Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Nắng về miền quá khứ

Nắng về miền quá khứ

Chuyến chuyên cơ đặc biệt lượn một vòng trên không trung rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Phnom Penh. Phía xa, đoàn lễ tân nước bạn xếp thành hàng thẳng tắp với đủ loại sắc màu trang phục. Nắng trải vàng tươi màu mật ong soi bóng người lấp lóa trên tấm thảm màu huyết dụ. Tôi xách chiếc cặp số nhỏ, bước xuống cầu thang, ánh mắt lướt một vòng xung quanh.  
Mới quá! Lạ quá! Chắc chỉ có đoàn người đang hồ hởi bước tới là quen thuộc. Đó là đại diện Đại sứ quán nước ta và đoàn cán bộ quân sự cao cấp nước bạn ra tận sân bay đón chúng tôi. Bỏ qua nghi lễ ngoại giao, mọi người ùa vào nhau. Những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm ấm tình hữu nghị. Cô thông dịch viên đứng nép một bên, cười cảm động. Tiếng Việt, tiếng Khmer tíu tít. Rồi đoàn người hồ hởi lên xe về cung điện Hoàng gia.
Sau buổi mít tinh ôn lại truyền thống hào hùng thời trận mạc là tiệc chiêu đãi trọng thể của quân đội Hoàng gia Campuchia. Sóng sánh những ly rượu màu hổ phách, hồng hào những nét mặt anh em, bạn hữu. Tôi không nhớ mình đã chạm ly bao nhiêu lần, nắm bao nhiêu bàn tay quen và lạ. Có một người đàn ông trung niên, mặc bộ complet màu tím sang trọng cầm ly rượu đến cúi đầu chào mọi người, hướng ánh mắt ngại ngùng về phía tôi. Sao vậy? Tôi trộm nghĩ hay mình có gì thất lễ với phong tục nước bạn chăng? Vốn tiếng Khmer của tôi theo thời gian đã rơi rụng ít nhiều. Đã qua một vòng bàn tiệc, ngoảnh lại vẫn người đàn ông ấy đứng yên lặng nhìn tôi như muốn nói điều gì đó. Nhìn cách ăn mặc, tôi đoán đó là một doanh nhân người Việt. Nhưng đường nét khắc khổ trên khuôn mặt kia lại không nói lên điều đó. Cuối cùng thì anh ta cũng đứng trước mặt tôi, tấm thẻ VIP BEESINESS trên ngực người khách ghi dòng chữ: NGUYEN THANH TUNG.
– Chào Ngài!
Hai bàn tay chắp trước ngực theo phong tục người Khmer. Tôi cố nở nụ cười ngoại giao. Một khoảnh khắc lướt qua thật nhanh trong óc tôi. Chịu! Không nhận ra ai. Chỉ thấy quen quen. Bàn tay tôi lọt thỏm trong bàn tay rắn chắc, nóng ấm. Khẩu ngữ tiếng Việt lai hơi lơ lớ:
– Chào sư đoàn trưởng! Ngài trước kia là sư trưởng sư 309!?
– Vâng! Ông là….?
Mấy tốp khách lại tràn tới, lanh canh những ly rượu chân cao, ồn ào những lời chúc mừng. Tôi xin lỗi người đàn ông. Ánh mắt anh ta còn dõi theo tôi một lúc mới thôi. Cái vết sẹo trên trán trông rất quen.
Buổi trưa, nằm trong phòng khách nghỉ ngơi một tiếng rưỡi đồng hồ. Tâm trí tôi cứ loay hoay với dáng người dong dỏng cao và vết sẹo trên trán kia. Ký ức nặng nề quay về trong nhịp mạch đập nhanh vì rượu. Tôi nhớ những tháng ngày quân tình nguyện ở chiến trường K. Đó là thời điểm bọn Pôn Pốt xua quân tàn sát đồng bào ta khu vực giáp biên. Một lần lên kiểm tra chốt, đoàn công tác sư đoàn bộ bất ngờ rơi vào ổ phục kích của địch. Trong tay tôi lúc đó chỉ khoảng hai chục tay súng, mà lực lượng quân Pôn Pốt đông gấp bội. Đạn AK, cối M79 nổ lốp bốp, ùng oàng. Đã có hai chiến sĩ ngã xuống, quằn quại đau đớn trước mặt tôi. Bỗng nổi lên tiếng súng quất ràn rạt phía cánh trái, ghim vào đội hình địch. Thêm hai tiếng lựu đạn nổ giữa đám lính Pôn Pốt đang hò nhau chạy về hướng đối diện. Hỏa lực địch giảm bớt, chúng tôi tản ra nấp sau những gốc cây, ụ mối cầm cự. Không biết thời gian trôi đi bao lâu, chỉ thấy cái nắng úp chảo lửa lên đầu, trộn với mùi khói súng khét lẹt, nghẹt thở. Súng nổ dồn dập, bọn lính địch chững lại một lát, ngạc nhiên rồi hốt hoảng  bỏ chạy tán loạn. Chúng bỏ lại tụi bị thương nằm rống như bò trong những lùm cây.
– Có quân chi viện của dê 6 thủ trưởng ạ.
Trung đội trưởng vệ binh vừa lau mồ hôi trên mặt, vừa báo cáo. Một chiến sĩ khoác AK báng gấp trước ngực, đầu cuốn băng trắng, chân bước tập tễnh đứng trước bê trưởng.
– Đồng chí thuộc đơn vị nào? Bị nặng không?
– Báo cáo thủ trưởng…Mảnh lựu sượt qua trán. Chỉ tiếc cái… mũ cối anh ạ.
Tôi suýt phì cười trước sự hồn nhiên, tếu táo của cậu ta. Rồi cuộc giao ban sau hôm ấy, tác chiến sư đoàn báo cáo lại tôi mới hay. Thì ra là Tùng- một chiến sĩ trinh sát rất thông thuộc địa hình, đã khéo léo thu hút nghi binh địch, mở đường máu gọi quân chi viện kịp thời. Nhìn vết máu đỏ trên trán cậu trinh sát dũng cảm, tôi cảm thấy yêu mến chàng lính trẻ với sự hồn nhiên trước cái chết.“Em chỉ tiếc cái mũ cối…”.
Những ngày sau đó tôi có dịp biết rõ hơn về cậu trinh sát nhanh nhẹn này. Cuối tháng mười hai năm bảy tám, tôi là sư đoàn trưởng Sư đoàn 309 thuộc quân khu 5. Đơn vị vừa cùng với các lực lượng vũ trang nước bạn giải phóng vùng Đông Bắc Campuchia. Sau chiến dịch, sư đoàn củng cố tổ chức biên chế và huấn luyện bổ sung, kết hợp với chính quyền bạn truy quét tàn quân địch. Tôi vừa gấp cuốn sổ công tác lại, với tay lấy bao thuốc lá châm một điếu thì Trưởng ban tác chiến hốt hoảng bước vào. Một vụ việc nghiêm trọng.
– Báo cáo sư trưởng. Có một cô gái Khmer muốn bắt chồng.
Tôi suýt sặc khói vì buồn cười.
– Hôm nay ông mới biết phong tục ấy à?
– Vâng ạ!
Thật là…chán chết đi được. Dân vận bao nhiêu năm, từ hồi còn mặc quần bích kê gối, đeo hàm binh nhì, thế mà ông này chưa rõ về tục bắt chồng của người Khmer.
– Bên này có phong tục bắt chồng, giống phong tục người Ê Đê bên mình ấy, nhưng sau khi bắt chồng về ở rể ba năm sẽ đưa nhau về nhà chồng, còn bên mình thì con trai phải ở rể suốt đời. Con gái trưởng thành là họ có quyền yêu, ưng ai thì bắt chồng thôi. Ông cũng muốn bị bắt à?
Không hưởng ứng câu nói đùa của tôi, trưởng ban tác chiến tỏ vẻ lo lắng:
– Thì đang có một cô tới đơn vị xin bắt chồng bộ đội đây này…
Tôi giật mình.
– Quân của anh nào? Cụ thể ra sao?
Tham mưu phó sư đoàn lúc ấy mới rụt rè đứng dậy:
– Báo cáo…Phòng tham mưu, tiểu đội trưởng trinh sát Nguyễn Thanh Tùng.
– Lại là Tùng! Phải cậu trinh sát một mình cứu sư đoàn bộ không?
– Đúng ạ!
Phút chốc tôi bỗng thấy nóng mặt, bài học tao ngộ chiến đang xây dựng để rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị, và trong đầu tôi đang có ý nghĩ biểu dương cậu trinh sát này. Thế mà giờ đây đang có nguy cơ phải  đưa ra tòa án mặt trận. Quả là đáng thương thật. Nhưng công ra công, tội ra tội. Không xử lí nghiêm thì loạn hết trong đơn vị. Tôi lướt qua rất nhanh các phương án và ra lệnh:
– Cho vệ binh tạm nhốt lại. Chờ Ban chỉ huy sư đoàn họp rồi quyết định hình thức kỷ luật sau.
Không biết bằng nguồn thông tin nào, gia đình cô gái Khmer biết Tùng bị giam.  Trực ban gọi điện báo có ba người Khmer xin gặp trực tiếp sư trưởng. Dù đang rất bận, tôi vẫn phải đồng ý cho gặp. Đây cũng là cơ hội để tôi tìm hiểu kỹ những mối quan hệ giữa lính của mình và dân địa phương. Ba người dân líu ríu bước qua bậc tam cấp, cúi chào chúng tôi rồi túm tụm ở góc phòng. Chỉ chiếc ghế băng, tôi mời họ ngồi. Đây có lẽ là một gia đình. Ông bố cao lớn, da rám nâu, chiếc khăn rằn sọc đỏ buộc ngang trán. Bà mẹ tóc quăn tít, cắt ngắn ngang vai – hậu quả từ khuôn mẫu công xã Angka. Cô con gái chừng mười bảy tuổi, cái bụng bầu lùm lùm sau chiếc váy màu đen, vừa khóc sụt sịt vừa nhìn tôi cầu khẩn. Ông bố lại chắp tay, nói với tôi:
– Lục công tắc! Khơ nhâm…(Thưa ông bộ đội. Tôi…)
Cậu phiên dịch nói rằng, ông ta xin lỗi vì làm phiền bộ đội. Nhưng gia đình ông ta thương cậu Tùng lắm. Xin đơn vị đừng …bắn cậu ấy.
Hừ! Đúng là vẫn còn ảnh hưởng cách xử xự của quân Pôn Pốt. Hở ra là nói đến bắn, chém…Tôi đâu có phải là Ăng Ka của họ chứ.
– Đồng chí Tùng là quân nhân Việt Nam. Có lỗi thì chỉ huy Việt Nam giải quyết, không ảnh hưởng gì tới đồng bào cả. Gia đình về đi.
Cô gái òa khóc, lập bập mấy câu tiếng Việt:
– Chú ơi! Con xà lảnh boong Tùng lắm. Cho  phép con bắt rể Tùng đi. Chú mà bắn boong Tùng, đứa trẻ này sẽ mồ côi cha đó.
Bà mẹ cô gái tự dưng bật ra câu nói đầy chất chính trị, rằng họ rất tự hào khi có một chàng rể là quân tình nguyện Việt Nam. Sao lại cấm cản Tùng. Bộ đội nói Việt nam- Campuchia “xa-ma-khi” mà? Tôi giải thích với họ về kỷ luật chiến trường, về chín điều quy định trong khi làm nhiệm vụ quốc tế, nhưng họ có vẻ họ không hiểu và một mực đề nghị chúng tôi cho Tùng được tiếp tục đến với con gái họ. Tôi giận về hành vi của lính mình bao nhiêu thì lại càng thương gia đình cô gái bấy nhiêu. Nhìn cái bụng lùm lùm với khuôn mặt non choẹt của cô ta và ánh mắt cầu khẩn, tôi thấy xót xa. Nhưng nếu xử lý không nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu cho đơn vị. Kỷ luật chiến trường là bất khả xâm phạm. Hơn nữa, nếu chuyện này loang ra sẽ tạo cơ hội cho địch lợi dụng, tuyên truyền với dụng ý xấu về quân tình nguyện Việt Nam. Tuy nhiên, nếu là tình yêu thì làm gì có lỗi..? Tôi căng thẳng tột độ còn hơn cả trước khi bước vào trận đánh. Rất nhiều cuộc họp chớp nhoáng diễn ra trong Ban chỉ huy chỉ vì cái cậu lính giời đánh này. Và phiên họp cuối cùng,  Ban thường vụ Đảng ủy, sư đoàn ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với hạ sĩ Nguyễn Thanh Tùng.
Khoảng một tuần sau, sư đoàn rời căn cứ ở Môn Đôn Ky Ry cơ động theo quốc lộ 19 về Gia Lai để thực hiện mũi vu hồi sang mặt trận Tây Bắc. Trên đường hành quân, lại một vụ việc nghiêm trọng xảy ra: Quân nhân Tùng mất tích. Tôi lập tức cho trợ lý bảo vệ quay lại Môn Đôn Ky Ry lập hồ sơ vụ việc, nhưng thật bất ngờ, gia đình cô gái không còn ở nơi cũ. Bà con trong phum Tha La cho biết, cả nhà Charigia – tên cô gái, đã rời phum đi đâu không rõ. Chỉ biết có một anh bộ đội Việt Nam đi cùng với họ…
Chiến trường ngày càng sôi động hết trận này đến trận khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác khiến tôi không còn thời gian để nhớ đến chuyện cũ của Tùng nữa. Sau khi Bát Tam Bang được giải phóng, sư đoàn 309 chúng tôi trong đội hình mặt trận 479 tiếp tục phát triển chiến đấu trên hướng Tây Bắc Campu chia. Tôi đã được Bộ Tư Lệnh quân tình nguyện trao quyết định làm phó Tư lệnh mặt trận 479. Rời xa sư đoàn 309, tôi mang trong mình biết bao kỷ niệm về những chiến công, những hy sinh mất mát và cả câu chuyện về một người chiến sỹ vi phạm kỷ luật năm xưa…
Đất nước Campuchia đã giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, nhưng tàn quân của chúng vẫn còn lẩn trốn rải rác trong rừng chờ thời cơ phản công. Chúng tôi giúp bạn củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Một ngày mùa khô năm 1982, tôi cùng với bộ tư lệnh mặt trận 479 lập sở chỉ huy tiền phương ở dãy Đăng  Rếch để phối hợp với mặt trận 579 đánh địch theo phương án ở vùng giáp ranh. Trong khi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của lực lượng vũ trang bạn, tôi thấy có một người mặc bộ bà ba đen, vai mang súng tiểu liên AK thỉnh thoảng lại ngó tôi hồi lâu như muốn nói điều gì đó. Đến giờ nghỉ trưa anh ta dè dặt tiến về phía tôi, giọng run run:
– Báo cáo… sư trưởng… em là… Tùng đây ạ!
Tôi hoàn toàn bất ngờ khi gặp Tùng lúc đó. Tại sao cậu ta lại có mặt trong đội hình chiến đấu của mặt trận 579? Vẫn cái dáng người dong dỏng cao, vết sẹo dài trên trán nhưng khuôn mặt thì có vẻ già dặn hơn. Nghĩ đến người lính từng đào ngũ khỏi sư đoàn, cơn giận phút chốc bừng bừng làm tôi nóng mặt. Không kìm được sự bực tức, tôi đặt tay lên bao súng ngắn quát to:
– Cậu còn dám nhìn mặt tôi nữa à? Vi phạm kỷ luật quan hệ bất chính với phụ nữ, đào ngũ. Tội chồng lên tội, không thể tha thứ.
Tùng đứng run lẩy bẩy miệng lắp bắp:
– Thưa sư trưởng, em biết tội của em rồi. Em đã… lập công chuộc tội… Ngày đó, sau khi… rời sư đoàn, em xung phong nhập ngũ vào tỉnh đội Strungtreng. Bây giờ em đã là trung đội trưởng của tỉnh đội. Xin sư trưởng…à quên… xin Phó Tư Lệnh tha thứ .
– Không được! Công ra công, tội ra tội. Tôi sẽ đưa cậu ra tòa án quân sự của mặt trận để làm gương cho người khác.
Tùng ngồi gục như một cây chuối bị đốn ngang. Mái tóc quăn lòa xòa phủ xuống gương mặt thiểu não đầy nước mắt. Vừa lúc đó một đồng chí cán bộ tỉnh đội bước vào. Thì ra từ nãy tới giờ người cán bộ của bạn đã nghe hết câu chuyện giữa tôi và Tùng.  Anh nhẹ nhàng đến bên đỡ Tùng dậy, ra hiệu cho cậu ta tạm lánh ra ngoài rồi ôn tồn nói với tôi:
– Xin anh bớt giận. Trước khi Tùng gia nhập lực lượng địa phương chúng tôi, cậu ấy có khai báo tất cả. Tôi đã đồng ý để Tùng tham gia chiến đấu trong đội hình của tỉnh đội.  Qua thời gian thử thách, chúng tôi thấy Tùng chiến đấu rất dũng cảm. Đơn vị tôi rất cần những người lính như cậu ấy. Vậy mong anh tha thứ. Tôi sẽ báo cáo cấp trên và tôi xin chịu trách nhiệm…
Căn phòng bỗng chốc trở lên ngột ngạt. Ngoài sân ánh nắng chói chang như muốn thiêu đốt cả cánh rừng khộp già trơ trụi lá. Tôi đứng trước một tình huống khó xử. Để giữ nghiêm kỷ luật quân đội thì hình thức xử lý đối với Tùng đúng ra phải tước quân tịch trả về Việt Nam… Nhưng tôi day dứt vì còn vợ con cậu ta, và vì lời nói của người cán bộ bạn. Tôi chợt nhớ câu thành ngữ các cụ ngày xưa đã dạy: Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Nếu hôm nay Tùng trốn biệt luôn, thì có lẽ việc này cũng không còn đọng lại trong tâm trí của tôi nữa.
Người đàn ông có tên NGUYEN THANH TUNG có lẽ chưa muốn chia tay tôi. Sau tiếng gõ cửa dứt khoát, khuôn mặt có vết sẹo trên trán ngó vào, cùng lời xin lỗi. Trí nhớ tôi lập tức hoạt động trở lại. Đây chính là cậu tiểu đội trưởng trinh sát cũ của tôi, dù bây giờ có béo tốt hơn và mái tóc đã điểm bạc.
– Thằng Tùng! Hạ sĩ Tùng!
Tôi buột miệng nói như reo. Chỉ chờ có thế, người đàn ông lao tới ôm chầm lấy tôi.
– Vâng! Em là Tùng đây ạ. Cám ơn thủ trưởng đã nhận ra.
– Lạ nhỉ? Nghe nói cậu hi sinh rồi.
Tùng gãi đầu cười.
– Suýt thôi ạ! Số em có quý nhân phù trợ.
– Cậu có mặt trong hội nghị này với tư cách gì?
Tùng hơi nhăn mặt, rồi cố mỉm cười:
– Dạ! Cả hai ạ! Cựu chiến binh sư đoàn và Doanh nhân thành đạt ở Phnom Penh.
Tôi băn khoăn không biết có nên tin tay trinh sát lẻo mép này không. Khi tôi ngỏ ý muốn đến thăm nhà Tùng, cậu ta lại reo lên:
– Em cũng đang định xin phép mời thủ trưởng.
– Thôi! Tớ về hưu rồi, tướng tá gì nữa mà cứ thủ trưởng, thủ trưởng.
Cuối giờ chiều, chúng tôi xin phép rời bàn tiệc. Tùng vui vẻ khoác tay tôi bước ra tiền sảnh. Một chiếc Mecsedec láng coóng đang chờ sẵn. Người lái xe cung kính bước ra mở cửa. Tùng nói một tràng tiếng Khmer rồi quay sang tôi, giọng lễ phép:
– Em mời thủ trưởng ghé qua nhà.
Mới đó mà đã gần ba mươi năm. Cảnh vật hai bên đường loang loáng hiện ra trước mắt. Thành phố Phnom Penh về đêm rực rỡ như một nàng vũ nữ Apsara huyền diệu. Xe cộ hòa trong dòng người đông đúc náo nhiệt. Không còn gì là dấu tích của khói lửa và máu của những tháng ngày giúp bạn thoát họa diệt chủng của Pôn Pốt. Tùng luôn miệng trò chuyện về những kỷ niệm chiến đấu năm xưa và giới thiệu những thắng cảnh ở thủ đô nước bạn. Công ty của Tùng nằm bề thế trên đại lộ Catina sầm uất. Thì ra cậu ta đã trở thành một ông chủ kinh doanh lữ hành nổi tiếng ở Campuchia từ lâu mà tôi không hay. Mặc dù biết tôi vừa rời tiệc nhưng Tùng vẫn dọn lên bàn hai món ăn đặc sản quê nhà. Thịt gà luộc rắc lá chanh thái mỏng. Canh rau sắn chua nấu cá trê. Một chai rượu trắng nút lá chuối.
– Rượu làng Vân đấy thủ trưởng ạ. Có khách quý bên nhà sang em mới đem ra. Còn rượu Henneyssi thì chỉ đám trưởng giả họ thích thôi.
Một phụ nữ trung niên búi tóc cao, lộ khuôn mặt tròn phúc hậu. Cô ta vén bộ xà rông hoa văn tinh xảo ý tứ bước ra, rót đầy hai ly rượu, khép nép ngồi bên Tùng, giọng nhỏ nhẹ:
– Thưa chú, hôm nay vợ chồng con rất hân hạnh được chú ghé thăm. Con rất vui và biết ơn chú.
– Cám ơn bà chủ nhà. Không biết cô là người Việt hay Khmer đây?
Tùng ép tôi uống hết li rượu, khà một tiếng. Gắp cái mồng gà vàng ươm đặt vào bát khách.
– Đây là vợ em. Cô Charigia ngày trước đó ạ.
– Ồ xin chào Charigia. Cô nói tiếng Việt giỏi quá. Nhắc lại chuyện cũ để sống tốt hơn nhé. Nào chúng ta uống mừng cuộc hội ngộ hôm nay. Nhưng phải rót rượu cho cô nữa chứ?
– Xin mời thủ trưởng. Kính chúc thủ trưởng sức khỏe…
Tôi lâng lâng trong không khí gia đình thật ấm cúng, thân thương. Vợ chồng Charigia liên tục gắp thức ăn cho tôi. Căn phòng rộn rã tiếng nói cười. Nhưng mắt Charigia ngấn lệ. Cô kể vợ chồng có hai đứa con, một trai một gái.
– Cháu trai đầu đang làm nghiên cứu sinh ngành lịch sử văn hóa dân tộc. Là cái thằng năm ấy cháu mang bụng bầu đến ăn vạ đơn vị chú đấy ạ. Còn cháu gái đang học phổ thông ở Phnom Penh.
Nhìn tấm ảnh gia đình phóng to treo trên tường, tôi thấy hai đứa trẻ đều giống mẹ nét mặt thanh tú, nhanh nhẹn. Cậu này giỏi. Cứ tưởng nó “thân bại danh liệt” không ngóc đầu lên được nữa.
Đêm mênh mông ánh đèn huyền ảo, vừa quen, vừa lạ. Chập chờn trong cơn mơ ngủ, tôi thấy xung quanh tràn ngập một màu nắng chói chang của kỉ niệm. Đâu đó bỗng vang lên bài ca quen thuộc. “Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ…”. Chiến tranh đã qua đi với bao chuyện buồn vui, bao nỗi niềm vinh quang và cay đắng. Những người lính trở về sau cuộc chiến, với bao nhiêu số phận. Có mấy ai được may mắn như người lính trinh sát cũ của tôi – Hạ sỹ Nguyễn Thanh Tùng.
8/11/2023
Phạm Văn Đảng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...