Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Sóng về bến cũ

Sóng về bến cũ

Một quán bún cá mọc lên trong ngõ lẻ của phố. Khi đèn đường đã thắp sáng, những vũng nước như mảnh gương soi cả trời mây trôi về hoàng hôn thì mùi thơm hành tỏi, nước béo của quán cũng tỏa ra. Có thằng bé  trông cao dáo, mặt mũi khôi ngô chạy lon xon nhanh nhẹn bưng bê. Đó là con chị Hoài. Hai mẹ con chị về phố cũ ở từ hồi nào chưa ai rõ.
Nhà chị ở trong ngõ lẻ cắm vào trục đường chính của phố. Mà trục đường chính có tới vài con ngõ. Cái ngõ nhà chị  là cái ngõ cụt duy nhất nên nhiều người nhớ. Người đến ở được chục năm sẽ nghĩ chị vừa chuyển đến. Người biết rõ nhà chị, biết cái thời bố mẹ chị ra làm sao, ông bà chị ra làm sao thì giờ đã già và kể chuyện về nhà chị có vẻ lẫn lộn. “À nhà mẹ con nhà nó đến thuê ở nhà bà Sáu chứ đâu phải cái Hoài disco ngày xưa!” Chị có cái biệt danh từ thời con gái mà đến giờ người ta vẫn nhớ, đó là Hoài disco. Những người bạn trong xóm cũ đã lấy chồng lấy vợ ra phố hoặc đi làm ăn xa  gần hết rồi. Thế là bỗng dưng chị trở thành người mới trong xóm cũ nhà mình.
Chiều muộn đi làm về, vợ con đi ăn cỗ cả, tôi ghé hàng chị làm bát bún cho ấm bụng. Chỉ nhìn vào cái biển đề rõ oách: Bún cá cay, cảm thấy có một hương vị rất riêng. Không cần biết nấu kiểu gì, nêm kiểu gì nhưng bún cá Hải Phòng là phải có dọc mùng. Mấy cái dọc mùng vàng ươm nổi lên là thấy đã thèm rồi. Chuẩn vị là phải béo bùi và cái miếng dọc mùng giòn sựt giữa hàm răng. Rau mùng có những lỗ nhỏ răm li ti để hút đượm những vị thơm, chua, cay, mặn, ngọt, béo bùi của nước dùng.
Tôi bắt đầu mê bún cá của chị Hoài. Cái mông chị Hoài lắc qua lắc lại trước mấy nồi nước, rồi nhanh tay tưới lên bát bún trắng thơm phức mùi hành với thì là, nổi lên những miếng cá rán giòn sụm, bê ra cho khách làm tôi nhớ cái lắc mình điên đảo của thời con nít. Chị vẫn cứ là đại ca của những cú lắc kinh khủng ấy. Nó ám ảnh vào trí nhớ của thằng con trai lít nhít như tôi thời đó, bám cửa sổ sắt nhà chị xem nhẩy disco của đám bạn hư. Cả xóm này gọi đó là đám hư thân. Bà hàng xóm thích nghe cải lương cuối tuần trên đài tiếng nói Việt Nam, bực mình với đám trẻ hư vì thỉnh thoảng phải xách đài ra tận nhà bà Tí xóm bên cùng nghe. Bố chị làm thủ thủy viễn dương, nhiều tiền lắm, ít khi về. Mẹ chị bán hàng ở chợ lớn, đến tối mới về, có hôm đi đánh hàng trên Lạng Sơn. Nhà chị giàu nhất xóm. Nền lát đá hoa mát rượt. Chúng tôi chỉ mon men bám cửa sổ nhòm vào xem đám bạn chị nhảy disco. Nhạc boney, Modern Talking nghe mãi, tôi chỉ nhớ: Chàlì – chali  cục cu, chali, chali cúc cu, ù ù, ư ư… và tôi hát đến bây giờ vẫn chỉ có từng ấy từ.
Tiếng hát át tiếng bom – đó là thời ông nội và cha tôi kể thế. Khi tôi được chọn vào đội văn nghệ của lớp chỉ để đứng mấp máy môi trong dàn đồng ca, tôi cảm thấy sung sướng cả tuần. Nhưng rồi, hôm đi diễn, cái quần âu của tôi bị chuột cắt bục đầu gối, mẹ chưa vá kịp, tôi khóc chu chéo thế là ở nhà luôn, hết vai diễn phụ. Bây giờ thằng con nhà tôi cùng đám bạn, chúng nhảy như cào cào châu chấu. Quần rách kiểu bị chuột cắt lại càng mốt. Hát kiểu gì úp miệng cái cái mic-ca-ro như húp canh lụp xụp… Đôi khi nó nghe cái thứ nhạc gì mà ùng ùng, ụp ụp, không biết là hát hay là đọc thơ. Tôi hỏi, nó bảo: Hát ráp, đọc ráp!
Trong thị xã bé xíu, yên bình vào những năm 80 ôm lấy đường cong và trong xanh nhất của dòng sông, có vài nhóm nhảy disco. Họ thường đến nhảy ở những đám cưới nhà giàu. Nhóm chị Hoài cũng đi nhảy trong các đám cưới ở phố này. Bọn trẻ con chúng tôi ăn cơm cho sớm, thậm chí là không ăn cơm để chạy sang đám cưới xem nhảy. Dưới bóng đèn đỏ quạch ở sân nhà. Một bên là tiếng lợn kêu eng éc, trong sân là đám nhảy túa xua, vui đến nỗi, giờ tôi vẫn nhớ như in cái mông chị lắc lư, uốn éo trong tiếng nhạc  từ cái đài của chị bê đến. Một vài cậu thiếu niên cũng ngoáy mông, giơ tay lên vung vẩy theo. Buổi tối văn nghệ ấy chỉ có khoảng hai tiếng, nhạc dừng, chị bê cái đài bên nách rẽ đám trẻ chúng tôi bước ra về. Thế là niềm vui ngưng lại trong bóng tối ở xóm bên đê.
Trẻ con có thế giới của trẻ con, mà trẻ con đã nhớ thì nhớ kỹ lắm. Tôi nhớ chị Hoài của thuở đôi mươi là cô gái gầy mảnh khảnh tóc tém, nên bây giờ vẫn không chấp nhận một bà béo ịch, da rám nắng là chị Hoài. Có lúc tôi cố tìm lại ở chị một nét quen xưa nhưng chỉ còn cái tên là chính xác và ánh mắt sắc lẹm. Dáng người tất tả. Chị nay cuộn một búi tóc to sau gáy, rồi quấn một cái khăn trên đầu che mưa nắng. Thời gian làm thay đổi nhiều thứ quá. Tôi nhớ những buổi trưa nắng, bọn trẻ con chúng tôi trốn đi tập trại hè vào nhà chị Hoài để nghe nhạc vàng phát ra từ đĩa than quay tròn quanh thanh kim cắm xuống. Chị dặn, mở bé thôi. Nghe nhạc mà kín thế ư! Đó là nhạc hải ngoại. Nghe hát của mấy người bỏ Tổ quốc ra đi thì không lấy gì làm đẹp đẽ cả. Họ hát nghe buồn lắm. Buồn đến não lòng như đứa trẻ trong phiên tòa chứng kiến cha mẹ ly hôn và cãi vã nhau ấy. Sau rồi, khi tôi đi học nghề mộc, lúc về qua phố, thấy nhà ông Tư giò mở casette chạy băng nhạc vàng, nhạc tiền chiến hát cả phố nghe vui vui. Thỉnh thoảng băng rối, giọng người ca sỹ thật tội nghiệp, ọt ẹt một tí rồi tắt lịm. Mà ông chỉ mở vào sáng thứ bảy hay chủ nhật thôi vì còn phải nạp điện vào ắc quy mới chạy được đài!
Trên dòng sông trước nhà, những con thuyền sắt đi qua, đánh nước dạt vào bờ thành sóng. Mỗi lần mang những chiếc rổ, giá ra đánh rửa cho mẹ – nhà tôi làm xôi bán dong khắp thị xã – Tôi lại băn khoăn không biết chị Hoài có đi trên chiếc thuyền sắt nào về Hải Phòng không! Hồi đó, hàng xóm nghe phong thanh mẹ chị vỡ nợ nên cả nhà trốn về Hải Phòng. Sau rồi lại nghe, bố mẹ chị bỏ nhau … chị sống với dì kế cũng vất vả lắm. Thỉnh thoảng chị theo tàu chở dầu ma-rút từ Hải Phòng về thăm cô Sáu  vẫn ở nhà chị rồi lại đi. Chị yêu anh Tiến hói ở ngõ bên. Trẻ con có đứa đã nhìn thấy hai người hôn nhau ở vườn ổi. Anh Tiến hói đã vượt biên hồi năm 90. Từ dạo đó chị không về xóm cũ nữa. Những tờ báo bán dạo và cái loa ra rả điệp khúc kể về vụ án trong những chuyến tàu gỗ vượt biên nghe thật hãi hùng. Bà Sáu thở dài, hay xách làn đi chợ buổi sáng, nói thầm với hàng xóm rằng: Thương quá, con Hoài nó chửa hoang, không dám về xóm nữa. Thằng đó nó vượt biên mất tích rồi. Người ta hỏi thăm chị Hoài. Nghe bà Sáu nói, chị không chịu về phố cũ mà ở cùng một bà bán bánh canh, bún cá ở gần chợ Sắt, Hải Phòng.
Thời tiết chuyển mùa, bữa nay tôi thấy mệt, xin chủ xưởng nghỉ về sớm chút, định bụng qua hàng chị Hoài làm bát bún nóng. Hơn năm giờ chiều mà quán hàng nhà chị vẫn im lìm. Tôi về than thở với vợ. Vợ tôi vừa đưa cốc nước trà gừng nóng: “Bà Hoài đi buôn đất rồi, mấy hôm thấy đóng cửa quán” “Oách nhỉ! Quả này giàu to rồi!” Mụ vợ tôi chề cái môi ra bình luận: “Gớm đi làm môi giới đất chứ làm gì có vốn mà buôn với bán. Nhưng làm được thì mỗi lô giới thiệu xong cũng được đôi chục triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, gặp khách kiếm đến vài chục triệu ấy chứ chả đùa được!”
Tôi vừa mừng vừa lo. Nếu chị Hoài bỏ quán đi buôn đất, phố lại vắng hơi ấm của nồi bún cá cay mỗi chiều xuống!
Tôi đem cái bâng quơ chột dạ của mình về nồi bún cá cay mà nói với ông già bán trà đá gần xưởng chỗ tôi làm. Ông rít xong một hơi thuốc lào, nhả khói vào không khí, rồi mới thủng thẳng trả lời: “Có phải đứa nào cũng trúng mánh đâu. Làm cái nghề thời vụ ấy, được đâu hay đó. Không được thì cũng bạc mắt ra ấy chứ.” Nói rồi, ông già nhìn vào khoảng không rất xa với đôi mắt ánh lên niềm khoan khoái riêng sau hơi thuốc lào. Tôi im lặng nhìn theo khoảng không đó.
Mỗi chiều đi làm về qua ngõ, bỗng thấy lạnh tanh cả không gian. Cái tin chị Hoài đang giao bán nhà giá khoảng 700 triệu đồng, mấy người trong khu phố nháo nháo bàn tán. Làm gì mà vỡ nợ vậy? Hay là hùn vốn buôn đất? Chị Hoài hùn vốn với bạn để mua miếng đất trong khu dự án. Dạo này nhiều người giàu lên với đất đai, điền sản là có thật. Chị bán đất xong và dọn sang ở nhà cô Sáu ngõ bên. Tôi tiếc góc bán bún nhà chị quá, đang đông khách, đang đẹp đẽ long lanh vào mỗi tối… Chị giàu lên cũng mừng cho chị.
Mảnh đất cũ nhà chị bỗng mọc lên một ngôi biệt thự nhà vườn đẹp.
Chị trở về, quay ra làm cái bàn vé số ở đầu dốc đê. Tôi chưa thấy chị giàu hơn trước nhưng thấy chị già sọm đi, gầy hơn, nhưng cái tính tưng tửng và yêu văn nghệ thì chắc vẫn còn nguyên. Chị ngồi chống cằm, nghe nhạc khe khẽ từ cái điện thoại bắt sóng wifi miễn phí của thành phố.
Tôi ghé vào mua vé số cuối chiều, rồi hỏi:
– Dạo này đất đai thế nào chị?
– Mệt người lắm! Tí nữa thì mất hết. Tiếc cái nhà cũ quá. Để đến giờ bán được tiền tỉ rồi. Nghe người ta hùn vốn, mua trúng cái đất chưa có sổ đỏ hẳn hoi. Cứ tưởng nộp tiền vào thì sau lấy sổ đỏ. Hai năm trời, chúng nó ăn lãi không trên vốn của mình, rồi giờ sổ toẹt ra là trả lại vốn, đất bị thu hồi do cấp phép sai dự án. Bố khỉ!
– Chị mở lại quán bún đi!
– Chán lắm rồi! Chờ dự án chung cư cho người cô đơn có thu nhập thấp xây lên, tôi mua một căn 20 năm ở cho tới chết già thôi chú ạ. Túc tắc thế này cho nhẹ người, không ở cùng con cái làm gì cho phiền chúng ra…
Tôi thương chị quá. Chị vẫn bình thản đến độ làm người khác sốt ruột. Một người cũ trở về đã thành người mới trong phố cũ. Lòng sông hình như thu hẹp hơn, những con sóng đánh vào kè bê tông bên bờ sông chỉ mơn man, còn đâu những chuyến tàu tấp nập để hóng những nhịp sóng đánh vào bờ mà tưởng như sóng ở biển…
24/10/2023
Nguyễn Thị Thu Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...