Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Chỗ dựa khác loài

Chỗ dựa khác loài

Mấy chục năm trước, nơi đây là vùng đất trũng quanh năm ngập nước, giống như một cánh rừng đặc hữu chỉ có rau muống thả rông và bèo cám phủ kín.
Những ai thật sự chịu khó mới dám lội vào khu vực này để cắt muống vạt bèo về chăn nuôi. Vậy mà giờ đây cả vùng “sinh quyển” đó đã trở thành một khu đô thị sầm uất với những khối nhà chung cư cao tầng khá hiện đại. Tất cả các khu nhà đều đặt tên theo tiếng Tây. Cư dân thì đủ thành phần, đủ quê quán. Kể cả người nước ngoài, da đen da trắng đều có cả. Không ít người gọi đùa khu đô thị là “hợp chủng quốc vùng trũng”.
Lão Trần có mấy ông bạn sinh sống tại khu đô thị này nên thi thoảng ghé qua chơi. Lão không cần phải nhớ các ông bạn ở căn hộ nào bởi mỗi lần lão đến đều thấy mấy ông bạn đã hiện diện ngay tại sảnh, khi thì đánh cờ lúc uống trà tán chuyện như những nhà thông thái thất nghiệp. Nghĩ cũng lạ, chuyện gì mấy ông cũng biết, cũng bàn luận sôi nổi theo phong cách “nói như đúng rồi”. Nếu ai đó đi qua nghe chuyện có khi lại ngỡ mấy ông là người trong cuộc. Ấy vậy mà lúc lão Trần hỏi những ông bà nào làm Ban quản trị khu nhà thì cả hai ông bạn lại ngơ ngác nhìn nhau. Ông bạn đầu hói tưởng là lão Trần hỏi khó nên xẵng giọng:
– Ông quan tâm Ban quản trị làm quái gì. Dân ở chung cư này chỉ cần biết vợ chồng nhà Hoa Khôi là đủ. Tất tần tật “nhu yếu phẩm” cho đến vui chơi giải trí ở đó cả.
Ông bạn bụng phệ nói hùa theo:
Ông bà nào làm Ban quản trị cũng có khác gì nhau. Người làm được thì chẳng chịu làm. Không có chó đành bắt mèo… Ờ mà ông thường qua đây chơi mà sao lại không biết vợ chồng nhà Hoa Khôi nhỉ?
Nghe vậy, máu tò mò của lão Trần bỗng trỗi dậy. Lão nghĩ chắc vợ chồng nhà ấy phải đẹp trai xinh gái lắm thì mới được gọi là hoa khôi chứ. Và cái khoản vui chơi giải trí gì đó nữa. Chà chà! Thế là lão tìm cách làm quen với vợ chồng hoa khôi. Việc làm quen cũng thật đơn giản. Bởi vì hai vợ chồng nhà đó làm dịch vụ cung cấp hàng hoá nên xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong khu chung cư khi có yêu cầu. Từ khi tiếp xúc với vợ chồng hoa khôi lão Trần chợt hiểu ra bởi một ấn tượng khác. Ấn tượng đến mức lão phải phản bác lại quan niệm về “tướng phu thê” đã tồn tại bao đời. Nhiều cặp vợ chồng được thiên hạ khen có “tướng phu thê” cũng sướng bụng lắm. Phu thê càng có nét giống nhau càng dễ tâm đầu ý hợp, giàu sang phú quý, con cháu đề huề. Có thể đó chỉ là những lời khen câu nói thuộc thể loại làm quà cho đỡ nhạt miệng. Chỉ có lĩnh vực về “tính phu thê” mới là có thật. Có thật ngay tại “hợp chủng quốc vùng trũng” này.
Không có chuyện trai đẹp gái xinh nào ở cặp vợ chồng này cả, Hoa là tên cô vợ, Khôi là tên anh chồng. Chẳng biết dân chung cư cố tình đùa giỡn hay đơn giản chỉ là cách gọi dân giã đã đi vào đời sống chung cư. Họ ghép tên vợ với tên chồng cho dễ nhớ. Khôi có hình hài nhỏ thó, chân ngắn, nặng khoảng bốn chục cân. Hoa chân dài, cao to, nặng gấp đôi Khôi. Mọi thứ tướng mạo ngoại hình đều trái ngược, chẳng hề có chung nét tướng phu thê nào cả. Vợ chồng Hoa Khôi thuê một căn hộ rộng nhất ở tầng trệt, ngay cửa lên xuống của khu chung cư. Căn hộ được cải tạo thành ba phòng. Cái phòng rộng nhất vừa dùng làm cửa hàng vừa làm kho chứa bất cứ hàng hoá gì mà dân chung cư cần đến. Mỗi lần có nhà nào gọi hàng thì cả hai vợ chồng thực hiện nhanh như máy, không có động tác thừa. Hình ảnh Hoa một tay ôm bình nước 25 lít, một tay ôm bao gạo hai chục ký, có khi cổ còn đeo thêm can dầu ăn, cứ thế mà huỳnh hịch lao đi cùng với nụ cười nở sẵn trên môi đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Ngược lại, Khôi luôn tâm niệm “khỏe dùng sức, yếu dùng mưu” nên tất cả hàng hoá đều chất lên cái xe đẩy. Khôi lỏn cỏn đẩy xe vậy mà cũng nhanh đáo để và dĩ nhiên trên môi vẫn là nụ cười tươi rói. Có lẽ nhờ tinh thần, cách thức phục vụ “nhu yếu phẩm” vô điều kiện, giá cả cạnh tranh và những nụ cười đặc trưng mà vợ chồng Hoa Khôi đã làm nên thương hiệu.
Bận rộn là vậy nhưng khi gặp gỡ ai thì vợ chồng Hoa Khôi luôn thật sự vui vẻ thân tình. Nhờ thế nên lão Trần biết vợ chồng Hoa Khôi đẻ một mạch 4 đứa con gái mà thằng cu mơ ước vẫn chưa chịu lòi ra. Lão biết cả việc hai vợ chồng Hoa Khôi bị bạn bè lừa cho trắng tay phải ôm con chạy dạt vào miền Nam sinh sống, làm lại cuộc đời. Và vợ chồng Hoa Khôi cũng biết nhà lão Trần ở vùng ven đô, có vườn rộng nên thích lắm, cứ hứa hẹn khi nào rảnh sẽ đến chơi. Vui miệng thì nói vậy chứ lão Trần biết thừa công việc của vợ chồng nhà này chẳng khi nào rảnh được.
Rồi đợt cao điểm đại dịch Covid-19 ập đến, bao nhiêu việc lạ lùng chưa từng có đã diễn ra. Đêm ngủ lão Trần cũng không dám tắt điện thoại đề phòng việc biến. Một lần nửa đêm lão phải bật dậy bởi tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng nói nghe khá quen:
A lô. Em chào bác. Em là Khôi lùn chung cư đây. Bác ngủ chưa ạ?
– Lúc nãy thì tôi ngủ rồi, bây giờ chắc là hết ngủ.
– Nhà bác nhiều phòng lại có vườn rộng nhỉ.
– Nửa đêm rồi, xỉn hay sao mà nói chuyện nhà cửa vậy. Thôi ngủ đi.
– Ồ không không… bác cho em nói hết đã.
– Nói đi, cứ vòng vo mãi.
– Khu chung cư chỗ em ở, đã có lệnh 9 giờ sáng mai là bị cách ly phong tỏa. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì vậy em định gửi cả 5 đứa lên ở tạm nhà bác. Dạ, bác đừng ngại, vợ chồng em dạy kỹ nên chúng nó ngoan lắm. Đến khi hết phong tỏa em sẽ đưa chúng về ngay ạ.
– Ối chà, vợ chồng già này làm sao mà chăm sóc trông coi được chúng nó. Vụ này tôi không giúp được đâu.
– Bác bác… em không dám để bác thiệt đâu ạ. Đồ ăn cho chúng nó vợ chồng em đã chuẩn bị đầy đủ, chi phí công sá em xin trả trước luôn ạ. Bác mà không giúp thì cả 5 đứa sẽ nguy mất.
Ngoài đường lâu lâu tiếng còi xe cứu thương lại rú lên rợn người, màn đêm như bị xé toạc. Thật ái ngại, lão Trần nghĩ ngợi, con cháu người ta cũng như con cháu mình, hoàn cảnh dịch giã cách ly phong tỏa không giúp sao đành. Mà ở cái chung cư ấy thì chống dịch còn hơn chống giặc, nghiêm lắm. Tuy chưa cách ly nhưng người vô ra đã phải xét nghiệm, ngoáy cho toét cả mũi. Có người vì công việc đi lại làm ăn đành phải chịu ngoáy mũi ngày hai ba lần cũng chẳng biết kêu ai. Thôi thì cố giúp vậy nhưng lão Trần vẫn cảm thấy có chút ngờ ngợ nên hỏi lại:
– Hôm trước tôi nghe vợ chồng chú nói là có 4 đứa con gái mà sao bây giờ lại là 5? Đừng nói là gửi luôn cả cô vợ cho tôi đấy nhé.
– Dạ… bác đừng hiểu lầm ạ. Đây là 5 đứa khác. Gồm con điện, con nước, cu gạo, cu xăng và con ga. Chỉ 5 chị em nó thôi ạ. Còn 4 đứa con gái thì ở nhà, cách ly tại chỗ với vợ chồng em.
Lão Trần càng nghe càng không hiểu chuyện gì bèn cầm tóc giật thử mấy cái thấy đau điếng. Vậy là đâu phải lão đang ngủ mơ. Đầu dây bên kia, cô vợ giành lấy điện thoại để thuyết phục lão:
– A lô, bác vẫn nghe chứ ạ? Em là Hoa đây. Bác ơi, bác thương chúng em với ạ. Mỗi ngày em phải cho 5 đứa ra ngoài vệ sinh 2 lần. Sáng mai phong tỏa cấm ra ngoài thì chết mất.
– Vợ chồng nhà mày càng nói tao càng không hiểu gì cả. 5 đứa nào nữa mà vợ chồng nhà mày bảo ngày hai lần đưa ra ngoài vệ sinh? Nghe cứ giống như dắt chó đi…
– Thì 5 con chó nhà em đó mà. Vợ chồng em thương 5 đứa như con nên không nỡ gọi chúng là chó bác ạ. Nó là “điện, nước, gạo, xăng, ga” đó bác.
– Ối trời! Dịch giã lo cho người chưa xong còn bày đặt lo cho chó. Cái đám điện nước gạo xăng ga gì đó không thịt được thì vợ chồng mày tập cho cho nó ị bô, ị bồn cầu. Không thì đóng bỉm, cửa hàng nhà mày thiếu gì bỉm.
– Ờ ha!
Hai vợ chồng nhà Hoa Khôi bật lên cùng lúc hai tiếng “ờ ha” khiến lão phì cười. “Tính phu thê” của vợ chồng nhà nó sao mà trùng hợp nhau đến thế. Ba hôm sau, cũng vào lúc nửa đêm vợ chồng Hoa Khôi lại í ới gọi điện cho lão:
– A lô bác à, bác vẫn khỏe chứ ạ?
– Cảm ơn. Không khỏe thì làm sao nửa đêm rồi còn có sức ngồi dậy mà nghe điện thoại. Đừng có mà nói chuyện gửi chó gửi mèo đấy nhé.
– Dạ không không… Vợ chồng em gọi điện là để cảm ơn sáng kiến của bác đấy ạ.
– Ủa, sáng kiến gì?
– Dạ, cái sáng kiến bố trí cho chó ị bô chống dịch ấy. Em làm theo ý bác, em bố trí con điện bô đỏ, con nước bô xanh, cu gạo bô vàng, cu xăng bô tím, còn con ga thì bô hồng. Chỉ một ngày là chúng răm rắp đúng giờ mà không đứa nào nhầm lẫn cả bác ạ.
Đang bực mình vì bị phá mất giấc ngủ nhưng lão Trần cũng cảm thấy vui vui. Đúng là “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Nhờ tránh dịch nên “điện nước gạo xăng ga” đều biết ngồi bô mà ị. Giống chó cũng biết thích nghi, khác chi giống người văn minh.
Sau đợt dịch, không ngờ các phòng khám thú y lại là nơi tấp nập nhất. Có lẽ trong thời gian tránh dịch, chó mèo ít được ra ngoài luyện tập và làm đẹp nên mắc bệnh hàng loạt, trông chúng lông lá bù xù xấu xí. Tại mấy phòng khám thú y, chó mèo và người chen chúc, nào khám bệnh, nào cắt tỉa lông làm đẹp. Dịp đó lão Trần ghé “hợp chủng quốc vùng trũng” để thăm thú tình hình mấy ông bạn già thì gặp vợ chồng Hoa Khôi đang đứng chờ xe tắc xi. Lão chào hỏi:
– Vợ chồng Hoa Khôi rủ nhau đi chơi xả dịch à?
– Dạ, đâu có. Đặt hẹn rồi, chiều nay em phải tranh thủ đưa mấy đứa đi khám bệnh. Khôi nhanh miệng trả lời.
– Mấy cháu bị bệnh sao?
– Dạ không ạ. Đàn bươm bướm nhà em ít khi bệnh lắm, nếu bị bệnh thì cũng đơn giản. Em cứ chạy ù ra hiệu thuốc mua mấy liều là khỏi liền à. Chỉ có 5 đứa “điện, nước, gạo, xăng, ga” mới tốn kém. Nuôi chúng không thể chủ quan được. Bệnh là phải đưa đi khám bác sỹ ngay.
– Vậy mỗi lần đưa cả đoàn “nhu yếu phẩm” này đi khám bác sỹ chắc hết mấy trăm ngàn?
– Bình thường mỗi lần đi khám cũng tốn tiền triệu. Còn nếu như phải siêu âm chụp chiếu, xét nghiệm thì còn tốn kém hơn nhiều bác ạ.
Lão Trần thầm nghĩ ở đời cũng lắm thứ đam mê. Đã đam mê thì phải tốn kém. Dù sao đam mê chó mèo cũng lành mạnh hơn so với nhiều thứ đam mê khác. Suy cho cùng sống có đam mê cũng là một lối sống tích cực. Nhất là cả phu lẫn thê đều chung một đam mê thì đó mới là hạnh phúc lâu bền hiếm có của một gia đình.
Nhờ có vợ chồng nhà Hoa Khôi nên cả “hợp chủng quốc vùng trũng” luôn được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hôm “cu gạo” đi lạc làm cho cả khu chung cư náo động. Hai vợ chồng hoảng loạn, lục tung mọi ngóc ngách chung cư mà không tìm ra “cu gạo”. Thế là phải mở rộng khu vực tìm kiếm. Khôi lao về hướng Đông, vừa chạy vừa gào “gạo ơi, gạo ơi…“ Hoa lao sang hướng Tây, chạy đến đâu tiếng kêu “gạo ơi gạo hỡi” vang lên đến đó. Một lúc sau hai vợ chồng chạy về trước sảnh chung cư, mồ hôi đầm đìa, chỉ kịp hổn hển hỏi nhau: “thấy chưa”? Vợ chồng mắt rưng rưng nhìn nhau lắc đầu rồi lại đổi hướng. Khôi chạy theo hướng Nam, Hoa chạy về hướng Bắc. Phải chạy đua với thời gian, chậm phút nào là nguy cơ “cu gạo” lên bàn nhậu phút đó. Chạy bốn phương tám hướng vẫn không thấy tăm hơi, hai vợ chồng bèn dùng xe máy chạy theo đường vành đai. Hết vành đai 1 rồi tiếp tục mở rộng ra vành đai 2 mà “cu gạo” vẫn bặt vô âm tín. Khôi thất thần đau khổ. Hoa rên rỉ: “khổ thân con, gạo ơi tối nay con ăn gì, con ngủ đâu gạo ơi!”.
Đến xế chiều, một người dân ở khu nhà trệt cách khá xa khu chung cư dắt “cu gạo” đến, miệng oang oang:
Tôi đoán cu cậu ở chung cư này, nhìn quen lắm. Gớm, giống ngoại có khác, cu cậu vừa hăng vừa dai. Mới thoáng thấy con ki cái nhà tôi là nó xé dậu phi vào. Tôi phải chờ cho xong cuộc mới dắt đi tìm chủ cho cu cậu được. Vợ chồng Hoa Khôi lao đến ôm lấy “cu gạo”, mếu máo nói không nên lời. Dân chung cư rất hiếu kỳ, xúm đen xúm đỏ nhưng không phải vì thương con chó đi lạc mà chỉ muốn tận mắt chứng kiến tình yêu chó thật lạ lùng của vợ chồng nhà Hoa Khôi.
Trên đời này, một khi ai đã gây được chú ý cho người khác cũng có nghĩa sẽ bị người khác săm soi. Chỉ một ngày sau vụ tìm chó nổi đình nổi đám, có người trong chung cư phát hiện ra vợ chồng nhà Hoa Khôi cũng là “tín đồ” của món thịt chó. Khi dân chung cư chưa kịp bàn tán thì trang Facebook của vợ chồng Hoa Khôi đã kịp đăng trang viết: “Thưa mọi người! Đây là tiếng nói chung của vợ chồng Hoa Khôi. Vợ chồng mình xin nói ngay rằng: yêu quý động vật và ăn thịt động vật là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vợ chồng mình thật sự coi “điện, nước, gạo, xăng, ga” là thành viên trong gia đình nhưng vẫn giữ thói quen ẩm thực với món cầy tơ truyền thống”.
Dân mạng vừa mới có vài người vào “còm men” bình luận nhấm nhẳng được mấy dòng, vợ chồng Hoa Khôi lại đăng tiếp: “Thưa mọi người! Không hiểu có phải do cái tạng ăn uống cả nhà như một hay sao mà nhà mình không thể thiếu được vitamin thịt chó. Thiếu nó là người cứ bủn rủn. Mỗi tuần đành phải nạp ít nhất một lần. Trên đời này món “cờ tây” đúng là có chất gây nghiện thôi mọi người ạ”. Chưa biết dân mạng sẽ phản ứng ra sao, nhưng lão Trần thì cho rằng cặp vợ chồng này có “chỉ số tính phu thê” giống nhau đến thế là cùng. Dân ở chung cư cũng nói đùa với nhau rằng: “chính vợ chồng nhà Hoa Khôi đã làm cho “hợp chủng quốc vùng trũng” trở nên khác biệt và là nơi đáng sống”. Giá mua bán căn hộ ở chung cư này cũng cao hơn hẳn mấy chung cư khác. Hiệu ứng về đàn chó nhà Hoa Khôi ngày càng bị đẩy đi quá xa. Có người còn nói quá lên vì đàn chó mà vai trò Ban quản trị khu chung cư bị lu mờ. Ông Trưởng Ban quản trị bực bội như bị tổn thương nên đã triệu tập cư dân họp gấp. Vẫn là những nội dung muôn thuở “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên lần họp này ông Trưởng Ban quản trị đã xoáy sâu:
– Xin nhắc lại quy định chung cư cấm nuôi chó. Ban quản trị yêu cầu mọi gia đình phải chấp hành nghiêm. Không có ngoại lệ… Ông Trưởng Ban quản trị chưa dứt lời đã có tiếng phản đối:
– Ai mà chẳng biết cái quy định đó. Nguyên tắc cứng nhắc là hỏng việc. Làm gì cũng phải linh động. Đàn chó nhà Hoa Khôi là… là…
– Là đàn rồng vàng chắc?! Ông Trưởng Ban quản trị cười mỉa.
– Rồng cũng chẳng là gì cả. Đây là… là “điện nước gạo xăng ga” là nhu yếu phẩm tinh thần của bà con. Đừng có mà đi ganh ghét với mấy con chó… Xưa nay vốn dĩ cái lý và cái tình mà chọi nhau thì bất phân thắng bại. Ban quản trị chỉ biết làm theo cái lý, còn bà con lại chỉ chạy theo cái tình, thậm chí là cái tình nhất thời. Cuộc họp kết thúc nhưng vấn đề đàn chó nhà Hoa Khôi vẫn cứ phải đưa vào chế độ chờ vô thời hạn. Riêng việc vợ chồng nhà Hoa Khôi tổ chức huấn luyện cho đàn “nhu yếu phẩm” hằng ngày đi vệ sinh đã bất ngờ trở thành tiết mục giải trí độc đáo, phục vụ miễn phí bà con chung cư. Thông thường, lượt đưa chó đi vệ sinh buổi sáng là do Hoa đảm trách. Dáng người đồ sộ của Hoa có phần lấn át mất hình thể của “điện, nước, gạo, xăng, ga”. Kỹ năng điều khiển của Hoa cũng chưa điêu luyện bằng Khôi nên ít nhiều giảm sự hứng thú của người xem. Đúng 4 giờ chiều hằng này là lượt Khôi trực tiếp đưa đàn chó ra bãi đất trống bên cạnh chung cư, nơi đang chờ xây dựng thêm những đơn nguyên khác. “Điện, nước, gạo, xăng, ga” lần lượt bước ra khỏi căn phòng, dáng vẻ hăng hái như vận động viên chuẩn bị thi đấu. Mỗi con được gắn với một sợi dây to bản nổi bật theo đúng màu sắc của Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ. Khôi nắm một đầu dây, cả đàn ra đến sảnh mới bắt đầu dàn đội hình. Hôm thì 5 con chạy trước, Khôi chạy sau giống như cỗ xe “ngũ mã”. Hôm lại 3 con chạy trước, Khôi chạy giữa, hai con chạy sau. Vui mắt nhất là hình ảnh Khôi đội cái mũ gắn chỏm lông gà trông như gã cao bồi Mỹ, vừa chạy vừa nhún nhảy, miệng hát vang bài “a lê á lê a lề” khí thế giống y ngày hội của bóng đá World Cup. Mấy ông rảnh việc ở chung cư còn mang hẳn loa thùng kẹo kéo ra mở nhạc tiếp sức càng làm cho cả chung cư bùng lên không khí lễ hội bóng đá mỗi khi Khôi dẫn đàn chó đi ị. Thú vị nhất là đứng trên tầng cao nhìn xuống. Khôi đứng giữa “điện, nước, gạo, xăng, ga”, tạo ra hình ảnh một bông hoa năm cánh từ từ hé nở trên thảm cỏ xanh. Có khi nổi hứng Khôi còn khéo léo cho “điện, nước, gạo, xăng, ga” chạy vòng tròn như chiếc ô xoay tít trong những điệu múa ô quen thuộc. Sau khi biểu diễn xong, cả 5 chị em “điện, nước, gạo, xăng, ga” phải giữ nguyên khoảng cách vị trí để làm cái việc mà chúng đang chờ đợi nhất. Xong việc cả đàn “nhu yếu phẩm” lại xếp đội hình. Khi thì giống “tàu anh qua núi” lúc lại như con thuyền “thuận buồm xuôi gió” trở về chung cư trong tiếng nhạc rền vang của dàn loa kẹo kéo. Dân chung cư hình thành thói quen ngày nào cũng chờ đến giờ để được xem trò diễn xiếc chó miễn phí. Nhất là tụi trẻ con, xem mãi không chán. Mấy ông rảnh việc còn nổi hứng nghĩ xa hơn là bà con chung cư nên ủng hộ vợ chồng nhà Hoa Khôi để nâng cấp tiết mục dắt chó đi ị thành sản phẩm du lịch độc đáo. Thành phố ta chỉ có mỗi cái sân vận động duy nhất cũng đã ưu tiên dành cho hoạt động đua chó thì tiết mục chó ị nghệ thuật tại sao không? Có người lại đề xuất rằng trong tình hình người dân nuôi chó thả rông, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường thì việc vợ chồng nhà Hoa Khôi tổ chức cho chó ị là một điển hình cần nhân rộng. Chưa biết tiết mục tự phát độc lạ này sẽ phát triển đến đâu nhưng dân chung cư đã ủng hộ bằng cách chỉ mua hàng hoá của vợ chồng nhà Hoa Khôi, nói không với mọi cửa hàng khác. Một lần lão Trần ghé vào gian hàng Hoa Khôi mua mấy gói mỳ, thấy rảnh khách lão tranh thủ tìm hiểu thêm về đam mê nuôi chó của vợ chồng Hoa Khôi.
Cô Hoa vui vẻ giải bày:
– Nhiều người không hiểu nên chê cười nhà em nuôi đàn con chưa đủ mệt hay sao mà còn nuôi cả lũ chó. Nói thật với bác, chẳng hiểu sao bán hàng, giao hàng vất vả là thế nhưng cứ chơi với 5 đứa chúng nó là vợ chồng em hết mệt liền. Nhờ “điện, nước, gạo, xăng, ga” mà chúng em có tinh thần để kiếm tiền nuôi con bác ạ. Mà kể ra cũng buồn cười lắm cơ, gọi tên 4 đứa con thì vợ chồng em lúc nào cũng bị nhầm, gọi đứa này cứ nhầm sang đứa khác nhưng khi gọi tên 5 đứa “điện, nước, gạo, xăng, ga” thì chưa bao giờ nhầm lẫn cả bác ạ. Lão Trần phì cười vì câu trả lời hồn nhiên và cái cách lấy nguồn cảm hứng từ đàn chó để nuôi đàn con của vợ chồng nhà Hoa Khôi. Thấy lão Trần cười, Khôi chậm rãi bộc bạch:
– Em nuôi chó cũng để mà học làm người bác ạ. Bác thấy đấy, bây giờ tìm đâu ra lòng trung thành? Nhiều người được giáo dục cao cấp đến vậy mà vẫn bất trung bất nghĩa đấy thôi. Chỉ có loài chó là trung thành nhất. Thấy người ta tay bắt mặt mừng nhưng chưa hẳn là quý mến nhau thật lòng. Vợ chồng em đi làm về “điện, nước, gạo, xăng, ga” nó vui mừng thật sự. Nhìn vào ánh mắt chúng lấp lánh, đuôi chúng ngoắt tít là cảm nhận được hết. Nuôi chó giống như nuôi niềm tin ấy. Công việc của vợ chồng em mà không có niềm tin là thua đứt bác ạ. Đúng là vậy, lão Trần thở dài, sự thật không phải lúc nào cũng dễ chịu. Có những khi không còn tìm được chỗ dựa nơi đồng loại thì người ta phải tìm chỗ dựa ở loài khác. Loài chó chẳng hạn.
Vũng Tàu, 30/8/2023
Trần Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...