Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Đỗ Thành Đồng lương y của nhân tình

Đỗ Thành Đồng lương y của nhân tình

Cầm trên tay tập thơ lục bát vỏn vẹn 39 bài, đề tựa “Tình nhân” của  Đỗ Thành Đồng, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, tôi nhận ra một sự ngẫu nhiên thú vị: Anh khởi viết trong “ngày lễ tình nhân” 14 tháng 2 năm 2022, chưa đầy một năm đứa con tinh thần thứ 7 của anh đã ra đời.
Đỗ Thành Đồng, sinh năm 1964 tại làng Thổ Ngọa, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, nay là phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn. Anh là một trong số ít những “cây thơ” chuyển hướng sáng tác mạnh mẽ nhất đến thời điểm này ở Quảng Bình.
Thơ ca là tiếng nói trữ tình của tâm hồn và tình cảm con người. Bằng những rung động mãnh liệt của trái tim, nhà thơ bộc lộ thế giới nội tâm của mình trước cuộc đời, bênh vực điều thiện, lên án cái ác, làm cho con người trở nên “người” hơn, cuộc đời trở nên “đời” hơn, tốt đẹp và đáng yêu hơn. Diệp Tiếp, nhà thơ, nhà phê bình văn học đời Thanh ở Trung Quốc từng nói: “Thơ là tiếng lòng của người thơ”. Ở ta, nhà thơ Nguyễn Đình Thi chiêm nghiệm: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi chạm tới cuộc sống”.
Ngay từ những tập thơ trước, đến “Tình nhân” hôm nay, Đỗ Thành Đồng đã âm thầm thực hiện, coi đó là trách nhiệm mà anh lãnh nhận trước cuộc đời, gửi tới người đọc một quan niệm, một cái nhìn sẻ chia sâu sắc. Anh đặt bản ngã vào công việc này, như muốn nâng giấc những tâm hồn cùng đường tuyệt lộ, không khả năng nhận phân chân lý ánh sáng. Giọng điệu và lối viết của anh không phô lộ, nếu không muốn nói rất hà tiện nhưng mang tới cho người đọc bao nghĩ suy, trăn trở; khơi gợi những ý tưởng nhân văn trong ứng xử thế sự.
Trang bìa tập thơ “Tình nhân” của Đỗ Thành Đồng
Khác với các lần trước, ở thi tập này aAnh sử dụng duy nhất thể thơ lục bát. Tác giả muốn khẳng định các thể thơ truyền thống không hề lạc hậu trong dòng chảy văn học đương đại. Anh còn dư sức để đưa số bài thơ trong tập lên nhiều hơn, việc dừng lại ở 39 bài hẳn có nhiều lý do. Có người cho rằng, anh chọn số 3 là con số tài lộc, số 9 mang ý nghĩa trường cửu, đại diện cho sự đầy đủ, vẹn toàn. Kết hợp lại, 39 được coi là con số đem đến cho người sử dụng nhiều may mắn. Tuy nhiên, theo chủ quan của chúng tôi, Đỗ Thành Đồng là người luôn mong muốn phát huy bản thân về tri thức. Nếu thế, số 3 là con số trí tuệ, phù hợp với người cần học hành, nghiên cứu; trong khi số 9 mang các yếu tố về thể chất và tinh thần. Như vậy, số 39 có thể có nhiều tác động tích cực, giúp phát huy những tư chất tốt đẹp của con người. Đúng thế chăng? Nói về cách đặt “tít” trong Tình nhân, anh không dùng từ, hoặc cụm từ mà dùng số đếm, từ 01 đến 39. Dùng số nhưng không diễn đạt bằng số, anh thể hiện bằng chữ, từ Một đến Ba mươi chín. Điều này lại một lần nữa giúp người đọc có thêm nhiều ngẫm ngợi thi vị.
Ngày lễ Tình yêu (ngày Valentin 14.2) là một nét đẹp văn hóa của nhân loại, được du nhập vào Việt Nam vài ba chục năm nay. Tuy nhiên, khi vào nước ta, nhiều người đã hiểu sai tinh thần ngày lễ tình yêu, làm giảm đi vẻ đẹp thuần khiết và tình cảm lãng mạn của nó. Bên cạnh những ngọt ngào, đầm ấm là không ít va chạm, tai tiếng thị phi, rạn nứt, chia ly, tan vỡ… Cuối ngày lễ tình nhân, trong cảnh huống ấy, anh thốt lên: Còn gì nữa để tình nhân/ dây chuông đã đứt tiếng ngân cũng rè. Ngay trong “thớt” đầu tiên, ta đã thấy cái độc đáo trong cách dùng từ của anh: trăng giờ treo lưỡi cành tre/ có còn ai ngắm mà khoe cho vàng (Một). Cùng tâm trạng ngổn ngang, anh đã chán chường nhận ra: Hôm qua có kẻ tình nhân/ vô tư để rớt góc xuân nỗi buồn// hôm qua có kẻ tô màu/ lên khuôn mặt vốn đã nhàu tình nhân (Hai).
Ở “thớt” sau lại là một lời khuyên đằm thắm: Cho nhau một chút tình nhân/ nhỡ mai mưa gió lại cần có nhau/ dẫu mai trầu chẳng còn cau/ thì vôi kia cũng trắng phau nhân tình (Ba). Tác giả thật cao tay khi lập trình câu thơ dành cho “vôi”. Liền đó, anh buông một lời trách cũng già dặn không kém: em giờ như nhánh trúc xinh/ trăm năm ai biết mái đình phế hoang. Từ lâu, ngạn ngữ ta thường nói: Trúc xinh trúc mọc bên đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Nay em đã dứt áo ra đi, tìm thú vui riêng nơi phương xa xứ lạ, mái đình không chỉ quạnh hiu vì thiếu vắng bóng em, mà còn trở nên tẻ buồn, hoang phế. Chưa dừng lại ở đây, người thơ còn đi tiếp: trăng lên trăng tỏ trăng tàn/ một mình em với chang chang nụ cười. Chu kỳ của vầng trăng lên, tỏ, tàn cứ tiếp diễn thật là đẹp, thật nên thơ, tình tứ nhưng nào có ai đâu để thưởng, để ngắm, để “say trăng” kiểu như “Hàn thi nhân”, bởi đơn giản là em đã cố tình xa vắng, đã vứt bỏ lại đằng sau tất cả. Cái nụ cười chang chang nó vừa khô khan chát chúa, vừa buốt nhói lạnh lùng, trơ khấc như thế, thì còn chi nữa để nhân ngãi nhân tình…!
Nhà văn Pháp Anatole từng nói “Đọc một câu thơ nghĩa là gặp gỡ tâm hồn con người”. Ở thời điểm vạn vật chìm trong giấc điệp, riêng thi nhân đã biến mình thành “phu chữ”. Anh vốn cầu toàn, mong thi phẩm đến với công chúng, phải nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của họ. Chính vì thế anh phải toát mồ hôi trong đêm, đánh vật với từng câu thơ, từng con chữ. Trộm nghĩ, nếu nói thơ là rượu của tâm hồn thi sỹ, chắc chẳng ngoa ngôn là mấy. Bởi việc làm thơ khác nào quá trình chưng cất rượu. Để những câu thơ được ngân lên, nhà thơ phải trải qua những vật vã âm thầm trong tâm hồn mình. Do đó, đối với nhà thơ, yếu tố trải nghiệm giữa tâm hồn và cuộc đời là rất quan trọng. Ở lĩnh vực này, Đỗ Thành Đồng khá dày dặn. Anh coi “viết” như một sự giải thoát: Mỗi ngày nước mắt bay lên/ là khi ta thoát ngôi đền tình nhân/ mỗi ngày một tiếng chuông ngân/ là khi ta đã gác sân hận rồi (Năm). Trong đêm dài lanh lảnh tiếng xuân, anh chọn cho mình sự cô đơn để ngẫm ngợi, chỉ một ta với một tình nhân vô thường. Sắc hoa mộc miên bật dậy trong anh, tứ thơ về mảnh vải màu đỏ mà ngày ra đi chàng trai buộc vào tay cô gái. Nguyện ước của họ tuy không thành nhưng đã để cho đời sắc hoa đỏ tươi và một câu chuyện tình thi vị: đêm dài mấy cuộc tình nhân/ tháng ba ai đỏ tay cầm mộc miên. Lòng anh trĩu xuống, bao cuộc tình nhân hôm nay dễ gì có được sự thủy chung tựa người xưa, nó chợt đến chợt đi tựa ráng chiều ai nhớ ai quên/ ai sân si ngóng ai quyền quý xa (Tám).
Đỗ Thành Đồng từng chia sẻ: “Thơ là tự sự của bản ngã cô đơn, đau đớn, vật vã, là gom nỗi đau của người khác thành của mình”. Dẫu gì, tôi vẫn coi anh là Lương y của nhân tình! Một vị “lương y” tham lam, trắng đêm tìm nhặt nỗi đau của thiên hạ, phải chăng để mã hóa chúng bằng những dược liệu bàn phím, rồi “vay” đâu “trả” đó. Hoặc giả, anh cất giữ làm của riêng, với ý tưởng, khi cái hầu bao chứa nỗi đau bản ngã đã đầy ứ lên, thì cũng là lúc giữa thanh thiên bạch nhật chẳng còn gì là đau buồn, ngang trái nữa chăng? Sự tham lam có thể là lòng tham vượt ngoài giới hạn, xuất phát từ lòng ích kỷ nhỏ nhen nhưng ở đây, tác giả Tình nhân lại tích lũy cho mình thứ lòng tham đặc biệt, tham lam kiếm tìm sự bất hạnh của người khác…
Để làm được cái việc chẳng giống ai ấy, tác giả đã quên ngủ, quên ăn, vò đầu bứt tóc mới thấu được nỗi đau: Con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời, chìm đắm trong bao khát vọng, đam mê nhưng ít khi nhìn lại. Trong ái tình, người ta từng yêu hết mình, dâng hiến, hy vọng… Tuy nhiên, họ cũng thường gặp phải nhiều trạng huống khác nhau: Hạnh phúc ngọt ngào, cùng nhau đi tới bờ tới bến; hoặc thiếu đồng cảm, sẻ chia; chán nản, ngoảnh mặt quay lưng, xẻ nghé tan đàn… Ở Tình nhân, người thơ  Đỗ Thành Đồng rất đa dạng khi chọn nhân tình: Nhiều nhất là với trăng, với quỳnh, với xuân, với trầu cau, các loài hoa, ngọn gió, thiên nhiên bốn mùa, phấn son, hương nhụy, sông nước, con đò và chim sáo, cây trúc và mái đình, đến những cuộc nhân tình với thơ: Tôi như kẻ bán hàng rong/ xúi thơ đi khắp làng trong phố ngoài/ thơ tôi chẳng đợi tiền ai/ chỉ mong đổi tiếng thở dài thế gian (Mười lăm). Nói tới trăng, không ít nhà thơ đã để lại cho đời những thi phẩm, làm nên phong cách tác giả. Nhưng ở Tình nhân, Đỗ Thành Đồng lại cho ta thưởng thức những ánh trăng khác lạ: Ngày trăng đi với tình nhân/ Bỏ ta lội giữa sông Ngân một mình// Thôi thì trăng cứ đi đi/ Để ta bóng tối có khi đỡ buồn (Mười ba). Gió đêm lật bóng tre ngà/ Nỗi trăng sấp ngửa, nỗi nhòa canh thâu (Hai mươi mốt). Và tôi yêu nhất cái cách viết về trăng khuyết của anh: Trăng mê mải khuyết ngoài thềm/ Tôi tròn trịa để đầy thêm tuổi mình (Ba mươi lăm)…
Đam mê văn học đương đại, càng ngày Đỗ Thành Đồng càng trau chuốt giọng điệu, lẫn thi pháp. Anh sử dụng nhiều cấu trúc mới, làm cho cách biểu đạt vừa lạ vừa riêng khác. Quan niệm về “chữ” trong thơ của anh cũng rất đặc biệt. Anh coi việc làm thơ như cày bừa chữ nghĩa và anh như người nông dân dầu dãi trên cánh đồng ấy. Đỗ Thành Đồng từ chối sự dễ dãi trong sử dụng từ ngữ, anh vừa sáng tạo vừa cô đặc câu chữ theo cách của riêng mình, thông qua cảm xúc và sự mách bảo của trái tim: tiếng gà thắt ngực cô liêu/ thế gian còn bận những điều xa xăm/ ta tình nhân với vầng trăng/ để xin mãi được sống bằng niềm tin/ trăng tàn về phía bình minh/ chưa tan giấc mộng ta tình nhân ta (Mười).
Anh ký thác bản ngã cho một chân trời đầy nắng, vì sự trong trắng, trinh nguyên của cõi người, mà ở đó, người ta tìm thấy sự an nhiên, tin cậy: kể từ héo giọt sương mai/ nắng tôi đã biết thơm loài thảo nguyên/ đã xanh thêm ánh mắt huyền/ đã trong veo tận trinh nguyên cõi người/ nắng đưa tôi đến chân trời/ của bao nước mắt nụ cười ẩm ương/ an nhiên nắng hóa vô thường/ trái tim tôi một con đường nắng đi (Mười tám). Lấy con chữ làm phương tiện, lấy thơ làm lẽ sống, lấy nhân thế làm nơi gieo cấy cảm xúc, lần nữa anh thú nhận: kể từ trời đất đầy hoa/ với ta thơ mãi mãi là tình nhân (Chín). Ngụp lặn ngần ấy, tác giả Tình nhân đã tìm được 39 chiếc vỏ sò, ẩn giấu 39 hạt ngọc. Dù nó trơn tru bóng bẩy, hay xù xì khó ưa, dưới bàn tay nhào nặn, chế tác của nhà thơ, những viên ngọc ấy sẽ đến lúc, từ vỏ sò bước ra, ban phát cái đẹp, tô điểm cho đời: Tôi xin ngụp lặn dại khờ/ để cho em đứng trên bờ khôn ngoan/ tôi xin làm ngọn gió khan/ để cho em được là làn hương xuân (Bốn).
Nhà văn Pháp Louis Aragon từng viết: “Anh lọc chất ra-đi-um khỏi quặng/ Lửa dẫu ngăn, vẫn cháy bỏng tay mình/ Ôi! Thiên đường trăm lần tìm để mất/ Mắt em là những xứ sở của anh”. Sự “tham lam” đã giúp Đỗ Thành Đồng thực hiện xuất sắc thiên chức “Lương y” của mình, đi tìm “những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”, nâng giấc, thức tỉnh, giúp nó phát sáng, vẫy gọi đồng loài. Tình nhân vì thế, như một bước chuyển của Đỗ Thành Đồng, mở ra một không gian mới, hiện đại trên nền thơ truyền thống: Hồn tôi ướp nhụy sen hồng/ Sáng mai nâng chén trà lòng trao nhau (Ba mươi chín).
14/10/2023
Nguyễn Tiến Nên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...