Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Tình và thù

Tình và thù

Văn Thành đặt ly rượu xuống, đốt điếu xì-gà, nghiêng đầu nhìn quanh một vòng. Cái nhìn ấy cho Thành biết chắc chỉ có chúng tôi ngồi trong góc phòng này và quanh chúng tôi lúc này không có người lạ nào ở trong tầm tiếng nói nhỏ của chúng tôi. Anh hỏi tôi bằng lối hỏi đột ngột thường lệ:
– Có những chuyện gì đã xẩy ra với Hoàng Giác?
Tôi giựt mình. Và đúng lúc ấy, bên ngoài trời đêm cơn bão nổ bùng trên thành phố cùng với một tiếng sét lớn. Tôi như ông Lưu Bị ngày xưa khi bị đại gian hùng Tào Tháo chỉ mặt nói mình là anh hùng, đã cả sợ, hoảng kinh, giựt mình đến văng cả đôi đũa đang cầm ở tay xuống gầm bàn, nhân lúc đó trời có tiếng sấm nổ, Lưu Bị bèn đổ cho sấm nổ làm mình rớt đũa. May cho tôi, hoặc nói một cách khác, tôi may mắn hơn Lưu Bị ở điểm tôi không sợ Văn Thành giết tôi như Lưu Bị sợ bị Tào Tháo giết – vì Tào Tháo có thể giết được Lưu Bị dễ dàng còn Văn Thành thì khó có thể giết được tôi – nhưng nếu lúc Thành hỏi tôi câu đó tay tôi đang cầm vật gì, tôi cũng có thể vì sợ, vì ngạc nhiên, mà đánh rớt xuống đất.
Gió nổi và mưa rơi ào ào sau tiếng sét ấy. Giông tố đang giáng xuống thành phố. Tôi ngồi im lặng một lúc lâu nghe tiếng mưa gió và có ý làm ra vẻ không nghe rõ câu hỏi vừa rồi của Thành. Tôi không biết Thành có lắng nghe tiếng mưa, tiếng gió hay không, tôi chỉ biết y cũng im lặng khi thấy tôi im lặng. Nhưng nhìn vẻ mặt y, nhìn vành môi mỏng mím chặt và đôi mắt cú vọ sáng long lanh của y, tôi biết là đêm nay, ở đây, tôi không thể yên ổn ra khỏi đây mà không chịu làm vừa ý y. Y muốn tôi kể hết cho y nghe tất cả những chuyện bí mật cũng như không bí mật, những chuyện nhiều người biết và những chuyện chỉ một mình tôi biết, về Hoàng Giác. Và y sẽ nhất định không chịu buông tha tôi nếu tôi không chịu kể.
Tôi với Văn Thành là bạn học từ bậc Tiểu Học. Hoàng Giác với Văn Thành, và tôi là bạn cùng học ở Trung Học. Trưởng thành, mỗi đứa chúng tôi theo một nghề để sống: Hoàng Giác đi buôn, làm chủ nhà xuất nhập cảng, Văn Thành làm nghề ký giả viết báo – chúng tôi vẫn gọi đùa nghề của y là nghề “nói láo ăn tiền” và nhiều khi, y cũng nhận lời của y đúng là như thế. Nhưng ký giả Văn Thành nhận nghề làm báo nói láo ăn tiền của mình với một thái độ tự tôn, kiêu hãnh và khinh đời – còn tôi, tôi làm cái nghề có ít lợi tức hơn cả: nghề gõ đầu trẻ, tức nghề dạy học.
Tôi nhìn khuôn mặt đợi chờ của bạn và tuy trong lòng ngạc nhiên – tại sao Thành lại biết sớm quá về câu chuyện mà tôi tưởng là bí mật hoàn toàn này? – nhưng không thấy khó chịu gì lắm. Ðêm nay trời giông bão, hai chúng tôi đang ngồi ấm trong một hội quán, chất rượu mạnh ngon và ngọt đang làm tan biến những chất tôi vừa ăn thành ra chất nuôi dưỡng cơ thể tôi. Và tôi cũng đang cần có bạn để tâm sự cho vơi bớt sự kinh dị chứa chất trong lòng. Chuyện ghê rợn có liên can đến Hoàng Giác, đến tôi, cũng kết liễu trong một đêm mưa gió bão bùng như đêm nay. Có thể là đêm đó mưa bão còn dữ dội hơn đêm nay nữa.
Cơn bão đến đêm nay cho tôi biết những cảm giác rùng rợn của tôi đêm nào xưa sẽ không bao giờ phai nhạt trong tôi, cứ những đêm trời mưa bão tôi lại nhớ đến chúng, hoặc nói một cách khác, cứ những đêm trời nổi gió bão, chúng lại trở về ám ảnh tôi.
Chưa biết rằng trong thâm tâm, tôi đã sẵn sàng kể lại hết với y, thấy tôi im lặng hơi lâu, Thành tiếp:
– Cậu biết những gì về vụ Hoàng Giác, cậu có bổn phận phải kể cho tôi biết. Ðừng bao giờ cậu quên rằng nghề kiếm cơm của tôi là nghề viết truyện đăng báo. Tôi cần có những chuyện lạ làm đề tài hơn thiên hạ. Và… – y nói tiếp bằng một giọng buồn rầu – …bạn của cậu hồi này… già mất rồi, tài năng của bạn cậu ngày một tàn tạ đi. Như một cái cây khô…
Tôi dư biết Thành giả vờ. Tên tuổi y vẫn còn và đang chói sáng hơn bao giờ hết trong địa hạt báo chí ở đây, địa vị của y trong làng báo ngày một vững chắc sau khi y đã chiếm được một chỗ ngồi mà người ta thường gọi là “chỗ ngồi dưới ánh mặt trời”. Tuy nhiên, khi nghe người bạn thân của mình nói như thế, dù biết dư rằng bạn giả vờ, người bạn biết nể bạn, mến bạn, cũng phải vờ như cho đó là thật.
– Thôi đi cha… – tôi nói – Ðừng tả oán nữa. Ai bảo lười không chịu vất vả đứng ra làm chủ báo, cứ đi viết thuê cho nhàn hạ. Về già hết lộc đói rách còn kêu than cái gì…? Cứ từ từ, để tôi sắp xếp lại đầu cuối và kể cho mà nghe…
Tôi ra hiệu cho Thành đẩy ghế ngồi gần tôi hơn, rồi tôi gọi bồi rót thêm hai ly rượu. Một lúc tôi vào chuyện.
o O o
hitchcok2– Tôi sắp kể với anh một chuyện rùng rợn nhất đời này. Chuyện này có thể làm nhiều người nghe không tin đâu, nhưng tôi hứa danh dự là không thêm bớt. Chuyện này rùng rợn đến nỗi tôi tin rằng cả anh, anh cũng không dám viết ra thành truyện. Vì vậy tôi thấy không cần phải bắt anh hứa sẽ không khai thác chuyện này. Nhất là chuyện lại liên can đến một người bạn thân của hai chúng ta…
Tuy nói là sắp nói về chuyện Hoàng Giác, tôi đột ngột hỏi Thành về một người khác:
– Anh biết Lê Kim chứ?
Thành gật đầu:
– Biết! Lê Kim, bác sĩ chuyên khoa giải phẫu một thời được coi là người có tương lai sáng nhất trong ngành y khoa Việt Nam, một thời làm Khoa Trưởng, nổi tiếng xuất sắc khi trình bày luận án ở bên Pháp… Tôi có gặp hắn vài lần có chào hỏi nhau nhưng thân thiết như bạn thì không. Nhiều người nói hắn… dở người, hơi khùng. Con nhà giầu, học giỏi, đỗ đạt cao, danh vọng lớn… nhưng hắn đột nhiên bỏ hết. Hắn tự ý xa lánh mọi h h, không biết hắn ở ẩn để nghiên cứu khoa học hay là để tu hành? Hình như vợ hắn đẹp lắm thì phải? Nghe nói vợ hắn là hoa khôi đất Thần Kinh?
– Ðẹp lắm – tôi đáp – Chính vì nàng đẹp quá như thế chuyện ghê gớm này mới xẩy ra. Nếu nàng không có nhan sắc, hoặc chỉ đẹp vừa vừa thôi, chắc nhiều người đã không đến nỗi giết nhau vì nàng.
– Vợ chồng họ còn ở với nhau không nhỉ?
– Ly dị nhau lâu rồi. Nhà báo như anh chán bỏ mẹ, nhà báo mà rất nhiều chuyện cần biết lại không biết…
– Họ bỏ nhau bao giờ?
– Ðầu năm ngoái…
Thành tự bào chữa:
– Ðầu năm ngoái thì không có gì lạ, nếu moa không biết. Cậu quên là nửa năm ngoái moa ở Hoa Kỳ sao?
Tôi gật đầu. Thành đưa vào chuyện một câu triết lý thông thường:
– Có vợ đẹp là một tai họa. Từ ngày trái đất có loài người đến giờ đã có không biết bao nhiêu là thằng đàn ông thân bại danh liệt vì có vợ đẹp. Chết vì vợ đẹp nữa chứ chẳng phải chỉ thân bại danh liệt mà thôi! Chuyện những anh đàn ông chẳng may có vợ đẹp mà bị người khác giết đầy dẫy trong tập Ðông Chu Liệt Quốc. Ðại thần có vợ đẹp để cho vua đa dâm, hiếu sắc trông thấy, lập tức vua nó hại đại thần, nó cho đại thần đi tầu suốt để chiếm vợ. Kể cả những anh vua có vợ đẹp cũng khốn nạn cuộc đời khi bị thằng vua nước lớn hơn nó thích vợ mình. Như vụ nàng Tức Mặc, vợ vua nước Sái, hay nước Trần gì đó bị vua Sở chiếm mất đó…
– Và cũng có những anh đàn ông không may yêu phải vợ đẹp của người khác cũng bị chồng họ giết chết. Ðó là trường hợp của Hoàng Giác, người bạn không may của chúng ta. Chắc anh biết rằng Hoàng Giác trước đây là bạn thân của vợ chồng Lê Kim? Hoàng Giác mà lỉnh kỉnh với vợ Lê Kim không là chuyện lạ. Kể về phương diện đàn ông, Hoàng Giác hào hoa phong nhã hơn Lê Kim nhiều chứ? Về nghệ thuật chiều chuộng đàn bà và đức tính chịu khó chiều đàn bà thì hắn hơn xa bọn mình. Mà hắn hình như chỉ thích yêu đàn bà khi người đàn bà đó là vợ người khác. Chắc hắn chinh phục được vợ Lê Kim chứ?
– Chinh phục được. Vì thế hắn mới chết…
– Nói vụng vong linh hắn, kể ra thì hành động quyến rũ vợ bạn, nhất là khi người bạn đó lại là bạn thân thiết của mình là một hành động khó tha thứ được. Ngay cả trường hợp nếu không có mình thì người đàn bà ấy rồi cũng bỏ chồng…
Không muốn nói nhiều hơn về tội lỗi của người đã chết, tôi ngắt lời Thành:
– Hắn đã chết rồi. Hắn đã trả nợ cái lầm lỗi lớn đó. Thực ra việc Hoàng Giác chiếm được Lệ Ngọc – tên người hoa khôi thần kinh là Lệ Ngọc – không làm cho tôi thấy lạ. Chuyện làm tôi lạ là chuyện tại sao một người đàn ông như Lê Kim lại lấy được người đàn bà đẹp như Lệ Ngọc làm vợ?? Có lẽ là khi lấy chồng, Lệ Ngọc hãy còn quá ít tuổi, nàng chưa biết gì về cuộc đời. Có thể là gia đình nàng muốn nàng kết h ôn với ông bác sĩ con nhà giầu mới du học về nước đó. Ðể rồi khi chung sống với nhau, nàng mới biết rằng người đàn bà, nhất là đàn bà đẹp và đa tình, cần có một tình nhân làm chồng chứ không cần có một anh thầy thuốc, dù là thuốc Tây có tài nổi tiếng thế giới, quanh quẩn suốt ngày đêm cạnh họ. Dù không giao du mật thiết lắm với Lê Kim, ta cũng dư biết rằng Lê Kim có thể là một bác sĩ có tài nhưng không thể là một người chồng nhiều đức tính. Ít nhất người đàn ông như Lê Kim cũng không sao có thể làm cho người đàn bà xứ Huế, đa tình và đẹp như Lệ Ngọc phải yêu, phải mê, phải hy sinh. Mà thật ra thì Lê Kim cũng không coi vợ và tình yêu lớn bằng sự nghiệp của y. Có thể là y không chú ý gì lắm đến vợ. Sau khi cưới được nàng làm vợ rồi, có thể là y coi như vậy là xong, vấn đề đã kết liễu, y sẽ có người đàn bà đó ở bên cạnh suốt đời…
Thành buông nhẹ một câu kết luận:
– Nếu đúng như thế thì Lê Kim đã lầm lớn!
– Có thể! Nhưng Lê Kim cũng là loại đàn ông suốt đời không xâm phạm đến của riêng của người khác không thèm thuồng những cái người khác có, nhưng cũng nhất định không chịu yên khi người khác xâm phạm vào những cái gì y coi là của riêng của y. Y coi Lệ Ngọc là của riêng của y suốt đời. Y không nghĩ rằng Lệ Ngọc sống không có hạnh phúc với y và người đàn bà vừa đẹp vừa đa tình như nàng không đời nào có thể sống mà không có tình yêu, không có hạnh phúc. Y không chịu nghĩ rằng dù không có Hoàng Giác, vợ y rồi cũng bỏ y. Có thể nàng còn bỏ y sớm hơn nếu nàng không gặp Hoàng Giác, hoặc nói một cách khác, nếu chồng nàng không có Hoàng Giác là bạn. Nói tóm lại là Lê Kim coi như Hoàng Giác là thủ phạm làm cho gia đình y tan vỡ, Hoàng Giác là tên bạn phản phúc đã quyến rũ vợ bạn, làm cho vợ bạn bỏ chồng… Y bắt Hoàng Giác phải đền tội. Ðó là lý luận của y.
Tôi dừng lại để uống một hớp rượu lớn. Chất rượu mạnh này làm cho tôi tăng thêm tinh thần để có thể sống lại những giây phút kinh dị ấy và kể lại chúng.
– Vợ chồng Lê Kim sống với nhau được hai năm. Trong hai năm chung sống ấy, Lệ Ngọc có thể bị thất vọng, bị khổ sở đến hai mươi bốn tháng. Cưới vợ được chừng nửa năm thì Lê Kim đi với một phái đoàn thám hiểm Pháp vào sâu trong vùng rừng rậm Phi Châu huyền bí và man rợ. Cuộc hành trình này cũng kéo dài cả sáu tháng. Ðó là thời gian Lệ Ngọc gần Hoàng Giác nhất và hai người bắt đầu yêu nhau. Lệ Ngọc đã tính chuyện đòi ly dị chồng ngay khi chồng nàng đi thám hiểm xa trở về nhưng chính Hoàng Giác lại là người thuyết phục nàng không nên làm gấp quá…
Thành nhìn tôi. Ðôi mắt thoáng hiện ánh nghi ngờ. Nếu Thành nghi cho tôi thầm yêu Lệ Ngọc, y cũng không có lỗi gì, và y nghi ngờ không sai sự thực mấy. Tôi có thể quả quyết là không một gã đàn ông nào, kể cả đàn ông có vợ đẹp nữa, gần Lệ Ngọc mà lại không thấy thầm yêu nàng, thầm tưởng tượng ra một cuộc sống yêu đương với nàng. Chỉ có điều khác là sự ước ao mơ tưởng này không có điều kiện trở thành sự thực, vì thiếu can đảm, vì sợ bất trắc, vì cả trăm nguyên do khác, còn với Hoàng Giác, mọi điều kiện thuận lợi đều có đủ. Hoàng Giác đẹp trai, hào hoa, chưa vợ và Hoàng Giác chỉ thích yêu đàn bà có chồng, Hoàng Giác bị hấp dẫn vì đàn bà có chồng nhiều hơn là bị hấp dẫn vì những người con gái.
Tuy nhiên, tôi thấy việc thú thực tình cảm của tôi với Lệ Ngọc trước mặt Văn Thành là việc không cần thiết. Nên khi Thành hỏi:
– Sao toa biết nàng muốn như thế?
Tôi cắt đứt sự nghi ngờ nhen nhúm trong óc y bằng câu trả lời thản nhiên:
– Chính Lệ Ngọc nói với tôi như thế.
Thành hiểu tôi nghĩ gì, y lặng yên.
– Họ lại sống chung với nhau nửa năm nữa. Trong thời gian này, Lệ Ngọc đã yêu Hoàng Giác nhưng Lê Kim vẫn không biết. Hắn như kẻ sống trong tòa nhà sắp đổ mà vẫn tưởng là an ninh. Văn hoa hơn, ta phải nói hắn như con chim sống ở góc mái nhà một căn nhà đã cháy một góc mà khônghề hay biết, không hề nghi ngờ. Sáu tháng sau, Lê Kim lại đi chuyến thám hiểm vào rừng núi Phi Châu lần thứ hai. Lần này thì Lệ Ngọc không còn có thể chịu đựng được nữa. Chuyến đi xa không cần biết vợ ở nhà sống ra sao của Lê Kim không phải là một giọt nước mà là cả một thùng “ton-nô” nước, cả mấy chục tấn nước, đổ vào bát nước đã đầy tràn từ lâu là sự chán chồng của người đàn bà đa tình ấy. Và vào thời gian này, Hoàng Giác cũng thấy là Lệ Ngọc đã “chín mùi”. Nếu Hoàng Giác còn khuyên Lệ Ngọc chịu đựng lâu hơn nữa, nàng sẽ nghĩ là Giác không yêu nàng, và nàng sẽ bỏ Giác để đi theo một người đàn ông khác sốt sắng với việc nàng bỏ chồng hơn.
Ðến ngày Lê Kim gần trở về, Hoàng Giác đưa Lệ Ngọc đi sống ở một nơi kín đáo chỉ có một mình hắn biết.
Cùng ngày ra đi, Lệ Ngọc đệ đơn xin ly dị chồng.
Lê Kim trở về. Cũng như lần trước, Kim đánh điện về nhà cho vợ báo tin mình về. Nhưng khi Lê Kim xuống phi cơ ở Tân Sơn Nhứt, hắn tìm mãi không thấy cô vợ trẻ trong số người ra đón thân nhân đi xa về. Kim về nhà và thấy tòa nhà lớn của mình đóng cửa im ỉm. Gia nhân của Kim ra đón ông chủ, báo tin bà chủ đã đi khỏi được ít ngày trước đó, bà chủ không nói là đi đâu, chỉ dặn là có thư để lại cho ông chủ. Lê Kim ngạc nhiên và thắc mắc vào phòng ngủ lạnh lẽo. Bức thư từ biệt của Ngọc để trên bàn ngủ đã có bụi phủ và y phục của nàng trong tủ áo đã được nàng mang đi gần hết.
Trong thư, Lệ Ngọc chỉ nói rằng nàng không thể sống được bên Lê Kim lâu hơn nữa, nàng ra đi làm lại cuộc đời của nàng và nàng cũng cẩn thận cho chồng biết tên luật sư nàng nhờ thực hiện cuộc xin ly dị tại tòa cùng ngày tháng nàng đệ đơn xin ly dị. Nhưng nàng chỉ không nói đến người đàn ông mới trong đời nàng, tức là nàng không nói gì đến Hoàng Giác.
Lê Kim thuộc loại đàn ông suốt đời không bao giờ hôn vợ nhưng nổi điên lên ngay lập tức khi có người đàn ông khác hôn vợ mình. Ðến lúc này Kim mới biết là mình bị tình phụ. Và Kim không làm ồn lên, không đi tìm cũng không than thở như nhiều anh bị vợ bỏ khác. Cuộc sống của Kim từ đó trôi đi im lìm như chuyện có vợ hay không, vợ bỏ hay vợ còn ở với mình, không phải là một chuyện quan trọng gì cho lắm. Nhiều người tin rằng với Lê Kim, y học quan trọng hơn tình yêu và đàn bà rất nhiều. Ngay cả Lệ Ngọc cũng tin như thế. Khi vụ án được đưa ra tòa. Lê Kim không tỏ ra chống đối ý định muốn ly dị của vợ. Lệ Ngọc được chấp thuận ly dị dễ hơn là nàng tưởng.
Tòa nhà vợ chồng Lê Kim chung sống là một trong những bất động sản do cha mẹ Lê Kim để lại. Khi Lệ Ngọc đi khỏi đó, Lê Kim cũng không ở đấy nữa. Tòa nhà rộng được đóng cửa để cho một đôi vợ chồng lão bộc trông coi. Lê Kim đi sống một mình ở một nơi khác. Nơi khác này của Lê Kim là một chiếc thuyền máy khá lớn. Thuyền này thuộc loại thuyền đi biển có thể chạy từ Sài Gòn ra Ðà Nẵng. Nó giống như du thuyền Hương Giang của Cựu Hoàng Bảo Ðại năm xưa nhưng tất nhiên là không lớn, không được đẹp bằng. Lê Kim biến thuyền máy thành một phòng thí nghiệm lưu động. Y ăn ngủ luôn dưới thuyền và ít khi có người biết đích xác thuyền này đậu đâu trên sông Sài Gòn. Và Lê Kim biến mặt hẳn trong giới trí thức, thanh lịch Sài Gòn.
Người ta quên đi Lê Kim và cặp nhân tình Hoàng Giác, Lệ Ngọc bắt đầu tính chuyện trở về sống ở Sài Gòn. Ðúng vào thời gian mà Lệ Ngọc yêu đời nhất, một buổi tối kia nàng không thấy người tình trở về tổ ấm của nàng như mọi tối.
Hoàng Giác không đến sở làm như mọi ngày và mất tích luôn. Không ai biết Hoàng Giác đi đâu. Lệ Ngọc lo sợ đi trình cảnh sát và cảnh sát mở cuộc điều tra. Một tháng rồi hai tháng trôi qua, Hoàng Giác vẫn biệt vô âm tín.
Chừng hơn hai tháng sau ngày Hoàng Giác mất tích một hôm Lệ Ngọc gọi điện thoại đến cho tôi, yêu cầu tôi đến nhà nàng ngay lập tức. Bây giờ nàng sống trong một căn phòng nhỏ ở đường Thi Sách. Nghe giọng nói kinh hoàng của nàng, tôi vội vã tới ngay, Lệ Ngọc mặt xanh như tầu lá, cho tôi biết nàng vừa nhận được một gói đồ gửi tới. Nàng chỉ gói giấy ấy cho tôi thấy trong đó là một bàn tay người.
Bàn tay người đó bị cắt tiện ở cổ tay, bàn tay một người đàn ông có đeo nhẫn hẳn hoi. Lệ Ngọc cho biết nàng vô tình mở gói ra, nàng còn kịp nhận chiếc nhẫn đó là chiếc nhẫn đeo tay của Hoàng Giác trước khi nàng ngất đi.
Kẻ gửi bàn tay bị cắt tiện của Hoàng Giác đến cho Lệ Ngọc còn cẩn thận gửi kèm trong hộp quà cái ví da có đựng thẻ căn cước của Hoàng Giác.
Tôi bàng hoàng không kém gì Lệ Ngọc. Khi trấn tĩnh lại được, tôi hỏi nàng gói quà khủng khiếp được gửi tới bằng cách nào. Tôi được biết nó được gửi tới nhà Lệ Ngọc cùng với một bó hoa tươi mua ở hàng hoa được Charner. Tên hiệu nhà bán hoa có ghi trên giấy gói bó hoa hồng Ðà Lạt. Tôi tìm đến hiệu bán hoa đó và được biết có một ông khách ngồi tắc-xi ghé qua tiệm, đưa tiền mua hoa gửi đến địa chỉ này và nhờ gửi thêm hộp quà tặng. Nhà bán hoa này vẫn nhận đem hoa khách mua tới nhà nên việc họ mang hoa đến nhà Lệ Ngọc không có gì là lạ.
Tôi thay mặt Lệ Ngọc báo cho cảnh sát biết về gói quà kinh dị. Cảnh sát đến, đem bàn tay trong hộp giấy đi. Cuộc sống của Lệ Ngọc thực sự trở thành địa ngục từ giây phút đó. Nàng như phát điên. Chỉ trong vòng vài ngày, nàng võ vàng và già đi trông thấy. Còn tôi, tôi chẳng thể làm gì được để an ủi hay trấn tĩnh nàng.
Nửa tháng qua đi. Không có gì mới xẩy ra. Ðến ngày thứ mười tám sau ngày Lệ Ngọc nhận được bàn tay trái của Hoàng Giác, gói quà thứ hai được gửi tới. Lần này nằm trong hộp giấy cùng với cái đồng hồ đeo tay là bàn tay phải của Hoàng Giác.
Lần này thì Lệ Ngọc lên cơn điên thực sự. Tôi lại được nàng gọi đến. Một hàng bán hoa khác ở Sài Gòn được nhờ gửi gói quà này cũng với bó hoa tươi. Cũng như lần trước, người bán hoa không thể tả được hình dáng ông khách ngồi trong xe tắc-xi ghé vào mua hoa và nhờ gửi theo gói quà.
Lệ Ngọc phải vào bệnh viện điều trị. Còn tôi, tôi đi tìm Lê Kim. Hai bàn tay bị cắt thật gọn cho tôi nghi rằng người cắt phải là một chuyên viên giải phẫu chứ không thể là người thường.
Nhưng tìm gặp được Lê Kim không phải là một việc dễ. Không ai biết thuyền máy của Lê Kim hiện đậu ở nơi nào. Mãi tới cả mười ngày sau trong một buổi tối đi tìm nhưng không hy vọng gì gặp được Lê Kim, tôi gặp được y trong một tiệm ăn đường Bô Na.
Có quen sơ với Lê Kim trước đó nên tôi tới ngồi bàn y, hỏi thăm y. Y có vẻ bình thường, nhã nhặn vừa phải. Y thoải mái tiếp chuyện tôi và không tỏ vẻ gì bối rối, khó chịu. Khi nói đến Lệ Ngọc, đến sự mất tích của Hoàng Giác, y tỏ ra tò mò một cách vừa phải. Nghĩa là y ngầm cho tôi biết rằng y không hề biết gì hết về vụ Hoàng Giác mất tích. Tôi hỏi y, y có biết Hoàng Giác hiện là người tình của Lệ Ngọc hay không – câu hỏi có vẻ kém lịch sự nhưng trong lúc ấy tôi không còn cách nào lịch sự hơn để dò hỏi y – y lãnh đạm nói là có.
Rồi thôi. Y không chịu nói gì thêm, chỉ ngồi hút xì gà và uống rượu. Như chúng mình đang ngồi bây giờ vậy. Ðêm ấy trời cũng có giông bão như đêm nay. Có tiếng sét nổ và Lê Kim đứng dậy cáo từ tôi.
Tôi lén đi theo y.
Như người bận làm một việc gì cần kíp, như người đang suy nghĩ một chuyện gì quan trọng nên không chú ý gì đến ngoại cảnh, Lê Kim ra khỏi tiệm ăn và ngồi vào chiếc xe hơi của y, lái đi. Tôi vào xe tôi, lái đi theo. Tôi có theo sát đít xe y, y cũng không biết.
Chúng tôi đi ra khỏi thành phố trong cơn mưa tầm tã. Lê Kim lái xe chạy về Khánh Hội, rồi lên cầu Tân Thuận, sang khu Nhà Bè. Ðêm đen kịt và mưa đổ, gió mỗi lúc một lớn khi xe y ngưng lại bên một bờ sông vắng. Du thuyền của y đậu chơ vơ một mình ở tít mãingoài giữa dòng sông. Y xuống một chiếc ca nô để sẵn ở đó và mở máy chạy ra thuyền.
Tôi đi dọc bờ sông tìm kiếm và sau chừng nửa giờ bối rối, tôi tìm được một chiếc tam bản nhỏ. Nhờ những giờ bọn mình chung tiền nhau bơi périssoire năm xưa trên Hồ Tây, tôi xuống thuyền và loay hoay cũng phải mất đến nửa tiếng nữa, tôi mới bơi ra được đến gần chỗ du thuyền của Lê Kim đậu.
Thuyền có đèn sáng. Tôi cố gắng cho chiếc thuyền nhỏ của tôi ghé thật nhẹ vào thành du thuyền. Rồi tôi rời thuyền nhỏ leo lên thuyền lớn. Sự im lặng trên du thuyền cho tôi tin rằng Lê Kim không biết có người theo dõi y đến tận sào huyệt của y.
Tôi men theo thành du thuyền leo đến khung cửa sổ có ánh đèn sáng nhất, tôi bám vào thành cửa sổ có gắn kiếng nhìn xuống lòng du thuyền. Cảnh tôi nhìn thấy qua khung cửa đó làm cho tóc tôi đứng dựng hết lên.
Nơi tôi nhìn xuống là phần chính của lòng du thuyền. Trong đó, ngoài ánh đèn còn có ánh lửa sáng bập bùng. Lửa phát ra từ một lò than rất lớn đặt ngay giữa thuyền. Lê Kim bận áo “bờ lu” trắng như khi y ở trong phòng giải phẫu, hai tay múa may lưỡi dao, đi đi lại lại, vừa đi vừa nói lớn một mình. Cơn bàng hoàng qua đi, tôi nhận thấy có máu vấy trên áo y và trên lò than có một cái chảo lớn, trong lòng chảo đang được rán một khối thịt tròn, lớn như cả một con bê.
Không cần nhìn kỹ hơn, tôi cũng biết Lê Kim đang lên cơn điên loạn và khối thịt đang được rán vàng trong chảo mỡ kia là thịt… gì, thịt ai?? Sự phát giác ấy làm cho toàn thân cứng đờ ra, máu tôi như ngừng chạy và nước mưa ướt đẫm quần áo tôi làm cho tôi không còn cử động được nữa…
Tôi bị mưa lạnh làm tê liệt cả người. Tôi ngã sấp mặt xuống khung cửa sổ và… rầm… một tiếng, kiếng vỡ, tôi rớt xuống lòng du thuyền như một trái mít rụng.
Sự xuất hiện đột ngột của tôi cũng làm cho Lê Kim đứng sững mất vài giây đồng hồ. Sự bất động ấy của y cho phép tôi còn sống. Cơn sợ hãi vì biết mình gặp nguy hiểm có thể chết làm cho tôi có một sức mạnh lạ lùng. Tôi vượt được cơn tê liệt của bắp thịt, tôi chồm dậy được vừa vặn đúng lúc Lê Kim, mắt trợn lên rực lửa, miệng há ra hét lớn, tay cầm dao chạy tới đâm tôi…
Y trượt chân trên vũng máu tươi trơn trợt trên sàn tầu và ngã chúi mặt vào lò than hồng. Phản ứng của tôi đến thật nhanh… Ðêm nay… một là y chết, hai là tôi phải chết… Tôi bước tới nhặt lưỡi dao nhọn rớt trên vũng máu tươi, nghiến răng đâm sâu tới cán dao xuống ót tên quỷ sống…
Mùi thịt người nồng nặc trong căn phòng kín sau đó làm tôi choáng váng muốn ngất đi. Tôi vội hành động thật nhanh để có thể ra khỏi được nơi địa ngục này trước khi ngã ngất… Tôi khuân bình ét-xăng trong góc thuyền ra đổ lênh láng trên sàn… Tôi leo với xuống thuyền và chèo như bị ma đuổi. Tôi rời xa du thuyền được chừng trăm thước thì lửa vàng vọt lên từ đó và du thuyền phát nổ… Tàn lửa rớt cả xuống đầu tôi…
Giông bão nổi lớn hơn bên ngoài và Văn Thành ngồi lặng đi.
Tôi thâu hết can đảm để nói hết, vì tôi biết rằng nếu đêm nay tôi không nói được ra hết những kinh dị của tôi đêm đó, suốt đời tôi sẽ không bao giờ còn có đủ can đảm để kể lại chuyện này:
– Thì ra Lê Kim đã bắt cóc được Hoàng Giác. Y bắt sống được Hoàng Giác và đưa tình địch về nhốt dưới du thuyền đó bằng cách nào, chỉ có y và Hoàng Giác biết. Lê Kim không giết Hoàng Giác ngay. Y để Giác sống và hành hạ. Nhờ tài giải phẫu có thể cưa chân, cắt tay người ta mà không làm cho người bị cắt phải chết, Lê Kim đã cắt một tay Hoàng Giác để gửi cho Lệ Ngọc. Y làm cho cổ tay bị cắt của nạn nhân cầm máu, chích thuốc khỏe cho nạn nhân, chờ cho nạn nhân mạnh lại mới cắt bàn tay bên kia… Ðêm hôm đó khi thấy tôi đến làm thân, nói chuyện với y, Lê Kim biết là tôi ngờ y là thủ phạm, y vội vã bỏ về thuyền và giết luôn Hoàng Giác. Cũng có thể là Hoàng Giác đã chết trước đêm đó…
Thành rùng mình:
– Như vậy là Hoàng Giác vẫn sống cả mấy tháng trời trong lòng cái du thuyền đó hay sao?
– Chắc thế!
– Nhưng còn khối thịt toa nhìn thấy trong chảo mỡ??
– Trong thời gian thám hiểm rừng sâu Phi Châu, Lê Kim chuyên khảo cứu về phong tục đặc biệt của giống dân ăn thịt người. Y có viết một báo cáo tường tận về tục ăn thịt người… Nấu nướng thịt người ra sao, chỗ nào ngon nhất… Tại sao người đã ăn thịt người một lần rồi cứ khoái, cứ thèm ăn thịt người mãi… Trong báo cáo, chính Lê Kim có viết để người đọc hiểu ngầm rằng nhiều lần y đã thưởng thức món đó mấy lần…
Có tiếng sét nổ rền trời. Ðêm Sài Gòn và gió lạnh lùa vào tận góc phòng kín này.
Một lần nữa Thành rùng mình.
Anh nói như người rên rỉ:
– Thôi… Thôi… Ðừng kể nữa… Gọi lấy thêm rượu! Sao thấy lạnh quá..!.
Hoàng Hải Thủy
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...