Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Cúc họa mi ơi, một mùa đông nữa lại về

Cúc họa mi ơi, một
mùa đông nữa lại về

Đầu đông, thời tiết khô và hanh hao hơn. Từng đợt gió giao mùa nhè nhẹ thổi, mang theo cái lạnh dịu dàng mơn man da thịt. Trên đường phố, các cô gái đã quàng lên cổ những tấm khăn mỏng sặc sỡ sắc màu. Trời nhẹ và cao xanh vời vợi.
Sáng nay đi làm, mẹ nhắc tôi mặc thêm áo khoác. Khi ngang qua cánh đồng cuối xóm, tôi chợt sững người trước bạt ngàn sắc trắng của một loài hoa nhỏ bé, mỏng manh mà tôi vô cùng yêu thích. Cúc họa mi! Thì ra, khi những giọt nắng vàng ươm chuyển dần sang màu mỡ gà, khi những cơn gió lạnh đầu đông se se tràn về, cũng là lúc cúc họa mi cựa mình vào mùa nở rộ.
Tác giả Nguyễn Ánh Nguyệt họ tên đầy đủ Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, sinh năm 1977, hiện là Biên tập viên Tạp chí Cửa Biển thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng; đã xuất bản tập thơ “Trăng”, NXB Hải Phòng, 2023 và được trao Giải Khuyến khích cuộc thi Thơ do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức năm 2014 với bài thơ “Giấc mơ Thị Màu”, Giải Nhì (không có Giải Nhất) do Cung VHLĐHN Việt Tiệp tổ chức năm 2015 với bài thơ “Hồn làng”.
Cúc họa mi (tên tiếng anh là daisy), loài hoa trước đây thường mọc dại ở những nơi hoang dã như đồi núi, cánh đồng, triền đê…, nhưng giờ thì người ta đã chủ động trồng khắp nơi để làm dịch vụ chụp ảnh, check-in cho chị em mỗi khi đông về. Cúc họa mi còn được biết đến với cái tên băng giá – “hoa báo đông” – bởi lẽ cúc họa mi bắt đầu nở vào lúc chớm đông với vòng đời hoa khá ngắn ngủi, chỉ kéo dài 2 đến 3 tuần. Thân cúc nhỏ bé nhưng tràn đầy sức sống và sự dẻo dai, có khả năng phân nhánh mạnh, nhánh mọc nhiều mà không gây rối mắt. Lá xẻ thùy, đầu lá nhọn, có màu xanh và bề mặt hơi nhám. Các chồi non, chồi hoa mọc ra từ nách lá. Giữa muôn vàn sắc màu rực rỡ của hoa hướng dương, mimosa, tam giác mạch…, cúc họa mi chọn cho mình nét đẹp riêng thật tinh khôi, thanh khiết. Những cánh hoa nhỏ trắng muốt xếp sát nhau quanh nhị xanh, nhị vàng, tượng trưng cho tình yêu thầm lặng, mong manh và tha thiết.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa cúc họa mi nở rộ là mẹ lại mua thật nhiều hoa cúc tươi về phơi khô, cho vào lọ rồi pha uống dần vào buổi sáng sớm. Ông ngoại làm Đông y, tuy không theo nghề của ông, nhưng mẹ rất am hiểu về các loại thảo dược. Mẹ bảo trà hoa cúc có giá trị chữa bệnh về tâm thần, làm dịu tâm trạng và giúp giãn cơ. Vì có tính an thần nhẹ nên loại trà này cũng là một biện pháp giúp khắc phục chứng mất ngủ. Uống trà hoa cúc hằng ngày còn có thể làm giảm đường huyết và các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Tôi vừa chạy xe chầm chậm vừa thả hồn trong sắc trắng ám ảnh của cúc họa mi. Nắng hoe hoe vàng, gió se se lạnh. Hương hoa dịu êm quyện với hơi sương phủ lên không khí mùi hương ngai ngái. Đã lác đác có vài chị em xúng xính áo khăn đến đây chụp ảnh. Mua hoa xong, tôi nhờ chị chủ vườn bấm cho vài kiểu ảnh làm kỉ niệm. Chị bảo check-in lúc này đẹp nhất, hoa vừa bung sắc, cả vườn ngập tràn sắc trắng. Vài hôm nữa, khách đến chụp đông, có người không ý thức dẫm đạp lên hoa, hoa hỏng và lụi đi nhiều lắm.
Tôi nhìn những cánh hoa mỏng manh, yếu đuối, thấy lòng trào lên một nỗi bâng khuâng. Ngày trẻ, tôi và người ấy cũng từng đến đây, từng ngắm hoa và nói với nhau bao lời hò hẹn. Giờ, người ấy đã khuất xa tận cuối chân trời, chỉ còn những cánh hoa mỏng manh thả nỗi nhớ thương vào trong gió lạnh…
Cúc họa mi ơi, đất trời vừa thay áo mới, một mùa đông nữa lại về…
28/10/2023
Nguyễn Ánh Nguyệt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...