Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Miền đất ven sông

Miền đất ven sông

Nhà văn Hoàng Văn Bổn có nhiều bộ tiểu thuyết sử thi. Miền Đất Ven Sông gồm 3 tập, 847 trang, được nhà văn Hoàng Văn Bổn viết trong hơn ba năm từ 1983 đến 1986. Tác phẩm miêu tả cuộc sống chiến đấu của những con người làng quê Bình Long bên sông Đồng Nai từ những ngày khởi nghiã năm1940 đến những ngày đình chiến 1954. Bộ tiểu thuyết này có thể đươc coi là một tiểu thuyết sử thi, vì nó phản ánh những sự kiện cuả một giai đoạn có những biến động lớn lao cuả lịch sử: kháng chiến chống thực dân Phát xít, Cách mạng tháng tám 1945 và chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
Tập 1: DÒNG SÔNG THƠ TRẺ (5/1983)
Nxb Đồng Nai 1983
Sông Dòng Thơ Trẻ miêu tả lại cuộc sống gia đình bác Sáu và dân làng Bình Long từ những ngày khởi nghiã “Nam kỳ bốn mươi” đến khi Cách Mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Trong những năm tháng đó, nhân dân Bình Long bị thực dân, phát xít thống trị, bóc lột đến cùng cực. Họ chịu bao nhiêu đau thương do tội ác của chúng gây ra. Lòng căm thù dâng cao như nước sông Đồng Nai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Công Sản Đông Dương họ đã vùng lên giành được tự do.
Gia đình bác Sáu là gia đình nông dân có truyền thống cách mạng. Cha bác Sáu là võ tướng của ông Trương Công Quyền, con trai Trương Công Định. “Trong trận cố thủ thành Đất Cuốc, Mỹ Lộc, ông bị trọng thương và bị bọn Pháp chặt đầu, quăng xác xuống sông Đồng Nai”(tr.227). Bác Sáu trai, con ông, phải bỏ xứ vào rừng sâu một thời gian mới dám trở về quê cha đất tổ làm ăn. “trong sổ đen cuả bọn quan làng, mật thám, chỉ điểm, tên bác bị khoanh tròn. Đời bác không sao ngóc đầu lên được”(tr.227). Bằng, con bác, cùng với người yêu là Hương, bí mật hoạt động cách mạng, bị bắt và tra tấn dã man. Nhưng chính anh cùng các đồng chí của mình đã lãnh đạo quần chúng giành chính quyền, bắt tên chúa đất phản động Ngô Kỳ Hồng. Ngày cách mạng thành công, “tiếng hoan hô, tiếng gào thét, tiếng khẩu hiệu chào mừng cách mạng thành công vang lên âm ầm khu chòm dầu cổ thụ miểu Long Chánh, rền rền dọc hai bên bờ sông Đồng Nai linh thiêng cao cả của người dân xứ này”(tr.246)
Trong tác phẩm này, Hoàng Văn Bổn đã ghi lại được đậm nét hình ảnh đất nước và con người Đồng Nai. Dòng sông Đồng Nai được miêu tả nhiều lần [1] như một biểu tượng linh thiêng của nhân dân Đồng Nai, gắn bó với từng con người từng số phận, với những ngày đau thương (tr.63) và quật khởi (tr.245) cuả nhân dân. Hoàng Văn Bổn cũng đặc tả những cảnh sinh hoạt có màu sắc và không khí đặc thù của người Đồng Nai: sinh hoạt cuả một gia đình (tr.7), đỡ trâu đẻ (tr.180), đám cưới (tr.144), hội cấy đầu muà (chương 17), con nhà điạ chủ Ngô Kỳ Hồng quậy phá ( Đờ Mên-chương 14 ).
Tính cách con người Đồng Nai hiện lên khá rõ qua các nhân vật gia đình bác Sáu: Bằng, Sáu Nở, Bảy Quỳ, và các nhân vật khác như Hương, Hai Đính, tướng cướp Bảy Lì, ông già chèo đò Hai Thố, mụ chủ quán Sáu Lé…Đó là những con người có cá tính mạnh mẽ, cần cù chịu thương chịu khó, giàu tình nghiã, ngang tàng khí phách, gắn bó với quê hương đất nước, sống chết có nhau. Chẳng hạn, Bảy Lì đã cướp tù cứu Bằng và Hương. Bảy Lì cũng dõi theo Sáu Nở mãi, cả sau những ngày sáu Nở có chồng, ốm đau…Bằng và Hương sống chết bên nhau, gắn bó với Cách Mạng (Chương 20. tr.231)
Ý tưởng viết sử thi của Hoàng Văn Bổn khá rõ. Ông tập trung miêu tả những phẫn uất cuả nhân dân tích lũy dần theo thời gian làm đầy con sông căm thù. Ông ghi nhận những rục rịch trong lòng biển dậy sóng đấu tranh. Ông phản ánh tình hình cách mạng sôi sục ở Việt Bắc và nội bộ lục đục các phe nhóm chính trị khác. Đặc biệt là ông miêu tả quá trình thức tỉnh, dấn thân một lòng theo Đảng cuả Bằng, Hương, Hai Đính, để rồi sau đó họ trở thành người những người đi đầu trong đoàn người khỡi nghiã giành chính quyền từ tay thực dân.
Trong tập truyện này, Hoàng Văn Bổn có những trang miêu tả phong tục khá hay.
Tập II: DÒNG SÔNG CHÁY ĐỎ (7.5.1984)
Nxb Đồng Nai 1985
Dòng Sông Cháy Đỏ miêu tả quãng thời gian từ sau Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) đến những ngày bắt đầu kháng chiến chống Pháp 23/9/1945 ở Sàigòn.
Sau CM/T8, những con người nô lệ trước kia của xã Bình Long lên nắm chính quyền: Chủ quán Sáu Lé làmTrưởng Ban Quân Sự Cách Mạng, Hương làm cán bộ thường đi họp trên quận. Từ Khiêm phụ trách quân sự. Bằng trở thành Đại diện cách mạng Đồng Nai, phụ trách quân sự vùng hữu ngạn sông Đồng Nai. Sáu Diêm được phân công làm cận vệ cho Bằng. Bảy Lì trở thành Tư Lệnh chỉ huy quân sự vùng tả ngạn sông Đồng Nai, Hai Đính trở thànhThanh Tra chính trị Miền Đông. Cả những thành phẩn phản động trước kia cũng tham gia chính quyền: Lão địa chủ Kỳ Hồng làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh CM. Con lão, Đờ Mên làm Phó Ban Quân Sự quận Tân Uyên, Kỳ An chì huy một lực lượng quân sự đông người.
Trong khoảng thời gian đó những sự kiện gì đã xảy ra, số phận những con người mới được giải phóng thế nào? Nói cách khác, chính quyền non trẻ đã được những người nông dân điều hành thế nào trên giòng chảy của những biến động lịch sử? Nhà văn Hoàng văn Bổn có nhận thức và suy tư gì về những vấn đề lớn của thời đại?
Lão cường hào Kỳ Hồng và những đưá con lão (Đờ Mên, Kỳ An), do thời thế thay đổi, lão phải ép mình theo Cách mạng, song trong thâm tâm lão, mối thù giai cấp vẫn còn đó, và hành động cuả lão là hành động hai mặt. Bên ngoài theo cách mạng, bên trong lão vẫn ngầm câu kết với thực dân phát xít. Lão không giết Cônhan, và để Cônhan ra đi là để dành về sau này (chương 3). Đơ Mên cũng một bản chất như cha. Sáu Lé đã nói rõ hành động cơ hội chủ nghiã cuả hắn (tr.89)
Những số phận dở dang như Sáu Nở, Út Thiện cũng được miêu tả cận cảnh (chương 9, 10, 11, 12). Út Thiện bị bắt đi linh cho Nhật, 2 năm khổ aỉ. Trở về, anh chút nữa đã bị Nhật giết nếu không có Bảy Lì cứu. Anh định mua súng cho cách mạng. Nhưng đời anh luôn là một bi kịch. Bi kịch giữa khát vọng tìm vòng hào quang của Phật và cuộc đời thực trong thân phận người dân nô lệ. Khi trở về, anh không gặp được vợ (Sáu Nở) Út Thiện định tìm đến cái chết ở sông Đồng Nai, được Út Chót cứu. Đời anh vẫn dở dang (tác phẩm bỏ lửng nhân vật ở chương 12).
Trở lại các nhân vật chính, Sáu Lé đã bắt trói được 6 tên lính Nhật, rồi đi tìm Bảy Lì để xử lý chúng. Bảy Lì trở thành tư lệnh quân sự, anh được Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ điều về trấn giữ mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông, Đakao, Hàng Xanh (tr.249). Trong tình hình Sàigòn rối ren, ngày nào bảy Lì cũng phải xử kiện cướp giựt, tống tiền, sung công, hiếp dâm, trả thù bằng dao búa. Anh chán ngán và nuối tiếc núi rừng. Nhiều lần anh tìm Hai Đính để xin rút về Biên Hoà. Anh cũng bị ám sát nhiều lần. Con người ấy đã cùng với Bằng trụ lại những ngày sau cùng trước khi có lệnh rút lui để trường kỳ kháng chiến. Hai Đính trở thành Thanh Tra chính trị Miền Đông. Anh bất lực trước những yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Trước cổng Ủy ban Thanh Tra chính trị lúc nào cũng đông nghẹt người, ai cũng đòi gặp đích danh ông thanh tra chính trị miền Đông với hàng trăm lý do: kiện cáo vụ Đệ Tam sư đoàn cướp của giết người, sung công xe cộ, tịch thu vàng bạc, con gái rượu của người ta…(tr.226). Quá mệt mỏi, Hai Đính đã ngủ gục ngay lúc làm việc (tr.231). Trong cuộc chiến đấu ở mặt trận Sài Gòn, anh bị thương nặng (tr.274). Bằng trở thành đại diện cách mạng Đồng Nai thương thuyết với tên đại úy người Anh đại diện tướng Graxây. Cuộc thương thuyết thất bại, vì chúng đòi giải giới lực lượng cách mạng (tr.256). Khi Sài Gòn bị tấn công, Hai Đính bị bao vây, Bằng và Sáu Diêm đã dẫn quân tiếp cứu.
Những sự kiện chính được miêu tả là, tình hình còn mù mờ giưã các thế lực chính trị. Sự việc chỉ sáng tỏ khi Pháp tấn công Sàigòn 23/9/1945, các đạo quân cách mạng “tan đàn xẻ nghé”. Kết thúc tác phẩm là lệnh rút để chuẩn bị đánh lâu dài (chương 24, 25, 26, 27). Trong suốt tác phẩm, có một sự kiện được tập trung tả trong nhiều chương là việc tìm vũ khí cho cách mạng. Việc này do út Thiện, nhưng không thành. Hoàng Văn Bổn cũng miêu tả nhiều cảnh sinh hoạt của nhân dân sau cách mạng tháng Tám. Lịch Sử Đồng Nai (tr.66), cảnh gặt luá (chương 13, 14) cảnh Saigòn rối loạn, dân tản cư (chương 26).
Tác phẩm phản ánh được không khí lịch sử “nước sôi lưả bỏng” những ngày trước khi Pháp tấn công trở lại Sài Gòn, và sự non trẻ cuả chính quyền cách mạng, đặc biệt ở các chương cuối (chương 24,25,26,27). Tuy nhiên, chưa phản ánh được đầy đủ những diễn biến dẫn đến 23.9.1945. Chẳng hạn cuộc họp cuả Xứ Ủy và Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ sáng 23/9/1945 [2].
Điều này không thể đòi hỏi tác giả tiểu thuyết, vì tiểu thuyết sử thi không phải là một cuốn sách lịch sử.
Tập III: DÒNG SÔNG NỔI GIẬN (8.1986)
Nxb Đồng Nai 1987
Dòng Sông Nổi Giận là chuyện nối tiếp Dòng Sông Cháy Đỏ, kể lại chín năm kháng chiến của nhân dân Đồng Nai, cuả dân làng Bình Long, Biên Hoà từ những ngày tiêu thổ kháng chiến đến khi có lệnh đình chiến 1954.
Giai đoạn tiêu thổ kháng chiến, các lực lượng quân đội cách mạng cuả Bảy Lì, Bằng, Ngô Kỳ An, Nguyễn Hoà…tuy chiến đấu kiên cường, song liên tiếp thất bại, phải rút từ Sàigòn về, và sau cùng trụ lại vùng rừng núi chiến khu Đ. Cả chiến khu Đ cũng bị đánh phá dữ dội (chương 18), bị bão lụt tan hoang (chương 29). “Bảy ngày đêm liền, tàu chiến cuả giặc giăng khắp giòng sông Đồng Nai, nã đại bác và súng máy khắp vùng chiến khu Đ…Những gì còn sót lại sau nhiều trận càn trước, nay bị thiêu đốt, bị bứng tận gốc. Nhiều hầm hố bí mật dọc bờ sông bị ném lựu đạn phá tung hết”(tr.74),”sau cuộc tấn công ấy, chiến khu Đ tiêu điều !”(tr.180). Những cuộc kháng cự cũng liên tiếp bị thua (chương 16, 17). Bằng là người chỉ huy quân sự bị mất phương hướng. Anh tự hỏi “đi đâu bây giờ” với một đội quân mệt mỏi (tr.154). Tan nát hết. Hội nghị thống nhất các lực lượng Biên Hoà tại chiến khu Đ cũng thất bại. Cả Bằng, Bảy Lì, Ngô Kỳ An, Đơ Mên đều không chịu hợp nhất lực lượng quân sự dưới sự chỉ huy cuả Hai Đính cùng đánh giặc (chương 20). Sau cùng làng Bình Long bị giặc tràn đến. Bác Sáu trai, Năm Hường, Ba Sang chết bi thảm (chương 26). Sau chín năm kháng chiến, những người thời kỳ đầu theo cách mạng là Ngô Kỳ Hồng, Lê Ông Phước, Đơ Mên và cả Hồng Loan, người gắn bó sâu nặng với cách mạng cũng đào thoát ra vùng địch tạm chiếm theo Pháp (chương 27, 29, 30). Tác phẩm kết thúc với tin Sáu Lé báo có lệnh đình chiến trong vòng 10 phút nưã (tr. 300). Sau đó Hai Đính thông báo cho Bằng lệnh tập kết ra Bắc (tr.302)… Cuộc chiến đấu cuả nhân dân Đồng Nai sẽ còn gian nan cay đắng nhiều, còn chết chóc hy sinh nhiều. (tr.303)
Trong tập III này, có lẽ Hoàng Văn Bổn chỉ tập trung miêu tả cuộc chiến đấu gian khổ và hy sinh cuả nhân dân. Cuộc tiêu thổ kháng chiến được tả khá dài: Đốt rừng cao su, băm đường, đốt cầu, đốt miễu thờ (chương 4) ”Dọc lưu vực sông Đồng Nai, những đám cháy nối liền nhau, chỗ bốc cao, chỗ đang tàn, chỗ mới bén. Những đám cháy đã khắc hình hài dòng sông Đồng Nai tựa con rồng lưả uốn khúc, quẫy cựa trong đêm” (tr.39). Hoàng Văn Bổn cũng thuật khá kỹ cuộc bại trận rút lui cuả Bằng, cuả Bảy Lì. Bằng bị thương (chương 8). Tình hình trở nên ngặt nghèo khi Hai Đính, người chỉ huy cao nhất, bị bắt (chương 9). Những cuộc chỉ huy cuả Hai Đính đều thất bại: Sài gòn thất thủ, Thủ Đức thất thủ, mặt trận Biên Hoà cũng thất thủ (tr.99), mạnh ai nấy chạy, mạnh sống mạnh chết (tr.105). Bi thương nhất là cảnh làng Bình Long bị đốt cháy rụi. Năm Hướng, Hai Thố, Ba Sang, Năm Di bị bắt, bị tra tấn. Bác Sáu trai bị đánh bất tỉnh, năm ngày sau chết trong uất nghẹn (chương 26). Chính trong tình hình khủng hoảng ấy, khủng hoảng niềm tin, Kỳ Hồng, Hồng Loan (tr.285, 286) đã bỏ cách mạng về thành. Cả khi đã có lệnh đình chiến thì tình hình vẫn chưa có gì khả quan, vì cuộc chiến đấu còn dài, còn nhiều hy sinh.
Hoàng Văn Bổn vẫn tiếp tục khuynh hướng sử thi khi cố gắng miêu tả cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ. Ông cũng đã đạt được những thành công nhất định khi phản ánh tình hình rối ren, khó khăn, thất bại cuả nhân dân ta trong cuộc đối đầu với sức mạnh xâm lược của giặc pháp ở thời kỳ đầu. Cũng thành công khi miêu tả tinh thần ngoan cường cuả nhân dân, và dựng được một số cảnh chiến đấu sinh động như cảnh chống càn của nhân dân làng Bình Long (chương 26).
Chất sử thi của Miền đất ven sông là sử thi cuả nhân dân Đồng Nai trong bối cảnh rộng lớn của cuộc chiến đấu trường kỳ của cả dân tộc. Nhà văn tập trung vào những nhân vật điển hình trong gia đình nông dân là gia đình Bác Sáu: Hai Đính, Bằng, Năm Hướng, Sáu Nở, Bảy Quỳ, và những người có liên quan là Hương, Hồng Loan, rộng ra một chút là Năm Di, ông già chèo đò Hai Thố, chủ quán Sáu Lé, con Sáu Lé là Kỳ Lô. Đó là sự chọn lựa cách viết. Hoàng Văn Bổn ghi nhận được cụ thể tùng số phận nhân vật trong chặng đường bão lửa của cách mạng và những vận động lớn lao của lịch sử. Sự chọn lựa này cũng giúp nhà văn khắc tạc được cuộc sống, tính cách của con người Đồng Nai một cách chân thực. Nó cũng giúp lý giải những điều không rõ ràng của thời cuộc mà các nhân vật bị cuốn vào, bởi họ chỉ là những người nông dân chiến đấu ở cơ sở, họ không phải là những cán bộ cấp cao hiểu biết chiến lược chiến thuật kháng chiến, nắm vững tình hình quân sự, chính trị, ngoại giao của cả một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp. Việc nhắc đến một vài tên tuổi Pháp, phiá chiến tuyến đối địch, như Đágiăngliơ, Lơcơle, Mariut Mutê, Sutic, Xêđin, là những dấu chỉ giúp người đọc hiểu rằng nhà văn đã tự giới hạn những phần hiện thực vượt quá tầm vóc nhân vật quần chúng cách mạng của mình.
Có thể nhận ra những đặc điểm gì cuả ngòi bút Hoàng Văn Bổn trong tác phẩm sử thi này?
Khi được hỏi nhà văn tâm đắc nhất tác phẩm nào, cố nhà văn Hoàng Văn Bổn trả lời: tác phẩm sử thi Miền Đất Ven Sông. Đọc Miền đất ven sông, người đọc thấy được hình ảnh gia đình nhà văn trong bóng dáng các nhân vật. Nhà văn kể: “Những năm 1945 – 1958, gia đình tôi bị Pháp giết hại nhiều quá. Anh Năm tôi bị chúng cắt cổ tại đầu làng. Ba tôi uất ức và chết sau hai ngày cái chết của anh Năm tôi. Anh Tám tôi đi bộ đội, bị thương, bị chúng bắt giam, tra tấn, chết sau khi thả ra hai tháng. Má tôi lên chiến khu thăm con bị chúng bắn bị thương. Anh Bảy, anh Tư, anh Ba tôi cũng bị bắt giam, bị tra tấn…làng tôi bị biến thành vành đai trắng từ đó đến 1975. Tôi căm thù chúng, tôi thương cha mẹ anh em và tôi quyết viết một cái gì đó để trả thù, ít ra cũng để thiên hạ biết tội ác tày trời của chúng. Tôi đi kháng chiến mà quyết ăn chay, tu tại tâm, và quyết viết sách để tố cáo tội ác cuả chúng” (Văn nghệ Tp HCM, số 513 ngày 1.1.1988. Tr. 8)
Điều này giúp lý giải ý thức sáng tạo và bút pháp cuả Hoàng Văn Bổn. Động lực viết cuả Hoàng Văn Bổn là tình yêu quê hương, gia đình; là lòng căm thù giặc; là dùng văn chương để đánh giặc. Chất liệu, bối cảnh, nhân vật, sự kiện là từ cuộc sống thực. Và những gì tác giả viết ra xuất phát từ chính những trải nghiệm xương máu của đời mình. Hoàng Văn Bổn tâm sự: ”Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thiá rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này”(Văn Nghệ Đồng Nai, số 8/1987).
Với những trang văn, trang đời như thế, người đọc phải có cách đọc, tâm thế đọc, cách tiếp cận khác với kiểu đọc tác phẩm hư cấu. Giá trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm và tâm huyết của tác giả là giá trị chính, không phải là kỹ thuật viết hay các yếu tố hình thức, thể loại. Hiện thực hai cuộc kháng chiến lớn lao của dân tộc tự nó đã có ý nghĩa sử thi. Phản ánh hiện thực ấy đòi buộc hình thức sử thi. Và khi nhà văn bám sát hiện thực thì mọi hình thức xây dựng tác phẩm sẽ vượt ra ngoài lý thuyết thể loại, và được làm phong phú hơn bởi chính hiện thực. Tác phẩm sử thi của Hoàng Văn Bổn được viết theo yêu cầu này.
Nếu nhìn tác phẩm văn chương ở nhiều góc độ khác nhau, người đọc có thể nhận ra cái riêng cuả Hoàng Văn Bổn. Để viết một chương, ông thường bắt đầu bằng những cảnh sinh hoạt đời thường, rồi bất chợt để một nhân vật thông báo một tin gì đó, đẩy câu truyện đi tới. Kỹ thuật này làm cho hiện thực được phản ánh phong phú, sinh động.
Viết sử thi, Hoàng Văn Bổn không xây dựng cốt truyện cuả riêng mình, mà kể câu chuyện theo sự trôi chảy cuả thời gian cùng với những sự kiện đang diễn ra trong hiện thực. Tập II là sự việc cuả vài chục ngày từ cách mạng tháng tám 1945 đến 23 tháng 9.1945 khi Pháp tấn công Sàigon. Tập III là những ngày tháng tiêu thổ kháng chiến được miêu tả kỹ, sau đó là sự mù mờ về thời gian suốt 9 năm kháng chiến.
Hoàng Văn Bổn có ưu thế về viết đối thoại, xây dựng những hoạt cảnh, thí dụ cảnh làng Bình Long chiến đấu chống càn (chương 26, tập III). Ông cũng có tài phân tích tâm lý nhân vật, chẳng hạn trạng thái khủng hoảng tinh thần cuả Ngô Kỳ Hồng và Hồng Loan (chương 27, 29, tập III). Chất dân gian đậm đặc trong ngôn ngữ Hoàng Văn Bổn.
Hoàng Văn Bổn có nhiều trang văn rất giàu chất thẩm mỹ. Có thể thấy rõ kỹ thuật dựng cảnh trong phim ảnh hưởng khá rõ trong cách viết tiểu thuyết cuả HVB. Ông kính máy ảnh có thể gíup miêu tả ngoại cảnh, dựng bối cảnh câu chuyện rất đắc lực, mất ít thời gian, và tạo được hiệu quả nghệ thuật.
Miền đất ven sông được viết trước thời kỳ đổi mới, vì thế ta không thể đòi hỏi Miền đất ven sông phải có những cách tân trong cách viết, hay cách tân trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết. Hoàng Văn Bổn viết để thoả mãn khát vọng ghi lại những tháng ngày cuả quá khứ riêng ông. Ông tâm sự: ”Sau lưng tôi 58 tuổi đời, 37 năm cầm bút, 42 năm theo CM cầm súng chiến đấu…những năm tháng ấy, những kỷ niệm ấy hoà trộn vào nhau thành một cuộc sống riêng của tôi, một thế giới riêng của tôi…Thật kỳ lạ, trong nhiều trường hợp tôi nhận thức hiện tại nhờ vào cái thế giới đã qua đó. Tôi bắt tay viết Lũ Chúng Tôi gần như là để thoả mãn cái thế giới quá khứ của tôi. (Văn Nghệ Đồng Nai số 79. (3/87).
Tác phẩm của Hoàng Văn Bổn không chỉ đóng khung trong cái đẹp văn chương mà còn chứa đựng giá trị tư tưởng, văn hóa, lịch sử. Muốn hiểu về đất nước, con người Đồng Nai không thể không đọc Hoàng Văn Bổn, và Hoàng Văn Bổn không chỉ là nhà văn Đồng Nai, ông góp phần với văn chương cả nước bằng những bộ sử thi đồ sộ, được viết bằng cả một đời tâm huyết.
Chú thích:
[1] Sông Đồng Nai được miêu tả ở nhiều trang trong cảnh ngộ và tâm trạng nhiều nhân vật :tr 63, 67, 80,115, 176, 224, 237,
[2] Sáng ngày 23.9.1945, tại số nhà 269 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi) diễn ra cuộc họp khẩn cấp của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Bên ngoài nhiều người tụ tập chờ quyết định của hội nghị, tiếng la thét “xin cho đánh” dội vào phòng họp. Sau cùng hội nghị đi đến quyết định: một mặt điện báo gấp ra Trung ương và Hồ Chủ tịch xin chỉ thị, mặt khác phát động ngay cuộc kháng chiến”.
8/2009
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...