Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Sáu bang phái có môn quy kỳ lạ nhất tiểu thuyết Kim Dung: Có cả Cái Bang

Sáu bang phái có môn quy kỳ lạ nhất
tiểu thuyết Kim Dung: Có cả Cái Bang

Những bang phái trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có môn quy riêng khiến không ít người gia nhập phải đắn đo.
Trong các tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung có vô vàn môn phái với những quy định riêng. Không ít phái có môn quy kỳ lạ, khiến nhiều người phải đắn đo khi muốn gia nhập. Mới đây, tờ QQ đã đưa ra danh sách 6 môn phái trong tiểu thuyết Kim Dung có quy tắc kỳ lạ nhất:
6. Ngũ độc giáo
Ngũ độc giáo là tên môn phái xuất hiện trong 3 tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Bích Huyết Kiếm và Lộc Đỉnh Ký của nhà văn Kim Dung. Ngũ Độc giáo nổi tiếng với khả năng dùng độc cũng như các võ công có liên quan đến độc dược. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, chưởng môn nhân của Ngũ Độc giáo là Lam Phượng Hoàng. Trong Bích huyết kiếm và Lộc đỉnh ký, Ngũ Độc giáo có giáo chủ là Hà Thiết Thủ, cũng là nữ giới. Theo quy định của môn phái, khi thủ lĩnh cũ qua đời mới được bầu ra thủ lĩnh mới.
Ngũ Độc giáo có một số bảo vật như Kim Xà Kiếm, Kim Xà bí kíp… Người trong giang hồ thường không dám gọi tên thật của giáo phái này mà thường gọi tránh là Ngũ Tiên giáo. Ngũ Độc giáo có trụ sở tại vùng Miêu Cương, tỉnh Vân Nam và trực thuộc vào Nhật Nguyệt thần giáo.
Môn võ công trứ danh và lợi hại nhất của Ngũ độc giáo là ngũ thánh tam bảo. Ngũ thánh gồm rắn, rết, bọ cạp, nhện và cóc. Nếu phối với các loại cỏ cây hoa lá lạ thì sẽ tạo ra loại rượu ngũ bảo hoa mật tửu. Ngũ độc giáo có ba món bảo vật là Kim Xà kiếm, Kim Xà chùy và Tàng bảo đồ. Về sau 3 món bảo vật bị Hạ Tuyết Nghi dụ dỗ Hà Hồng Dược – đại công chúa của Ngũ độc giáo lấy cắp.
Từ đó ngũ độc giáo có môn quy kỳ lạ nhất, theo đó, Ngũ độc giáo chỉ truyền chức giáo chủ cho nữ. Ngày lên ngôi, giáo chủ phải chặt bỏ một tay sau đó lắp tay giả bằng móc sắt. Bàn tay này vừa có dụng ý nhắc nhở các giáo chủ câu chuyện năm xưa của Hà Hồng Dược, vừa có tác dụng giúp luyện độc. Trên cánh tay giả được tẩm thêm nhiều loại độc dược mà không ai có thuốc giải.
5. Cổ Mộ Phái
Phái Cổ Mộ là môn phái hư cấu trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp. Đây là một môn phái ẩn dật với ít môn đồ. Vị trí phái Cổ Mộ nằm trong khu Cổ Mộ (Hoạt tử Nhân mộ), thuộc Chung Nam Sơn. Người sáng lập môn phái này là Lâm Triều Anh có hai đệ tử nổi bật nhất là Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ.
Nội quy của phái Cổ Mộ cũng không kém phần ấn tượng: Đàn ông không được phép bước vào Cổ Mộ. Sau này, Dương Quá là môn sinh nam duy nhất của phái, đệ tử của Tiểu Long Nữ. Khi mới nhập phái, điều đầu tiên phải làm là bái sư tổ Lâm Triều Anh và nhổ nước miếng vào chân dung Vương Trùng Dương.
Nữ tử của phái phải thủ cung sa (là dấu vết màu đỏ để chứng tỏ người con gái còn trinh tiết) và thề suốt đời không được rời khỏi Cổ Mộ. Nếu có nam nhân nguyện lòng chết vì mình, đệ tử mới được phá bỏ lời thề xuống núi. Sau khi chết, hài cốt môn đồ phải đưa về Cổ Mộ để an táng.
4. Phúc Uy tiêu cục
Người sáng lập ra Phúc Uy tiêu cục là Lâm Viễn Đồ. Hậu duệ của Lâm Viễn Đồ là gia đình Lâm Chấn Nam – bố của Lâm Bình Chi. Lâm Viễn Đồ ban đầu là một nhà sư pháp danh Ðộ Nguyên thiền sư, là đệ tử của Hồng Diệp thiền sư. Sau đó vô tình nhận được một phần bí kíp Quỳ Hoa bảo điển ở phái Hoa Sơn từ Nhạc Túc và Chu Tử Phong, ông đã hoàn tục, rời chùa Thiếu Lâm, lập gia đình, lập ra Phước Oai tiêu cục ở Phúc Châu.
Ông trở thành một cao thủ kiếm thuật, sử dụng 72 đường kiếm gọi là Tịch tà kiếm pháp đánh bại nhiều cao thủ (trong đó có đệ nhất kiếm thuật Trương Thanh Tử thuộc phái Thanh Thành). Chí vì thế, bí kíp Tịch tà kiếm pháp đã khiến nhiều nhân vật giang hồ thèm muốn và nảy sinh bao âm mưu, bất hòa, tranh chấp hòng giành giật pho bí kíp này, xưng bá võ lâm.
Vợ chồng Lâm Chấn Nam trước khi chết đã chỉ nơi giấu kiếm phổ cho Lệnh Hồ Xung, nhưng lại nhờ chàng căn dặn Lâm Bình Chi không luyện tập bí kíp Tịch tà kiếm phổ mà tổ tiên đã truyền lại. Theo lời của Lâm Bình Chi, yếu quyết đầu tiên của Tịch Tà Kiếm Phổ là “Võ lâm xưng hùng, dẫn đao tự cung” có nghĩa là muốn luyện Tịch Tà Kiếm Pháp thì đầu tiên phải tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình.
Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ biết điều nay nên đã lập gia đình, có vợ con rồi mới luyện tập để không triệt đi nòi giống của mình. Cuối đời, khi hiểu tác hại của Tịch Tà Kiếm Pháp, Lâm Viễn Đồ đã chép Tịch Tà Kiếm Phổ vào áo cà sa trên Phật đường của dòng họ và để lại di chúc cho con cháu không được mở ra xem.
3. Cái Bang
Cái Bang là một bang phái của ăn mày, có phạm vi trải rộng khắp Trung Nguyên, nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa, và được tôn danh hiệu là “Thiên hạ đệ nhất bang”. Tuyệt kĩ của bang phái này là môn võ công Đả cẩu bổng pháp và Hàng long thập bát chưởng. Theo môn quy, bang chủ Cái Bang phải chấp nhận bị các thành viên trong bang hội phỉ nhổ trong ngày nhậm chức.
Hành động có hai ý nghĩa. Thứ nhất, việc bang chủ chấp nhận bị các thành viên phỉ nhổ có nghĩa nhắc nhở người này không được quên cội nguồn của mình. Thứ hai, là kẻ ăn mày, suốt ngày đều phải chịu sự sỉ nhục tất cả mọi người. Là một bang chủ, điều đầu tiên là người này phải chịu được những lời sỉ nhục của anh em trong bang nhóm thì mới có thể hoàn thành được những việc lớn lao trong đời.
2. Tiêu Dao phái
Phái Tiêu Dao xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ. Tiêu Dao lấy từ thành ngữ Tiêu dao tự tại, có nghĩa là tự do tự tại, thong thả đây đó. Các thành viên của phái Tiêu Dao thường yêu thích cuộc sống phiêu du, không ràng buộc, không gò bó, bay bổng như những lãng khách.
Người sáng lập phái Tiêu Dao là Tiêu Dao Tử, sau truyền tới Vô Nhai Tử và tiếp đến là Hư Trúc Tử. Võ công tuyệt thế của phái này là Bắc Minh thần công, Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, Thiên Sơn Lục Dương Chưởng, Lăng Ba Vi Bộ, Tiểu Vô Tướng Công, Thiên Trường Địa Cửu Bất Lão Trường Xuân Công. Tiêu Dao phái tuy có ít thành viên nhưng đệ tử hầu hết là những người có trí tuệ siêu phàm, dung mạo thoát tục, khí khái bất phàm và đặc biệt đều là những cao thủ đệ nhất thiên hạ, một mình có thể khiến cả võ lâm rung chuyển.
Tuy nhiên, Tiêu Dao phái có 1 môn quy “đặc biệt” đó là ai muốn gia nhập phái phải có ngoại hình đẹp. Nam phải có phong thái như ngọc thụ lâm phong, tuấn tú, nữ phải thuộc dạng mỹ nhân băng thanh ngọc khiết, xinh đẹp..  Người đứng đầu thế hệ thứ hai của phái là Vô Nhai Tử. Vô Nhai Tử là một người tuấn tú tao nhã, cầm kỳ thi họa khiến Lý Thu Thủy và Thiên Sơn Đồng lão si mê.
Tiêu chuẩn ngoại hình cực cao đã khiến phần lớn hào khách giang hồ phải dừng bước trước cửa Tiêu Dao phái. Tuy nhiên, đến lượt Hư Trúc, anh chàng lại phá vỡ mọi quy tắc trước nay của Tiêu Dao phái. Hư Trúc xấu trai, mắt to mũi lớn, tai vểnh mồm rộng, trán dô mi đậm, tướng mạo rất thô kệch nhưng tâm tính hiền lành, tốt bụng.
1. Tinh Túc phái
Phái Tinh Túc là môn phái do Đinh Xuân Thu – một kẻ phản đồ Phái Tiêu Dao sáng lập. Đinh Xuân Thu vốn là đồ đệ của Vô Nhai Tử, nhưng y quỷ kế đa đoan, tâm địa ác độc, lại rất ưa nịnh. Đinh Xuân Thu vì muốn chiếm chức vị chưởng môn và các bí kíp võ công thượng thừa nên đánh lén Vô Nhai Tử ngã xuống vực, lại đánh trọng thương sư huynh Tô Tinh Hà.
Đinh Xuân Thu sau khi sát hại sư phụ không kiếm được bí kíp võ công, liền lên vùng Tinh Túc Hải phía Đông vì tin rằng hai tuyệt học Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công của Phái Tiêu Dao được cất giấu ở vùng này. Tại đây hắn lập ra phái Tinh Túc, gồm toàn những kẻ tiểu nhân bỉ ổi. Phái Tinh Tú võ công âm độc tàn ác, đã ra tay là không có nể nang gì, địch nhân trúng đòn không chết cũng trọng thương như Hóa Công đại pháp, Hủ thi độc…
Vì môn phái chỉ toàn kẻ tiểu nhân, nên các đệ tử của Tinh Túc phái được xếp theo trình độ võ công. Đinh Xuân Thu thoải mái cho đệ tử đấu võ với các môn phái khác nếu kẻ đó tự tin vào võ công của bản thân. Hắn không quan tâm đến tính mạng của các đệ tử, nếu đánh thắng có thể xưng bá trên giang hồ, nếu thua thì tự lấy tính mạng ra đặt cược.
29/10/2023
Minh Phương
Nguồn: Người Đưa Tin
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...