Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Đàn chép Koi sống khỏe

Đàn chép Koi sống khỏe

Nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu. Ở tuổi 73 ông vừa xuất bản tác phẩm mới Đất ẩn long gồm 16 truyện ngắn, do NXB Hội Nhà văn ấn hành 2023. Vanvn.vn chúc mừng nhà văn Khôi Vũ và sẽ lần lượt giới thiệu một số truyện ngắn trong tập sách này của ông.
Từ khi ông Tư Hoằng bắt đầu thả mấy trăm con giống cá chép Koi nhập tận Nhật Bản về xuống một lồng bè của nhà mình, dân làng bè Tân Tân không ai không có ý kiến.
– Cha Tư Hoằng này khùng rồi! Loại cá chép Nhật khó nuôi có tiếng mà chả dám nuôi lồng bè.
– Hồi mấy con Koi mới được đem về nuôi ở khu du lịch nọ tận Củ Chi, tui có tò mò đi từ Biên Hòa qua coi. Thấy cá đẹp mình bắt ham nhưng nghe giới thiệu là nuôi rất khó, nào phải có nguồn nước sạch, phải có nhiệt độ phù hợp, có thức ăn hợp khẩu thì cá mới sống được. Nước sông thì không biết bao nhiêu thứ trong đó, có là bỏ tiền ra để cúng hà bá!
– Chắc có ông cán bộ khuyến ngư nào nói ngon nói ngọt dụ dỗ chả đây mà! Hay cũng có khi bị dân bán cá mồi chài, lừa đảo.
– Cứ chờ coi hồi sau sẽ rõ… Năm nay, còn chưa biết mấy lồng chép, chép giòn, diêu hồng, trắm đen của bà con mình thường nuôi có thoát chết hay không, nữa là chép Koi!
Bà Tư Hoằng cũng cằn nhằn chống:
– Ông làm cho tui lo quá! Tui tin ông nhưng nghe người ta nói đầy tai, hỏi làm sao bình tĩnh được.
Ông Tư Hoằng im lặng hồi lâu mới trả lời vợ:
– Chớ bà tưởng tui không lo à! Nhưng làm ăn mà không có chút máu liều thì làm sao phất lên nổi…
– Tui không hám làm giàu! – Giọng bà Tư hơi gắt.
– Còn tui thì ham làm giàu đó! Có sao không?
Nghe chồng nói với đầy sự bực tức, bà Tư hết hồn nín thinh lôn. Sống vói nhau gần ba chục nâm, bà biết tính chồng tuy hiền lành nhưng hay nổi cộc. Tốt nhất là chịu thua ông cho xong chuyện.
Ông Tư Hoằng nổi nóng thực sự. Đi ra phía lồng bè nuôi chép Koi của mình, gặp cái chậu nhựa ai đó để giữa bè, ông đá một phát văng xuống sông…
Làng cá bè Tân Tân trên sông Cái mới được quy hoạch lại. Từ một trăm hộ nuôi trước đây, sau quy hoạch, sắp xếp lại chỉ còn sáu mươi hộ với gần hai trăm lồng bè. Quãng sông nhìn thoáng đãng hẳn. Nhiều đợt cá đã được thu hoạch an toàn.
Gia đình ông Tư Hoằng là một trong số những hộ nuôi cá bè được ưu tiên tiếp tục vì là hộ nuôi cá trên đoạn sông này lâu đời nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất, lại là người ủng hộ triệt để việc thu gọn làng cá bè. Cũng lắm điều ra tiếng vào chứ không phải dễ dàng gì. Có người biết thằng Hai thiết con ông chơi thân với con trai ông chủ tịch xã nên cho rằng ông Tư “chạy chọt” địa phương, có người bảo do ông mạnh miệng tuyên bố ủng hộ chủ trương của nhà nước tại cuộc họp vận động và khéo nịnh địa phương nên được ưu tiên ở lại; lại có người hăm dọa “thời nay quả báo nhỡn tiền”, cứ chờ đó sẽ sớm sáng mắt ra.
Đất ẩn long – tập truyện ngắn của Khôi Vũ – NXB Hội Nhà văn 2023.
Có “quả báo” hay không thì chưa biết, nhưng cái “nhỡn tiền” thì nhìn thấy ngay tuần lễ đầu tiên những con giống chép Koi được thả xuống lồng bè. Ngày vài ba con, ngày chục con… lần lượt nổi lên mặt lồng, nhìn hai cái mang phập phồng không ngơi là biết chúng khó thở. Một số con ngáp ngáp rồi nằm im, phơi bụng. Tư Hoằng hoảng hồn hoảng vía gọi điện thoại cho ai đó. Không lâu sau khi buông điện thoại ra, ông ta vội vàng gọi vợ và thằng con trai lớn cùng lấy nước sạch vô gần đầy cái bè nhỏ bằng inox. Những con chép Nhật Bản sắp qua đời được vớt thả vào nơi ở mới, sau một hai giờ dần dần phục hồi sức khỏe, vẫy đuôi, quạt vây bơi lượn qua lại.
– Họ nói sao hả ông?
– Lỗi tại tôi. Chép Koi không chịu được nhiệt độ cao dưới sông mà tôi thì nôn nóng thả ngay xuống. Bây giờ phải vớt lên hết, nuôi trong lồng inox mình căn nước có nhiệt độ thấp hơn rồi nhử từ từ khi nào nó quen nhiệt độ cao mới cho xuống lồng bè tre…
– Tôi không biết gì đâu. Ông làm thì ông chịu. Nhưng ông phải nhớ, vốn liếng là của gia đình chớ có đâu phải của mình ông!
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng này, nghe xong câu nói của vợ, tự ái trong lòng Tư Hoằng như nước sôi quá độ trong ấm trào ra. Ông ngậm miệng lại rồi phì ra:
– Được rồi! Tôi sẽ đi làm thủ tục vay ngân hàng số tiền để nuôi riêng chép Koi, coi như tiền của tôi bỏ ra. Được chưa?
Ông Tư Hoằng không nói lẫy, mà ông làm thật. Bà vợ có vẻ hối tiếc khi lỡ lời đổ tội cho chống, nhưng dù sao cũng không thể lo bằng việc từ đó ngoài việc chăm lo mấy lồng cá chép giòn và trắm đen, ông Tư Hoằng lầm lũi một mình với đàn cá Koi, một mình lo tất cả cho chúng, không nhờ vợ nhờ con một tiếng!
Thằng Hai Thiết, con trai lớn của ông bà Tư Hoằng, hai mươi tư tuổi, đã nghỉ học nhiều năm từ khi thi đậu tú tài, còn sống độc thân, biết điều giành chăm lo mấy lồng bè kia nhiều hơn để cha lo cho đàn chép Koi. Nó nói với má:
– Sau đợt bị chết phân nửa đàn, số còn lại nay đã được thả xuống lồng tre sống nhởn nhơ rồi. Coi như bước đầu ba đã thành công. Ba đỡ lo, má con mình cũng được yên tâm…
– Ừ! Tao chỉ biết cầu trời cho mấy con chép đó ham ăn chóng lớn thôi…
Đó là chuyện đàn cá chép Koi. Chớ chuyện nhà, bà Tư rầu thúi ruột mà chẳng biết phải làm sao. Mỗi buổi tối, ông Tư Hoằng ôm mùng mền chiếu gối ra “phòng khách” của căn nhà bè mà ngủ. Một tuần, hai tuần rồi một tháng, hai tháng… Trong ngày, ông cũng lầm lì, cần thiết lắm mới nói với vợ một câu. Với thằng con trai thì có khác một chút, ông vẫn chuyện trò với nó như trước, chủ yếu là căn dặn việc nuôi cá chép giòn và trắm đen. Cứ như ông sắp giao hết mấy lồng cá đó cho nó vậy!
Đoạn sông này từng nhiều phen gặp thảm cảnh mà người chủ bè nào cũng chỉ còn biết khóc lóc, than trời, than số phận mình xui rủi. Thường là vào đầu mùa mưa, khi nước sông trên thượng nguồn đổ xuống ào ạt, khuấy cặn bã lắng dưới đáy sông lên mặt nước, tuy sau đó có êm ả lại, vẫn khiến hàng vạn con cá đang nuôi lớn nổi lềnh bềnh lên các mặt nước lồng bè. Một đoạn sông toàn xác cá phơi bụng nổi trắng xóa. Không ai có thể có cách nào cứu được đàn cá của mình. Tất cả là do ông trời và dòng sông định đoạt. Việc con người làm được chỉ còn là huy động mọi người trong nhà dùng vợt vớt xác cá bán cho những cơ sở chế biến thực phẩm gia súc chạy xe tải nhỏ tới đứng chờ mua trên bờ với giá rẻ mạt! Mấy năm liên tiếp, làng bè Tâm Tâm gặp nạn. Ngư dân mang nợ chồng chất…
Lần nào báo chí cũng đưa tin, kêu gọi chính quyền điều tra nguyên nhân, kêu gọi ngân hàng không đòi vốn vay khi tới hạn, kêu gọi hỗ trợ cho ngư dân… Bên môi trường kết luận là do công ty X, công ty Y trên bờ xả thải có hóa chất độc hại và ra lệnh phạt những nơi này số tiền khá lớn. Nhưng tất cả mọi nỗ lực cũng chỉ giúp bà con có được chút đỉnh để tiêu pha qua ngày, còn việc đầu tư ban đầu vào lứa cá mới vẫn phải vay ngân hàng… Sau đó thì lại lao động, lại cầu nguyện cho đợt nuôi mới được đầu xuôi đuôi lọt…
Việc giảm bớt và giãn cách các nhà bè là biện pháp mới nhất của chính quyền mới thực hiện được ba năm. Ơn trời! Không rõ có phải do biện pháp này hay còn do những yếu tố khách quan và bí ẩn nào nữa cùng kết hợp mà hai mùa mưa qua đi, thảm cảnh cá chết hàng loạt đã không còn xảy ra. Có mấy gia đình ngư dân trong diện bị giảm đợt trước đó, làm đơn xin được trờ lại làng bè Tâm Tâm. Nhưng chính quyền cương quyết không chấp đơn. Nghe nói họ làm đơn kiện.
Ông Tư Hoằng nuôi thành công và đã xuất bán được mấy đợt chép Koi. Cá nuôi nửa năm, từ con giống cỡ ngón tay lớn được vài ba lạng, mua trên trăm ngàn một con, nay bán cho mối hàng thường là các nơi bán cá kiểng mua đi bán lại, giá mỗi con cũng tầm trên dưới nửa triệu bạc. Cá nuôi một năm có con lớn đến bày tám lặng, một ký lô, tiền triệu, thì thường được các mối mua về bán lại cho các đại gia mới xây biệt thự hay mới làm hồ cá Koi để khoe bạn bè, lại được tiếng là dân chơi thời thượng. Gặp người nhà giàu tìm tới mua trực tiếp, giá bán còn hời hơn.
Dĩ nhiên việc trả nợ ngân hàng của Tư Hoằng chỉ là chuyện nhỏ. Ông vẫn “ra riêng” với đàn chép Koi của mình, nhập tiền lời vô vốn, tăng đàn từ một lồng bè lên năm lồng, chiếm diện tích mặt sông khoảng sáu trăm mét vuông. Thằng Hai Thiết nhận cùng má nó chăm lo mấy lồng bè cá truyền thống cũng ăn nên làm ra.
Có điều khiến Hai Thiết càng ngày càng thấy lo hơn. Hai đứa em nó, con Xuân và thằng Thân còn nhỏ, đang học cấp 2 cũng nhận thấy như anh. Rõ ràng là giữa ba má tụi nó đang có một cuộc chiến tranh lạnh. Một năm, hai năm, thời gian dài đăng đẵng là vậy mà ông Tư Hoằng vẫn đêm đêm ra “phòng khách” giăng mùng nằm ngủ một mình! Đôi ba lần qua bờ nhậu gỏi cá với bạn đến say xỉn, ông a lô kêu Hai Thiết chèo xuồng qua đón về. Tới nhà bè của mình, ông lăn ra ngủ mà chỉ Hai Thiết mới dám giăng mùng, đắp mền cho cha. Bà Tư chỉ đứng từ xa mà nhìn, đôi mắt đỏ hoe, ướt mọng.
Bữa nọ, Hai Thiết chèo thuyền đưa mấy người khách từ quán gỏi cá trên bờ qua khu lồng bè nhà mình. Nó để khách đứng đợi rồi vào nhà thưa với Tư Hoằng:
– Ba cho phép con dẫn khách ra coi đám cá Koi của ba nha!
– Coi mà có mua không để tao đi theo nói giá?
– Dạ, họ chỉ coi thôi. Vì họ không tin là cá Koi có thể nuôi dưới sông…
– Được. Thì bay dẫn họ đi coi đi. Cứ coi cho đã mắt rồi tin…
Tối hôm ấy, sau chuyến tham quan bất ngờ của nhóm khách, Hai Thiết nói với cha:
– Khách họ ngạc nhiên lắm. Có người gợi ý sao mình không làm quán ăn nổi trên sông và cho thực khách xem cá Koi như một tua khuyến mại… Con thấy cũng hay hay. Còn ba… ba nghĩ sao?
– Cái vụ này phải hỏi ý kiến chính quyền. Buôn bán thì phải xin phép là cái chắc rồi. Nhưng buôn bán trên sông còn phức tạp hơn nhiều…
– Nếu ba đồng ý thì cứ để con lo liên hệ hỏi thăm mọi chuyện. Mình muốn làm ăn lâu dài thì đâu thế làm đại, làm chup giựt được…
– Ừ! Bay cứ thử đi hỏi… Mà nếu thuận buồm xuôi gió thì cha con mình còn phải bàn chuyện hùn hạp, ăn chia thế nào… Chuyện gì ra chuyện nấy! Bay hiểu chưa?
Hai Thiết thở phào chuyện ba mình đồng ý cho làm nhà hàng nổi, nhưng tư thâm tâm thì anh rất buồn phiền chuyện ba anh nói về việc hùn hạp. Cứ như nhà này có hai chủ vậy, ba anh là một chủ, chủ còn lại là má con anh…
Có thêm một hộ nhà bè nuôi cá chép Koi, cũng bắt đầu bằng một lồng bé chừng năm chục mét vuông. Học hỏi kinh nghiệm của ông Tư Hoằng, họ không bị thiệt hại nhiều trong bước đầu nuôi loại cá kiểng này. Tuy nhiên, nhà này không dám đầu tư nhiều. Chủ bè nói với ông Tư Hoằng: “Tui vẫn chưa yên lòng rằng đoạn sông này hết nạn cá chết phơi bụng như trước hai mùa mưa vừa qua. Thấy ông nuôi mấy con Koi có lãi bộn nên ham quá, chớ nói thiệt, tui run lắm!”. “Ừ! Thì bước đầu nuôi ít vậy thôi. Mà ông tưởng tui không run hả? Nói hết ruột gan cho ông nghe nè. Tui đã thủ sẵn một số tiền cho một đợt cá chết, nếu ông trời hại mình. Làm nông nghiệp hay ngư nghiệp đời nào thì cũng phải lệ thuộc vô trời đất, sông nước cả thôi”.
Nhà hàng bè nổi Hai Thiết được cấp phép xây dựng, buôn bán, kèm theo dẫn khách tham quan mấy lồng bè nuôi cá Koi, bán lẻ luôn cho khách có nhu cầu mua dưới chục con. Khách từ hai bên bờ sông qua nhà hàng bè nổi có thuyền máy loại trung nhiều chỗ ngồi đưa đón. Hai chiếc thuyền của hai người hai bên bờ làm chủ, khách ai nấy chở. Ngay từ đầu chưa biết làm ăn ra sao, Hai Thiết đã phải chấp nhận trả cho mỗi người chủ một số tiền thuê thuyền. Số tiền này hai bên thỏa thuận tính theo đầu khách qua lại cho công bằng. Trời thương nên việc làm ăn của Hai Thiết không chỉ suôn sẻ mà còn khấm khá. Đúng ra cũng có một hai chủ nhà bè muốn bắt chước mở nhà hàng nổi, nhưng tính toán kỹ thì họ lại thôi vì không có dịch vụ cho xem hay bán lẻ cá Koi như Hai Thiết thì khó cạnh tranh!
Ông Tư Hoằng quay qua phụ thằng con chăm sóc mấy lồng bè chép giòn, trắm đen. Ông không còn “lạnh lùng” với bà Tư mà đã chịu trò chuyện, dĩ nhiên là vẫn còn hạn chế. Vẻ như chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng nhà này đang đứng trước một cơ hội làm lành. Cứ phải chờ coi…
Một bữa chiều sau tết nguyên đán, cha con Tư Hoằng, Hai Thiết ngồi nhậu ngay trên nhà bè của gia đình. Khách là “đệ tử” nuôi chép Koi của ông Tư và mồi nhậu là của ông này đem tới biếu. Ba người ngồi trò chuyên rôm rả. Đầu bếp cuộc nhậu là bà Tư ngồi cùng hai đứa con nhỏ gần đó ăn cơm chiều nhưng người đàn bà thỉnh thoảng lại ngó qua chiếu nhậu xem bên đó cần gì thì mình qua tiếp tay.
Người khách bất ngờ đưa ra một ý kiến:
– Anh Tư là người tiên phuông nuôi cá chép Koi ở làng bè Tân Tân này và thành công. Sao anh không nghĩ đến một chuyến đi du lịch Nhựt Bổn là quê hương của mấy con Koi đó xem sao!
Hai Thiết vỗ đùi đánh đét:
– Ý kiến quá hay đó ba! Tới luôn đi ba…
Tư Hoằng bàn lui:
– Tao đi rồi mấy lồng bè cá Koi của tao thì ai chăm?
– Thì con với má con chăm. Nhà hàng nổi con giao cho “lính” của con cho tụi nó tự xử dăm hôm, tuần lễ được mà…
– Thôi! Dẹp cái vụ đi Nhựt! Tốn kém lắm!
– Đi đi anh Tư! Biết đâu qua đó, anh Tư học hỏi được thêm kinh nghiệm nuôi cá Koi của họ rồi đem về áp dụng thì càng tốt chớ sao. Số tiền bỏ ra coi như học phí vậy mà…
– Ba cứ yên tâm. Vụ đăng ký tua, lo giấy tờ xin vi-sa gì gì con lo dư sức qua cầu mà ba…
– Để đó thủng thỉnh rồi tao tính…
Đêm xuống làng bè Tân Tân. Gió sông nhè nhẹ chỉ như ai đó dùng quạt giấy phe phẩy. Tiếng sóng vỗ vào lhàng chục cái thùng phuy rỗng dưới nhà bè cũng rì rào như ai đó đang rù rì tâm sự. Ông Tư Hoằng khó ngủ. Cái nết nhậu của ông đã uống thì phải uống thiệt say mới ngủ được, chớ uống cái kiểu lưng lửng như trận nhậu chiều nay thì chỉ khiến ông phải trằn trọc. Nhưng cũng không thể uống tới say mướt được. Phải để cho khách còn tỉnh táo mà chèo xuồng về nhà bè của mình, chớ không lỡ xảy ra tai nạn sông nước thì ân hận cả đời. Xem ra một chuyến đi du lịch tới xứ sở của cá chép Koi cũng xứng đáng với ông. Nghe thằng Hai Thiết nói thì tiền tua chỉ bằng tiền bán khoảng ba chục con chép Koi một ký lô, nó lại khoảng tháng ba, tháng tư này bên đó là mùa hoa anh đào. Được ngắm hoa, chụp một loạt hình đẹp về khoe mọi người cũng hãnh diện lắm chớ! Coiu như về tiền bạc, thủ tục thì ông không phải lo, có điều đi du lịch một mình, ông thấy sao sao…
Khuya lắm rồi, ông Tư Hoằng vẫn không ngủ được. Ông chui ra khỏi mùng, bước về phía cái lồng bè trắm đen mà ngó trời ngó nước. Dãy đèn của nhà hàng bên kia sông đã tắt, chỉ để lại vài bóng đủ sáng má đi lại. Mặt sông êm, bầu trời thì đen như mực. Một lúc, ông lại quay vào. Phòng ngủ của vợ chồng ông trước kia, sau này chỉ còn một mình bà Tư trong đó, hắt ra ánh đèn ngủ màu đỏ. Cái bà vợ của ông là người ưa màu đỏ mà. Giờ này, không biết bà đã ngủ chưa, ngủ có ngon giấc không?
Trù trừ mãi, ông Tư Hoằng mới quyết định bước tới đẩy cánh cửa phòng. Bà Tư ngồi bật dậy, nói khẽ: “Gì đó?”. Ông tới ngồi bên mép tấm nệm ngủ, cũng nói nhỏ: “Tính hỏi bà một chuyện”. “Là chuyện gì?” – Bà Tư dụi mắt cho tỉnh ngủ hẳn. “À! Cái vụ đi du lịch Nhựt Bổn đó mà”. “Ông thích thì cứ đi. Việc nhà tui với thằng Hai lo được mà”. “Tui không nỡ đi một mình”. “Là sao? Đừng nói với tui là ông muốn rủ tui cùng đi nha”. “Chính là ý tui như vậy đó”. Bà Tư tròn mắt nhìn chồng, như là bà không tin lời ông vừa nói ra là sự thật. “Tui không xài tiền của ông”. “Tiền của tui hả? Tiền bạc trong nhà này đâu có của riêng ai. Tất cả là của ba đứa nhỏ mà…”. Thấy vợ im lặng, ông nói thêm: “Đi chơi với tui một chuyến đi. Tụi mình huề”. Vợ vẫn im lặng, ông lại tiếp: “Từ đêm nay, tui ngủ trong này”.
Bất ngờ, ông Tư Hoằng ôm lấy vợ, vật bà nằm xuống tấm nệm ngủ. Bà Tư cựa quậy: “Ông làm gì vậy hả?”.
Đêm càng khuya. Gió càng nhẹ. Không gian càng im lặng. Cái nhà bè của ông Tư Hoằng đột nhiên rung mạnh, dập dềnh trên sông nước…
17/10/2023
Khôi Vũ
Nguồn: Trích từ tập truyện Đất ẩn long, NXB Hội Nhà văn 2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...