Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Sóng bạc đầu

Sóng bạc đầu

Sóng Bạc Đầu (1967) kể lại cuộc chiến đấu bảo vệ vùng biển Đông Hoài chống hạm độ VII Mỹ và các tàu chiến Việt Nam Cộng Hòa thâm nhậm phá hoại. Đơn vị chính là biên đội Cửu Long, có Kỳ hạm cuả Lê Dư, Nguyễn Duy, phối hợp với tàu T 221 cuả Phan Mỹ và T 222 của Nguyễn Quang. Đồng thời có sự hỗ trợ cuả các trạm ra đa trên đảo Gấu do đơn vị nữ dân quân của Thắm đảm trách.
Tình hình quân sự lúc đó được phản ánh trong báo cáo sau đây: “5:30 Mỹ nổ súng khiêu khích ở mũi Độc, Hòn Gió cách bờ biển 5 hải lý. Đêm 31 tháng 7, khiêu khích bằng đèn pha. 14:30 ngày 1 tháng 8, khiêu khích và uy hiếp thuyền đánh cá vùng biển Tĩnh Gia, Hòn Mê. 15 giờ ngày 1tháng 8, nổ súng vào thuyền đánh cá, pháo kích Hòn Mát. Đêm 1 rạng 2 tháng 8, quân nguỵ Sài gòn dùng 3 tàu biệt kích đổ bộ lên Hòn Mê. 16 giờ ngày 2 tháng 8 hai tàu P.C.F quân nguỵ Sàigon nổ súng vào nhiều tàu tuần tiễu của hải quân ta cách đất liền 4 hải lý. Cùng thời gian ấy, Mỹ lại cho máy bay bắn phá dã man các đồn biên phòng Nặm Cắn, Ngọng Dê ở biên giới Lào-Việt “(t.r27)
Tham mưu trưởng Lê Ký nhận định: ”1- Mỹ tung máy bay, tàu chiến đánh phá ra miền Bắc là điều không tránh khỏi. Cuộc chiến tranh đặc biệt của chúng ở miền Nam sẽ bị dân quân ta đánh bại, 2- chúng sẽ chọn lực lượng hải quân ta để gây sự, dựng thành nguyên cớ tấn công ra Bắc. Toàn bộ âm mưu này nằm trong kế hoạch tuần tiễu Đơ-xô-tô, kế hoạch 34A, kế hoạch ‘Sấm rền 64’, 3- Cuộc chiến tranh phá hoại này được chúng hạn chế trong khuôn khổ chiến tranh leo thang có thể kéo dài đến 8,9 năm. Nấc thang đầu tiên sẽ nhằm vào lực lượng hải quân. Nấc thang thứ hai, phát triển trên các trọng điểm cán-xoong theo trục quốc lộ 1, từ Vĩnh Linh leo cao dần đến Hà Nội”(tr.28)
Trong bối cảnh đó, biên đội Cửu Long nhận lệnh lên đường để ngăn chặn các hành động khiêu khích bắn phá cuả tàu chiến Mỹ, Nguỵ. Họ có quyết tâm rất cao: ”Thằng Giôn-xơn, thằng Mắc Na-ma-ra giở trò hở đồng chí? Chúng tôi sẽ cho con tàu của chúng tôi húc vào cái mõm thối của chúng! tạm biệt thủ trưởng!.. Chào Tổ Quốc Việt Nam người hỡi/ Hạm đội con xin chiến đấu cho người”(tr.29)
Các cuộc đụng độ đã xảy ra, Kỳ hạm cuả Dư đánh cận chiến với tàu chiến Nguỵ và máy bay Mỹ (chương 14, 18, 23, 30) Tuy chiến đấu rất dũng cảm, song sau nhiều lần đụng độ, tàu của Dư bị chìm khi chạy được về đến Hòn Né. Huỳnh Một, Trường, Phan Mỹ, Bá hy sinh. Các chiến sĩ còn lại bị thương nhiều. Nguyên nhân cuả những tổn thất là do trang bi tàu chiến, vũ khí cuả ta chưa ngang tầm với Mỹ, ta không có máy bay yểm trợ. Các chiến sĩ thiếu nước uống, lương thực (chương 13), tình trạng thê thảm (chương 23), và không được cứu viện kịp thời. Tuy vậy, sau mấy tháng trên biển, tất cả đều trở về được với đất liền và cuộc chiến đấu mới chỉ bắt đầu.
Hoàng Văn Bổn lý giải rằng, sức mạnh chiến đấu của các chiến sĩ hải quân ta bắt nguồn từ tình yêu tổ quốc, lòng căm thù giặc có nguồn gốc giai cấp (với trung tá Nguỵ Chung Quý), tình yêu lứa đôi (Dư với Thắm, Trường với Ngà, Chính với Na…) và tình đồng đội. Các chiến si đều yêu tha thiết quên hương tổ quốc của mình. Họ bám chặt lấy vùng đất, vùng biển của tổ quốc và sẵn sàng hy sinh cho sự tồn vong của tổ quốc. Họ chiến đấu ngoan cường và đánh cho kẻ thù tan tác, dù vũ khí không ngang sức. Họ nâng đỡ nhau trong tinh thần và chia sẻ trách nhiệm gian nguy trong chiến đấu. Tuy có những mâu thuẫn cá nhân về sự thăng tiến (Phong mâu thuẫn với Dư, tr.168), thậm chí có cả những mưu hại (Phước muốn mưu hại Dư. Chương 31), nhưng trong chiến đấu, họ tìm thấy tiếng nói chung. Đứng trước sự dũng cảm hy sinh của đồng đội, họ nhận ra lẽ phải (Phong: chương 30; Phước: Chương 31)
Sóng Bạc Đầu là bài ca chiến đấu và chiến thắng buổi đầu của quân dân ta chống lại kế hoạch Mỹ đánh phá miền Bắc những năm 1965-1967. Hoàng Văn Bổn miêu tả khá sinh động tinh thần cuả dân quân (Cố Gạch, Cố Ngói, đội nữ dân quân cuả Thắm) và các chiến sĩ hải quân, nhất là trong những trận đụng độ (chương 14, 18…). Tuy có gây tổn thất nặng cho kẻ thù song các chiến sĩ ta cũng không tránh được những tổn thất đau lòng.
Trong tác phẩm này, Hoàng Văn Bổn giữ nguyên những nét đặc điểm nghệ thuật như ở những tác phẩm trước đó. Ông có tài miêu tả các cảnh sinh hoạt. Kỹ thuật điện ảnh ảnh hưởng khá rõ trong việc dựng những hoạt cảnh đời thường (chẳng hạn chương 7: tại điạ điểm dân quân của Na, Nụ; chương 8: chuyện Cố Gạch, cố Ngói…). Ông cũng hé lộ khuynh hướng sử thi khi miêu tả bề rộng cuả cuộc chiến đấu trong tầm nhìn chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với những cội nguồi từ kháng chiến chống Pháp.
Sóng Bạc Đầu phản ánh hiện thực hải quân ta đánh Mỹ buổi đầu, phản ánh được xu thế tất thắng của thời đại. Hình ảnh nhân dân miền Bắc đánh Mỹ trên cả hai mặt trận không quân (Bầu trời mặt đất) và hải quân (Sóng bạc đầu) là một phần của bài ca dân tộc ta ra trận, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”như lời bài thơ của Phạm Tiến Duật (1969) làm nức lòng bao thế hệ.
7/2009
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...