Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Cảm hứng văn hóa trong thơ Nguyễn An Bình

Cảm hứng văn hóa
trong thơ Nguyễn An Bình

Nguyễn An Bình gửi lại một tình yêu quê hương tha thiết và niềm trân quý sâu đậm đối với mảnh đất Cửu Long. Đất và người Cửu Long với cốt cách và vẻ đẹp tâm hồn trở thành chất liệu thi ca và theo đó thi ca về miền đất Cửu Long đã bồi đắp và nuôi dưỡng sự nghiệp thi ca của Nguyễn An Bình.
Nhà thơ Nguyễn An Bình tên thật là Lương Mành, sinh ngày 21.6.1954 tại An Bình (Cần Thơ). Ông là cựu sinh viên Đại học Sư phạm Cần Thơ và Đại học Khoa học Cần Thơ. Nguyễn An Bình gắn bó cả cuộc đời với nghề giáo và nghiệp thơ. Ông đến với thi ca từ lứa tuổi thiếu niên và giữ sức viết đều đặn bền bỉ đến tận bây giờ[1]. Trước 1975, ông có một số tác phẩm đáng chú ý: Đường tim (1970), Nửa trời tương tư (1972), Trên đỉnh mùa xuân (1973), Mờ bóng thiên thu (1973), Hoa xưa (1975),…
Sau 1975, ông vẫn tiếp tục cộng tác với nhiều tờ báo và xuất bản nhiều tập thơ hơn nữa. Một số tập thơ sau 1975 như: Còn một chút mưa bay (2013), Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ (2016), Hành trình đất và nước (2018), Hạ đỏ lên trời (2018), Cỏ hoa thời áo trắng (2019), Mây trắng đầu non (2022), Đà Lạt tình tôi người lữ khách (2022), … Từ sau khi đất nước thống nhất, hồn thơ Nguyễn An Bình hồ hởi phấn khởi và nhiều niềm vui hơn. Đặc biệt, nét đẹp văn hóa đời sống đặc trưng ở mỗi vùng đất khác nhau khiến cho tâm hồn nhà thơ rung cảm, vang lên những tiếng thơ trong sáng tươi đẹp, là nguồn cảm hứng khơi dậy nỗi lòng thi ca. Cảm hứng là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự định giá nhất định gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”[2]. Cảm hứng này đúng hơn chính là tình yêu với cuộc sống. Nguyễn An Bình không thể không xôn xao, náo động, rộn ràng trong tâm hồn khi đối diện cuộc sống nhiều màu sắc. Cảm hứng đó biểu hiện thành tình yêu đời, yêu người và yêu cái đẹp trong thi ca của ông.
1. Hồn thơ áo trắng và không gian văn hóa học đường
Nguyễn An Bình sống gắn bó sân trường và nghề giáo. Có phải vậy nên ông viết nhiều về tuổi học trò với những mối tình thơ ngây (trước cũng như sau 1975). Hồn thơ ông vẫn còn vương vấn mãi không gian sân trường dù hàng chục năm trời trôi qua.
Đặc biệt, ông hay khắc họa những bóng hình em gái học trò. Đó là nàng thơ của Nguyễn An Bình, cũng là chìa khóa mở ra khung trời áo trắng. “Chợt nhớ màu nắng cũ/ Theo tháng tư quay về/ Tình tôi thời mới lớn/ Em có về trong mê/ Biết bao mùa mưa nắng/ Đi qua mỗi con đường/ Thương em tà áo trắng/ Tóc bay hoài trong sương”[3]. Ngoài ra, Nguyễn An Bình còn nhiều bài thơ đặc sắc về tuổi học trò và không gian học đường như: Tháng năm đỏ những mùa phượng cũ, Tiếng sẻ nâu trong ngôi trường ký ức, Xa rồi đường phượng bay, Thơ của thời áo trắng, … Tất cả đều khắc họa một không gian trường lớp với hình ảnh thơ quen thuộc như nắng mưa, cánh phượng, tà áo trắng, tháng tư, mùa hè, tình thơ, … Dù đã ở tuổi lão nhưng bạn đọc hẳn cũng nhận ra hồn thơ học trò trong trang thơ của Nguyễn An Bình hàng chục năm qua. Từ buổi đầu tiên bước chân vào làng thơ, Nguyễn An Bình đã xuất hiện trong dáng dấp cậu thiếu niên trong sáng với mái tóc bồng và con chữ dại khờ yêu mến. Không gian sân trường và tình thơ học trò để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp thơ của ông.
Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều chặng đường thơ, Nguyễn An Bình cơ hồ vẫn thủy chung với khung trời áo trắng. Nếu có ai làm cuộc khảo sát, thống kê số lượng bài thơ khởi sinh từ cảm hứng văn hóa học đường hẳn sẽ thấy: không gian học đường dàn trải trong thơ Nguyễn An Bình từ trước cũng như sau 1975. Văn hóa học đường chiếm số lượng lớn và tạo nên nét thơ riêng của Nguyễn An Bình. Nói không ngoa, mái trường tức là mái hiên chở che hồn thơ của Nguyễn An Bình.
Qua rất nhiều tập thơ (Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ, Còn một chút mưa bay, Mây trắng đầu non, …), nhưng bạn đọc có lẽ cũng nhận ra, luôn có một bóng hình, luôn có một nàng thơ nào đó lãng đãng trong thơ Nguyễn An Bình. Và làm thơ, với Nguyễn An Bình, cơ hồ là để đi tìm bóng hình nhạt nhòa trong sương khói vô định như thế. Có thể một hình tượng cụ thể, có thể chỉ là hình dung mơ hồ, nhưng dẫu có tìm được, Nguyễn An Bình đều cho là không phải và cứ thế ông tiếp tục cuộc hành trình để tìm cho kỳ được bóng hình thiếu nữ học trò nào đó – nàng thơ áo trắng của ông.
Bằng thi ca, Nguyễn An Bình ghi lại “lưu bút ngày xanh”. Nhật ký thời áo trắng của ông là nhật ký thơ. Ngôn từ thơ ca giúp ông cô đọng những khoảnh khắc xúc cảm trong tâm hồn thanh xuân. Tập thơ Hoa cỏ thời áo trắng ví như mảnh hồn trẻ trung học trò của Nguyễn An Bình. Phần nhiều bài thơ trong tập này sáng tác ở thập niên 1970. Trong những bài thơ đó, ngay khi còn rất trẻ, ông đã hay nhắc chuyện xưa, người xưa, đời xưa. “Xuân về trên tóc rối/ Người nào giờ xa xăm/ Hồn như trăng năm cũ/ Mãi theo dõi bóng nàng”[4] (1974). Hay “Phố quận anh về trưa nắng hạ/ Cành khô lá rụng xót thương người/ Qua cầu anh hỏi ngày xưa đó/ Và tuổi trăng mơ đã mất rồi”[5] (1974). “Sao mắt em buồn như sắp mưa?/ Trời cao bong bóng nổi bao giờ/ Gửi em chút nắng bình yên cũ/ Khắc tình anh lên phố quận xưa”[6] (1975). Không đợi khi tàn xuân mới hoài xuân mà ngay khi ở độ “mùa xuân chín”, nhà thơ đã ngã lòng về miền xưa cũ. Tâm hồn hoài niệm của Nguyễn An Bình dường như đã khởi hiện từ tuổi thanh niên. Hẳn nhiên, trong không gian học trò năm ấy, tình yêu vụng dại của thời thơ ngây xuất hiện dày đặc. “Giấy trắng tình thư mờ bóng cũ/ Như ngày bến lạ đã xa đưa/ Nắng xuân cho má em hồng thắm/ Cho áo dài xinh mộng diễm xưa”[7] (1972). Người con gái với tà áo dài trong thơ Nguyễn An Bình cũng là nàng thơ chung của muôn đời thi sĩ. Và nàng thơ ấy có thể biến ảo qua rất nhiều hình hài khác nhau. Ấy cũng là đối tượng trữ tình rất phổ biến trong hồn thơ văn nhân thi sĩ xưa nay.
Cùng với tình yêu học đường và dáng hình thiếu nữ trong tà áo trắng, bạn đọc sẽ nhận ra tình bạn sân trường với những kỷ niệm quyến luyến không nguôi. Hình bóng trường cũ bạn xưa, tình thầy trò gần gũi, … tạo nên không gian tâm tưởng mà có lẽ ai cũng có thể nhìn thấy mình ít nhiều trong cõi thơ ấy. “Để thấy quê hương ngát mộng đời/ Bạn bè dăm đứa cùng về chơi/ À ơi bài hát ca dao mẹ/ Em nhé mùa xuân đã trở về”[8] (1973); “Mai mốt ai về ngang Phan Thanh Giản/ Qua trường Đoàn ngắm áo trắng nhẹ bay/ Cho tôi gởi tình yêu thời hoa bướm/ Bên mái trường bao kỷ niệm không phai”[9] (1972). Thơ cho thấy tâm hồn con người, thơ ấy là người. Thơ Nguyễn An Bình cho thấy một Nguyễn An Bình nhỏ nhẻ, hiền lành và chan hòa, như cốt cách con người Cửu Long hằng bao năm không thay đổi. Hiền hòa và tình cảm mến thương là nét nổi bật hồn thơ chàng thi sĩ quê An Bình.
Đến với thơ ca chí ít cũng nửa thế kỷ, Nguyễn An Bình vẫn chung thủy một hồn thơ học trò đằm thắm, nồng nàn.
2. Tâm thức lữ khách và cảm thụ vẻ đẹp văn hóa
Hồn thi nhân cũng là hồn ưa suy tư với nhãn quan rất khác biệt với phần đồng cách nhìn của người đời về đời sống. Nguyễn An Bình cũng thế. Từ cái nhìn đời sống, ông lại hay trăn trở. Vì thế Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, … hay bất cứ nơi nào mà bước chân “du tử” từng dạo qua đều hiện lên trong dáng vẻ có phần khác lạ.
Rong ruổi theo đường thơ Nguyễn An Bình, đâu đó bạn đọc nhận ra Sài Gòn với nhịp sống cà phê buổi sáng nhộn nhịp, đâu đó một Sài Gòn lắng đọng của những buổi chiều đứng bóng hàng cây tưởng như ở năm nảo năm nào. “Sài Gòn Sài Gòn cà phê/ Hương thơm quyện mùi đặc sánh/ Phía sau ngụm cà phê đắng/ Khung trời mắt nhớ đêm xanh/ Rồi ngày sẽ đến loanh quanh/ Đời cũng trôi theo mệt lả/ Cũng may giữa lòng phố xá/ Sài Gòn còn có tình em”[10]. Đó có thể là đô thành Sài Gòn, cũng có thể thành phố Hồ Chí Minh. Cái nhìn thời gian khiến cho không gian trôi chảy. Sự trôi chảy của không gian khiến tâm thức cũng miên man theo. Cảm xúc từ chỗ đó phát ra, lan tỏa vào tâm hồn người đọc. Với Nguyễn An Bình, dường như mảnh đất Sài Gòn (dù trải qua nhiều bước thăng trầm) vẫn mang một tâm hồn riêng, không thay đổi theo thời gian – đó là tình em! Trên hết, chính tình em khiến cho hồn thơ Nguyễn An Bình không lạc loài giữa thành phố bây giờ và thành phố năm xưa.
Nơi đô thành, mối tình học trò hay những mối tình thanh xuân ẩn hiện trong bóng thời gian. Cảm hứng thi ca trỗi dậy trong hồn thơ, hư ảo trong bài thánh ca mùa đông. Không gian thi ca hiện lên trong không khí se lạnh của đêm thánh vô cùng. “Chuông ngân như giục giã/ Trong gió lạnh mùa đông/ Vang lên lời ân sủng/ Thiên chúa xuống dương trần/ Ngọt ngào hơn trái cấm/ Những mê lầm thế gian/ Trong trái tim thánh nữ/ Có bao điều hồng ân”[11]. Ngoài ra ông còn nhiều bài thơ cũng cho thấy cảm hứng tôn giáo mà nhờ đó khơi gợi những cảm xúc tình ái nhẹ nhàng mà tinh tế, sâu lắng. Chẳng hạn: Giáng sinh 1971, Đêm thánh, Giáng sinh, Chim trên tường tu viện cũ, Bến giáo đường ngày ấy, … Nguyễn An Bình đã say đắm Đà Lạt. Phố núi xuất hiện trong tập thơ Đà Lạt tình tôi người lữ khách. Đó là một Đà Lạt mộng mơ tình ái, thiết tha dáng hình và xứ sở của những loài hoa khoe sắc tươi thắm. “Một Đà Lạt đắm say và đẹp đến nao lòng thì làm sao mà nhà thơ có thể chia xa được. Thôi thì định mệnh có thể đã không cho nhà thơ được một tình yêu trọn vẹn thì xin cho thi nhân cứ mãi hoài làm lữ khách để lâu lâu thi nhân có dịp tìm về đi trên nhũng con đường “nghe chiều rơi” và bâng khuâng nhớ về một thuở. Một thuở em và tôi đã cùng nhau trác tuyệt trong một mối tình …”[12]. Có lẽ Nguyễn An Bình cũng chung mối tâm tư với thi sĩ hiện đại Việt Nam (Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bùi Giáng, Lâm Thị Mỹ Dạ, …) đều gửi gắm chút tình cho Đa Lạt. Dường như đó là nơi hội tụ hồn thơ của những thi sĩ lãng du, là bến bờ của những trái tim non thiết tha tình ái, nhưng đều là những tình ái vỡ tan. Cho nên, với Đà Lạt, Nguyễn An Bình mãi không phải là kẻ thuộc về mà chỉ là người qua đường, là lữ khách chóng vánh một thuở một thời.
Đến với thần kinh, Nguyễn An Bình cũng nhập hồn vào hồn muôn năm cũ của những đền đài lăng tẩm. Vì thế, không gian văn hóa Huế hiện lên thơ với vẻ đượm buồn, trầm mặc, cổ kính. “Lại nhớ cơn mưa nguồn xứ Huế/ Hàng hoa sứ cạnh Phu Văn Lâu/ Trầm tư muôn thuở bên dòng nước/ Sắc trắng tinh khôi thắm một màu”[13]. Thời gian trầm tích trên tâm hồn xứ Huế. “Màu mưa Huế là nét riêng rất Huế/ Màu thâm nâu núi Ngự cố đô xưa/ Màu thời gian phủ trên từng di tích/ Gọi em về thầm lặng Huế trong mưa”[14]. Nguyễn An Bình dành cho Huế tình cảm đặc biệt. Nhà thơ hay mượn hình ảnh cô gái để khắc họa vẻ dịu dàng, đằm thắm của Huế, đồng thời qua đó, nhà thơ dẫn bạn đọc vào không gian nghệ thuật đậm chất Huế, khiến cho bạn đọc vừa chạm ngõ ngôn từ liền sống hiện những tâm hồn xứ thần kinh.“Về đâu chiếc nón bài thơ/ Về đâu guốc nhỏ cùng người trong mơ?/Đò xa Vỹ Dạ trăng mờ/ Tình tôi xin gửi theo o về cùng” [15]. Bạn đọc liền nhận ra một xứ Huế hằng có trong tâm hồn mình. Bởi bạn vốn đã biết đến xứ Huế với chiếc nón bàn thơ, với người em gái nhỏ nhẻ, với “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”,… nên câu thơ Nguyễn An Bình đã cộng hưởng cùng không gian văn hóa Huế của cộng đồng bạn đọc. Bởi vậy thơ Nguyễn An Bình có thể đi vào lòng độc giả là vì vậy.
Ngoài đồng bằng sông Cửu Long – nơi chôn nhau cắt rốn, Nguyễn An Bình dành tình cảm đặc biệt cho Huế và Đà Lạt. Đây là hai địa cảnh với nhiều cảnh đẹp mà nhiều thi sĩ đã đề thơ cảm khái. Sinh cảnh văn hóa du lịch Đà Lạt được Nguyễn An Bình nhắc đến với tình cảm trìu mến. “Đà Lạt mùa nầy chợt nắng chợt mưa/ Hoa vẫn nở cho lòng đầy sắc nhớ/ Dã quỳ vàng trên triền dốc mộng mơ/ Đổ quyên đỏ thắm tình yêu một thuở”[16]. Nguyễn An Bình có rất nhiều bài thơ viết về Đà Lạt như: Đà Lạt, những mùa hoa; Lãng đãng tình yêu Đà Lạt; và cả một tập thơ Đà Lạt tình tôi người lữ khách, … Điểm chung của cả Huế và Đà Lạt, có lẽ là nét mộng mơ, thi vị. Điều này ngược lại cho thấy, Nguyễn An Bình sáng tạo thơ bởi hồn thi vị mộng mơ của ngoại cảnh. Đó là sự giao cảm giữa người và thế giới xung quanh. Thi vị của khung cảnh và thi vị trong hồn thơ của nhà thơ đã hòa nhập vào nhau. Thậm chí có thể nói, chính thi vị trong hồn thơ đã khiến cho khung cảnh nên thơ.
Chính vậy, từ trường thơ có khả năng thu hút và kích hoạt ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn An Bình. Bởi hồn thơ đã sẵn thi vị nên đến đâu cũng bắt gặp thi vị mà xuất khẩu thành thơ. Nguyễn An Bình một chiều đến Ghềnh Ráng bỗng thổn thức, luyến thương Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn đã trở thành ký ức chung của nhiều thế hệ yêu mến thơ ca. Do đó, khi nhắc nhớ thi sĩ họ Hàn, Nguyễn An Bình cũng đã đánh động vào miền tâm thức của nhiều người. Do đó, bài thơ Chiều Ghềnh Ráng mưa bay tạo ra trường lực liên văn bản. “Chiều Ghềnh Ráng mưa bay mù phố biển/ Em chờ ai trên đồi cỏ Thi Nhân/ Chiếc lá rơi nhẹ bước tưởng như gần/ Tôi cứ ngỡ ai cười trong tiếng gió/ Bãi Hoàng Hậu mênh mang vờn sóng vỗ/ Mãi thì thầm ru giấc ngủ nhà thơ/ Trăng ngàn năm sao trăng quá hững hờ/ Tình say đắm trong tim Hàn Mặc Tử”[17]. Ghềnh Ráng không chỉ địa danh mà còn là một biểu hiện “thơ”, và sức sống của điều đó khiến cho nó trở thành không gian văn hóa thi ca. Qua đó lại thấy, với Nguyễn An Bình, thơ ca là điều gì hết sức trân quý và thiết tha. Đó là nỗi cảm hoài mãnh liệt và da diết nhất trong hồn người.
Chính vì vậy, có thể nói, Nguyễn An Bình sống trọn vẹn trong thi ca. Bằng thi ca, ông sống và hít thở. Thi ca vì thế là cuộc sống của Nguyễn An Bình. Ông đã dốc hết tâm hồn vào con chữ. Không chỉ đặc tả sinh cảnh văn hóa ở từng địa phương, nhà thơ Nguyễn An Bình còn khai thác văn hóa thi ca. Thơ Đường trở nền nét văn hóa đặc trưng của thi ca Trung Quốc. Nhắc đến thơ ca Trung Quốc, mọi người thường vẫn nghĩ đến Đường thi trước tiên. Thơ Đường ảnh hưởng đến tâm hồn thi nhân nhiều thế hệ. Với nguồn cảm hứng từ Đường thi hơn ngàn năm trước, Nguyễn An Bình mượn thêm chung rượu để tiễn bạn. “Trăm năm nào có ai không chết?/ Tiễn bạn bùi ngùi, rượu cạn hết/ Ta khẽ ngâm bài “Khuê oán thi”/ Phong ấn công hầu sao thấm mệt”[18]. Thi nhân xưa với Nguyễn An Bình cùng cạn chung rượu thế gian, ngẫm ngợi tình lý nhân sinh. Chung rượu thơ này, Nguyễn An Không chỉ uống với riêng người bạn nào mà dường như uống với bằng hữu muôn đời tri âm.
Phảng phất đâu đó trong hồn phách của từng câu thơ, bóng hình của một du khách đêm nào dừng chân bến Phong Kiều, mà biến hình của nó có thể là bến nước Cần Thơ, là bến trăng lãng đãng nào đó. Hồn thơ của Nguyễn An Bình dường như là hồn một người lang thang phiêu bạc với thân phận trôi sông lạc chợ. Chính vậy hồn thơ ấy luôn khao khát yêu thương. “Mưa trên sông tìm môi ấm thật lâu/ Chỉ thấy sóng cuốn trôi ngàn cánh hạc/ Mắt thời gian giấu tình vào nước bạc/ Nên nỗi sầu quay quắt mãi lang thang/ Người ôm đàn ngồi hát dưới trăng tan/ Đời hoang phế cũng đành thôi áo cũ/ Người đã đi theo mùa chim di trú/ Trăng vỡ rồi sao lạc mất đường bay”[19]. Và có lẽ, tâm hồn thi nhân ít nhiều đều có tính lãng du của một đời lưu đày trên dặm đường chữ nghĩa. Con đường ấy: có phần côi cút, có phần lạc loài. Cho nên: “Chén hồ trường uống chưa kịp lúc bình minh/ Tuổi thanh xuân đã thoảng qua như giấc mộng/ Bỏ lại sau lưng những nốt trầm thầm lặng/ Bao bộn bề trong tiếng lạc ngựa long đong/ Bông cải cuối mùa có vàng dưới mắt em trong/ Sao chất chứa ngày xưa kiếp người dâu bể/ Không níu được khi tình mất đi cội rễ/ Chén rượu rót tràn ta khóc một dòng sông”[20]. “Hồ trường” hay tình cảnh đào vong bởi quốc sự nên nghêu ngao hát những lời lẽ hoang đường những để khuây khỏa nỗi lòng, cũng là mượn chén thơ để vơi bớt nỗi sầu lữ thứ. Thơ ca hàm chứa tâm cảnh rong ruổi trên khắp nẻo sông hồ. “Chiều phương Nam đón người con xa xứ/ Khách thương hồ mấy kẻ nhớ quê hương/ Đời lênh đênh phận người theo con nước/ Khói lam chiều quấn quít một màu sương/ Cánh bèo trôi giữa dòng đời vô tận/ Nước sông hồ lấp lánh bóng trăng tan/ Ngọn phù sa mang nỗi buồn châu thổ/ Đưa ta về triền bãi đất phương Nam”[21]. Những tưởng “cánh bèo trôi” của Nguyễn An Bình cũng không khác với cánh bèo của Tản Đà năm cũ. Có chăng, bèo của Nguyễn An Bình là cái bèo thương nhớ quê xưa, còn bèo của Tản Đà lại tiếp tục dấn thân giữa dòng tao loạn. “Sinh lai chủng đắc tình căn thiển/ Sự trăm năm hò hẹn với ai chi/ Bước giang hồ nay ở lại mai đi/ Những ly hợp hợp ly mà chán nhỉ/ Vị tất nhân tình giai bạch thuỷ/ Nhẫn tương tâm sự phó hàn uyên/ Đầu xanh kia trôi nổi đã bao miền/ Thôi trước lạ sau quen đừng ái ngại/ Khắp nhân thế là nơi khổ hải/ Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai/ Ai ơi vớt lấy kẻo hoài” (Cánh bèo)[22].
Không gian lữ thứ tràn ngập trong thơ Nguyễn An Bình. Cảm thức của thân phận con người lưu lạc trong khoảng trời đất bao la. Hình tượng con người nhỏ bé lạc loài bơ vơ giữa trời đất. Và theo đó, dòng nước được nhà thơ sử dụng để làm phương tiện chuyên chở phận đời lữ khách. Mãi mãi trong thơ Nguyễn An Bình là chuyến hành trình không có bắt đầu, không có kết thúc. “Lại qua sông Hậu mùa nước lớn/ Lũ ngập ngừng trôi mấy cửa sông/ Đâu mùa tôm cá xô con sóng/ Phù sa về ngọt đỏ Cửu Long/ Cầu mới nghiêng mình in bóng nước/ Mấy chiếc phà xưa lỗi hẹn rồi/ Ta thành lữ khách chiều mưa muộn/ Mây mù giăng kín cả trùng khơi/ Xao xác nỗi lòng người xa xứ/ Mấy nhánh sông xưa lũ cạn nguồn/ Nhớ ngày bạn mất không về được/ Ai đốt giùm ta mấy nén nhang [..] Mai nầy nước nổi thành lũ cạn/ Dâu bể đời người em biết không/ Mấy hạt phù sa chìm đáy nước/ Nghe lòng quạnh quẽ suốt triền sông”[23]. Nhà thơ đi mãi từ bây giờ về mộng ban đầu, từ gần đến biên viễn xa xôi, từ cõi thực để đi tiếp vào cõi mộng. Lữ thứ của Nguyễn An Bình phảng phất Đường thi (Thử địa nhất vi biệt/ Cô bồng vạn lý chinh/ Phù vân du tử ý/ Lạc nhật cố nhân tình – Lý Bạch; Thu hồng thứ đệ quá/ Ai viên triêu tịch văn/ Thị nhật cô chu khách/ Thử địa diệc ly quần/ Mông mông nhuận y vũ/ Mạc mạc mạo phàm vân/ Bất tuý Tầm Dương tửu/ Yên ba sầu sát nhân – Bạch Cư Dị), phảng phất cô lẻ, lạc loài của Thơ Mới (“Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ/ Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị/ Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ” – Vũ Hoàng Chương; “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng” – Huy Cận). Không gian lữ thứ có thể nói, tạo nên đặc trưng thẩm mỹ trong thơ Nguyễn An Bình.
Những hình tượng thường xuyên xuất hiện trong thơ Nguyễn An Bình: đàn, hát, rượu, thơ. Tưởng chừng trong phong thái Nguyễn An Bình phảng phất phong thái của thi sĩ đời xưa. Đâu đó, nét tài tử hòa lẫn nét phong trần, nét tiếu ngạo hòa lẫn nét ẩn dật. “Khúc nguyệt cầm thả vào đêm thao thức/ Trăng cù lao sũng nước tự bao giờ/ Sợi tơ lòng thăng trầm trôi âm vực/ Thắp tình người sóng sánh giữa cơn mơ/ Tiếng đàn lướt qua sông thành đốm lửa/ Nhen vào lòng thương khách nỗi hoài hương/ người châu thổ cố mời nhau chén rượu/ Nghe ấm lòng người giữa chốn nhiễu nhương/ Khúc nam xuân chảy tràn đêm nguyệt bạch/ Nước sông hồ có gạn đục khơi trong/ Ai nhã chữ gieo câu hò bát ngát/ Để dạt dào điệu lưu thủy hành vân”[24]. Có phải Nguyễn An Bình đã một lần nghe tiếng tỳ bà trên bến Tầm Dương và một lần nghe thôi đủ nhập hồn quyến luyến. Thế nên, Tiếng đàn kìm trên sông của Nguyễn An Bình có thể khiến bạn đọc nghĩ ngớ tới Lời kỹ nữ của Xuân Diệu (Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo/ Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da/ Người giai nhân: bến đợi dưới cây già/ Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt), lại có thể khiến nhớ tới Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị (Tầm Dương giang đầu dạ tống khách/ Phong diệp địch hoa thu sắt sắt/ Chủ nhân há mã khách tại thuyền/ Cử tửu dục ẩm vô quản huyền). Phải chăng ấy là tính chất liên văn bản của thơ ca mà có lẽ cũng của văn chương nói chung. Qua đặc trưng ấy, bạn đọc sẽ nhận thấy thơ Nguyễn An Bình có khuynh hướng ‘tập cổ’ rất ý nhị.
3. Tình sông nước Cửu Long
Sinh ra và lớn lên cũng như gắn bó suốt đời với mảnh đất châu thổ Cửu Long, không lạ gì khi thơ Nguyễn An Bình thể hiện dấu ấn sâu đậm của văn hóa vùng đất này. Đó là nguồn cảm hứng lớn trong thơ của ông đồng thời biểu thị tình yêu quê hương đất nước thiết ta.
Với cảm hứng văn hóa ấy, nhà thơ dễ xúc động trước tình và cảnh miền sông nước Cửu Long. “Phù sa trầm ngõ Ba Lai/ Bèo trôi cô quạnh biết ai còn chờ/ Trên sông nghe vẳng câu hò/ Hoàng hôn ngược sóng bến bờ không em”[25]. Tình và cảnh sông nước nhuộm trong nỗi buồn và niềm tiếc nhớ. Nguyễn An Bình đã đi nhiều và đến đâu ông cũng vương vấn, nặng tình. Những địa danh và đặc trưng sinh cảnh quen thuộc của vùng sông nước Cửu Long xuất hiện trong thơ ông như: Ba Lai, Vàm Cống, Bảy Núi, Trà Vinh, … Và bạn đọc cũng sẽ bắt gặp những biểu hiện quen thuộc của vùng văn hóa này: mùa nước nổi, khói đốt đồng, khách thương hồ, trái bần xanh, cá linh non, nồi lẩu mắm, … Cuộc sống con người miền Cửu Long hiện lên chân thực, sống động, gần gũi.
Không chỉ khắc họa sinh cảnh sông nước, Nguyễn An Bình còn lột tả nếp sống trượng nghĩa, nặng tình của con người nơi đây. Nét đặc trưng văn hóa ấy được nhà thơ khắc họa qua chất giọng đặc trưng Tây Nam Bộ. Bạn đọc như mường tượng cảnh sinh hoạt ghe thuyền trên dòng nước Cửu Long. “Sóng nước bồng bềnh/ Chòng chành cây trái/ Treo một chút tình quê/ Đủ sắc màu vàng xanh đỏ tím/ Và tiếng rao hàng ngọt lịm/ Ngân ngấn phù sa/ Thơm như mùi mít chín bay xa/ Về chợ nổi cùng an hem nhé/ Người xa xứ mong chút gì để nhớ”[26]. Người và đất hài hòa, tình người nghĩa đất sâu nặng, Nguyễn An Bình rất tinh ý nhận ra điều này. Trong tiếng rao, phù sa ngân ngấn. Bởi thế, dấu ấn đất đai sinh cảnh in hằn trong tâm hồn và lối sống con người. Nhà thơ cho thấy cái nhìn độc đáo và cảm nhận rất đặc biệt về cá tính con người sông nước miền Tây.
Hơn thế nữa, nhà thơ hay phác họa và tái hiện hình ảnh những di tích, phong cảnh nổi bật ở địa phương để bạn đọc hình dung sinh cảnh văn hóa ở địa phương ấy. Thơ ca của ông vì vậy như cơ hội để bạn đọc du lịch văn hóa bằng chữ nghĩa. Nguyễn An Bình sử dụng thơ làm nhật ký du lịch của mình. “Em cùng anh dạo quanh phố biển/ Cái nắng trong veo đến ngọt ngào/ Ong về kéo mật mùa nhãn chín/ Thêm mặn mòi đồng muối trắng phau/ Phật Đài Quan Âm ngự tòa sen/ Mùi trầm khói tỏ ngát hương thiền/ Bâng khuâng rêu phủ nhà công tử/ Dâu bể muôn đời có lãng quên?/ Em có ghé thăm Chùa Xiêm Cán/ Cổng chào ba ngọn tháp Ăng-Co/ Qua khu tưởng niệm lòng xao xuyến/ Tiếng đàn tài tử ngỡ trong mơ” [27]. Đó là nét đặc trưng văn hóa hỗn dung của miền Tây Nam Bộ. Nơi ấy, cuộc sống con người hài hòa, dung dị, cùng góp phần tạo ra giá trị nhân sinh, xây dựng vẻ đẹp đời sống. Dù chỉ thông qua phép liệt kê, những dòng thơ của Nguyễn An Bình đủ khắc họa sự phong phú đa dạng của các tầng văn hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nổi bật hơn cả có lẽ là nét đẹp văn hóa đờn ca tài tử Nam Bộ. Nhịp song lang làm rộn lên trong lòng thi nhân niềm thổn thức mênh mang. Không chỉ vậy, nhà thơ còn gói ghém trong đó những ưu tư về phận người, về nhân nghĩa – một cá tính văn hóa rất đáng quý của con người châu thổ. “Thương mảnh đất cha ông thời mở cõi/ Mặn mồ hôi thấm cả máu xương người/Nặng phù sa thăng trầm bao số phận/ “Lục Vân Tiên” nhân nghĩa chẳng hề phai/ Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử/ Để biết mình còn có một quê hương/ Để yêu em yêu người dân xứ biển/ Thật ngọt ngào trong từng phím tơ vương”[28]. Nhắc đến đồng bằng châu thổ Cửu Long không thể không nhắc đến chàng Lục Vân Tiên. Đó không chỉ nhân vật trong truyện thơ của Đồ Chiểu mà đã trở thành hình tượng đặc trưng cho tính cách và quan niệm sống của người bình dân Nam Bộ nói chung. Từ đó, nhà thơ còn gợi mở lịch sử mở cõi dài lâu với biết bao công lao tiền nhân.
Đặc biệt, gây xúc động cho nhà thơ chính là những tính cách đặc trưng văn hóa Tây Nam Bộ. Tính nết con người, nhịp sống miền cây trái miệt vườn khiến cho lữ khách bốn phương không khỏi lưu luyến, mến thương. “Còn gì hơn những món ăn dân dã/ Cơm gạo huyết rồng điên điển nấu canh/ Cá lóc nướng trui gói lá sen non vừa hái/ Uống với rượu Phong Điền nổi tiếng quê anh/ Nào uống cho say anh Ba anh Bảy/ Ta cạn cùng nhau chén rượu nghĩa tình/ Bên bếp lửa má em hồng đến vậy/ Chỉ sợ em cười biết anh lén trộm nhìn”[29]. Ai đến miền Tây Nam Bộ một lần đều phải nhận rằng: con người nơi đây sống rất tình cảm. Nghĩa và Tình và hai giá trị nhân cách đặc trưng của con ngưới này. Đó cũng là chất keo kết dính tâm hồn con người nơi đây với khách phương xa. Bởi vậy, ai đến một lần đều không khỏi bồi hồi lưu luyến. “Anh đưa em về miền Năm Căn/ Ở đó phù sa ngập ruộng đồng/Tháng chạp đến mùa dưa hấu chín/ Ngọt tình ngọt lim cả dòng sông/ Để thấy quê hương ngát mộng đời/ Bạn bè dăm đứa cùng về chơi/ Ầu ơ bài hát ca dao mẹ/ Em nhé mùa xuân đã trở về”[30]. Nhìn chung, khi viết về vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn An Bình bộc lộ niềm cảm hứng dâng trào hòa quyện vào tình yêu quê hương tha thiết. Từ đó, dòng hồi tưởng của nhà thơ khởi dậy từ cảm xúc dâng trào, nhà thơ bỗng nhớ về quê xưa, về bạn bè, về cha mẹ, … Và, bạn có thấy: phần nhiều hình ảnh trong thơ Nguyễn An Bình đều xuất hiện qua nỗi nhớ. Nỗi nhớ như chất xúc tác là môi trường, là dòng nước cho con cá thi Nguyễn An Bình tung tẩy bơi lội. Nên có thể nói, thi ca Nguyễn An Bình là thi ca của nhớ thương.
Điều này cũng tức là chữ nghĩa của Nguyễn An Bình là chữ nghĩa ký ức. Ký ức phù sa trước hết là những ký ức về mẹ. Dòng nước như hình bóng mẹ quê, hình tượng thi ca gắn liền với không gian văn hóa Cửu Long với câu ca dao, mùa giáp hạt. “Ca dao nào đưa con vào giấc ngủ/ Mẹ qua cánh đồng vàng rạ rơm phơi/ Mùa giáp hạt vẫn sờn manh áo cũ/ Gánh hàng rong thơm bếp lửa bên trời/ Mẹ suốt đời như sông trôi lặng lẽ/ Vun hạt phù sa bồi đắp cho người/ Lên thác xuống ghềnh thân cò không kể/ Những phiên chợ chiều bóng đổ đơn côi”[31]. Mẹ được Nguyễn An Bình xây dựng là người trao truyền tâm hồn cho con. Từng câu ca dao, từng giấc ngủ đong đưa đã bồi đắp nên tâm tính con chẳng khác gì dòng nước đỏ nặng phù sa đã vun bồi cho quê hương xứ sở. Và như thế, mẹ chính là bản thể của quê hương.
Bấy giờ theo dòng nước của kiếp thương hồ, bạn đọc sẽ thấy Nguyễn An Bình vẫn ở trên quê hương mà sao lòng vẫn ôm ấp nỗi nhớ quê hương. Hóa ra, nỗi nhớ của ông không phải nỗi nhớ không gian mà nỗi nhớ thời gian. Cũng tức là, quê hương trong nỗi nhớ Nguyễn An Bình là miền quê xưa. Đó là vùng trời phương Nam êm ả. Hàng loạt những bài thơ nhớ phương Nam: Mùa xuân về phương Nam, Con chim lạ hót giữa bình minh châu thổ, Cuối năm về qua dòng sông cũ, Chiều phương Nam, Đêm uống rượu ở Giang Thành, … “Nơi anh về – gởi nhớ/ Theo nhánh sông đã chia đôi ngả, đôi bờ/ Xuôi ngược là những chuyến đò chiều/ Tiếng hò ngọt ngào trên bờ sông vắng/ Bây giờ biết tìm đâu/ Tìm đâu”[32]. Nguyễn An Bình sống mãi trong không gian năm cũ. Và dù quê hương có thay da đổi thịt, ngày tháng có lăn trải không ngừng, nhưng Nguyễn An Bình vẫn còn đi lại trong miền tâm thức cũ; để thổn thức và để thỏa mãn niềm mong nhớ quê xưa.
Tựu trung, văn hóa miền sông nước Cửu Long trong thơ Nguyễn An Bình chí ít có hai khía cạnh. Hình tượng nước và sông của đời sống thị dân và hình tượng sông nước của người bình dân sống nơi đồng ruộng. Như bay giữa miền châu thổ quê hương, Nguyễn An Bình làm cánh chim lạ hót thơ giữa bầu trời ban mai đầy ánh sáng. Hình dung miền châu thổ của Nguyễn An Bình là vùng đất mang vẻ đẹp hiền hòa dung dị. Hình tượng sông nước trong không gian đó hiện lên với đầy đủ nét quê xưa: trìu mến, gần gũi, thương yêu. “Con chim lạ hót giữa bình minh châu thổ/ Xin giữ giùm tôi chút nỗi nhớ đồng bằng/ Hạt phù sa trầm mình mùa nước nổi/ Đón em về bùn còn lấm bàn chân/ Điên điển em ơi vẫn vàng trong nắng/ Chiếc xuồng con em chèo chống qua đồng/ Bông súng trắng cuộn tròn trong khoang nhớ/ Khói cơm chiều còn cay mắt bên song”[33]. Nước và sông hòa quyện trong nhịp sống con người. Cảnh sống người nhà quê tưởng như hiện về từ quá khứ nhưng kỳ thực vốn còn mãi trong tâm tưởng. Như vậy không gian ấy có thể là không gian thực mà cũng có thể là không gian tâm tưởng, có thể là không gian quá khứ mà cũng có thể là không gian vĩnh hằng (bởi đã trở nên bất tử, sống mãi trong lòng người yêu nhớ quê hương). “Qua Bắc Vàm Cống mùa nước nổi/ Ai còn bủa lưới cá linh non/ Chợt thèm lẩu mắm – bông điên điển/ Một thời tuổi trẻ – dấu chân son”[34].
Sau hết, Nguyễn An Bình gửi lại một tình yêu quê hương tha thiết và niềm trân quý sâu đậm đối với mảnh đất Cửu Long. Đất và người Cửu Long với cốt cách và vẻ đẹp tâm hồn trở thành chất liệu thi ca và theo đó thi ca về miền đất Cửu Long đã bồi đắp và nuôi dưỡng sự nghiệp thi ca của Nguyễn An Bình.
Vài lời kết
Càng về sau Nguyễn An Bình càng có xu hướng cách tân hình thức nghệ thuật. Từ những thể thơ quen thuộc (lục bát, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ) nhà thơ đến với thể tự do và có những thử nghiệm “tân hình thức”. Dẫu vậy, ông vẫn thủy chung với hồn thơ xuyên suốt các chặng đường. Trong thể nghiệm tân hình thức, bạn đọc hẳn vẫn nhận ra hồn thơ trước sau như một của Nguyễn An Bình – một hồn thơ đậm đà thủy chung nồng nàn và tươi thắm như vẫn mãi xanh thắm ở lứa tuổi thiếu niên. “Hoa rơi vô tình hay chỉ lòng tôi hữu ý. Hương/ thời gian nào nấn níu dấu chân người. Tôi mơ thấy/ tiếng thiên nga vừa đập nước. Bay riêng mình về/ một cõi xa xôi./ Em có mang đi tình yêu tôi, giấc mơ Đà Lạt. Một/ mùa hoa đào, hoa phố núi đã thật xa. Có chút bận/ lòng, chút khát khao, hay chút gì mất mác. Tiếc/ nuối lời hẹn hò hóa đá những giọt mưa sa”[35]. Dẫu thể thơ truyền thống hay cách tân, Nguyễn An Bình vẫn chung thủy một tình yêu, vẫn đậm đà một dáng điệu. Đó là tính cách thơ hiền hòa, dung dị và gần gũi.
Với phong cách thơ ấy, Nguyễn An Bình cống hiến cho bạn đọc những vẻ đẹp văn hóa nhân sinh. Từ mái trường yêu dấu và nỗi hoài niệm tình thơ học trò cho đến cuộc lãng du của người thưởng ngoạn phương xa, Nguyễn An Bình hầu như đều bộc lộ thông qua nỗi nhớ. Thơ của ông vì vậy là thơ hoài niệm, thơ của ký ức. Sự hồi tưởng phủ lên hình ảnh thơ màn sương lãng đãng tình tự rất duyên dáng và làm tăng thêm sức gợi cảm cho ý thơ. Nhà thơ không chủ ý “duy hình thức” mà chỉ cốt chuyển tải trọn vẹn tâm tình cá nhân trong mối giao cảm với thế giới xung quanh. Do đó, bạn đọc đến với thơ Nguyễn An Bình sẽ cảm thấy niềm khoan khoái nhẹ nhàng. Và bạn cũng sẽ nhận ra: hình tượng thi nhân hiền hậu, gần gũi và mến thương.
Chú thích:
[1] Thông tin cá nhân nhà thơ Nguyễn An Bình dựa theo phần giới thiệu trong tập sách Nhiều tác giả (2017). Lãng đãng hương xưa (thơ). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.32.
[2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên). 1992. Từ điển thuật ngữ Văn học. NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3] Nguyễn An Bình (2016). Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr. 34.
[4] Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.105.
[5] Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.117.
[6] Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.125.
[7] Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.113.
[8] Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.17.
[9] Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.27.
[10] Nguyễn An Bình (2016). Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.25.
[11] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.12.
[12] Nguyễn An Bình (2022). Đà Lạt tình tôi người lữ khách. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.21-22.
[13] Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.16.
[14] Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.21.
[15] Nguyễn An Bình (2013). Còn một chút mưa bay. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.14.
[16] Nguyễn An Bình (2013). Còn một chút mưa bay. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.20.
[17] Nguyễn An Bình (2016). Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.46.
[18] Nguyễn An Bình (2013). Còn một chút mưa bay. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.25.
[19] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.31.
[20] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.39.
[21] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.47.
[22] Tản Đà (1918). Khối tình con – Quyển thứ hai (in lần hai). Hanoi: Tản Đà thư cục.
[23] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.148-149.
[24] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.158.
[25] Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.11.
[26] Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.12-13.
[27] Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.22-23.
[28] Nguyễn An Bình (2016). Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.17.
[29] Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.24-25.
[30] Nguyễn An Bình (2013). Còn một chút mưa bay. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.29.
[31] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.24.
[32] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.114.
[33] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.34.
[34] Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.146.
[35] Nguyễn An Bình (2022). Đà Lạt tình tôi người lữ khách. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.25.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn An Bình (2013). Còn một chút mưa bay. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
2. Nguyễn An Bình (2016). Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
3. Nhiều tác giả (2017). Lãng đãng hương xưa (thơ). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
4. Nguyễn An Bình (2018). Hành trình Đất và Nước. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
5. Nguyễn An Bình (2018). Hạ đỏ lên trời. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
6. Nguyễn An Bình (2019). Cỏ hoa thời áo trắng. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
7. Nguyễn An Bình (2022). Đà Lạt tình tôi người lữ khách. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
8. Nguyễn An Bình (2022). Mây trắng đầu non. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
9. Tản Đà (1918). Khối tình con – Quyển thứ hai (in lần hai). Hanoi: Tản Đà thư cục.
10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên, 1992). Từ điển thuật ngữ Văn học. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
11. Nhiều tác giả (2017). Lãng đãng hương xưa (thơ). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
31/10/2023
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...