Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Nhớ về ca khúc "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"

Nhớ về ca khúc "Năm anh em
trên một chiếc xe tăng"

Trong hàng trăm ca khúc ấy có ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng (nhạc Doãn Nho phổ thơ Hữu Thỉnh) được mọi người hát rất nhiểu trong các cuộc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt văn nghệ của các cơ quan hay những buổi sinh hoạt cộng đồng của học sinh…
Nhà thơ Hữu Thỉnh tác giả bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc
Sau khi đất nước thống nhất, những ca khúc cách mạng đầy sinh khí (được gọi là “nhạc đỏ” đối lập với nhạc vàng, ủy mị của những ca khúc được sáng tác ở đô thị Miền Nam trước đó), bằng các thông tin đại chúng, hay bằng cách này cách khác được nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong các đô thị Miền Nam đến các vùng nông thôn mà trước đó bị tạm chiếm. Thanh thiếu niên đến các tầng lớp khác kể cả giới nhân sĩ trí thức sống trong vùng địch hậu cũng rất cuồng nhiệt đón nhận.
Ngoài ca khúc Tiến quân ca của Văn Cao được chọn làm bài Quốc ca, bài Giải phóng Miền Nam của Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước) được sử dụng làm Quốc ca cho vùng Miền Nam giải phóng hồi kháng chiến, cũng được sử dụng tiếp một thời gian ngắn nữa khi hòa bình lập lại thì ca khúc hùng tráng này chấm dứt “sứ mạng” của nó. Tất cả trên đất nước Việt Nam thống nhất sử dụng chung bài Tiến quân ca, làm Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao đến nay. Trong những ca khúc cách mạng sôi nổi, mang hơi thở nóng bỏng của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc lúc bấy giờ như: Tiến về Sài gòn của Lưu Hữu Phước, Sài Gòn quật khởi của Hồ Bắc, Tiếng đàn ta-lư của Huy Thục, Đường chúng ta đi (nhạc Huy Du, lời Xuân Sach) v. v…
Bên cạnh còn có những ca khúc chậm vừa, tha thiết, như bài Cùng anh tiến quân trên đường dài của Huy Du, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (nhạc Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật) Lá đỏ, (nhạc Hoàng Hiệp, phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Cuộc đời vẫn đẹp sao, nhạc Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Dương Hương Ly, (tức Bùi Minh Quốc), Rặng trâm bầu của Thái Cơ, Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân v.v… Trong hàng trăm ca khúc ấy có ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng (nhạc Doãn Nho phổ thơ Hữu Thỉnh) được mọi người hát rất nhiểu trong các cuộc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt văn nghệ của các cơ quan hay những buổi sinh hoạt cộng đồng của học sinh…
Trong làn gió mới thổi bùng vào cuộc sống đang mãnh liệt trỗi dậy sau cuộc chiến ấy, tôi là cậu học trò ngoài việc học chỉ biết mỗi niềm đam mê đá bóng cũng đã “ngã lòng” bởi giai điệu mạnh mẽ, hào hùng, dồn dập mà thì thầm, tha thiết với ca từ dung dị, chân tình, đến mê hoặc bởi ca khúc vừa nêu. Một giác độ nào đó, nó đã phản ánh chân thực, khái quát một phần cuộc chiến tranh bi hùng từ chủ nghĩa yêu nước của một dân tộc bất khuất trước bất kỳ thế lực xâm lược nào.
Khi ấy tôi đang học Trường cấp II Tam Đảo (Giồng Trôm). Sở dĩ Trường Giồng Trôm lúc đó mang tên Tam Đảo là vì huyện Giồng Trôm kết nghĩa với huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cùng lúc với Bến Tre kết nghĩa với tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1958. (Sau đó tỉnh này xác nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Gần đây lại tách ra thành hai tỉnh như ban đầu). Trong một lần cả đội bóng đá của trường tôi đến nhà tôi sinh hoạt, luận bàn, chuẩn bị cho mùa Hội khỏe đầu Phù Đổng đầu tiên ở Miền Nam tổ chức. Trong không khí rạo rực đó, bất chợt có một bạn bỗng bắt nhịp bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Thế là cả đội bóng chúng tôi hát vang trong niềm phấn khích.
Tôi có ông chú là “dân tập kết”, ông từ sống ở Hà Nội, nên ông có nhiều thông tin ở ngoài Bắc thời chiến tranh. Dịp đó ông cho chúng tôi biết ca khúc đó là của nhạc sĩ quân đội Doãn Nho, phổ thơ Hữu Thỉnh. Nhà thơ ấy tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, người Tam Đảo, Vĩnh Phú. Vậy là chúng tôi “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, “ồ” lên nhận ông Thỉnh là… đồng hương! Sau đó không ít lần do dự, cuối cùng tôi đánh bạo đến bàn với các vị thầy phụ trách đội bóng của trường thành lập đội văn nghệ trong đội bóng để … được hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay…”. Mặc dù đã có đội văn nghệ của trường rồi nhưng Ban giám hiệu và các vị thầy cũng “duyệt” cho thành lập thêm đội văn nghệ rất thường xuyên tập dượt.
Cũng trong thời gian này Đoàn Nghệ thuật tuồng chèo của Vĩnh Phú về Giồng Trôm phục vụ tại Trường cấp II Tam Đảo với tuồng Kiều Nguyệt Nga cống hồ. Soạn từ một phần truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, như chất men, càng gây hưng phấn cho đội bóng chúng tôi mỗi khi hát bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Nhà trường tổ chức cắm trại, phục vụ văn nghệ cho học sinh, với hai cây đàn guitar thùng cũng hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng, đi dã ngoại cũng hát vang trời, đến đỏ mặt. Và chẳng có lần nào ra sân thi đấu bóng đá chúng tôi lại không hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng.
Có trận thi đấu với đội bóng Trường cấp II Mỹ Thạnh, mở màn cho đội Bóng đá đất thép huyện Giồng Trôm sắp thi đấu, Đội trưởng chúng tôi bắt nhịp từ ngay góc sân bóng rồi dẫn cả đội bóng đi hàng dọc theo đường biên, đến nửa sân thì rẽ trái, đi ra giữa sân rồi rẽ hai, tạo thành một vòng tròn, xoay mặt ra nhìn thẳng khán giả trước khi cúi chào vẫn còn hát vang trong tiếng vỗ tay, hát theo đầy phấn khích của mấy ngàn khán giả chật kìn bốn cạnh sân. Cũng chính bài hát ấy đi cùng chúng tôi qua ba mùa Hội khỏe Phù Đổng, rồi thi đấu giao hữu với nhiều đội bóng của các trường khác đều mang về thành tích cao cho trường. Mỗi ngày càng hưng phấn thêm, thầy trò chúng tôi sau khi bàn bạc liền đi đăng ký tham gia tranh giải bóng đá vòng huyện. Ban (tức phòng) Thể thao huyện không đồng ý. Vì mặc dù chúng tôi đá rất tốt nhưng giải này chỉ dành cho thanh niên. Đồng thời Ban tổ chức cho rằng chúng tôi không đủ thể lực đáp ứng cho trận cầu với tốt độ cao và dễ chấn thương khi thi đấu, sẽ không có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Thất vọng, không ít bạn lúc đó nổi giận, hét: “Vậy thì làm sao có dịp được hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng nữa đây, trời ?!”. Cũng nôn nóng, bức xúc, tôi nảy ra ý nghĩ, rồi thưa với thầy phụ trách đội bóng: “Hay là tụi em giả phụ huynh làm tờ cam kết… ký tên đại rồi mang vô Ban Thể thao huyện để được tham gia giải này được hôn thầy? Thoạt nhìn ánh mắt thầy tôi sáng lên, tôi mừng rơn, thầy bảo: “Thôi được rồi, để các thầy tính lại” – Thầy tôi rót ra từ cửa miệng “lời đường mật” đó giọng rất trầm nhưng đốt lên từ lòng tôi niềm hy vọng bùng cháy. Sau đó không lâu “kịch bản” của tôi đưa ra được chấp nhận. Giải đó đội bóng chúng tôi bốc thăm “nằm chung” bảng với đội thanh niên xã Bình Thành, rất mạnh. Nên chúng tôi chỉ thắng được trận đầu còn trận thứ hai gặp đối thủ này thì bị loại trực tiếp. Hiệp một chúng tôi vẫn giữ sạch được màn lưới đến phút bốn mươi lăm. Đến chung cuộc mới chịu thất thủ với tỉ số 0-2. Dù vậy thầy tôi vẫn an ủi, động viên: “ Lần sau ra sân các em nhớ hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng cho hùng hồn lên. Lần này hát không được tốt đó!”… Những năm đầu thập niên tám mươi, đi Thanh niên xung phong tôi cũng yêu cầu đơn vị tập hát bài hát đó để phục vụ đồng đội và quần chúng trong những ngày lễ lớn…
Tháng 8 năm 2001. Tôi đi dự “Hội nghị Những người viết Văn Trẻ toàn quốc lần VI” ở Hà Nội. Dịp này, tôi có gửi trước bài tham luận cho Ban Tổ chức. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Trưởng Ban tổ chức Hội nghị này. Ông duyệt cho đọc trước, nhưng có chi tiết ông bảo nhà văn Vũ Hồng (cùng đoàn Bến Tre) ông cần gặp tôi để trao đổi, biên tập. Vậy là lần đầu tôi vinh dự được tiếp xúc tác giả Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Công việc xong, ông hỏi tôi ở Bến Tre mà ở huyện nào. Tôi thưa: Huyện Giồng Trôm. Bất giấc ông đứng dậy, ôm choàng lấy tôi, vỗ bình bịch vào lưng, mừng rỡ, reo lên: “Vậy là đồng hương với tớ rồi!”. (Ông nói như thế cũng đúng thôi. Bởi nơi quê hương Tam Đảo có Trường Giồng Trôm và ở Vĩnh Phúc hiện nay vẫn còn tồn tại ngôi trường PTTH mang tên Bến Tre). Đoạn ông hỏi ở Giồng Trôm mà biết gì về Tam Đảo không? Tôi lúng túng chỉ nhớ Giồng Trôm kết nghĩa với Tam Đảo và tôi từng học Trường mang tên Tam Đảo để thưa với ông. Và, bỗng đâu từ trong tiềm thức trỗi dậy ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng, tôi hát lên trong niềm xúc động và ông cũng rưng rưng hát hòa theo.
Có lẽ cũng từ cái “duyên hạnh ngộ” đó nên sau ba ngày kết thúc Hội nghị, ông cho nhà văn Phong Điệp đưa chúng tôi lên Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo để tham quan trọn một ngày một đêm… Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ ở Bến Tre. Rồi đi dự hội thảo văn học đồng bằng sông Cửu Long, do Bến Tre đăng cai tổ chức, nên mỗi năm ông vào Bến Tre vài lần. Ba lần gặp lại ông ở quê nhà, ba lần bên bàn rượu, ông đều đề nghị tôi hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Lần cuối cùng tôi không hát mà thưa rằng: “Rồi đây lịch sử sẽ mãi còn ngân vang Năm anh em trên một chiếc xe tăng và nhân dân cả nước đã từng hát rồi còn gì”.
30/10/2023
Phạm Bội Anh Thuyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...