn người cầm bút trong cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt ấy vẫn giữ được sự thanh thản lạ thường”(8). Anh Đức đem được ngôn ngữ, cách cảm nghĩ và tâm hồn người Nam Bộ vào trang văn. Đó là thành công đặc sắc cuả Ký Anh Đức trong Bức Thư Cà Mau.
2. Bút Ký trong MIỀN SÓNG VỖ là những “cảm tưởng”, “suy tưởng” cuả tác giả sau những chuyến đi như thăm nơi ở cuả Nguyễn Đình Chiểu, thăm Lêningrat, đi dọc miền Trung.
Ngôn ngữ, tính chất văn chương già dặn hơn, điêu kuyện hơn, suy tưởng riêng tư nhiều hơn so với bút ký trong Bức Thư Cà Mau. Cách viết cuả Anh Đức ở đây là từ một vài chi tiết cuả đời sống hiện tại mà “mường tượng” tái hiện quá khứ, suy gẫm về quá khứ, tìm ra những ý nghiã cuả quá khứ trong hiện tại. Những bài tiêu biểu là Hành Hương về Một cánh Đồng, Cảm Tưởng Lêningrat, Ý Tưởng Dọc Một Chặng Đường Miền Trung.
Anh Đức đã sử dụng khéo léo một vốn kiến thức tổng hợp để dựng lại quá khứ làm cho quá khứ như sống thực đang diễn ra trước mắt ta. Đó là kiến thức lịch sử, những giai thoại, lời kể dân gian, kiến thức văn chương…về An Đức thăm nơi ở cuả Nguyễn Đình Chiểu , Anh Đức đã nhắc lại việc thằng Bông Sông o bế nhà thơ, suy gẫm về phong trào Tỵ Điạ, suy gẫm về chữ “Đạo”, chữ “Nghiã” cuả Nguyễn Đình Chiểu. Tất cả những tư liệu lịch sử cùng với giai thoại về Nguyễn Đình Chiểu được triển khai trên mạch liên tưởng, suy tưởng thể nghiệm và diễn đạt bằng ngôn ngữ ngợi ca: “Tôi đứng trên cái nền nhà nhỏ hẹp đó, lắm lúc lòng cứ muốn buột kêu lên cái tiếng kêu thán phục thương yêu. Trời ơi, ở vào cái cảnh huống ngặt nghèo bi đát cuả đất nước và cuả thân phận riêng lại có thể có được một con người nghệ sĩ hào hùng đến thế hay sao”
Trong bài viết Cảm Tưởng Lêningrat, Anh Đức đã khai thác khối lượng kiến thức văn học và lịch sử thật đồ sộ, dựng lại chân dung, cuộc sống cuả những nhà văn lớn Nga và cả những nhân vật cuả họ như : Pautôpxki, Secnưsepxky, Gôgôn, Biêlinxki, Puskin, TuôcgơNhep, Piot Đại đế, Lep Tônxtôi, Alexit Tônxtôi, lênin, Maiacôpxki…
Bài Ý Tưởng Dọc Một Chặng Đường Miền Trung cũng được viết bằng cách ấy. Anh Đức suy tưởng về sông núi, nhớ đến Bác Hồ khi qua Phan Thiết, nhắc đến Bích Khê bị lao chết năm 1945, qua Phan Rí nghĩ về dân tộc Chàm, qua Phan Rang tới Cam Ranh nghĩ về Vịnh Cam Ranh. Đến Nghiã Bình nhắc lại sự kiện Vũng Rô, tới Quy Nhơn ca ngợi người anh hùng Nguyễn Huệ, nhắc đến cây me 200 tuổi và giếng nước do chính Nguyễn Huệ đào…
Anh Đức đi đến đâu cũng tìm về quá khứ cuả nơi ấy và đặc biệt chú ý đến những con người lịch sử, nhất là những nhà văn và những con người anh hùng. Chú ý đến nhà văn vì đó là những con người Anh Đức đồng cảm, là người bạn đi trước, mà tác phẩm cuả họ làm cho quá khứ sống cùng với hiện tại. Anh Đức ngưỡng mộ những người anh hùng, vì chính những con người ấy góp phần thúc đẩy lịch sử tiến lên. Nhìn rộng hơn thì trung tâm sự chú ý, tìm kiếm, suy tưởng của Anh Đức là “Con Người” và sự “đổi đời” cuả cuộc sống cũ. Nói cái cũ, con người cũ, cuộc sống cũ để dẫn đến cuộc sống mới hôm nay tốt đẹp. Chẳng hạn, sau khi ca ngợi vùng quê di tích lịch sử cuả Nguyễn Huệ, Anh Đức viết tiếp :” Nhưng kể từ năm 1975, miền quê Tây Sơn mới thật là rạng rỡ trong ánh vinh quang cuả thời đại mới, thời đại có mắt nhìn sâu, có lòng hiểu thấu”
Những bài bút ký trong Miền Sóng Vỗ không viết về những vấn đề cuả hôm nay. Tâm tưởng Anh Đức luôn sống với quá khứ. Hiện tại luôn “có ý dẫn ngược tôi về quá vãng “ (Lời Anh Đức-Ý Tưởng Dọc Một Chặng Đường…, sđd) .Quá khứ chống Mỹ cùng với những miền đất đẫm máu bao người đã hy sinh vẫn đang sống trong Anh Đức, trở thành tác phẩm Anh Đức. Cuộc sống hiện tại (sau1975) , là cuộc chiến đấu mới, Anh Đức chưa thâm nhập, chưa trải nghiệm nó, nên khó viết về nó. Anh Đức thú nhận :”Tôi phải thú thật rằng trận đánh đó tôi chưa từng biết”.
Sức hấp dẫn cuả những bài bút ký tron Miền Sóng Vỗ không toát ra từ hiện thực được phản ánh, mà từ sự rung động cuả trái tim Anh Đức, lan toả sang trái tim người đọc. Anh Đức sử dụng hai thủ pháp nghệ thuật chính là :những suy tưởng trùng điệp về nhiều tầng lớp ý nghiã cuả hiện thực, suy nghiệm cuả chính bản thân ; và thủ pháp tương phản được dùng rất biến hoá. Chẳng hạn, trong Thành Phố Này Phải Đi Tới Muà Xuân là một loạt tương phản ; hoặc đặt cái xấu cạnh cái tốt, cái phi nghiã bên cạnh cái chính nghiã, đặt sự khó khăn thiếu thốn, eo hẹp, thúc ép cuả điều kiện sống bên cạnh cái cao cả, kỳ vĩ và sự phong phú cuả tâm hồn, đặt cái cũ bên cạnh cái mới, cái lạc hậu bên cạnh cái tiến bộ, cái căm thù bên cạnh cái yêu thương trân trọng.. Thủ pháp tương phản cuả Anh Đức luôn mở ra về phiá ánh sáng, vươn tới cái cao cả tốt đẹp, hướng về tương lai với niềm tin bền vững . Anh Đức nói : “ rõ ra cái điều đáng ghét để cho ta nồng nàn với cái nên yêu”. Đó chính là cái “chất Anh Đức” làm nên giá trị trang văn cuả ông.
3.Như vậy bút ký trong Bức Thư Cà Mau và Miền Sóng Vỗ có những khác biệt cơ bản, khó có thể sắp chung với nhau như một mạch sáng tạo liên tục.
Có thể nêu một vài nét chung về Ký cuả Anh Đức: Ký Anh Đức là những suy nghĩ, nhận thức và cảm xúc trực tiếp cuả Anh Đức trước hiện thực và lịch sử. Ngôn ngữ ký Anh Đức xâm nhập vào ngôn ngữ truyện cuả ông, nhất là những đoạn suy tưởng bằng câu văn trùng điệp trữ tình ngợi ca. Ký Anh Đức hấp dẫn là ở những phát hiện tinh tế cuả một trí tuệ sắc xảo, một trái tim đôn hậu, một lý tưởng sống gắn bó với lịch sử và Cách mạng. Trung tâm sự chú ý cuả Ký Anh Đức là Con Người và lịch sử, đặc biệt là người anh hùng và người yêu thương. Ký Anh Đức giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn truyện và tiểu thuyết Anh Đức. Tuy vậy ký Anh Đức chưa đạt đến tính độc đáo thể loại và thành công như truyện ngắn của ông.
Chú thích:
(1).Thư tháng bảy
(2).Bức Thư cà Mau
(3).Những Chuyện Chung Quanh Một Trận Càn
(4).Dưới Một Vầng Ánh Sáng Đục
(5).Thư Tháng Bảy
(6).Những Chuyện Xung Quanh… (sđd)
(7).Những Chuyện Xung Quanh…(sđd)
(8).Chu Nga, Tác Gia Văn Xuôi Việt Nam, Nxb KHXH.1977.tr.405.
5/8/2021
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...