Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Bàn chân má và Dây bí rài của ba

Bàn chân má
và Dây bí rài của ba

Thanh Tuân tên thật là Đỗ Thanh Tuân, sinh năm 1989, là thầy giáo dạy văn ở huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam. Tuân viết nhiều thể loại như: truyện ngắn, thơ, tản văn…
Những đề tài của Thanh Tuân viết xoay quanh cuộc sống, tình cảm gia đình, bạn bè, tình thân, những điều giản dị quanh mình. Với lối viết văn chân chất, mộc mạc, da diết, đầy tình cảm, nhẹ nhàng, dung dị. Đọc văn của Thanh Tuân độc giả cảm thấy rất gần gũi, thân thương, từ câu chữ cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người.
Năm 2015, Thanh Tuân đạt giải khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn trên Báo Quảng Nam. Năm 2023, anh đạt giải nhì Cuộc thi viết tản văn do trang Cộng đồng Văn xuôi và giải ba của trang Làng Việt tổ chức, đánh dấu sức viết bền bỉ, đường dài của Tuân.
BÀN CHÂN MÁ
Lúc nhỏ, những trưa dài ròng, ngồi dựa vào lòng má để má bắt chí. Bàn tay nghịch cứ săm se ngón chân má. Từng ngón chân chai sạm. Móng chân cứng bám sâu vào từng ngón. Mũi móng chân cong lên, đen sì. Má nói móng chân cong lên là móng chân của những người khổ.
Chân má phải lội xuống bùn dặm lúa ngoài đồng. Khi chăn trâu, bàn chân kia phải lội dọc mương cắt từng bụi môn nước, thứ môn mọc hoang, mủ dính vào tay ngứa không tưởng. Má cắt, má bó, tối lại chong đèn ngồi xắt bỏ vào nồi cám heo. Mùa đậu, đôi bàn chân ấy lại đứng trụ giữa nà cát nắng phỏng của miền Trung cuốc cỏ, nhổ đậu. Hết ruộng, hết mương, hết nà má lại lên rẫy. Con đường rẫy dốc đá cùng đất sét trơn trượt, từng ngón chân gắng gượng bám vào đất để khỏi phải té. Ngón chân khum khum, choãi ra, má bảo là bàn chân Giao Chỉ. Con nào biết đó là bàn chân mang tâm thức nguồn cội.
Bụi đất, bùn lầy làm cho từng móng chân dày cứng, đen mốc. Con đưa chân mình lại sát chân má. Bảo rằng má ở dơ. Chân như thế cô lấy thước đánh sưng chân. Má cười. Con lại nghịch săm soi gót chân má. Lạ kì. Gót chân má nứt nẻ từng đường. Cái gót chân chai sần. Da gót chân cứng lắm. Con lấy tay véo vào, má vẫn không cảm giác. Từng vết nứt như rãnh sâu vào da. Những đường nứt nẻ đen đúa. Mùa mưa, má lội ruộng, dầm hằng ngày trong nước làm cho gót chân sưng lên. Tối về khi nấu nồi cám heo dưới bếp, má hơ chân vào sát bếp lửa rồi gãi lấy gãi để. Nhưng gãi làm sao cho hết ngứa. Tối đến, chân đau má không ngủ được. Má trở mình dậy sọ sẹ lấy trắp dầu cù là sao vàng xoa vào những chỗ ngứa, đau nhức. Con quen với tiếng gãi sột soạt hằng đêm. Thỉnh thoảng thấy má ngâm nước ấm. Đôi khi má nấu nước chè đậm, nước lá chuối chát, lá gai đa đa hay lá khế để ngâm cho đỡ ngứa. Họa lắm mới có một bữa ngâm nước muối. Nhà mình nghèo muối đôi khi còn thiếu để ăn. Và như thế đôi chân nước ăn đó cứ theo má. Những móng chân đen dày, với gót chân sần chai, nứt nẻ đó đã ám ảnh trong con. Và như thế tiếng gãi sột soạt đó cứ theo vào những giấc ngủ của con qua tuổi thơ dài.
Anh chị bước chân xuống phố, má lò dò ra tận ngõ trong sớm sương còn nhập nhoạng để tiễn con. Rồi con cũng bước chân xuống phố trong một sớm thu đầy hơi sương lạnh, má cũng ra tận đầu con dốc. Đôi bàn chân ấy sọ sẹ quay về trong tiếng gà giục sớm mai. Những năm tháng tha hương học tập, làm việc, thỉnh thoảng có đôi lần về quê, rồi vội vội, vã vã ra đi, con như quên dần đôi bàn chân chai sạm, nước ăn của má. Con đâu biết rằng những ngày con dạo bước nơi quảng trường, trên giảng đường, hay trong quán cà phê máy lạnh thì đôi bàn chân má vẫn phải lên rẫy, phải ra đồi, phải lội ruộng, phải gánh gồng những mưu sinh cho gia đình.
Để một ngày, tình cờ sáng ra rửa mặt, bàn tay chà lên mặt và phát hiện trên tay mình có vết chai. Tự nhiên những vết chai trên bàn chân má lại hiện về, nỗi niềm xưa cũ lùi dần vào kí ức bất chợt sống lại nguyên vẹn. Những ngón chân xương xương, choãi ra; những cái móng chân đen đen với đầu móng chân cong lên; những vết nứt dưới gót chân thành rãnh sâu chai sạm. Từng vết nứt như từng vết cứa trong tâm hồn một rãnh sâu khôn tả. Má ơi! Đôi bàn chân má, đôi bàn chân phong sương với con mãi là niềm kiêu hãnh.
DÂY BÍ RÀI CỦA BA
Người nhà quê là vậy, thấm thiết lắm. Có cái mủng mới cũng cất để dành, họa hoằn lắm mới mang ra đựng gạo. Rồi khi nó cũ dần mới dám bưng lúa, bưng đậu. Xài cho tới khi nó bung vành thì lấy dây cột vành lại. Cột tới năm lần bảy lượt, đến khi không thể cột nữa thì cái mủng xệ vành đó lại được đem ra ngoài giàn gà, lót rơm vào làm ổ gà. Cũng phải đến đôi lứa gà mới chịu đem bỏ đi, đem đốt ra tro để mà lấy tro đổ vào bụi chuối, gốc cam cho chuối, cam tốt.
Cái gian truân trên mảnh đất miền Trung đầy nắng rát, đầy gió nóng, đầy mưa lụa lầy, đầy bão ầm ào làm cho con người ta tằn tiện thành nếp. Ba cũng tằn tiện, cũng thấm thiết như thế. Đồ gì của ba, ba giữ báu lắm. Rồi khi dùng thì dùng cho đến kiệt cùng hạn dùng mới thôi. Cái tính tằn tiện ấy đâu chỉ ở việc dùng đồ vật, nó còn lan tới cả cái việc “tiếc của đời” như thuở mồ ma bà nội hay nói.
Má làm bí nấu canh, đó là trái bí đao già vỏ xanh cứng và hạt đã ngả màu nâu. Vỏ bí, ruột bí má đổ ra phía gốc cam. Chỗ đống rác ấy mươi ngày mọc lên được mấy dây bí rài. Gà bới, vịt xúc, ốc sên ăn… ấy thế nhưng vẫn còn một dây gắng gượng sống. Ba đi ngang thấy dây bí vươn những sợi râu dài gắng quấn vào tàu chuối khô, đâm tiếc, ba bẻ cây cắm quanh như rào dây bí. Má kêu ba mi tiếc của đời. Nói thế chứ thi thoảng má cũng đuổi lũ gà khi thấy chúng có ý định bới chỗ gốc dây bí.
Cái giàn bí đã qua mùa, những dây bí già đã chết tự đời nảo đời nào nhưng ba vẫn giữ cái giàn cũ. Thi thoảng, má đem nong chè nhỏ ra gác lên phía trên giàn để phơi. Chặt được mớ chà rang, mớ bông đót, má gác lên trên giàn bí để mau khô rồi đem bó lại cất trong chồ củi để dành thay cái chổi cũ. Cái giàn bí thấy cũng tiện thế nên ba không phá đi.
Mươi ngày, dây bí rài trộng hơn, ba cẩn trọng bứng dây bí ra trồng phía dưới giàn cũ. Má càm ràm, ba cái dây bí rài trái trăn chi mà chăm cho cực. Biết là nhất thì nhì thục, mùa bí đã hết nhưng bỏ thì tiếc quá. Thôi thì nó có tốn cơm tốn gạo chi đâu, trồng đại được trái mô hay trái nấy. Nói rồi ba lấp gốc, cắm chà và bắt ngọn cho dây bí leo lên trên giàn cũ.
Mỗi sớm, ba múc ca nước ra chỗ dây bí để rửa mặt. Chiều, ra giếng tắm giặt, ba lại múc gàu nước từ giếng lên xối vào gốc dây bí. Những rác quét sân, quét nhà, má cũng đi xa hơn mọi khi vài bước, đổ vào gốc dây bí rài duy nhất ấy. Cái đứa con rơi may mắn được chăm bẵm cũng lớn nhanh khác thường.
Mình quý người ta, mình đối đãi với người ta thiệt lòng thì người ta cũng sẽ đối đãi với mình thiệt dạ. Mình có tử tế vớ đời mới mong đời tử tế với mình. Ba hay dặn vậy. Dây bí trả công chăm bằng sự lớn nhanh, khỏe khoắn. Ngả nghiêng ngọn trên giàn, xòe lá che kín một phần giàn và rồi dây bí ra bông, những bông bí vàng dưới cái nắng miền Trung rưng rưng. Ba lấy tờ lịch cũ quấn quanh trái bí non để tránh bọn ong, bọn ruồi vàng dòm ngó. Má treo lủng lẳng lên giàn bí những chai nhựa đổ đầy nước như để làm phép cho lũ con trùng không chọc phá trái bí non. Một trái, hai trái, rồi ba trái, những trái bí trái mùa của dây bí rài lớn nhanh như thổi. Qua đêm tới sáng thôi đã thấy da chúng căng thêm một đỗi. Cái tờ lịch be bé không đủ che nổi trái bí nghịch ngợm muốn trốn chạy khỏi sự che đậy, ba lại lấy tờ báo cũ cuốn tròn quanh cuống trái. Vài đêm sương nặng hạt, tờ báo mỏng manh lại rủn mục để lộ ra những cu cậu bí mượt xanh. Ba chẳng bao bọc gì thêm được nữa.
Tất cả là bốn trái. Một dây bí rài mọc côi cút trả công chủ nó chăm bẵm bằng bốn trái bí to bự. Ba nói, đâu phải chỉ con nhà hào môn mới thành ông này bà nọ, con nhà nghèo, nhà khó mà biết vươn lên thì đời chẳng phụ công.Nhìn thân dây teo tóp lại để chắt chiu dinh dưỡng cho lũ con của mình, ba thương hại. Một sớm, ba nhặt cái mo cau mới rớt, luồng sợi lạt cột hai đầu mo cau thành chiếc võng. Chiếc võng mo cau ấy được cột lên giàn và nghiễm nhiên lũ bí được nằm vào lòng võng. Cái võng ấy không đong đưa mà có nhiệm vụ gánh nặng thay cho mẹ dây của lũ bí. Trái bí non ầu ơ như những chú heo con ngoan ngoãn hiền lành trong chiếc võng mo cau đợi ngày người thu hoạch.
Một sớm mai khi con nắng đổ thắt the về phía vườn, ba ra kiểm tra thấy những trái bí đã đủ già, vỏ cứng lắm. Má bê lũ bí vào, nụ cười má chảy tràn trong nắng sớm. Ba nhìn dây bí queo quắp như vừa xót xa vừa trân trọng.
Rồi không biết ba có xới lại gốc, tưới nước và bón phân cho dây bí rài queo quắt ấy nữa hay không, nhưng cái nhìn còn tiếc nuối lắm. Cái sự tằn tiện, thấm thiết đâu dễ bỏ đi những thứ gì còn dừng được. Dễ có khi cái sợi bí teo tóp ấy được chăm sóc lại gắng gượng cho thêm vài trái nữa cũng nên. Ba nói, thứ gì trên đời này miễn là còn dùng được một cách trong sạch thì hãy cố gắng mà giữ gìn, ở đời người ta chỉ chết vì phung phí chứ chẳng ai chết vì tiết kiệm bao giờ.
THƯƠNG PHÍA SAU HÈ…
Thuở nhỏ, chơi trốn tìm cùng lũ bạn trong xóm, con chạy ra phía sau hè nấp, lúc nào má cũng la: “có chơi thì ra phía trước mà chơi. Trốn chi phía sau hè dơ nhớp”. Quan niệm “phía sau hè” đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người dân quê. Nơi đó chẳng phải là nơi tốt đẹp, dù rằng là nơi quen thuộc và hình như không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hôm nay, trong một thoáng bâng khuâng chợt nhớ về …phía sau hè.
Phía sau hè. Nơi đó ba chái thêm từ mái sau nhà ra hai hàng cột tre, cũng thêm rui mè, đòn tay và lợp lên trên những tấm tranh cũ mèm, xam xám, có đôi tấm bám đen màu bồ hóng. Quanh ba bên ba che những tấm phên tre thưa nan tự đan. Và nghiễm nhiên phía sau hè lại thành một gian buồng riêng, tuy hơi thô sơ, trống trải.
Khi ngọn nắng đổ tròn bóng, hai anh em lặng tai nghe không còn tiếng võng cọt kẹt của ba, mắt ti hí liếc ngang. Thế rồi đôi chân nhỏ sọ sẹ nhón từng bước, luồng qua khe cửa liếp. Phía sau hè, có những trưa dài như những nhung nhớ, anh em trốn ngủ ra lom khom thổi từng con cuốc de trong cái tổ xây tròn. Cộng tóc con mảnh khảnh cháy nắng hoe vàng được tỉ mỉ cột vào đầu con cuốc. Trưa nào đó, nơi phía sau hè anh em sậm sụi suốt buổi để câu những con cuốc de thân bé tẹo với cái đôi càng huơ huơ lên không trung. Mắt tròn rạng rỡ khi câu được một con tròn mập. Nhưng cũng ánh mắt ấy thoáng tiếc hùi hụi vì lỡ trật cả con mồi, để con mồi nhanh lủi vào sâu trong bột đất. Một trưa, rồi những trưa, lặp lại như một điệp khúc của con gió nồm khi hè lên, vẫn nơi ấy, phía sau hè.
Có những chiều mưa dông vội, lan củi má phơi giòn khô thơm mùi sim mua sực nức được tuồn vội vã, tuồn vào đấy, nơi phía sau hè. Những bàn tay nhỏ cứ ôm nhanh, những bàn chân nhỏ cứ thoăn thoắt. Phía sau hè ngổn ngang những củi. Khi mưa cười xòa trắng xóa ngoài sân, cũng là lúc chị em ngồi phía sau hè sắp lại những củi là củi. Và thoắt nhìn, những lan củi đã ngay ngắn một góc nhỏ trong chái phía sau hè.Thương cho phía sau hè với những dung chứa đầy yêu thương.
Ngày mưa đông của miền Trung dài đăng đẵng. Áo quần dầm ướt trong những ngày mưa chẳng khô kịp. Thế là ngoài những cái bội to xông đồ thì nghiễm nhiên chái phía sau hè thành nơi hong đồ bất đắc dĩ. Phía sau hè, nơi có lũ bạn lên chơi không hẹn trước, con vội vơ những áo quần lao động chưa đã kịp giặt ra đó. Phía sau hè, nơi có những dây phơi đồ, những dây đồ cũ; những cày bừa nông cụ; những thúng mủng xệ vành; những chổi cùn, chổi hư… má đều mang để tất vào đấy. Một góc nào má treo cái rổ có lót tấm bao nát nhàu để làm ổ cho con mèo mướp đẻ. Thỉnh thoảng con len lén nhón chân coi hai em bé mèo tẹo teo như ngón chân. Má la để cho nó ở, cứ xem chừng mèo mẹ tha đi mất.
Phía sau hè, nơi có con gà mái mơ nhảy vòng vòng cục tác. Má rút ôm rơm day vòng trong cái thúng xệ vành. Ổ gà nho nhỏ được má đặt lên phía trên đài của chiếc xa quạt lúa bằng gỗ. Con rập rình phía trong nhà. Rồi khi con gà mái lại kêu quác… quác… bay ra, nhón chân dòm vào bên trong đài xa, chỗ ổ rơm má lót, một trứng gà hồng hồng, con con mới tinh còn âm ấm, xinh xắn.
Và rồi cũng phía sau hè, có một ngày nào con nghịch dao đứt tay, má chạy ra lục lọi tìm trên tấm phên nan, phên liếp, đôi ổ nhền nhện trắng được má gỡ vội rịt vào vết thương cho cầm máu. Trong mớ bụi bẩn, mớ ngổn ngang của phía sau hè ấy, con đâu ngờ lẫn trong đó bài thuốc kì diệu đến vậy.
Má bảo chăm luống bông phía trước, ai vào nhìn thấy đẹp nhà đẹp cửa. Ba nói giẫy cỏ ngoài ngõ, ai vào thấy sạch sẽ, sáng sủa cửa nhà. Phía sau hè… để răn cũng được.
Phía sau hè, những mớ bòng bong không cần gọn ghẽ, không cần trật tự. Phía sau hè là nơi gánh những nỗi đau để cho phía trước thêm đẹp. Ba má cứ bảo nơi phía sau hè là nơi dơ bẩn, nhưng trong tâm thức con thuở ấy, phía sau hè nào phải là nơi tối tăm, nơi chỉ tuồn bao nhiêu thứ ngổn ngang, vô bổ, phía sau hè chứa nhiều lắm những điều kì diệu của tuổi thơ.
Sáng nay má nói “để đó má bán được keo rồi mua chiếc xe mới cho đi, chiếc xe cũ dắt để ngoài hè để, ba mi đi đâu gần gần thì đi. Đi ra có chiếc xe mới cho an toàn, cũng là để có với họ; ở nhà đi cái chi cũng được”. Tự nhiên ngẫm đến phía sau hè. Tự nhiên thấy khóe mắt cay cay. Rồi tự nhiên con muốn dọn cho quang đãng nơiấy, phía sau hè.
Thương phía sau hè…
29/8/2023
Lê Vi Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...