Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Ấn tượng những nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Cẩm Hương

Ấn tượng những nhân vật nữ trong
truyện ngắn Nguyễn Cẩm Hương

Nguyễn Cẩm Hương là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa từ năm 1997, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Cẩm Hương chuyên về truyện ngắn, đến nay chị đã trình làng 7 tập truyện ngắn, nhiều lần đạt giải thưởng văn chương, giải của Tạp chí Xứ Thanh, giải Lê Thánh Tông của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, giải của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Viết truyện từ khi còn là nữ sinh chuyên văn cấp 3 Hàm Rồng, song số phận Nguyễn Cẩm Hương lại phải học chuyên ngành sử ở trường Đại học Tổng hợp danh giá một thời, rồi lại về làm biên tập nhà xuất bản. Số phận như trêu ngươi, cuối cùng, văn chương đã chọn người. Những năm tháng ở nhà xuất bản đã đào luyện ra cây bút văn xuôi Cẩm Hương nổi tiếng trên diễn đàn văn xuôi Thanh Hóa.
1. Ưa thích khám phá những tình huống éo le, cắc cớ
Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương thiên về cách dựng truyện tựa vào tình tiết có xung đột truyện. Nếu theo dõi cách dựng truyện của chị sẽ thấy, chị thường quan tâm đến những cảnh, những số phận éo le, nhân vật hoặc phải vượt qua nghịch cảnh, hoặc bị nghịch cảnh vùi dập, thậm chí mất mạng: Hai người phụ nữ – hai người lính trở về hậu phương trong hoàn cảnh bi hài. Một trong hai cô bị giải ngũ vì vi phạm kỷ luật quân đội, cô có bầu khi chưa cưới. Cô gái kia đưa bạn về quê. Trước tình cảnh “Chị ơi em không thể trở về trong tình trạng thế này được. Làng em khắt khe lắm. Dẫu em không bị lên án thì cũng như người mắc bệnh hủi… thầy u em khổ”. Họ phải nghĩ kế, cô bạn đi cùng “hóa” thành anh bộ đội, đóng giả người yêu. Họ làm lễ cưới trước khi “anh” quay lại chiến trường (……).
Truyện Cõi trần là số phận của một “Thị Kính” thời hiện đại. Lân – cô thanh niên xung phong, từ chiến trường trở về nương nhờ cửa phật. Song, cô phải hai lần lâm vào tình huống bất đắc dĩ: một lần làm cha và một lần làm mẹ để cứu vớt sinh mạng những sinh linh bị bở rơi. Sự lặng lẽ hi sinh của Lân khiến cô trở thành Phật sống. Truyện Lòng mẹ cũng là số phận chìm nổi của Bà Đồng. Từ một cô Thoan xinh đẹp, con nhà lý trưởng được gả bán cho một nhà buôn đất kinh kỳ, rồi trở thành cô hàng xén ở vùng tự do, có con với một anh dân công, một mình nuôi con trong khói lửa chiến tranh ngợp trời. Già cậy con, cô Thoan giờ là bà Đồng theo con ra thành phố, bà Đồng được chứng kiến cảnh sinh hoạt buông thả, trụy lạc hư hỏng của một bộ phận những người trẻ thời “hiện đại” ngay tại gia đình bà, từ chính con trai bà…
Rất nhiều, hầu như trong các tập truyện của chị chỉ thấy những số phận nếu không éo le, nghịch cảnh thì cũng là những số phận nghèo hiện ra. Những số phận hẩm hiu nhiều hơn may mắn, chịu đau khổ, bầm dập nhiều hơn vui vẻ, hạnh phúc: chị bán hàng cơm ở góc phố chợ, người đàn bà làm nghề vặt lông vịt thuê, đứa trẻ lang thang ngoài phố, cô công an phường tận tụy, bác hàng xóm về hưu, thầy giáo nghèo trong ngõ, cậu sinh viên nghèo đi làm gia sư v.v… Nói không ngoa, Cẩm Hương hầu như không quen biết, không viết nổi về những số phận giàu sang, may mắn. Những trang viết của chị thuộc về những thân phận bé nhỏ, thua thiệt, giản dị của cuộc đời này.
Nhận ra điều này để thấy, ẩn bên trong tâm hồn người phụ nữ bé nhỏ, kiệm lời, duyên dáng là tác giả thật không đơn giản chút nào. Đó là tâm hồn và tính cách vừa đa cảm, vừa giàu lòng trắc ẩn. Không tự nhiên mà có sự quan tâm, chia sẻ này, người thích quan tâm đến những số phận éo le, cắc cớ, những số phận bé nhỏ trong đời thường luôn có trái tim vị tha, hiền hậu. Người ấy, tự trong tiềm thức, bản năng làm mẹ quan trọng hơn hết thảy.
2. Ưu tiên khám phá, phát hiện bản năng gốc của người phụ nữ: Thiên tính Nữ!
Những số phận éo le, cắc cớ trong truyện ngắn Cẩm Hương phần lớn là phụ nữ. Như vậy, có thể nói thêm, chị là nhà văn của những mảnh đời phụ nữ đa đoan, vất vả. Phải chăng có sự “ưu tiên” hay đồng điệu với những thân phận nữ nhi không may mắn? Song, tác giả không dừng ở việc chia sẻ niềm thương cảm hay động viên, chị hướng đến phát hiện khía cạnh khác, mới mẻ và giàu cảm xúc hơn, đó là tái hiện bản năng gốc – bản năng làm mẹ hay có thể gọi là “thiên tính nữ” trong mỗi người được tạo hóa sinh ra là đàn bà.
Văn học trước 1975 thường né tránh điều này, bởi khi đó những chủ đề yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đang cần đề cao để tiếp lửa cho tiền tuyến. Hòa bình trở lại, con người với nhu cầu cá nhân được quan tâm, thành chủ đề trung tâm của văn học thời hậu chiến. Những cây bút của thời đại “chiến tranh và người lính” như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Nguyễn trọng Oánh, Lê Minh Khuê v.v… cũng đã rất nhanh chuyển ngòi bút vào chủ đề này. Song, tìm hiểu sâu đời sống bên trong, đặc biệt là tâm lý nữ thì rất hiếm. Nguyễn Minh Châu từng gây ấn tượng đặc biệt với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, Cỏ lau, Mẹ con chị Hằng … khi viết về người đàn bà với thiên chức làm mẹ ở đặc điểm vị tha, bảo vệ, che chở.  Điểm dừng của cây bút tài danh vẫn là ranh giới của cái Đẹp đồng nghĩa với Đạo đức.
Nguyễn Cẩm Hương thì khác, chị quan tâm đến thiên tính nữ ở nhu cầu làm mẹ, khao khát làm mẹ, làm vợ. tác giả dành rất nhiều trang mô tả chi tiết về ẩn ức này. Trong truyện đêm “tân hôn” của hai cô thanh niên xung phong cứu nhau bằng cách một cô giả trai đóng giả làm chồng, họ rúc rích đến nỗi sáng hôm sau bà mẹ gọi con gái của mình lại mắng: “Vừa vừa thôi con ạ, phải giữ sức cho nó còn vào chiến trường chứ…”. Bà mẹ đâu có ngờ rằng đôi uyên ương ấy nói những chuyện như thế này: “- Đời em sao trớ trêu thế này. Đêm tân hôn mà nằm với một người đàn bà – Thì chính mày muốn thế cơ mà ; – Em sẽ chẳng còn gặp một người đàn ông nào nữa vì em là gái có chồng rồi… – Bao giờ anh lái xe về tao sẽ trả nguyên vẹn mày cho hắn ta. – Em thương chị, chị tốt quá … – Chị xem này, ngực em có đẹp không? Thế mà nó chẳng để cho ai cả. – Con nỡm, để yên cho tao ngủ”. Trong truyện  “Cõi trần”, tác giả cũng miêu tả  tỉ mỉ, chi tiết  sư thầy Đàm Lân cho đứa trẻ bú, cái cảm giác nhồn nhột của cô gái chưa một lần sinh nở khi bị đứa trẻ ngậm đầu vú nún lấy nún để, hoặc cái cảm giác khát vọng hạnh phúc của sư thầy. Truyện Lòng mẹ cũng thế,  chi tiết Thoan khao khát được làm vợ, làm mẹ trong cái đêm chỉ có mình cô với anh dân công “Thoan mang tiếng là gái có chồng nhưng trong những đếm dài nằm trong chăn đệm mà Thoan vẫn cứ lạnh như nằm trong rừng sâu (…) Anh dân công vẫn ngồi bó cứng lấy hai đầu gối. Cô nhận ra anh đang run nhưng không phải vì sốt”. Những trang viết về tâm lý nhân vật đối diện với khao khát dục tính là những trang viết táo bạo của Nguyễn Cẩm Hương ở thời điểm thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Như vậy, chị đã tham gia vào đội ngũ các cây bút đổi mới văn học ngay từ chặng đầu.
Quan tâm khám phá, tái hiện đời sống tâm lý bên trong, đặc biệt là ẩn ức sinh lý khiến nhân vật hiện ra ở chiều sâu “bản thể”. Tác giả không quan sát họ ở phương diện địa vị xã hội mà quan sát họ ở phương diện “bản thể”, vỡ vậy, nhân vật hiện ra với tư thế là một thực thể xã hội hơn là một công dân xã hội. Điều này khiến tính cách/ số phận nhân vật hiện lên sống động và linh hoạt, phức hợp mà vẫn thống nhất ở tính bản thể. Điều thú vị là, chính từ cách tiếp cận “bản thể” ấy mà những giá trị đạo đức, nhân sinh của con người và cuộc sống được phát hiện và khẳng định một cách chân xác và có cơ sở thuyết phục nhất. Chẳng hạn, người đàn bà bán hàng cơm vỉa hè, có ba đứa con với ba đời chồng, dáng dấp to béo với những câu chửi nanh nọc, tục tằn hóa ra có số phận thật bi đát, đáng thương.
Đằng sau những câu chửi chát chúa, nanh nọc lại là một tấm lòng rất phúc hậu: “Khách cơm bụi của chị toàn dân cửu vạn, buôn vặt và đa số hay thiếu tiền. Có bữa mấy tay cửu vạn vào ăn xong, rồi ngồi lì ra, chị hỏi cứ đùn đẩy nhau ấp a ấp úng như gà mắc tóc “từ sáng tới giờ bọn em chưa gặp khách…”. Thế là chị trợn mắt hai tay bẻ ngoặt vào mạng sườn chửi như tát nước vào mặt với những từ tục tĩu. Thế mà chỉ ngày sau họ lại đến, “lại ríu rít quanh hàng chị, tranh nhau chỗ ngồi, hau háu chờ chị xúc lên cho bát cơm nóng hôi hổi ăn với dưa chua. Có hôm chị còn bốc cho họ một nắm tóp mỡ, kèm thêm một lời khuyên chát chúa: Ăn đi, không tính tiền đâu mà lo. Rét căm căm thế kia không có tí mỡ vào bụng, đứng cả ngày có mà chết cóng. Họ đâm bổ vào bát tóp mỡ, đánh nhoằng một cái hết veo. Còn lâu mới nhớ đến hôm qua bị chị chửi cho nhục nhã thế nào”. Người đàn bà có vẻ ngoài rất “anh chị bặm trợn” ấy lại đứng ra lo toan làm đám tang cho người chị em hàng xóm xấu số cùng cảnh ngộ: “người đẫm mồ hôi, chạy đi chạy lại, sai phái, cắt đặt để hoàn tất một đám tang. Nắng như đổ lửa. Chị Mậu mặt đỏ phừng phừng. Lúc đi đám về, cô Nga lại ghé tai tôi: “Trông bà Mậu khiếp nhỉ, như La sát. Đàn bà mà dám một mình khâm liệm, vuốt mắt buộc tay chân cho người chết. Em chịu đấy”. Trong một lần lăn xả vào để can đám đánh nhau, chị Mậu bị trọng thương. Bệnh viện đã thật ngạc nhiên vỡ cả xóm chợ ai cũng sẵn sàng cho máu cứu chị. Người đàn bà nghèo khổ, lúc nào cũng phải vay mượn, “giật chỗ nọ đắp chỗ kia” nhưng thật thanh sạch vì mượn ai chị đều ghi vào sổ để khỏi quên, hoặc giả, nếu có mệnh hệ gì thì sẽ nhờ con trả hộ.
Chị Mậu trong truyện ngắn cùng tên đã được quan sát từ phương diện bản thể, vì vậy, tất cả những biểu hiện trong tính cách nhân vật được tái hiện  sống động. Tính cách nhân vật vừa là sản phẩm của hoàn cảnh vừa là sản phẩm của “gien”, của nòi giống.  Tính cách nhân vật được “điều khiển” bởi bản chất thực thể của nó, dưới góc nhìn bản thể nên chân thực và sinh động.
Không chỉ thể hiện ở một vài nhân vật mà hầu như tất cả. Có thể coi tư tưởng “bản thể luận” là nguyên tắc xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương. Đó là lý do khiến nhân vật trong tác phẩm của chị không có những tính cách, số phận, cuộc đời đơn giản, một chiều mà luôn phức tạp, éo le;  cũng không có những giá trị được định giá/ phát hiện một cách đơn giản, dễ dàng, mà luôn phải cân nhắc, đối chiếu, phản biện, phải đặt trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Với cách thể hiện ấy, người đọc luôn được “sống cùng” nhân vật, được chia sẻ, trải nghiệm và được “ngộ” ra một điều: chân giá trị thì luôn mang tính vĩnh hằng, song định vị giá trị thì chỉ tương đối thôi và không dễ dàng chút nào, bởi giá trị, tự nó luôn hàm chứa tính đối thoại. Cẩm Hương đã để cho tự thân bản thể lên tiếng, nhân vật và tính cách nhân vật, vỡ vậy mà có thể “xù xì” hơn, “góc cạnh” hơn, song cũng sống động hơn, có sức thuyết phục hơn.
Cẩm Hương ra là một cây bút tinh tế và thấu cảm.  Trong lực lượng văn xuôi của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa hiện nay, chị vẫn là một trong những cây bút chủ lực. Hi vọng cây bút nữ giàu cá tính này sẽ luôn mang tới cho độc giả những trang văn giàu cảm xúc về cuộc đời thương lắm mà cũng yêu lắm này.
27/10/2023
Hỏa Diệu Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...