Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

"Tứ trụ cao thủ" phái Thiếu Lâm trong tiểu thuyết Kim Dung gồm những ai

"Tứ trụ cao thủ" phái Thiếu Lâm trong
tiểu thuyết Kim Dung gồm những ai?

Dù ở bộ tiểu thuyết nào đi nữa, Thiếu Lâm Tự luôn là nơi ngọa hổ tàng long, ẩn chứa nhiều cao thủ với tu vi võ công thượng thừa mà người đời ít biết tới.
Phương Chứng đại sư
Xuất hiện trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, Phương Chứng đại sư lúc bấy giờ đang là chưởng môn phái Thiếu Lâm, đức cao vọng trọng. Tuy nhiên, khác với tưởng tượng của Lệnh Hồ Xung hay các nhân sĩ giang hồ khác, Phương Chứng đại sư xuất hiện với vẻ ngoài rất “bình dị”: “Một vị lão tăng người thấp lùn nhỏ bé, với vẻ mặt sầu khổ không hiểu đã bao nhiêu tuổi”.
Võ công của vị đại sư này đã đạt tới mức xuất thần nhập hóa. Với nội công Dịch Cân Kinh hùng hậu lại có thêm Thiên Thủ Như Lai Chưởng thâm sâu, Phương Chứng đại sư còn tỏ ra “trên cơ” Nhậm Ngã Hành.
Nếu như độc giả thán phục trước tu vi tuyệt thế của Phương Chứng đại sư 9 phần thì còn ngưỡng mộ bởi tấm lòng từ bi của ông 10 phần. Bất chấp việc Nhậm Doanh Doanh từng sát hại vài đệ tử Thiếu Lâm, ông vẫn sẵn lòng cứu giúp Lệnh Hồ Xung, thậm chí còn ngỏ lời muốn truyền thụ Dịch Cân Kinh nếu hắn chịu gia nhập phái Thiếu Lâm.
Sau này, khi quần hùng tụ tập đối phó Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên, dù cán cân lực lượng chênh lệch hẳn về chính phái, Phương Chứng đại sư vẫn đưa ra yêu cầu rất… công bằng. 3 trận đấu, 6 người tham gia, chính phái thắng thì tạm giam 3 vị lại chùa 10 năm để tạo phúc cho đồng đạo, chính phái thua, 3 vị được tự do xuống núi.
Không Kiến thần tăng
Không xuất hiện trực tiếp nhưng Không Kiến thần tăng vẫn khiến độc giả phải thừa nhận qua lời kể của Tạ Tốn trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Lúc đó, Không Kiến thần tăng cũng đang là “phương trượng” chùa Thiếu Lâm, đứng đầu “tứ đại thần tăng”, người duy nhất luyện thành Kim Cương Bất Hoại Thể Thần Công trong tất cả các bộ truyện của Kim Dung.
Sau khi Thành Côn bái ông làm thầy, vì muốn hóa giải thù hận giữa kẻ đại ác nhân này với Tạ Tốn, Không Kiến thần tăng đã lấy thân mình để hứng trọn 13 quyền Thất Thương.
Theo lời Tạ Tốn, mỗi quyền ông đánh ra, Không Kiến thần tăng lại tiến lên một bước, dùng cơ thể đỡ trực tiếp Thất Thương Quyền, làm phản lực dội ngược lại người ra chiêu. Tạ Tốn đánh ra càng mạnh, lực phản lại càng lớn. Tuy nhiên, do sự cố, Không Kiến thần tăng đã viên tịch, để lại nuối tiếc lớn nhất đời cho Kim Mao Sư Vương.
Giác Viễn đại sư
Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo lúc bấy giờ vì muốn tỉ thí với võ học Thiếu Lâm, cũng tiện đường chuyển lời sau cuối của Doãn Khắc Tây mà quyết lên núi. Ông đã chạm trán Giác Viễn đại sư, chỉ là nhà sư trông coi Tàng Kinh Các, hàng ngày quét bụi, lau ghế, chống mối mọt. Tuy nhiên, do vô tình học được cuốn “kinh lăng già”, Giác Viễn đại sư đã luyện thành Cửu Dương Thần Công vô cùng thâm hậu, đả bại Hà Túc Đạo, khiến y tuyệt vọng, đau đớn khi biết mình còn thua cả kẻ vô danh chốn Thiếu Lâm.
Xuất hiện ở cuối Thần Điêu Đại Hiệp, Giác Viễn đại sư là nhân vật làm tiền đề cho sự xuất hiện của Trương Tam Phong (Trương Quân Bảo) sau này. Ông là một nhà sư rất đỗi bình thường nhưng cơ duyên lại học được Cửu Dương Thần Công, đánh bại cường địch, càng khiến uy danh phái Thiếu Lâm nổi bật trên giang hồ. Trường hợp của Giác Viễn đại sư chính là minh chứng cho câu nói Thiếu Lâm xuất cao thủ, ngọa hổ tàng long.
Vô danh thần tăng
Nói là “vô danh” vì nhân vật này vốn không được Kim Dung đặt tên, thân phận lại càng bình thường hơn nữa, chỉ là nhà sư chuyên… quét lá trong chùa. Xuất hiện ngắn ngủi ở Thiên Long Bát Bộ, Vô danh thần tăng để lại ấn tượng mãnh liệt với toàn bộ bạn đọc. Chẳng ai biết môn võ công của vị sư này là gì, ông đã luyện qua bao nhiêu năm hay thực chiến với những kẻ địch cao cường thế nào. Chỉ biết rằng, với 2 chưởng, Vô danh thần tăng đã đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn, chỉ dùng 1 tay để đỡ Hàng Long Thập Bát Chưởng từ Kiều Phong, người được coi là cao thủ mạnh nhất lúc bấy giờ.
Theo nhiều ý kiến đánh giá, Vô danh thần tăng đã rèn luyện võ học từ thuở còn rất bé cho tới tận lúc này, toàn bộ chiêu thức, toàn bộ tuyệt học từ phái Thiếu Lâm đều ẩn tàng trong vị thần tăng bình dị. Những cao thủ đương thời lúc đó khi đối mặt Vô danh thần tăng đều thua thiệt vài phần, ngay cả Kiều Phong là ngườisử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng tinh túy nhất cũng có vẻ kém cạnh. Như vậy mới đủ thấy nền tảng võ học từ phái Thiếu Lâm được cố nhà văn Kim Dung lồng ghép khéo léo tới mức nào.
Đặc biệt, Vô danh thần tăng dù không có tên tuổi, thân thế cũng bí ẩn nhưng lại là nhân vật được độc giả xét vào hàng “cao nhân ẩn thế”, sức mạnh quán tuyệt thiên hạ trong suốt các bộ tiểu thuyết Kim Dung. Tu vi võ công của ông còn được so sánh với 2 nhân vật nổi tiếng khác là Độc Cô Cầu Bại và Trương Tam Phong, cũng là những nhất đại cao thủ khó ai sánh bằng.
23/10/2023
Tổ Quốc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...