Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Đi làm cỏ lúa tôi kể truyện "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng

Đi làm cỏ lúa tôi kể truyện "Bỉ vỏ"
của nhà văn Nguyên Hồng

Năm 1957 làng tôi thành lập hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp. Toàn bộ ruộng đất, kể cả ao, đầm, đều thuộc hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất là của chung, do hợp tác xã khai thác và quản lý. Các xã viên hằng ngày đi làm theo kẻng, tối đến họp đội để “bình công chấm điểm”. Tất cả mọi cái đều quy ra điểm, và việc chia sản phẩm cũng căn cứ vào số điểm có được của mỗi gia đình.
Hồi đó tôi 15 tuổi. Trừ những buổi đi học, còn lại tôi làm việc như một xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Cũng như mọi xã viên khác, hằng ngày tôi đi làm theo tiếng kẻng. Kẻng hợp tác xã làng tôi là một thanh tà vẹt “phá đường tàu”, được treo trên cành cây giữa làng. Một cán bộ hợp tác xã được phân công đánh kẻng hằng ngày. Kẻng đi làm hằng ngày thường vang lên lúc 6 giờ hoặc 7 giờ sáng, 2 giờ hoặc 3 giờ chiều, tuỳ theo thời tiết. Hôm nào trời nắng nóng thì sáng đi làm sớm hơn, chiều đi làm muộn hơn. Chỉ có kẻng “đi làm” chứ không có kẻng “tan làm”. Xong việc được phân công thì các xã viên cứ tự động mà về. Buổi sáng thường làm đến 10 giờ 30 hoặc 11 giờ, buổi chiều khoảng 5 – 6 giờ. Buổi tối 8 giờ họp đội bình công chấm điểm, đội trưởng ghi điểm vào sổ điểm của từng gia đình xã viên và phân công công việc ngày hôm sau. Rồi về đi ngủ. Sáng mai nghe kẻng, lại đi làm.
Tôi thường tham gia các công việc gánh phân, gánh lúa, đổ bùn, nhổ mạ, làm cỏ lúa…
Hồi đó hầu như chưa có phân hóa học và thuốc trừ sâu. Phân bón gồm toàn phân chuồng (lợn, bò), phân bắc (phân người) và bùn ao. Các loại phân đều phải ủ kỹ cho thật ải, thật ngấu, trước khi đem bón ruộng. Phân bắc hay phân chuồng không ủ kỹ làm cho hiệu quả của phân bị thấp, nhất là dễ sinh sâu bọ hại cây trồng.
Mỗi chuyến phân tôi thường gánh khoảng 80kg (tổ trưởng có nhiệm vụ cân phân cho từng người để tính điểm), đựng trong hai chiếc giành to, đi quãng đường chừng 500 đến 1.500m. Đôi chân trần của tôi bước thoăn thoắt trên con đường từ làng ra cánh đồng, chiếc đòn gánh bằng tre già oằn cong nhịp nhàng trên vai tôi cùng tiếng kêu kẽo kẹt, mồ hôi chảy ròng ròng trên hai má tôi rơi xuống đất. Lúc lúc tôi lại phải “trở vai” cho đỡ mệt. Người gánh phân phải có kỹ năng khá thì mới thực hiện được động tác “trở vai” này, nhất là khi gánh nặng. Không biết trở vai, nghĩa là chỉ gánh một bên vai thì mệt lắm, đau vai lắm, không thể gánh đi xa được, lúc lúc lại phải nghỉ chân. Được cái, tôi làm động tác này rất thuần thục, rất “chuyên nghiệp”, lúc gánh phân cũng như khi gánh lúa, gánh thóc. Hai vai tôi chai sạn, da dày cộm, thâm sì, do nhiều lần gánh nặng. Hồi đó tôi là một thanh niên mới lớn, vai u thịt bắp. Trong xóm tôi có anh cò An gánh phân cực khoẻ, toàn gánh một tạ trở lên. Bao giờ anh cũng được nhiều điểm nhất. Tôi rất phục anh. Gánh phân ra đến bờ ruộng thì tôi và những người khác phải lội xuống ruộng, gánh tiếp ra giữa ruộng, rồi bốc phân vãi ra ruộng. Sau đó chúng tôi lại trở về làng gánh tiếp chuyến tiếp theo. Mỗi buổi sáng chúng tôi thường gánh được khoảng năm – sáu chuyến phân, cũng là lúc bụng đói meo, nghỉ ăn cơm trưa.
Phân chuồng thì như vậy, nhưng với bùn ao thì lại khác. Làng tôi có một dãy ao ven làng. Đây là nguồn cung cấp bùn ao bón ruộng rất quan trọng của hợp tác xã chúng tôi. Phải thực hiện một công đoạn khá vất vả thì mới có được bùn ao bón ruộng. Trước tiên phải “lấy bùn”. Người thợ lấy bùn ao gánh trên vai hai cái “bẳn” (ngôn ngữ làng tôi) làm bằng tre, nom y như chiếc gàu sòng, nhưng nhỏ hơn. Người này lội xuống ao, xúc bùn ao đầy hai bẳn, rồi gánh lên bờ đổ bùn vào những nơi đất phẳng trên bờ ao, bẳn bùn nọ tiếp bẳn bùn kia, thành những bãi bùn hoặc những luống bùn. Chỗ bùn ao này sẽ được phơi nắng cho khô, sau đó xếp lại thành đống, chờ đưa đi bón ruộng. Bùn ao thường dành bón các chân ruộng đồng sâu, vì bùn chắc, thấm dần, không sợ bị trôi mất chất màu. Để đưa bùn ao ra ruộng, làng tôi thường dùng thuyền nan. Vì bùn ao được chất thành đống tại các bờ ao ven làng. Cho nên rất thuận lợi cho việc chuyên chở bằng thuyền. Tôi thường đi đổ bùn cùng với bố tôi, dùng thuyền nan của nhà tôi.
Sau khi xúc bùn khô đổ xuống khoang thuyền, tôi cùng bố tôi kéo và đẩy thuyền ra các thửa ruộng trên đồng sâu. Tôi đi trước, lội nước ngập đến tận đùi, khoác chiếc chảo kéo thuyền vào vai, kéo thuyền; còn bố tôi đẩy thuyền từ phía sau. Con kéo đằng trước, bố đẩy đằng sau, chiếc thuyền nan rẽ sóng, trôi nhè nhẹ trên mặt nước, giữa cánh đồng mênh mông, nom rất ngoạn mục, dẫu cực mệt. Một bức tranh đẹp mà tôi muốn đặt cho nó tiêu đề: “Bố, con và thuyền”. Khi tới nơi, chúng tôi dùng xẻng xúc bùn vãi đều ra ruộng. Mỗi buổi đổ bùn bằng thuyền như thế hai bố con tôi chở được khoảng bốn – năm chuyến là thấm mệt, phải nghỉ. Tối về hai bố con tính được kha khá điểm. Vì chẳng những điểm đổ bùn được tính cao, mà phương tiện thuyền nhà cũng được cộng thêm điểm. Điểm và điểm, điểm cực kỳ quan trọng. Điểm là niềm vui, điểm là hạnh phúc. Nhiều điểm là nhiều thóc, nhiều thóc là no, có tiền lo ăn học. Cả hợp tác xã chúng tôi chẳng ai là “học trò”, vậy mà người nào cũng thích điểm, cũng cần điểm. Đây là một kỷ niệm khó quên đối với tôi, và có lẽ với cả người làng tôi nữa.
Bìa tập truyện “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng
Cũng xin kể thêm: Thuyền nan làng tôi làm bằng tre và nứa. Khi đan thuyền và cạp thuyền xong người ta lấy vỏ cây sắn (không phải sắn ăn củ đâu, đây là một loại cây thân gỗ, to như cây trứng cá, làng tôi gọi là “cây sắn”, quả giống quả anh đào, nhưng nhỏ hơn, ăn được – hồi nhỏ tôi vẫn ăn quả này, có vị ngọt) đem giã trong cối cho nát thành “vữa”, trát “vữa” này vào mặt trong của thuyền, dùng chổi làm bằng thân cây dứa dại, dập nát một đầu, chà xát mạnh đầu dập nát này khắp mặt trong của thuyền, để cho bột vữa sắn nói trên chui sâu bám chặt vào các kẽ hở của thuyền. Sau vài ngày phơi khô, bột vữa sắn bám chặt, tạo thành “chất xi măng kết dính” bịt kín mọi kẽ hở của thuyền, nước không còn có thể thấm, ngấm vào trong thuyền được nữa. Ở làng tôi, thuyền nan thường dùng để chở bùn ao ra những thửa ruộng trên cánh đồng sâu, để chất những đon lúa vừa gặt xong tại ruộng nước và còn dùng để chứa cá khi tát ao.
Tôi thường hay cùng các xã viên trong đội sản xuất đi làm cỏ lúa. Làm cỏ lúa có lẽ là một trong những công việc nhà nông nhẹ nhàng nhất. Mỗi người cầm chiếc nạo trong tay, đẩy, lách lưỡi nạo (bằng sắt, có răng cưa) giữa các khóm lúa để diệt cỏ, làm cho bùn được khuấy lên, đất thoáng, lúa sinh trưởng nhanh. Cụm từ “làm cỏ sục bùn” có nghĩa là như vậy. Mỗi buổi làm cỏ lúa đội sản xuất chúng tôi thường có khoảng 15 – 20 xã viên tham gia. Một dãy dài các xã viên, như một “dàn đồng ca ngoài trời”, trong đó có tôi, tay cầm nạo, dàn hàng ngang làm cỏ lúa, trông bắt mắt phải biết (Tiếc rằng hồi đó không có máy để chụp ảnh). Vừa làm cỏ lúa vừa trò chuyện, vừa hát hò rất vui. Đủ thứ chuyện trong nhà ngoài ngõ. Mỗi buổi làm cỏ lúa là một “cuộc buôn dưa lê tập thể” một cuộc “hội luận” xã viên. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, mọi tin vui, tin buồn, mọi “sự kiện” trong làng, kể cả đêm qua nhà ai mất trộm gà, nhà ai bị trộm chó, ông nào say rượu đánh vợ, con gái nhà nào vừa chửa hoang… đều là những đề tài được đưa ra bàn luận, bình phẩm.
Hôm nào thấy tôi đi làm cỏ lúa thì cả đội thích lắm. Vì tôi là cây kể chuyện tiểu thuyết, chuyện ngôn tình, độc nhất vô nhị của đội. Tôi có nguồn sách, kể cả sách cấm. Thường mỗi buổi làm cỏ lúa như vậy tôi kể cho mọi người nghe một cuốn tiểu thuyết. Lần này “Bỉ vỏ” (Người đàn bà ăn cắp – tiếng lóng), lần sau “Hồn bướm mơ tiên”, lần tiếp theo “Tắt lửa lòng – Lan và Điệp”… Tôi đứng giữa đội hình đội sản xuất dàn hàng ngang làm cỏ lúa. Cả đội mắt chăm chú nhìn xuống ruộng lúa đang thì con gái, tay liên tục đẩy cán nạo tới, lui, còn tai lắng nghe tôi kể chuyện: “… Bính gặp một gã trẻ tuổi nhà giàu. Gã lừa cô vào nhà hãm hiếp và đổ bệnh lậu cho cô. Vợ gã bắt gặp, đánh đập Bính tàn nhẫn và lôi cô ra Sở cẩm, vu là gái đĩ. Thế là Bính bị đưa vào nhà “lục xì”, sau đó rơi vào nhà chứa của mụ Tài sế cấu. Sống ê chề cực nhục ở nơi bẩn thỉu hôi hám, Bính ốm nặng. Đau khổ, tuyệt vọng, Bính toan tự tử nhưng được Năm Sài Gòn, trùm lưu manh ở Hải Phòng, một tên giang hồ đất cảng, chuộc ra khỏi nhà chứa, đem về chăm sóc. Từ một cô gái quê xinh đẹp, hiền lành Tám Bính đã trở thành một con ăn cắp. Sống trong hoàn cảnh như vậy cô gái vốn dĩ hiền lành tìm mọi cách trở về với cuộc sống lương thiện và hy vọng khi Năm Sài Gòn ra tù sẽ khuyên y từ bỏ cái nghề bất lương và nguy hiểm…”.
Tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít của mấy chị thanh nữ đứng cạnh tôi, vì các chị cám cảnh, vì các chị thương Tám Bính, cùng phận gái quê. Nghe kể chuyện xong, anh hĩm Trí nói: “Truyện hay quá, ông nhà văn này giỏi thật, làm sao ông ấy lại biết tường tận những chuyện đời éo le và giật gân như vậy nhỉ? Kể cả chuyện nhà “lục xì”, chuyện “nhà chứa” ông ấy mô tả cứ như là ông ấy đã vào đó rồi. Thương cô Tám Bính quá đi mất, khổ một đời người và phí một đời con gái, mặc dù cô ta là người lương thiện. Mấy chậy (chị – ngôn ngữ làng tôi) đội ta đừng có kêu khổ nữa đấy nhé! Đi làm cỏ lúa thế này không sướng hơn đi “làm đẩy” (đĩ – ngôn ngữ làng tôi) hay sao?”.
Anh Thanh thì lại bảo: “Tôi phục Năm Sài Gòn, tuy trộm cắp, là trùm lưu manh, là tay giang hồ, nhưng vẫn có tấm lòng cao thượng, dám chuộc Tám Bính ra khỏi nhà chứa, chăm sóc cô nàng hết lòng, vẫn khát khao muốn trở thành người lương thiện…”.
Tất cả mọi người đều thích thú với câu nói lóng trong tiểu thuyết này: “Anh đây công tử không “vòm” (nhà), ngày mai “kện rập” (hết gạo) biết “mòm” (ăn) vào đâu”. Từ bữa đó, khắp làng tôi, đi đâu cũng nghe thấy đám trẻ con, đám thanh niên hát nghêu ngao câu nói lóng này.
Tôi thích, tôi tôn sùng nhà văn Nguyên Hồng từ hồi đó, khi tôi đang học cấp II phổ thông. Và đã có một sự tình cờ thú vị. Mấy chục năm sau, tôi có người bạn thân, người bạn “đồng nghiệp”, chị chính là con gái của nhà văn tôi mến mộ này, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư. Hồi trước, đứng giữa ruộng lúa kể chuyện “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng cho bà con xã viên làng tôi nghe, tôi đâu có nghĩ, sẽ có ngày tôi là bạn thân của con gái ông.
Tiểu thuyết lãng mạn “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng mà tôi kể cho các xã viên nghe trong một buổi sáng làm cỏ lúa sau đó cũng được mọi người dỏng tai nghe:
“Ngọc là sinh viên trường Canh nông. Nghỉ hè Ngọc về quê ở với người bác là sư tổ chùa Long Giáng. Lan là chú tiểu của chùa này. Thấy Lan tính tình dễ thương Ngọc thân ngay. Hai người trở thành đôi bạn. Thực ra, Lan là gái, cha mẹ mất sớm, ở với người chú, bị chú ép lấy chồng sớm nên nàng phải bỏ nhà, cải dạng thành nam, xin vào chùa đi tu. Khi Ngọc phát hiện ra Lan là gái, ngay lập tức Ngọc chuyển từ tình bạn sang tình yêu. Lan tuy yêu Ngọc nhưng quyết tìm hạnh phúc ở đường tu, trong sự từ bi bác ái của đạo Phật. Vì Lan đã hứa với mẹ lúc mẹ lâm chung là nàng sẽ theo đường tu hành, cho nên Lan đã khước từ tình yêu của Ngọc”. Mọi người xúc động thực sự khi nghe Ngọc nói với Lan: “Cặp linh hồn ta như một điệu nhạc, không cảm động nhau sao được”.
Đây là một câu chuyện vừa hài vừa bi, ca ngợi một tình yêu lý tưởng, trong sáng và cao thượng, rất trúng tâm lý người làng tôi, cho nên họ xúc động, họ thích là chuyện dễ hiểu.
Bây giờ xin kể các bạn nghe chuyện tôi dạy bổ túc văn hóa cho xã viên.
Khi chưa thành lập hợp tác xã nông nghiệp thì người làng tôi hầu như chẳng cần đến tính, đến toán. Cộng, trừ, nhân, chia, biết thì tốt, nhưng không biết cũng chẳng sao, chẳng chết ai cả. Chỉ cần chịu khó cày cấy, “tay làm hàm nhai”, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, “ăn no ngủ kỹ”. Tuy nhiên, từ khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp thì tình hình hoàn toàn khác trước. “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Ruộng vườn là của chung, đi làm theo kẻng. Điểm bây giờ là quan trọng bậc nhất, nhiều điểm thì nhiều thóc, ít điểm thì ít thóc, không có điểm thì không có thóc, treo niêu. Cho nên xã viên nào cũng cần điểm, phải biết tính điểm cho mình và tính điểm cho cả các xã viên khác nữa. Ai không biết làm tính cộng, trừ, nhân, chia là thiệt. Tính nhầm là mất điểm, mất điểm là mất thóc, mất thóc tại mình ngu mình dốt tính toán thì ức không chịu được. Hợp tác xã chủ trương dạy bổ túc văn hóa cho các xã viên, để nâng cao trình độ văn hóa cho họ, kể cả khả năng tính toán. Và tôi được Ban chủ nhiệm giao cho nhiệm vụ này, nghĩa là tôi làm thầy giáo dạy bổ túc văn hóa cho xã viên. Tôi vui vẻ, thậm chí vinh dự, nhận lời.
Giờ học bổ túc hằng ngày là buổi trưa, sau khi đi làm đồng về, từ 11 giờ 30 đến 13 giờ.
Lớp tôi dạy có trên 30 học viên. Đa phần là những người lớn tuổi hơn tôi, bậc cha chú của tôi. Trong đó có cả bố tôi. Ăn cơm trưa xong, hai bố con tôi cùng đến lớp. Con làm “thầy”, cha làm “trò”.
Tôi chỉ dạy ba môn: Toán, Chính tả và Tập làm văn. Hôm nào viết Chính tả thì thôi Tập làm văn và ngược lại.
Tôi thường lấy các bài trong sách giáo khoa của học sinh phổ thông làm bài chính tả, đọc cho các học viên viết. Lỗi chính tả học viên của tôi thường phạm là lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã. Chẳng hạn làng Nguyệt Lãng thì họ lại viết “làng Nguyệt Lảng”, kỹ thuật thì lại viết “kỷ thuật”, hợp tác xã thì lại viết “hợp tác xả”, rủ nhau đi học thì lại viết “rũ nhau đi học”, sản xuất thì lại viết “sãn xuất”, hủ hóa thì lại viết “hũ hoá”… Tôi uốn nắn nhiều, họ có tiến bộ, nhưng cũng có người phạm đi phạm lại chính lỗi đã mắc. Cứ miệng họ nói như thế nào thì tay họ viết đúng như vậy. Thực ra cũng không thể trách họ được, vì lẫn lộn hỏi (?) ngã (~) chính là đặc điểm của dân Thanh Hóa chúng tôi. Cũng vì thế cho nên, ở bất kỳ nơi nào, hễ ai nói lẫn lộn hỏi ngã thì tôi nhận ra, đó là người Thanh Hóa. Thường đúng trăm phần trăm. Ngay cả tôi, nếu không tập trung khi nói, thì cũng có khi “mắc lỗi” như vậy.
Vì trình độ học viên không đồng đều, cho nên khi dạy Toán tôi dạy từ dễ đến khó. Thoạt tiên cộng, trừ không có “nhớ”, sau đó nâng lên trình độ cộng trừ có “nhớ”. Nhân, chia cũng vậy, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Chia hết rồi mới đến chia có dư. Cuối kỳ tôi chuyển sang dạy quy tắc tam xuất. Đây được coi là môn khó nhất của lớp bổ túc văn hóa của tôi.
Đây là đề một bài toán đố dạng quy tắc tam xuất thuận của tôi hồi đó:
Hợp tác xã nông nghiệp thôn Nguyệt Lãng phát động chiến dịch trồng cây gây rừng. 4 xã viên trồng được 36 cây xoan, vậy 50 xã viên trồng được bao nhiêu cây xoan.
Tóm tắt:
4 xã viên . . . . . . . . 36 cây
50 xã viên . . . . . . . X cây?
Giải:
X = 50 x 36: 4 = 450
Đáp số: 50 xã viên trồng được 450 cây xoan.
Trong số 30 học viên lớp tôi dạy bổ túc thì 25 người có đáp số đúng, giải được bài toán đố này, 5 người có đáp số sai. Những người có đáp số đúng họ rất mừng, rất hãnh diện, vì họ coi đây là chứng chỉ trình độ học lực của họ. Họ đi khoe khắp làng về thành tích học tập và trình độ của mình. Bố tôi chẳng biết khoe với ai, trong bữa cơm chiều hôm đó, bố tôi bèn khoe với mẹ tôi:
– Mẹ mi biết không, trưa bữa ni tau mằn được “quy tắc tam xuất” rồi đó.
Mẹ tôi ngớ người, hỏi lại bố tôi:
– “Quy tắc tam xuất” là cấy chi vậy hả ông?
Đi dạy bổ túc văn hóa cho xã viên hợp tác xã nông nghiệp làng tôi là một kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ của tôi. Như vậy, hai lần trong đời tôi làm thầy giáo, thầy bậc thấp và thầy bậc cao. Vì, năm 1971 – 1972, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Ba Lan về, tôi làm cán bộ giảng dạy bộ môn Trắc địa Cao cấp, khoa Trắc địa Bản đồ, Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội. Ở Trường Đại học Mỏ – Địa chất thì tôi được gọi là thầy – thầy Lê Bá Thự. Nhưng hồi tôi dạy học ở làng, các học viên lớp học bổ túc văn hóa của tôi họ gọi tôi là “thằng” – “thằng Thự”. “Thằng Thự” vừa dạy tau mằn toán “quy tắc tam xuất”. Toàn là bậc cha chú của tôi cả mà. Chả lẽ bố tôi lại đi gọi tôi là “thầy”. Không sao cả. “Thằng” ở làng tôi là cách gọi thân mật đó. Gọi là “thằng” quý giá chẳng khác gì gọi là “thầy”, có khi còn hơn thế. Cho nên tôi bằng lòng.
Những năm tháng làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng và  kỷ niệm sâu sắc về cái thời tôi là một cậu bé con nhà nông, sống lam lũ, làm lụng cực nhọc và vất vả ở làng quê. Đó là những trải nghiệm để đời tôi không bao giờ quên.
5/11/2023
Lê Bá Thự
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...