Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Nghe "Một mùa hè dưới bóng cây" hát thơm mấy cơn mưa

Nghe "Một mùa hè dưới bóng cây"
hát thơm mấy cơn mưa

Nhận được tập truyện “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế, chưa kịp đọc kỹ, đêm mưa bỗng nghe từ tập truyện ấy vọng ra tiếng hát ấm lạnh lạ lùng, mỗi truyện ngắn trong tập này là một bài hát, nhưng dù về mênh mông thế giới, rộng lớn biển trời, sâu thẳm của mọi khúc ca ấy là “Thân phận con người trước mọi thử thách.!…”. Rồi không đọc nữa để ba đêm lắng nghe, chép lại ba khúc ca lạ lùng, từ cuốn sách này, sau khi bật cười bỗng phải khóc lặng lẽ.
1. Khúc ca của giọng Nam trầm kể về những truyện ngắn có sự giao thoa tuyệt đẹp bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn.
Đây là khúc ca kéo dài nhất, hát về số lượng truyện ngắn lớn nhất, so với hai khúc ca tiếp theo, được hát bằng giọng Nam trung và Nam cao không kém phần quyến rũ.
Khúc ca này chọn đêm mưa to nhất mà thầm thì về các tác phẩm “Lời hẹn mùa hoa cũ”; “Mùa hoa bạc hà chưa hết ở sơn nguyên”; “Chỉ còn cây và nắng”; “Trái hồng xanh trên tay”; “Đám cưới hoa dong riềng”; “Mặt người khác”; “Chuyến buýt 16h30”; “Đào phai theo dấu khói”; “Hoa trắng rụng dòng trong”; “Bóng những tàn hoa lau”.v.v…
Trong khúc hát kì lạ này, bè trầm là bút pháp hiện thực, với các nhân vật ở đủ nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính với bao oái oăm, éo le với những thử thách nghiệt ngã. Đó là nhân vật Mí Chạ trong “Lời hẹn mùa hoa cũ”, anh ta đau lòng đứt ruột khi phải bán đi cún con – chú cún thuộc dòng chó của người H’Mongz vừa tinh khôn vừa trung thành:
“…Thì cũng lúc gã thấy Mí Chạ kẹp chai rượu rỗng, ngồi dựa tường đất. Mặt lấm lem, mắt ngầu đỏ.
– Tao nhớ con chó. Cho tao ngắng nó lần nữa để tao về núi đây…
Sững sờ, thật sự gã đâu muốn mua con chó của Mí Chạ. Biết Mí Chạ quý nó đến thế thì đâu gã nỡ tước đi miền vui của lão. Hành trình của gã còn dài chặng. Xuôi Hà Giang xong sẽ vòng Sa Pa, sang Lai Châu, Điện Biên nữa. Tha lôi cún thế nào đây. Giằng co…” (Trang 15)
Đó là số phận nghiệt ngã của cô gái H’Mongz có tên gọi “Thuốc Lào”, cô gái làm một nghề mà rất ít cô gái dám làm: Xe ôm…
Truyện ngắn “Đào phai theo dấu khói” đề cập đến nạn phá rừng vì thú chơi trọc phú của con người, và từ sự hủy hoại mới sinh đến sự tha hóa của con người. Ba nhân vật chính Thợ Cây, Ông già bon sai có biệt danh Chaly, gã trọc bụng phưỡn có cái rốn khổng lồ – Chỉ ba nhân vật đã tạo thành một thế giới thu nhỏ, xung đột lúc như sóng trên bề mặt, lúc như sóng ở đáy sông. Giữa bao đổ nát lương tâm ấy, chúng ta vẫn còn chút hi vọng dù là mong manh:
“Hai ngày bám đường mòn Thợ cây gặp dấu Chaly lưng núi mây. Trại hoa đào rừng, nơi Chaly duy dưỡng bon sai. Căn lều vương hương củi thông, mái thân trúc óng lợp thêm cỏ gianh, lủng lẳng bồ hóng bám đầu lạt buộc như ngọn rong đuôi chó. Món chè Đào lệ hoa còn ấm trong nồi treo lửng trên bếp lửa tàn. Thứ lệ đào hổ phách, vỏ cứng, ruột quánh, vừa mới gỡ ra khuyết nhựa. Tinh huyết đào ôm ấp hạt sồi rang nâu sồng. Lù xù quanh trại hàng café arabica lẫn thân chè shan cao ngẳng, đeo bám loăn xoăn từng chùm quả củ mài ba cánh như chong chóng, quay quay.
Mũ chỏm long ngoắc chày giã góc lều, áo ghi – lê treo liếp ván. Rương đinh tán khóa im. Lần theo sơ đồ định vị những câu đào cổ đang đưỡng những phôi rễ bonsai. Thợ cây chỉ thấy trồi mặt đá rải dày lá trúc quân tử sáng bạc lắc thắc cách đào quăn như máu chưa kịp khô. Lẽ nào cả rừng đào phai được các thiền sư Trúc Lâm gieo hạt cùng ông lão tay chơi quyền anh hạng ruồi đã thành sương theo dấu khói…” (Trang 242)
Nhưng đau đớn và ám ảnh nhất là số phận bi kịch của nhân vật chị Như Chị lên đơn vị thăm chồng sắp cưới, đại đội trưởng Thái Hưng vừa gặp đã tạm biệt vợ để ra trận địa, tiếng bộc phá rung chuyển mặt đất, tìm nhặt mãi, người đại đội trưởng đẹp trai chỉ còn lại vài kg lổn nhổn trong chiếc xô quân dụng.
Buốt như một lưỡi dao lam cứa vào trái tim người đọc là cái chết oan ức của cu Nhỡ – chàng trai tốt bụng, đáng yêu trong tác phẩm “Một mùa hè dưới bóng cây”.v.v… Bút pháp hiện thực tạo ra bè trầm trong các truyện ngắn kể trên với sự xù xì thô nhám của chất liệu đời sống nhiều mồ hôi nước mắt, và đôi khi thấm cả máu. Nó phơi bày hiện thực cuộc sống trong cái nhìn trần trụi, không tô vẽ. Nhưng điều kỳ diệu của các truyện ngắn này là có buồn đau nhưng không bi lụy. Luôn có ánh sáng thầm lặng làm nên sức sống lạc quan cho các nhân vật. Ánh sáng ấy tụ lại trong bút pháp lãng mạn, nằm ở bè cao của khúc hát thứ nhất này. Sự song hành – giao thoa hai âm điệu ấy với những tỉ lệ khác nhau, đã đem lại cho các truyện ngắn này vẻ đẹp vừa đau đớn vừa quyến rũ kì diệu.
Bìa tập truyện “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế
Này đây với mùa hè dưới bóng cây; “Tưởng người ta đến bắt, cu Nhỡ hốt hoảng cắm xuống vực liệng liệng như con mực một nắng. Chỉ thấy sóng nhòa váng đỏ sủi bọt bềnh bồng một lát rồi lại xanh yên. Y như con cá heo nhiễu loạn sóng âm tự tần đâm vào đá ngầm. Bóng đêm nơi tầng đáy san hô từ từ nhoi lên chuyển mặt biển xanh lam thành tím sẫm rùng rình” (Trang 322)
Với truyện ngắn “Mùa hè dưới bóng cây”, dù Cu Nhỡ đã chết oan ức nhưng lòng tốt, sức sống tiềm tàng của Cu Vược, của những người dân xóm Chài ấy đã thắp lên ngọn lửa khỏe khoắn trong bóng đêm. Ngọn lửa như bàn tay ấm, lau nước mắt cho chúng ta trước những nghiệt ngã, trớ trêu của số phận. Để trong nắng rát bỏng của mùa hè, chúng ta tìm được bóng cây mát lành.
Còn với truyện ngắn “Bóng những tàn hoa lau”, bi kịch của chiến tranh tàn khốc hơn kiểu bi kịch thế sự – Đời tư, đặc biệt là với thân phận người phụ nữ như chị Như, chồng chưa cưới, đã hi sinh ở lại chiến trường xưa không về Hà Nội, sống bằng nghề làm đệm, làm gối từ bông lau. Bao xót ca trào dâng khi hình ảnh chị Như đối sánh với những hình ảnh những tàn hoa Lau phất phơ trước gió biên thùy. Nhưng tình đồng chí, đồng đội và căn nhà tình nghĩa kia (dù chị không thích ở đó) vẫn như một “điểm tựa” cho chị, cho chúng ta với bốn chữ “Tình Nghĩa Sắt Son”:
“Ba gian nhà tập thể cũ. Phất phơ áo quần cũ trên dây phơi thép gỉ, và con cúi độn tóc lủng lẳng như xác rắn héo. Lững thững, lạc ngàn. Trước mắt tôi rừng cũ hoen mưa nhuốm một sắc hoa lau ngả bóng tàn giữa đào phai” (Trang 310)
Cốt truyện trong “Lời hẹn mùa hoa cũ” thật đơn giản, xoay quanh việc mua bán một con chó cún, nhưng với sự am hiểu sâu sắc văn hóa H’Mongz, tâm hồn người H’Mongz, tác giả đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến thích thú khác. Khi nhân vật Mí Chạ ngồi suốt đêm ngoài cửa phòng để gặp lại Cún con đã bán cho nhân vật “Gã”. Cuộc hội ngộ mừng rỡ giữa chủ và chó, cùng việc hai ông cháu Mí Chạ đi tìm “Gã” suốt một năm sau, để thực hiện lời hứa khiến người đọc rưng rưng bởi cái đẹp, cái thiện vẫn âm thầm tồn tại, tỏa sáng trong những hoàn cảnh lam lũ, khắc nghiệt.
Một trong những truyện ngắn hay nhất của tập truyện là “Mùa hoa bạc hà chưa hết ở sơn nguyên”. Nhân vật chính của truyện là cô gái H’Mongz có cái tên ngồ ngộ “Thuốc Lào” với một chiếc xe Minsk làm phương tiện hành nghề xe ôm, một đứa con còn đang bú mẹ  để lo lắng, thương yêu, với hành trình làm xe ôm cho nhân vật “Hắn” với bao tình tiết bi hài, với tính cách cứng rắn mà tình nghĩa, sòng phẳng đến cực đoan, cô gái ấy như một tứ thơ lạ lùng chợt ngân lên trong đói nghèo, giữa đá núi và giá rét vùng cực Bắc. “Đôi mắt một mí long lanh nhìn hắn ươn ướt. Ngồi sau, dù bị thử thách cảm giác, hắn vẫn phải ôm chặt chiếc eo son trẻ (…) Hầy a…a… tiếng kêu hoang dại lẫn tan trong gió đòn càn. Màu núi, màu hoa bạc hà lướt trôi trong mùi sữa mùi mật mùi ngải hoang”. Rất nhiều tác phẩm trong tập truyện này là những “phiên bản” tuyệt vời của Du kí, gắn với những chuyến đi với khát khao khám phá thế giới và chính mình của nhân vật trung tâm. Với đặc điểm ấy, truyện ngắn “Mùa hoa bạc hà chưa hết ở sơn nguyên” là một “phiên bản” lạ, đẹp, đầy sáng tạo của thể loại Du kí – một thể loại mà nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã rất yêu thích và thành công.
Có thể nói ở khúc ca thứ nhất này, bút pháp hiện thực là “sợi dây” nối cánh diều tác phẩm với mặt đất – những phạm vi hiện thực được khai thác, phản ánh với bao xung đột nghệ thuật. Để rồi bút pháp lãng mạn là gió, là nắng đưa “cánh diều” bay lên “bầu trời” Chân Thiện Mĩ kì diệu.
Trong khúc ca này (và ở hai khúc ca sau cũng thế), ca từ là ngôn ngữ tinh tế sống động, giàu tính tạo hình và tính nhạc, vận dụng linh hoạt biện pháp lạ hóa và các thủ pháp chuyển nghĩa tài tình – thứ ngôn ngữ “Mật ong” được tạo ra bởi rất nhiều “phấn hoa” sắc thái thẩm mĩ đa dạng, phong phú đến không ngờ. Giai điệu của các khúc ca ấy là tổ hợp giọng điệu nghệ thuật mang tính đa thanh – Các giọng điệu bình đẳng và luôn đối thoại cùng nhau ở bề sâu ngôn từ nghệ thuật.
2. Khúc ca thứ hai của giọng nam trung hát về những truyện ngắn sử dụng bút pháp trào phúng trong tập truyện này.
Một tác phẩm trào phúng bao giờ cũng xây dựng nhân vật trào phúng trong tình huống trào phúng, xung đột trào phúng, với phương tiện nghệ thuật là ngôn ngữ – giọng điệu trào phúng. Có một số tác phẩm trong tập truyện “Một mùa hè dưới bóng cây” đã mang những đặc điểm kể trên, để rồi bằng tiếng cười châm biếm mà tống tiễn cái xấu, cái lỗi thời ra “nghĩa địa” một cách vui vẻ. Đó là truyện ngắn “Quầng tối dưới thông phong” – Một nhan đề có tính tượng trưng: – Lửa đèn dầu cháy sáng trong thông phong, nhưng ngay dưới nó có những quầng tối không mấy ai để ý. Cuộc sống quanh ta cũng thế!
Truyện ngắn trào phúng này tập trung phản ánh một xung đột lớn; – xung đột giữ bốn chi dành quyền trưởng họ của Thống tộc. Xung đột ấy được triển khai qua hai sự kiện được miêu tả bằng bút pháp trào phúng: – Sự kiện họp người đứng đầu bốn Chi họ Thống để bầu trưởng họ mới; sự kiện tranh cướp đồ thờ tự cùng “xác” nhà thờ Tổ khi hạ giải vì nằm trong vùng quy hoạch. Đặc biệt xung đột có tính trào phúng kể trên được thể hiện qua bốn bức chân dung biếm họa, được xây dựng bằng thủ pháp cường điệu nhằm lố bịch hóa; – Đó là chân dung cụ Thống Đại – cựu Trưởng tộc tuổi 90 tiếc nuối hào quang quá khứ sắp bị tước đoạt ngay trong cuộc họp họ này; Thống Thượng cựu tướng công binh tướng mạo Hà Mã, quân phục đeo đầy huân huy chương, câu cửa miệng là “Tương cho nó quả bộc phá năm lạng cho tao”; Thống Chung là tiến sĩ chuyên tạo khuôn mẫu bệ xí ở Nga, có “mặt bánh rán năm hào”. Có Slogan gắn với chuyên môn: “Gạt nước mười quả bóng bàn trôi tuột thì mới chuẩn”; Thống Hạ có tướng mạo tiểu nhân, vừa tham vừa hèn, câu cửa miệng của ông ta là: “Mày có gì cho tao không?”
Bốn bức chân dung biếm họa ấy lần lượt được “vẽ” dần cho hoàn chỉnh bằng loạt chi tiết nghệ thuật đắt giá. Với Thống Thượng đó là chi tiết hắn lăn đùng trước bàn thờ Tổ, giãy đành đạch giả vờ bị vong tổ tiên nhập vào, hay chi tiết Thống Thượng ăn tiết canh rất thô tục, tiết canh nhuộm đỏ râu, tay bôi tiết canh đỏ cả huân huy chương…:
“Đợi Thống Thượng vừa ngoảnh đi, đám đông chi Thống hạ ẩn nấp ngoài tường rào hằm hè xông vào trung cung mạnh ai nấy vơ nào đỉnh đồng, câu đối, đèn dầu, quạt trần, công tắc điện, mẫm gỗ, mâm đồng, chân nến, đĩa bát, chiếu, màn. Kẻ có người không. Tranh cướp đồ không được, chúng quay sang bóp dái, véo ngực, giật tóc đối phương cho phải nhè ra đồ mới thôi. Hai trai nhỡ, một là tóc hoe, kéo co tấm câu đối, Chẳng đứa nào chịu lún. Tóc hoe má phính điên tiết lấy rìu định bổ tấm câu đối sơn son  ra làm hai mảnh… Phôi gỗ mít vôi, thớ xoắn vặn, kiệt khí cả mấy trăm năm đã đẩy ngược lười rìu văng vào ống chân thằng nọ, Máu vọt tia cầu vồng như cắt tiết gà…” (Trang 85)
Thông qua xung đột, nhân vật, chi tiết nghệ thuật có tính trào phúng, tác phẩm chua xót phản ánh sự xuống cấp về văn hóa, tha hóa nhân cách con người vì danh và tiền ở những nơi tưởng linh thiêng nhất, với một số người tưởng đáng kính trọng nhất. Tiếng cười trong tác phẩm vỡ ra thành những mảnh nước mắt!
Cùng nằm trong “mạch” trào phúng này còn có truyện ngắn “Nằm dưới hoa mộc miên”. Thủ pháp tương phản kết hợp với cường điệu đã tô đậm thêm sắc thái trào phúng vốn thâm trầm cho tác phẩm: – 108 cây mộc miên được cha ông trồng nhằm tạo phong thủy tốt cho làng, đã bị chặt 107 cây, sót một cây rỗng ruột không thèm chặt, và đó là “công” là tội của lão Quắm. Giờ cây mộc miên sót lại ấy được xin phong tặng là Cây Di sản. Ai cũng bảo cây thiêng! Thực chất với lão Quắm, cây tồn tại bởi cho lão hai lợi ích: – Cung cấp tầm gửi mộc miên bán ra tiền; nơi khuất giữa hai nhánh cây là “căn phòng bí mật” cho lão Quắm hành lạc với bao nhân tình. Sự ranh ma quỷ quyệt của lão Quắm, lòng tham của gã buôn gỗ với bao mưu ma trước quỷ khi đứng trước cây mộc miên cuối cùng của làng, khiến người đọc rùng mình: – Ở làng quê ấy, văn hóa và lòng người tha hóa đến như vậy sao? Cái chết của lão Quắm ở cuối tác phẩm là minh chứng cho sự trả giá, cùng lòng sám hối muộn màng của con người để khi dục vọng chiến thắng lương tri ấy. Phụ họa cho chân dung biếm họa lão Quắm là ba nhân vật phụ- ba bức vẽ sử dụng thủ pháp vẽ chấm phá của tranh Thủy mặc phương Đông với vài nét sơ lược mà chụp đúng cái thần của đối tượng cần khắc họa: – Gã buôn gỗ; Tay săn ảnh; Người đàn bà có lông mày cạo nhẵn, xăm đen như 2 con rết sắp lao vào cắn nhau. Ngôn ngữ và giọng điệu mỉa mai, châm biếm tạo ra những tiếng cười trào phúng sắc hơn dao:
“ Xăm lông mày, khăn bịt miệng chẳng biết nôn khan hay là khóc.
“Ôi đấng cao dày ơi… hái tầm gửi nữa làm chi để chết xác cũng biến thành tầm gửi lửng lơ cha ơi…”[trang 97].
3. Khúc hát thứ 3 của giọng nam cao hát về những tác phẩm được sáng tác bằng bút pháp huyền ảo – kinh dị.
Bút pháp huyền ảo – kinh dị trong truyện ngắn “Có một ai trong bóng tối nhìn tôi’ có sức lay động, ám gợi mạnh mẽ tới bạn đọc.
Với không gian ngôi nhà vắng chủ ven biển hoang lạnh, chi tiết nghệ thuật thu hút sự chú ý, rồi cảm giác lo sợ là bàn thờ gỗ xoan bôi dầu điều. Vỏ non sữa bột han rỉ sắt chân nhang lùa cứng, tấm vải đỏ che bài vị lấm tấm cứt rơi [trang 99], trên đó có hai tấm ảnh của hai anh em song sinh bị úp mặt xuống bàn thờ, thời gian đêm tối khiến cho khung cảnh thêm huyền hoặc. Kịch tính dâng cao khi hai hồn ma kia (một là quân giải phóng, một là lính của Việt Nam cộng hòa) hiện về nhờ họa sĩ vẽ cho hai bức chân dung, bởi có người thân làm cán bộ xã không cho phép thờ người lính ngụy trên bàn thờ. Với người mẹ đáng thương kia, đứa con nào ngã xuống trái tim mẹ chẳng chảy máu dù nó khoác áo “bên này” hay “bên kia” ?! Bút pháp huyền ảo – kinh dị đã khiến người đọc phải rùng mình thêm lần nữa bởi mùi xương người cháy bốc lên trong bếp:
“- Mạ anh hôm nay hẳn cũng đi vắng? – vầng, đi vắng hắn ở thế giới người sống. Mạ đang lạc lối đi tìm anh em tôi dưới cõi âm. Tôi ngó thấy mạ, nhưng mạ không thấy chúng tôi”.
Bỗng anh ta nhảy dựng, nhao ra cửa, ho sặc sụa. Cơn ho thốc lên, xoắn vặn cuống họng.
– Có mùi xương cháy. Xương người cháy [trang 103],
Bằng bút pháp huyền áo – kinh dị, bức tranh hiện thực được soi chiếu, khám phá ở những chiều kích khác. Nó không chỉ đem lại hiệu quả “lạ hóa” cho thế giới nghệ thuật được miêu tả mà còn khám phá hiện thực ở những tầng bậc sâu thẳm hơn, nơi yếu tố tâm linh hiện hữu. Bằng hiệu quả nghệ thuật đặc sắc này, nỗi đau Hậu chiến được lý giải, phản ánh sâu sắc hơn và cũng đau đớn hơn.
Bút pháp huyền ảo trong truyện ngắn “Người tình Celadon” đưa chúng ta vào một thế giới chập chờn, song hành giữa con người và cổ vật ám ảnh khi đọc:
“Chờ đợi chủ nhà cho tường dung nhan chiếc bình tỳ bà, hậu của các bà hoàng Celadon thời Lý, chị cố thủ trong ghế bành màu rượu chát, ngắm thêm lần nữa chiếc đĩa Tống, trước khi từ biệt nó. Cổ vật, không đơn giản là gỗ gốm sứ ngọc vàng kim cương, nó chìm trong máu lửa vẫn giữ được dáng hình, danh phận. Nghiêng ánh lò sưởi dội lên từng nét cánh mẫu đơn, mỗi khúc vặn hoa văn thừng sáng bừng tan chảy thành dòng xâm lấn xuống hai chân đang râm ran hơi ấm. Khói nến hương trầm quyện hơi rượu lẩn mùi thuốc hồng hoang của những món đồ cổ mang dấu thời gian đằng đằng, chị ngỡ mình đang tham gia buổi hiến tế giữa đá ong và nâu trầm gỗ dái ngựa.” (Trang 418)
“Nửa bên trái của khuôn mặt” khiến tôi ám ảnh.  Trong truyện ngắn này, nhân vật Nàng chỉ yêu thích ngắm nhìn nửa bên trái của gương mặt Gã. Một câu hỏi được đặt ra: – Tại sao lại cứ phải mặt bên trái? Đến tận cuối tác phẩm này mới hé lộ một sự thật lạ lùng: – mặt bên trái của anh rất đẹp. Mặt bên phải của anh rất xấu: – Trần trụi và thô lỗ. Gương mặt ấy xuất hiện như một biểu tượng nghệ thuật cho tính hai mặt của nhân cách con người. Riêng với truyện ngắn “Mưa trong cửa sổ trời” bút pháp huyền ảo đã xáo trộn thời gian, đồng hiện không gian, đồng hóa ảo và thực để rồi cuối cùng kín đáo gửi gắm một thông điệp nghệ thuật: – Có cái tất yếu nhưng ít ỏi và mờ xa lắm. Đôi khi sự ngẫu nhiên, may rủi có lí và phi lý làm nên thân phận của chúng ta. Chúng ta làm chủ được bao nhiêu phần trăm trong số phận của mình?!
Cả một seriss truyện lấy gương mặt người làm biểu tượng khám phá, ngoài “Nửa bên trái của khuôn mặt” chúng ta còn chứng  “Thấy lại mặt người”, “Mặt người khác”, “Dưới mặt người” với nhiều tầng vỉa hàm ngôn không kém phần đặc sắc.
Mưa đêm tạnh thì tiếng hát dừng, tôi rụt rè trò chuyện cùng cuốn sách:
– Sách vừa hát đến ba khúc ca, giai điệu đẹp, ca từ chau chuốt, tinh tế và sang trọng, vậy nói đến tận cùng chủ đề của ba khúc ca ấy là gì?
– Thân phận con người!
– Nghe kĩ thì thấy có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa một số vùng miền, nghệ thuật ẩm thực, tâm lí phụ nữ…., sách học ở đâu mà giỏi thế?
– Học từ nhà văn viết sách ấy!
– Nghe nói nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế dành tới gần 20 năm để viết, chỉnh sửa cuốn sách này. Vì sao phải cần đến gần 20 năm?
– Vì hai lẽ: – Thứ nhất rượu hạ thổ càng lâu càng ngon. Đồ cổ càng lâu năm càng quý; Thứ hai nhà văn này không mắc bệnh háo danh, ăn xổi. Đích viết của ông nhằm tới là vì ý nghĩa trường phát của văn chương, một lý do tối thượng để nó song hành với đời sống con người.
– Hình như phần lớn tác phẩm trong tập truyện này phảng phất bóng dáng của Du kí – một thể loại mà nhà văn này đã rất thành công với cuốn “Đợi chị về tưới rượu bến sông”?
– Cũng có thể nói như thế! Nhưng quan trọng hơn, văn là đời, có ai ngồi im không giao tiếp, không đi lại, gặp gỡ, yêu thương hoặc căm ghét, gắn bó hoặc xung đột, để từ đó mới sáng lên cái điều nhà văn muốn nói? Ngay cả khi anh (chị) không bước chân ra khỏi nhà thì vẫn đang “Đi” trong tư tưởng, trong tưởng tượng…
Cuốn sách quay lại hỏi tôi có chút kiên bạc.
– Anh là nhà phê bình văn học đang viết bài về tôi?
– Không. Tôi chỉ nghe sách hát rồi ghi chép lại, đôi khi bình phẩm tí chút mà thôi…
– Nên thế, tác phẩm hay là cấu trúc Động và Mở, có nhiều tầng nghĩa hàm ẩn, nhiều khoảng trống chờ người đọc, đầy sáng tạo. Đừng bao giờ xác quyết như chân lý đang nằm sẵn trong túi các vị ấy…
– Nếu vậy, nhà phê bình văn học như nhà thám hiểm, vẽ lại vùng đất mình khám phá theo cảm nhận hạn hẹp của riêng mình?!
– Cũng phải, mỗi tác phẩm hay là một biển khơi đang vỗ sóng, dưới đáy sâu giấu bao bí mật, các anh cũng chỉ múc được vài gáo nước rồi từ đó nói về đại dương…
Ban đầu tôi hơi bực vì cái mặt kiêu kiêu của cuốn sách, rồi ngẫm nghĩ thì thấy sách nói cũng phải, đặt tay rồi chạm ngực vào các trang văn phập phồng nổi sóng ấy., thấy gió lịch sử thổi lộng, các thân phận con người cần cù và dũng cảm, khổ đau và hy vọng đang vịn vào câu chữ đi tới ước mơ của mình. Vẫn cứ đi qua mồ hôi, nước mắt, đôi khi cả máu mà chẳng biết có đến được không?!
Gấp cuốn sách lại, những cơn mưa trong câu chữ bay lên bầu trời, mưa dữ dội hay thơ mộng, chân thật hay Liêu trai đều mặn chát.
28/10/2023
Nguyễn Đức Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...