Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Làm sao em biết bia đá không đau …

Làm sao em biết bia đá không đau …

Tôi là người thích văn nghệ nói chung, nhất là âm nhạc. Nhưng không hiểu tại sao đã lâu lắm rồi, tôi không còn đi nghe những chương trình ca nhạc được tổ chức một cách quy mô và chuyên nghiệp. Vì thời gian? Vì nghĩ rằng thật hoang phí? Vì nhiều lý do …
Dần dần tôi nhận ra, tất cả những điều đó chỉ là nguyên nhân phụ.
Bây giờ tôi đã hiểu rằng, để “nghe” âm nhạc (hiện giờ nhiều người đi “xem” âm nhạc) cho trọn vẹn, thì không quan trọng đó là ai hát; ca sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng hay chỉ là những người bình thường, người yêu ca hát. Mà quan trọng nhất là họ đã trải lòng cùng âm nhạc như thế nào, âm nhạc đã nâng cánh cho họ ra sao. Tôi sợ nhất những ca sĩ với làn hơi khỏe khoắn, hát với một kỹ thuật điêu luyện, nhưng hát như trả bài …
Tôi đã rưng rưng nghe một cụ già ở tuổi “cổ lai hy” cố gắng giữ nhịp và run run hát: “em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ…”. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt sâu hằn vết chân chim ấy ánh lên khát vọng, niềm nhớ tiếc một thời thanh xuân, say mê ca hát nhưng bị cấm đoán bởi quan niệm cỗ lỗ “xướng ca vô loài” nên đành phải cất đam mê ấy cho đến lúc không còn muốn cất nữa …
Tôi đã từng lặng lẽ nhìn một người bạn của mình giữ chặt micro hát mê mải: “xin cho em một lần được gọi tên anh, một lần được nhung nhớ anh…” với những giọt lệ rưng rưng không kềm giữ, và đọc trong đó niềm hạnh phúc được tỏ bày …
Âm nhạc có một năng lực kỳ lạ, nó khiến con người đến gần nhau, nó nói dùm con người những gì không thể nói bằng lời bởi sự hữu hạn của ngôn từ và của những rào cản vô hình. Và trên tất cả, nó khiến con người tìm thấy sự bình đẳng trong dàn trải vì bất cứ ai cũng có thể hát với tất cả đam mê, với tất cả niềm hạnh phúc khi thả mình trong tiếng hát tiếng đàn. Âm nhạc giữ dùm rất nhiều những kỷ niệm đời xanh tươi hay úa héo. Vì vậy, khi con người thật thà cất lên tiếng hát của chính trái tim mình, khi nương cánh cùng âm nhạc, tâm hồn họ cũng vươn lên cao và xa hơn những giới hạn ngặt nghèo của cuộc sống khắc nghiệt. Mọi đớn đau phiền muộn chất chứa như lớp trầm tích bỗng òa vỡ thành dòng thác tuôn tràn trong mùa lũ, rồi lắng đọng dần và róc rách tựa dòng suối lượn quanh những khe đá rong rêu …
Hãy gửi lòng mình vào âm nhạc khi nỗi buồn chất ngất, bởi chung quanh ta, nỗi buồn luôn hiện hữu, nhưng ta đã thả nó vào trong âm nhạc, “hát lên cho đời sống vơi đi niềm đớn đau…” , đã tìm ra cứu cánh để băng qua nỗi buồn.
Và không chỉ như thế, ta còn có những phút giây hạnh phúc, hạnh phúc khi được tỏ bày, hạnh phúc hơn nữa bởi có những người đã nghe ta hát, và đồng cảm với ta …
Con người vẫn luôn là con người, vẫn cần những sẻ chia bằng cách này hay cách khác, vì có như thế nào, thì “ngày sau sỏi đá… cũng cần có nhau” 

bacsiletrungngan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã sống một cuộc đời kẻ sĩ 28 Tháng Tư, 2021 Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) trở thành nhân vật chính được m...