Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Gặp cụ Mười Hương

Gặp cụ Mười Hương

Nhà chỉ huy tình báo chiến lược tài ba Trần Quốc Hương (1923 – 2020) thường được gọi thân mật là Mười Hương từng giữ nhiều trọng trách: Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian cuối đời ông có nỗi trăn trở về người bạn bị oan khuất là nhà cách mạng, nhà văn Nguyễn Hữu Đang qua tường thuật của nhà sử học Dương Trung Quốc, xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc để tham khảo.
Ai cũng biết tiếng “Mười Hương” là một nhà lãnh đạo lão thành, công tác trong ngành tình báo chiến lược – lực lượng có những đóng góp to lớn trong chiến tranh, mà chiến công của họ, ở những cương vị khác nhau, trong nhiều tình huống khác nhau với nhiều cách đánh thiên biến vạn hoá kiên cường và trí tuệ đã góp phần không những cho sự toàn thắng mà làm cho chiến thắng trở nên trọn vẹn hơn, nhờ đó hạn chế được những tổn thất cho lực lượng của đồng đội cũng như của đồng bào.
Sinh năm Quý Hợi (1923), năm nay – 2012 cụ Mười Hương đã bước vào tuổi 90.
Cách đây vài năm, một lần đang công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, cụ cho người gọi điện “mời” tôi ra gặp cụ đang có mặt ở Hà Nội. Tôi vội về và đến thăm cụ tại khu nhà khách của Trung ương bên Hồ Tây. Gặp tôi, cụ rất xúc động báo tin: “Anh bạn Nguyễn Hữu Đang của tôi đã mất rồi!”. Sự xúc động không chỉ vì có người bạn, vào thời điểm đó đã ngoại bát tuần qua đời mà còn vì, như cụ nói: “Tôi đang muốn làm rõ những đóng góp của anh Đang trước những gì đã xảy ra với anh ở ngoài Bắc, khi tôi đang công tác ở trong chiến trường miền Nam”.
Cụ kể với tôi rằng, khi đang ở chiến trường thì nghe tin ở ngoài Bắc Nguyễn Hữu Đang bị đưa ra toà xét xử liên quan đến vụ “Nhân Văn Giai Phẩm”. Sau này gặp những người có trách nhiệm, Cụ nói rằng người bạn cũ của mình có thể mắc những sai lầm khuyết điểm nào đó, chứ bảo rằng con người ấy chống lại cách mạng thì không thể. “Anh ấy sống rất thật, làm việc rất nhiệt tình và nhiều sáng kiến lắm”, đó là cái chất của anh em trí thức Hà Nội đã từng trưởng thành trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Hướng đạo sinh và sau cùng là Văn hoá Cứu quốc, mà cụ được Đảng phân công theo dõi từ trước ngày Cách mạng thành công.
Cụ còn nói rằng, tuy cuối đời đã được giải toả nhiều nhưng cũng cần có một sự ghi nhận những gì Nguyễn Hữu Đang đã đóng góp với lịch sử. Một tấm huân chương xứng đáng là đề nghị của cụ Mười Hương (tức Trần Quốc Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương dành cho người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ “làm sao tổ chức một ngày Lễ Độc lập thật văn hoá” và sau cuộc lễ đã đưa ra nhận xét “không nghĩ dân đến đông và trật tự như thế ” (chữ viết nghiêng là câu của cụ Mười Hương nhắc lại nhiều lần).
Còn cụ Nguyễn Hữu Đang viết trong hồi ức của mình rằng, thấy cụ Chủ tịch đưa ra yêu cầu rất cao, nên e ngại đáp rằng “Sợ việc này khó quá” thì Cụ Hồ nói luôn: “Có khó mới giao cho chú”. Và chính vì cái niềm tin gửi gắm của cụ Chủ tịch nước, mà những người nhận việc đã dốc hết tài sức để phụng sự… Việc cụ Nguyễn Hữu Đang qua đời khiến tất cả mới chỉ dừng ở một ước mong tâm huyết của cụ Mười Hương với người bạn già của mình…
Lần này tôi đến thăm cụ Mười Hương tại tư gia toạ lạc trong một khu đô thị mới bên kia sông Sài Gòn yên tĩnh và trong lành. Rất mừng khi thấy cụ có vẻ khoẻ hơn lần gặp trước, những di chứng của một lần “tai biến” vẫn còn, nhưng sự minh mẫn của nhà tình báo lão luyện dường như vẫn không suy xuyển đối với những gì đã được nung nấu suy nghĩ từ lâu. Vì thế, cụ thường hay nhắc đi nhắc lại những câu chuyện, mà cụ cho rằng người đời có thể quên mà ký ức của cụ là một trang sử sống của cả một pho sử lớn của một thời đại lịch sử đáng nhớ, nhưng chưa hẳn đã đủ thời gian để sáng tỏ tất cả.
Trong câu chuyện cụ kể rằng mình vừa dự lễ trao kỷ niệm chương của ngành cho các chiến sĩ đồng đội của mình. Chiến công của họ cách đây đã ngót nửa thế kỷ, có người nay mới được ghi nhận. Chậm được công khai ghi nhận công trạng cũng là một đức hy sinh của những người dấn thân vào ngành tình báo. Các anh Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, hay nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn phải bao nhiêu thập kỷ sau mới được đưa ra để tuyên dương công trạng… Nay tất cả các tên tuổi lừng danh này đều đã ra đi, để bước vào các trang sử…
Trong lần tuyên dương này, đến lượt một tên tuổi gắn với Cụm tình báo A10 anh hùng của cụ. Đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (Năm Quang), phó cụm, vào thời điểm cách đây 37 năm, trước khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì ông mang “vai” một bác sĩ trong lực lượng Thuỷ quân Lục chiến của Quân đội Sài Gòn. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cụm tình báo này (trong đó có Huỳnh Bá Thành với bút hiệu Hoạ sĩ Ớt nổi tiếng cũng đã mất) là tìm mọi cách vận động chính trường của chế độ Sài Gòn để nhân vật trung tâm là Tướng Minh Lớn (Dương Văn Minh) có thể chấp chính vào thời điểm quyết định, góp phần tạo ra một hình thái kết thúc cuộc chiến tranh một cách thuận lợi và ít tốn xương máu nhất.
Câu chuyện liên quan đến hình thái kết thúc cuộc chiến tranh trong sự kiện các lực lượng vũ trang cách mạng tấn công vào thành phố Sài Gòn, mà hợp điểm cuối cùng là dinh Độc Lập, biểu tượng quyền lực của chính thể Việt Nam Cộng hoà đã được đề cập tới trong nhiều cuộc tổng kết, chương trình nghiên cứu kể cả những cuộc thảo luận hay tranh luận để làm sáng tỏ hơn, phong phú và chân thật hơn cái sự kiện hiển nhiên là lực lượng cách mạng mà hạt nhân trực tiếp là các lực lượng vũ trang đã kết thúc một chiến dịch thần tốc đánh bại cả ý chí lẫn lực lượng của đối phương, buộc người đứng đầu chính thể ấy phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Trong bức tranh tổng thể ấy, hành xử của Tổng thống Dương Văn Minh, người chấp chính ngắn kỷ lục trong cương vị này, phải coi là một nét đặc sắc trong cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XX. Vì đó không chỉ là hành xử thức thời của cá nhân một chính khách mà nó là thành tựu của một quá trình lâu dài, công phu của các lực lượng địch vận hay tình báo của cách mạng. Có mấy ai biết rằng, chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trao một món quà không nhỏ của cách mạng để Huỳnh Bá Thành ra tờ “Điện Tín” làm cơ quan ngôn luận hỗ trợ dư luận và vận động hành lang để hai viện của Quốc hội Việt Nam Cộng hoà trao chức Tổng thống cho Tướng Dương Văn Minh, hoàn tất tư cách hợp pháp cho những mệnh lệnh cuối cùng góp phần kết thúc chiến tranh, chặn đứng ý đồ của những thế lực cực đoan.
Cụ Mười Hương kể rằng, ngay khi cụ nhận nhiệm vụ rời miền Bắc mới giải phóng để vào miền Nam hoạt động lâu dài, Bác Hồ cũng như các nhà lãnh đạo cao cấp, khi căn dặn và giao nhiệm vụ cho cụ dường như đã hình dung ra một kịch bản với rất nhiều phương án để đi tới thắng lợi… Điều mà sau này khi chiến tranh đã kết thúc, nhìn lại mới thấy đó là một tầm nhìn rất xa với những dự báo tài tình. Những gì liên quan đến một vị tướng trong lực lượng đối phương như Dương Văn Minh dường như cũng đã nằm trong tầm nhìn ấy từ rất sớm.
Được biết cụ Mười Hương đã viết xong hồi ức, nhưng những gì có trong đầu của một nhà tình báo chiến lược thường không dễ công bố, dầu thời gian của những sự kiện ấy đã cách xa nay vài ba thập kỷ. Trong cuốn hồi ức ấy, chắc chắn mọi sự kiện sẽ được viết đầy đủ chi tiết hơn, vì thế cụ chỉ nói với tôi rằng câu chuyện về Tổng thống Dương Văn Minh là một nét đẹp trong toàn cảnh chiến thắng của dân tộc. Nhưng để nhận thức đầy đủ, ngay cả với một sự thật tưởng như hiển nhiên cũng không đơn giản. Vì mỗi thời thường có những lăng kính khác nhau, chỉ có chiều dài của thời gian mới làm nên sự trong suốt của lịch sử.
Về câu chuyên này, cụ Mười Hương kể rằng, cho đến gần đây vẫn có anh em bên quân đội đến trao đổi rằng, để có ngày chiến thắng có biết bao nhiêu anh em đã hy sinh, vậy mà tại sao cứ đề cao cái sự việc đầu hàng của một “Tổng thống Ngụy”.
Cụ Muời Hương hỏi lại: lúc chiến tranh anh bạn ở đâu?
– Ở trong đội hình của đại quân tấn công vào thành phố.
Thế thì nếu không có sự đầu hàng ấy thì chắc chắn đại quân ta vẫn chiến thắng, nhưng có thể tôi và anh không còn có thể gặp nhau để nói câu chuyện hôm nay.
Cụ Mười Hương kể rằng, vào thời điểm sáng ngày 30.4.1975 ấy, cụ mặc thường phục, cùng hoà theo dòng người dân tiến về Sài Gòn. Đến cầu Chữ Y- Quận 8, cụ còn chứng kiến một viên sĩ quan quân đội Sài Gòn vừa nghe xong lệnh ngừng bắn, yêu cầu hạ vũ khí của Tổng thống Dương Văn Minh, bèn rút khẩu súng ngắn bên hông chĩa lên trời vừa xả cho hết đạn vừa chửi đổng vị tổng thống vừa lên ngôi đã… đầu hàng.
Cụ cứ hình dung nếu không có cái lệnh ấy, viên sĩ quan vẫn mù quáng cùng đồng đội của mình “tử thủ”, như cái lời tuyên hứa của Tổng thống tiền nhiệm Trần Văn Hương khi thay thế Nguyễn Văn Thiệu từ chức cách đó chỉ ít ngày “dù máu có thành sông, thây có thành núi”… thì sự chết chóc và tàn phá sẽ khủng khiếp như thế nào?
Cụ còn kể rằng, trên một chuyến xe đò Lambretta tiến về Sài Gòn, ngồi chung với các bà, các chị từ ngoại thành đổ vào thành phố, mà thấy ai cũng có cờ, thậm chí vài lá cờ Mặt trận  Việt Minh trên tay, có người còn hỏi có thích thì tặng một lá, cụ hiểu rằng chiến thắng đang hiển hiện là một hiện thực…
Sau ngày chiến thắng không lâu, cụ Mười Hương tiếp một đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô thăm thành phố. Họ nói rằng Liên Xô luôn ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ nhưng cũng không hình dung nổi là chiến tranh kết thúc nhanh đến thế, và nêu câu hỏi: Vì sao, kết thúc một cuộc chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh có quy mô như chiến tranh Việt Nam, lẽ thường nơi diễn ra trận đánh cuối cùng phải là một bãi chiến trường đổ nát mà thành phố Sài Gòn nơi họ đang có mặt lại còn nguyên vẹn như thế này!
Cụ Mười Hương kể lại rằng khi đó mình chỉ là Phó bí thư Thành uỷ mà Trung ương còn chưa tổng kết nên cách tốt nhất là cứ viện Bác Hồ ra làm “cẩm nang”. Cụ trả lời các vị khách Xô Viết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đạo chúng tôi là cách mạng phải đi bằng hai chân, đó là chính trị và quân sự. Nhưng quân sự phải phục vụ cho chính trị mà mục tiêu chính trị của chúng tôi là Tổ quốc phải thống nhất, quốc gia phải độc lập và mang lại hạnh phúc cho mọi người dân, vì thế chiến thắng càng ít hy sinh, tổn thất càng tốt. Quân sự của chúng tôi cũng phải vận dụng cách đánh như thế nào để đạt cái mục tiêu chính trị ấy.
Cụ Mười Hương nói thêm rằng, thực ra chiến tranh là ác liệt vô cùng, không nói đến cuộc chiến tranh suốt hai mươi năm diễn ra trên cả hai miền Nam Bắc, mà ngay trong những trận đánh cuối cùng ở cửa ngõ vào Sài Gòn, chiến trận cũng vô cùng khốc liệt, nhiều anh em hy sinh ngay ngưỡng cửa của chiến thắng. Vì thế càng thấy cái kết thúc đã diễn ra trong lịch sử tựa như có cả vận nước lẫn nỗ lực của dân tộc, của cách mạng…
Đã đến giờ phải chia tay, cụ Mười Hương lại lên đường đi đến với một người thân hay một đồng đội nào đó. Cụ vẫn bền bỉ và tận tuỵ cho những công việc mà khi đã bước vào tuổi 90, vẫn phải chạy đua với thời gian. Không phải chỉ để sống mà quan trọng hơn với Cụ là làm cho những ký ức về một thời gian khó và vẻ vang không thể chết. Những ký ức ấy phải được nối dài và ở đó phải lấp lánh những gương mặt, tên tuổi của những con người đã từng góp phần làm cho cái ký ức ấy trở nên bất tử. Những ngày này cụ còn đang bận rộn hoàn tất hồ sơ để đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho một chiến sĩ của mình. Với cụ, lịch sử không thể vô nhân xưng.
27/10/2023
Dương Trung Quốc
Nguồn: Báo Lao Động ngày 26.4.2012
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...