Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Hạnh phúc đến như thế

Hạnh phúc đến như thế

Má tôi thường phàn nàn: “Con gần ba mươi tuổi đầu mà không chịu cưới vợ. Cưới sớm má còn khỏe mạnh chăm sóc cháu, chớ để má già sao chăm sóc được! Hôm má chiêm bao thấy bồng con nít, má mừng nào ngờ chỉ là giấc mơ, má buồn buồn.” Tôi má đã nhiều năm đi coi dâu chỗ này, coi chỗ nọ rốt cuộc tôi không chịu, má thất vọng. Má giận nói: “Má không thèm kiếm dâu nữa, để tự con kiếm. Mà phải sớm!”.
Tôi nghĩ đi nghĩ lại, bạn bè đi nghĩa vụ về ai cũng có gia đinh vợ con từ một hai đứa, còn mình! Có chỗ mình thích, người ta không thích, có chỗ ta thích, mình không thích! Chẳng lẽ số mình ở vậy tới già hay sao? Tôi chợt nhớ đến thàng bạn cùng đơn vị và cô em gái tên Lan: Nhớ một lần cô gái ấy nói: “Nhà em ở ấp Ông Bà Lẫy, Tri Tôn, có duyên thì mình gặp lại”. Chỉ vỏn vẹn mấy từ mà sao lòng tôi nhớ hoài, nhớ đôi mắt đen láy, và cái miệng cười chúm chím để lộ những cái răng trắng đều, ẩn hiện lên khuôn mặt trái xoan. Tính từ gặp em đến nay đã hai năm, hổng biết em có chồng hay chưa? Lòng tôi có gì đó như sơi dây buộc ràng vương vấn khi nghĩ tới em.
Tôi với Tần cùng chung đơn vị, hai thằng rất thân chuyện gì cũng kể  nhau nghe. Một lần đi huấn luyện súng cối, Tần nói: “Tao có đứa em cô cậu chưa chồng, mầy về cưới, tao nói vô là được liền”. Và sau đó tôi có về quê của Tần, đêm ăn chè có Lan đến chơi. Tần giới thiệu: “Lan em tao đó!”. Lan trong chiếc áo cánh màu xanh lam, nước da ngâm đen, đôi chân mày rậm làm cho tôi chợt lưu ý! Nét quyến rủ của Lan tỏa ra qua lời nói dịu dàng, và nụ cười e dè khiêm tốn đã nhanh chóng thâm nhập vào tôi. Khi vào bàn ăn, tôi nhanh tay mút chén chè đưa cho Lan, Lan cười nhìn tôi và tay đỡ chén chè khẽ lời cám nhỏ xíu. Khi tay em chạm tay tôi, tôi nghe cảm giác mềm mại. Đó là cảm nhận lần đầu tiên mà tôi có được khi biết Lan.
Tôi không có thông tin hay số điện thoại gì của Tần nên việc đến thăm Tần rất trở ngại. Nhưng đã đến lúc nhớ bạn lắm nên phải đi, đi mà lòng cứ hoang mang. Cái nhớ bạn, giả đò thăm bạn, nhưng kỳ thật là muốn gặp Lan,  không biết giờ em có chồng hay chưa? Trong đầu cứ thắc mắc hoài, nghĩ bụng nếu em đã có chồng thì mình coi như chuyến đi thăm bạn cũ cũng vui nhau mà! Có ai đời đi thăm bạn mà chỉ có mỗi một thông tin đơn sơ “Ấp Bà Lẫy”. Đây là một thông tin hiếm hoi duy nhất của Tần thốt ra từ cửa miệng trong những năm tháng bên nhau.  Tôi mạnh dạn cho xe chạy vô ấp Ông Bà Lẫy, Tri Tôn, xe vô một khoảng tôi hỏi bà già tưới rau, bà lắc đầu không biết, và nói: “Chú chạy lần tới xóm nhà đông kia hỏi may ra người ta biết, vì đó là nhưng người cố cựu đây. Xe tới xóm nhà đông, tôi cho xe chậm lại, lựa người để hỏi. Hỏi phụ nữ là chắc ăn hơn đàn ông, bụng nghĩ vậy nên chợt thấy người phụ nữ vác trái mít đi bên lề, tôi tấp vô hỏi. Khi nói tên tuổi Tần thì người phụ nữ nhìn tôi, hỏi:
– Cậu là ai sao biết Tần?
Tôi trả lời bạn đi nghĩa vụ với Tần. Người phụ nữ cười, nói: “ Chị biết Tần, đi theo chị nè!”
Thấy người phụ nữ vui vẻ, tôi hỏi thăm Lan nhà gần không? Lan có chồng chưa chị?
Người phụ nữ nhìn nhìn tôi:
– Chồng con gì đâu! Nhà Lan phía trước mặt đây thôi, gần hơn nhà Tần.
Câu “chồng con gì” làm tôi vui hết cỡ trong lòng, nói:
– Em nhờ chị chỉ nhà Lan dùm, cám ơn lắm!
Tôi đỡ hộ trái mít trên tay chị đưa lên xe, và mời chị lên xe. Xe chạy chút chị nói: “đó nhà màu xanh phía trước đó, và nhà chị đây, cho xuống đi, khi về em ghé chơi”.  “Dạ!”
Tôi dựng xe trong sân, con chó phèn chực sủa. Tiếng của cô gái chạy ra gọi : “phèn, phèn..”. Chó cụp đuôi đi ra sau nhà.
Cô gái bước ra hỏi:
– Có phải Anh Tâm không? Trời! Đi đâu lạc vậy? Sao lên mà không cho anh Tần hay cùng đi, tìm nhà em có khó lắm không? Lan quày quả đi rót nước mời tôi, vẫn nụ cười như ngày nào. Tôi nhìn gian nhà bày biện đơn sơ theo lối nông dân miền núi, nhưng có mấy bức tranh thêu trên tường thật đẹp, chắc tác phẩm của Lan.
Lan chào hỏi tôi trong những câu chuyện qua lại, Lan có kèm theo câu “Em bị ế rồi anh ơi!”
Người ta than cảnh ế chồng mà lòng tôi thấy vui, đúng là sự mâu thuẫn trong đang diễn ra phức tạp. Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Lan có lẽ đoán biết được phần nào việc tôi lên thăm em. Nên cứ nhìn tôi dò xét mà không nói gì! Lan cho biết, ba má và các em đi ra rẫy thu hoạch mít, cân bán cho thương lái, chiều mới về. Và Lan điện thoại cho Tần hay, rủ đến chơi. Có Tần đến làm gạch nối cho tôi bớt sự ngượng ngùng mất tự nhiên. Chiếu đó, Tần giới thiệu tôi cho ba má và các em Lan. Ông bà rất vui mừng tiếp chuyện tôi. Đêm đó, Lan rủ tôi và Tần đi thăm một người bà con, gọi ông Năm.
Xe chạy quanh co một lúc lâu ghé vào nhà có giàn hoa giấy lùm xùm trước cổng, những cánh hoa đỏ thắm nở đầy như người đội thúng bông to tướng. Chợt thấy ông già dắt xe đạp có cái bao phía sau. Lan nói:
– Ông Năm đó!
Tôi vội tiếp đỡ bao măng tre trên xe cho ông Năm. Ông nói:
– Măng mùa này tốt lắm, giá lại rẻ. Nay các cháu đến chơi có duyên mới gặp được bác đó, vì bác còn định ở ngoài rẫy tới tối mới về.
Ông Năm giục:
– Thôi vô nhà ngồi nghĩ chút ăn cơm với bác nghen!
Ông Năm rót nước nấu chín bằng loại cây rừng đưa cho chúng tôi, giục:
– Uống đi các cháu. Uống vào thấy khỏe ngay, sâm núi đó! Nơi đây ngày xưa coi như là vùng sơn địa đầy chướng khí và thú dữ không ai dám đi lên ngọn núi Tô này, nó còn có tên là Phụng hoàng Sơn đó. Con người tồn tại nơi đây cũng bằng kinh nghiệm sống lưu truyền cho nhau để chống chọi với thời tiết với thú dữ và rắn độc.
Ông Năm vui vẻ nói:
– Nghĩ cũng lạ, trên đất nước Việt Nam biết bao nhiêu là sông núi, nhưng chỉ có đất địa này có núi mà có non “Năm non bảy núi”.
Năm non còn có tên là 5 vồ: Vồ Bò Hong là nơi đây, vồ Đầu, Vồ Bà, Vồ Ông Bướm, Vồ Thiên Tuế. Bảy núi nằm trong các huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Đốc –An Giang với quần thể hơn 40 ngọn núi lớn nhỏ, nhưng người ta chỉ gọi chung là 7 núi. Bảy 7 núi là:  Thiên Cấm Sơn, Anh Vũ Sơn (núi Két), Ngọa Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 giếng), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Đài Sơn (núi nước). Theo truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa Gia Long bị quân Tây Sơn đánh chạy giạt lên đây tạm trú, sợ bị dân phát hiện nên tung ra tin đồn “Trên núi có cọp dữ, rắn độc và đầy sương lam chướng khí, nên cấm không cho dân lên. Sau khi Gia Long lên ngôi, núi có tên núi Cấm, Thiên Cấm Sơn (trời cấm). Núi cao nhất trong quần thể núi ở xứ này 716 mét. Bên cạnh còn có rất nhiều chuyện huyền bí ở năm non bảy núi như: ông Đạo Lập, một trong 12 đại đệ tử của Phật Thầy biết hô phong hoán võ, dùng nón lá đi qua sông, Ông Đạo Điện thu phục thần Bạch Hổ, Đạo sĩ Ba Lưới và phái võ Đường Phong với tuyệt chiêu “Bình Phong Lạc Nhạn”… Và biết bao câu chuyện huyền thoại khác như: Bác Vật Lang xuống hang sâu về không nói chuyện. Những huyền bí truyền theo lời kể đời này qua đời nọ ngày một huyền bí thêm.
Ông Năm để chén trà xuống bàn, chợt nhìn Lan và tôi, nói:
– Hai cháu, có duyện nợ, ăn ở nhau sẽ phát tài.
Lan đỉnh chánh:
– Thưa ông Năm tụi con mới quen thôi, chưa tính đến chuyện cưới hỏi gì!
– Thì tiến hành đi, ông tính chọn ngày cho.
Đêm đó tôi về nhà mà cứ thắc mắc: Cớ sao ông Năm lại nói với mình như thế! Sau khi Lan giăng mùng cho tôi và Tần ngủ, Tần thầm thì bên tai:
– Tao định xuống mày! Mầy có biết con Lan hai ba chỗ đến cưới tao ngăn lại. Tao nói : “Để anh làm may bạn anh cho em, tính tình người này dễ thương, lao động tốt em khỏi chê chỗ nào! Tin anh đi”. Ba mẹ Lan cũng mấy lần hứa với người ta, mà tao cũng can ngăn, thấy lâu ba má Lan giục: “Sao nín thinh vậy Tần!”. Tao định xuống coi mầy mà có vợ chưa, mầy có vợ tao bị chửi chắc chết!
Tôi lên thăm ông Năm vài lần, mỗi lần đem quà biếu ông, ông vui vẻ động viên tôi sớm thành hôn với Lan. Và đám cưới tôi và Lan được tổ chức sau vài tháng. Ông Năm đứng ra làm chủ lễ, khi bái tông đường và lễ ra mắt ba mẹ vợ xong, ông Năm nói khẽ trong tai tôi: “Ông chúc cho 2 con được hạnh phúc tới già!”
Tôi chìm trong đôi mắt của Lan. Ba đứa con ra đời, những buổi tối quanh quần bên mâm cơm, tôi chợt nhớ đến đôi mắt hiền hòa ông Năm như vị bụt gá nghĩa nhân duyên cho chúng tôi. Và tôi thường dẫn vợ con lên viếng ông Năm những ngày kỵ cơm cho ông. Đôi mắt của Lan ngày càng đẹp, nét đẹp thuần thục đem hạnh phúc chan hòa trong gia đình. Má tôi bế cháu mỏi tay mà vẫn thích, nói: “Tụi bây sanh nữa đi cho tao bồng ẵm”.
Con đường lên ấp Ông Bà Lẫy, Tri Tôn “thất sơn huyền bí” giờ là quê hương thân thiết  bên ngoại thân yêu của đám con tôi.
30/10/2023
Nhật Hồng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...