Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Sinh phần - Truyện ngắn của Phan Đình Minh

Sinh phần - Truyện ngắn
của Phan Đình Minh

Sinh phần nhà tôi bắt đầu từ cái thùng đào đất nung gạch rìa nghĩa địa làng, anh Lụn nhượng cho. Mảnh thùng nửa sào này trước đây để gơ cá giống rồi san sang nuôi ở cái ao to bên cạnh. Thời gian tròm trèm đã hai chục năm. Bây giờ anh Lụn không gợt cá mà vỗ các lứa hàng kí lô bằng cám công nghiệp, chờ đúng chợ phiên đổ sỉ trong các dịp tết tư. Cái thùng sâu hoắm, bỏ hoang, cỏ dại mọc um tua tủa. “Cháu xin, cải tạo làm sinh phần thầy u sau này. Về mặt chính quyền, ông cho nhé”. Một tối tôi thẽ thọt với ông Dễ trưởng thôn, người bên họ ngoại, kém tôi ba tuổi. “Ôi dào, tưởng đề xuất đất bãi tha ma. Thùng thẻo nhà Lụn diện đủ giấy tờ, làm gì phải xin miệng với làng”. Thế là một ngày nắng ráo tôi nhờ chị Lụ, mợ Chức bác Rậu đủn xe rùa chuyển cát sông tập kết tận ngoài đầu bãi tha ma lấp cái thùng đấu vuông vức đã được dọn sạch sẽ cỏ rều. Hôm đổ rùa cát đầu tiên có ông Dễ cúng xin Thổ địa giúp và có một con chim cuốc động bụi bay tóe ra…
Ngày đó, anh Lụn để cho tôi mảnh Sinh phần bỗng thành câu chuyện đàm tiếu ngu ngơ đắt bán rẻ mua, chọc vui cỗ đám cưới khỏa buồn cỗ đám ma. Người làng sầm sì nhà tôi rỗi hơi quẳng tiền xí cái thùng đấu mọn, mua “mặt nước” khi đất nghĩa địa ê hề ai cắm bao nhiêu thì cắm. Họ ác miệng vậy chứ tôi gửi anh Lụn đúng tháng lương còm. Kể ra, đánh tiếng anh Lụn cũng căng dây. “Gọi là lấy tiền xếp gạch chân bờ thôi. Sinh phần không thể xin cho”. Biết làng đồn, thầy tôi đoan khoán. Đến khi ông trưởng thôn gật đầu chứng nhận với địa chính việc mua bán là đúng sự thật thì tôi cho đổ hai mươi xe công nông đầu ngang cát sạch, tường quây gọn ghẽ, lúc ấy ai cũng khen Sinh phần nhà tôi đẹp nhất làng.
Thời gian gõ bầu gõ ống, đất nghĩa địa đằng trước quy hoạch, thành ra Sinh phần liền khảnh. Bên tả là nơi an táng rồi chuyển qua đường sang hữu xây mộ hàng lối thẳng tắp khi người làng khuất bóng. Ngôi nhà thần linh được dựng ngay sát đấy, có khoản kinh phí lặng lẽ đóng góp của tôi. “Đừng phát trên loa truyền thanh cháu nộp tiền cho ông nhé”. “Đóng cho làng, chứ gì cho tao”. Ông Dễ trề miệng, buông câu. Chẳng là tôi ngại thầy đang mắc chứng u gù cột sống khiến tấm lưng lắc lẻo, nửa người phía dưới cử động không được đã bốn năm nay. Suốt ngày thầy chỉ loay hoay trên cái giường mét sáu, nghe chuyện, lại xót ruột gan. “Việc gì cũng tiền thôi. Thời buổi”. Thầy hay thở than khi ông Dễ thông báo hảo tâm sáng, trưa, chiều tối. “Từ ngày thúc thủ một chỗ, thầy quan tâm việc làng nhiều lắm, bác Cả à”. Cô Dang hay pha trò mỗi lúc tôi về nhà.
Lại nói mảnh Sinh phần.
Khi ở thực địa công trình được dăm hôm, lúc chứng kiến xe rùa cuối cùng chị Lụ san vào mâm cát phẳng lì chới nắng thì buổi tối về đến nhà bỗng dưng tôi thấy tức ngực khó thở, cứ nấc lên, ngớp ngớp nói chẳng ra hơi. Cậu em họ gọi taxi cho lên ngay Hà Nội vào bệnh viện cấp cứu giữa đêm. “Chú bị tràn dịch màng phổi chưa rõ nguyên nhân. Phải chuyển chuyên khoa, hút gấp”. Nhìn kết quả mấy tấm phim, anh chàng bác sĩ trẻ măng ngó mọi người chăm chú. Vợ tôi và cô Dang, tối mày. Rồi gần một tiếng đồng hồ làm thủ thuật, ngực tôi xẹp lép khi hơn 500 ml dịch lờ lờ vẩn đục được tống ra túi đựng. Đồng thời phải hồi sức cấp cứu vì xuất huyết bàng quang và có hình ảnh tắc mạch phổi phải, rõ ràng ràng. “Hai ngày nay không thấy chị. Cái áo sơ mi rộng rãi của anh đâu rồi Chính nhỉ?”. Tôi mắn mỏi cô em gái, chăm nuôi tôi ở viện. “À, chị về bên ngoại có việc”. Việc gì. Hay lại vụ tiền nong chạy chữa cho chồng. Tôi chiếu ánh nhìn dấu hỏi vào cô Chính. “Em đâu biết”… “A lô, chị. Bốn gốc đào rừng đã về bến xe chưa. Hôm trước ông Miền nhắc cái áo sơ mi đấy”. “Kệ. Lờ đi”. “Em biết thuê ai bây giờ để nhận gốc đào gửi về quê?”… “Có phải chị em cô đang giấu anh chuyện gì quan trọng?”. “Gì đâu”. “Sao lại liên quan đến đào mua tận trên rừng”. Rồi rằng thì là mà tra hỏi, cô Chính sẵng lên: “Sao với chả giăng. Chị và cái Thùy đang lo cúng cho anh khoẻ lại. Tiện thể nhờ xác lập phong thủy địa giới khu Sinh phần ngoài bãi. Thày cúng khoán, nếu anh không có mặt đội lễ hầu thì phải lấy cái áo mặc lâu ngày rang cháy lên làm phép. Kiếm trên rừng bốn gốc đào cỗi về yểm bốn góc Sinh phần”. “Ôi chao”. Mắt tôi toé hoa cà hoa cải. Không gian vằn vện như nhìn toan vẽ hắt lên tường. Tôi nằm vật người xuống ga trải giường bệnh viện…
Ở quê lúc này ông thầy cúng mình mỏng như tầu lá chuối Nhật đã đến nhà hành sự từ sáng sớm, đúng ngày mở bát khai trương hiệp kèn hiếu làng Kinh Xá. Chẳng biết thầy cúng phán sao về chuyện động chạm hồn ma lưu cữu lâu ngày trên khu đất vắng đã vật “ông nhà” làm vợ tôi và mấy cô em gái hồn siêu phách lạc. Nhà đang băn bố chữa bệnh cho chồng lại cố chạy món tiền vào việc sắm sanh ngựa giấy, kiệu giấy, xe ô tô giấy, cỗ chay bày la liệt ra tận nghĩa địa làng cùng bao lời hăm doạ từ miệng gã thầy cúng nửa mùa làm buổi gọi hồn bắt ma lập loè đèn đóm khiến cho nửa làng Kinh Xá cười rơi nước mắt. Rồi ngày tôi nhóc nhách xuất viện, khi ngắm thẻo đất Sinh phần bỗng thắp sáng trong đầu về phần mộ tổ tiên dòng họ ở nghĩa trang Đống Trăng chật chội mà cha tôi và gia tộc quy tập về từ bốn mươi năm trước. Mỗi lần con cháu vào thắp hương cứ phải leo trèo qua mấy ngôi mả to tròn của nhà thằng Thất con ông Thung Rất đặt ngang dọc chắn mất lối đi.
“Thầy muốn đưa các cụ sang nơi mới”.
Sau lần giỗ họ, thầy buột miệng với cô Dang và tôi khi hai anh em toát mồ hôi mới khênh được chiếc xe lăn đưa cha lọt thỏm trong khu mộ mênh mông san sát. Thầy quyết rồi nhé, đúng điều tôi nung nấu. Chỗ mới phong quang thoáng đãng thuận tiện việc con cháu thờ cúng lâu dài, mở mang dòng họ. Mắt tôi nhong nheo ánh lên trong nắng sớm khi hình dung phân định rõ các hạng mục công trình tâm linh trên khoảnh đất gần nửa sào, sau hai mươi năm tôn tạo bỗng hoá đất vàng. Kế hoạch được vạch ra chặt chẽ căn cơ khi lòng người êm thuận lúc tôi ngỏ ý với vài bậc cao niên trong nội tộc. “Chứ lại. Chỉ cần một ai ăn nên làm ra, kinh tế đang thuận khấc đỏ Lỗ Ban mà kéo rào ngược là coi như nản”. Một đêm tôi ôm khoằm lưng cha thủ thỉ và nghe ông rành rẽ. Bụng người ráo hoảnh sẽ chẳng mặn mà với cuốn dự án mấy chục trang tôi soạn từ việc lập sơ đồ hệ thống mức khung cảnh, sơ đồ phân rã từng chi tiết. Bắt đầu từ phần móng nền Linh hương đến công trình quán chiếu vị trí mộ đơn, mộ đôi tới giãn cách chỗ nằm của các cụ đặt thứ tự lớp trên, lớp dưới chính xác từng cen-ti-mét khi được chuyển về.
Việc đại sự gia tộc càng thuyết phục lúc tôi tâm huyết trình bày dự án trước các trưởng lão được mời đến ngồi họp ghế trên. Quan trọng nhất vẫn là ý kiến của anh Đương đại gia và chú Thanh em ruột tôi, vừa bay từ miền Nam ra đêm qua. Anh Cải tuy làm rể lại là cựu chiến binh, đã phát lời dứt khoát mọi người sẽ lắng nghe. Tôi bỗng nghĩ trong đầu khi sáng nay đón anh, miệng cười hồ hởi bước chân vào cổng nhà tôi. Thì thế, như các việc trong họ đã từng, không thể thường đâu. Nghĩ thì vậy nhưng quyết định vẫn ở ba người là chú Thanh, anh Đương và tôi. Lúc ấy tôi sẽ quyết liệt đứng lên chủ trì công trình từ tập hợp kinh phí đến lập kế hoạch bám sát thi công, tiến hành tuần tự các hạng mục bộn bề đã liệt kê. Việc san lấp cái thùng đấu gơ cá giống từ trước đến giờ nhà tôi không tính đếm. Phần quan trọng cuối cùng này là quây tường, xây Linh hương sao cho bề thế xứng tầm dòng họ sau đến lập mộ rồi đưa các cụ sang chỗ mới. Tất nhiên phải nhấn là kinh phí tùy tâm, là mọi người ra tâm không kể nhiều ít cốt ở sự đoàn kết đồng lòng. Cũng may, dự án xây dựng sinh phần nhiều đêm thức trắng đáng đồng tiền bát gạo của tôi thuyết phục toàn gia tộc. “Với ý chí mấy chục người như một, đúng giờ mão ngày mùng sáu tháng Giêng này ta sẽ động thổ khởi công xây dựng lăng mộ dòng họ Lê Đăng”. Anh Đương gật gật đầu khi tôi tuyên bố kết thúc cuộc họp, chẵn năm tiếng đồng hồ.
04h30.
Nghĩa địa tối mò, sậm sì ánh sáng lân tinh phụt lên thảng hoạt.
Trời nặng trịch, lạnh sâu 09độ C
Tôi cậm cạch chiếc xe máy Honda đời 82 cũ mèm ra nghĩa trang làng.
Mồ mả nhấp nhô, đen sịt. Chẳng biết dừng chốn nào đây. Thôi, cứ dâng lễ ở Thành hoàng.
Hương khói cầu xin rành rẽ đã xong, tôi co ro ngồi trước sinh phần.
Mộ đá, mộ đất nhấp nhô lặng phắc rợn người.
Phải đốt một đống lửa to, mà củi lá kiếm đâu. Dăm cuộn thừng để néo quan tài hôm trước nhà ai cải táng còn bỏ cuồn cuộn trắng nhờ bên bờ huyệt mộ. Tôi rùng mình mắm lợi lập cập ra khuân chất đống rồi tay run run bật chiếc bật lửa ga. Mãi rồi cũng được. Lửa bén chão, chão duỗi oằn oài tựa trăm con rắn mối nhoàng nhoàng nhao vào lửa đỏ. Nghĩa địa sáng bừng. Ếch nhái uôm oam đồng thanh phát.
Chú Thanh nhỡ chuyến bay ngày. Anh Đương thì bận nhảng bà hai chưa về kịp. Chỉ có tôi và đống lửa đượm hồng phần phật.
Lòng trì như đá.
Mãi rồi, bầu trời đằng đông cũng hừng tang tảng.
Đến một tiếng đồng hồ sau tốp thợ nề mới lịch kịch cuốc, xẻng, bay, dao, đục, búa kéo tới. “Ông chủ ra bãi sớm thế?”. “Thì y hẹn giờ động thổ”. “Đêm rợn ngoài này. Ông không sợ à?”. “Sợ người sống, giờ ai kinh người chết chứ”. Tôi lắc đầu mấy cái. Mà các ông thợ nề đâu biết khoảnh nghĩa địa đây thời thơ ấu tôi từng nát đêm ao chuôm cua cá khắp lượt cánh đồng.
“Ông cứ tính đi, xây Linh hương ngày công thợ nề bây giờ cao lắm. Năm trăm ngàn thợ chính, thợ phụ rẻ cũng ba trăm. Cái Linh hương đắp vẽ, đổ mái, cột xà sít soát cả trăm công ấy chứ. Làm đá cho nhanh mà lại đẳng cấp”. Thằng bé chủ đá mặt bầu bầu, liến thoắng với tôi. “Thế cháu dự toán luôn, xem có chênh nhiều. Phù điêu buồng giữa Linh hương phải là Rồng Quấn Thủy, thay tấm chữ Thọ nhé”. “Dạ. Giá Linh hương đá chỉ hơn xây gạch một chút mà thi công có thể tăng ca. Công trình, đẽo CNC1 trong xưởng, hoàn thiện là chở ra lắp ráp. Cháu sẽ hoán bức phù điêu đứng Hoa Sen Mẫu, thành bức Hạc đá. Ông làm trưởng tộc, đặt Hạc ở hướng Tây Bắc là chuẩn cực”. “Mày khéo. Nói rõ hơn đi”. “Hì. Giá cả chỉ thụt thò… ngần ấy triệu là cùng”. Đầu tôi lướt nhanh con tính. Số tiền của anh Đương hứa gia tâm, tôi vài chục, chú Thanh nâng chút. Nếp tẻ trong họ góp vào. Gió sẽ nổi to. Phải quyết thôi, quyết làm Linh hương đá. Tôi giơ ngón tay cái trồi lên lúc gặp anh Cải chiều nay ở nhà văn hóa thôn. “Gì hả chú?”. “À, chuyện sinh phần dòng họ mình đấy bác”. “Chú cứ tính toán, phát mạnh tay vào. Ta làm vì các cụ và cho con cháu sau này”. Trong đời tôi từng quyết định vài việc lớn như ký giấy nhận giải tỏa nhà, ốm đau chuyển viện, bằng lòng cho con lấy chồng xa, nhưng chuyện quyết lắp Linh hương đá chạm khắc khu tâm linh gia tộc thay Linh hương xây gạch đắp vẽ xi măng là việc khó khăn nhất. Tính tổng kinh phí chi ra thì nhiều nhưng trông giỏ bỏ thóc từ thực lực lời hứa của anh Đương chú Thanh ra tâm, cảm như nhẹ nửa đòn tràng. Không kể là tôi còn “biên” thêm được cặp đèn đá đặt ở hai góc Linh hương. Rồi chiếc lư khấn trời đất và tấm bình phong trấn mé trong cổng, chạm đá tích Ngũ Phúc rộng trên hai mét, bề thế chứ không đắp xi moong sơ sài tù tịt như nhà Thoa ghi số đề ở làng Tràng Kênh… “Vẽ vời”. Thằng Trệ quay mặt đi nói đổng, cái hôm mọi người sang nhà tôi uống nước, trù bị trước ngày họp chính họ. “Hầu các cụ mà chú bảo vẽ vời?”. Tôi gằn mặt, chộp ngay. Khì. “Khì sao?”. “Thì em buột miệng thôi”. “Đấy là sự đồng bộ bây giờ, miền Bắc miền Nam ở đâu cũng có. Chú nhìn mẫu com lếch này. Ghi dẫn địa chỉ hẳn hoi”. “Cái đó phải hỏi bác Đương bác Thanh”. Lại giọng tiền. Ha. “Bác Đương, chú Thanh ý kiến gì đây?”. “Tôi đồng ý với tinh thần trưởng họ. Ta dấn lên, như rết nhiều chân”. Tiếng nói vùng biển của anh Cải vô khối trọng âm. “Đấy, ông Đương ông Thanh cười rồi”. Thế là tất cả cùng vỗ tay lộp độp. Thằng Trệ cụp đầu, tựa ngỗng đội lá khoai. “Thôi nhé, ta chốt phần này. Rốt ráo khâu móng nền Linh hương và các món đá đi kèm”. Thứ hệ trọng nhất, coi như đã quyết. Nói thì vậy, tôi biết còn nhiều việc lớn như thủ tục phần âm phải nhờ sư cụ chùa làng mở sách. Việc chuyển hài cốt các cụ từ nghĩa trang cũ sang chỗ mới rồi định ngày tốt xin Thành hoàng, Thổ địa. Hiềm, có một khoảng giờ Hoàng đạo lại đúng vào buổi sáng đình làng khai hội. “Tôi sẽ ra khu mộ nhà ông làm lễ, xong rồi kịp về đình dẫn mõ hồi hướng cùng các vãi. Ông và gia tộc cứ yên tâm”. Thấy vẻ mặt tôi còn bối rối, sư cụ trấn an “A di đà phật”.
“Anh Đương à. Số điện thoại đây, anh thử xuống xưởng đá thằng cháu Bách mình thuê chạm. Khảo xem”. “Chú làm giá rồi, hỏi gì nữa”. “Ô. Là em chỉ chốt với nó cái Linh hương, còn rất nhiều hạng mục đá mộ đôi, mộ đơn rồi giá tiền hai cây đèn và tấm bình phong. Thay tiểu quách đất sét đỏ khi đưa hài cốt các cụ nhà ta về khu mới nếu suy xuyển cần phải đổi, sang. Anh ạ”. Khuôn mặt anh Đương trầm ngâm khiến tôi chột dạ. Cái ông lo kinh phí lớn nhất mà có ý khác là dòng họ trở tay không kịp. Nguy to. “Tôi sẽ nói Trệ tham gia cùng chú, hiệp thương giá cả với thợ đá, thợ nề”. “À, đúng. Còn bao khâu. Rồi tốp thợ lát nền, thợ sơn tường, thợ gắn bả chống thấm công trình mưa nắng”. Tôi giật mình. Rồi lại giật mình lần nữa khi anh Đương nhắc tên thằng Trệ. Cái thằng mồm chó, vó… này mà đi khảo giá thì không ai là không muốn giơ tay bịp miệng nó lại. Mở lời, chuyện gì cũng như cãi nhau ngoài chợ ấy. Chết thôi. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, người hoạt ngôn tợn mồm như chú Trệ bao giờ cũng thắng thế ở cái thời mạnh vì gạo bạo vì tiền. Mà công việc tâm linh, xưa nay ai nghĩ gì giá cả. Tôi gật đầu mấy cái ra chiều tán thưởng cao ý anh Đương. Tính thứ bậc trong nội tộc Đương phải gọi tôi bằng chú, còn về bên ngoại tôi gọi hắn là anh mấy chục năm nay. Chúng tôi họ cả đôi đằng, buồn cười đáo để.
Thế là từ hôm ấy đi đâu, làm gì tôi cũng gọi thằng Trệ theo cùng. Việc đầu tiên gặp tốp chuyên trách chuyển mộ trong vùng, sau đến thợ đóng mươi chiếc cọc bê tông kè phía bờ cái ao to của nhà anh Lụn, tới đại lý bán mấy quả bóng đá đặt trên nóc cột cổng. Ai ai, Trệ cũng nhận quen thân rồi thao thao mở đầu câu chuyện dự án tâm linh đến kết thúc cuộc mặc cả cẩm như nó trong vai người quyết, là trưởng họ thay tôi không bằng. “Làm vì các cụ, chú chặt chẽ quá, mất hay”. “Ơ bác này. Không chặt chẽ, không mặc cả kỹ lưỡng, tiền của ông Đương ông Thanh và em là vỏ hến à. Bác lành quá, bọn con buôn nó bắt nạt”. “Mồm với miệng. Chú không sợ các cụ phạt à?”. “Ôi dào”. Có cái tâm linh hin hin mà ậm ờ ở đâu. Mang tiếng ra ngoài ăn cơm hớt thiên hạ. Vào tay tôi, xong vài chiếc rồi. Mà sao mấy ông bỏ nhà bỏ cửa trên phố về quê cả tháng vì cái chuyện đã yên vị bốn chục năm. “Rở rói”. Thằng Trệ quay đi, miệng nhồm nhoàm cụng rụng không ra tiếng. Đoán khẩu hình nó, tôi thoắt giật mình. Máu trong người bốc cả lên đầu. Thằng Trệ nghĩ việc đại sự gia tộc bấy nay lại nhạt thếch, nước lã ra sông thế? Trong các cuộc họp họ hay lúc đút tay túi quần ngoài công trình nó chỉ giả vờ cho có vì, gắn trách nhiệm huyết thống mà không ở cái tình thực thiêng liêng. Chết thật. Tôi phảy tay, quay đi nhẫn nhịn. Rồi bỗng ngoắt lại trừng trừng, bốc lửa. Trệ à, không ngờ hai chữ “vi kỷ” chú lại nghĩ sai như vậy. Người không do – vì chân chính thì ắt chẳng thể đứng trong trời đất. Tâm linh đâu chỉ là chuyện hệ trọng gia tộc tâm huyết mà ta đang bấu víu quá khứ để định hình con người ở những giá trị xưa kia. Là nếp nối gắn kết văn hoá làng xã trong cái thời buổi quá chênh chao. Còn là nẻo yên nẻo về tâm tư – chốn Sinh phần cho người đang sống nữa, Trệ ơi.
Thằng Trệ nhìn thấu khuôn mặt đang xẹo xọ thoát thần của tôi.
Nó không thể ngờ ông tiến sỹ chỉ biết suốt ngày loanh quanh với sách bỗng hung hãn nổi khùng dữ dội đến vậy.
Thằng Trệ ngúc ngắc đầu, đỏ bừng mặt, lặng lẽ lên xe máy phóng thẳng từ khu nghĩa địa về làng.
Nhìn tấm lưng nhỏ thó của nó khuất hút sau mấy khung bia mộ nhấp nhô, lòng tôi buồn vệt.
Tháng hai nhuận trài trãi ngoài đồng mưa rét đông nồm rơi rớt.
Phần mộ gia tộc dòng họ Lê Đăng phải khánh thành trước tết Thanh minh như lời sư cụ chùa làng mở sách. Tiến độ công trình nhịp khớp các thủ tục tâm linh và kết quả công việc của mấy tốp thợ thực hiện riết róng từng tuần.
Mọi thứ trong đầu tôi lướt nhanh như một cuốn phim tài liệu khi bao bộn bề đã diễn ra. Thợ đá vừa báo tin sáng mai sẽ triển khai lắp Linh hương. May quá. Mọi chuyện cảm như được các cụ luôn đi bên cạnh.
Mặt thằng Bách buồn rượi khi chiếc xe tải chở chuyến đá cuối cùng sịch đỗ trước sinh phần. Theo kế hoạch hôm nay sẽ lắp ngai mộ, biển tên cùng chín viên đá nhám, đứng thắp hương. Mỗi ngôi mộ đôi có một vòng đá quầy, chờm nửa xung quanh, giống hệt chiếc giường đặt trên thảm cỏ rối. Có ụ đèn đá nhỏ như cái đấu tọa cạnh cây vạn tuế, tạo sự riêng biệt trong không gian chung của toàn khu tâm linh. Nhìn ấm và trang trọng.
Tôi khấp khởi chờ thằng Bách chuyển nốt chiếc bình phong mà ráo rác không thấy thợ đá cẩu từ trên xe xuống.
“Bình phong nữa, Bách ơi”.
“Ba ngày sau con mang cái mới đến ông à”.
Thằng chủ đá ngưng rít thuốc lào trả lời như tiếng gió, trộn buồn.
“Ô, sao thế?”.
Nó vợt ngó tôi. Tôi lảng mắt, không dám nhìn khuôn mặt cám ẩm của thằng bé tuổi con mình.
“Muốn ứng thêm kinh phí thì đề xuất chú. Miễn cho kịp ngày khánh thành lăng mộ, cháu nhé”.
Tôi vỗ khẽ vào vai thằng Bách, mắt lại dừng trên cái mũi vòi voi ông bố vợ làm thuê cho nó.
“Cháu hứa”.
Giọng thằng Bách chừng giãn, sáng bừng.
Và đúng ba ngày sau nó xăng xái chở chiếc bình phong khác đến, đặt ngay ngắn vị trí Đinh – Tài Vượng, mé trong cột cổng. “Ơ. Cái này nhỏ hơn, nhưng hợp. Từ ngoài ngắm, quan sát được chiếc lư và toàn bộ Linh hương. Tốt rồi. Quá ô – kê”. “Vâng, bình phong rộng 2 mét 17. Khớp khấc đỏ thước Lỗ Ban. Các cụ nhà ông thiêng quá. Con sợ run”.
Thằng Bách nói nhỏ, hụt hơi.
Tôi giật thót người.
Thì ra chiếc bình phong lần trước thằng này làm láo, kích thước lạc cung Hại – Tử tuyệt – Họa chí. Ra vậy. Nó cứ trương mưa nắng mãi, không dám xuất cho ai.
Ôi, Bách ơi.
Mãi sau này tôi mới biết khi chuyển chuyến đá lần trước tới, lúc ngoặt khúc cua vào nghĩa trang làng Kinh Xá. Đường thì phẳng phiu, xe đang bon bon. Đúng lúc thằng Bách nhìn thấy sinh phần nhà tôi… Rầm. Như một tiếng mìn nổ phía sau. Tốp thợ dừng xe, nhất loạt ngó lên. Ô chao. Chiếc bình phong nặng hàng tấn tự dưng tuột dây cáp chằng, đổ vật, gãy làm đôi, nằm chỏng chơ giữa thùng xe. Lũ thợ mặt tái xanh, bệt người xuống rệ cỏ khu nghĩa địa. Cái bình phong dày, lục lạc đá đen, không vết rạn lại dễ dàng vỡ nửa thế này! Chuyện chưa bao giờ xảy đến.
Trời xám xịt trên đầu.
Thằng Bách nghe như có tiếng sấm ùng oàng.
Mặt nó dại đi vì sợ hay tiếc tiền?
Còn tôi nhất thời chót hứa phải lậm lụi ứng kinh phí bù cho thợ đá kịp tiến độ công trình.
“Chết mày đi, Bách”.
Chú Thanh và bác Đương không hề hay biết.
“Các cụ nhà mình thiêng thật”.
Bây giờ, mỗi lần nhớ lại chuyện gãy đôi tấm bình phong là miệng tôi không định cứ tự dưng buột ra, chậc chậc. Đành rằng phải có căn nguyên?!
Mưa phùn ẩm ướt chở tiết xuân sáng sáng buông thảng thốt xuống khu vườn vắng nhà tôi.
Còn hai chục ngày nữa là đến tết Thanh minh.
Dạ tôi bồn chồn.
“Việc di rời mồ mả thầy cảm phần âm phù, rất tốt. Gia tộc nhất loạt đồng lòng đồng sức vậy thì dù khó khăn mấy cũng sẽ hanh thông thôi, Cả à”. Một tối nằm trong giường nghe mọi người bàn soạn sáng sớm mai tôi và chú Thanh sẽ ngược Đồng Bẳng lo chuyện hệ trọng nhất trong dịp đại sự này, thầy tôi hắng giọng.
Tôi bước ra bàn thờ thắp ba nén nhang, cúi đầu khấn tổ tiên.
“Anh muốn làm đầy đủ thủ tục tâm linh rồi đưa ông nội ở tỉnh xa về nghĩa trang mới của dòng họ nhà mình”.
Mắt chú Thanh sáng lên.
Một đêm tôi ngoắc chú trở dậy uống nước trà sau khi những khối đá Linh hương được tốp thợ Mai Lung lắp bề thế trong lăng mộ gia tộc dòng họ Lê Đăng. Đưa ông nội về quê lúc này tôi cũng không chắc làm vậy có đúng?! Làng Linh Xá chưa có tiền lệ. Rối bời. Lòng tôi chỉ đang canh cánh một nỗi thương cha hiện hữu. Tám mươi tuổi, ông không hề biết mặt cha mình và hơn nữa câu chuyện sinh phần cứ nấn ná, khác đi, sâu sắc thêm từ hơn hai mươi năm trước đến những điều yên ả phải làm suốt hai tháng nay. Qua việc đại sự mọi người trong gia tộc tự nhiên mặn nồng tình cảm hơn xưa. Mỗi người tuy một hướng nghĩ nhưng đều có ý nguyện về mối gắn kết lớn lao.
Ai đấy từng nói, đời người cần có một ngọn hải đăng cho riêng mình. Hải đăng trong tôi lúc này là ước ao soi dịu cách biệt đã tách dời tình cảm cha tôi và ông nội đằng đẵng tám chục năm qua.
Sau vụ nghịch lửa đốt cháy năm gian nhà ngang của cha nuôi ở làng Kinh Xá, ba người là ông cả Thiện, ông nội tôi và ông út Quý leo tầu bỏ nhà trốn đi. Ông cả Thiện được người bà con bên ngoại thuê khuân vác kiện vải tấm trong hàng vải ở chợ Đồng Xuân, còn ông tôi và ông út Quý lên tận Đồng Bẳng nơi con đường số 11 toẽ nhánh gợt thành cái ngã ba thị tứ giao thương vùng núi cao này. Anh em ông tôi tụ lại kiếm cơm qua ngày trong một gia đình làm hai nghề chẳng dính dáng với nhau là nấu kẹo lạc và bưng trống dạo. Mười năm kẽo kẹt trôi qua tràn cạn, ông tôi nhớn nhao lên. Nhờ chăm làm, gia chủ thương yêu giới thiệu cô cháu gái ruột xinh đẹp, không cần môn đăng hộ đối tác thành cho ông bà nội tôi nên vợ nên chồng. Ngã tõe con đường cái bò sát dòng Hát Giang duyên nợ “Thanh khuyết sông vãn thiếu” rồi dịch lên tận khúc trên Kẽm Trống… Dưới mái nhà đơn sơ, ngày ngày có đôi vợ chồng, vợ cất kẹo lạc bỏ mối quán hàng dăm bến đò ngang, chồng thì làm nghề bưng trống hội. Hiệp quê nào thuê gọi, ông tôi lại tay quang bốn đoạn then chêm tựa bốn cây rìu gỗ, cùng bộ da trâu đã thuộc quẩy gánh lên vai rong ruổi. Mỗi lần, nửa tháng cả tháng ông mới về nhà. Bốn cái then lẫy ông giữ gìn cẩn thận như bảo vật, dùng lâu năm nên nước bóng nhãy hằn in hai ngón tay trồi. Cái ngón cái mảnh đốt một to cồ vấu đốt hai. Phần, do nghề trải nhiều năm ông nội có, hay huyết thống truyền lại mà cha tôi và chú Thanh cũng được ngón tay hệt vậy. Đêm mùa đông năm con Mèo xám ngoét giá rét đùng đùng, ông nội tôi được dân kẻ chợ đưa về từ Trung Thà sau hơn hai tháng bưng trống trên các bản làng xa, bị cảm hàn do rừng thiêng nước độc. Người ông sụt tựa mảnh gió, giọng yếu như ngọn đèn dầu buồng tối phát ra “Đẻ con giai thì cố nuôi để giữ họ. Con gái nhớ cho đi không mẹ con chết đói, bà à”. Ông tôi nói xong cố với tay mói chiếc túi vải, lấy chục đồng tiền ky cóp những ngày đi làm, đặt xuống chiếc giường tre. “Không ông”. Bà nội nấc rức lên. Ông cương quyết ngoắc vai ra hiệu cho hai lực điền nhấc đòn khiêng nhằm hướng tổng Sơn, bước gằn… ông tôi định bụng sẽ ăn mày nhà thờ dưới ấy để lúc chết nhà thờ cho cỗ quan tài. Ngọn đèn leo lét ở ngã ba Đồng Bẳng đậu trên vai bà nội cùng gánh củi mẻ kẹo đắng cay cắm sào nuôi hai con gái. Sau đó bảy tháng bà sinh được cha tôi. Một chiều buồn tháng chạp khi cha được ba tuổi, bà tôi gánh con, một bên là cái tiểu sành xăng xái bước vào địa phận nhà thờ đến khu đất dành an táng cho con chiên công giáo. Bà muốn xin cải tiểu, đưa ông về Đồng Bẳng. Mấy chục ngôi mộ vật đổi sao dời nhận không ra mộ ông nội tôi mặc dù ông út Quý đã đánh dấu “bằng mắt” đận ba năm trước trèo tường ngó trộm phu huyệt lấp đất xuống mồ ông tôi. Ông Trùm giữ việc khánh tiết huơ tay bất lực… từ đấy nhà tôi mất mộ ông nội. Nghĩa địa trăm năm biến động bây giờ có tên là nghĩa trang Vườn Ổi đã được nới rộng, an táng lương đời lẫn lộn. Khi cha chưa trọng bệnh, tôi được theo lên thắp hương khấn vọng ông nội mấy lần. Lần nào cha cũng chỉ “Đây, kia. Ông nội nằm đấy” khiến lòng tôi rộn bao nỗi hoang mang.
Ông lão Chánh trương coi sóc nhà nguyện mặc bộ xanh sờn, kiệm lời, tiếp tôi và chú Thanh. Khi nghe kể về gia tộc dòng họ Lê Đăng dạy học qua nhiều đời rồi việc cháy căn nhà ngang, ông nội tôi phải trốn lên Đồng Bẳng tránh cơn giận lôi đình của cha nuôi. Đến chuyện khấn vạ cha Chính xứ tỉnh Sơn để lúc chết được cỗ quan tài thì ông vội ngắt lời: “Linh mục nhà thờ xứ Vườn Ổi đã đổi mấy ngài, riêng tịnh mật còn nguyên vẹn, vẫn cất giữ cơ man đồ đạc con chiên hầu việc từ nhà thờ gốc. Thỉnh thoảng người trong xứ và các nơi xa có về tìm nhận. Hai ông đến liên hệ với cháu ngoại ông cụ Việt, nhà xóm Bờ Sông. May ra”. Mắt tôi và chú Thanh sáng long lanh. Rồi ngay buổi chiều hôm đó anh em tôi xin được chiếc túi vải sờn của ông nội với bốn cái then dùng làm lẫy chêm tang trống. Thật là phép màu kỳ diệu.
“Ông hiện về anh ạ”.
Cánh tay em tôi bỗng nổi da gà khi chú Thanh đặt khít ngón cái vào vệt lõm trên chiếc lẫy ông nội tôi hành nghề bưng trống mấy chục năm.
Tôi và chú Thanh bàng hoàng phủ phục lạy ông mình trước án thờ quản trang nghi ngút khói hương.
Ngôi nhà Thần linh ắng tờ. Chính ngọ.
Những dòng khói nhang chảy ngược lên trên.
Cảm ơn gia đình người cháu ông cụ Việt và ông Chánh trương, ôm chiếc túi vải vào lòng chúng tôi rộn rã dấn chân ga.
Mọi người trong nội tộc mặt mày rạng ngời lúc xe ô tô từ từ tiến vào ngõ. Anh Cải đứng ngây ngây khi tôi ôm hũ sứ đá xanh đựng Linh Khí ông nội cùng những di vật trùm vải đỏ đặt ngay ngắn bên tả khung ảnh thờ của bà nội.
Tôi ngoắc tay ra hiệu cho Đương đứng sát cạnh thầy tôi.
Vẻ mặt thầy lúc này như được phết sáp. Bóng ông còng xuống trên chiếc xe lăn đổ suốt một mảng tường dài.
Hơn tám mươi năm, thầy tôi rưng rưng được cắm nén hương lên phần mộ cha mình đúng ngày gia tộc nhờ sư cụ chùa làng làm lễ tạ mộ ở khu tâm linh mới. Đương chắc giọng: “Bắc chiếc rạp to cho hoành tráng”. “Rạp mà làm gì. Trời xanh mây trắng không hơn à”. Anh Cải cười khì. Sư cụ gật đầu.
“Đức thừa tiên tổ thiên niên thịnh
Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh”
Trệ cứ nheo nheo mắt lẩm nhẩm đọc hai hàng câu đối khắc nổi trên cột đá, buồng giữa Linh hương. Mà hôm nay chú ấy mặc diện, đeo cà-là-vạt.
Thầy tôi đã khóc nhiều. Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt cụ già tám mươi tuổi chảy tràn thành dòng như thế. Nước mắt người già bệnh tật đón nhận yêu thương mà dòng họ dồn cả cho ông vào cái ngày hạnh phúc nhất này.
“A lô. Cả à. Anh ốm đau sao?”
“Dạ thầy, sau hôm khánh thành lăng mộ con lại phải nhập viện. Giờ bệnh đã rút, sắp được ra rồi”.
“À, thế thì tốt. Mấy bậc cổng khu tâm linh gia tộc mình, vẫn dở dang”.
“Vâng… vâng. Con sẽ làm, hoàn thành trước tết Thanh minh. Sẽ gieo đúng cung sinh. Mọi nhẽ còn là câu chuyện lớn sinh phần. Thưa thầy”.
Sóng điện thoại yếu hay là tiếng thầy tôi đầy lo lắng, nghe như một tiếng vọng.
Chú thích:
1. CNC (Computerized Numerical Control): Công nghệ gia công – Điều khiển số bằng máy tính.
15/10/2023
Phan Đình Minh
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...